Natascha Kampusch là một trong những nạn nhân bị bắt cóc nổi tiếng nhất nước Áo. Từ năm 10 tuổi, cô đã bị giam cầm khắc nghiệt suốt 3096 ngày (hơn 8 năm trời). Cuối cùng khi đã là thiếu nữ 18 tuổi, Natasha mới có thể tự giải phóng cho mình và rút ra được nhiều bài học đắt giá. Cô kể lại câu chuyện của bản thân và giúp đỡ những nạn nhân bị bắt cóc khác trên toàn thế giới. Dù vậy, bản thân vụ án của Natascha có nhiều tình tiết bí ẩn mà đến giờ vẫn chưa lí giải được.
Hung thủ đi xe van trắng
Ngày 2/3/1998, mẹ của Natascha Kampusch gọi báo cảnh sát thủ đô Viên về con gái mình đã biến mất. Em không đi học vào hôm thứ Hai, cũng không thấy trở về nhà. Cảnh sát lập tức triển khai tìm kiếm, sử dụng chó nghiệp vụ, quan sát cẩn thận các hồ nước xung quanh nhưng không phát hiện bất kì dấu hiệu khả nghi nào.
Bất lực, cảnh sát đành báo với gia đình Natascha rằng có thể em đã bị bắt cóc. Ít lâu sau, một nữ sinh 12 tuổi nói đã nhìn thấy một cô bé trạc tuổi mình bị ép lên chiếc xe van màu trắng.
Lần theo manh mối đó, cảnh sát kiểm tra từng chiếc xe có đặc điểm giống như mô tả. Trên thực tế, họ đã tiếp xúc lần đầu tiên với Wolfgang Přiklopil – một cựu kĩ sư cơ khí sống ở ngoại ô Viên.
Người đàn ông này có một chiếc xe van trắng, nói rằng dùng nó để giao vật liệu xây dựng. Wolfgang không có bằng chứng ngoại phạm. Vào ngày mà nạn nhân nhỏ tuổi mất tích, y đang ở nhà một mình. Chiếc xe van là manh mối quan trọng đầu tiên cảnh sát có được, và cũng chính nhờ nó mà 8 năm sau nạn nhân Natascha có thể tự mình trốn thoát.
Dù vậy, do cảnh sát phải kiểm tra hơn 700 chủ xe khác nhau nên họ không để tâm các chi tiết đắt giá, và đã để vụt mất hung thủ đáng sợ của vụ án – Wolfgang. Không ai có thể ngờ, chỉ cách nơi cảnh sát hỏi chuyện vài chục mét, bên trong căn nhà của cựu kĩ sư là một cô bé đang run lên vì sợ hãi.
3096 ngày đằng đẵng trong ngục tối
Căn phòng nơi Natascha bị giam cầm sâu 2,5 mét dưới mặt đất, không có cửa sổ mà chỉ có một lối thông gió nhỏ hẹp để nạn nhân không bị chết ngạt. Ngoài ra, lối ra vào bị canh giữ cẩn thận; phòng cũng cách âm hiệu quả nên cô bé không thể kêu cứu hay trốn ra ngoài.
6 tháng đầu tiên, Natascha không được phép rời khỏi căn hầm bí mật. Mãi đến khi hung thủ cảm thấy cô bé đã tin tưởng mình nhiều hơn, hắn bắt đầu cho em rời phòng trong thời gian ngắn với điều kiện bị giám sát kín kẽ. Kẻ bắt cóc cũng bắt đầu mua cho em ti vi, tấm bảng, bàn ghế… Dần dần, Natascha còn có thể chơi game, đọc sách báo trong căn phòng tù ngục đó.
Ở bên ngoài, việc điều tra của cảnh sát vẫn không có gì mới cho đến năm 2004, khi họ… đi vào ngõ cụt! Cảnh sát nghi ngờ một người đàn ông Pháp có tên Michel Fourniret, gã này từng có tiền án bắt cóc trẻ em. Nhưng dĩ nhiên, trong vụ án của Natascha, không có bằng chứng cho thấy hắn có liên quan.
Dù vậy, việc bế tắc của cảnh sát lại có tác động bất ngờ – đó là làm cho hung thủ thật sự mất cảnh giác. Năm 2005, khi nghĩ rằng vụ việc dần chìm xuống, gã Wolfgang đã cho Natascha ra vườn đi dạo. Một năm sau, hắn cho phép em được nghịch nước trong hồ bơi nhà hàng xóm. Năm cô bé 17 tuổi, hắn đưa em đến một khu trượt tuyết nhưng vẫn quản thúc vô cùng chặt chẽ.
Những thông tin về động cơ bắt cóc của Wolfgang rất khác nhau, có người nói rằng hung thủ bắt nạn nhân để phục vụ cho nhu cầu tình dục bệnh hoạn. Nhưng theo chính Natascha kể lại, em bị bắt để làm việc nhà. Gã tội phạm bắt Natascha tự đọc sách và học hành trong lúc hắn vắng nhà. Còn khi hắn trở về, lúc thì Natascha bị bắt làm việc nhà, lúc lại được cho đi dạo. Cũng có nhiều lần cô bé bị bạt tai, dọa giết nếu có ý định bỏ trốn.
Hung thủ chưa bao giờ bị bắt, tự tìm kết cục bi thảm
Dù trải qua những ngày tháng tối tăm dưới căn hầm kiên cố nhưng ý chí của Natascha chưa bao giờ bị dập tắt. Cơ hội rồi cũng đến vào ngày thứ 3096 kể từ lúc cô bị bắt cóc. Vào năm 2008, có lần Wolfgang đưa cô ra sân nhà, bắt hút bụi cho xe van thì điện thoại gọi đến khiến gã đàn ông phân tâm. Lợi dụng điều này, cô gái trẻ ném thẳng máy hút bụi về phía Wolfgang rồi chạy thục mạng. Cô đập cửa ngôi nhà gần nhất và một cụ bà đã xuất hiện, sau đó gọi cảnh sát giúp đỡ.
Cũng như lần đầu tiên chạm trán, cảnh sát chưa bao giờ bắt được Wolfgang Přiklopil. Trên đường tẩu thoát, hắn đã tự mình đâm vào đoàn tàu hỏa ầm ầm lao tới, kết thúc cuộc đời trong bi thảm, đem theo những mưu đồ bắt cóc khó hiểu trở thành bí ẩn mãi mãi.
Nghe tin này, Natascha đã rơi nước mắt. Cảnh sát cho rằng nạn nhân đã thông cảm, xót thương cho kẻ đã nhẫn tâm hành hạ và giam cầm mình suốt 8 năm ròng. Nhưng đó cũng chính là người duy nhất mà cô tiếp xúc mỗi ngày trong suốt thời gian dài… Đáp lại, Natascha khẳng định chỉ coi Wolfgang là một tên tội phạm, không có gì hơn.
Kẻ bắt cóc được chôn cất lặng lẽ, bia mộ khắc lên một cái tên giả. Natascha cũng không có mặt trong buổi đưa tiễn đó.
Ngày trở về, Natascha đã cho mọi người thấy cô kiên cường như thế nào
Nếu chuyện bắt cóc đã quá li kì thì sự hồi phục của Natascha cũng kì diệu không kém. Từ một thiếu nữ nhút nhát, sợ sệt, cô dần lấy lại niềm tin vào mọi người; mở lòng ra để chia sẻ câu chuyện của mình. Cô chắp bút viết hồi kí có tên “3096 Ngày” nói về những năm tháng dưới căn phòng đen tối – như một cách để chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân bị bắt cóc khác. Một bộ phim cùng tên đã được thực hiện dựa trên hồi kí của Natascha.
Số tiền thu được từ quyển sách, Natascha trích ra một phần để quyên góp cho Elisabeth Fritzl – một cô gái bị cha ruột giam cầm và hãm hiếp trong suốt 24 năm.
Ngoài ra, Natascha cũng đấu tranh cho quyền lợi của những con thú bị xiềng xích giam cầm. Cô kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp nước Áo: “Những con vật, nếu có thể, chúng cũng luôn tìm cách trốn thoát như cháu đã làm. Bởi vì cuộc sống bị giam cầm luôn tràn ngập nỗi kiệt quệ và đau khổ. Chúng tùy thuộc vào các ngài, xin hãy đấu tranh để cho những sinh vật thông minh, tuyệt diệu và có tập tính xã hội được giải phóng khỏi mọi xích cùm hay chuồng cũi mà chúng đang đau đớn chịu đựng”.
Natascha cũng có quyền thừa kế căn nhà của Wolfgang nơi mình bị giam cầm. Cô luôn giữ cho nơi này sạch sẽ vì nó mang lại hiệu quả tâm lí nhất định.
Mặc dù vụ án khép lại với nhiều uẩn khúc, nhưng điều sáng tỏ nhất chính là Natascha đã vực dậy tràn đầy sức sống. Cô là một ví dụ cho thấy: Ngay cả khi người ta gặp những chuyện kinh khủng nhất trên đời, ta vẫn có thể lựa chọn tiếp tục làm những điều tốt đẹp.