Ngôi chợ mới Tân Châu vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán. Là do Liên nhạy cảm hơn hay sao mà cô thấy có nhiều người không giống thường dân lui tới trên đường. Có nhiều người Cao Miên, Ai Lao và người Ấn, họ đến vì muốn mua sỉ tại gốc các vóc lụa thôi. Liên tự an ủi mình.
Đi vào phòng trong cửa hàng, Liên chậm rãi nhìn ngó xung quanh, xem qua sổ sách. Đợi nhóm thợ ai làm việc nấy phía ngoài cô mới mới hỏi chú Sáu.
– Có tin tức gì chưa chú?
– Chưa cô ba. Tôi nhờ vài người quen thuộc các nhóm anh chị, rồi thương lái qua lại mà chưa nghe tin.
– Được, không sao chú. Cũng đã tám chín năm rồi. Nhờ chú để ý tìm tiếp.
– Được cô ba. Tôi biết ông bà chủ trông ngóng cỡ nào. Mà, ..
Thấy chú Sáu hơi ngập ngừng, Liên thấy hồi hộp, là muốn nói chuyện gì quan trọng sao?
– Lần này cô ba đừng đi dạo mấy chỗ hóc.
Thấy Liên nhìn như chờ đợi, chú Sáu nói tiếp.
– Tôi thấy dạo này ghe xuồng tấp nập, tiếng là thương lái mà coi không phải. Cô hai Lương với cô Ba thân yếu thế cô, lỡ gặp chuyện chẳng lành tôi biết ăn nói sao với ông bà chủ.
Liên hơi cười trấn an chú Sáu.
– Lần này đi về đều gấp. Nay mai tôi về Sài Gòn rồi. Chú đừng lo lắng.
– Đặng vậy thì tôi yên bụng. Bên nhà ông nhạc tôi mới xẻ thịt con bò bán. Để lại mấy khúc thịt ngon. Bà nhà tôi dặn mời hai cô tới dùng lấy thảo.
– Dạ, vậy còn gì bằng. Tôi ra coi Lương ở đâu, lát nữa gần trưa thì về nhà chú.
Chú Sáu đúng là có nhận ra thay đổi, nhưng chú không phải người bên trong nên không rõ được gì. Liên vừa suy gẫm vừa nhìn bốn phía xem Laurent và chị Bảy A đang ở đâu. Lúc nãy Laurent đi một vòng coi hàng lụa, lãnh trong kho xong thì muốn ra ngoài chợ đi dạo, chắc lo vui thú đâu đó ở mấy sạp trong lồng chợ rồi.
Liên quay lại phòng trong, ngồi vào bàn ở góc xa cửa. Liên mở cuốn sổ lớn ra nhưng không đọc chữ nào mà chìm vào suy nghĩ. Cô ráng nhớ lại thông tin về chuyện đời trước anh hai bị vu là băng nhóm ở Tân Châu, còn có chi tiết nào khác sở dĩ giúp ích được mình.
Mấy năm trước chợ lớn Tân Châu cháy rụi rất nhanh, không cứu kịp tơ lụa của chủ sạp. Nguyên nhân chính là mái chợ lợp lá, cột cây, lại có cơn gió lớn nên bùng cháy nhanh. Lần xây chợ mới thì mái lồng lợp ngói, cột thép xi măng, tường gạch. Người dân xung quanh thấy chợ khang trang sạch sẽ cũng ham, nên khi dựng nhà mình cũng bắt chước làm giống vậy.
Lúc ba Hoài dựng kho này, tiền lợp mái ngói quá tốn kém. Nên chú Sáu nói lợp mái bằng xi măng dợn sóng như ngói. Loại mái xi măng này giá rẻ hơn, từng tấm lớn nên thợ lợp nhanh hơn. Nhưng mà nó lại rất nóng, trời đã sắp giữa trưa nên hơi nóng hừng hực phả ra. Liên không chịu nổi liền đứng dậy bước ra ngoài. Đúng lúc Laurent và chị Bảy A về tới, tay cầm đủ các loại bao giấy gói lớn nhỏ với hai cái giỏ đệm lớn nặng trịch.
Bữa trưa về nhà chú Sáu thì thức ăn đã làm gần xong. Laurent đưa một giỏ quà cho thím sáu lấy lòng. Bữa ăn có thịt bò nướng, canh cá thác lác dồn trong trái khổ qua, mắm cá lóc chưng, dĩa rau đủ loại trong vườn. Con dâu thím Sáu còn đổ một xửng bánh bò để ăn la-set nữa.
Phía sau nhà chú thím Sáu có vườn dâu cạnh bờ lạch. Thím Sáu mắc hai cái võng lát để Liên và Laurent nằm nghỉ. Gió trưa thổi lên mát rượi, hai cô gái nói chuyện câu được câu không rồi ngủ hồi nào không hay. Lúc Liên giựt mình tỉnh dậy thì trời đã xế, cũng gần ba giờ rồi. Cô đi ra phía lu nước sau nhà rửa mặt thì nghe tiếng chị Bảy A và thím Sáu nói chuyện. Thấy cô thím cười nói.
– Ông nhà tôi ra kho trước, chừng lối mát trời ổng đánh xe bò vô rước cô.
– Được, thím. Lương đâu thím?
– Cô hai cổ muốn coi người ta dệt lãnh, con dâu tôi dẫn qua nhà bên kia, chút về hà cô.
Liên gật đầu ý biết rồi cũng ngồi xuống bộ ván gỗ. Thím sáu kể tiếp chuyện đang dang dở. Lúc trước sòng bài mở gần ngả ba sông bên kia còn chưa thấy ồn ào. Bây giờ càng ngày càng có nhiều dân anh chị, người nghiện bạc, kẻ cho vay đến. Mấy nhà dân ở gần ham tiền mà cũng ham bài nên tự mở sòng bạc luôn. Sòng lớn sòng nhỏ, họ đánh ngày đánh đêm không nghỉ. Từ ông già đến thanh niên hùa theo, bỏ bê ruộng lúa, nương dâu. Nghe nói có mấy người đờn bà, con gái cũng học đòi bài bạc. Lúc thua bạc, thiếu tiền thì bị bán vô nhà chứa, coi như tàn đời.
– Ta nói, vậy mà người ta không tởn. Em Bảy coi, cách nhà mình mấy miếng ruộng đây nè, hai vợ chồng đang chí thú làm ăn, mắc chứng gì bỏ tằm bỏ dâu, bỏ đứa con nhỏ đi đánh bài. Giờ thua sạch túi, về nhà thì uể oải, làm ăn gì nữa đâu, …
Thím sáu vừa nói đến đó thì nghe tiếng xôn xao trên đường cái. Ba người đứng dậy bước ra sân trước ngó nghiêng. Con dâu thím Sáu và Laurent chạy về, nói.
– Nhà anh hai bên kia bị anh chị đến quấy, nói hai vợ chồng còn nợ nần gì đó, bọn chúng muốn bắt chị tư với thằng nhỏ gán nợ.
Trời, mới nhắc thì có chuyện tới liền!
Mấy nhà quanh đó nghe chuyện cũng ra coi. Đờn ông thanh niên thì chạy lại nhà đó. Đờn bà con gái thì đứng tụm năm tụm ba chỉ trỏ bàn tán. Chuyện nợ nần rồi bị gán nợ không hiếm, lại vì bài bạc thì người ta ít đồng cảm mà nói ra vào mai mỉa thêm.
Trời chiều đã mát, Liên nghĩ nên về rồi, cô không quen nhà đó, không giúp được gì nên cũng không muốn đứng coi ngó làm gi.
– Ông sáu này, sao giờ này còn chưa về! Cô ba ăn chén cơm chiều rồi đi.
– Dạ được rồi thím, lần sau con xuống nữa mà.
Thím sáu cũng đoán ý hai cô không thích mấy chuyện lộn xộn này. Hai cổ là người có ăn có học, ít thấy cảnh này. Nghĩ vậy nên thím không cầm khách mà gói gém mấy món mắm cá, thịt bò khô để chị bảy mang theo về Sài Gòn.
Vừa chuẩn bị xong thì xe bò của chú sáu lọc cọc về tới. Chú vội quành xe lại chuẩn bị đi luôn. Thím sáu kể sơ chuyện nhà bên kia vẫn đang lố nhố người đứng coi. Chú sáu lắc đầu lẩm bẩm: “Bữa tôi nói mà hai vợ chồng nó không nghe, giờ thì ai cứu đặng.”
Vì muốn đi thẳng về khách sạn nên đường ra khác lúc trưa. Hai bên đường ruộng dâu xanh xanh, tiếng “lịch kịch” của khung dệt, con thoi vang lên lúc xa lúc gần. Khung cảnh tưởng như yên bình này bị phá tan bởi một nhóm người bịt mặt từ lùm cây ven đường nhảy ra chặn trước đầu xe bò. Bốn người đờn ông ăn mặc áo vải, tay cầm mác sáng loáng đứng rất ngang tàng. Người đứng đầu nhảy lên đè đầu con bò cho nó dừng lại.
– Các chú muốn gì? Tôi ở đây mấy chục năm còn chưa bị cướp chặn đầu nghênh ngang vậy đâu?
Tên cầm đầu hầm hừ, lớn giọng nói.
– Ông già, để lại tiền với hai ba người kia. Còn ông chạy đâu thì chạy đi!
– Dữ bây! Nhào vô thử coi.
Chú Sáu không lo lắng còn thanh giọng cà rỡn. Chị Bảy A thì nhẹ tay rút cây đòn gánh trên xe bò ra. Xe bò dùng chở đồ hàng, người ta hay để đòn gánh, mấy cái gióng rồi dây thừng phòng khi cần.
Liên nhìn cây đòn bằng tre già, xài lâu lên nước bóng loáng mà thấy ê ẩm rồi. Nhân dịp này Liên muốn xem bản lĩnh của chị Bảy A ra sao. Còn chú Sáu, mấy người bịt mặt kia chắc là từ miệt khác tới. Chưa kịp điều tra rõ đã dám chặn đường chú Sáu, thiệt là tự kiêu quá đỗi.
Sau lời thách của chú Sáu, mấy người tuổi trẻ tức khí nhào vô thiệt. Sau đó cảnh sáu người đánh nhau rất nhanh, mà kết thúc cũng rất nhanh. Chú sáu huơ dây roi đánh xe quất túi bụi, tên nào né được nhào tới gần xe thì bị đòn gánh chị Bảy A đánh lên, toàn trúng chỗ hiểm. Chỗ hiểm đó chỉ cần trúng là vừa đau vừa hoảng, chạy không nổi nữa làm sao dám đánh tiếp.
Chú Sáu cười ha ha nhìn bốn người cà thọt lủi vô lùm cây khuất mắt. Nhưng mà chú cũng không chậm nhịp nào, vung tay quất con bò để xe chạy nhanh về khách sạn. Đến đoạn đường trống gần khách sạn, chú thả chậm xe quay lại hỏi Liên.
– Cô ba biết là ai không?
– Cháu đoán vài người nhưng không khả quyết. Mấy người này từ nơi khác đến?
Chú Sáu chắc cũng có suy đoán của mình, chú có vẻ nghĩ ngợi rất kỹ mới nói.
– Là từ nơi khác tới. Nếu là ở đây lâu, sẽ không cử bốn người đâu.
– Có thể ở Sài Gòn.
Chị Bảy A lên tiếng nói. Thấy mọi người nhìn như có ý nghe thêm, chị giải thích.
– Mấy thế đó pha tạp đủ thứ. Không chuyên một môn phái nào. Tôi nghĩ ở Sài Gòn nhiều người ưng học vậy. Nhiều mà không chuyên.
Chú sáu gật đầu ý phải. Sài Gòn là nơi tập hợp nhiều phe phái, họ học “lén” lẫn nhau, không thôi thấy cái nào được thì cứ học cho biết. Không như các vùng võ học khác, nơi mà chỉ chuyên một môn võ truyền từ đời này sang đời khác, là thứ võ tinh luyện rất thâm sâu.
– Cô ba với cô hai nên cẩn thận, nếu không có việc gì nữa thì về trển sớm. Tối nay tôi nhờ người canh ở gần khách sạn, nhưng mà thua keo này sợ chúng bày keo khác. Còn đường từ đây về Sài Gòn, tôi không kham xuể.
Xem ra chú sáu có đoán được Liên còn nguyên nhân khác mới xuống đây. Cũng phải, nếu chỉ vì tin tức anh hai thì chỉ cần gọi dây thép hỏi là xong. Không cần Liên rồi thêm cảnh vệ, chị bảy A theo nữa.
Lúc lên tới phòng khách sạn, Laurent “hớn hở” nói.
– Trời, không nghĩ chuyến đi này nguy hiểm vậy. Trò nhắm ai muốn bắt trò đi vậy?
Liên không khỏi lắc đầu buồn cười với Laurent. Mình kể Laurent nghe chuyện này đúng là thích hợp. Nếu Thảo hay Hoa mà gặp cảnh chiều nay xong chắc sợ hết hồn, run rẩy đòi về Sài Gòn liền quá.
– Mình có đoán một hai người, nhưng không dám chắc. Giờ trò tắm rửa. Mình báo cho ba má mình hay. Trò có gọi về cho Bác Phó không?
– Nãy giờ chắc chú Hai đã gọi báo rồi.
– Ừ, xong thì trò xuống ăn cơm rồi tính với chú hai tài xế coi sao.
Lúc Liên gọi về thì má Ngọc nghe, giống như đang chực sẵn vậy.
– Con có sao không? Chú sáu mới gọi dây thép nói. Má lo quá. Con thu xếp về liền ngày mai đi.
Liên im lặng nghe má Ngọc lu loa dặn dò một hồi thì má mới đưa đầu dây cho ba Hoài.
– Con tính sao? Mai về luôn?
– Dạ phải ba. Có Laurent nên con hơi lo lắng.
– Ừ, ba má tính đi qua nhà ông Phó coi sao. Sáng mai đi đàng nào thì gọi cho ba biết.
– Dạ, con biết.
Ông Châu Hoài vừa buông dây nói xuống thì đi về phòng làm việc luôn. “Vậy mà vẫn để sót mấy tên đó. Mấy năm nay thằng Tân gian lận không ít tiền của. Mình chỉ không ngờ nó có tiền, có thế lớn vậy? Hay là sau lưng nó còn có người khác? Chắc là vậy, nếu không thì dù có tiền cũng không dễ dàng thuê mướn dân anh chị nhiều như thế. Là ai đây?”
Ông vừa suy nghĩ vừa liếc qua tờ giấy biên bài đăng tin vừa được soạn thảo, bản tin ghi “Ty cảnh sát vừa tóm gọn một nhóm chuyên móc túi, cướp giật tại bến xe Lục tỉnh tối ngày …. .”
Cho nên mới nói là Châu Tân đi lại xứ Tân Châu mấy năm nay. Hắn đương nhiên biết bản lĩnh của chú Sáu Khả, số người hắn cử xuống nhiều hơn. Chỉ tiếc là hơn một nửa bị tóm gọn lúc vừa lên xe. Bốn tên kia may mắn bị sót, lại muốn tranh công nên không hỏi Châu Tân mà dò la rồi tập kích luôn. Tiếc là lần này bọn chúng hố một cái quá mạng, đúng là muốn hết cái mạng luôn.
Đến khi Châu Tân nghe tin thì tức điên lên, như vầy là mất cơ hội rồi. Ông ta tức tối ra lệnh bằng mọi giá phải làm xong chuyện vì cơ hội lần sau sẽ không dễ dàng nữa.
– Chỉ cần mạng con Liên đi thôi, đứa kia đừng động tới.
Dù sao Châu Tân vẫn còn tỉnh táo, đụng tới con gái ông Phó Trần thì là chuyện lớn rồi!
Chú thím sáu Khả cũng không yên bụng, hai người ăn cơm xong đánh xe bò tới khách sạn hỏi thăm. Sau khi bàn bạc thì sáng mai sẽ xuất hành sớm về Sài Gòn, lần này chạy theo lộ cái để nhờ mấy trạm gác có lính canh hỗ trợ khi cần.
– Chắc ông Phó sẽ bố trí xe đón chúng ta trên đường. Giờ tôi gọi dây thép báo ông Phó hay.