Tội nghiệp cô Josiane!
Nhưng mà. Nhưng mà đã trót tháng trường, cô ba Dung chẳng chung gối với chồng, lấy cớ rằng trong mình chẳng an, cần phải tịnh dưỡng. Nét mặt nàng kém tươi, càng ngày càng rầu héo, hai mắt có hơi hóm vô, môi khô, miệng biếng cười, có cười cũng như hoa ráng nở mùa hạ.
Cô buồn!
Cảnh gia đình bấy giờ cũng kém vẻ vui. Ðến bữa ăn lặng lẽ như tờ. Hai vợ chồng ít bàn luận với nhau. Phần nhiều ngày giờ là nàng ở trong phòng. Thầy thì xem dường như bận việc. Ai cũng thấy cái vẻ bãng lãng của nhau. Ai cũng nặng nặng trong lòng.
Thét rồi dường như muốn tránh mặt nhau, đặng tìm nơi quạnh quẽ, mà để cho sầu tuôn lai láng.
Nếu chẳng có cái vui nào đầm ấm bằng cái vui ở gia đình, thì cũng không có cái buồn nào bực bội bằng cái buồn ở gia đình.
Vì đâu? Tại ai? Ðoàn Hữu Minh có thấu cho chăng?
Ðoàn Hữu Minh có biết rằng vợ đã thấu cái lỗi của mình chăng?
Cái thấy của tình như thầy, không phải là ảo trạng đâu. Quả thật vợ thấy. Vợ thầy thấy người mình yêu kính trọn đời, ngửa nghiêng giữa trận ong lơi bướm lã! Não nồng thay!
Giết nhau bằng cái lưu cầu.
Giết nhau bằng cái âu sầu độc chưa?
Cô rầu vì cô cạn xét hết rồi, muốn nguôi nào biết phương chi. Cô hiểu: “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” là cái tục thuở nay ở nước mình dầu xấu, tốt, cũng không chi lạ. Chẳng phải nội cái trời Nam này là thế: khắp trên mặt đất, nếu ở nước nào phong tục cấm cưới hầu, cưới lẽ, thì đờn ông họ lại lén lút trăng hoa, có người dám phí cả tiền ngàn bạc muôn mà mua cái hoa đã tan tác giữa đường, mà nâng niu chút phấn thừa hương thải. Tài nào cấm ngăn cái bọn đờn ông! Huống chi đờn bà ta đã nghe câu ”chồng chúa vợ tôi” thì phải xét hiểu quyền chồng, phận vợ.
Vì cái tệ tục cổ lai nên đàn bà phải chịu: người trai muốn đuợc vợ, trước phải tốn công, hao của. Vì công ấy mà xem ra cưới vợ, bề ngoài nói rằng kết bạn, chớ kỳ trung là mua một người vừa ý để lợi dụng mà thôi. Vì vậy mà buộc cái chữ tùng cho phụ nhơn, chữ tùng đủ các phương diện!
Mua được món nầy, tất có quyền mua món khác. Huống nữa là chúa! Chúa muốn dùng mấy tôi cũng đặng còn tôi chẳng phép hai lòng!
Chồng trung tín ấy là phước, có đày đoạ cũng phần “trong nhờ đục chịu”, chồng tự do hành động, quí hồ lo sao cho vợ no con ấm là đủ rồi, chừng nào để cho thiếu kém, khốn nạn, mới trách được.
Ðoàn Hữu Minh là chồng được lắm, cách đối đãi của thầy không có chi cho vợ trách, con phiền.
Nếu thầy có ngoại tình, chẳng qua là một công việc hữu hạn đó thôi. Ðờn ông như chim trong trời rộng, cá trong biển sâu, người nội trợ phải tùng quyền kia, có thế nào khuấy rối cái lạc thú của chồng, cho hay cái lạc thú ấy khéo giữ thì không nhiểu hại đến gia đình hạnh phước!
Thật Ðoàn Hữu Minh không dại cho đến mê-sa nhan sắc mà bỏ phế việc nhà.
Cô Dung nghĩ rồi mấy điều ấy, song vẫn buồn hoài. Tại làm sao?
Hay là cô ghen?
Người như cô không có ghen. Thuở giờ thiên hạ hằng nói: Người đàn bà nào máu trắng mới không ghen. Thế là lầm. Thế là không hiểu nghĩa tiếng ghen vậy.
Ghen là gì?
Ghen tức là ghanh. Nói chung, kẻ nào thấy ai hơn mình mà đem lòng ghét buồn, là ghanh, ném về tình, kêu là ghen đó.
So sánh thì cô Dung mười, cô Josiane kém năm sáu. Cô Dung đã mặn mà nhan sắc, đủ cả nữ công nữ hạnh lại thêm có học thức; cô Josiane cũng đẹp thật, nhưng vẫn là cái trái không ruột, cái hoa không hương, lại trải qua bụi trần vùi lấm thì còn quí gì.
Cho nên đối với người lạc bùn nê kia, cô Dung chỉ thương hại mà thôi. Phản lại nếu cô dở mà thấy cao thượng, tài trí hơn cô, thì cô đem lòng kính phục, muốn ráng sao cho được bằng. Cô thường nói: «Ghen là tánh xấu hạng nhứt nó là cái dấu hư tệ của con người, lại làm cho con người hư tệ thêm mãi».
Phải lắm vậy! Mình hư tệ thế nào người mới giảm sự yêu chuộng mình, để yêu chuộng kẻ khác, người đã yêu chuộng kẻ khác mà mình ghen thì đã làm cho sự yêu chuộng kia càng tăng lên còn cái gớm ghét thì trở lại mình.
Nếu có hạng đàn bà xét xa hiểu rộng như thế thì tiếng nói bao hàm rằng ghen là bịnh chung của phụ nữ có phải lầm chăng?
Ai nói rằng cô Dung ghen, tức là không hiểu, không hiểu cái tánh nhơn từ, cái độ lượng rộng rãi của người cao thượng.
Vợ chồng như bầu bạn, nhưng cô chung thủy hơn; mình đối với người hết đạo, người đối với mình sai dạ trung thành, chán ngán thật! Não nề thật! Mà cũng buồn cười thật! Cười cho mình là giống đa tình, cười cho trong thế gian nầy người ta biết vui vì tình, biết muốn sống vì tình, mà đành hại kẻ khác phải thất tình, chịu bi ai, thảm thiết.
Chẳng hay vì cái luồng lỏi, tưng bợ; chẳng vì cách cưỡng bách, hăm doạ cho người ta yêu quí mình.
Chi! Chi!… Cái tình như thế có thú vị nào!
Cho hay, ta đã thấy, cái nghĩa sống của cô Dung là thương; cái lòng thương của cô rất quan hệ cho đời cô: không được thương như ý, là kiếp sanh tồn không trọn đời, còn thương mà bị sự bạc bẽo của ai là nuốt nhầm thuốc độc; thuốc độc gớm ghê vừa làm cho tiều tuỵ hình vóc vừa hại cho điên đảo linh hồn!
Cô đã hiểu trước cho mình như thế, nên lúc chưa trao tơ kết tóc, cô cẩn thận lọc lừa.
Không ham giàu sang, không ham tước lộc, cô dùng hết sự sáng suốt của cặp mắt xanh mà tìm cho đặng người biết yêu cô trọng giá trị cô, hạp tánh tình cô; cho cô hết lòng yêu lại không miễn cưỡng, không ăn năn không uổng cái hình vóc trong ngọc trắng ngà, bấy lâu gìn giữ.
Bán thân cho người đàn ông là sự hèn hạ, đau đớn!
Ðám cưới cô không có lễ lạc. Thành vợ chồng rồi, Ðoàn Hữu Minh ở nhà cha mẹ cô đặng mọi lẽ yên vui. Khi đi học ở Hà Thành, cô chu cấp tiền cho, trông nom gia thế cho. Tóm lại, cô vì nghĩa mà ưng chồng, cái tình thương của cô làm cho Ðoàn Hữu Minh là người hữu hạnh trên thế.
Ấy là người ơn của chàng. Ấy là người bạn quí nhứt, tốt nhứt của đời chàng, chỉ thua chàng về phương diện học thức, chớ tâm lý không kém.
Ðối với vợ như thế, chàng chẳng những phải xem là bằng đẳng lại phải hết lòng yêu kính mới vừa.
Ðối với vợ như thế, thầy không có quyền nói: «Chồng chúa vợ tôi». Thầy không được bắt chước ai kia vì câu: «trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng» mà sanh sứa chơi lê, giỡn lựu!
Cần gì phải rằng cô Dung là một người vợ vẹn toàn?
– Mình! Tôi được làm chồng mình, quí hồ được làm vua giàu sang bốn biển.
Ấy là lời của mình, thường nói. Thầy đã quên rồi sao?
Thầy cũng quên buổi chiều rất cảm động kia vợ thầy nỉ non lời chi sao?
– Mình ôi! Tôi có lầm lỗi điều chi, xin mình dạy bảo. Nếu mình bớt thương tôi, là khổ cho tôi lắm, nghe mình!
À! Cái lòng đờn ông!
Cũng một cái tay mơn trớn hiền thê mà dùng ấp ôm phường hoa tường liễu ngõ!
Cũng một cái mũi hửi hương vị tinh vi của gương mặt ngọc thốt, hoa cười, mà dùng khắng khít bên mình trần khấu!
Thật đáng phàn nàn.
Nhưng cô Dung chẳng muốn phàn nàn: cô chỉ chịu riêng tủi, trộm sầu. Sầu cho đến chết!.
Cô chẳng bao giờ nghĩ đến sự rình rập, bắt bớ là cái cách làm cho đôi tình nhơn kia càng dan díu nhau, càng đề phòng cho được kín nhẹm. Ấy là sự đê tiện, vả lại xấu chàng có tốt chi mình? Còn thoảng buộc chàng phải dùng đủ chước giả dối để tỏ dấu yêu mình thì có ích gì đâu. Quí không ở tại tấm lòng mà thôi?
Lại rủi cho cô gặp!… Giá cô biết hôm ấy mà nơi vườn có cuộc trăng tình gió nghĩa, thì cô không đến mà làm chi.
Tội nghiệp cho cô, một ngày một vàng vỏ, xanh xao vì trót bị ép mình trong lũy cảm, thành sầu, gan thắt ruột bào, mà chẳng một lời ta thán.
Ðoàn Hữu Minh thấy vợ ốm cũng sót xa lo sợ. Thầy kêu lương y đến, song cô Dung vẫn cười mà hoà huỡn trả lời:
– Tôi không có đau đâu mình lo. Chẳng qua là mấy bữa rày biếng ngủ, biếng ăn, nên trong mình có hơi yếu. Trong ít bữa thì hết chớ gì.
Song cô vẫn ốm hoài, ăn rồi dã dượi, biếng đứng biếng ngồi, cứ nằm thiêm thiếp nơi tịnh phòng như người liệt nhược.
Ðoàn vào thăm, nắm tay vợ mà than thở:
– Tôi coi mình càng ngày càng ốm. Mình không chịu thuốc men gì hết; mình bất an như vậy làm sao tôi vui.
Vợ gượng cười, giả đò đập muỗi, rút tay ra để chỗ khác; ngó lơ mà đáp:
– Không sao đâu mình.
– Tôi lấy làm lạ vì sự mình không chịu uống thuốc.
Nàng vẫn cười:
– Tôi sợ thuốc lắm. Uống vô chắc đau thêm. Sự mạnh giỏi của tôi, tôi biết, không sao đâu mình lo.
Tuy vợ phân như vậy, chớ Ðoàn Hữu Minh không an lòng. Thình lình chàng giật mình.
Hay là?…
Không! Không lẽ cô Dung rõ «chuyện ở vườn».
Không lẽ cô Josiane thấy thiệt. Lời lão bộc là bằng chứng. Còn, thoảng vợ hay, sao chẳng có lời chi?
Song thầy hiểu ngấm ngầm như có ai mách bảo cho rằng cô Dung có thấy. Chỉ có thế nàng mới rầu. Thế là vì lầm lỗi mà chàng giết vợ! Thiệt chàng là kẻ tội ác thái thậm.
Thầy muốn xưng tội nhưng hở môi ra khó làm sao!
Mà không! Không lẽ biết mà!
– Mình phiền tôi chăng?
– Sao mình hỏi thế? Tôi có phiền chi?
– Mình ôi! Tôi một lòng yêu kính mình hoài. Tôi có lỡ lầm lỗi chi xin mình miễn chấp, nghe? Nếu mình vì tôi mà buồn rầu cho đến chết, thì tôi là kẻ thủ phạm rất đáng khinh bỉ vậy.
– Xin chớ nhọc lòng. Nếu mình có điều chi phải xin tôi miễn chấp, tôi đã miễn chấp ngay trước khi mình nói.
– Nếu vậy thì có lẽ tại khí hậu nơi nầy bực bội nên mình khó ở đó chăng? Thôi để chúng ta sớm dọn về vườn.
– Tôi nói không sao, mình chớ lo. Tôi buồn ngủ quá. Tôi nghe như đã đúng giờ mình đi làm việc rồi.
Nói đoạn kéo mền trùm lại. Thầy bước ra có ý phiền.
Ðoàn Hữu Minh lựa ngày về vườn. Chiều lại, mãn phần việc rồi, chàng đạp xe gắn máy về nhà mới xem xét coi đâu đó có an bài và mướn nhơn công luôn thể.
Miếng đất chỗ nhà ấy có ngọn nước bao quanh như cái cùi chõ: phía hậu là sông Ranh, bên hữu là rạch Ðào. Thầy muốn qua rạch đặng đến xóm bên kia, phải nhờ đứa nhỏ bơi xuồng đưa giúp. Khi lãnh tiền thưởng, thằng nhỏ ấy vui cười nói rằng:
– Hồi đó tới giờ tôi thấy có hai người rộng rãi mà thôi, đưa qua rạch một chút thưởng công một cắc!
Ðoàn hỏi:
– Người thứ nhứt là ai?
– Người thứ nhứt là vợ của ông.
– Em biết vợ của qua. Chẳng hay đi ngang đây hồi nào?
– Bẩm ông, người như ông với cô, tôi phải biết mới được. Ðể coi, cô đi qua rạch nầy cách nay có hơn một tháng rồi, tôi nhớ ngày đó là mùng sáu chắc vậy.
– Cô đi ngang đây lối mấy giờ?
– Lối hai giờ chiều. Cô cho tiền rồi dặn tôi đừng cho ai biết. Chắc là cô trở về ngã cầu Cống, nên từ đó đến chiều tôi có ý đón đưa mà không thấy.
Thầy bây giờ mới hiểu. Vợ chàng có đến vườn thiệt. Khổ dữ chưa!
Cách hơn một tháng nay. Lối hai giờ chiều.
Cách hơn một tháng nay. Thầy làm khổ cho vợ hiền mà vẫn an vui như người vô tội!
Hối hận biết bao nhiêu! Hối hận mà cái lỗi khó chuộc. Thầy nhớ lời vợ:
– Nếu mình có điều chi phải xin tôi miễn chấp, tôi đã miễn chấp ngay trước khi mình nói.
Cô không chấp mà cô rầu, cái rầu nặng nề, khốc hại!
Giá bây giờ phải chịu cái hình phạt nào khổ sở cho vợ vui vẻ như xưa, thầy cũng cam tâm. Khi thầy lững thững trở về, gặp người đi thơ trao cho một cái. Ấy là tin của tình nhơn gởi thăm và hẹn hò bữa lễ đến Cần Thơ hội ngộ. Thầy coi rồi xé bỏ, thở dài.
Từ đó thầy đeo đẳng theo cô Dung như khách tình bấy lâu hoài vọng ý trung nhơn, bây giờ mới gặp. Nhưng, ân cần thế mấy, muốn làm vui thế mấy, thấy vợ cũng mòn mỏi, u sầu.
Một trăm lần thầy muốn hở môi để xưng tội, đặng năn nỉ ỉ ôi, nhưng môt trăm lần vẫn nghẹn ngùng, hoặc muốn hở môi thì vợ đã đánh lờ mà bắt qua chuyện khác. Thành ra lúc gần nhau, vợ chồng chỉ nói chuyện trẻ ranh vô vị, mà vắng nhau thì lại thèm cho được gần.
Ðã hai tháng rồi, chàng quạnh hiu gối chiếc, thiếp lạnh lẽo nệm nghiêng; ở cùng một nhà, ăn cùng một mâm, mà ví bằng ngàn trùng xa cách.
Phải, thầy là con người đê tiện, vợ có khinh bỉ, gớm ghê, cũng chẳng phép phiền hà!
Tội nghiệp cho cô, đêm thao thức năm canh lụy sầu ướt gối! Ngồi dựa cửa trông cảnh trăng thanh gió mát mà nhớ những hồi vai sánh vai, lững thững nơi nào. Cô khóc duyên, khóc nợ, khóc đời; cô thấy rằng bao giờ cô còn sống ở thế gian là chỉ giam thân trong vòng thống khổ.
Nằm thiu thỉu thì là chiêm bao vẫn: Cô thấy hoặc những cảnh vui vầy thuở trước, hoặc những điều bạc ác của chồng; lắm khi bấn loạn, đổ mồ hôi, khóc hoảng, cười mê, ngồi phắt dậy vỗ tay lên trán:
– Trời ơi! Nếu tôi bạc phước thì cho tôi sớm lìa trần thế, đừng để tôi điên cuồng mà làm khổ cho chồng con.
Nói đến tiếng con, nàng nhớ thằng San, nhớ xót xa, nhớ lạ thường, muốn qua phòng con, hun trán con cho thỏa. Cô nằm xuống khóc, hết khóc thì những trò mộng mị ở đâu lại tuôn ra cho rối rắm tinh thần.
Cô thấy mình chết rồi. Cô Josiane về chủ trương gia thế, thằng San đầu đội nón tang, bận quần cũ, áo vải, đi đến trường. Chúng bạn ăn bánh, nó thấy thèm, ẩn vô hóc mà lau nước mắt. Tan học về, nó đi thất thơ sau chót, bạn ác tâm đứa chửi, đứa thoi. Tới nhà mẹ ghẻ gắt gao, cho dùng chén đá, đũa tre, ngồi trên ván bẩn thỉu mà ăn cá thừa cơm nguội. Rủi nó làm rớt bể chén, dì ghẻ tưng bừng đánh chửi. Nó chạy trốn, ba nó rượt theo bắt. Cô nằm dưới mồ ngó thấy hết, tức vì không biết làm sao cứu khổ cho con. Chồng cô thấy cô, giả bộ thương yêu, lại gần mơn trớn.
Ngay lúc ấy Ðoàn Hữu Minh bên kia cũng xốn xang trăn trở, trách mình, thương vợ, nhớ những hồi…
Thầy chỗi dậy nhẹ bước qua phòng hiền thê, nhìn cô ngủ coi như người đã chết. Thầy thương hết sức, sẽ lén nằm kề, tay gát qua mình…
Chẳng dè cô giãy giụa, mồ hôi dầm dề, ngồi dậy, ngó chồng hơ hải. Cô chấp tay năn nỉ:
– Tôi nghiệp con tôi mình ôi! Còn thân thể của tôi hôi tanh, mình đừng rờ đến!
Thầy sững sờ không hiểu gì cả. Cô dáo dác ngó quanh lần lần định tĩnh lại, hỏi chồng:
– Mình qua đây hồi nào? Tôi có nói xàm điều chi không?
– Có! Sao mình thốt ra những lời ghê gớm như vậy?
– Lời chi đâu?
– Tội nghiệp con tôi… Thân tôi hôi tanh…
Cô cười:
– Ðó là tại tôi xấu chứng giựt mình chớ không có chi. Tại nghe tôi mớ nên mình qua phải không?
– Không. Mình mới nói sảng sau khi tôi vừa nằm kế. Xa nhau khổ quá mình ôi!
Chồng vừa nói vừa xáp lại gần, toan kéo vợ vào mình, vuốt ve, an ủi. Nhưng cô Dung thất sắc, dang ra, hai tay tréo lại trên ngực như tuồng che chở lấy thân mà năn nỉ, giọng tha thiết, não nồng:
– Tội nghiệp! Tội nghiệp tôi mình! Mình lui ra không tôi chết mất!
Ðoàn Hữu Minh nghẹn ngào.
Than ôi! Vợ chồng trước kia dan díu đường bao, khắng khít dường sao, ngày nay như thế nầy, khổ tâm biết mấy.
Thầy hiểu hết rồi.
Ríu ríu lui ra, nhẹ nhẹ đóng cửa phòng, trở về nằm dài, tứ chi rủ riệt, xót xa phần vợ, bứt rứt nỗi mình. Xa xa trống canh hết trở rồi sang, như hối thúc thầy phải sớm lo làm sao, liệu làm sao mà cổi thảm cho bạn vàng vì một ngày vợ chịu khổ là một thêm nặng lỗi của chồng là một bước của cô lướt đến gần cái chết.
Chết vì tình nặng, nghĩa dài!
Tình nặng nghĩ dài đối với kẻ phi ân bội nghĩa.