Chuyện mở cửa tiệm may rất nhanh được mọi người thu xếp. Chị ba Hảo xin cho em gái ở quê lên làm. Anh tư Bốn dè dặt một ngày rồi cũng mở miệng xin cho chị dâu lên học việc. Bà Châu dặn dò.
– Thợ may đều phải qua thử việc, mấy món đồ mắc tiền, vải tốt phải cẩn thận. Tiệm con chỉ may đồ cho nữ thôi, đừng nhận đồ nam. Trên biển hiệu ghi rõ để người ta khỏi phiền.
– Con coi mấy loại vải này là trong hãng mình dệt, má dặn bên đó rồi. Có vải mới đều đem qua đây cho con giới thiệu với khách.
Hết câu này tới câu khác, Liên buồn cười nhìn má Ngọc. Thật ra miệng nói thì tay má cũng làm luôn rồi, Liên không cần làm.
Hôm nay ba cô bạn thân đều đến đây chọn mấy kiểu quần áo để may làm mẫu trưng bày trước cửa tiệm. Mỗi cô một ý, sau cùng là mỗi người được chọn một kiểu, thêm má Ngọc một kiểu là năm kiểu. Thảo nghĩ nghĩ rồi nói.
– Chọn thêm một kiểu nữa đi, sáu kiểu là lục – lộc mới phát tài.
– Phải đó cô ba.
Dì tư qua dọn dẹp nghe bàn bạc cũng lên tiếng.
– Vậy cho dì tư chọn một kiểu đi.
– Trời đất, tôi biết chọn gì. Mà bữa tôi thấy cô đào bên Aristo diễn tuồng mặc bộ áo dài tới gót chân, đi dứng thướt tha đẹp quá chừng.
Nói rồi dì diễn tả chi li cô đào đó bận quần lãnh đen mượt mà, áo dài trắng thêu hoa hồng đỏ rực. Cổ mang đôi guốc cao khoe hai bàn chân trắng trẻo, móng chân sơn đỏ. Tóc vấn cao, thêm tóc mượn đen dày giống như thác nước. Kể một hồi thì ra cô đào đang diễn một vai trong vở tuồng.
– Hèn chi, chứ ở ngoài đời ai lại ăn bận đủ màu vậy chứ?
Laurent xưa nay là người ít mặc áo dài nhất, nghe vậy thì mắt lim dim nói.
– Liên, trò nghĩ thử xem nếu mặc áo dài mà mặc áo ngực kiểu mới, rồi chích eo bó sát nữa, rất quyến rũ đúng không?
Liên không kịp chặn miệng Laurent, mấy cô gái liếc mắt nhìn Laurent vẫn không ngượng ngùng gì cả. Ai lại nói chuyện áo lót, áo ngực oang oang như vậy chứ.
– May thử cho mình kiểu đó đi.
Quần áo kiểu mới, đẹp thì có cô gái nào không thích mê. Để cho mọi người lo trang hoàng cửa tiệm, Liên tập trung may các bộ mẫu để trưng bày. Từ nhỏ Liên đã theo má Phước học may vá, đến khi má Phước mất thì má Ngọc lại càng nhắc cô học. Phụ nữ thời này ai cũng học may vá thêu thùa, trong nhà kim chỉ, khung thêu là món đồ không rời tay.
Đến khi chiếc máy may đầu tiên được mang về thì Liên cũng có một cái trong phòng. Một phần là năng khiếu, một phần được nhắc nhở nên Liên luôn để tâm học. Quần áo má Ngọc, ba Hoài và của mình phần lớn do cô làm.
Tiệm bên này đông vui thì nhà ở đại lộ Galliéni vắng vẻ. Ông Châu bước vô nhà, chỉ thấy con Bê đang lui cui lau nhà, vừa lau vừa lên câu vọng cổ.
– Dạ, ông chủ về sớm.
– Ừ, đi đâu hết rồi?
– Dạ, bà chủ cô ba ở tiệm mới, dì tư cũng qua phụ dọn dẹp bên đó.
– Pha cho ông bình trà đem vô phòng.
– Dạ.
Ông Châu xách cặp vào trong phòng làm việc, ‘mấy bữa rày bận rộn mà bà ấy vui vẻ hơn’ ông nghĩ bụng. Ngồi xuống ghế sau bàn làm việc, soạn xong giấy tờ ra bàn thì con Bê mang bình trà hoa cúc thơm ngát, ly đá lạnh đặt lên bàn rồi ra ngoài.
Còi xe lửa hụ ba tiếng rộn ràng, bốn giờ chiều rồi. Hôm nay ông về sớm hơn ngày thường. Nắng chiều mùa mưa nhàn nhạt, bóng râm toả trên sân dịu mát. Ông thở dài quay lại nhìn xấp giấy tờ trên bàn, cảm giác ngột ngạt khó chịu lại quay về. Mắt nhìn mông lung ra sân nhà, ông nhớ lại cuộc gặp trưa nay với em trai.
Dạo trước Châu Tân có việc đi Tân Châu nên không biết chuyện ông mua nhà mở cửa tiệm cho con Liên. Trưa nay em trai đi vào xưởng, gương mặt trầm xuống hỏi chuyện. Trước nay ông hay bàn bạc với em trai chuyện làm ăn, vì dù sao Châu Tân cũng đang lo chuyện mua bán ở Long Hồ và Tân Châu. Nhưng về danh nghĩa Châu Tân không có quyền trong tài sản của ông, nói trắng ra là người làm quản lý nhận lương, nếu không kể là em ruột. Ông chưa bao giờ nghĩ là mình phải ‘báo cáo’ chuyện mình muốn mua đất đai nhà cửa cho em trai biết.
Nhưng nhìn thái độ của Châu Tân trưa nay, trong đầu ông xuất hiện một ý nghĩ mà trước nay chưa hề có. Có phải em trai ông muốn làm chủ gia sản? Suy nghĩ đó cứ xoáy trong đầu sau khi cuộc trò chuyện chấm dứt. Mặc dầu lúc ra ngoài, Châu Tân đã cười giả lả nói.
– Tôi chỉ nghĩ con Liên còn nhỏ quá, để nó chơi thêm vài năm nữa.
Ông không trả lời, chỉ nhìn lướt qua em trai rồi cúi xuống đọc tiếp sổ sách.
Có thật vậy không?
Ông là anh lớn trong nhà, sau khi lập gia đình thì bôn ba bên ngoài làm ăn mua bán. Ban đầu vất vả, chỉ có vợ con đi theo, xuôi ngược khắp nơi. Đến khi dừng chơn ở Long Hồ, tích góp mua được căn nhà. Rồi quen biết vợ chồng hàng xóm Trần Văn Lân, hai nhà hợp ý, kết nghĩa anh em cùng nhau làm ăn.
Có thêm người em kết nghĩa, thêm người lo trong lo ngoài nên công việc dần thuận lợi. Tiếp tục là chuẩn bị lên Sài Gòn để làm ăn lớn, cũng lo tương lai con cái. Sau khi tai nạn xảy ra, vợ chồng ông lên Sài Gòn tiếp tục công việc dang dở. Hai căn nhà ở Long Hồ ông không nỡ bán nên xin rước cha mẹ và em trai về đó ở. Từ đó Châu Tân theo ông làm ăn. Cha mẹ ông mất mấy năm trước, căn nhà đó để lại cho em trai. Phần nhà của Trần gia vẫn giữ riêng cho con Liên như ông đã ký giấy trước đây.
Mấy năm nay, Châu Tân ngày càng thuần thục, công chuyện cũng không cần ông để tâm nhiều. Nhưng không phải không có sai sót, làm thương nhân không phải lúc nào cũng nói thật. Nhưng vẫn nên có nguyên tắc và kiêng kỵ, không thể nói không thành có được. Nhiều lần Châu Tân hứa bán hàng trăm cây vải trong khi hãng dệt không kịp. Sau đó lại đề nghị mua hàng của hãng khác thế vào, giá rẻ hơn nhưng chất lượng không đảm bảo. Ông đã mấy lần xin khất thời gian giao hàng, rồi nhắc nhở em trai.
Mấy năm nay Châu Tân bắt đầu tìm mối làm ăn bên ngoài, ông biết nhưng không ngăn cản, cũng không hỏi han. Ông nghĩ chuyện này cũng hay xảy ra. Trước kia mình cũng đi làm cho chủ rồi mới tách riêng làm ăn. Giờ giật mình nghĩ lại, nếu như các mối này dùng cách gian lận, rồi lấy tên hãng dệt Long Hồ thì sao? Nhiều người đều biết Châu Tân đang làm việc cho hãng Long Hồ.
Dù cho có tìm được thằng hai hay không, ông cũng không muốn để lại cho con một gia sản mục ruỗng với danh tiếng gian dối. Khác nào để lại cho con tiếng nhơ cùng khoản nợ không thể trả?
Rất nhiều người đều xa gần nói con Liên không phải là con ruột, ông đều làm ngơ. Nhưng Châu Tân cũng nghĩ như vậy? Có hay không em ông nghĩ rằng tài sản ông nên để lại cho nó?
Sống lưng ông lạnh, mồ hôi rịn ra, đôi mắt trầm xuống tối tăm.
Ông biết các thủ đoạn trên thương trường, cũng từng thấy Châu Tân ra tay đối phó với người khác. Nếu nó không coi con Liên là người trong nhà, vậy nó sẽ đối xử thế nào với con nhỏ? Càng suy nghĩ ông càng hít sâu, phải có biện pháp phòng ngừa, giờ vẫn còn kịp. Ông quay lại trang giấy, bắt đầu viết rất nhanh.