Vụ án 116: Án mạng giữa đại dương (1961)

Năm 1961, bức ảnh một thân hình bé nhỏ trôi giữa đại dương bao la được một thủy thủ chụp lại và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Cùng với hình ảnh đó, câu chuyện của em khiến mọi người chấn động.

Ngày 13/11/1961 ở vùng biển Bahamas thuộc Caribe, một tàu chở dầu đã nhìn thấy chiếc xuồng nhỏ và chiếc phao cứu sinh trôi khá gần nhau. Người đàn ông trên xuồng đã gào lên, tự xưng là Julian Harvey – thuyền trưởng của tàu Bluebelle. Ông nói, trên chiếc phao cứu sinh là một bé gái tên Terry Jo nhưng nó đã chết rồi…

Câu chuyện của thuyền trưởng Harvey

Julian Harvey được tàu chở dầu cứu sống và kể lại chuyện sống sót ly kỳ của mình. Vốn là một binh sĩ với vẻ ngoài phong độ, sau khi giải ngũ, ông trở thành thuyền trưởng và đang lái du thuyền Bluebelle chở gia đình Duperrault trở về Florida sau một tuần rong ruổi khắp quần đảo Bahamas.

Tuy nhiên trên đường về, một trận mưa đá đã xảy ra, làm hỏng bộ máy chính và khiến cột trụ đâm vào buồng tàu, lại còn phá vỡ các đường dẫn khí trong phòng máy khiến ngọn lửa bùng lên. Giữa hàng loạt sự cố như thế, chiếc tàu đã chìm dần và kéo theo những hành khách xấu số xuống đáy biển. Harvey cho biết, 5 thành viên của gia đình Duperrault cùng người vợ Mary Dene của chính ông ta đã bị cột trụ đè hoặc tự gieo mình xuống biển trong lúc cận kề cái chết. Và ngay cả khi thuyền trưởng nhìn thấy thân hình bé nhỏ của Terry Jo trên phao cứu sinh, bé gái cũng tử nạn.

Câu chuyện này thật sự quá hấp dẫn nhưng có 1 chi tiết sai hoàn toàn, đó là Terry chưa chết. Dẫu vậy, dưới ánh nắng nghiệt ngã của mặt trời nhiệt đới, cô bé dường như cách Tử thần không còn bao xa.

Ký ức kinh hoàng của Terry Jo

Terry Jo là một bé gái 9 tuổi xuất thân trong gia đình trung lưu. Em hoàn toàn bình thường và đáng yêu như bao bạn bè cùng trang lứa khác, cho đến đêm 12/11/1961.

Khi ấy, Terry đang trên đường trở về nhà từ chuyến vi vu bằng du thuyền mà gia đình em đã thuê. Họ bao gồm người bố – bác sĩ Arthur Duperrault, vợ Jean, anh trai của Terry là Brian 14 tuổi và em gái út Rene 7 tuổi. Lúc Terry chuẩn bị đi ngủ ở phòng dưới boong tàu thì tất cả những người khác đang đánh chén những món ăn còn sót lại trong kì nghỉ.

Thế nhưng đêm hôm ấy Terry không thể ngủ được. Khoảng 11 giờ, em nghe thấy tiếng thét của anh trai: “Cứu con bố ơi!”. Theo sau đó là tiếng rượt đuổi và một tiếng “phập”.

Bản năng sợ hãi khiến Terry nằm cứng đơ trên giường ngủ suốt nhiều phút. Cuối cùng, em lấy hết can đảm ra khỏi giường để xem chuyện gì đang xảy ra. Cảnh tượng trước mắt quá kinh hoàng: mẹ và anh trai của Terry đang nằm bất động trên vũng máu. Quá khiếp đảm, cô bé vội lao trở về phòng ngủ thì bị ánh sáng rọi vào mặt và bóng hình của thuyền trưởng Harvey xuất hiện.

“Chuyện gì… đã xảy ra?” – Terry ngập ngừng hỏi. Liền sau đó em bị xô mạnh bạo trở về phòng, nhưng trong thoáng chốc em đã kịp nhìn thấy không có cây cột trụ nào gãy vỡ, không có cháy nổ, thậm chí biển còn rất lặng yên. Đó là những gì Terry khẳng định sau này khi em đưa ra bằng chứng chống lại lời khai của thuyền trưởng Harvey. Thậm chí, Terry nói còn nhìn thấy máu và dao trên boong tàu dù lúc sự việc vừa diễn ra, em quá sợ hãi để nghĩ về chúng.

Trở về phòng, một lát sau Terry nghe thấy tiếng nước chảy, và nước bắt đầu tràn vào qua khe cửa. Rồi đột nhiên cả khung cửa lấp đầy hình ảnh của Harvey. Thuyền trưởng đứng một hồi lâu nhìn vào Terry với một khẩu súng trường trên tay, trong khi cô bé co người vào tường và nín thở.

Trong một khoảnh khắc đau đớn, thuyền trưởng quay trở lên boong tàu. Giờ thì nước đã tràn ngập khắp mọi phía, Terry đuổi theo và hỏi rằng: “Có phải con tàu đang chìm hay không?”. Harvey xác nhận là có trong lúc ông ta nhảy xuống biển cùng chiếc xuồng nhỏ, để lại Terry Jo trên con tàu đang lật úp nhanh chóng cùng với những người thân đã qua đời.

Harvey gian xảo và cuộc đời đầy vết tội ác

Ai cũng lờ mờ nhận ra điều gì đó bất thường sau khi nghe chuyện của Harvey. Các thủy thủ trên tàu chở dầu thấy vị thuyền trưởng quá điềm nhiên trước nỗi đau mất vợ và toàn bộ gia đình khách hàng của mình.

Chủ tàu Bluebelle thì nghĩ rằng thuyền trưởng dường như đã mắc 1 sai lầm rất bí ẩn mới khiến chiếc du thuyền vụn vỡ như thế. Hơn nữa, bản thân Harvey là một người lính kì cựu trong Thế chiến thứ hai, từng lái máy bay ném bom mà lại không thể xoay sở với động cơ của tàu Bluebelle?

Điều đáng ngờ tiếp theo là về những người vợ: Mary Dene là người vợ thứ sáu của Harvey. Cựu quân nhân nổi tiếng là người quen tán tỉnh, nhanh chóng kết hôn và cũng li dị bất ngờ. Các cuộc tình khi đổ vỡ đều kết thúc bằng câu “Anh không còn yêu em nữa”. Thậm chí có lần, Harvey không cần phải nói gì khi vợ và mẹ vợ của y đã mất mạng trong một tai nạn ô tô khá kì lạ. Harvey nhanh chóng nhận tiền bảo hiểm và bước đến bên nhân tình mới.

Cuối cùng, Bluebelle không phải là chiếc thuyền đầu tiên chìm dưới sự điều khiển của Harvey. Một lần, dường như ông ta đã cố tình đâm vào chướng ngại vật. Lần khác, ông ta huênh hoang với bạn bè rằng đã đốt tàu nhưng đủ thông minh để không vướng vào kiện tụng.

Lần này với tàu Bluebelle cũng vậy, Harvey luôn lặp lại chính xác lời khai của mình khiến cảnh sát mệt nhọc: Làm sao mới có thể khiến kẻ gian xảo này phải khai ra? Đúng lúc đó, cửa phòng thẩm vấn mở toang và một tin chấn động được thông báo: “Đã tìm thấy một người nữa sống sót”.

Terry Jo và 3,5 ngày bỏng rát trên biển

Tính đến thời điểm được một chiếc tàu chở hàng của Hy Lạp tìm thấy, bé gái đã lênh đênh được 3 ngày rưỡi và có lẽ chỉ còn cách cái chết vài giờ nữa. Cô bé mất nước nghiêm trọng, da cháy nắng và gần như mất ý thức.

Tuy nhiên đứa bé vẫn sống. Khi tàu Bluebelle chìm xuống, em đã nhanh chóng tìm một chiếc phao cứu sinh và trôi đi khỏi. Thật là một phép màu khi suốt khoảng 84 giờ lênh đênh trên biển, em không bị sóng đánh trôi hay cá dữ tấn công. Điều đáng kinh ngạc nhất là dù cơ thể bất động, em vẫn mấp máy môi để hé lộ một cái tên quen thuộc mấy ngày nay trên tin tức: Terry Jo Duperrault!

Trong vòng một tháng sau đó, hình ảnh một thân hình bé nhỏ trôi giữa đại dương bao la – chụp bởi một thủy thủ trên chiếc tàu đã cứu sống em – đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Cùng với hình ảnh đó, câu chuyện của Terry Jo khiến tất cả mọi người chấn động.

Đoạn kết

“Ôi Chúa ơi” – đó là những gì Harvey thốt lên trong phòng thẩm tra sau khi nghe tin tức về Terry. Nhưng thuyền trưởng liền lấy lại bình tĩnh, nói rằng thật may mắn khi nạn nhân đã được cứu sống rồi vội vàng ra khỏi phòng.

Ngày hôm sau, người quản lí nhà nghỉ Sadman ở Miami gọi báo cảnh sát vì phát hiện có mùi lạ từ bồn tắm Phòng 17. Cảnh sát phá cửa phòng, phát hiện đằng sau là thi thể của Julian Harvey – vẫn điển trai và điềm nhiên như lần đầu đến cho lời khai nhưng đã hoàn toàn trống vắng sự sống, trên cổ tay có vết cứa sắc và sâu. Người chết để lại di thư cho bạn mình: “Tôi là một chiếc thuyền lo lắng đang chìm xuống và không thể tiếp tục cuộc hành trình. Đi đây nhé. Tôi đồ rằng mình chưa bao giờ yêu thích cuộc sống cho lắm, hoặc là đã chẳng biết làm gì với nó”. Di thư của Harvey còn sắp xếp cho con trai được nhận nuôi và mong mỏi thi thể của mình được đưa xuống biển.

Sau nhiều cuộc thẩm vấn, cảnh sát chấp nhận câu chuyện của người sống sót Terry Jo. Sau này, trong quyển sách của mình, nhà tâm lí học Richard D. Logan đặt giả thiết cho những gì diễn ra vào đêm hôm đó. Thuyền trưởng Harvey đã dự định giết vợ để lấy tiền bảo hiểm nhưng người vợ chống trả quá quyết liệt khiến bác sĩ Duperrault nhảy ra can thiệp. Thấy vậy, Harvey đã đâm bác sĩ cùng vợ ông và con trai Brian bằng con dao mà Terry Jo đã lờ mờ nhìn thấy. Bé gái út Rene có lẽ đã bị ném xuống biển.

Sau khi hồi phục và xuất viện, Terry Jo nhận được sự giúp đỡ động viên từ khắp nơi trên thế giới. Cô mạnh mẽ bước qua giông bão để tiến về phía trước. Terry yêu đương, kết hôn, sinh con và ẵm cháu; đi khắp nơi, tìm thấy niềm đam mê với công việc quản lí nguồn nước & tài nguyên thiên nhiên của bang Wisconsin.

Trong quyển sách của nhà tâm lý học Logan, Terry cũng chắp bút một đoạn như thế này: “Tôi muốn nhấn mạnh đến những ai đọc quyển sách này rằng đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy luôn luôn hi vọng và cố gắng nhìn về mặt tốt đẹp. Hãy tích cực, chủ động, cố gắng xoay sở trong dòng chảy cuộc đời nhưng không quên chiếc la bàn của riêng mình. Hãy cống hiến bản thân cho những ai cần đến mình với tình yêu và sự tử tế. Tôi tin rằng bạn đấu tranh cho điều gì thì sẽ nhận về giá trị tương xứng như vậy”.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!