Chương 42: Ra mắt

Hôm nay ba má đều ăn mặc tươm tất, cũng chậm rãi ăn sáng, cà phê xong xuôi mới lên xe anh Tư Bốn chờ sẵn.

– Đi khách sạn Tây ngay nhà hát lớn.

Ba Hoài dặn anh Tư Bốn lúc bước lên xe. Liên không rõ ba và anh Hai đã bàn tính những gì, cô cứ làm theo là được.

Khách sạn Continential đã có hàng dài các xe hơi đậu dọc theo lề đường. Anh Tư phải dừng xe ở phía xa. Ba người bước xuống đi về cửa chính khách sạn.

Ba Hoài đi thẳng vào sảnh, hỏi cô tiếp tân.

– Tôi muốn gặp cậu hai ở Tân Châu.

– Xin hỏi ông tên gì?

Sau một cuộc điện thoại, có anh bồi dẫn ba người lên phòng lầu môt. Liên và má Ngọc đều giựt mình nhìn người thanh niên ăn bận sáng láng bảnh bao trước mặt. Anh Hai đã cạo râu, khuôn mặt không còn bị lớp râu, cũng không có cái nón nỉ che khuất, lộ ra hàm vuông, trán rộng và nước da trắng trẻo hiếm thấy. Đúng là có sáu bảy phần giống ba Hoài. Dáng người cao ráo hơn, hàng mày đậm hơi xếch làm tăng cảm giác nghênh ngang mà khí phách.

Má Ngọc xúc động, mắt đã đỏ, đưa tay vuốt tay áo, rồi định vuốt mặt anh Hai. Nhưng mà ảnh né ra, rồi đứng lui lại, hơi nhăn mày. Má Ngọc hơi sựng một lát, ừ, nó đã lớn rồi, cũng không thể làm như lúc còn nhỏ dại được.

Liên thoáng thấy cái va li đặt trên sàn gần cửa, không khỏi phục tài anh Hai và ba Hoài khéo sắp xếp. Anh Hai không thể lấy thân phận Năm Đẩu để quay về trở thành cậu Hai nhà họ Châu. Vậy thì cách hay nhứt là làm một thương nhân từ lục tỉnh lên, là con nuôi của một gia đình nào đó.

– Đi, xuống sảnh ăn sáng.

Lúc nãy vừa ăn sáng ở nhà mà, xem ra ba Hoài đã sắp đặt đâu đó xong xuôi hết rồi. Lúc bước xuống khu ăn uống sang trọng thì đã có bàn đặt sẵn. Các quan chức người Pháp ít khi đến công sở trước chín giờ, họ vẫn còn ngồi ăn sáng, uống cà phê nhàn nhã. Thương nhân thì lại càng thong thả hơn, ít ai bàn việc làm ăn vào lúc sáng sớm như vầy. Không khí trong dãy nhà hàng vừa rộn ràng lại vừa thư thái.

Cái bàn bốn người ngồi ở vị trí rất bắt mắt. Khăn trải bàn trắng muốt, ghế lưng dựa bọc vải mun vàng hoa sứ. Dĩa muỗng xếp đặt tinh tế, sẵn sàng phục vụ. Vừa ngồi xuống thì có người quen bước lại chào ba Hoài. Ba đứng dậy chào hỏi rồi giới thiệu anh Hai Liêm.

– Hả? Mừng cho anh, tìm được cậu nhà rồi!

– Cảm ơn anh, vài hôm nữa mời anh đến chia vui.

– Đến chứ, lần này đãi lớn phải không?

Ha ha, tiếng hai người nói chuyện làm các bàn xung quanh chú ý. Rồi những người chỉ quen biết sơ sơ nghe chuyện cũng lại chúc mừng. Anh Hai đứng im nghe ba Hoài giới thiệu, chào khách, trả lời một hai câu. Liên thấy anh Hai dần dần mất kiên nhẫn. Má Ngọc thì lo anh còn mệt do vết thương nên đứng dậy nói.

– Tôi lên phòng lấy va li. Con còn món gì ở ngoài không?

– Không, lấy cái va li là được.

Cuối cùng cũng thoát ra được bên ngoài, Liên đi trước kêu xe anh Tư Bốn đậu đàng xa. Cô ngoắc tay thêm một chiếc xe ngựa khác, kéo va li lên theo. Xe ngựa cũng không đủ rộng cho bốn người, mà nhìn anh Hai vậy thì tốt hơn nên tránh xa một chút. Nếu là mình mà bị kêu ra đứng cho người ta nhìn nhìn ngó ngó cũng khó chịu thiệt.

Chuyện tiếp theo khi về nhà là anh Hai ở phòng nào? Tính tới lui thì ba Hoài nhường cái phòng làm việc cho anh Hai ở tạm. Anh Tư Bốn nhanh chân chạy ra cửa tiệm gần đó mua giường chiếu gối đủ bộ. Chị Bảy A nghe vậy cũng vào phụ dọn dẹp, sắp xếp.

Một buổi sáng cả nhà bận rộn dọn xong phòng, rồi nấu cơm nước ăn trưa. Liên không ra cửa tiệm mà ở nhà nghe má sắp đặt. Em Bê cứ nhìn anh Hai riết, dì Tư thì hít hà, chắt lưỡi rù rì với má Ngọc. Đúng là anh Hai rất ra dáng công tử đào hoa.

Vừa đợi anh Hai vô phòng nghỉ thì ngoài này dì tư đã cười nói.

– Cậu hai giống ông chủ thiệt, coi bộ dáng còn uy phong hơn.

Liên hơi phì cười nghe dì Tư tả, gì mà uy phong; cũng không phải tướng quân ra trận. Dì Tư bị lậm cải lương, hát tuồng quá rồi.

Bốn người ngồi quanh mấy xấp vài chuẩn bị may quần áo cho anh Hai. Được một lát thì có tiếng chuông cửa, chú tư Châu Tân bước vào.

– Nghe người ta nói tìm được thằng Hai rồi hả chị?

Giọng chú hơi trầm, không cảm xúc.

– Phải đó chú, nhà tôi mầng quá. Nãy tôi có gọi dây thép nhắn thím với mấy đứa nhỏ lên chơi. Trước là gặp thằng Hai, sau là mua sắm đồ cho con Thanh từ từ.

– Cái đó tính sau đi, anh chị có chắc là thằng Hai không? Hay là thằng bá vơ nào đó.

Dì Tư vui vẻ cười nói.

– Là cậu hai thiệt đó chú, giống y chang ông chủ mà, …

– Chị biết gì!

Mọi người đều yên lặng khi nghe giọng chú tư nạt ngang. Ba Hoài đã đi xuống từ bao giờ, lên tiếng.

– Chú lớn tiếng cái gì? Con tôi chẳng lẽ tôi không nhìn ra.

Thấy ba Hoài đi lại ngồi xuống bàn, rót chén trà nhấp giọng. Chú tư cũng đi qua đó, vẫn nói.

– Nhìn mặt ngoài, bộ dáng sao chắc được. Nó đâu, tôi nhìn coi phải không?

Trời, hỏng lẽ chỉ có chú mới nhìn ra!

Ba Hoài không vội vàng, uống thêm ngụm nước nữa mới nói.

– Ngày mai tôi dẫn nó lên văn phòng hộ tịch làm bằng cớ.

– Anh gấp cái gì? Có chắc không?

Thấy ba Hoài hình như không phản ứng lời mình. Chú tư có vẻ nóng nảy lại hỏi tiếp.

– Nó đâu? Tôi nhìn coi nó giống anh cỡ nào?

– Nó đang nghỉ ngơi trong phòng. Chút nữa nó dậy thì chú gặp.

Châu Tân làm gì còn tâm trạng mà thong thả chờ đợi. Lúc nãy, ông còn vừa mời được mấy bạn hàng lớn của hãng dệt đến nhà hàng ăn trưa đặng có lời sắp đặt, chưa kịp nói gì thì có người quen đi ngang vỗ vai chúc mừng. Tới chừng nghe được chuyện thì ông vội vã xin kiếu chạy về đây. Chuyện lớn vậy mà anh hai không nói mình một tiếng, thiệt là quá lắm!

Bây giờ nhìn ảnh thản nhiên ngồi đó giống như thằng kia chắc là con vậy! Không thể nào, làm sao chuyện này có thể xảy ra? Mấy hôm nay chuyện ở Tân Châu làm ông rối tinh rối mù, lo giải quyết hậu quả. Không ngờ là đúng lúc này lại xuất hiện một người xưng là thằng Hai, chắc chắn là có âm mưu gì đây?

Châu Hoài kín đáo quan sát gương mặt em trai đổi sắc từ nóng nảy sang giận giữ rồi ánh mắt lóe lên tia hiểm độc. Ông không khỏi thở dài, trong đầu lại vang lên câu nói của Phó Trần “Chuyện nhà ông tự xử lý, nếu không tôi sẽ ra tay.” Xem ra mình phải ra tay rồi, nếu để lâu ông Phó bên kia mà động tay thì không thể cứu vãn được.

– Chú ăn cơm chưa? Uống chén trà là nó dậy mà. Thanh niên trai tráng chỉ giỏi lấy đêm làm ngày!

Châu Tân nghe tiếng anh trai nói như than vãn chuyện thằng Hai này là dân ăn chơi trác táng. Vậy là ảnh có điều tra qua rồi. Thật là thằng Hai Liêm sao? Xưa nay anh hai mình cũng không phải bộp chộp, huống gì là chuyện quan trọng này.

Nhưng mà thằng Hai từ trên trời rơi xuống này đã phá tan hoang kế hoạch của mình. Công cán bao năm nay của mình bỏ ra đành trôi sông trôi biển, cho nó hưởng hết, làm sao được? Mình không dễ dàng buông tay vậy!

Nghĩ đến đây, Châu Tân vội vàng đứng dậy nói.

– Tôi có chút việc, xế chiều quay lại gặp nó cũng được.

Nói rồi chú tư vội vàng đội nón đi ra. Trong nhà quay lại chuyện dang dở lúc nãy. Lúc còi xe lửa hụ dác bốn giờ chiều, dì Tư Lành nói.

– Giờ này coi thiếm tư lên rồi chớ!

Đúng y lời, thiếm tư, em ba Thanh và em tư Thủy lắc chuông cửa đi vào. Má với thiếm tư lại vừa mừng vừa khóc nói một hồi. Ai cũng ngó nghiêng ra chỗ phòng anh Hai Liêm, ảnh cũng thiệt là, biết ai cũng trông gặp mà lại không chịu ra, nằm riết trong phòng. Liên nghĩ chắc anh Hai cũng bực bội lắm. Ảnh không phải người thích ăn rồi nằm, lại càng không thích bị người ta dòm ngó. Nên giờ nằm trong phòng chắc khó chịu, hèn chi ảnh mới không chịu về đây.

Má Ngọc cũng trông mong ảnh ra ngoài này chơi nên ra hiệu cho Liên. “Mình đành làm vật hy sinh vậy”, Liên nhủ thầm rồi đi lại cửa phòng gõ nhẹ.

– Anh Hai, dậy chưa? Có thiếm tư với hai em ở Long Hồ lên. Má nói anh Hai dậy thì ra gặp chút.

Không nghe tiếng trả lời gì cả, Liên nhỏ giọng năn nỉ.

– Thiếm rất trông gặp anh. Dù gì cũng phải gặp mà, đi anh!

Lần này thì cô nghe tiếng động nhẹ trong phòng, Liên không khỏi cười mỉm.

Anh Hai vẫn mặc quần tây, có thay áo sơ mi ngắn tay đi ra. Mọi người lại vây quanh nói chuyện xôn xao. Được một lát thì ba Hoài xuống ngồi chung, rồi chú tư đúng hẹn quay lại.

Má xuống coi thức ăn, dọn cơm chiều sớm hơn mọi ngày. Bàn tròn chỉ còn lại ba người đàn ông ngồi ba góc. Chú tư nhìn ngó anh Hai một lượt. Đúng là thằng Hai không sai chạy. Ông thấy thất vọng và bực bội nhưng phải gượng làm vui.

Chú tư hỏi chuyện mấy năm nay rất kỹ lưỡng, chỉ là anh Hai câu đáp câu không, kiệm lời như vàng. Chú tư bực quá nói lớn.

– Chú hỏi mầy hai ba câu, mầy không thèm trả lời một chữ? Sao hả? Đi mấy năm về rồi không thèm coi ai ra gì hả?

Ở nhà dưới má Ngọc nghe thì chạy lên, đứng sau lưng anh hai, nói.

– Chú từ từ hỏi. Nó lạc nhà mấy năm nay, chịu bao nhiêu khổ sở. Tui chỉ biết là giờ nó về nhà rồi, chuyện nó đã làm gì cũng không sao hết.

Lời má Ngọc nói là thật, mấy ngày nay má cũng đoán chừng được thân thế anh Hai bây giờ không tính là làm ăn đàng hoàng. Nhưng mà chuyện này đâu có là gì, dù anh Hai có làm gì thì má cũng bỏ qua.

Liên cũng nghĩ vậy, dù anh Hai có là dân anh chị gì thì cũng không sao hết. Mà biết đâu, nhờ vậy anh mới đủ sức chống lại chú tư với Hai Bản. Chứ nếu ảnh là công tử thơ sinh thì sẽ bị họ qua mặt, giẫm đạp giống như cô đời trước.

Hai hôm nay má Ngọc vui và dễ xúc động, mới nói mấy câu đã muốn rớt nước mắt. Thiếm tư cũng bước lại hòa giải.

– Gì thì gì cũng là con cháu trong nhà, huống chi lưu lạc mấy năm đúng là thằng nhỏ chịu không ít khổ sở. Trong nhà mà, từ từ cháu nó kể, rồi mình cũng biết.

Đến lúc này ba Hoài mới lên tiếng.

– Được rồi, dọn cơm ăn đi. Bà với thiếm tính coi đãi tiệc sao, ngày mốt được không?

– Ngày kia mới được, tôi mới coi ngày rồi.

– Ừ, thì ngày kia. Mấy ngày này con ở nhà cho quen, tiệc tùng xong thì ba dẫn qua coi hãng xưởng.

Hai Liêm chỉ gật gật đầu, ý là đồng ý. Mà có vẻ ảnh không ý kiến gì, ai xếp đặt sao cũng được. Chú tư vẫn còn bực bội, ăn hai chén cơm xong thì đứng dậy đi về. “Đêm nay chắc chú không ngủ được rồi” Liên vui vẻ nghĩ bụng.

error: Content is protected !!