Giữa đại công trường xây dựng huyên náo, phòng làm việc của Nguyễn Bình Hướng rất an tĩnh. Gian phòng được trang trí theo lối Tây với bàn làm việc và tủ kệ kiểu dáng giản lược và màu sắc tươi sáng. Ở giữa phòng là bàn họp bằng gỗ sồi màu sáng, phía trên mặt bàn gỗ là một mặt kiếng trắng dày màu hơi đục như màu sữa. Đây là vật liệu mới được sản xuất thử nghiệm gần đây, loại kiếng này không hoàn toàn trong suốt như kiếng thông thường mà có pha thêm vài hợp chất để tạo ra hiệu ứng làm mờ. Chỉ cần phương pháp này dùng tốt, nhiều loại hợp chất mới sẽ được thêm vào, đáp ứng đủ các nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, trong phòng còn có một dãy kệ, có cao có thấp trưng bày đủ các loại vật liệu xây dựng hoàn thiện. Đủ cho thấy chủ nhơn gian phòng này coi trọng chuyện mặt ngoài hoàn thiện của công trình thế nào.
Đối diện bàn họp lớn là mấy bức vẽ hình họa của tòa nhà đương xây dựng bên ngoài, còn có bản vẽ quy hoạch của khu vực trung tâm hành chính đang dần hình thành mà trung tâm của nó là Tòa thị chính và Nhà hát lớn thành phố. Những mảng màu xanh ngát của công viên, màu vàng và đỏ của những tòa nhà sắp sửa mọc lên. Bình Hướng chìm trong suy tưởng, đầu bút chì trên tay lơ đễnh chấm vào một tòa nhà ở cuối đường Catinat, đó là khách sạn Majestic lộng lẫy và sang trọng bậc nhứt hiện nay.
Suy nghĩ của Bình Hướng chợt nhớ tới biểu hiện kỳ lạ của Liên khi nghe nhắc tới khách sạn Majestic này. Anh nhớ đó là lần họ đi cùng một nhóm bạn bè dạo chợ Tết. Anh nhớ Liên đã rất vui vẻ, ngắm nghía vờn quanh những bông hoa khoe sắc cho tới khi ai đó rủ tới quán cà phê ngoài trời của khách sạn Majestic thì cô liền thay đổi sắc mặt, đôi mắt đen thoáng chốc ẩn chứa đau thương và phẫn hận. Có lẽ vì anh luôn để mắt tới cô nên mới phát hiện ra biểu cảm đó, chỉ nháy mắt sau cô lại như không, chỉ có nét cười không còn trong mắt nữa.
Từ dạo đó đến nay anh vẫn để tâm tìm hiểu về chuyện của cô, phải chăng cô đã gặp phải sự tình gì đó khi đến Majestic nhưng anh tuyệt nhiên không nghe thấy chút thông tin nào. Chỉ có điều cô vẫn luôn tránh nhắc đến Majestic, càng không hề muốn tới đó, dù tiệm vải nhà cô chỉ cách đó một đỗi đường.
Tiếng chuông reng báo hiệu giờ nghỉ trưa vang lên vẫn không ngắt được dòng suy tư của Bình Hướng. Mấy ngày nay hãng dệt Chánh Hưng liên tiếp gặp rắc rối, nhỏ không nhỏ mà lớn không lớn khiến cho anh đoán rằng có ai đó đương ‘thăm dò’’ nhà họ Châu. Tuy tiệm vải và hãng dệt của ông Châu Hoài cũng có chút danh tiếng ở Sài Gòn và Long Hồ nhưng chưa phải là số một số hai, lẽ nào gây chướng mắt ai đó. Nếu là vậy thì trước đây không ra tay, ngay lúc này lại muốn gây sự?
Bình Hướng e ngại rằng chính nhà mình dẫn tới sự chú ý của mọi người đối với Châu gia, đặc biệt là cửa tiệm của Liên và Laurent. Nguyễn gia muốn hiệp tác làm ăn với ai, định kinh doanh ngành hàng nào hay chỉ cần hơi thân thiết với ai đều sẽ khiến người ta chú ý. Việc anh từ Pháp trở về rồi đảm nhận vị trí quản lý xây dựng các công trình do Nguyễn gia đầu tư đã tạo nên một cơn sóng dậy trong lòng nhiều người.
Cha mẹ anh và người trong tộc đều cố ý dìm sự việc này xuống, qua loa với bên ngoài rằng anh về Sài Gòn trong đợt thực tập thôi, tương lai còn chưa xác định. Người ta nghe vậy liền nói mấy câu khách sáo, chúc mừng cha mẹ anh có con trai lớn giỏi giang, đi Tây học nhiều năm thì thể nào cũng làm nên đại sự. Họ nhấn mạnh một điều hiển nhiên rằng anh là con trai trưởng trong nhà, dầu muốn dầu không, bây giờ hay tương lai gì cũng sẽ là người nối nghiệp Nguyễn gia ở Sài Gòn. Họ tâng bốc rằng anh có thể ra làm quan cũng đặng, mà lui về là kinh thương cũng hay, lẽ nào họ cũng phải nhờ anh cất nhắc.
Ở trong những buổi gặp mặt đó, bên ngoài Bình Hướng vẫn ứng đối lịch thiệp, trầm tĩnh nhưng trong lòng anh dở khóc cười, bất đắc dĩ phải công nhận rằng những lời của họ rất đúng. Anh vừa sinh ra đã chỉ có hai con đường chọn lựa, theo thương nghiệp nhà ngoại hoặc theo quan lộ nhà nội. Tuy anh phấn đấu để được theo học ngành kỹ thuật xây dựng nhưng rốt cuộc cũng chỉ có thể để nó thành nghề tay trái, để thỏa đam mê mà thôi. Giống như bây giờ, cha mẹ cho phép anh làm việc ở văn phòng này để làm quen với môi trường xung quanh, qua năm sau anh phải có câu trả lời dứt khoát rồi.
Bình Hướng nhìn đồng hồ trên tay rồi đứng dậy, trở về ghế ngồi phía sau bàn làm việc. Anh có hẹn với một người, nói đúng ra là anh đương chờ báo cáo từ đội cảnh vệ riêng của mình. Anh nhìn bức hình đặt ở góc bàn, bức ảnh của gia đình mình, có năm người. Anh bật cười búng ngón tay lên gương mặt cười rạng rỡ của chú em trai út, vừa qua sinh nhựt mười sáu tuổi tuần trước. Anh cảm thấy mình may mắn hơn nhóc này, bởi vì anh được lựa chọn, ít nhứt là có hai con đường; còn nhóc thì chỉ được phép đi theo con đường còn lại.
– Vô đi.
Bình Hướng trả lời khi nghe tiếng gõ cửa.
Bên cạnh anh có bốn cảnh vệ, tên là Hữu, Bằng, Đình, Tác. Họ chia thời gian làm việc thì mỗi lần sẽ là hai người ở bên cạnh anh. Bốn người được huấn luyện hẳn hoi, có hai người đã theo anh qua Pháp nên họ khá giỏi, có thể thay anh xử lý một số việc hành chính văn thư. Đương nhiên là khi anh gặp nguy hiểm thì họ phải liều mình che chắn. Lúc anh mới qua Pháp thì thỉnh thoảng có đánh nhau với đám thanh thiếu niên khác, khi anh qua hai mươi tuổi đã trưởng thành lên nhiều, hiếm khi dùng nắm đấm hay côn quyền để giải quyết mẫu thuẫn. Nhóm cảnh vệ đã thành trợ lý của anh, càng thêm thân thiết.
– Cậu hai, trích lục xong rồi.
Cảnh vệ Bằng vừa nói vừa đặt tập hồ sơ lên bàn.
Sáng nay, từ chỗ Liên trở về thì Bình Hướng liền sai hai cảnh vệ đến đồn cảnh sát Chợ Quán điều tra chuyện ở hãng dệt Chánh Hưng trong thời gian qua.
– Có gì đặc biệt không?
– Thưa cậu, thời gian vừa rồi, mấy miếng đất quanh hãng dệt bị mua đi bán lại, ừm, người ty địa chánh cũng dính vào, tham ô một mớ tiền.
– Ừ, nói điểm chính.
Bình Hướng không lạ gì chuyện người trong các ty sở “chấm mút’’ khi hữu sự nên anh muốn biết chuyện mà người cảnh vệ nghi ngờ muốn báo cáo miệng.
– Trong số những người được sang tên, có một người, là đờn bà, không rõ lai lịch, hình như chưa từng tới phòng địa chánh, toàn là nhờ ký hộ.
Bình Hướng cầm tập hồ sơ lên, lật coi tên người đờn bà vừa được nói tới. Cảnh vệ thấy Bình Hướng coi xong liền nói tiếp.
– Sáng nay, có nhều người tới coi đám cháy đêm qua, có người của Châu Liêm lẫn trong đó. Họ cố ý gây sự, đánh nhau với đám người được chủ đất mới thuê ở lại coi giữ, cũng là một đám anh chị,
– Chỗ ông Toàn thì sao?
– Thưa cậu, ông Toàn rút ra khỏi Hội đồng năm trước, hồ sơ đều bị đóng gói cất vô kho nên chưa tìm đặng hết, tôi sẽ trở lại đó chiều nay.
– Ừ, anh nghỉ trưa một lát rồi hẳn đi. Đừng để người khác nghi ngờ, gây động.
– Thưa cậu, tôi hiểu.
Cảnh vệ định rời đi thì Bình Hướng gọi lại dặn anh trở lại đồn Chợ Quán để họ thả hai vợ chồng mới bị bắt vì chứa bài ra ngoài. Liên nói với anh rằng cô đã đút lót tiền rồi, giờ anh lệnh cho thả người thì đám lính bên dưới không dám dị nghị gì mà còn mừng, coi như là lấy oai với dân chúng.
Dặn dò xong, Bình Hướng nhìn viên cảnh vệ ra khỏi phòng mới thở phào nhẹ nhõm. Sự tình không liên quan tới nhà anh thì tốt rồi, ít ra anh sẽ dùng sức của mình để giúp đỡ Liên, không cần kinh động tới người nhà.
Thế nhưng, vào chiều muộn, khi cảnh vệ Bằng trở lại gặp anh thì vẻ mặt đã khác lúc trưa. Bình Hướng chú ý lắng nghe các điểm trọng yếu trong tập hồ sơ dày cộm về ông Nguyễn Phi Toàn đặt trước mặt.
– Cậu hai, từ hai năm nay ông Toàn giao du với nhiều nhóm người, bề ngoài là vì mối mang làm ăn của cậu em vợ nhưng thực chất là liên hệ với nhóm người phò tá …
Bình Hướng thấy người cảnh vệ ngập ngừng thì tự mình lật tập hồ sơ ra coi. Cái tên mà cảnh vệ không dám nhắc tới rất quen thuộc với dòng tộc họ Nguyễn, chính là Kỳ Ngoại hầu Cường Để.
Bình Hướng không xếp tập hồ sơ lại mà ngước lên nói.
– Việc này anh biết tới đây thôi. Tôi ở lại đây trễ, anh kêu người tới thay, đừng cho ai vào đây.
Cảnh vệ Bằng biết họ đã đụng trúng cái gì nên lập tức tuân lệnh, ra ngoài canh gác trước khi có người thay ca tới.
Bình Hướng không tốn nhiều thời gian để coi hết tập hồ sơ về các mối quan hệ và hoạt động của ông Toàn, anh mất nhiều thời gian hơn để nghĩ về người đứng phía sau ông ta.
Sau ngày Tân hoàng Bảo Đại lên ngôi rồi ngay lập tức trở lại Pháp quốc thì có tin đồn truyền ra rằng Tân hoàng không chắc sẽ trở lại An Nam. Một cái ghế bình thường mà trống đã khiến người khác muốn chiếm lấy làm chỗ ngồi, huống hồ gì là Ghế Rồng, là Long Ỷ cao quý duy nhứt của toàn cõi An Nam. Lời đồn cứ thế mà lan truyền, dẫu sao thì Tân hoàng vẫn chưa về mà, ai biết được tương lai chớ! Paris phồn hoa, ai tới đó mà lại muốn về!
Người mong Tân hoàng trở về nhiều thì người mong Ngài ấy không về cũng nhiều ngang ngửa chớ chẳng ít hơn là mấy. Bình Hướng đã từng nghe người nhà nói về chuyện này. Anh vốn nghĩ mình sẽ ở ngoài vòng ‘’quan lộ’’ ít lâu, ai ngờ vì muốn lo chuyện của Liên mà kéo tới việc này. Anh đã biết rồi thì không thể làm ngơ, ít ra phải báo cho ai đó biết. Cha đương bận rộn công vụ ở kinh thành, ở Sài Gòn thì nên chọn ai?
Bình Hướng cân nhắc mấy cái tên rồi nhấc máy gọi dây nói gặp ông Phó Trần, sau đó lại gọi tới nhà Liên. Lúc nghe giọng Hai Liêm, anh hơi thất vọng nhưng cũng cảm thấy may mắn. Người anh muốn gặp là Hai Liêm, hai người cần nói vài chuyện với nhau. Nhưng khi gác máy rồi anh lại thấy nhớ giọng nói của Liên, nhớ cả nụ hôn đêm đó nữa.
– Là tại em mà tôi phải nhảy vào vòng tranh đấu này! Mai mốt em phải đền bù lại cho tôi!
Bình Hướng lẩm bẩm thành lời khi đóng tập hồ sơ lại, nhét vào cặp da đem về nhà.