Chương 33: Hiệp tác làm ăn

Liên cảm ơn chú hai tài xế, xuống xe rồi lắc chuông cổng. Má Ngọc đã đợi ở phòng ngoài.

– Thưa má, ba con chưa về hả má?

– Chưa, sao con về trễ vậy?

Ha ha, Liên vừa cười vừa kể chuyện ngày hôm nay. Má Ngọc xỉ xỉ trán cô nói.

– Bày trò, sau này cẩn thận, đừng giỡn hớt người ta nữa.

– Dạ.

Hai má con ngồi xuống ghế, Liên kể tỉ mỉ chuyện đã bàn với cô giáo Lê hùn hạp bán áo lót mới.

– Má thấy vậy được, đợi chút ba con về ăn cơm má hỏi chuyện làm giao kèo coi sao. Nhà ông Phó Trần danh giá, chắc không gạt gẫm gì mình đâu. Nhưng mà làm ăn, cũng nên làm giấy tờ bằng cớ hẳn hòi.

Liên vui vẻ dạ theo, má Ngọc cũng rất sành sõi chuyện làm ăn đó chớ.

Trưa thứ bảy cô giáo Lê và Laurent đúng hẹn đến tiệm may. Má Ngọc và Liên đã ra tiệm từ sớm. Mọi người nhìn ngó, nói chuyện một lát thì đi vào phòng trong. Liên đã nhờ ba Hoài dạy cô làm các bài tính tiền vốn, tiền nhập hàng, chuyển hàng, rồi tiền lãi. Cô đã chép ra hai bản, đưa một bản qua cho cô Lê.

– Con làm bài tính tiền vốn, tiền lãi. Cô coi trước. Phần hùn thì cô thấy sao?

– Ừ, bài tính này rõ ràng lắm.

Cô Lê không vội vã mà chậm rãi xem xong mới trả lời. Đúng là mình không phải thương buôn, nhìn xem bài tính càng rõ hơn so với suy nghĩ trong đầu. Chuyện phần hùn chắc nhà bên đó đã có dự tính, hỏi mình để tỏ thành ý, nhường mình một bước thôi.

– Anh chị tính sao? Hai nhà mình qua lại cũng lâu, không cần khách khí.

– Ông nhà tôi nói, cô giáo xem có hợp tình hợp lý hay không. Nhà cô lo chuyện đặt hàng, chuyển về đây. Nhà tôi lo bán sỉ, bán lẻ. Hai bên đều bỏ công sức gần như nhau. Phần hùn mình cũng tính vậy, chia hai phần. Bỏ tiền vô nhà băng; chi phí gì đó thì để hai đứa nhỏ làm. Thỉnh thoảng cô giáo và ông Phó đến coi chừng dùm.

Má Ngọc hơi ngừng lời rồi nói tiếp.

– Chắc cô giáo biết sơ chuyện con Liên. Tiền hùn lần này là ông nhà tôi cho riêng nó. Ổng nói để nó một mình làm, mấy tháng ở tiệm may này nó cũng học được một hai chuyện. Vợ chồng tôi cũng trộng tuổi, sau này một mình nó phải quán xuyến đủ thứ.

– Má!

Liên kéo tay áo má Ngọc, để má nói một hồi thế nào cũng rớt nước mắt. Cô Lê thấy vậy thì thở dài, nói.

– Nhà tôi cũng tính để cho con Lương (tên tiếng Việt của Laurent) nó tập tành làm ăn. Thôi, cứ để hai đứa nó làm, ông nhà tôi sẽ coi sóc chuyện phép luật, an ninh cho. Còn mối lái buôn bán thì nhờ anh chị.

Như vậy là bước đầu thỏa thuận xong chuyện quan trọng nhứt rồi. Laurent nhanh nhảu chuyển qua chuyện trang trí cửa tiệm. Chuyện này chỉ có mình Laurent hiểu rõ nhứt, vì trò ấy đã thấy mấy cửa hiệu ở Paris làm ra sao. Ba người còn lại chỉ nghe rồi góp ý thôi.

– Trò tiết kiệm chút đi, làm cái này tốn tiền lắm đó.

– Nhưng mà nó sẽ đẹp, tiệm mình sẽ khác hẳn mấy tiệm kia.

Nghe hai đứa nhỏ bàn tính qua lại, bà Trần không khỏi mỉm cười. Không nghĩ Laurent ngày thường cà lơ phất phơ mà lúc bàn chuyện cũng nghiêm túc. Còn trò Liên thì nhìn nhu hòa nhưng mà cũng có chính kiến, hai đứa chắc sẽ làm được.

Thời cuộc không yên, hai ông bà muốn tích trữ tiền của phòng bất trắc, chuyện làm ăn này tuy nhỏ nhưng mà bà tin là vài năm nữa sẽ phất lên. Ông Trần đã nói, thị trường Đông Dương, rồi Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Hương Cảng cũng không nhỏ đâu, quan trọng là cần liên kết mới làm được. Một nhà mình hay riêng bên Châu Hoài không thể làm xong.

Đến giờ ăn cơm thì bốn người cùng nhau đi qua nhà hàng gần chợ Chính. Nhà hàng này của hai vợ chồng Việt Pháp mở, có cả thức ăn Việt lẫn Pháp.

Sáng nay má Ngọc định mặc quần đen áo bà ba như mọi khi nhưng Liên nói hôm nay gặp khách rồi đi nhà hàng, sợ má mặc như vậy người ta nghĩ mình thất lễ, không coi trọng khách. Má Ngọc gật đầu, cô giáo Lê tuy không phải xa lạ, nhưng đúng là mình không thể xuề xóa quá. Bà đã thay bộ áo dài nhung xanh có thêu sơn thủy rất nền nã. Cô giáo Lê cũng mặc áo dài, nhưng màu xanh da trời tươi sáng hơn. Hơn nữa, cổ áo không cao ba phân như truyền thống mà ngắn hơn, ống quần cũng không rộng lắm. Laurent và Liên đều mặc quần tây âu ống suôn, áo vài hoa, may kiểu sơ mi tay loe.

Bốn người bước vào thì có quản lý nhà hàng ra đón. Sài Gòn không lớn, số khách có thể bước vào đây không nhiều. Người quản lý đều biết cô giáo Lê và má Ngọc nên niềm nở dẫn vào một bàn hơi khuất, rất yên tĩnh.

Bốn người vừa ăn vừa bàn thêm chi tiết chuyện chọn mẫu áo, số lượng dự tính. Sau đó là tính ngày đặt hàng nhanh để về đây trước Tết âm lịch, còn đăng quảng cáo trên các nhựt báo. Bữa cơm gần xong thì thấy trên tầng lầu có hai người khách nữ ăn mặc sang trọng đi xuống. Liên liếc nhanh hai người khách, gặp người quen rồi!

Bắt gặp ánh mắt của Liên, bác ba gái đưa mắt quan sát nhóm người rồi cười tươi đi tới. Đi cùng với bác ba gái là chị Hồng, con gái lớn nhà bác. Mọi người chào hỏi nhau xong thì bồi bàn cũng đi ra đứng gần như chờ dặn dò.

– Chị ba dùng cơm nhé,

– Thôi thím, tôi với con Hồng mới ăn xong mà. Chiều nay cô giáo Lê với thím bận bịu không? Qua bên kia uống nước cho mát. Bên đó có mấy loại coc-tail mới trình làng, nghe nói ngon lắm, phải không Hồng?

Bác ba gái vui vẻ nói, nháy mắt với chị Hồng ra hiệu.

– Dạ phải, hai em đã uống thử chưa? Coctail này vừa ngon vừa đẹp da nữa. Buổi trưa nóng như vầy uống rất đã khát. Mà quán bên đó máy lạnh, yên tĩnh lắm.

Má Ngọc không trả lời mà đưa mắt nhìn như hỏi ý cô giáo Lê. Về chuyện giao thiệp thì cô giáo Lê hoạt bát hơn nhiều. Vả lại má Ngọc thường lo nội trợ nên nói rảnh thì có rảnh, không chịu câu thúc như người làm hãng xưởng hay dạy học.

– Thứ bảy mà, cô giáo cũng nghỉ ngơi thư giãn cho khuây khỏa chứ!

Cô giáo Lê nhìn ra được thái độ nhứt quyết phải mời cho được của bác ba gái, “dĩ hòa vi quý” là phương cách giao tiếp lợi ích nhất.

– Dạ phải, chị ba và cháu qua bên đó trước. Chị hai Châu và em sẽ qua theo sau.

– Được, được. Mọi người ăn uống thong thả, không gấp gáp gì!

Đợi hai mẹ con họ rời đi, cô giáo nói.

– Ông nhà em có biết nhà anh Toàn bên đó. Chị hai cũng quen hả?

Má Ngọc gật đầu kể chuyện mua bán cửa tiệm Ngọc Phước hôm trước.

– À, ra là vậy. Nghe nói là cuộc đất bên kia đã sang chủ rồi. Qua năm sẽ xây dựng đó.

Sợ lát nữa có mặt bác ba gái không tiện trao đổi, nên mọi người nấn ná bàn hết các việc cần làm.

– Con qua đó ngồi một lát chắc con xin phép về sớm. Ngó qua ngó lại là đến tháng mười, phải nhanh mới kịp nhập hàng.

Cô giáo Lê nghe Liên nói không khỏi mỉm cười hài lòng.

– Lương, con coi mà học hỏi trò Liên, đâu có ham chơi như con vậy!

Laurent hơi bĩu môi nhưng không phản đối. Thật ra trong lòng Laurent luôn có một chút nể trọng Liên. Trò ấy rất có bản lĩnh, từ hồi nghỉ học đến giờ đã trưởng thành và quyết đoán hơn nhiều. Laurent nhận ra được ẩn bên dưới hình dạng hiền lành thanh tao kia là một ngọn lửa. Có đôi lần Laurent thấy ánh lửa lóe sáng trong mắt trò ấy. Ngọn lửa đó khiến người ta lạnh người chứ không phải mang đến sự ấm áp của thiếu nữ như trong mấy quyển tiểu thuyết diễm tình thịnh hành.

Bên này quán café – cocktail theo kiểu Pháp, bà Toàn cùng con gái chọn góc ngồi rộng rãi, có tầm nhìn tốt. Hồng có vẻ không vui cằn nhằn nho nhỏ.

– Sao mẹ phải cố mời mấy người họ vậy?

Bà Toàn liếc con gái, đợi bồi bàn đi xa mới trầm giọng nói:

– Con thì biết cái gì? Ông Phó Trần đó thế lực không nhỏ. Cô giáo Lê kia cũng không dễ ngươi. Con suốt ngày bar pub, giới học thức văn chương ở Sài Gòn có ai không trọng tài viết của cô Lê. Vài năm nữa vị trí Hiệu trưởng chắc là của cổ đó.

Cô ba Hồng không chăm chú nghe lắm, chuyện trường lớp, văn đàn thi tứ thì liên quan gì đến cô. Hai đứa con gái kia còn non choẹt, sao sánh với cô được.

Bà Toàn nhìn con gái trang điểm theo thời rất xinh đẹp nhưng lại không hiểu gì xã hội thượng lưu thì lắc đầu chán nản. Ông bà chỉ trông cậy vào hai Định thôi. Cuối năm này nó về rồi, thêm người chống đỡ trong ngoài, nếu không hai ông bà sẽ không giữ được danh tiếng.

Chuyện cuộc đất bên đường Charner sớm muộn cũng lộ ra, lúc đó thì mọi người sẽ đánh hơi ra chuyện ông nhà đang thất thế. Vị thế mất, hậu thuẫn không còn thì mặt mũi nào mà sống ở đất Sài Gòn này. Huê lợi cũng sẽ không còn thì lấy gì mà se sua đây. Bà nhìn nhóm bốn người đang bước vào cổng đành nhịn xuống cơn bực bội.

error: Content is protected !!