Người đàn ông cùng đứa con trai bí ẩn
Sáng ngày 8/1/1975, một người đàn ông cùng đứa con trai 13 tuổi của mình bắt xe buýt đến New York. Từ đó, họ đi đến Fort Lee, New Jersey, lang thang một lúc rồi tới thị trấn Leonia gần đó.
Leonia là một thị trấn nhỏ nên hầu như tất cả người dân đều quen biết nhau. Vì vậy, bất kỳ ai là người lạ tới đây, họ đều lập tức sẽ nhận ra. Salvatore Tufo, một nhân viên đưa thư khi đang làm công việc của mình đã nhìn thấy người đàn ông dắt theo một cậu bé vừa đi bộ dọc theo tuyến đường chính của thị trấn vào lúc 11h. Lucy Bevacqua, một người dân địa phương khác, đã thấy hai người này vào lúc 12h05 từ cửa sổ nhà mình ở đại lộ Glenwood, trong khi nói chuyện điện thoại.
Mười phút sau, Lucy rời khỏi nhà. Người đàn ông và cậu bé vẫn đang đi quanh khu vực đó. 15h20, Lucy trở về nhà. Ngay sau đó, cô đi ra ngoài kiểm tra hộp thư ngay trước cửa. Khi nhìn sang bên kia đường, cô bỗng giật mình khi người hàng xóm của mình, Edwina Romaine, đang hốt hoảng chạy ra khỏi nhà, miệng la hét không ngừng.
Khi Lucy đến gần, cô nghe thấy Edwina bập bẹ điều gì đó về một vụ giết người và nhắc hai từ “súng”, “tầng hầm”. Nói rồi, Romaine ngã gục xuống đường ngất đi, chân vẫn còn bị trói. Lucy vội chạy về nhà và gọi cảnh sát.
Trung sĩ Robert MacDougall cùng đồng nghiệp có mặt khi Romaine vẫn nằm gục trên đường, chân bị trói. MacDougall liền tiến lại gần hơn. Romaine từ từ mở mắt và khóc nức nở. Theo Romaine, những kẻ đột nhập vào nhà cô có mang súng và dao. Romaine nghĩ chắc chắn đã có ai đó bị giết thậm chí có khi cả gia đình cô đã bị chết.
Hiện trường lộn xộn
MacDougall tháo sợi dây buộc ở chân Romaine, sau đó tìm cách tiếp cận vào ngôi nhà qua lối cửa sau. Cửa đã được mở sẵn, MacDougall dễ dàng vào được bên trong. Anh đi dọc theo hành lang dẫn đến bếp, rồi đến phòng khách. Điện trong nhà đã bị tắt hết nhưng MacDougall vẫn nhận thấy sự lộn xộn của các đồ vật. Trên sàn nhà, có vài sợi dây giống như loại dây hung thủ buộc chân Romaine.
Ngay khi bước chân lên cầu thang, MacDougall nhìn thấy phía sau chiếc ghế dài trong phòng khách, một người phụ nữ khác chân bị trói. Cô đang hoảng loạn và không thể nói thành tiếng. Khi MacDougall gặng hỏi, người này chỉ tay lên phía tầng trên. MacDougall hiểu được có điều gì đó rất khủng khiếp đã xảy ra phía trên. Anh cởi trói cho người ấy và đưa cô ấy ra ngoài trước khi bước lên cầu thang.
Bước vào phòng ngủ lớn, MacDougall phát hiện có ba người, hai người phụ nữ và một cậu bé trong phòng, cả ba không mảnh vải che thân. Một người phụ nữ nằm trên sàn, hai tay bị trói, băng dính trên miệng. Người phụ nữ còn lại và một cậu bé bị trói cùng nhau trên giường, miệng cũng dính băng dính. Cả ba người còn sống.
MacDougall rời khỏi phòng, theo lời họ anh cùng đồng nghiệp men theo cầu thang tối tới căn phòng phía bên dưới. Khi đèn tầng hầm được bật lên, họ thấy một người phụ nữ luống tuổi mặc váy trắng, tay chân bị trói nằm gục bên tường. Người này đã chết, trên quần áo nhiều vết máu, một vết rạch dài trên cổ.
Phía gần lò sưởi, một người đàn ông bị trói nằm sấp và cũng vẫn còn sống. Khi được tháo băng dính trên miệng, người này cho biết mình là Frank Welby, khách của gia đình.
Khi các nạn nhân đã được đưa ra khỏi ngôi nhà, cảnh sát bắt đầu thu thập lời khai. Họ cho biết hung thủ chính là gã đàn ông đi cùng một cậu bé và họ hoàn toàn không biết đó là ai. Tuy nhiên, cảnh sát không thể hiểu đươc bằng cách nào mà bảy người trong một gia đình lại có thể bị khống chế bởi một gã đàn ông cùng đứa con trai nhỏ.
Gã bán hàng đáng ngờ
Bốn giờ trước khi cuộc tấc công kinh hoàng xảy ra, Didi Romaine Wiseman 28 tuổi cùng Robert – cậu con trai 4 tuổi tới thăm cha mẹ mình là ông bà Edwinna và DeWitt Romaine. Didi là con cả trong ba người con của gia đình Romaine. Hai em gái của cô là cặp song sinh 21 tuổi – Randi và Retta, vẫn sống cùng cha mẹ.
Cha cô vừa phục hồi sau cuộc phẫu thuật tim, vẫn đang phải nằm trong bệnh viện và được Randi chăm sóc. Didi đã dành cả buổi để chăm sóc bà ngoại 90 tuổi ốm yếu của mình trong khi mẹ, Retta và bạn trai là Frank Welby đi ra ngoài.
Gần trưa, Wendy – cô con gái bảy tuổi của Didi từ trường trở về ăn trưa và 12h45, Didi lái xe đưa cô bé quay lại trường. Lúc này, cô nhìn thấy một người đàn ông lạ mặt da ngăm đen, tóc xoăn dắt một cậu bé gầy gò với mái tóc dài, đi chân đất gần khu vực nhà mình. Họ cũng chú ý đến cô.
Trở về ngay sau đó, Didi tiếp tục dọn dẹp nhà cửa. Khi đang lau cửa sổ, Didi nhìn thấy người đàn ông và cậu bé lúc trước đang đến gần ngôi nhà của mình và gõ cửa.
Chạy ra mở cửa, Didi bất ngờ ngửi thấy một thứ mùi vô cùng khó chịu phát ra từ cơ thể người này nhưng không thể nhận ra đó là mùi gì. Người đàn ông tự giới thiệu mình là John Hancock, nhân viên bán hàng rồi hỏi có ai khác đang ở trong nhà hay không. Cảm giác không chút thiện cảm, Didi liền bảo họ đi. Vừa dứt lời, cô đã bị người đàn ông khống chế bằng 1 khẩu súng ngắn, đẩy Didi vào trong. Cậu bé đi cùng chỉ đứng quan sát.
Cuộc vật lộn kinh hoàng
Đúng lúc này, cậu bé Robert bước ra và khi thấy mẹ mình đang vật lộn với một người lạ, cậu bắt đầu hét lên. Gã đàn ông liền chĩa khẩu súng vào Robert. “Đây là một vụ cướp”, gã vừa nói vừa túm tóc Didi. “Hãy làm như tôi nói nếu cô muốn sống”.
Sau đó tên cướp đặt khẩu súng vào túi, rút ra một con dao dài và hỏi xem có ai khác trong nhà hay không. Sau khi Didi nói về bà ngoại tàn tật của mình, hắn liền đẩy cô lên cầu thang kiểm tra và tỏ vẻ hài lòng.
Hai mẹ con Didi và Bobby bị nhốt vào phòng ngủ, bị ép cởi bỏ quần áo và trói cùng nhau trên giường. Cả hai đều run rẩy và bị dính băng dính trên miệng để không thể kêu khóc. Sau đó, tên cướp tháo đồ trang sức trên người cô và trói hai tay lại.
Ngay sau đó, chuông cửa reo. Đó là Randi vừa từ bệnh viện về nhà. Didi hi vọng hai kẻ đột nhập sẽ sợ hãi và rời khỏi đây. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó ngược lại hoàn toàn.
Em gái Didi trở về từ bệnh viện, ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông lạ ra mở cửa cho mình. Hắn tỏ ra khá bình tĩnh và tự nhiên. Khi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, Randi bất ngờ bị hắn túm lấy, khống chế bằng dao. Hắn ép cô lên tầng, nhốt chung cùng với Didi và Bobby. Randi cũng bị ép cởi bỏ quần áo và bị dính băng dính trên miệng. Khi hắn đòi tiền, cô liền đưa ra tờ 5 USD.
Không lâu sau, khi cậu bé đi cùng lục soát toàn bộ căn phòng để lấy những món đồ có giá trị thì tiếng chuông cửa lại kêu lên. Bà Romaine trở về nhà cùng lúc với Retta và Frank. Nhìn thấy người lạ trong nhà mình với khẩu súng, bà Romaine sợ hãi tới mức ngất ngay tại chỗ. Chân bà cũng bị trói lại ngay sau đó.
Retta bị khống chế, nằm úp xuống sàn nhà, cậu bé đi cùng trói chân cô trong khi hắn khống chế Frank. Frank dẫn hắn xuống căn phòng nhỏ phía dưới, nơi bà ngoại Didi nằm. Frank nằm sấp bên cạnh lò sưởi, bị trói chân, miệng bịt bằng dính. Chiếc đồng hồ anh đang đeo bị lột bỏ.
Bà ngoại Didi kêu lên nhưng không nghe rõ tiếng, bà dường như đang cố gắng để làm một điều gì đó. Kẻ lạ mặt thấy vậy liền thẳng tay sát hại bà mà không cần suy nghĩ quá lâu.
Đúng lúc này, bà Romaine tỉnh dậy và hoảng loạn khi nghĩ rằng các thành viên trong gia đình đã bị giết. Cố gắng nởi lỏng chiếc dây buộc ở chân, bà lao ra cửa, miệng không ngừng la hét cho đến khi người hàng xóm nghe tiếng.
Thấy vậy, tên cướp vội kéo theo cậu con trai rời khỏi căn nhà qua lối cửa sau cùng với tiền và những đồ có giá trị vừa lấy được.
Cảnh sát vào cuộc
Tại hiện trường vụ án trong ngôi nhà của gia đình Romaine, thám tử Robert Roseman gần như kiểm tra mọi ngóc ngách, cố gắng không bỏ sót bất kỳ bằng chứng nào liên quan tới hung thủ dù là nhỏ nhất. Hung thủ đã lấy đi rất nhiều thứ giá trị và để lại vết chân dính đầy máu trên sàn, nhiều đoạn dây dùng để trói tay chân các nạn nhân và một cuộn băng dính có dính một vài sợi tóc.
Dọc theo con đường từ nhà Romaine đến điểm đón xe, cảnh sát tìm thấy một con dao dính máu, một khẩu súng cỡ nòng 0.32 bị vứt lại trong bụi cây ven đường. Những người trong gia đình Romaine nhận ra đó là khẩu súng kẻ lạ mặt dùng để khống chế họ.
Thời điểm hung thủ vừa bỏ đi, tại một nơi cách không xa ngôi nhà của gia đình Romaine, một người phụ nữ khi đang đi dạo đã nhìn thấy một người đàn ông và một cậu bé chạy xuống dưới ngọn đồi, dáng vẻ vội vã. Người đàn ông cởi chiếc áo của mình vứt xuống đất, trên chiếc áo có dính máu. Sau khi biết thông tin về vụ đột nhập, cô đã liên hệ báo với cảnh sát vì cho rằng hai người này chính là hung thủ.
Rất nhiều bằng chứng liên quan được tìm thấy tại hiện trường, nhưng cảnh sát vẫn chưa thể tìm ra hung thủ. Lật giở hồ sơ của những vụ án tương tự thời gian gần đây, cảnh sát nhận thấy hai người này rất có thể cũng là hung thủ của các vụ trộm cắp trước đó, miêu tả của những người trong gia đình Romaine về hung thủ giống với miêu tả hai kẻ đã từng phạm tội ở New Jersey, Maryland và một vài thị trấn ở Pennsylvania.
Chiếc áo có mùi đặc biệt
Con dao và khẩu súng tìm được không đủ thông tin để có thể tìm ra chủ nhân của nó. Lúc này, chỉ còn lại chiếc áo sơ mi mà hung thủ vứt lại. Kiểm tra chiếc áo, cảnh sát tìm thấy nhãn sản xuất ở Philadelphia, trong túi có tờ giấy ghi địa chỉ một tiệm giặt là.
Sau khi xác minh tờ giấy ghi địa chỉ tiệm giặt, cảnh sát biết được chủ nhân chiếc áo là Kalinger. Nhưng cái tên này không có trong hồ sơ quản lý của cảnh sát Philadelohia và New York.
Thám tử Roseman quyết định điều tra theo thông tin có được từ nhãn mác của chiếc áo. Roseman mang chiếc áo tới Philadelphia, sau một thời gian tìm hiểu, anh phát hiện công ty sản xuất loại áo này chỉ phân phối cho cửa hàng Berg Brothers.
Roseman hi vọng nhân viên bán hàng tại cửa hàng Berg Brothers có thể giúp anh cung cấp thông tin về một người đàn ông da ngăm đen, có mùi khó chịu như mô tả của nạn nhân trong danh sách khách hàng. Tuy nhiên, Roseman đã thất bại.
Xác định chiếc áo được mua ở đấy, Roseman nghĩ chủ nhân của nó sống tại đây hoặc vùng lân cận. Anh đã dành nhiều thời gian để tìm cái tên Kalinger trong cuốn danh bạ điện thoại, Roseman gọi điện cho cảnh sát trong khu vực để xác định lại thông tin về Kalinger trong hồ sơ quản lý của họ. Anh phát hiện ra một điều thú vị rằng, trong hồ sơ có một nghi phạm tên là Kallinger, không phải Kalinger.
Với cái tên mới này, Roseman đã đến cửa hàng giặt và đưa ra bức ảnh của nghi phạm. Chủ cửa hàng xác nhận đây chính là vị khách của mình. Ông cũng nhận ra mùi khó chịu từ chiếc áo được mang tới. Đó là mùi hóa chất được sử dụng trong việc đóng giày. Ông cho biết người đàn ông đã mang chiếc áo đến sống ở Kensington, phía đông bắc Philadelphia. Kallinger có một cửa hàng đóng giày dép tại đây.
Nghi phạm sa lưới
Sau khi lấy thông tin từ phía người chủ tiệm giặt là, cảnh sát đã ngay lập tức đến nhà Kallinger. Hàng xóm xung quanh xác nhận Kallinger có rất nhiều những đặc điểm ngoại hình như miêu tả của các nạn nhân. Cậu bé đi cùng hắn trong các vụ án là một trong hai cậu con trai còn ít tuổi. Lúc này, cảnh sát gần như chắc chắn Kallinger là hung thủ mà họ đang truy lùng.
Kallinger có hai vợ và bảy người con. Hiện tại, nghi phạm này đang sống với người vợ thứ hai cùng năm cậu con trai nhỏ. Cảnh sát địa phương cho biết Kallinger từng bị buộc tội liên lạm dụng trẻ em và có lần phải ra tòa. Tuy nhiên, hắn được chuẩn đoán rối loạn thần kinh, mất trí nhớ tạm thời, dấu hiện của bệnh tâm thần phân liệt nên thoát án và được cảnh sát địa phương giám sát.
Đúng lúc này, theo thông tin từ cảnh sát Philadelphia, hai cha con nhà Killinger rất có thể cũng là hung thủ đã đột nhập vào một gia đình ở Susquehanna vào ngày 12/3/2974, khống chế, làm bị thương bốn người phụ nữ có mặt tại nhà, lấy đi 20.000 USD tiền mặt và đồ trang sức…
Cuối cùng, cảnh sát đã có đủ bằng chứng để khởi tố vụ án. Joseph Kallinger và cậu con trai 12 tuổi bị bắt ngay tại nhà.
Khi cảnh sát đến, Killinger tỏ ra rất bình tĩnh, gọi điện cho luật sư của mình. Hắn nói với cảnh sát sẽ không cung cấp bất kỳ thông tin gì cho đến khi luật sư của hắn đến. Điều duy nhất hắn nói đó là hắn vô tội.
Elizabeth, vợ Kallinger không tin vào những thông tin cảnh sát cung cấp. Bà cho rằng đã quá nhiều bi kịch xảy đến với gia đình bà: con trai vừa mất một năm trước, em gái cũng mất không lâu sau đó vì bệnh tật, mẹ đẻ hiện đang phải phẫu thuật, và bây giờ là chồng và con đối diện với pháp luật. Không chỉ có vợ của Kallinger, những người hàng xóm xung quanh cũng chung nhận xét này. Tất cả đều khẳng định có lẽ đã có sự nhầm lẫn gì đó bởi Kallinger không thể là kẻ giết người.
Những bằng chứng không thể chối cãi
Cảnh sát đã lục soát nhà Kallinger và nhà mẹ đẻ của hắn ngay bên cạnh. Họ thu được nhiều đồ có giá trị, trong đó có cả những đồ trang sức được thông báo mất cắp trong một số vụ trộm cắp gần đây. Ngoài ra, dấu vân tay của cả hai cha con trùng với những dấu vân tay được tìm thấy tại hiện trường một số vụ án. Một điều trùng hợp, những vụ án có liên quan đến cha con nhà Kallinger đều xảy ra vào những hôm cậu bé nghỉ học. Khi các nhân viên điều tra hỏi cậu bé đã làm gì vào những ngày nghỉ học. Cậu bé đã không trả lời được. Đây chính là bằng chứng buộc tội cha con Kallinger.
Quá trình điều tra kéo dài nhiều tháng, đủ cho các nhân viên điều tra nhận ra rằng Kallinger là một kẻ hoang tưởng. Hắn luôn nói rằng Chúa đã tạo ra hắn, giao cho hắn một sứ mệnh đặc biệt, hắn xuất hiện để giúp mọi người khai sáng bộ não của họ.
Kallinger đã được giám định tâm thần trước khi bị đem ra xét xử. Tiến sĩ tâm thần John Hume đã kết luận Kallinger mắc chứng rối loạn nhân cách chứ không phải là rối loạn tâm thần. Kallinger hoàn toàn có thể nhận biết đúng sai nên phải chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình.
Ngày 8/9/1975, Kallinger bị đưa ra xét xử. Hắn bị buộc tội liên quan đến nhiều vụ trộm cắp, hiếp dâm, giết người. Có bốn nạn nhân xuất hiện tại phiên tòa xác nhận Kallinger là kẻ đã tấn công họ.
Theo các chuyên gia tâm lý, quá khứ đen tối mà người đàn ông này từng trải qua có thể đã góp phần hình thành nên nhân cách bất thường của Kallinger.
Tuổi thơ khắc nghiệt
Joseph Kallinger sinh ngày 11/12/1936 tại thành phố Philadelphia nhưng vào thời điểm vừa tròn 1 tuổi, bước ngoặt lớn nhất cuộc đời cậu bé Kallinger đã xảy ra, sau khi cha cậu bỏ rơi hai mẹ con. Người mẹ không có khả năng nuôi con đã buộc phải gửi Kallinger vào trại trẻ mồ côi.
Ngày 15/10/1939, hai vợ chồng người Áo nhập cư là Stephen và Anna Kallinger đã nhận nuôi Joseph Kallinger. Tuy nhiên, những tháng ngày sau đó của Kallinger cũng chẳng khá hơn. Tuổi thơ của cậu trôi qua trong đòn roi và bị lạm dụng nghiêm trọng. Các hình phạt mà Kallinger thường xuyên phải chịu đựng là quỳ trên những hòn đá lởm chởm, bị nhốt trong tủ quần áo, buộc phải ăn phân, bị đánh bằng búa hay thắt lưng và bị bỏ đói…
Tuy nhiên, bi kịch vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi Kallinger chín tuổi, cậu còn bị tấn công tình dục bởi người hàng xóm. Điều này đã khiến tâm lý của một đứa trẻ bị tổn thương nặng nề.
Sống trong môi trường như vậy nên ngay từ khi còn nhỏ, Kallinger đã thể hiện sự nổi loạn, luôn chống đối lại giáo viên và cha mẹ nuôi của mình. Những hình phạt cũng vì thế mà trở nên khắc nghiệt hơn. Như nhiều đứa trẻ khác, Kallinger cũng có mơ ước là được trở thành một nhà viết kịch. Tuy nhiên, ước mơ này đã sớm phải từ bỏ khi Kallinger bỏ học.
Kallinger kết hôn với người vợ đầu cũng là bạn học cũ khi chỉ mới 17 tuổi và có hai đứa con. Mối quan hệ đầy sóng gió với những trận bạo lực gia đình đã dẫn tới việc người vợ phải bỏ đi vào tháng 9/1956. Một năm sau, Joseph nhập viện vì những tổn thương não, các xét nghiệm chỉ cho thấy người đàn ông này mắc “rối loạn tâm lý.”
Kallinger tái hôn năm 1958, sau khi được xuất viện và có năm đứa con với người vợ thứ hai. Tuy vậy, lần này cũng chẳng khá hơn. Kallinger thường xuyên ngược đãi vợ con và thường áp dụng những hình phạt tương tự như cách mà Kallinger phải chịu từ cha mẹ nuôi.
Hai cha con tội phạm
Vào ngày 23/1/1972, Joseph Kallinger đã trừng phạt cô con gái lớn của mình do tự ý trốn đi chơi bằng một chiếc bàn ủi nóng khiến cô bé bị bỏng nặng. Bị bắt một tuần sau đó, Kallinger phải trải qua 60 ngày kiểm tra tâm lý. Khi ở trong tù, bài kiểm tra IQ của Kallinger chỉ đạt 82 điểm. Người đàn ông này được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng.
Cuối cùng các bác sĩ kết luận Kallinger không đủ năng lực nhận thức để xét xử. Bản án dành cho người cha này là bốn năm quản chế và buộc phải điều trị tâm thần.
Trong suốt thập kỷ tiếp theo, Kallinger dành gần như hầu hết thời gian ra vào các viện tâm thần, khi thì cố gắng tự tử, lúc thì định đốt nhà mình tới ba lần.
Ngày 26/6/1974, Kallinger tâm sự với Michael, đứa con trai 13 tuổi của mình về một sự thôi thúc giết người từ bên trong. Trước sự ngạc nhiên của chính cha mình, Michael đáp lại một cách nhiệt tình: “Hãy làm đi, bố!”. Và rồi 11 ngày sau, Kallinger với sự hỗ trợ đắc lực của con trai, đã sát hại Jose Collazo, một thanh niên người Puerto Rico, ở Philadelphia.
Bắt đầu từ đây, Kallinger và con trai 13 tuổi Michael ngày càng dấn sâu vào những phi vụ phạm tội kéo dài ở thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), Baltimore (bang Maryland) và bang New Jersey. Trong sáu tuần tiếp theo, cả hai đã tấn công vào bốn gia đình và sát hại ba người chỉ với một chiêu thức giả làm nhân viên bán hàng để tiếp cận “con mồi”. Việc dễ dàng qua mặt cảnh sát khiến Kallingerm tiếp tục thực hiện các tội ác khác cho tới khi bị bắt giữ sau vụ tấn công vào gia đình Romaine.
Với tiền sử tâm thần, Joseph Kallinger tin rằng lần này, hắn sẽ tiếp tục thoát tội.
Phiên tòa đầy phẫn nộ
Tại phiên tòa xét xử Kallinger, rất nhiều bằng chứng đã được đưa ra khẳng định Kallinger là hung thủ gây nên những vụ trộm cắp, giết người. Tuy nhiên, với những bằng chứng tâm thần trước đó, phía luật sư biện hộ cho rằng thân chủ của mình là người không bình thường về tâm lý và theo luật thì không thể buộc tội một người mà không kiểm soát được hành vi như Kallinger.
Đề nghị này đã khiến nhiều người có mặt tại phiên tòa cảm thấy phẫn nộ. Lúc này, các công tố viên lại đưa ra những bằng chứng minh Kallinger không chỉ là một người hoàn toàn bình thường, nhận thức được mọi chuyện mà còn là tên tội phạm ranh ma, biết tận dụng thời cơ và có sự tính toán để có thể qua mặt cảnh sát.
Kallinger là người đàn ông trụ cột của gia đình, lo tất cả các khoản chi tiêu cho gia đình, quản lý khá tốt cửa hàng đóng giày của mình. Hàng xóm cũng cho biết nhiều năm tiếp xúc với Kallinger nhưng họ cũng không nhận thấy điều gì bất thường ở người đàn ông này. Theo các chuyên gia, vấn đề tâm lý không ảnh hưởng gì đến việc gây án của Kallinger.
Bồi thẩm đoàn đã mất hơn một giờ đồng hồ để cân nhắc mọi chứng cứ và đưa ra phán quyết. Cuối cùng, tất cả đều thống nhất rằng vấn đề tâm lý không ảnh hưởng đến việc gây án của Kallinger. Phía luật sư của Kallinger có 7 ngày để kháng cáo.
Kẻ “tâm thần” khôn ngoan
Trong phiên tòa tiếp đó, phía luật sư của Kallinger đã thay đổi chiến thuật khi thừa nhận những bằng chứng buộc tội Kallinger. Tuy nhiên, theo luật sư, cần xem xét hoàn cảnh gia đình của Kallinger trước khi định tội hắn. Cái chết của cậu con trai một năm trước, mẹ hắn qua đời hai tuần sau khi hắn bị bắt, con gái xác định mắc bệnh hiểm nghèo…tất cả những điều này đã khiến Kallinger bị ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý.
Mặc dù vậy, bồi thẩm đoàn cho hay những điều này không thể biện minh cho những hành vi độc ác lặp đi lặp lại của Kallinger. Ngoài ra, hắn còn lôi kéo cậu con trai mới 13 tuổi của mình vào tội ác. Kallinger bị coi là một kẻ bạo lực và nguy hiểm, bản án dành cho hắn có thể từ 30 đến 80 năm tù giam.
Trong thời gian chờ bị dẫn độ, Kallinger đã có những hành động kì quặc hơn nữa như muốn chứng minh hắn thực sự có vấn đề về tâm thần. Tuy nhiên, những việc làm của Kallinger được giám sát hằng ngày bởi các bác sĩ tâm thần, họ kết luận Kallinger đã cố làm vậy.
Ngoài ra, sự tính toán khôn ngoan của Kallinger còn thể hiện ở việc đã gửi thư cho Giáo sư Flora Chreiber, lúc ấy đang là giảng viên tiếng Anh, đồng thời là người phát ngôn của sở tư pháp Manhattan.
Mặc dù không có kỹ năng trong việc phân tích những vấn đề liên quan đến chứng rối loạn tâm thần nhưng bà Flora đã có một cuốn sách nhắc nhiều đến vấn đề này và mục đích của Kallinger là “nhờ” bà Flora tuyên truyền thông tin bệnh tình của hắn cho truyền thông.
Trong phiên tòa xét xử cuối cùng vào ngày 13/10/1976, Kallinger vẫn một mực không nhận tội nhưng sau hơn hai giờ bàn bạc căng thẳng, đoàn bồi thẩm đã tuyên Kallinger có tội. Ngày hôm sau, tòa tuyên án chung thân đối với Kallinger.
Trong quá trình bị giam giữ, Kallinger làm công việc sửa chữa những đôi giày của nhân viên nhà tù. Người đàn ông này cũng từng nhiều lần cố gắng phóng hỏa đốt phòng giam nhưng không thành. Năm 1986, Kallinger qua đời do bệnh tật, kết thúc cuộc đời của một tên tội phạm gây nhiều tranh cãi.