Lúc tới nhà đã gần chín giờ tối, không nghĩ đến là trong nhà còn có người đợi cô về.
– Thưa ba má, thưa chú.
– Sao trễ vậy con?
Liên mang cặp táp đưa cho má cất rồi ngồi xuống bàn dài trong phòng ngoài. Ba và chú tư đang lai rai uống rượu với khô cá biển. Dì tư hỏi.
– Cô ba ăn cơm liền hôn? Bà chủ mới dặn hâm lại còn nóng.
– Má tôi ăn chưa dì?
– Chưa, bà nói chờ cô.
– Vậy dì dọn cơm đi dì.
Từ hôm Liên ra tiệm làm về trễ, ba má thỉnh thoảng cũng chờ ăn cơm cùng với cô. Mấy ngày hai người có khách thì không nói, ngày thường chờ trễ, người cũng lớn tuổi rồi, Liên nói hoài mà ba má cứ ừ, hử rồi y như cũ.
– Có con ăn cơm chung mới vui, con ra tiệm cực khổ, má ở nhà ăn cơm ngon canh nóng coi sao đặng.
Nghe má nói vậy Liên cũng thôi không cằn nhằn nữa mà tranh thủ về đúng giờ. Hôm nay chắc ba với chú tư đi ăn với khách rồi mới về lai rai.
– Má thấy tiền nhiều hơn mấy hôm trước, bán được khách lớn sao?
– Dạ phải má, ông khách Mã Lai, mua mấy cuộn lãnh Mỹ A đó. Mà khách đặt may quần áo cũng nhiều hơn, một mình chị ba may không xuể. Má tính sao?
Hai má con vừa ăn cơm ở bàn trong vừa nói chuyện, bàn ngoài ba cũng nghe thấy, nên nói.
– Cách đó mấy căn có tiệm may, con không chỉ người ta qua đó may?
Liên hơi nhăn nhăn mày, không nói gì. Má thấy vậy nên hoà giải.
– Ý ba con là mình lo buôn bán vải thôi, chỉ nhận may vài khách quen. Còn khách may đồ lớn, không dễ may đâu. Mà dẫn khách nhà mình cho nhà khác cũng hơi uổng.
– Dạ. Chú tư thấy sao?
Liên đã xem hết sổ sách mấy năm nay, không thấy có gì lớn. Có mấy tháng lỗ, hàng giao sai phải bù cho khách. ‘Chú ra tay ở chỗ khác rồi, không phải ở tiệm’ Liên nhủ thầm.
Sản nghiệp ông Châu Hoài có hãng dệt ở Chánh Hưng, một ngôi nhà lớn ở Long Hồ cũng là nơi đặt cửa hàng mua bán sợi bông và vải. Tương tự cũng có một ngôi nhà nhỏ hơn ở Tân Châu. Ngôi nhà Liên đang ở và cửa tiệm ở đường Catinat, còn có hai cửa tiệm cho thuê ở trong Chợ Quán gần hãng. Khoảng hai năm sau ba mua thêm đất ở Tân Châu mở hãng dệt lụa.
Ba má ruột Liên để lại miếng đất ngôi nhà kế bên và một cái nhà cũ ở dưới Long Hồ. Hai phần đất này ba Hoài ‘thuê’ lại để kinh doanh, mỗi năm đều trả một khoản tiền riêng.
Cửa tiệm Long Hồ ở Catinat là sản nghiệp nhỏ, vậy chú tư sẽ động tay ở phần nào? Chuyện trong hãng dệt là do ba Hoài quản lý, đây là nơi kiếm tiền lợi nhiều nhất nên ba bỏ tâm sức rất nhiều. Chú tư chuyên trách cung cấp bông sợi, nguyên liệu khác cho hãng và trông coi tiệm vải ở Long Hồ, có thể chú ra tay từ chỗ nguyên liệu?
Không biết ba nói cho chú ấy chuyện chia cửa hàng và hãng Tân Châu lúc nào! Lúc vừa mới dựng hãng sao? Hay là khi ba nói chú biết phần chia xong thì chú mới động tâm muốn chiếm hết? Không thể nào, theo lời Văn Bản hắn đã biết chú tư nhiều năm rồi.
– May quần áo dễ bị khách nói này nọ, lời nhiều hơn nhưng phải tỉ mỉ hơn.
Liên giật mình nghe giọng ông Châu Tân nói. Ấn tượng đêm hôm đó quá sâu làm cô trong phút chốc bỗng lạnh người, hoảng sợ, làm rớt đôi đũa đang cầm trên tay xuống đất.
– Dạ, con biết. Vậy từ từ rồi tính tiếp.
Liên vừa trả lời vừa đứng dậy ra bếp lấy đôi đũa khác.
– Mấy tháng nay tôi chạy tới lui mấy tỉnh, không nghe ra tin tức gì của thằng hai. Nhựt trình đăng mấy năm rồi, cũng không có tin gì. Coi bộ càng lâu càng khó rồi.
Lời chú tư làm không khí như lặng đi, má buông đôi đũa, lẳng lặng đứng dậy đi lên lầu. Phòng ngoài ba Hoài cũng im lặng, cầm tẩu thuốc châm lên hút, khói lượn lờ khắp phòng. Liên kêu em Bê vô dọn dẹp mâm cơm.
– Con lên coi má sao.
– Ừ, đi đi.
Mỗi lần nhắc đến chuyện anh hai thì ba má lại ưu sầu, có khi mấy ngày sau má mới bình thường trở lại. Nhưng nhìn quầng thâm dưới mắt má ngày càng rõ mới biết má gượng gạo cho mọi người đỡ lo. Xem ra những lần chú tư ‘nhắc nhở’ như vầy là có dụng ý. Lúc trước Liên nghĩ chú cũng lo lắng kiếm tìm anh hai. Nhưng khi biết ý đồ của chú Liên chợt nghĩ vì sao không ai nghi ngờ dã tâm của chú? Việc chú bôn ba lục tỉnh là tìm anh hai hay ngăn cản?
Không ai nghi ngờ động cơ của chú vì chú chỉ có ba cô con gái, chú giành giật gia sản cũng không có con trai nối nghiệp. Nghe nói người vợ bé của chú có sanh được một con trai nhưng yểu mạng lúc năm tuổi. Từ đó đến giờ chú không có thêm đứa con trai nào. Vợ lớn và ba con gái đều ở Long Hồ, vợ bé thì ở với chú trên Sài Gòn này. Má Ngọc không ưa vợ bé của chú nên rất ít qua lại.
Trên bề mặt là như vậy, còn nội tình thì sao? Đúng như người ta nói, khi đã nghi ngờ thì từ một điểm nhỏ, cứ lan ra thành mảng như lửa cháy lan. Liên nghĩ mình cần xem xét lại chuyện nhà chú, không thể tin chuyện bề mặt này được.
Căn phòng tối om, ánh trăng ngoài cửa sổ rọi vào nhập nhoè. Liên bước tới kéo tay má Ngọc.
– Má đừng rầu quá. Con tin mình sẽ tìm được anh hai. Má ráng khoẻ để còn gặp anh hai nữa.
Đôi vai bà Ngọc rung lên, tiếng nấc nghẹn lại làm bà sụt sùi.
– Lúc đó anh hai đã đọc được chữ rồi, thể nào thì anh hai cũng đọc được tin trên nhựt trình. Có thể vì chuyện gì đó anh chưa tìm nhà mình được. Má ráng chờ đi má.
– Tám năm rồi, mấy năm trước loạn lạc, anh hai con,… không biết …
Bà không nói ra lời, hy vọng con trai bình an. Nhưng mà một đứa nhỏ mười ba tuổi, giữa thời buổi này có thể sống sót không? Nếu có thì sống khổ sống sở cỡ nào? Cứ mỗi ngày trôi qua, bà lại nghĩ đến con trai lang thang, đói cơm thiếu áo thì trong lòng lại quặn đau. Mỗi tháng bà đều đi lễ chùa, thắp nhang cúng dường cầu xin Trời Phật phù hộ, cho má con bà có ngày gặp lại dù bà tổn thọ bà cũng chịu.
Đằng đẵng tám năm rồi, một chút tin tức cũng không có. Đứa con trai thông minh lanh lợi hay nghịch phá của bà giờ cũng hai mươi mốt rồi. Bà mong mỏi biết bao được thấy nó.
– Là tại má, hồi đó phải chi chậm một ngày đi cũng được. Má hối gấp, qua phà cho bằng được,..
Bà Ngọc nhớ tới chuyện xưa, càng ăn năn dằn vặt. Bà nắm chặt tay Liên khóc nấc lên. Hình ảnh ngày tang thương đó hiện lên làm bà ngẹn ngào, đau đớn.
Năm đó ở Long Hồ có hai gia đình làm nghề thương lái, nhà ở cạnh nhau. Qua mấy năm gần gũi thì trở nên thân thiết như quyến thuộc. Ông bà Châu Hoài có đứa con trai lớn mười hai mười ba tuổi, đã theo học chữ quốc ngữ, được khen sáng dạ. Ông bà Trần Văn Lân có con gái nhỏ mười tuổi tên Trần Ngọc Liên, từ nhỏ đã được nuôi khéo, mặt mũi tay chân tròn trịa, miệng rất hay cười.
Vợ ông Trần là bà Lâm Thị Phước rất khéo tay, nổi tiếng khắp Long Hồ may khéo, thêu đẹp. Do đó cửa tiệm của vợ chồng luôn có khách, bà Ngọc rãnh việc hay sang giúp. Hai nhà tính toán một thời gian thì để hai người vợ ở nhà lo kinh doanh trong tiệm. Đàn ông thì cùng nhau đi mua bán sợi bông, vải các tỉnh lân cận rồi phát triển lên tận Sài Gòn.
Sau mấy năm làm ăn, hai nhà muốn dời lên Sài Gòn sinh sống, phần vì tránh loạn lạc, phần vì việc học của con trai. Châu Liêm đã học gần xong sơ học, muốn mở mang trí óc thì trường học ở Sài Gòn vẫn hơn. Quyết định rồi thì hai nhà mua hai miếng đất sát nhau trên đường Galliéni, ở trong hẻm rộng, có đất làm kho bãi tiếp tục làm mua bán vải.
Tháng tám năm đó, mọi chuyện đã trù tính xong. Đầu tháng chín là nhập học trường mới nên bà Ngọc cũng mong lên Sài Gòn sớm lo sắm sửa cho con trai. Sáu người hai nhà vui vẻ lên đường. Từ Long Hồ qua phà, rồi đi xe lửa ba bốn tiếng là tới Sài Gòn.
Phà chầm chậm chạy qua quãng hẹp của dòng sông Cổ Chiên uốn khúc. Phà chạy hơi nước nên tiếng động ầm ầm, thợ đốt than lúc làm việc cũng lớn tiếng nói chuyện. Giờ này hơn mười giờ sáng, mặt trời đã nắng gắt. Bà Phước đội thêm nón lá lên đầu con gái, rồi kéo tay bắt ngồi xuống, không cho chạy ra lan can phà như anh hai Liêm.
Bé gái có thân hình tròn trịa rất dễ thương, mấy ngón tay có ngấn ú lên mềm mại. Bà Ngọc ngồi bên cạnh nắm tay cô bé vuốt ve.
– Con không biết lội, ra đó làm gì. Kệ anh hai đi. Con trai da đen chút không sao, con là con gái không được ra nắng nhiều.
Vừa nói hết câu bỗng có tiếng nổ liên thanh từ bờ sông. Mấy chục người trên phà đều la ó, hỏi han nhau.
– Đánh nhau rồi, Tây đi lùng hả?
Chiếc phà đã gần cập bờ, ở sàn phà có mười mấy lính Tây làm dấu cho phà cập bờ nhanh lên. Bé gái Liên được má và bác Ngọc che chở trong ngực nên không rõ chuyện gì xảy ra. Chỉ nghe tiếng la hét ồn ào, sau đó súng nổ, chiếc phà như chìm đi.
– Chị ôm con Liên, tôi dìu chị vô bờ.
Liên thấy bác Ngọc vòng tay ôm cô chặt hơn. Theo bản năng Liên quơ tay chân loạn xạ, cô bé không nín thở được lâu nên uống nước rồi ngất đi. Bà Phước vừa lội vừa dìu bà Ngọc vào bờ, sức càng đuối nhưng không dám buông tay. Con gái không chịu được lâu, bà phải nhanh lên.
Lúc đến bờ bà gần như kiệt sức, cũng may bà Ngọc kéo cả ba cùng lên bờ. Hai người đặt bé Liên nằm xuống, làm hô hấp, xốc tỉnh. Cả hai nhẹ nhõm khi thấy cô bé ho nhẹ rồi nôn nước ra.
– Còn thằng Liêm đâu?
– Lúc nãy anh Châu và chồng em dìu nó. Anh Châu bị thương rồi. Chị ở đây trông chừng, em ra đó coi sao.
Khung cảnh trên sông đang hỗn loạn, một ít người khác đã lên bờ đang dáo dác tìm người thân. Bà Ngọc cũng muốn ào ra sông tìm chồng và con trai nhưng bà lội không giỏi như thím Phước nên đành ở lại ôm bé Liên.
– Chị Châu, thấy ảnh đâu không?
Tiếng ông Trần làm bà mừng rỡ chạy lại,
– Không thấy, thím Phước ra đó rồi, còn thằng hai đâu?
– Nó đằng kia, anh Châu bị thương, ảnh kêu tôi dìu thằng hai vô trước, chị lại coi chừng nó đi. Tôi ra đó.
– Chú coi thím sao luôn.
Bà chỉ kịp dặn với theo, ông Trần đã vội vàng nhảy ào xuống sông. Theo hướng chỉ, bà ôm bé Liên còn đang ngơ ngác chạy đi. Tiếng súng vẫn còn, trên mặt sông cảnh lính tìm bắt người hỗn loạn. Trên bờ cũng có tốp lính đứng canh không cho ai ra ngoài. Bà Châu thoáng thấy dáng con trai bị lính bắt cùng hai người thanh niên thì vội chạy đến.
– Nó là con tôi, nó mới mười hai tuổi, có làm gì đâu. Thả nó ra. Thả nó ra.
Bà la thì mặc bà, cậu nhóc vẫn bị dẫn đi cùng với hai người. Nhưng chỉ lát sau có một thanh niên trở về. Bà níu áo hắn hỏi:
– Thằng nhỏ đi cùng chú đâu?
– Lúc nãy nó lẻn trốn đi rồi, bọn chúng đang lùng kiếm đó.
Trời ơi, bây giờ bà phải làm sao? Bà dắt tay Liên đi theo ra rìa bến phà để tìm kiếm dấu tích con trai, bà bị lính chặn lại, dẫn đến gặp trưởng nhóm tra hỏi.
– Con trai bà hoảng sợ bỏ chạy, tui không bắn nó là may lắm rồi.
Đang nói thì có một tên lính chạy đến báo.
– Bắt được nghi phạm rồi.
– Tốt, kiểm tra những người ở đây, dân thường thì cho đi đi.
Tiếp sau đó là tra hỏi đủ thứ. Bà Châu giật mình nhớ ra tình hình ba người lớn. Bà vội chạy ra ven bờ. Đồ đạc trên phà được vớt lên đặt lộn xộn trên, có người đang tìm gọi người nhà. Tiếng khóc của một gia đình gần đó làm bà thêm hoảng loạn.
Người nhà đó bị trúng đạn chết rồi. Trời ơi, chồng bà bị trúng đạn ở đâu? Chú Trần có kéo vào bờ kịp không? Bà không dám để Liên đứng một mình đành kéo đứa bé dọc ngang tìm kiếm.
Mấy chục người trên phà giờ kẻ còn người mất, tiếng khóc la vang dội. những người đến chờ qua bên kia sông, mấy nhà mua bán gần đó, người bán hàng rong, tốp lính quát tháo tra hỏi làm bà càng cuóng chân không biết tìm ở đâu?
– Ai là thân nhân những người này?
Tiếng hỏi lớn làm bà giật mình, như linh cảm chuyện gì bà nắm chặt tay kéo Liên đi đến đó. Trên tấm ván gỗ là ba người nằm sõng sượt.
– Mình, mình ơi!
Bé Liên chưa hiểu chuyện gì, vùng tay bà định chạy lại chỗ ba người. Bà ôm chặt bé, vùi đầu bé vào lòng mình, không muốn cho bé thấy cảnh đau lòng này. Cô bé giẫy dữ quá, một người lính già gần đó đưa tay chém vào vào sau gáy làm cô bé ngất đi.
– Nó chỉ ngất thôi. Bà coi ba người nhà giờ làm sao?
Trời ơi, bà biết làm sao bây giờ.
– Còn sống kìa, người này còn sống.
Nghe tiếng kêu, người lính già đi lại chỗ ông Châu kiểm tra trên mũi, bước lên làm hô hấp cho ông Châu. Quả nhiên một lát sau ông thở hắc ra, ho sặc sụa rồi nôn ra. Bà Châu nặng nề ôm bé Liên chạy đến.
Ông Châu đã nôn xong, ông liếc nhìn xung quanh, trầm giọng nói.
– Mình ôm con Liên vô tiệm nước kia đi. Ở đây tôi lo.
– Vết thương của mình …
– Không sao, đi đi, chút nó tỉnh không được.
Giọng ông đã nghẹn, nhìn hai người bên cạnh mà ánh mắt đau thương, trái tim quặn thắt.