Tối hôm qua, Thu Hòa vẫn ở lại tòa soạn báo trễ như thường lệ. Phần vì cô thích bầu không khí làm việc ở đây, những chồng tư liệu dày cộm khắp nơi và những con người cắm cúi trên trang giấy, lộc cộc gõ máy đánh chữ là nguồn cảm hứng vô tận cho cô; phần vì cô sợ mình làm lỡ công việc của ký giả Đoàn.
Giống như nhiều ký giả hay nhà văn, Đoàn Biền có cái tật cố hữu là ‘’nước tới chơn mới nhảy’’, nghĩa là mặc dầu ông đã có ý tưởng viết bài nhưng sẽ luôn lần lựa cho đến sát ngày hết hạn giao bài mới viết để nộp cho chủ biên. Từ ngày có Thu Hòa trợ giúp, Đoàn Biền càng ỷ y hơn, có khi tối muộn mới viết xong bài để sáng mai nộp. Mà chuyện viết văn, con chữ thì hấp tấp hay vội vàng là điều tối kỵ, bởi lẽ người ta hay nói sai một chữ là đi sai một dặm. Nhưng nhờ có Thu Hòa luôn kịp thời soát xét lại mà bài viết của Đoàn Biền chẳng những không có lỗi mà còn sáng tỏ, rõ nghĩa hơn trước đây nhiều.
Bây giờ thì chủ biên không phải theo hối thúc Đoàn Biền mà giao việc này cho cô, ông ấy chỉ cần nói ngày giờ nộp bài, bao nhiêu con chữ là xong. Không dưới một lần, các ký giả khác cười hỏi Đoàn Biền.
– Nè, anh Biền, anh để người ta làm hết một nửa công việc, vậy có đưa một nửa lương cho người ta không đó?
– Ha ha, đưa hết lương luôn chớ một nửa cái gì!
Đoàn Biền cười cười không trả lời, vẻ mặt điềm tĩnh nhưng trong lòng dậy sóng. Ông đương nhiên hiểu ý tứ trêu ghẹo của đồng sự là gì, bản thân ông cũng đã tự hỏi mình rất nhiều lần. Tiếc là chưa lần nào ông thỏa mãn với câu trả lời của mình. Là một người viết báo, điều kiện tiên quyết là nắm rõ chủ đề và biết cách triển khai những ý tứ theo chủ đề chính; Đoàn Biền là ký giả giỏi, ông không hề nghi ngờ năng lực của mình. Ông biết câu trả lời cho chuyện giữa ông và Thu Hòa chỉ có hoặc không, hai đáp án mà thôi. Thế nhưng mỗi lần nghĩ đến, ông lại có đáp án khác nhau.
Chẳng hạn như lúc ông ngồi nhìn Thu Hòa chăm chú sửa từng lời từng câu bài viết của mình thì trái tim ông đập rộn, cảm giác ấm áp và xao động lan ra khắp cơ thể. Ông thầm mong được như lúc này đến hết đời. Nhưng vào những lúc ông phải băng mình vào nguy hiểm vì lý tưởng, vì công việc thì ông lại thầm mừng vì đã không đi cùng cô. Ông nửa muốn nói với cô về lý tưởng của mình, về con đường cách mệnh mà ông đã chọn; nhưng ông cũng biết đoạn đường phía trước rất gian lao, thành bại được mất không thể nào đoán trước; một cô gái trẻ trung xinh đẹp như cô thể nào cũng tìm thấy hạnh phúc, sống một đời an yên bên một người khác. Dầu cho trái tim ông có đau đớn, tâm trí ông có thảng thốt, mất mát nhưng đó là điều ông nên làm với cô, người con gái ông đã trót yêu.
Ông đã từng nghĩ rằng cuộc đời mình chỉ có lý tưởng cách mệnh, tình yêu thương dân tộc đương chịu cảnh lầm than. Có ngờ đâu trái tim ông lại rung động vì cô, ông đã lý tưởng hóa tình yêu của mình với cô, đó là thứ tình thương nhơn loại, bao la và phóng khoáng. Vậy mà mỗi lần nghĩ tới tương lai cô ở bên cạnh người khác, ông lại chẳng thể cam lòng, thì ra tình yêu nam nữ luôn có sự ích kỷ và chiếm hữu, dầu ông có chí lớn đến đâu vẫn không thoát khỏi bản ngã tại tâm.
Những ngày này, vì tâm trí còn chưa dứt khoát nên Đoàn Biền không gặp gỡ Thu Hòa nhiều, ông muốn để cho cả hai có một khoảng không gian và thời gian suy gẫm và cân nhắc thiệt hơn trước. Nhưng trời ít khi chìu lòng người, chuyện xảy ra chiều nay không thể không cho cô biết.
Đoàn Biền gấp gáp đi lên cầu thang, đẩy cửa vào phòng rồi ngẩn ngơ nhìn cô gái nhỏ cúi đầu trên trang giấy. Mái tóc dài buông lơi sau lưng, vài lọn nhỏ phủ một phần xương hàm thanh tú; ông có nhớ lầm hay không mà cằm cô lại nhọn hơn chút nữa rồi. Có lẽ ông nên ngừng giao việc cho cô, bằng không thì lần tới gặp lại chắc ông sẽ càng xót xa hơn, là tự mình làm khổ mình đa.
– Sao vậy? Sao ông không vô? Ông muốn lấy đồ rồi đi liền sao?
Thu Hòa hơi thất vọng vì ký giả không đi thẳng vô phòng mà chỉ đứng ở cửa trầm ngâm không nói. Cô biết ông ấy đương né tránh mình, cô loáng thoáng nhận ra nguyên do nên không khỏi tủi thân và tự ti, có lẽ ông ấy phật lòng vì bị đồng sự trêu chọc. Cô không muốn nghỉ việc ở tòa soạn nên trong lòng cứ thấp thỏm, đêm dài ngủ chẳng ngon. Chuyện của Hảo hôm trước khiến cô biết mình cũng đã vướng tương tư, mà có lẽ cũng là đơn phương như trò ấy vậy. Haiz, lúc khuyên lơn Hảo thì ngon lành lắm, tới phiên mình thì rối rắm như tơ vò. Đúng là chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng mà!
Đoàn Biền nghe tiếng thở dài của cô gái nhỏ, khóe môi không khỏi nhếch lên. Em cũng có nhiều phiền toái vậy sao? Ông bất giác đi nhanh tới trước bàn cô, cúi người xuống để mắt hai người ngang nhau, nhìn nhau rất gần; ông có thể cảm nhận được cái hít vào thực sâu của cô như lấy luôn phần không khí của mình.
– Dạ, ông … ông muốn gì?
Đôi con ngươi đen tròn đảo loạn, bối rối và hoảng hốt nhưng vẫn không chịu lui ra sau. Trong khoảnh khắc Đoàn Biền muốn gạt hết những lo ngại về tương lai mà cùng cô ấy buông thả một lần ở hiện tại, chỉ một lần này thôi … không thể rồi!
Đoàn Biền lắc đầu, định thần rồi đứng thẳng người, ngón tay trỏ bất giác gõ nhịp trên mặt bàn. Thu Hòa biết ông ấy muốn nói gì đó, quan trọng và cấp bách nên cũng gượng đứng lên.
– Bạn học của em, cô Ba Liên và cô Hai Lương vừa bị bắt cóc chiều nay.
– Hả?
Thu Hòa ngồi sụp xuống ghế, ngửa người nhìn Đoàn Biền, ánh mắt bất động như không hiểu lời ông vừa nói.
– Đừng sợ. Ông Phó Trần đã biết rồi, thể nào cũng tìm được người đưa về.
– Là bắt cóc tống tiền sao? Vậy thì sao hai trò ấy an toàn … ông … tin ông đúng chớ? Có khi nào chỉ là …
Đoàn Biền không trả lời câu hỏi của Thu Hòa. Thứ nhứt là ông vừa nhận được tin tức, chưa nắm rõ tình huống cụ thể ra sao. Hai là, dầu cho ông có biết nội tình thì ông cũng không thể nói rõ ràng với Thu Hòa. Với thân phận của cô Hai Lương kia thì ông nghiêng về giả thiết thứ hai, không phải là bắt cóc tống tiền. Thời gian gần đây, Sở An Ninh nội thành hoạt động rầm rộ, lấy cớ là truy bắt kẻ gian vào dịp Tết nhưng ẩn ý phía trong thì ông đã biết. Đột nhiên con gái ông Phó sở bị bắt, chắc chắn là người ta phản đòn rồi, chỉ chưa biết mục đích chính xác là gì mà thôi.
Đoàn Biền đối với cô Hai Lương nhà ông Phó không có tiếp xúc gì, lại ở về phía bên kia của cuộc chiến nên ông không để tâm. Riêng với cô Ba Liên thì khác, ông thực lo lắng cho cô ấy, e rằng lành ít dữ nhiều đa.
Thu Hòa thấy ký giả không trả lời thì càng nóng vội, cô đứng dậy, quơ lấy cặp và nón để ở góc tủ rồi đi. Đoàn Biền nắm cánh tay cô kéo lại.
– Em đi đâu?
– Em tới nhà trò Liên, bác hai … hỏng biết là biết chưa, thể nào cũng …
– Biết rồi.
– Vậy … em tới an ủi, …
– Để ngày mai đi. Bây giờ nhà họ rất rối, … em đến làm mất thời gian. Vào những lúc thế này, thời gian rất quan trọng.
Thu Hòa xuôi tay, dựa người vào cạnh bàn ảo não nói.
– Dạ, em biết rồi.
Thu Hòa nói vậy nhưng tâm trí vẫn hoang mang, hai cô bạn thân nhứt bị bắt không rõ nguyên do, cô thực không sao bình tâm cho đặng.
Đoàn Biền giúp cô xếp gọn giấy tờ trên bàn rồi nói.
– Để tôi đưa em về nhà,
– Dạ, không sao đâu. Em …
– Nghe lời! Em như vầy ra đường, tôi chẳng an tâm. Đi,
Ông vừa nói vừa đẩy cô ra cửa, vói tay tắt đèn rồi cùng cô chậm rãi xuống cầu thang. Ra khỏi cổng tòa soạn, ông ngoắc một chiếc xe ngựa gần đó rồi cả hai lên xe. Có chiếc xe điện leng keng chạy ngang qua, đồng hồ điểm bảy giờ rưỡi tối, đây là chuyến xe cuối cùng trong ngày.
Lúc xe ngựa lọc cọc ngang qua con hẻm vào nhà Liên, Thu Hòa chồm người ra nhìn thử. Cô không thấy đặng cổng sắt nhà Liên nhưng lại thấy chiếc xe hơi đương quẹo vào hẻm.
– Ủa, chiếc xe này …
– Là của cậu hai Bình Hướng, Nguyễn gia.
– Ừm, phải rồi … cậu hai Nguyễn thể nào cũng giúp.
Giọng nói của Thu Hòa có vẻ mừng. Đoàn Biền ngay lại nhìn cô hỏi.
– Ý em là sao? Cậu Hai rất thân thiết với ông Châu à?
– Trời đất, đâu mà thân với bác hai, thân với trò Liên chớ!
– Ý em là …
– Thì là vậy đó!
Thu Hòa hơi thẹn khi nhắc tới mối quan hệ giữa Liên và cậu hai Hướng nên ngoảnh mặt nhìn ra đường che dấu xúc cảm. Trong khi đó, Đoàn Biền lại nhăn mày, ông hiểu ý của Thu Hòa, cũng chính vì lẽ đó mà ông càng thêm phiền lòng. Mối quan hệ giữa bọn họ như một mạng nhện, vòng quanh rồi nối tiếp nhau, không biết đâu là đầu đâu là cuối. Sợ rằng khi có chuyện xảy ra, tất cả sẽ dính thành một chùm, không thể thoát. Suy nghĩ của Đoàn Biền không phải là vô căn cứ. Không nói tới chuyện xa vời, chỉ sáng ngày mai ông đã biết mình đoán đúng.
Đoàn Biền đưa Thu Hòa về tới nhà, dặn cô đừng để lậu tin tức, đợi sau rồi mới tính. Thế nhưng sáng hôm sau khi ông tới đón Thu Hòa, định rằng sẽ cùng nhau tới thăm nhà họ Châu mới biết rằng Hòa đã ra khỏi nhà rồi. Ông cảm thấy có bất thường, rảo bước ra ngã tư thì bị một người chặn đường.
– Ký giả Đoàn phải không? Cậu Tư có lời mời ông dùng bữa sáng. Xin mời!
Đoàn Biền nhìn người đối diện, không trả lời.
– Cô Thu Hòa đương đợi ở đó.
– Ở đâu?
– Thưa, quán đàng kia, gần kênh! Mời ông.
Người nọ chỉ vào chiếc xe ngựa gần đó, Đoàn Biền không do dự leo lên để người ta chở đi.
Thu Hòa và Tư Tấn ngồi trên lầu của quán điểm tâm cạnh bờ kênh. Hai phần hủ tiếu đã được mang tới nhưng chưa ai động đũa. Riêng ly cà phê sữa nóng của Tư Tấn đã cạn gần hết. Tư Tấn ra hiệu gọi thêm một ly cà phê nữa, vừa đúng lúc Đoàn Biền đi lên. Ông thấy Thu Hòa ung dung ngồi trên ghế thì thả lỏng người, bước tới chào hỏi Tư Tấn.
Tư Tấn đứng dậy chào hỏi, mời khách ngồi xong thì không hề khách sáo mà ngáp một tiếng dài. Đợi ly cà phê thứ hai đặt xuống thì Tư Tấn nói luôn.
– Anh Hai Liêm nói tôi có thể nhờ cậy ký giả Đoàn Biền giúp vài việc. Liên quan tới chuyện chiều hôm qua cô Ba Liên bị bắt cóc.
– Cậu Tư cần gì, cứ nói.
– Được, đúng là người anh Hai coi trọng!
Đoàn Biền không phản ứng với lời khen của Tư Tấn. Ông gật đầu với Thu Hòa khi thấy cô có vẻ áy náy. Ông vốn không muốn can dự vào chuyện này, thế nhưng ông vẫn còn nợ cô Ba Liên một ân tình. Nay người ta tới đòi thì ông phải trả, đó là chuyện hiển nhiên, không phải do em ấy liên lụy.