Chưa bao giờ tôi thấy Holmes nhắc tới gia đình và quãng đời thơ ấu của anh. Tôi thì tôi coi anh như một người kỳ dị cá biệt. Lòng ghét cay ghét đắng đàn bà, sự ghê sợ có thêm những người bạn mới, sự khăng khăng không nhắc đến những người bạn thân là đặc tính của anh. Tôi đã tin rằng anh là trẻ mồ côi và là kẻ ”vô gia đình“, nhưng ngày nọ tôi ngạc nhiên khi nghe anh nói về người anh của anh.
Một buổi chiều hè, sau lúc uống trà, câu chuyện có vẻ rời rạc. Từ những Câu lạc bộ chơi golf, chúng tôi chuyển tới tranh luận về sự lai giống cùng những khả năng di truyền. Cái khả năng quan sát và suy diễn mà anh có được là do anh được giáo dục có hệ thống.
”Tổ tiên tôi là những người điền chủ nhỏ ở nông thôn, những người đã sống một cuộc sống phù hợp với giai cấp xã hội của họ. Tuy nhiên tôi lại chọn một lối sống hoàn toàn khác hẳn, có thể là do bà nội tôi là em gái Vernet, một họa sỹ người Pháp. Nghệ thuật trong dòng huyết thống có thể nảy nở thành những phong cách rất khác nhau.”
– Nhưng làm thế nào mà anh biết được những đức tính đó là di truyền?
– Bởi vì anh Mycroft của tôi thừa hưởng những đức tính đó ở một mức độ cao hơn tôi nhiều.
– Nếu ở đây có một người nào đó có nhiều thiên tư hơn anh, thì tại sao người ta chưa biết đến anh ấy. Phải chăng anh khiêm tốn mà nói như vậy?
Holmes cười với tất cả chân tâm.
– Anh bạn thân mến! Đó là sự thật.
– Thế sao anh ấy lại không nổi danh.
– Anh ấy rất nổi tiếng tại Câu lạc bộ.
– Câu lạc bộ nào?
– Câu lạc bộ Diogenes.
Tôi hoàn toàn không biết gì về hội quán đó. Holmes rút đồng hồ trong túi ra:
– Câu lạc bộ Diogenes là hội quán kỳ lạ nhất ở London, và Mycroft luôn luôn đến đó trong khoảng từ 4 giờ 45 đến 7 giờ 40. Bây giờ là 6 giờ, ta đến đó chơi.
Năm phút sau, chúng tôi đã ra ngoài đường. Holmes nói:
– Anh ngạc nhiên khi thấy Mycroft có khả năng suy diễn giỏi hơn tôi nhưng không trở thành thám tử chứ gì? Tôi xin trả lời thắc mắc đó: Mycroft không thể làm thám tử được,..
– Nhưng anh đã nói là…
-… anh ấy quan sát và suy diễn giỏi hơn tôi. Nếu nghệ thuật của nhà thám tử chỉ gồm có mỗi một việc ngồi nhà mà suy luận thì anh tôi sẽ là một cảnh sát giỏi nhất trên đời. Nhưng tiếc thay, anh ấy lại thiếu tham vọng và nghị lực. Anh chẳng buồn bỏ công kiểm tra những điều đã khám phá được. Tôi đã thẩm vấn anh một vài vụ và anh đã giúp tôi thành công.
– Như vậy, đó không phải là nghề của anh ấy hay sao?
– Không, đó chỉ là một thú tiêu khiển của anh ấy mà thôi. Nhờ có năng khiếu khác thường về những con số, anh được người ta mời vào việc kiểm tra tài khoản trong các bộ. Anh làm việc đều đặn như một cái đồng hồ: sáng đi tới Câu lạc bộ, chiều trở về nhà… Suốt năm, anh không làm bất cứ một việc nào khác và chẳng cần xuất hiện ở bất cứ nơi nào, ngoại trừ Câu lạc bộ Diogenes, nằm ngay trước nhà của anh.
– Câu lạc bộ đó rất xa lạ với tôi.
– Đương nhiên. ở London có nhiều người không thích giao du với ai cả. Câu lạc bộ Diogenes được lập ra để giành riêng cho những người ấy. Không một thành viên nào của Câu lạc bộ Diogenes chịu quan tâm tới bất kỳ một bạn đồng sự nào. Ngoại trừ trong phòng khách dành cho người lạ, còn thì không một ai được nói chuyện, dù với bất cứ lý do nào; vi phạm tới lần thứ ba, kẻ ba hoa đó có thể bị trục xuất. Anh tôi là một trong những người sáng lập ra Câu lạc bộ đó.
Vừa đi vừa nói, lát sau chúng tôi đã tới Pall Mall. Holmes dặn tôi giữ yên lặng, rồi đi trước, dẫn tôi vào trong tiền sảnh. Qua một tấm vách bằng kính, tôi thấy một phòng rộng mênh mông và bày biện đồ đạc sang trọng, bên trong có nhiều người, mỗi người ngồi ở một góc, đọc nhật báo, hoặc tạp chí. Holmes đưa tôi tới một phòng khách nhỏ hơn, để tôi ở đó một phút, rồi trở lại cùng với một người; có thể đó là anh của Holmes.
Mycroft lớn hơn và mạnh khỏe hơn Holmes nhiều, cặp mắt xám lợt, tia nhìn sắc sảo, sâu thẳm, tràn ngập một sự linh hoạt.
– ”Tôi sun sướng được gặp ông, thưa ông“, Mycroft nói với tôi trong lúc chìa ra một bàn tay rộng.“ Tôi nghe thiên hạ nhắc tới Sherlock ở khắp nơi kể từ khi ông viết về chú ấy trên báo“. Quay sang phía Holmes, anh nói tiếp“ à, tuần qua, anh có ý mong gặp chú về cái vụ Manor House. Chú bị khó khăn, phải thế không?“
– Không. Em đã giải quyết xong vụ đó rồi. _ Holmes cười, trả lời.
– Đúng là Adams.
– Phải, chính hắn.
– Anh đã tin chắc ngay từ đầu mà.
Hai anh em ngồi bên nhau trong chỗ khuôn cửa sổ nhô ra. Mycroft nói tiếp:
– Đây là một nơi lý tưởng cho kẻ nào muốn tìm hiểu nhân loại. Hãy nhìn những cái mẫu tuyệt đẹp kia mà coi! Hãy nhìn hai gã đang đi về hướng chúng ta.
– Người ghi điểm billiard và người kia?
– Phải. Chú nghĩ sao về người kia?
Hai người kia dừng lại ngay trước khuôn cửa sổ, một trong hai người có vài vết phấn viết bảng trên túi áo gi-lê. Người kia rất nhỏ con, tóc nâu, đội cái nón hất về đằng sau và dưới cánh tay có cắp nhiều gói đồ.
– Một cựu quân nhân.
– Và mới vừa được giải ngũ – Mycroft nhận xét.
– Anh ta đã phục vụ bên Ấn Độ.
– Như một hạ sĩ quan.
– Trong pháo binh.
– Và góa vợ.
– Nhưng có một đứa con, chú nó. Nhiều đứa con.
– Coi nào. Điều đó hơi quá đáng chăng. – Tôi cười, nói xen vào.
– Một người có cái tư thế đó, cái dáng và quyền thế đó và cái da bị mặt trời nung đó, thì anh ta phải là ”một quân nhân“ có ”cấp bậc hạ sĩ quan“ và đã ‘từ Ấn Độ trở về“. – Holmes nói một hơi.
– Ông ta vừa mới được giải ngũ bởi vì hiện giờ ông ta vẫn còn ”mang giày nhà binh“. – Mycroft giải thích.
– Ông ta không có một lối đi của kỵ binh, ấy thế mà ông ta lại đội mũ lệch sang một bên, bởi vì một bên vầng trán có màu sậm hơn bên kia; thân hình ông ta không phải là của một công binh. Vậy thì ông là ”lính pháo binh“ – Holmes nói tiếp.
– Ông ta đang có tang lớn: chúng ta có thể suy diễn ra là ông ta mất một ai đó rất gần gũi. Việc phải đi mua sắm chứng tỏ là ”vợ ông đã chết“. Ông ta đi mua nhiều món linh tinh cho các con. Có một cái lúc lắc cho con nít chơi, vậy là một trong những đứa con ông ta còn rất nhỏ. Vợ ông ta hẳn đã từ trần từ khi sinh con. Việc ông ta kẹp dưới cánh tay một cuốn truyện tranh cho thấy là ”ông ta còn có một đứa con khác“.
Tôi bắt đầu tin rằng Mycroft quả thật có nhiều thiên tư sắc bén hơn Holmes. Holmes liếc mắt nhìn tôi và mỉm cười. Mycroft nói:
– Này chú, người ta vừa đưa tới anh một vấn đề rất hợp với chú. Anh không có can đảm nghiên cứu nó tận tường, nhưng nếu chú muốn nghe.
– Em rất vui sướng!
Mycroft viết vài dòng chữ trên một tờ giấy, goi chuông, rồi đưa lá thư cho một người hầu.
– Tôi mời ông Melas lại đây. Ông ấy ở tầng lầu bên trên lầu tôi, tôi chỉ biết sơ thôi. Đó là một nhà ngữ học người Hy Lạp, làm thông ngôn trong các tòa án và làm hướng dẫn cho những tay nhà giàu Đông Phương.
Một lát sau, một người thấp và béo lùn đến, ông ta có nước da màu ôliu và mái tóc đen. Ông nồng nhiệt siết tay Holmes.
– ”Cảnh sát chẳng bao giờ tin những lời khai của tôi“, ông nói bằng một giọng giễu cợt.“Họ cho rằng tôi phịa ra câu chuyện đó“.
– Tôi vểnh tai lên mà nghe ông đây! Holmes nói.
– ”Chuyện xảy ra vào ngày hôm kia. Tôi biết rất nhiều thứ tiếng. Nhưng vì tôi là người Hy Lạp nên được yêu cầu dịch tiếng Hy Lạp nhiều hơn cả. Tôi thường bị gọi vào những lúc ”ngoài giờ“ vì du khách tới muộn. Buổi tối ngày thứ hai, ông Latimer tới giật chuông nhà tôi và yêu cầu tôi đi theo ông trong một cỗ xe ngựa thuê đang đợi trước cửa.
– ”Một người Hy Lạp đã tới gặp tôi để bàn công việc làm ăn“, ông ta bảo tôi, ” người ấy chỉ nói được tiếng mẹ đẻ. Ông ta ngụ trong vùng Kensington“.
” Trong chiếc xe ngựa sang trọng, ông Latimer ngồi trước mặt tôi. Xe đi ngang qua bùng binh Charing và đại lộ Shaftessbury, khi tới đường Oxford, tôi đánh liều đưa ra ý kiến nên cho xe đi theo con đường ngắn nhất để tới Kensington, nhưng tôi ngưng bặt trước thái độ bất thường của người khách.
”Ông ta rút ra khỏi túi một cây dùi cui rất lớn và khua nó nhiều lần, tựa hồ như ông ta muốn thử sức nặng của nó. Rồi ông ta đặt nó xuống bên cạnh. Sau đó ông ta kéo kính ở hai bên xe lên: các kính đó được dán giấy kín đến mức tôi chẳng còn trông thấy gì còn ở bên ngoài.
– ”Rất tiếc phải che mắt ông bạn lại, thưa ông Melas!“ ông ta nói.“ Chúng tôi không muốn cho ông biết nơi ông sẽ tới, để ông khỏi bị rắc rối về sau“.
”Tôi hoàn toàn choáng váng. Latimer còn trẻ, cường tráng với những bờ vai rộng. Ngay cả khi anh ta không có vũ khí đi nữa, tôi cũng không thể nào địch nổi anh ta.
– Đây là một cách cư xử rất khác thường. – Tôi ấp úng nói.
– ”Tôi đã suồng sã đối với ông“. Anh ta trả lời tôi. ”Nhưng tôi sẽ đền bù cho ông. Tuy nhiên, tôi phải báo trước, nếu ông tìm cách báo động hoặc làm bất cứ điều gì chống lại tôi thì ông sẽ hối hận đấy“!
”Anh ta nói bằng một giọng trầm tĩnh, nhưng rất ư đe dọa. Tôi lặng thinh, không ngừng tự hỏi vì sao hắn bắt cóc tôi. Nhưng rõ ràng mọi sự kháng cự đều vô ích.
”Xe chạy gần hai tiếng đồng hồ và tôi không hề biết hướng xe đi. Thỉnh thoảng tiếng ầm ầm của bánh xe lăn cho tôi biết xe chạy trên mặt đường lát: nhiều lúc xe chạy êm ru, gợi ra mặt đường trải nhựa. ánh sáng không lọt được qua cửa kính bị dán giấy và một tấm ri-đô màu xanh đã được kéo phủ tấm kính ở đằng trước. Chúng tôi rời Pall Mall vào hồi 7 giờ kém 15 và dừng lại vào lúc 9 giờ kém 10. Chàng trai hạ kính xe và tôi nhận ra một vòm cổng trên có một ngọn đèn lồng thắp sáng. Khi tôi xuống xe thì cổng đã mở ra.
”Trong nhà có một có một cây đèn mà ngọn lửa quá nhỏ đến mức tôi chỉ vừa đủ phân biệt được một gian tiền sảnh thật lớn, có trang hoàng nhiều họa phẩm. Tôi cũng quan sát thấy người ra mở cửa là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, nhỏ bé gầy gò, đôi vai còng, mắt kiếng. Ông ta hỏi.
– Có phải ông Melas đấy không, Harold?
– Phải.
– Xin ông đừng giận chúng tôi, chúng tôi rất cần đến ông. Nếu ông xử sự đàng hoàng thì ông sẽ không có gì phải hối tiếc cả.
”Ông ta nói một cách đứt khúc, với nhiều tiếng cười nhỏ cắt ngang mỗi câu nói. Tôi thú nhận là tôi sợ ông ta hơn là sợ người thanh niên.
– Ông muốn gì nơi tôi?
– Chúng tôi nhờ ông phiên dịch. Dịch chính xác và không được thêm bớt tí gì cả.
”Ông ta lại phát ra tiếng cười nho nhỏ, rồi mở một cánh cửa ra và đưa tôi vào một căn phòng thật rộng rãi, tấm thảm rất dày, ghế bành bọc nhung, một cái lò sưởi cao màu trắng. Dưới ngọn đèn có một cái ghế dựa: người lớn tuổi mời tôi ngồi xuống đó. Người trẻ tuổi đã ra khỏi phòng, nhưng rồi anh ta quay lại qua một ngả cửa khác, dẫn theo một nhân vật mặc một loại áo ngủ rộng và bước đi chậm chạp. Khi người đó tới trong vùng ánh sáng, tôi thấy ông ta cực kỳ tái mét, gương mặt hốc hác, đôi mắt lồi ra, mặt ông ta quấn chằng chịt nhiều lớp vải mỏng có phết hồ dán: ngay cả cái miệng cũng bị che kín bằng một dải rộng làm cho miệng ông bị nghẽn kín hoàn toàn.
”Cậu có cái bảng nhỏ đó không, Harold?’ người lớn tuổi kêu lên trong lúc người bị quấn vải buông rơi mình xuống một cái ghế dựa. ”Đã cởi trói cho ông ấy chưa? Tốt. Đưa cho ông ấy cây viết chì. Chúng tôi sẽ đặt ra những câu hỏi, thưa ông Melas, và ông ấy sẽ viết ra các câu trả lời. Trước hết, xin ông hỏi xem ông ấy có sẵn sàng ký giấy không“.
– Đôi mắt người lạ phóng ra những tia lửa. Không bao giờ ông ta chịu viết trên bảng đen.
– Không ký với bất cứ điều kiện nào hay sao? – Tôi dịch, sau khi bọn kia nêu ra câu hỏi.
– Tôi chỉ ký khi mà cô ấy làm lễ cưới trước mặt tôi, do một linh mục Hy Lạp mà tôi quen biết đứng chủ lễ.
Người nọ thốt ra nụ cười hiểm độc:
– Thế thì, anh biết cái gì chờ đợi anh chứ?
– Tôi chẳng sợ cái gì cả.
”Đó là một mẩu những câu hỏi và câu trả lời trong cuộc nói chuyện kỳ lạ, phân nửa hỏi, phân nửa viết. Một cách đều đặn, tôi phải hỏi xem ông ta có chịu nhượng bộ và ký tên vào bản cam kết không. Cũng không kém đều đặn, tôi luôn luôn nhận được câu trả lời phẫn nộ. Nhưng ngay sau đó một ý nghĩ chợt đến với tôi. Tôi tự ý thêm những câu ngắn (do chính mình nghĩ ra) vào sau những câu hỏi: thoạt đầu thật vô hại, ngõ hầu để thử xem hai tay bạo ngược đó có biết chút ít tiếng Hy Lạp không. Khi thấy chúng không có phản ứng nào, tôi chơi bạo hơn. Cuộc đối thoại của chúng tôi lúc đó giống như thế này:
– Anh sẽ chẳng được lợi ích nếu cứ ngoan cố mãi. Ông là ai?
– Tôi cóc cần. Tôi là một người lạ ở London.
– Ông thí mạng đó. Ông đã ở đây từ bao lâu?
– Thây kệ. Ba tuần.
– Những của cải đó sẽ không bao giờ còn thuộc về ông nữa. Ông bị đau ra sao?
– Của cải sẽ không rơi vào tay bọn vô lại. Bọn chúng bỏ đói tôi.
– Ông sẽ được tự do, nếu như ông chịu ký. Nhà này là nhà nào?
– Tôi sẽ không bao giờ ký. Tôi không biết.
– Ông chẳng giúp ích được chút nào cho cô ấy đâu. Ông tên là gì?
– Cô ấy cứ việc đến đây nói cho tôi biết! Kratides.
– Ông sẽ gặp cô ấy nếu ông chịu ký. Ông từ đâu tới.
– Thế thì tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại cô ấy. Từ Athènes
Thưa ông Holmes, chỉ cần thêm năm phút nữa là tôi có thể làm sáng tỏ câu chuyện, nhưng ngay lúc đó, cánh cửa lại mở ra và một người đàn bà bước vào. Cô ta cao, mảnh mai, tóc nâu và mặc một cái áo trắng rộng thùng thình. – ”Harold“, cô ta kêu lên với một âm tiết tồi. ”Em không thể ở nơi đó được nữa. Em cảm thấy quá cô đơn. ồ, anh Paul đây mà!’
”Cô ấy nói câu sau chót bằng tiếng Hy Lạp. Cùng lúc, nạn nhân trong một nỗ lực mạnh mẽ, đã bứt lớp vải mỏng có phết hồ dán trên đôi môi ra và hét lên:
– Sophy! Em!
”Ông lao vào trong vòng tay người phụ nữ. Hai người chỉ ôm nhau trong một thoáng, bởi vì người trẻ tuổi đã nắm lấy người đàn bà, đẩy ra khỏi phòng, trong lúc người già kia túm lấy người tù nhân và dẫn ra ngã cửa kia. Còn lại mình tôi. Tôi đứng lên, suy nghĩ xem tôi có thể nào tìm ra nơi đây là đâu. Nhưng thật may là tôi đã không động đậy. Vừa ngước mắt lên, tôi thấy người đứng tuổi đang quan sát tôi.
– Thế là đủ rồi, ông Melas! Chúng tôi đánh giá cao những phẩm chất của ông.
Tôi nghiêng mình.
– ”Đây là 5 sovereigns“. Ông ta nói, khi tiến lại bên tôi. ”Một món thù lao trọng hậu. Nhưng ông hãy nhớ đấy!“ Ông ta nói thêm, tay vỗ nhẹ lên vai tôi và buông ra tiếng cười nho nhỏ.“ Nếu ông nói ra chuyện này với bất cứ ai… với bất cứ ai, ông nghe rõ chưa? Thì lúc đó Chúa cũng không cứu nổi ông. Xe đang chờ ông“.
Tôi gần như bị ném ra căn phòng ngoài, rồi vào trong cỗ xe. Một lần nữa tôi lại thấy cây cối và thửa ruộng. Gã Latimer ngồi trước mặt tôi. Sau một chuyến đi bất tận, chúng tôi dừng lại:
– Ông hãy xuống đây, thưa ông Melas. Tôi rất tiếc phải bỏ ông xuống cách nhà ông quá xa, nhưng tôi không được quyền chọn lựa.
”Anh ta mở cánh cửa xe và tôi có vừa đủ thì giờ để nhảy xuống, bởi vì người đánh xe đã quất roi vào con ngựa và cỗ xe phóng đi thật nhanh. Tôi nhìn chung quanh, thấy mình đang ở trong một đồng cỏ, rải rác có những bụi kim tước. Đằng xa có một dãy nhà, rải rác đó đây những ánh sáng hắt ra ngoài khuôn cửa sổ trên những tầng lầu. Nhìn về phía bên kia, tôi thấy những tín hiệu đèn đỏ của đường sắt.
”Cỗ xe đã vượt ngoài tầm mắt. Tôi đang phân vân không biết mình đang ở đâu thì chợt thấy một người tiến tới. Đó là một phu khuân vác ở nhà ga.
– Xin ông vui lòng cho tôi biết đây là đâu?
– Hạt Wandsworth.
– Làm sao đáp tàu đi London.
– Cách đây hai cây số. Nếu đi nhanh thì còn kịp chuyến chót.
” Thưa ông Holmes, chuyến phiêu lưu của tôi kết thúc như vậy đó“.
Chúng tôi ngồi yên lặng hồi lâu. Sau cùng Holmes liếc sang Mycroft.
– Anh có thấy một hướng điều tra nào không? Mycroft lấy tớ báo Daily News trên mặt bàn:
– ”Một phần thưởng được tặng cho người nào biết chỗ ở của công dân Hy Lạp tên là Paul Kratides, từ Athènes tới; và là người không biết nói tiếng Anh. Một phần thưởng khác sẽ được đổi lấy bất cứ tin tức nào liên quan đến một phụ nữ Hy Lạp tên là Sophy. Trả lời về X2473. Tất cả các nhật báo đều đăng lời nhắn tin này. Cho tới nay chưa có hồi âm“.
– Thế còn đại diện của nước Hy Lạp?
– Tôi đã tới hỏi thăm. Người ta chẳng biết gì hết.
– Một bức điện gửi cho cảnh sát ở Athènes, thế nào?
– Sherlock có tất cả nghị lực của gia đình“ Mycroft nói với tôi. ”Vậy thì, hãy nhận lấy trách nhiệm và hãy báo cho anh biết tin, nếu chú thành công“.
– Em sẽ báo tin cho anh biết cũng như sẽ báo cho ông Melas rõ. Trong khi chờ đợi, thưa ông Melas, ông hãy đề phòng cẩn thận.
Trên đường, Holmes dừng lại bưu cục và đánh đi nhiều bức điện tín.
– Anh Watson, chúng ta đã không lãng phí buổi tối nay.
Vấn đề này có vài dữ kiện không kém tầm thường.
– Anh giải quyết được chứ?
– Khi đã biết được phân nửa mà không khám phá ra nốt phần còn lại, thì còn bất hạnh nào hơn!
– Cô gái Hy Lạp đó đã bị chàng trai người Anh tên là Harold Latimer bắt cóc – Tôi nói.
– Bắt cóc từ đâu?
– Từ Athènes.
Sherlock lắc đầu nói:
– Người thanh niên đó không nói được một tiếng Hy Lạp, còn cô gái nói được tiếng Anh. Vậy là cô ta đã sống trong một thời gian ở nước Anh, nhưng còn hắn thì không sang Hy Lạp.
– Được. Thế thì chúng ta giả thiết rằng cô ấy lưu lại nước Anh và gã lưu manh dụ dỗ được cô ta. – Tôi nói.
– Rất có lý.
– Anh ruột cô ta tới nước Anh để can thiệp, nhưng ông rơi vào tay bọn chúng. Chúng giam giữ ông, dùng vũ lực buộc ông phải ký vào một văn kiện chuyển tài sản của cô gái cho chúng, bởi vì ông ta là người quản lý tài sản đó. Ông từ chối. Để có thể đạt tới sự thoả hiệp, chúng cần có một người thông ngôn và chúng đã chọn ông Melas, sau khi đã dùng một người khác từ trước đó. Cô gái không biết là anh cô đã tới đây và cô chỉ biết được sự kiện này nhờ sự tình cờ.
– ”Hoan hô, Watson“. Holmes kêu lên. Anh đã gần đoán ra.“ Chúng ta nắm tất cả mọi quân bài, chỉ còn lo ngại chúng dùng bạo lực“.
– Làm sao tìm ra sào huyệt chúng“.
– Nếu cô gái tên là Sophy Kratides, chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra cô. Bởi vì gã Harold đã làm quen với cô ít ra đã được vài tuần. Nếu họ ở cùng một nơi thì tin nhắn của Mycroft được hồi âm.
Chúng tôi về tới nhà Holmes lên cầu thang trước và cửa mở, anh rất ngạc nhiên khi thấy Mycroft đang ngồi trong ghế bành và bình thản hút thuốc.
– Vào đi, Sherlock. Hãy vào đi, ông Watson“. Mycroft nói, khi thấy chúng tôi. ”chú không ngờ là tôi chịu dấn thân vào vụ này, phải thế không Holmes? Vụ này làm tôi thích thú“.
– Anh đến đây bằng gì?
– Xe ngựa.
– Có tin gì mới chăng?
– Anh đã nhận được hồi âm.
– A!“
– Phải, thư trả lời tới anh vài phút, sau khi các chú ra về.
– Thư nói gì?
– Mycroft rút ra một tờ giấy.
– Nó đây này. Tôi xin đọc nhé. ”Thưa ông, để trả lời cho tin nhắn của ông về ngày hôm nay, tôi cho ông biết rằng tôi hiểu rất rõ về người phụ nữ ấy. Nếu ông đến gặp tôi, tôi sẽ cho ông biết vài chi tiết liên quan tới câu chuyện đau buồn của cô ấy. Hiện nay cô đang ở tại biệt thự Myrtles tại Beckenham. người bạn tận tâm của ông J.DavenPorlockt“. Ông ấy viết từ Hạ Brixton. Này Holmes, em có nghĩ rằng chúng ta nên đi tới không?
– Mạng sống của anh cô ta quan trọng hơn câu chuyện đau buồn của cô ta. Chúng ta cần tới ngay Scoland Yard để tìm thanh tra Gregson và cùng nhau đi tới Bekenham. Một cái chết đang được tính từng giờ!
– Chúng ta tới rủ ông Melas đi cùng. Biết đâu chúng ta chẳng cần tới một người thông ngôn. – Tôi gợi ý.
– Ý kiến tuyệt vời!“ Holmes nói.“ Hãy sai người đi tới một cỗ xe“.
Holmes mở ngăn kéo và nhét khẩu súng lục vào túi.
– ”Phải“, anh nói để trả lời cho tia nhìn của tôi. ”Chúng ta phải đối phó với một băng nhóm đáng sợ“.
Màn đêm buông xuống khi chúng tôi tới Pall Mall. chúng tôi gọi chuông căn hộ của ông Melas.
– Bà vui lòng cho tôi biết ông Melas có ở nhà không? – Mycroft hỏi.
– Tôi không biết ông đi đâu“, người đàn bà mở cửa cho chúng tôi trả lời.“ Tôi chỉ biết là ông ấy đã ra đi cùng với một ông trong một cỗ xe“.
– Ông kia có xưng tên không?
– Không, thưa ông.
– Có phải người đó là một thanh niên tóc nâu, vạm vỡ?
– Đó là một người nhỏ con, mang mắt kiếng, gày gò nhưng rất ngộ nghĩnh: ông ta cứ cười luôn trong khi nói.
– ”Đi thôi!“ Holmes kêu lên với chúng tôi. ”Chuyện nghiêm trọng lắm rồi“!
Trong lúc chúng tôi cho xe chạy tới trụ sở của Scotland Yard, anh nói với chúng tôi:
– Bọn cướp đã bắt cóc Melas, rất có thể là chúng còn cần tới ông. Nhưng sau khi dùng ông xong rồi, chúng sẽ trừng phạt ông.
Tới Scoland Yard, phải mất một giờ, chúng tôi mới tiếp xúc được với thanh tra Gregson, rồi sau đó vội vã tới ngay biệt thự Myrtles: ngôi nhà lớn tối tăm, nằm trên một thửa đất cách xa đường. Sau khi cho xe ngựa về, chúng tôi đi trên lối vào nhà.
– Các cửa sổ đều không có ánh đèn vào cái tổ đã trống trơn. – Holmes nói.
– Tại sao anh lại nói vậy?
– Cách đây gần một tiếng đồng hồ, một cỗ xe chở đầy hành lý đã đi ngang qua đây: nó từ trong nhà chạy ra.
Viên thanh tra cất tiếng cười vang:
– Ngọn đèn ở hàng rào đã chỉ cho tôi thấy những vết bánh xe, nhưng còn hành lý thì…
– Ông hãy quan sát những vết của cùng những bánh xe đó, trong chiều ngược lại: những vết đi ra cánh đồng thì hằn rõ hơn trong nền đất. Vậy là xe phải chịu đựng một trọng tải nặng hơn rất nhiều.
– ”Thế là ông đã đi xa hơn tôi“, viên thanh tra nhún vai mà trả lời. ”Cánh cửa này chẳng dễ gì mở được. Nhưng trước hết, chúng ta hãy thử gọi cửa xem sao?
Ông dùng búa gõ rất dữ dội, giật mạnh dây chuông, nhưng không có kết quả. Holmes lỉnh đi. Vài phút sau, anh trở lại, nói:
– Một cửa sổ đã mở.
– ”Thật may mà anh lại đứng về phía cảnh sát…“ viên thanh tra quan sát và khâm phục cái cách mà Holmes nạy then móc cửa sổ ra. Chúng ta có thể vào nhà mà không cần được mời“.
Chúng tôi lần lượt vào trong một gian phòng lớn, hiển nhiên là nơi ông Melas đã được đưa vào. Viên thanh tra thắp đèn. Trên bàn có hai cái ly, một chai brandy đã cạn và vài món ăn dư. – Cái gì vậy nhỉ? – Đột nhiên Holmes hỏi.
Chúng tôi giỏng tai lên nghe ngóng, đứng bất động. Từ một nơi nào đó trên lầu vọng xuống một tiếng rên rỉ nhỏ, nghẹn. Holmes vội leo lên, viên thanh tra và tôi bám theo bén gót, anh Mycroft cũng đuổi theo chúng tôi.
Lên tới thềm cầu thang lầu hai, chúng tôi thấy có ba cánh cửa: tiếng kêu xé ruột phát ra từ phía sau cánh cửa giữa. Cánh cửa bị đóng, nhưng chìa khóa lại cắm ở bên ngoài. Holmes mở cửa, lao vào, nhưng rồi anh quay ra ngay sau đó và giơ tay chặn lấy cuống họng.
– ”Khói quá!“ Anh kêu lên. ”Chúng ta chờ một chút“.
Liếc vào bên trong, chúng tôi thấy ở giữa phòng có một ngọn lửa xanh, bốc lên từ một cái giá ba chân đồng. Ngọn lửa vẽ trên sàn nhà một vòng tròn nhỏ, nhợt nhạt; chúng tôi nhận ra hai bóng người co quắp dựa vào tường. Holmes leo lên bậc thang trên cao để hít thở không khí ít khói, đoạn trở vào phòng, mở một cửa sổ ra và liệng cái giá ba chân nóng rực xuống dưới vườn.
– Trong một phút nữa, chúng ta có thể vào được“, anh hổn hển nói khi trở ra ngoài. ”Làm sao có ngọn nến nhỉ“ Không khí như vầy không thể đánh diêm quẹt được. Mycroft, anh hãy cầm lấy cây đèn lồng đứng ngay cửa, rọi sáng để chúng tôi khiêng họ ra ngoài. Nào! Chúng ta xông vào!“
Chúng tôi nín thở, túm lấy những kẻ bất bạnh, lôi họ ra ngoài cầu thang. Cả hai đều bất tỉnh. Một trong hai người là viên thông ngôn Hy Lạp. Ông bị trói ở chân và ở tay, một con mắt sưng vù. Người kia cũng bị trói tương tự, cao và gầy trơ xương, mặt ông ta trông kỳ quái với những dải vải mỏng có phết hồ dán. Khi chúng tôi đặt ông ta xuống đất thì ông ta ngừng rên rỉ: ông đã chết, Melas thì còn sống.
Câu chuyện của Melas rất đơn giản: người khách đến kêu cửa, khi nhìn thấy cây dùi cui, ông đã khiếp sợ, đành để cho bị bắt cóc một lần thứ hai, bị đem về Beckenham và phải làm thông ngôn cho một cuộc đối thoại còn bi thảm hơn cuộc nói chuyện lần đầu: Sau chót, thấy rõ là không thể nào lay chuyển được còn mồi, chúng đưa ông về chỗ giam cũ. Sau khi nói với ông Melas rằng chúng đã đọc được tin nhắn trên các báo; chúng nện một cú dùi cui, và ông bị ngất đi… cho tới lúc chúng tôi đến cứu ông.
Chúng tôi khám phá ra được vụ này nhờ người viết thư ở Hạ Brixton. Người này cho biết rằng thiếu phụ bất hạnh thuộc một gia đình Hy Lạp giàu có và cô sang nước Anh ở chơi nơi nhà bạn bè. Cô gặp Harold, gã này thuyết phục cô bỏ trốn theo y. Các bạn cô ngao ngán báo tin cho anh cô ở Athènes rồi sau đó họ không còn bậm tâm gì nữa. Nhưng khi vừa tới nước Anh, anh của cô rơi vào tay Harold và Wilson Kemp. Hai tên lưu manh đó giam giữ ông và ra sức ép buộc ông ký tên vào một văn kiện chịu từ bỏ tài sản của hai anh em ông. Chúng đã giam giữ ông và ngụy trang ông bằng những dải vải mỏng có phết hồ dán, ngỡ tưởng cô em
gái không nhận ra người anh, trong trường hợp cô nhìn thấy ông. Tuy nhiên, cái trực giác của người đàn bà giúp cô nhận ra anh mình. Thế là đến phiên cô bị cầm giữ trong nhà người đánh xe ngựa và cô vợ y. Khi hai tên bất lương biết rằng bí mật của chúng bị phát giác và người bị chúng giam khăng khăng không chịu ký tên, thì chúng bỏ trốn cùng với cô gái. Nhưng trước khi bỏ đi, chúng ra tay trả thù con người đã cả gan thách thức chúng.
Vài tháng sau, một bản tin kỳ lạ đánh đi từ Budapest được đăng trên các báo. Tin cho hay hai người anh du hành cùng một thiếu phụ đã có một kết cuộc bi thảm. Cả hai người đàn ông đều bị đâm chết. Cảnh sát Hungary cho rằng hai người đó đã gây lộn với nhau và đã giết nhau… Holmes thì cho rằng những nối thống khổ của hai anh em người Hy Lạp đã được trả thù.
Hết