Thấy ba Hoài về Liên cũng lần bước theo cầu thang đi xuống nhà dưới.
– Còn đau không mà xuống?
Má Ngọc đỡ cặp táp đem cất cho ba rồi bước lại dìu Liên.
– Con bớt rồi, nằm một chỗ buồn hiu hà.
Ông Châu uống ly nước trà đá xong cũng nói:
– Ừ, xuống dưới này nói chuyện cho vui. Ăn cơm sớm đi, còn uống thuốc rồi ngủ sớm. Mới hai ngày mà má hóp rồi kìa.
– Đâu có hóp.
– Để ba coi,
Thấy hai cha con vui đùa như ngày thường bà Châu nhẹ nhõm. Lần này Trời Phật phù hộ tai qua nạn khỏi rồi.
Bà gọi xuống bếp.
– Bê à, dọn cơm ăn sớm đi. Tối nay nghỉ sớm, hai ngày nay cả nhà đều mệt rồi.
– Dạ, bà chủ.
Bữa cơm chiều chậm rãi trôi qua. Liên kể tình hình ở trường cho ba má nghe. Ông Châu gật đầu nói.
– Bị đuổi thì thôi. Học nhiêu đó cũng được rồi. Con cũng không cần bằng cấp vô làm thầy làm bà nên nghỉ luôn đi. Theo ba vô hãng làm cho biết.
– Ông sao, cũng ráng chờ coi chút, học thêm hai ba tháng thi lấy cái chứng chỉ. Hãng xưởng nhà mình còn đó, gấp gáp gì đâu.
Liên nghe ba má nói, tự mình cũng cân nhắc nhưng không phải chuyện có thi lấy chứng chỉ hết lớp Cao đẳng. Mình cần vài ngày cho đầu gối lành lặn, còn nghe ngóng một số tin tức khác nữa.
– Dạ, con muốn ở nhà mấy ngày cho chân mau lành. Dù sao Laurent sẽ báo con biết khi có tin.
– Ừ, vậy cũng đặng. Buồn thì nói thằng Bốn chở con ra Aristo coi đờn ca tài tử, còn không đi mua sắm gì đó.
– Dạ.
Đợi vết thương lành miệng, má và dì tư đắp muối, bóp dầu nên đầu gối không sưng nữa, đi lại không đau lắm. Hai hôm nay Liên ở nhà ghi lại mấy chuyện xảy ra lúc trước, ráng nhớ ngày tháng. Cô không tin đó là giấc mơ, mà là ‘đời trước’ của mình. Vì lý do gì đó mà cô được ‘được sống lại lúc này’, chắc Trời Phật thương, cho cô thêm cơ hội để làm lại. Cô phải quý trọng, tính toán từng bước, không thể hồ đồ nữa.
Đêm qua lúc ghi xong cô như trải qua biến cố một lần nữa, không dằn được bi thương mà nức nở, nước mắt cứ rớt như mưa. Đem quyển sổ cất trong ngăn kéo quần áo, khoá lại xong cô mệt mỏi ngủ, ‘ngày mai bắt đầu thôi, càng sớm càng tránh rủi ro’.
Liên đang đọc nhựt trình chờ anh tư Bốn quay lại chở cô. Hôm qua cô đã xin ba má qua nhà mấy cô bạn chơi, đã hẹn rước Hòa qua nhà Thảo.
Nhà Thảo cùng trên đại lộ Galliéni nhưng ở gần khu vực Chợ Lớn hơn. Nhà Thảo có cửa tiệm bán giày dép phía trước ngang hơn mười thước. Phía sau có hơn mười thợ may giày, kho chứa hàng và chỗ riêng để ở. Cửa hàng giày dép nhà Thảo bỏ mối bạn hàng ở khắp lục tỉnh.
Lúc hai cô đến nơi thấy Thảo đang đứng bán hàng trong tiệm. Anh tư Bốn dừng xe, bước qua đỡ, Liên dặn.
– Bận về tôi nhờ xe nhà bác Phước, anh khỏi qua rước.
– Dạ, cô ba.
Thảo mặc bộ áo sườn xám xanh thẳm, thêu hai đoá cúc lớn trên ngực áo. Áo nhấn eo rất bó, còn trang điểm mày, kẻ mi giống như một phụ nữ trưởng thành mất đi vẻ thiếu nữ khi Thảo mặc áo dài. Liên và Hòa quay quanh xuýt xoa làm Thảo ngượng ngùng phát tay hai bạn.
– Làm gì, làm gì!
– Có làm gì đâu? Không nghĩ là Thảo quyến rũ đến vậy, mọi ngày giấu kỹ quá.
Ba Thảo là một nửa người Tàu, gốc Quảng Đông. Thỉnh thoảng Thảo vẫn mặc sườn xám giống mấy cô đào trong xi nê. Thấy hai cô gái níu nhau trong cửa tiệm, Liên buồn cười nói.
– Muốn làm trò thì hai người làm, mình đi vô ăn bánh uống trà đây.
Nói rồi Liên quen thuộc đi vào gian trong. Gian trong là chỗ ba má Thảo dùng tiếp khách là đại lý hoặc bạn hàng. Giờ này hai bác đều ở trong xưởng sau nhà coi thợ làm. Ba cô gái vui vẻ làm chủ được một lát.
Bác Sâm, má Thảo rất khéo tay, may giày đẹp, may quần áo cũng đẹp, lại còn làm bánh mứt rất ngon. Mỗi lần đến đây Liên đều thích ăn bánh phục linh, bánh đậu phộng, mứt táo cho đã thèm.
– Chưn còn cà nhắc mà đến đây làm gì?
Thảo liếc mắt thấy Liên cứ lo ăn bánh nên hỏi. Nếu không có chuyện gì, cô tiểu thơ này làm gì chạy đến đây, còn hỏi dò có ai trong nhà không nữa?
– Đúng là có chuyện muốn nhờ hai trò giúp.
– Chuyện gì?
Nhìn gương mặt hớn hở vì tám chuyện của hai bạn, Liên không khỏi bĩu môi.
– Chuyện này phải giữ bí mật cho mình. Ngoài ba đứa mình ra không được nói cho ai biết.
– Không nói cho Laurent luôn hả?
– Ừm, hôm nào nói cho cổ biết. Hứa không?
– Hứa, mà chuyện gì?
Hai cô gái gật đầu lia lịa. Liên kéo đầu hai cô bạn lại gần nhỏ giọng nói.
– Hả, được không?
– Mệt lắm đó, Liên chịu được không?
Liên không trả lời, kiên định gật đầu, nhìn hai người bạn nói.
– Mình không muốn yếu đuối vậy nữa. Hai trò cũng nên học giống mình.
Thảo thấy Liên quyết tâm như vậy, nghĩ nghĩ một lát rồi gật đầu nói.
– Được rồi, cái này cũng không phải là xấu. Mình sẽ qua bên kia hỏi, chắc là được. Ý Hòa sao?
– Mắc tiền không? Hai người biết rồi, mình phải xin cha mẹ mới được.
Hòa lưỡng lự trả lời.
– Trò chỉ xin qua nhà Thảo chơi thôi, còn tiền thì mình cho trò mượn.
– Cái này, không thể mượn hoài, muốn học tốt phải mấy năm lận.
– Qua mấy tháng trò tốt nghiệp rồi, không phải muốn đi làm ký giả sao? Lúc đó kiếm được tiền thì trả mình, lo gì.
– Ừ, phải đó. Mà Hòa muốn làm ký giả là rất nguy hiểm đa, càng cần học hơn tụi này nữa.
Nghe Thảo nói đến đó, đôi mắt Hòa sáng lên. Làm ký giả là mơ ước của Hòa, cô nhìn Liên nói.
– Vậy Liên cho mình mượn đi. Sau này mình trả.
– Được, hay là mai mốt trò xin toà soạn báo cho nhà mình đăng quảng cáo miễn phí đi.
Ha ha ha, ba cô gái nhỏ cười to vui vẻ. Đúng là làm chuyện gì bí bí mật mật đều phấn khích. Ba cô gái không biết là quyết định hôm nay của mình đã giúp các cô vượt qua những nguy hiểm sau này, giữ được tính mạng giữa loạn lạc.
Chuyện trường Nữ sinh Áo tím bãi học, xuống đường đưa tang Ông Phan đã làm chính quyền không hài lòng. Lúc Laurent đến nhà Liên đã là bốn ngày sau đó, học sanh đã nghỉ học đúng một tuần rồi.
– Mama nói lần này hai bên đều không hài lòng, chửi nhau quá xá.
Laurent cười hí hửng nói, đúng là chỉ sợ không loạn, loạn là có người vui.
– Cuối cùng mama thắng, ngày mai trường mở cửa lại, ha ha. Mà các học trò lớp cuối vẫn được thi. Thấy sao, vui không?
Liên phì cười nhìn Laurent lên mặt, giống như người thắng cuộc là mình vậy. Đối với Liên việc được thi cuối cấp hay không không quan trọng, nhưng lần này Hòa sẽ vui rồi.
– Chút nữa mình nhắn cho Hòa biết, mà nhựt trình sẽ đăng thông báo chứ.
– Có, lúc mình chạy qua đây là mama đang nói chuyện với cô hiệu trưởng.
Trời giữa tháng tư như đổ lửa, Liên kéo Laurent lên phòng mình, mở quạt máy nhỏ thổi vù vù. Liên nhỏ giọng kể lại chuyện hôm trước ở nhà Thảo, rồi hỏi.
– Có đi chung không?
– Giờ đó mình học piano rồi, còn học khiêu vũ nữa.
– Ừ, mình quên mất, nhưng giờ khác thì ba đứa mình rất khó xin, mà phải giữ bí mật nữa.
– Ba người học đi, mai mốt mình học cái này.
Vừa nói Laurent vừa đưa tay làm dấu, Liên bĩu môi hờn giận.
– Yên tâm, nếu mình xin papa cho học sẽ xin luôn cho trò.
– Thiệt? Hứa đi.
– Thề luôn.
Liên hơi cười nhìn động tác của cô gái nhỏ, bỗng thấy Laurent đúng là thiếu nữ mười tám tuổi hồn nhiên, vô tư, sinh động. Liên chợt nhớ đời trước Laurent chỉ sống ở Sài Gòn mấy năm nữa, hình như sau khi anh hai bị bắt thì Laurent cũng đi Pháp, rồi biệt tăm luôn.
À, mà lúc Liên bắt đầu thân cận với Văn Bản thì Laurent không thích, luôn bài xích hắn. Chẳng lẽ cô ấy linh cảm biết được chuyện gì. Liên nói linh cảm vì nếu có bằng chứng nào đó, chắc chắn Laurent sẽ nói ra.
Tính tình của cô ấy là vậy, giống như bây giờ, vô tư kể chuyện papa, mama cô ấy tranh cãi như thế nào, ai thắng ai thua. Theo ý Laurent thì đó mới là gia đình, phụ nữ có quyền nêu ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình. Gia đình cô ấy theo Tây học, văn minh nên lối cư xử khác hơn các gia đình khác.
Giống như ở nhà Hòa, mẹ của Hòa luôn nghe lời chồng, lo việc nội trợ, bếp núc. Mỗi lần đến nhà Hòa, không khí trong nhà luôn nghiêm trang, Hòa rất ít cười nói, chỉ có khi ra ngoài với bạn bè cô ấy mới rạng rỡ, góp chuyện cùng bạn bè, còn nói rõ ước mơ làm phóng viên của mình. Chắc chắn trong nhà Hòa chưa ai biết ước mơ cô ấy đang ấp ủ.
Trong đời trước, đến năm Hòa hai mươi tuổi thì lấy chồng, là một thầy thông ký. Sau đó Hòa có vài bài báo được đăng, nhưng không phải là công việc của một phóng viên thực thụ, Không biết sau đó Hòa có làm được không?