Chương 27: Về quê Long Hồ

Gần đến giờ xe lửa chạy thì cả nhà đến ga. Hành lý chủ yếu là quần áo đựng trong va-li được anh tư Bốn xách lên trên toa. Ga xe lửa đông đúc người lên người xuống. Mấy toa sau là chở nông sản của thương lái lại càng ồn ào hơn. Anh tư đi trước dọn đường cho hai má con Liên và dì tư lên toa. Ba Hoài và chú tư đi phía sau, vừa đi vừa nói chuyện, hai người thường xuyên đi lại tuyến xe này nên đã quen thuộc.

Liên ngồi trên ghế sát thành xe nhìn ngó người ta chộn rộn lên xuống. Tiếng còi báo hiệu xa sắp chuyển bánh kêu từng hồi inh ỏi.

– Ăn bánh tráng hôn cô? Ăn trứng cút lộn đi cô?

Bé gái cỡ tám chín tuổi bưng rổ trứng cút, bánh đưa tận tay từng người mời mọc. Mấy bà hơi lớn tuổi thì bán bánh mì, xôi gói trong lá chuối cho khách kẹt giờ ăn tạm. Cứ hết toa này đến toa khác, họ mải miết rao hàng, hai khoé mắt hằn vết nhăn. Là do cười nhiều chào khách hay vì cái nắng gay gắt của xứ nhiệt đới này.

Liên và dì tư mua hai chùm đài sen tươi, một lon đậu phộng rang nguyên vỏ. Đường từ đây xuống Mỹ Tho cũng cỡ hai tiếng, không dài không ngắn. Thời gian không dài làm khách ngồi mệt mỏi, lại đủ cho khách chợp mắt nghỉ ngơi, đặc biệt với các thương lái dậy sớm giao nhận hàng hoá.

“Tu tu tu”.

Xe lửa chuyển bánh rầm rập về phía trước. Ở nội thành xe lửa phải dừng lại hơn mười trạm đón khách ở An Đông, Chợ Lớn, …

Đến ga Bình Điền là các toa đã đầy người. Vừa qua khỏi cầu Bến Lức bắt đầu có khách xuống, thật nhịp nhàng, thật hợp cảnh. Năm ngoái xe lửa mới thay đầu máy mới chạy bằng dầu, các toa êm hơn, chạy nhanh hơn nhưng cũng ồn ào và khói xả ra nhiều hơn.

Phong cảnh hai bên đường lướt qua vùn vụt, hết cánh đồng lúa thì đến bờ sông, rồi vườn cây ăn trái. Cứ lần lượt như thế mà sao không thấy chán! Mỗi lần đi là Liên lại dành chỗ ngồi ở khoảng toa có cửa sổ để nghiêng đầu ngắm nghía. Dì tư đã gật gù, nghiêng ngả được một giấc ngắn. Liên khều nhẹ vai dì đánh thức. Xung quanh mọi người lục tục coi hành lý chuẩn bị xuống ga.

Ga cuối Mỹ Tho còn rộng rãi hơn ở Sài Gòn, nhà bán vé có vòm cao rất bề thế. Vừa xuống xe đã nghe tiếng gọi.

– Bác hai, ba, ở đây.

Là thím tư lớn và em tư Thuỷ đi ghe ra rước. Mọi người chào hỏi xong thì vội vàng lên ghe. Chiếc ghe lớn được lắp máy dầu băng băng trên mặt sông. Từ bến đỗ các ghe khác cũng toả ra tám hướng như cánh quạt.

Làng Long Hồ xưa kia có dinh Long Hồ là thành trấn của cả một vùng rộng lớn kéo dài từ Mỹ Tho tới Châu Đốc. Vật đổi sao dời, dinh Long Hồ bây giờ chỉ là dinh nhỏ của quân lính đồn trú. Làng Long Hồ không còn nhộn nhịp như xưa. Nhưng dấu tích về một thời hoàng kim vẫn còn đó.

Hiếm có làng nào có nhiều nhà lớn, mái ngói hai tầng vừa lớn vừa đẹp như làng Long Hồ. Nhà cửa trong làng được sắp xếp rất ngăn nắp, cuộc đất lớn, đường lộ rộng rải đá xanh, cây cổ thụ thành hàng. Ở giữa làng có chợ với mấy gian cửa hàng bán đặc sản, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ.

Hai ngôi nhà họ Châu và họ Trần nằm sát nhau. Hai cổng vào xây gạch, có vòm cong sơn màu xanh biển nhạt. Cô hai Tầm và đứa con trai nhỏ đang đứng chờ trước cửa. Cô là con gái lớn của Châu Tân, đã lấy chồng bốn năm trước ở Tân Phú. Cô mới về nhà hôm qua, phụ làm đám giỗ cho hai bác Trần. Còn cô gái thứ ba tên Thanh đang coi chừng bếp lửa nhà sau.

Ở chỗ tường ngăn hai nhà có cửa để thông nhau. Ngôi nhà bên trái họ Châu để dành gian phía trước là cửa tiệm bán vải, lụa, kim chỉ, các loại khung thêu. Phía sau là nơi ở của vợ con Châu Tân.

Nhà bên phải họ Trần cũng bày bán ở gian trước. Phía sau ngay gian giữa là bàn thờ ông bà Trần, sau nữa có một phòng ngủ, bếp nhỏ và nhà ăn. Sau đó là mấy gian làm kho chứa hàng hoá. Sân vườn xanh mướt rau cải, còn có giếng nước được xây bệ lát gạch tàu.

Mỗi lần về đây, Liên đều ngủ lại ở căn phòng nhỏ sau gian thờ. Lúc nhỏ thì có má Ngọc qua ngủ chung, sau này lớn hơn thì cô từ chối, muốn ở một mình.

Ngôi nhà, đồ đạc vẫn giống như năm trước nhưng mà Liên thì đã thay đổi rồi! Cô đã qua một đời tưởng chừng rất dài, rất mệt mỏi, đau thương. Nhìn ảnh thờ ba má lại thấy như mới hôm qua, má còn ngồi bên bàn máy may dạy cô xỏ chỉ kim, may chỉ lược. Lúc đó cô bảy tám tuổi, ngồi trên ghế đẩu mà chân còn không đạp tới bàn đạp.

Nhờ mấy mẹ con thím tư mà ngôi nhà rất sạch sẽ, gọn gàng. Bàn thờ ba má được lau quét chu đáo. Liên đốt ba cây nhang rồi vào phòng trong soạn quần áo. Sáng nay Liên mặc quần tây ống suông, đi giày sandal, áo kiểu dài tay. Giờ về đây thay lại quần vải đen ống rộng mặc áo bà ba cũng hơi rộng. Tóc cũng quấn lên gọn gàng sau ót. Đàn bà con gái ở nông thôn luôn làm việc, họ thường ăn mặc gọn gàng chứ không điệu đà, trang điểm như các cô gái thành thị.

– Liên à, xong chưa qua ăn cơm đi con.

– Dạ. Con qua liền.

Phía sau hai nhà là vườn rau, không ngăn tường mà làm hàng rào bằng cây bù ngót. Liên vòng ra sau vườn đi vào nhà ba má Châu. Trên bàn ăn dài đã ngồi đủ mọi người. Có hai vợ chồng chú năm Ngòi phụ bán hàng ở hai tiệm này.

– Ngày mai tui với thím tư đi chợ, ông đi mời bà con với khách quen.

– Ừ, chiều nay quét dọn bàn thờ, nhà cửa rồi đốt nhang mồ mả.

Phân công xong việc chính thì ba má Châu hỏi thăm chuyện làng xóm ở đây. Thím năm Ngòi rôm rả nói chuyện, bữa cơm trôi qua nhanh.

Như nhiều gia đình khác, mả ba má Liên được đắp ở vườn sau, mặt quay về hướng tây. Liên đốt nhang xong thì nhổ cỏ xung quanh hai ngôi mộ. Tám năm trôi qua rồi, màu sơn trắng đã cũ, mỗi năm đều bồi ít đất mới nên nền đất xung quanh không sụt xuống. Hai bình bông đang cắm bông huệ trắng, chắc là thím tư mới thay hôm qua.

Ba Hoài lau chùi hai bộ lư đồng trên bàn thờ xong cũng xách dao mác đi ra. Giữa mùa mưa nên bụi cây bông trang đỏ, cây mai trắng đều xum xuê lá. Ba chặt bớt nhánh già, tỉa lại dáng cho hai cây mai.

– Mai mốt ba má mãn phần thì chôn phía kia.

– Ba nói gì vậy!

Nghe ba Hoài nói Liên hoảng hồn. Ba Hoài vẫn tỉa nhánh cây, hất đầu chỉ chỗ gò đất hơi cao ở vườn bên kia.

– Sợ gì, ba cũng đã lớn tuổi rồi. Không còn mấy năm nữa.

Nói rồi ông thở dài nhìn con gái. Tháng trước ông đã nhờ người đi tìm người dì ba của Liên. Trước đây nghe nói lấy chồng ở miệt thứ, không biết bây giờ ra sao. Ông mong là tìm được, để con nhỏ còn có chỗ cậy nương.

– Anh hai, có chú tám qua chơi.

– Ừ, ra liền.

Thoáng nghĩ tới chuyện gì, gương mặt ông trầm xuống, đôi mắt sâu thăm thẳm.

– Ba để con hốt dọn cho.

– Ừ, con coi thay cát trong lư nhang luôn.

– Dạ.

Liên lui cui hốt dọn mấy cành cây vào góc vườn, thay cát sạch vào hai lư nhang. Đốt thêm sáu cây nhang lầm rầm khấn nhỏ “ba má phù hộ con tìm được anh hai Liêm sớm”.

Trời tối lù lù, đường dây điện mới câu về làng được hai năm nay. Chỉ là giá mỗi ký điện cao, nhà nào cũng xài tiết kiệm. Thay đèn điện bằng đèn măng–sông dùng dầu hôi. Có nhà vẫn xài đèn mù u đốt trong sân. Cây mù u mọc hoang ven sông, hái trái về, cắt nhỏ, phơi khô rồi đốt trong cái chậu bằng thiếc hoặc bằng đất. Lửa mù u cháy lớn mà cháy hỗn, con nít mà đốt dễ phỏng, còn không là cháy nhà như chơi.

Sân trước đốt đèn măng–sông sáng quắc. Ba Hoài, chú tư và mấy chú bác hàng xóm đang uống rượu lai rai. Chú năm Ngòi ôm cây đờn bầu ra ngồi lên bộ ván gỗ ở hiên trước. Chú năm mê đờn mê ca, chú có tên khác Năm Đờn bầu. Chú vừa nắn dây đờn vừa nói.

– Hôm trước anh bảy ngoài vàm lên trên Xì Gòn nghe được bài mới. Để em làm nghe thử.

– Ừ, ca bản mới nghe đi mậy.

Tiếng đờn bầu réo rắt vang lên, giọng chú năm trầm bỗng theo từng cung nhạc. Âm thanh không vang xa chỉ làm người ta phải nghiêng tai lắng nghe.

Ở bộ ván nhà sau là mấy người đàn bà, con gái vừa làm việc vừa nói chuyện. Đám giỗ hàng năm không mời nhiều khách, chỉ ba mâm nhưng việc nấu nướng cúng kiếng cũng không ít.

– Tết này thím lên trển đi mua thêm ít chén tô kiểu. Năm sau làm Lễ Vu quy cho con Thanh rồi. Coi thiếu gì lúc đó mua luôn đi.

– Dạ, đợi tháng chạp xong em lên.

Thím năm Ngòi nghe xong liếc nhìn Liên, cười cười hỏi.

– Còn cô ba Liên sao? Có chỗ nào chưa chị hai.

– Chưa thím, nó còn nhỏ.

– Cô ba lớn hơn cô Thanh một tuổi mà.

– Ở Sài Gòn người ta lấy chồng trễ hơn ở dưới mình.

Thím tư chen lời nói. Ba Thanh mắc cỡ đã mượn cớ đi xuống bếp, chỉ có Liên ‘mặt trơ’ nghe người lớn nói chuyện. Thím tư nhìn Liên vẫn bình thản lau chén dĩa nên không nói thêm gì.

Liên và em Thanh chênh nhau một tuổi, mỗi đứa đều có phần số làm người ta thương cảm. Liên mồ côi cha mẹ, được ông bà hai Châu thương mến nhưng làm sao bằng ba má ruột. Còn ba Thanh thì từ nhỏ bị ba ruột mình ‘ngó lơ’. Lúc vợ lớn sanh con gái đầu lòng, ông hơi thất vọng nhưng nghĩ sanh thêm đứa sau sẽ là con trai. Rồi ba Thanh ra đời càng làm ông ấy khó chịu. Sau đó ông bắt đầu có lý do kiếm vợ một vợ hai. Đứa con trai do vợ bé sanh không sống được đến tuổi cúng căn khiến ông tức giận nói là ba con gái và thím ám thị làm ông không có con trai nối dòng.

Những năm này ông đi đi về về khắp lục tỉnh nhưng không ghé nhà được mấy lần. Có khi đi tàu lửa về Mỹ Tho ông ở nhà khách ngoài đó chứ không muốn về nhà. Nếu không phải bác hai tụi nhỏ không đồng ý, chắc ông đã thôi vợ lớn và bỏ ba đứa con gái rồi. Chuyện hôn nhơn của ba Thanh cũng nhờ nhà cậu lo liệu mai mối. Châu Tân chỉ hỏi hai ba câu rồi thôi.

Liên nghĩ, biết đâu như vậy mà em Thanh mới tìm được nhà đàng hoàng. Nếu để chú tư tìm chắc gì được hơn? Giống như chuyện tìm nhà chồng cho hai Tầm. Mấy năm nay ở nhà chồng cực khổ biết bao nhiêu, nước mắt chan cơm. May là đẻ được đứa con trai, còn không chắc bị đuổi về nhà mẹ đẻ lâu rồi.

Dù nhỏ hơn Liên một tuổi nhưng Thanh cao hơn và khoẻ hơn. Con gái ở quê phải làm việc từ nhỏ không tránh được chân tay hơi thô. Thanh có mái tóc đen, dày rồi gương mặt tròn như trăng rằm. Má Ngọc nói mặt con gái như vậy là có phúc, bề con cái cũng thuận. Không giống Liên, lúc nhỏ cũng tròn trịa, sao càng lớn càng gầy. Gương mặt bắt đầu thon dài hình trái xoan, má và cằm không tròn đầy nữa.

Chú năm ca bài mới mùi mẫn, kéo thêm mấy người hàng xóm đi qua. Thím tư với thím năm dọn thêm chén đũa, mấy dĩa đồ ăn mặn.

– Chị hai đi nghỉ đi. Mấy ông chắc nhậu tới khuya.

– Ừ, hai thím coi chừng. Tôi hơi mệt. Liên đi nghỉ đi con, mấy đứa con gái nghỉ đi.

Liên mệt thật nên xin phép đi ngủ trước. Dì tư Lành qua ngủ nhà bên này với cô.

– Chú năm đờn ca bài Lưu thuỷ hành vân hay quá cô ba, không thua gì đào kép ở Sài Gòn.

Liên nằm trên giường nghe dì từ nói vọng vào từ bộ ván bên ngoài. Lưu thuỷ hành vân ý là mây trôi nước chảy là chuyện bất biến của tự nhiên, còn cuộc sống con người thì sao? Ước gì cũng bất biến, như ngày xưa mình còn nhỏ, có ba má bên cạnh. Liên mệt mỏi nhắm mắt vùi đầu vào gối, hai dòng nước mắt đã chảy ra tự lúc nào.

error: Content is protected !!