Đó là kẻ bị truy nã ráo riết nhất nước Mỹ, một tên gangster khát máu, thậm chí còn bị bố già Al Capone tống cổ ra khỏi băng đảng vì quá bạo lực.
Vào ngày 20-4-1934, cảnh sát quyết định bắt người. Được tin báo cho biết hắn đang ở tại một khách sạn bên hồ tại Wisconsin, cảnh sát triển khai chiến dịch bí mật nhằm bắn hạ đối tượng.
Nelson có gương mặt tròn, cặp mắt to và chiếc mũi nhỏ. Bọn giang hồ cùng băng đảng gọi hắn là “Baby face” Nelson (Nelson “gương mặt trẻ thơ”).
Trông hắn chẳng hề giống một tên tội phạm. Khi các đặc vụ đến nơi, họ dán mắt vào ba gã đàn ông. Những người đó – thực chất là đặc vụ FBI và cảnh sát địa phương – đã bị bắn hạ chỉ trong vài giây, khiến sát thủ “Baby face” Nelson và những kẻ đồng loã ngoài vòng pháp luật có được cơ hội trốn thoát.
Kẻ sống ngoài vòng pháp luật
Thập niên 1930 có lẽ là “kỷ nguyên vàng” của bọn tội phạm xã hội đen gan lỳ sống ngoài vòng pháp luật. Thế nhưng đó cũng là thập niên chứng kiến sự trỗi dậy và sụp đổ tất yếu của những kẻ xấu xa như Bonnie và Clyde, John Dillinger, Pretty Boy Floyd và “Baby face” Nelson.
Tính trong số những kẻ khét tiếng hung bạo trong nhóm, “Baby face” Nelson chào đời với tên khai sinh là Lester Joseph Gillis ở Chicago bang Illinois miền Bắc nước Mỹ vào ngày 6-12-1908.
Theo hồ sơ tội phạm Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), “Baby face” Nelson bắt đầu cuộc đời tội phạm của mình với cuộc sống lang thang trên đường phố Chicago cùng với một nhóm thiếu niên dữ dằn và lần đầu tiên ngồi tù năm 1922 khi mới 14 tuổi.
Cuộc đời gây quá nhiều tội ác của “Baby face” Nelson kết thúc khi hứng trọn một loạt đạn ở tuổi 25, nhưng trước đó hắn được giới chức chính quyền coi là một trong những kẻ giết người tàn nhẫn nhất nước Mỹ.
Trước khi trở thành một kẻ giết người máu lạnh, “Baby face” Nelson bắt đầu ăn cắp lốp ô tô và cả chiếc ô tô, buôn rượu lậu và thực hiện các vụ cướp có vũ trang.
Vào một dịp đầu năm 1930, hắn và đồng bọn đột kích vào nhà của một chủ tạp chí giàu có và ăn cắp những món đồ trang sức trị giá tương đương khoảng 3 triệu USD ngày nay.
Cuối năm đó, hắn tiếp tục ăn cắp một kho đồ trang sức khổng lồ từ chính vợ thị trưởng Chicago.
Trong khi đó, chỉ vài tháng sau vụ trộm tài sản trị giá 3 triệu USD, “Baby face” Nelson thực hiện vụ cướp ngân hàng đầu tiên của mình – hành động được lặp đi lặp lại trong vài năm tiếp theo cùng với băng đảng ngoài vòng pháp luật của mình.
Và chẳng mấy chốc, với biệt danh “Baby face” và cùng với Helen (vợ và cũng là đồng phạm), Nelson gây chú ý đến lực lượng thực thi pháp luật cũng như giới truyền thông Mỹ.
Trên thực tế, Nelson là một trong số ít tên tội phạm trong lịch sử nước Mỹ nằm trong danh sách những “kẻ thù công cộng số 1” của FBI.
Theo một bài báo trên tờ Thời báo New York từ năm 1934, “Baby face” Nelson đã đạt đến đỉnh cao này sau khi dành một nửa trong số 25 năm cuộc đời mình để sống ngoài vòng pháp luật.
Hơn thế nữa, “Baby face” Nelson còn giữ kỷ lục giết chết cùng lúc 3 đặc vụ FBI khi đang thực hiện nhiệm vụ. Nhằm củng cố thêm cho tiếng tăm tội phạm của mình, “Baby face” Nelson kết giao với những kẻ ngoài vòng pháp luật sừng sỏ nhất mà cụ thể là John Dillinger.
“Quan hệ đối tác” của Nelson với Dillinger đặc biệt có lợi cho tất cả những kẻ sống ngoài vòng pháp luật khác. Băng đảng của chúng thực hiện một loạt vụ cướp một chuỗi ngân hàng để chiếm đoạt một số tiền rất lớn – theo tiểu sử Dillinger của FBI.
Tuy nhiên, không giống như nhiều băng đảng giết người khác trong thập niên 1930, “Baby face” Nelson có lẽ sở hữu một tính khát máu cực kỳ cá biệt.
Richard Lindberg, tác giả cuốn sách “Return to the Scene of the Crime” (tạm dịch: Trở lại hiện trường vụ án), đã viết: “Với chiều cao chỉ khoảng 1,6m, Lester Joseph Gillis đã bù đắp cho những hạn chế về thể chất của mình bằng một khí chất giết người máu lạnh và sẵn sàng sử dụng dao bấm hoặc súng mà không hề do dự hay tỏ lòng thương xót đối với nạn nhân”.
Jay Robert Nash, tác giả những cuốn sách về thế giới tội phạm Mỹ, viết: “Trong khi những kẻ ngoài vòng pháp luật khác như Pretty Boy Floyd và Barkers chỉ giết người để bảo toàn tính mạng bản thân khi bị dồn vào đường cùng, Nelson giết người chỉ bởi vì hắn ta thích như thế. Khuôn mặt đẹp như trẻ thơ của hắn ta che giấu bản năng giết chóc đến ghê sợ”.
Vụ nổ súng ở nhà nghỉ Little Bohemia Lodge và cuộc đấu súng cuối cùng
Vào tháng 4-1934, “Baby face” Nelson đi nghỉ tại Little Bohemia Lodge ở miền Bắc Wisconsin xa xôi cùng với vợ và các thành viên băng đảng Dillinger. FBI biết được nơi ở của bọn chúng vào ngày 22-4-1934 nên phái một nhóm đặc vụ đến hiện trường.
May mắn cho “Baby face” Nelson, những con chó sủa đã cảnh báo bọn gangster và chúng nhanh chóng lẩn vào bóng tối. Nelson trốn đến một ngôi nhà gần đó, nơi hắn bắt giữ 2 con tin.
Hai đặc vụ FBI W. Carter Baum và J.C. Newman, cùng với cảnh sát viên địa phương Carl C. Christensen lái xe đến hiện trường ngay khi Nelson chuẩn bị chạy trốn.
Nelson táo tợn xông vào chiếc xe cảnh sát và ra lệnh cho họ rời khỏi phương tiện. Tuy nhiên, trước khi họ có thể tuân thủ, Nelson đã lạnh lùng nổ súng giết chết tại chỗ cả 3 người ngay lập tức. Sau đó, Nelson đã trốn thoát bằng chính chiếc ôtô của FBI.
Trong khi đó, các đặc vụ FBI và cảnh sát địa phương tiếp tục nổ súng tại Little Bohemia Lodge. Cuối cùng, nhóm đặc vụ FBI mới nhận ra rằng bọn gangster đã trốn thoát và cuộc đấu súng kinh hoàng ở nhà nghỉ Little Bohemia Lodge kết thúc vào lúc rạng sáng.
Trong khi Nelson có thể thoát hiểm trong gang tất tại nhà nghỉ Little Bohemia, nhưng đó chỉ là vấn đề vài tháng trước khi FBI tóm gọn hắn ta.
Trong những giờ đầu giờ chiều ngày 27-11-1934, các đặc vụ FBI bất ngờ nhận thông tin “Baby face” Nelson có mặt tại một nơi cách Chicago khoảng 96,5km.
Vài phút sau, một đặc vụ khác phát hiện hắn ta lái chiếc ôtô cảnh sát đánh cắp và gắn biển số xe khác. Đó chính là thời điểm kết thúc cuộc đời giết người không gớm tay của “Baby face” Nelson.
Không lâu sau đó, Thanh tra Samuel P. Cowley lãnh đạo Văn phòng FBI ở Chicago nhận được tin cấp báo “Baby face” Nelson có thể đang tiến về Chicago trong một chiếc ôtô cảnh sát đánh cắp.
Cowley ngay lập tức phái hai đặc vụ Bill Ryan và Tom McDade đi tìm chiếc xe của Nelson và leo lên chiếc xe thứ hai cùng với đặc vụ Herman “Ed” Hollis.
Như vậy là chỉ hơn một giờ sau cuộc chạm trán ban đầu của FBI với “Baby face” Nelson, hai đặc vụ Ryan và McDade đã nhanh chóng phát hiện ra Nelson đang lái xe trên đường cao tốc và thế là cuộc truy đuổi quyết liệt bắt đầu.
Sau đó là những tiếng súng nổ và đặc vụ Ryan cố gắng xoay xở để bắn vào bộ tản nhiệt chiếc xe ôtô mà Nelson đang cầm lái rồi lao thẳng về phía trước để chặn đầu xe tên sát thủ máu lạnh.
Từ đó, chiếc xe của hai đặc vụ Cowley và Hollis lướt ngang qua chiếc xe của Nelson trên đường cao tốc và bắt đầu bám sát hắn.
Do chiếc xe bị vô hiệu hóa, Nelson tấp vào lề đường ở lối vào Công viên North Side ở Barrington bang Illinois. Lập tức Cowley và Hollis dừng xe cách “Baby face” Nelson khoảng 45m. Nelson và Chase đã nổ súng dữ dội trước khi các đặc vụ kịp chui ra khỏi phương tiện của họ.
Cuộc đấu súng kéo dài 4 đến 5 phút đã cướp đi sinh mạng của đặc vụ Hollis. Đặc vụ Cowley cũng bị trọng thương trong cuộc giao tranh. “Baby face” Nelson bị lĩnh 17 vết thương do súng bắn và được đồng phạm John Paul Chase giúp đỡ vào chiếc xe FBI đánh cắp rồi lái đi.
Cuối cùng, do mang quá nhiều vết thương trên mình, “Baby face” Nelson trút hơi thở cuối cùng vào khoảng 8 giờ tối ở Wilmette bang Illinois.
Đặc vụ Cowley, mặc dù sống sót sau vụ xả súng ban đầu, đã không sống được đến ngày hôm sau. Ông qua đời vào sáng sớm ngày 28-11-1934.
Sau đó cùng ngày, nhờ một tin báo nặc danh, các đặc vụ FBI tìm thấy thi thể “Baby face” Nelson nằm trong một con mương cạnh một nghĩa trang gần Trung tâm Niles bang Illinois.
Cô vợ Helen của Nelson giữ mạng được trong cuộc đọ súng kinh hoàng nhờ giấu mình trên một cánh đồng né tránh những loạt đạn bay xé gió giữa những kẻ chạy trốn và đặc vụ FBI. FBI bắt giữ Helen vào 2 ngày sau trận chiến định mệnh đó.
Helen bị kết án cải tạo 1 năm và 1 ngày tại một trại cải huấn liên bang giam riêng những nữ phạm nhân, nằm cách Detroit bang Michigan khoảng 80,5km. Sau khi được tự do, Helen đã đổi tên và rời khỏi Michigan.
Một cuộc đời tàn bạo được dựng lại
Cuộc đời tên sát nhân máu lạnh “Baby face” Nelson được mô tả nhiều lần trong những bộ phim điện ảnh và truyền hình bao gồm: “Baby face” Nelson, một bộ phim năm 1957 với sự tham gia của Mickey Rooney; Câu chuyện FBI, một bộ phim năm 1959 với sự tham gia của James Stewart, và William Phipps trong vai Nelson; Dillinger, một bộ phim năm 1973 với Richard Dreyfuss trong vai Nelson.
Trong bộ phim này, vụ đọ súng giữa Nelson và 2 đặc vụ FBI Cowley và Hollis được mô tả; Cuộc thảm sát thành phố Kansas, một bộ phim truyền hình năm 1975 với Elliott Street trong vai Nelson; “Baby face” Nelson, một bộ phim năm 1995 do C. Thomas Howell đóng vai chính; “Kẻ thù công cộng”, một bộ phim năm 2009 có sự tham gia của ngôi sao Hollywood Johnny Depp, với Stephen Graham trong vai Nelson; loạt phim truyền hình “Gương mặt trẻ thơ”, được sản xuất bởi Kerry Ehrin và Freddie Highmore; trong loạt phim truyền hình năm 2015 tựa “Những kẻ sinh ra để sống ngoài vòng pháp luật”, Alex Bird đóng vai chính “Baby face” Nelson trong tập phim “Baby face Nelson”.