Ngày trường mở cửa cho học sinh học lại, không khí tưng bừng còn hơn cả ngày khai trường đầu năm. Lần này gần như cả trường xuống đường, thế nhưng không ai bị phạt, cũng coi như là thắng lợi, phải không? Nghe nói mấy trường khác đều có học sinh bị đuổi học hoặc cấm thi một năm rồi bị giám sát nữa. Trường Nữ sinh Áo tím nhờ có cô hiệu trưởng và mẹ của Laurent mới được ưu ái vậy.
Bóng áo dài tím đi lại, vui vẻ nói chuyện, trêu đùa của hơn một trăm thiếu nữ làm cả sân trường sinh động, náo nhiệt. Nắng sáng lung linh chiếu lên tóc, lên gương mặt thiếu nữ thanh xuân. Những đôi mắt đen nháy, sáng lấp lánh vừa ngây thơ vừa tinh nghịch đang ra hiệu cho nhau hẹn hò những chuyện bí mật sau giờ học.
Laurent đi đằng trước nói chuyện với cô chủ nhiệm người Pháp, nhóm hơn mười cô gái cùng lớp theo sau đi vào chỗ ngồi. Chỉ còn hơn tháng nữa là thi, lớp cuối phải thi lấy chứng chỉ nên bây giờ là thời gian ôn tập. Cô chủ nhiệm dặn dò vài câu rồi nhường lớp cho mẹ của Laurent bắt đầu ôn Pháp văn.
Đối với các cô gái thì môn này không khó lắm, đặc biệt Hòa học rất giỏi. Những tiểu thuyết kinh điển hay các bài viết chính luận cô ấy đều nắm bắt rất nhanh để phân tích, bình luận văn phong. Truyện tiểu thuyết tình ái lãng mạn được các cô gái yêu thích nhất. Liên đã không thể cảm được chất lãng mạn, tình tứ trong truyện nữa rồi.
Thời gian trôi qua thật chậm, cái quạt trên trần nhà kèn kẹt qua mỗi vòng quay cũng mang được một ít gió làm lay mấy sợi tóc mây thiếu nữ. Có gương mặt chăm chú vào trang sách, có đôi mắt lãng đãng ngoài sân trường. Nơi đó có hai cây phượng đỏ đã ra hoa. Ong bướm lượn lờ trên những bụi cây bông trang vàng, đỏ dọc theo bờ tường. Tiếng ve sầu râm ran trong tán lá, thân cây già. Khung cảnh thật thanh bình, những thiếu nữ như đang ở cõi riêng tươi đẹp, quên đi những ồn ào ngoài kia.
Trường nữ sinh lo ôn bài để thi, trường nam sinh không khí ôn thi càng khẩn trương hơn. Càng lên cấp cao càng căng thẳng, có chứng chỉ Thành Chung là có thể vào làm việc ở các cấp chính quyền, làm thầy ký, thầy thông. Làm việc mẫn cán vài năm sẽ thăng lên ông đốc, ông phủ. Đây là cơ hội đổi đời của con cái nhà nghèo, cũng là cơ hội thăng lên tầng lớp thượng lưu ở Sài Gòn và Lục tỉnh.
Mấy anh lớp trên hôm trước giúp đưa Liên vào nhà thương có đến cổng trường một lần để thăm hỏi. Sau đó là ai cũng bận rộn ôn thi nên hẹn sau khi thi sẽ gặp lại. Ba má Liên cũng dặn cô phải mời các bạn đến nhà ăn bữa cơm để cám ơn.
Hơn tháng này Liên theo các bạn lo ôn tập bài vở, thỉnh thoảng chạy ra tiệm bán vải nhìn ngó hoặc mang giấy tờ ba má để quên tới dùm. Má Ngọc vẫn muốn cô lấy được chứng chỉ hết lớp nên cô nghe lời. Dù sao Liên cũng mượn cơ hội này qua nhà Thảo đều đặn mỗi ngày hai tiếng đồng hồ. Ba má, anh tư Bốn cũng không nghi ngờ gì cả.
Những cơn mưa đầu mùa đã về, không khí Sài Gòn không còn oi bức. Mấy buổi chiều mát trời, mưa lâm râm, thỉnh thoảng sẽ thấy mấy anh chàng bảnh trai, lịch sự cầm dù che cho quý cô, cùng nhau thong thả dạo bước trên đường. Rạp xi nê ở góc đường La Grandiere cũng dập dìu tài tử giai nhân.
Mấy cô cậu học trò nhìn cảnh ấy thì thèm khát lắm. Quay lại cúi đầu ôn bài mà tâm tình còn lãng đãng nơi đâu?
Hôm thi xong môn cuối cùng, lớp Liên có tiệc liên hoan chúc mừng. Còn tiễn các bạn ở tỉnh xa về quê nghỉ hè nữa. Sau mùa hè này không biết ai có thể quay lại Sài Gòn? Ai tiếp tục học lên? Ai sẽ lấy chồng rồi bước vào đoạn đường mới?
Các cô gái ở Sài Gòn hay các trấn thì có thêm vài năm thiếu nữ, đến hai mươi tuổi mới lấy chồng. Ở các khu vực thôn quê, con gái mười lăm mười sáu đã phải lấy chồng, sinh con. Má Ngọc hay rầy Liên đã lớn còn nhõng nhẽo, con nhà người ta đã tay bồng tay ẵm rồi.
Tâm trạng thiếu nữ như mưa Sài Gòn, ào cái là buồn tiễn biệt, chớp mắt là cười rạng rỡ trêu đùa nhau, ký tặng lưu bút. Trong giờ học bắt buộc nói tiếng Pháp, lúc ra ngoài thì đủ thứ tiếng pha lẫn. Nếu không chú ý nghe, sẽ không hiểu mấy cô đang nói gì.
Liên nhìn các bạn nói chuyện vui vẻ, nên kể chuyện ở nhà. Có lần các bạn đến nhà Liên chơi, em Bê đợi mấy cô ra về thì hỏi Liên.
– Em nghe hông hiểu các cô nói gì? Cô ba hiểu không?
Dì tư phì cười gõ đầu nó nói.
– Hỏi vô duyện, bạn cô ba, cổ không hiểu còn ai hiểu? Dì cũng không hiểu mấy cổ nói gì.
Còn một chuyện vui khác anh tư Bốn kể, nghe xong là cười lộn ruột.
Là ở cửa tiệm nhà Liên trên đường Catinat, kế bên cũng có cửa tiệm bán vải tơ, lụa, bông đủ loại. Cửa tiệm này của người Tàu, gốc Phúc Kiến. Hôm đó có hai bà Đầm ghé xem. Hai bên chủ khách không ai hiểu ai nói gì. Có một anh chàng người Tàu gần đó chạy đến muốn giúp thông dịch. Chưa kịp thông dịch thì anh chàng đó cùng với chủ tiệm đã lớn tiếng với nhau. Người bên ngoài đứng nghe thì thấy họ quơ tay tùm lum, nghĩ là đang giải thích chuyện gì. Nói một hồi thì anh chàng quay sang xin lỗi hai bà khách Tây nói.
– Tôi gốc Quảng, cũng không hiểu ông chủ nói gì.
À, thì ra hai người họ cũng không hiểu nhau. Vậy mà nãy giờ, làm người ta tưởng! Có một vị khách ở gần đó nghe xong không nhịn được phì cười, thế là mọi người được dịp cười hả hê một trận. Nếu anh tư Bốn gần đó tham gia vào nữa thì không biết phải quơ tay chân như thế nào?
Liên còn nghe anh tư Bốn kể có xóm người Ấn tục gọi là người Chà sinh sống ở phía Khánh Hội. Họ giữ cách ăn mặc và nếp sống y như ở quê hương, nếu đi vào còn tưởng là đang ở trên đất Ấn.
Trong trường này cũng có hai ba nữ sinh gốc Ấn, lúc đầu mấy cô đó mặc áo dài không quen, còn khoát thêm mấy lớp váy bên ngoài. Đợi cô hiệu trưởng thấy không đẹp, ép uổng mấy cổ mới bỏ đi.
Các thầy cô giáo cũng lưu luyến, tới lui xem mấy quyển lưu bút. Mẹ Laurent có mang theo máy chụp hình. Tất cả tụi học trò đều bu lại xin chụp. Laurent cao lớn hơn các cô khác đứng chỉ huy, sắp xếp từng nhóm lên chụp.
Nhóm Liên đương nhiên được ưu tiên, chụp được tới mấy kiểu.
– Được rồi, được rồi. Hình này rửa xong sẽ để ở phòng báo danh. Các trò đến lựa hình của mình.
Mẹ Laurent nhắc nhở.
– Cô ơi, rửa mỗi người một tấm mới được. Nhà con xa, đến trễ các trò khác lấy hết làm sao?
Lại thêm một trận nhao nhao hình rửa thì ai giữ, xin cô giáo rửa thêm, hùn tiền tự đi rửa.
– Cô ơi, tụi con xin phin tự đi rửa được không cô? Con trả tiền hết cho các trò khác.
– Hoan hô!
Tiếng vỗ tay rần rần! Trò đó là tiểu thơ nhà điền chủ ở Mỹ Tho. Nhà có ruộng đất cò bay thẳng cánh, khách sạn lớn nhứt ngay nhà trạm xe lửa, rồi mấy chiếc tàu lớn chở hàng ở phà Mỹ Thuận cũng là của nhà trò ấy.
Tiếng cười thiếu nữ vọng ra không gian, lưu luyến trên những mái nhà, trên những tàng cây. Bịn rịn chia tay trước cổng trường, xe ngựa, xe bò, xe hơi và xe đạp từng chiếc rước người đi. Thoáng chốc sân trường vắng lặng, cánh cổng khép lại là những ngày mơ mộng của thiếu nữ cũng khép.
Đường đời phía trước ai sang ai hèn, ai sướng ai khổ, khó mà nói trước!