A Kỳ lập tức thấy trong lòng nặng trĩu, nhanh chóng dẫn Dạ Dao Quang vào trong.
Bọn họ tiến vào trong sân, chỉ cần một bước nữa là tiến vào phía trước cửa ngập ánh trăng của tiểu viện độc lập thì Dạ Dao Quang đưa tay chặn lại trước mặt A Kỳ, đôi mắt sáng quắc lạnh lẽo: “Có trận pháp.”
Dạ Dao Quang nhanh chóng lấy la bàn ra, la bàn lơ lửng xoay tròn giữa không trung. Đợi đến khi kim đồng hồ dừng lại, Dạ Dao Quang lại bấm đốt ngón tay, thì ra chỉ là một trận bát vị nho nhỏ: “Theo ta.”
Dạ Dao Quang bước cực kỳ đặc biệt, thân thể lại nghiêng đi, đường dưới chân là bước chân bát tự gãy ngang dọc. Trận bát vị không khó, là trận pháp dễ bày nhưng muốn phá vỡ cần tốn thời gian. Dạ Dao Quang cố để bản thân bình tĩnh lại, từng bước in dấu chân lên bát tự. Bởi vì vị trí cực kỳ đặc biệt dẫn đến việc rõ ràng khoảng cách nhìn như hai bước là có thể nhảy qua, nhưng cô phải in lại tám lần dấu chân của hai bước. Mỗi một ô vuông bên trong đều ẩn giấu khí ngũ hành, Dạ Dao Quang không thể khẳng định sau khi tiếp xúc với khí này sẽ xuất hiện cái gì đó nhưng cô tin đối phương đã bày ra trận pháp này, nếu xúc phát trận pháp này chỉ sợ càng thêm tốn thời gian và phiền phức.
Bên này Dạ Dao Quang đang phá trận còn trong phòng Tuyên Lân lại là một cảnh tượng khác, Ôn Đình Trạm và Tuyên phu nhân ngã bên chén trà, chỉ có Tuyên Lân toàn thân bất lực ngồi trên xe lăn. Ánh mắt hắn sâu thẳm cơ trí, bình thản nhìn người đứng đối diện hắn. Nữ nhân mặc vạt áo Tỳ Bà (1) lụa, quần thêu hoa văn chim phỉ thúy màu tím, cánh tay khoác một tấm vải lụa mỏng xuyên thấu màu xanh nhạt, tóc búi xoắn ốc kèm theo một bộ trang sức lam ngọc, thanh nhã nhưng không mất đi sự hoa lệ. Ả chừng ba mươi tuổi, có sự vui tươi của thiếu nữ cũng có khí chất của một vị phu nhân, đặc biệt hoa điền (2) lam ngọc bích dính trên khóe mắt ả càng khiến vẻ đẹp của ả được tô điểm đến mức tuyệt mỹ.
Người này không phải ai khác mà chính là dì ruột của Tuyên Lân – tiểu Nguyên thị. Từ khi hắn sinh ra, ả đã ở góa ở nhà Tuyên gia, từ nhỏ thương hắn như con ruột, thậm chí dưới hoa điền nơi khóe mắt có một vết sẹo sâu vì thay hắn đỡ một đao gây ra, người hắn thân thiết hơn cả mẹ ruột.
“Có phải rất bất ngờ không?” Giọng nói của tiểu Nguyên thị rất êm tai, có một sự dịu dàng khiến người ta không kìm chế được mà say đắm.
“Phải.” Tuyên Lân rất thành thực gật đầu.
“Kỳ Lân công tử thông minh hơn người cũng không nghĩ ra điểm bất thường sao?” Bước chân tiểu Nguyên thị tao nhã làm bay tà áo ngoài tinh xảo, ả chầm chậm bước đến trước mặt Tuyên Lân, nhẹ nhàng ngồi xổm trước mặt hắn. Ánh mắt ả mang theo một chút mập mờ cùng với một chút âm u lạnh lẽo nhìn Tuyên Lân, ngón tay không sơn móng trắng nõn sạch sẽ, chậm rãi vuốt lên mặt hắn: “Ngươi lớn lên thật giống phụ thân của ngươi…”
Ánh mắt Tuyên Lân khẽ động.
Tiểu Nguyên thị dường như bắt lấy từng sự thay đổi nhỏ của hắn: “Ngươi nghĩ không sai, ta hết lòng cảm mến phụ thân ngươi, anh rể ta, ta yêu hắn đã hai mươi năm rồi!”
Bây giờ tiểu Nguyên thị không đến ba mươi hai tuổi, như vậy cũng chính là ả đã thích anh rể mình khi mới mười hai tuổi, hai mươi năm trước là khi mẫu thân hắn gả vào Tuyên gia.
“Ngươi biết ta hận mẹ ngươi thế nào không?” Mặt tiểu Nguyên thị trở nên hung ác.
“Chị ta rất thích làm dáng vẻ cao cao tại thượng nhìn ta, chị ta thích dùng thân phận đích trưởng nữ chèn ép ta, giáo huấn ta, bức ta không thể không nghe theo sự an bài của chị ta để sống tiếp. Một nữ nhân như chị ta, dựa vào cái gì có được trái tim phụ thân ngươi? Rõ ràng chị ta đã sinh ra một thứ yêu nghiệt…”
Thì ra mẫu thân của Tuyên Lân và tiểu Nguyên thị tuy đều là đích nữ nhưng lại khác mẹ, mẫu thân Nguyên thị sau khi hạ sinh Nguyên thị không lâu liền mắc bệnh qua đời. Phụ thân Nguyên thị sau khi giữ tang một năm thì cưới vợ kế, năm thứ hai sau khi vợ kế được gả vào thì hạ sinh tiểu Nguyên thị. Bọn họ cách nhau vừa vặn ba tuổi, phụ thân Tuyên Lân và đích nữ Nguyên gia có hôn ước, là ông nội của Tuyên Lân định ra. Khi đó định trước hiển nhiên là con gái vợ cả, dựa theo lớn nhỏ cũng là Nguyên thị, hơn nữa ông nội của Tuyên Lân rất thích Nguyên thị. Lúc nhỏ không ít lần ông sợ cháu mình chịu thiệt nên thường đón về nhà ở, mãi đến khi lớn lên vì danh tiếng của Nguyên thị mới không như vậy nữa, vậy nên cha mẹ Tuyên Lân cũng xem như là thanh mai trúc mã cùng nhau lớn lên, hai bên cũng có lòng cảm mến nhau.
Nguyên thị gả vào Tuyên gia. Ngày thứ ba sau khi tỷ tỷ kết hôn, tiểu Nguyên thị vừa nhìn đã thích anh rể nên sau đó ả thường mượn danh nghĩa đến thăm tỷ tỷ để đến nhà Tuyên gia, có lúc ả ở lại một thời gian ngắn. Sau khi tiếp xúc gần gũi, tiểu Nguyên thị ngày càng biết rõ anh rể đối tốt với chị mình nên càng đố kỵ và không cam lòng. Nguyên thị gả vào Tuyên gia đã ba năm nhưng vẫn không mang thai, tiểu Nguyên thị càng hy vọng chị gái mình không mang thai được, như vậy ả có thể được gả vào Tuyên gia. Ả sẽ không để bụng làm theo Nga Hoàng Nữ Anh (3), nhưng lúc ả cập kê, Nguyên thị cuối cùng cũng mang thai mà phụ thân đã nhân lúc ả đang ở Tuyên gia mà định chuyện hôn sự cho ả. Ả cứ vậy mà gả cho người khác. Ả đã từng cam chịu số phận nhưng ông trời vẫn giúp ả, sau khi gả đi không đầy nửa năm thì phu quân của ả bất ngờ qua đời. Tuy tuổi còn trẻ nhưng ả vẫn thủ tiết, ả không muốn kết hôn lần nữa. Lúc này tỷ tỷ đã mang thai mười hai tháng vẫn chưa sinh, ả ta thừa cơ tung tin đồn nhảm bên ngoài nhưng không biết sao tỷ tỷ mệnh tốt, lão phu nhân Tuyên gia không những không kiêng kị, ngược lại còn an ủi tỷ tỷ, đồng thời còn điều tra rõ chuyện này. Cuối cùng sau mười lăm tháng tỷ tỷ đã hạ sinh một đứa bé trai, các dị tượng khi Tuyên Lân ra đời cũng khiến ả căm ghét không ngớt.
Nhưng Lân nhi trời ban nay đã là một phế vật không thể nói hay làm gì, khi đó trong lòng ả vô cùng vui sướng, tỷ tỷ tốt của ả chỉ chuyên tâm nghĩ cho con trai, hơi đâu mà nghĩ cho chồng mình, vì một đứa con trai vừa câm vừa tàn phế mà bôn ba khắp nơi. Tỷ muốn con trai mình phải khỏe mạnh, được thôi, vậy ả sẽ vơ vét chút lòng tốt cho tỷ. Tốt nhất tên tiểu yêu nghiệt này trúng độc chết, rồi tỷ tỷ nhất định sẽ không chịu được đả kích, đến khi đó chẳng phải ả có thể ở bên anh rể sao?
Nhưng tên tiểu yêu nghiệt này đầu độc thế nào cũng không chết, ả mất nhiều tâm tư như vậy cũng không được!
“Ngươi biết không? Sở dĩ ngươi có thể nói và hoạt động được, thực ra không phải là do ta đến Tương Quốc tự quỳ ba ngày ba đêm xin bùa thần. Người quỳ chẳng qua là người hầu của ta, ta sao lại mong tên tiểu yêu nghiệt như ngươi khỏe lại. Năm đó ta dẫn ngươi đi xem hoa đăng, một vị lão đạo sĩ nói tên của ngươi không tốt, sửa tên là có thể khỏe lại, ta vốn không tin nhưng năm đó sau khi quay về vẫn lấy bùa của lão đạo sĩ đưa cho ta đeo trên người ngươi, ngươi lại thực sự có thể nói được hoạt động được.” Khuôn mặt tiểu Nguyên thị có chút vặn vẹo, còn có sự nuối tiếc sâu đậm.
“Đây cũng là nguyên nhân vì sao ta tìm cách hủy đi lá bùa kia. Lúc đầu người ám sát ngươi chính là sát thủ ta mua về, ta cứu ngươi, thay ngươi chặn đao kia chỉ là muốn hủy đi lá bùa vướng víu này, chỉ cần ngươi chết rồi, Tuyên gia sẽ không thể không có người nối dõi. Ta sẽ có thể gả vào Tuyên gia, mẫu thân ngươi vì cái chết của ngươi mà thương tâm quá độ, ốm triền miên thì thật tốt biết mấy nhưng sao ngươi lại không chết!”
(1) Vạt áo Tỳ Bà: Là một kiểu dáng áo thường phục có vạt áo trước, vạt áo trên chỉ che đến ngực, không đến dưới nách, cúc áo được đính khuy khá dày từ cổ áo xuống dưới.
(2) Hoa điền: Là một loại hoa văn trang sức của phụ nữ thời xưa.
(3) Nga Hoàng Nữ Anh: Hay còn gọi là Nữ Anh, là tên của một nữ nhân vật huyền thoại sống vào thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế trong lịch sử Trung Quốc. Theo ghi chép của nhiều sách cổ khác nhau thì bà là con gái thứ hai của đế Nghiêu và đồng thời cũng là thứ phi của đế Thuấn.