Chương 111: Anh tới trễ quá rồi!

Hình như con nước đương đứng nên mực nước lên xuống không nhiều, Liên không có cảm giác dập dềnh như lần đi ghe cùng anh hai trước đây. Liên lắng nghe động tĩnh xung quanh, tiếng động thưa dần, người trên tàu hẳn là ngủ say; chỉ còn mình Liên trằn trọc không an. Bọn chúng cho phép dì út Hậu đến gần cô là để mượn tiếng dì ấy lừa gạt cô sao? Việc đưa cô đi Nam Vang là thiệt hay giả, cô hoàn toàn không đoán ra; thế nhưng lời dì út kêu cô phải trốn đi rất đúng ý cô. Dì út rất sợ người đờn bà cao lớn đó, có lẽ vì vậy nên chúng không ngờ rằng dì út bạo gan tiết lậu kế hoạch cho cô biết.

Liên lại trở người lần nữa, nhiều ngày nằm ngủ trên ván cứng, không gối không nệm làm cả người cô mỏi mệt và đau nhức. Cô sợ rằng thần trí mình không còn tỉnh táo, phán đoán sai động cơ của dì út và bọn chúng. Mặc kệ chúng có ý đồ gì, cô phải trốn trước khi chiếc tàu này đến bến cuối cùng.

Một đêm lặng lẽ trôi qua, Liên đợi trời sáng thì gõ cửa gọi người tới dẫn đi vệ sinh. Gã đờn ông kia nói cô phải chờ một lát nữa mới có thể đi. Lúc cô được dẫn tới ‘’cái chuồng’’ nhỏ làm nhà vệ sinh thì vừa lúc con tàu chạy qua khúc sông vắng vẻ, hai bên bờ là những rặng dừa nước xanh ngát nối tiếp nhau. Liên nhìn trước sau không thấy ghe xuồng nào khác thì thất vọng thở dài. Bọn chúng đề phòng quá cẩn mật.

Liên nhìn ra mặt nước lững lờ, thầm ước chừng khoảng cách hai bờ sông. Haiz, cô biết lội nhưng sau lần gặn nạn kia cô hơi sợ xuống nước. Huống hồ chi mấy gã đờn ông trên tàu này chắc chắn bơi lội giỏi hơn cô. Dầu cô có bơi qua được bờ bên kia thì thể nào cũng bị bắt lại.

Đến khi trời trưa nắng gắt gao, gian phòng nơi nóng, Liên đổ mồ hôi ướt lưng mà lại cảm thấy lạnh run cả người. Bởi vậy nên khi người đưa cơm tới, cô thều thào nói.

– Có thuốc không? Tôi bị nóng lạnh rồi!

Gã đờn ông đó nhìn kỹ mặt cô, hơi chần chừ rồi gật đầu đi ra. Lát sau y trở vô cầm theo một viên thuốc tể đen thui to bằng ngón chơn cái biểu Liên uống. Cô nhăn mày nói.

– Có thuốc tây không? Chớ cái này … tôi chưa uống bao giờ!

Thiệt ra Liên vẫn hay uống thuốc Nam nhưng phải có thầy thuốc bắt mạch kê đơn hẳn hòi, chớ khi không đưa viên thuốc này cô không dám uống.

– Xì, … không uống ráng chịu đi, ba bốn ngày nữa mới tới. Tới đó rồi tính!

Gã đờn ông nói xong thì bực bội đi ra ngoài.

Liên nuốt cơm hơi khó, cổ họng khô rát nhiều hơn hôm qua, miệng cũng đắng chát không còn khẩu vị gì. Cô buông chén cơm xuống, vói tay tháo cây kẹp trên đầu xuống ngắm nghía. Cây kẹp này làm bằng sắt mạ vàng không có giá trị nhưng hột ngọc trai nhỏ đính ở thân chắc cũng bán đặng mấy đồng, còn có đôi bông tai cũng bằng ngọc trai cô giấu kỹ trong người nữa, chắc là đủ tiền xe về Sài Gòn, bằng chẳng thì cũng đủ gọi một cuộc điện thoại.

‘’Quyết định rồi, không thể chậm trễ hơn!’’ Liên tự nói với mình rồi và thêm mấy đũa cơm khô vào miệng, cố gắng nuốt xuống.

Cô muốn ngó chừng tình huống bên ngoài nên cứ cách nửa giờ lại gõ cửa gọi người một lần vì bị nóng lạnh, bị tiêu chảy phải đi vệ sinh. Gã đờn ông thứ nhứt tới mấy lần liền đổi sang người khác. Cứ như vậy mà Liên nhận diện được mấy gã đương ở trên tàu.

Trời dần ngả về tây, Liên lại đập cửa than đói bụng vì lúc trưa đã ói ra hết rồi. Gã đờn ông nhìn gương mặt cô tái mét, ánh mắt đờ đẫn thì hơi hoảng, gã chạy đi rồi đem lại viên thuốc tể lúc trưa. Liên lắc đầu không chịu uống rồi nằm vật xuống chặn ngay cái cửa, giọng thều thào xin một ly nước ấm.

– Có nước chanh nóng càng tốt … tôi … chở tôi tới thầy thuốc đi, …

– Không đặng đâu! Cô vô trong đi, lẹ lên!

Liên cố gắng ngồi dậy rồi lại mệt mỏi dựa lưng vào cạnh cửa, nhắm mắt, thở nặng nhọc từng hơi một. Gió chiều thổi tới mát rượi, Liên chớp chớp mắt nói.

– Cho tôi ngồi đây ăn cơm, ăn xong tôi vô trong ngủ … chắc là sáng mơi sẽ khỏe lại. Nước ấm … đi mà,

Gã đờn ông khựng người, gã chưa từng nghe ai nói chuyện nhỏ nhẹ thanh tao tới vậy nên thoáng ngập ngừng. Tiếc là gã chưa kịp trả lời thì người khác chạy tới, la lớn.

– Vô phòng mau, … lẹ lên!

– Gì vậy? Tôi chưa ăn cơm!

– Lát nữa ăn! Lát nữa biết đâu có thịt ngon cơm nóng.

– Hả? Sắp ghé bến hả? … Mua thuốc nóng lạnh cho tôi đặng không? Mai mốt, … mai mốt tôi trả tiền lại cho.

Gã đờn ông nhăn mày vì lỡ lời làm lậu ra hành trình của chiếc tàu nhưng thấy cô chỉ hỏi chuyện thuốc thang nên cũng an lòng, đẩy cô vô phòng rồi đóng cửa cái rầm.

Quả nhiên, chừng nửa tiếng sau thì chiếc tàu dừng lại. Mạn tàu đụng nhau cộp cộp làm Liên bị hất nghiêng qua ngã lại trên ván giường. Nếu như họ dừng lại lên bờ ăn cơm cũng mất hơn một tiếng đồng hồ. Họ sẽ neo lại hay đi tiếp, cô nên lợi dụng lúc này hay chờ trời tối hơn?

Chừng như bọn chúng đã kéo nhau lên bờ nên cô đập cửa rất lâu mà không có ai tới. Trời sụp tối nhanh, tiếng bìm bịp gọi nhau liên hồi như thúc giục, Liên bỗng thấy nôn nóng, đến lúc rồi!

Cô đập cửa lớn hơn nữa, dùng cả hai chưn dậm lên ầm ầm, cánh cửa rung rung, tiếng dây xích leng keng không dứt.

– Nè, làm cái gì vậy? Muốn chết hả? …

Mấy tiếng chửi thề phía sau khiến Liên nhăn mày. Hừm, hắn ta bực bội cũng phải, những kẻ được lên bờ ăn uống no say, bắt hắn ở lại canh chừng trên tàu, lại gặp đúng đứa con gái ồn ào nhiều chuyện này nữa.

– Đói bụng, muốn ăn cơm! Ăn cơm thịt với canh nóng!

– … Mày tưởng mày là bà chủ hả? Tao còn chưa có cơm ăn,

Gã đờn ông thực sự tức giận, lời lẽ thô tục gì cũng nói ra đặng. Liên không thèm trả lời, vẫn dùng chưn dộng cửa ầm ầm phản kháng.

– Con nhỏ này …

Hắn ta loay hoay mở khóa dây xích hồi lâu mà vẫn chưa ra. Liên quýnh quáng, cảm giác cơ hội thoát thân đương vụt qua.

Loẹt xoẹt, loẹt xoẹt. Rốt cuộc gã cũng mở xong ổ khóa, đương kéo dây xích sang một bên. Liên bỗng nghe thấy tiếng lao xao đàng xa rồi có nhiều người đi tới. Cô nghe loáng thoáng có người cằn nhằn.

– Sao tự nhiên biểu quay về? Rồi có trả đủ tiền hông, hay là muốn quỵt,

– Nói bậy bạ cái gì. Bà Tứ chờ đón ở bến dưới đó, có bả mà mày lộn xộn thì bị ăn đòn ráng mà chịu.

Liên vừa nghe nhắc tới người đờn bà cao lớn hôm trước liền không do dự nữa, cô đạp cánh cửa vừa được hé ra rồi chen người ra ngoài. Gã đờn ông bị vướng tay trong sợ dây xích nên chưa kịp làm gì đã bị Liên đạp lên phần xương sườn, đau đớn nghiêng người rên rỉ.

Liên nhìn quanh một vòng rồi nhảy qua mấy chiếc ghe đậu sát nhau, chạy lên cầu gỗ rồi nhảy lên bờ. Đám đờn ông kia phản ứng rất nhanh, chúng chia nhau hai hướng muốn bao vây, ép cô phải trở lại tàu hoặc là nhảy xuống sông.

Liên đã nghĩ tới tình huống này nên cô chạy lui lại cầu tàu rồi nhắm tới chiếc xuồng ba lá nhò nằm ngoài rìa bến. Cô tháo dây đỏi buột xuồng rồi chống đẩy nó ra xa. Đám người kia lập tức nhảy theo, chiếc xuồng bị chúng đạp một đầu xém lật úp. Bất thình lình có tiếng súng nổ, một tên bị thương ngã xuống khiến mọi người đều nhìn về phía đó.

Giữa ánh chiều nhập nhoạng Liên thấy có một người đờn ông đứng trên chiếc tàu lớn, tay cầm súng hướng phía này, tay còn lại đương bận rộn gì đó. Mặc dầu Liên có chút hy vọng rằng người đó là ‘’phe mình’’ đến cứu kịp lúc nhưng ông ta chỉ có một mình thì làm sao đánh lại sáu tên kia. Biết đâu mấy kẻ đó cũng có súng chớ chẳng không, chỉ vì muốn bắt cô nên mới không dùng tới. Bởi vậy nên Liên vẫn nhanh tay chèo chiếc xuồng nhỏ ra xa.

– Dừng lại, không tao bắn!

Đúng như Liên đoán, một gã đã rút súng ra, hướng về cô ra lệnh. Cô không trả lời mà nhảy luôn xuống nước, phía bên kia chiếc xuồng để né đường đạn. Lát sau, cô vừa trồi lên mặt nước lấy hơi thì bị lóa mắt bởi quầng sáng rực đàng kia. Chiếc tàu lớn bị đốt, có mùi dầu lửa lẫn trong không khí.

Lúc này mấy người chủ ghe xuồng trên bến mới la hoảng rồi vội vàng nhảy xuống ghe xuồng của mình, chèo ra xa cho khỏi bị cháy lan.

Liên định nương theo mấy chiếc ghe hấp tấp rời bến để trốn đi nhưng không ngờ tên cầm súng ban nãy vẫn bình tĩnh ra dấu cho hai gã khác ‘’chăm sóc’’ cô, còn hắn thì chạy trở lại đám cháy. Hai gã ở lại vội vàng giành lấy một chiếc xuồng của một người đờn bà. Bà ta kêu la oai oái nhưng chẳng ai tới giúp.

Liên biết ở dưới nước cô không đánh lại hai gã kia nên muốn trở lên bờ. Cô gần như dùng hết sức mới có thể leo lên chiếc xuồng mà không làm nó lật úp. Chừng cô lên xuồng rồi thì không thấy hai gã kia đâu hết, còn người đờn bà thì đã lấy lại chiếc xuồng, lật đật chèo đi, không hề quay lại giống như bà ta vừa thấy cảnh tượng gì đó rất ghê rợn. Liên không nghĩ ngợi nhiều mà chèo theo bà ta, ai ngờ một bên ghe bị nhấn xuống, cô hoảng hốt thấy có người muốn leo lên.

– Buông ra, nếu không …

– Là anh. Vô bờ đi. Anh không biết chèo ghe.

Liên lập tức nghe lời người nọ, chèo chiếc ghe tới góc khuất sau rặng cây rồi nhảy xuống lội sình lên bờ.

– Cứ đi, có anh phía sau.

Từ đất sình mềm bước lên chỗ đất cứng khiến Liên đứng không vững, cô vừa nghiêng người đã có vòng tay phía sau đỡ lấy.

– Ráng đi thêm chút nữa.

Nói xong, người nọ vụt bước lên trước, nắm tay cô đi nhanh về phía bên kia của bến tàu. Bên cạnh quán ăn đương sáng đèn có một chiếc xe hơi cũ kỹ, vết sơn chằng chịt, anh ra hiệu cô vào xe rồi nhanh chóng chạy đi. Chiếc xe chạy êm re, chẳng giống như vẻ ngoài cũ kỹ của nó. Liên mệt quá, nằm nghiêng ở ghế sau muốn ngủ thì xe dừng lại. Anh mở cửa trước đi ra rồi mở cửa sau bước vô, nửa ngồi nửa quỳ kéo cô vô lòng nói.

– Ơn Chúa, em không sao!

– Hứ, sao anh đến trễ quá vậy! Em … em muốn,

– Muốn gì,

– Em muốn bịnh rồi nè!

Lúc này Bình Hướng mới vội vàng rờ lên trán rồi cả khuôn mặt nóng hổi của cô, rồi rờ tới bộ quần áo ướt nhem.

– Em mau cởi đồ ướt ra,

– Thôi, đâu có đặng.

– Anh có đồ trong xe, mặc đồ anh đi. Mau, mau lên, mình tới làng bên kia, mua thuốc.

Tuy Liên rất mệt mỏi, thần trí rã rời nhưng cô biết anh nói đúng. Cô đẩy anh ra ngoài rồi bắt đầu thay quần áo.

Lúc xe khởi động lần nữa thì Liên lập tức nằm dài ở ghế sau mà ngủ mê mệt.

error: Content is protected !!