Chương 14: Ba Hoài giấu nghề

Lúc anh tư Bốn qua rước Liên thì không về nhà mà đi thẳng ra chợ Chính.

– Ông bà chủ đang ở đó, dặn tôi chở cô ba qua.

Anh tư nói rồi đánh xe vào trước cửa một tiệm ăn khá lớn bên trái cổng chợ. Liên đi vào trong thì thấy ba má đang ngồi với hai người khách cũng gần năm mươi, chắc là vợ chồng. Ông Châu đứng dậy biểu Liên thưa hỏi rồi giới thiệu.

– Con thưa bác ba đi, con gái em, tên Liên.

– Thưa hai bác mạnh.

– Ừ, ngồi xuống đi cháu.

Bữa cơm trưa cũng thân tình, qua lời nói chuyện Liên biết hai vị này là bác của chị Oanh, bác ba Toàn Phi-lê. Ba má đã đến gặp bác ba nói chuyện Liên và chị Oanh gặp nhau. Còn xin lỗi chuyện Liên không biết nội tình nên mới nói muốn thuê chỗ đó.

– Nói thiệt với chú thím, tôi cũng buồn phiền mấy tháng nay. Lúc trước mình bỏ công bỏ sức gầy dựng, giờ thành hình thì họ nhảy vô hưởng. Ngặt nỗi giờ mình không tranh được. Con Oanh nó cũng xót tiền nên mới nói lung tung. Chứ làm sao bán ra được.

– Dạ,

– Chú thím còn tìm nữa không?

– Còn anh, con gái để nó làm nghề may đỡ bôn ba. Đâu để nó chạy ngoài vất vả như em được.

– Choa, đúng là con cưng rồi.

Bác ba gái chen ngang, giọng hơi cao nhưng mọi người lơ đi mà cười cho qua. Bác ba Toàn nói tiếp.

– Tôi định dẫn chú thím qua coi nhà này, của người quen muốn bán. Ăn xong mình đi được chớ?

– Được anh, cũng không gấp. Lâu rồi chưa hàn huyên với anh chị. Cháu Định giờ sao? Ở bển hay về? Chắc học xong rồi?

Ba Hoài nói không nhanh không chậm, đúng là thật sự muốn hàn huyên tâm sự. Bác ba gái nghe nhắc đến con trai thì tuôn ra hết. Con trai lớn tên Nguyễn Trường Định, đi học ở Pháp từ năm mười mấy tuổi. Anh Định đã tốt nghiệp sĩ quan năm rồi, ở lại Pháp chơi một năm, cuối năm nay về.

– Tôi thiệt muốn nó ở bên đó luôn. Về đây không tiện nghi, lộn xộn. Mà nó muốn về phụng sự đó chứ.

Ai cũng nghe cách bác ba gái rất tự hào về con trai, còn chuyện về hay ở không phải muốn là được. Nghe nói mấy năm nay chính quốc Pháp cũng khó khăn, mắc kẹt trong mấy cuộc chiến liên miên không dứt. Tiền tài còn phải gom từ các nước được bảo hộ đem về đó chi dùng. Người An Nam ở lại đó cũng không tốt.

Hôm trước tham gia xuống đường ông Phan, Liên cũng nghe mấy anh chị hiểu biết nói chuyện. Nên cô cũng hiểu thêm tình hình các nước, cộng với chuyện mấy năm sắp tới ở Sài Gòn. Giờ Liên không phải là con nhóc thơ ngây, ai nói khoa trương gì cũng tin là thiệt.

Liên yên lặng ăn cơm, nghe người lớn nói chuyện, cô phát hiện bác ba gái thỉnh thoảng quan sát cô. Liên không biết nhiều về chuyện nhà của bác ba Toàn này nên cũng không lưu tâm. Bác ba Toàn nhất quyết muốn mời nhà Liên bữa cơm này nên ba Hoài cũng không từ chối. Nghe nói cái nhà kia gần đây lắm nên mọi người đi bộ.

Lúc sáng trời mưa lác đác, giờ nắng vẫn chưa kịp làm khô. Mấy vũng nước bị người ta tránh ra sợ bùn văng lên quần áo. Ngôi nhà nằm đầu đường Colonel Budonbet (1), xéo góc với rạp hát Aristo, phía bên kia là nhà ga tàu lửa. Bác ba ngoắc tay một người đang ngồi xổm uống cà phê ra hiệu. Người đó đi tới, chào mọi người rồi nhanh nhẹn mở cửa căn nhà.

Ngôi nhà có bề ngang rộng cỡ tám thước, tường gạch mới được quét vôi lại. Căn nhà giống như mấy gian nhà phổ biến ở thành thị bây giờ. Gian trước dài cỡ mười thước, có cửa vào gian sau là một phòng làm việc và mấy gian cho vệ sinh, bếp nhỏ và sân sau.

– Nhà này hồi trước muốn xây có lầu nhưng sau đó không làm được, nên mái cao lắm. Chú thím muốn làm thêm lầu rất tiện.

– Nhà dựng hồi nào anh chị ba biết không?

– Mới bốn năm năm gì hà.

Nền nhà lát gạch tàu màu đỏ, mấy cửa gỗ bị long lay, chắc do không có người chăm sóc. Liên hỏi nhỏ bên tai má. Má Ngọc nháy mắt, rồi nhìn ba. Chắc ý má là để ba nói chuyện. Gương mặt ba vẫn điềm tĩnh như thường, vừa ngó xem vừa hỏi vu vơ chuyện căn nhà.

– Giá là năm mươi cây vàng y (2), chú thím thấy được không? Tôi bán dùm người quen nên người ta dặn sao nói vậy.

– Ở đây gần nhà em, cũng thuận tiện, làm tiệm may thì phía trước hơi ngắn bề dài.

– Thì chú đập tường này ra là được.

Bác ba gái vội vã nói, định nói thêm gì đó thì đụng ánh mắt bác ba trai nên thôi. Má Ngọc cười tiếp lời, cũng để dàn hòa.

– Chị ba nói phải. Mới đầu có hai ba thợ cắt may, ngồi hơi chật chút, nhưng cũng đặng.

Nói qua lại thêm mấy câu về chuyện hơn thiệt nếu mở tiệm may ở đây rồi bác ba lại nói.

– Giá vậy tôi thấy được.

– Để vợ chồng em về nhà bàn lại, ba hôm nữa em tới nhà anh chị được không?

– Được, chú thím cứ tính đi rồi báo tôi.

Bác ba gái định nói gì thêm nhưng lại thôi. Liên đi ra ngoài tìm anh tư Bốn, ngoắc ảnh đánh xe tới. Đợi ba người nhà Liên đi, ông ba Toàn quay sang cằn nhằn vợ.

– Đã dặn bà không được vội, nói hớ vậy sao bán được giá.

– Có hớ gì đâu, thấy chú ấy không thích lắm, mà biết có tiền mua nổi không?

– Bà cứ như vậy. Châu Hoài ra ngoài làm ăn bao lâu? Chuyện gì cũng dán lên mặt như bà sao? Bà xem đi, người ta cũng mua bán vải mà mấy năm dựng hãng, mua nhà. Còn cậu em trai bà thì có gì?

Nghe nhắc đến em trai bà càng khó chịu. Cậu em trai bà cỡ tuổi Châu Hoài, cũng làm mua bán vải vóc khắp lục tỉnh, nhưng càng làm càng lỗ. Bởi vậy bà nhìn vợ chồng Châu Hoài không vừa mắt. ‘Đứa con gái nuôi thôi mà được mua cả căn nhà ở đây mở tiệm’ bà lầm bầm trong miệng.

– Bà thôi lo chuyện nhà người ta đi. Lo mà nhắc con Hồng bớt ăn xài, thằng hai nữa. Cứ ăn xài như vậy, của núi cũng lỡ.

– Biết rồi.

Nghĩ đến chuyện tiền bạc trong nhà bà càng phát rầu. Lúc trước ông nhà theo Ngài Thống đốc, tiền bạc vô ào ào. Thằng hai ở bên đó xài bao nhiêu không tiếc. Bây giờ Ngài Thống đốc về nước, mất chỗ dựa, lại thêm phe phái mới lên bài xích phe cũ. Ông Toàn không những mất nguồn thu mà còn phải nhả ra mấy món tài sản để được yên thân.

Tiền cho thằng hai không thể cắt giảm, con ba Hồng càng lớn càng tiêu xài nhiều. Của chìm của nổi cứ teo dần, hai ông bà lo trước lo sau. Năm nay con Hồng mười chín rồi, bà đang tìm chỗ thông gia, phải môn đăng hộ đối, còn có thế để trợ giúp cho thằng hai về đây có chỗ. Mà cuối năm thằng hai về, ông bà muốn bán nhà này để chạy chọt cho con trai vô chỗ làm tốt. Chỉ là con người ta lúc mua nhà thì huênh hoang, lúc bán nhà phải lén lút nói khéo làm bà cứ quên nói hớ. Hai ông bà dặn người làm khoá cửa rồi ngoắc chiếc xe ngựa đi về.

Trong phòng sau cửa tiệm, ba Hoài nhìn Liên hỏi.

– Con thấy sao?

Ý ba là muốn biết về căn nhà hay vợ chồng bác ba Toàn? Cô nhìn ba nói.

– Con nghĩ căn nhà đó của bác ba, không hiểu sao bác ấy lại nói của người ta. Giá năm mươi cây hơi mắc, khoảng bốn mươi hai, bốn mươi ba cây mới đúng giá.

Ông Châu nhìn con gái nhỏ mỉm cười.

– Con nói đúng, nhà đó là của bác ba, cất lên khoảng năm sáu năm gì đó. Đúng là nghe nói định cất hai tầng, nhưng không hiểu sau chỉ dựng tầng trệt rồi ngưng. Bác ba Toàn trước đây chạy áp phe rất nhiều, giờ thời thế thay đổi. Bây giờ chắc đang dốc sức lo chỗ cho con trai nên mới bán căn này. Căn này buôn bán thuận tiện, ba sẽ nghĩ cách để mua cho con.

– Má cũng thấy vậy. Nghe nói chị ba đang tìm mối mai cho con gái. Muốn tìm chỗ sang cả, môn đăng hộ đối. Nghe nói cô ba Hồng đó chưng diện điệu đà, lên xe xuống ngựa.

– Má, vậy má dẫn con gặp chị đó đi.

– Làm gì? Con không được học theo.

– Làm gì có. Má nghĩ coi, khách hàng tiệm con là cần những người giống chị Hồng đó. Vung tiền không tiếc tay.

Ha ha, ông bà Châu cười vui vẻ. Bà liếc con gái nói.

– Phải không? Má nói rồi, con mà học theo là không cho về nhà nữa. Mà chỗ cô Oanh con cũng không nên quá thân thiết. Biết đất đó là hố lửa mà còn muốn bán cho con.

– Biết rồi, biết rồi mà.

Không biết ba dùng cách gì, gần một tuần sau ba đem bìa sơ-mi có giấy tờ căn nhà về đưa cho hai má con, nói.

– Xong rồi, giờ đến phiên hai má con bà lo trang hoàng sao cho tiệm coi cho được.

Liên vui vẻ nhận bìa, mở ra cho má xem. Hai má con ngước nhìn ba Hoài đang vui vẻ, có ý hỏi.

– Bốn mươi cây, mời tiệc rồi lo giấy ra sớm nên hết hai cây nữa.

Ha, Liên hô lên, chạy lại ôm sau lưng ba.

– Ba thiệt là giỏi! Ba làm sao hay vậy? Nói con nghe với.

– Nói cái gì, …

Ông Châu thân thiết gõ đầu con gái. Nhìn con bé vui vẻ, ánh mắt sáng ngời làm bao ưu phiền cũng vơi đi. Vầng trán này, nét miệng này là hình ảnh của người em trai kết nghĩa của ông. Người đã hết lòng vì ông, hy sinh cả mạng sống cho ông. Trong đầu ông còn vang lời anh ba Toàn nói ‘ Con gái cũng gả cho nhà người ta, sao phải cực nhọc như vậy’ trong ánh mắt đó còn thêm ý là con gái nuôi thôi. Nhưng đối với ông Châu, đứa nhỏ này như là hòn ngọc sáng ấm áp. Không có con bé, vợ chồng ông liệu có đủ sức vượt qua đau thương? Con bé là niềm vui, niềm an ủi của vợ chồng ông bao năm qua.

(1): Đường Lê Lai ngày nay

(2): vàng y là vàng 99,99 ngày nay

Viết một bình luận

error: Content is protected !!