Chương 04: Đời người như giấc mộng

Bệnh viện Đồn Đất (1) vào đêm rất yên tĩnh, ánh đèn điện đã tắt bớt, chỉ còn ánh sáng dọc hành lang các tầng. Dì tư Lành xách giỏ đệm từ lầu một đi xuống cổng. Đến cổng dì ngó xung quanh như tìm người, lúc thấy dáng chiếc xe một ngựa dừng bên kia đường thì đi qua. Dì không leo lên xe mà nói:

– Bà chủ nói tối nay ở lại ngủ với cô ba, biểu dì về. Nhưng mà ông chủ cả ngày bôn ba, ngủ lại đây nữa chắc mệt. Nên dì xuống dặn mấy việc, rồi mày chở ông chủ về.

– Dặn gì dì? Cô ba tỉnh chưa?

– Còn chưa có tỉnh, mày nói con Bê đi chợ sớm mua thịt gà mái già về hầm lâu chút,…

Tiếp đó là mấy việc lặt vặt khác. Cậu thanh niên hơn hai mươi tuổi gục gặc đầu nghe dặn. Gần mười phút sau thì ở cổng bệnh viện có một người đàn ông trung niên, mái tóc hơi rối, gương mặt lo lắng đi ra.

– Ông chủ ra kìa, cháu qua rước.

– Ừ, nhớ dì dặn hông?

– Nhớ, nhớ mà.

Cậu thanh niên qua loa trả lời rồi đánh xe ngựa qua cổng. Dì tư Lành từ từ đi theo phía sau. Người đàn ông chờ dì đến gần nói:

– Chị coi an ủi bà, nhắc bà ấy ngủ một chút.

– Dạ biết, ông chủ.

Ông chủ hãng Châu Hoài còn lo lắng quay lại nhìn bệnh viện rồi mới bước vô trong mui xe ngựa rời đi.

Phòng bệnh có bốn giường đều có người nằm. Bà Châu vợ chủ hãng dệt tên là Đoàn Thị Ngọc, bà hơn bốn mươi tuổi, dáng người cao dong dỏng, gương mặt hơi dài, ngũ quan đoan chính. Nét kiên nghị hằng ngày của bà thay bằng vẻ mặt lo lắng, ưu sầu. Bà đang dùng khăn tay ấm lau mặt cô gái nhỏ nằm trên giường.

Cô gái nhỏ gương mặt tái nhợt, băng trắng quấn quanh đầu và quanh cánh tay trái. Chỗ đầu gối cũng gồ lên một vòng lớn. Cô gái hơi nhỏ người hơn bộ quần áo bệnh nhân nên nhìn càng có vẻ đơn bạc. Mái tóc dài đen nhánh chẻ hai bên thả xuống vai, đôi chân mày đậm hơi nhếch cao rồi kéo dài xuống đuôi mắt. Nếu cô mở to đôi mắt hạnh sẽ là một cảnh đẹp với người đối diện.

Bà Châu nhìn gương mặt con gái ngày thường linh động, luôn chân luôn tay giờ lại bất động trên giường càng thêm xót xa. Bà nén nước mắt ngồi lại ghế, lơ đãng nhìn quanh phòng.

Bệnh viện Đồn Đất có nhiều bác sĩ, y sĩ giỏi, cơ sở vật chất tốt nhất nhì Sài Gòn. Đi kèm với nó là chi phí chữa bệnh tốn kém hơn, không phải ai muốn vào cũng được. Chi phí cao cũng đáng với không gian trong phòng bệnh thoáng, sạch sẽ. sSn trong sân ngoài của bệnh viện mát rượi bóng cây, luống bông hoa đủ màu, dọc theo là những ghế dài nghỉ chân.

Đầu tháng tư, Sài Gòn rất nóng, những cơn gió nhẹ nương theo hàng cây ngoài sân thổi nhẹ vào phòng. Trời về khuya, hoạt động con người không còn, không gian quay về vẻ trầm mặc vốn có.

Đèn hành lang le lói rọi vào phòng, ánh sáng nhập nhoè như mờ như ảo. Đôi mắt cô gái nhỏ nhấp nháy rồi mở ra, tia mắt hoảng loạn liếc quanh khắp phòng.

‘Mình vừa mơ sao? Giấc mơ thật kinh hoàng!’ Mấy giọt mồ hôi lạnh rịn ra trên trán. Trí óc cô vẫn còn chìm nổi mơ màng giữa thực và mộng.

Sao giấc mộng lại có thể thực như thế?

Mà căn phòng bệnh này đúng là ở nhà thương Đồn Đất, lại có vẻ như xa xăm lắm, như đã xa từ kiếp nào, như trong mộng?

Từ nhỏ Liên đã là cô bé khoẻ mạnh, hiếu động, hiếm khi có bệnh. Chỉ có một lần cô phải vào nhà thương Đồn Đất nằm hết bốn ngày. Mà lần đó không phải đau mà là bị thương. Đúng rồi Liên nhớ lại chuyện xảy ra năm đó.

Mọi người truyền tin nhau tham gia lễ tang ông Phan (2), người đi đầu phong trào đòi dân chủ trên đất Sài Gòn và toàn cõi Đông Dương. Liên đang là học sinh trường Nữ sinh Áo tím (3), đương nhiên cô theo các đồng học xuống đường tham gia. Trưa hôm đó có rất đông người tụ tập trên đoạn đường áo quan ông Phan đi qua.

Cảnh sát, an ninh Pháp đã dùng nhiều biện pháp chia rẽ các nhóm, trấn áp để ngăn bạo động. Lần này là lần đầu tiên Liên tham gia nên không biết tự bảo vệ, cô bị xô đẩy, chèn ép trong đám đông nên té xuống đường, rồi bị giẫm lên. Cũng may có mấy cô bạn thân kịp thời phát hiện, kêu thêm vài thanh niên các trường khác cùng nhau đưa cô ra khỏi đó. Liên ngất đi từ lúc nào không biết.

Không biết đã qua mấy ngày rồi?

Liên nhìn ghế bên cạnh giường, má đang dựa người ngủ. Cô lặng nhìn bà, bỗng thấy an tâm vô hạn. Không cần biết mộng ảo, điều cô vui mừng nhất là thấy má còn bên cạnh cô. Vậy là ba Hoài vẫn bình an, phải không?

Cô nhớ tới giấc mộng, rùng mình thầm nhủ ‘Đây là Trời Phật báo mộng cho mình biết, không được hồ đồ như trước đây nữa, phải cẩn thận đề phòng. Mình phải cáng đáng việc nhà, tìm được anh hai, cả nhà đoàn tụ.’ Hai dòng nước mắt lặng lẽ rơi xuống, thấm vào áo gối trắng tinh.

Tiếng chuông nhà thờ vang lên, báo hiệu buổi đêm đã qua. Mọi người rục rịch thức giấc, dì tư Lành giật mình tỉnh giấc. Dì đi vào trong phòng nhìn bà chủ cũng vừa tỉnh, đang xếp cái khăn len vào giỏ. Bà hỏi nhỏ:

– Bà chủ muốn ăn gì không?

– Không dì, dì coi xuống cổng coi thằng Bốn tới chưa? Coi nó đem đủ đồ dùng chưa, thiếu thì dì ghé tiệm trước cổng mua thêm,

Hai người nhỏ giọng nói chuyện mà không để ý cô gái nhỏ trên giường đang nhìn, đang nghe với khoé miệng hơi nhếch lên.

– Con muốn uống sữa đậu nành nóng nhiều đường.

– Ừ, để má dặn.

Bà Châu vô thức đáp lời rồi ngẩng lên nhìn đôi mắt nhấp nháy linh động của cô gái.

– Trời đất, con tỉnh rồi, hồi nào sao má không hay!

– Hứ, má nuôi bịnh mà không hay!

– Hả, a, a

Bà a, a không nói được rồi vui mừng vuốt vai cô gái.

– Cô ba tỉnh rồi, cô muốn uống sữa đậu nành hả, để tôi chạy đi mua.

Dì tư vui mừng nói hơi lớn, rồi nhanh tay xếp gọn mấy món đồ vô giỏ bàng, đi rẹt rẹt ra cửa.

– Vậy là mừng rồi, thím đi báo đốc-tờ đi, khám coi hết hẳn chưa.

Một người đàn bà ngồi ghế bên kia nói vọng qua. Bà Châu gật đầu hô phải.

– Con nằm yên, má đi kêu bác sĩ khám coi sao.

– Dạ,

Tiếp đó là y tá, bác sĩ đến khám, chưa xong thì ông Châu cùng dì tư vào. Ông Châu vui mừng rờ trán, rờ tay con gái, gật đầu nghe bác sĩ dặn. Dưới sự nài nỉ của Liên, cô cũng được cho về nhà dưỡng bệnh. Chiếc xe ngựa lọc cọc đi qua hàng cây, dãy nhà quen thuộc.

Dọc theo đường Grandiere (4) đến đoạn quẹo ra chợ Chợ Giữa (5) thì thả dì tư xuống, má còn dặn với theo:

– Dì mua một ít bông huệ trắng nữa.

– Dạ, bà chủ.

Liên vén rèm xe ngựa nhìn về hướng phòng trà Salon de Thé suy nghĩ mông lung. Tiếng xôn xao ở chợ thật sinh động, ánh nắng ấm áp như kéo cô ra khỏi hình ảnh kinh hoàng tối qua.

Nhà Liên nằm ở con hẻm rộng trên đại lộ Galliéni, cách chợ năm mười phút đi xe ngựa. Trời đã trưa nên đường cũng ít người. Ngôi nhà tường gạch màu vàng nhạt, mái ngói âm dương đỏ, hai tầng, có sân trước sân sau cỡ sáu trăm thước vuông. Ba má mua nó từ gần mười năm trước, lúc đó chỉ là khu đất vườn có căn nhà lá nhỏ. Làm ăn tích góp mấy năm mới xây nhà hai tầng này. Màu ngói vẫn còn đỏ thắm, gạch tàu lát hàng hiên vẫn tươi màu.

Đưa hai má con vô nhà, đặt Liên nằm yên trên giường xong, ông Châu mới nói:

– Con ở nhà nghỉ, ba qua hãng. Chiều ba về được không?

– Dạ, ba đi đi. Con không sao. Mà ba về sớm nghỉ ngơi.

– Ừ, chiều ba về sớm. Chiều tôi về bà hẵng đi chùa, đừng để con ở nhà một mình.

Câu sau là ba nói với má. Lúc nãy má dặn dì tư mua bông huệ chắc là để đi cúng chùa.

– Tôi biết rồi, ông đi đi. nhớ về sớm chút.

Má đưa ba ra phòng rồi quay lại nói:

– Má dặn con Bê nấu nước nóng rồi, con vô tắm cái cho mát, rồi nằm nghỉ. Trưa nay má nấu cháo gà, má kêu con dậy ăn rồi uống thuốc nghe.

– Dạ, má cũng đi nằm đi, tối qua má ngủ cũng không yên.

– Ừ, đợi dì tư về má sẽ nghỉ ngơi.

Trong nhà, ngoài ba người chủ còn có dì tư Lành là người ở cùng quê Long Hồ lên đây, em Bê là cháu dì tư, năm nay mười bảy, nhỏ hơn Liên một tuổi. Hai người này phụ bà Châu trông nom dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn đi chợ. Ngày thường, bà Châu cũng đi ra ngoài lo mua bán ở cửa tiệm và việc của hãng dệt. Còn một người nữa là anh tư Bốn đánh xe ngựa kiêm chạy việc cho ba.


(1): nay là BV Nhi đồng 2 – Lý Tự Trọng

(2): Tang lễ ông Phan Chu Trinh ngày 04-04-1926

(3): Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay

(4): Lý Tự Trọng ngày nay

(5): Hay còn kêu là Chợ Chính: Là chợ Bến Thành ngày nay.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!