Phần 10: Dây tình vướng cẳng

Hôm nọ, nhơn buổi chiều tốt, cô Dung cùng chồng con, ngồi xe song mã dạo trên con đường nằm dài theo bờ sông.

Cỏ sậm sậm xanh. Trời ưng ửng đỏ. Cây hiệp đoàn chạy ngược; nước nổi lượn trèo ngang; xa xa có chiếc tàu thung dung trong cái cảnh bình bồng, êm ái.

Cô se sẻ hỏi chồng:

– Thường khi gặp mấy cảnh đẹp, mình vui lắm. Sao bữa nay ít nói chuyện quá, hoặc có việc chi buồn chăng mình?

Đoàn Hữu Minh sững sờ, ngồi đó mà trí vẩn ở đâu, nghe tiếng nói mới định thần, hỏi lại:

– Mình nói chi?

– Cơ khổ thôi! Không nghe? Tôi hỏi mình buồn lắm sao?

– Có chi buồn,

Chàng đáp mà gượng cười,

– Có chi buồn! Tôi nghĩ cách sắp đặt trong nhà mới thế nào cho vừa ý chớ có điều gì đâu.

Đoạn lộ ra vẻ vui, lấy thuốc hút.

Cô Dung không lấy làm tin; cô biết chắc lang quân có điều buồn lo chi đây. Thường khi thầy muốn tính việc gì đều bàn bạc với cô cả thảy. Cô có ý xem chồng mấy bữa rày ít nói ít cười. Khi ngồi xem sách, con mắt chỉ ngó đăm đăm vào vách trắng. Đến bữa ăn cũng hối hả, không chờ thôi một lượt với cô. Ngày nghỉ thì ở trọn nơi vườn. Mấy buổi chiều lại về trễ. Thầy không năng xem bài vở của thằng bé San.

Tại làm sao?

Hay là thầy nhiều công việc phải lo? Không lẽ, vì thầy bặt thiệp siêng năng, làm giỏi lắm.

Hay là thầy có ngoại tình? Không! Một trăm lần không! Cô thương chồng hết dạ, hết lòng; vả lại cô còn nhớ những hồi chồng nói:

– Tôi thương mình vô tận vô biên! Tôi được vợ như vầy, hạnh phúc hơn được làm vua giàu sang trên thế.

Hay là tại mấy bữa rày trong mình cô chẳng khỏe, trí không vui, nên có chỗ thất xuất chi với chồng? Cô nhớ không có khi nào ăn nói sỗ sàng, hay là làm tuồng hờ hẫng. Cô tưởng chắc tại mình có điều chi chẳng hạp ý chồng mà chồng không nỡ nói. Trong sự chung chạ thường hay có thế: thân cận quá rồi có khi đối nhau không được dè dặt, thành thử lâu ngày kém cái vẻ lịch sự, không như buổi ban đầu. Choa hay gừng càng già càng cay, tình càng lâu càng thấm; nhưng há chẳng nên kính nhau hoài cho được trọn cái mỹ ý, được đúng với câu “thủy chung như nhứt” kia sao?

Không lấy sự tước lộc vinh hoa mà làm cái lạc thú ở đời, thì chỉ nhờ cái tình thôi. Người tâm tính như thế, khi thấy cái tình thương của ai đối với mình có hơi lợt lạt thì đã khổ hơn người khác bị giáng cấp, bị thất lợi nhiều.

Cái nghĩa chữ “sống” của cô Dung là trong chữ “thương” cho nên có thể hiểu ái tình là quan hệ cho cái đời cô là dường nào.

Chồng không vui, cô buồn, chồng buồn cô thảm; tình là nợ đời đời kiếp kiếp; vốn đâu mà cứ đẻ mãi lời ra!

Cô nắm tay chồng:

– Mình ôi! Tôi có lầm lỗi điều chi xin mình cứ dạy bảo. Nếu mình bớt thương tôi là khổ cho tôi lắm, nghe mình?

Thầy vội vàng hôn tay vợ, mơn trớn mà nói:

– Làm sao tôi bớt thương mình được! Không có chi đâu, đừng ngại; cũng đừng nói vậy nữa, nghe? Nhờ ai mà tôi được sống vui?

Chồng nói thế, nhưng cô vẫn lo:

– Nếu vì tôi mà chồng tôi buồn thì khốn nạn phần tôi lắm: chồng thương tôi đáo để kia mà!

Từ đó cô càng ráng lo cho vui lòng chồng. Bổn thân sắp đặt bàn viết cho chồng: sách để có thứ tự, cuốn nào cũ thì bồi, sửa. Mua cái bình nhỏ để hằng ngày chưng bông tươi cho ngoạn mục. Trong nhà món nào cũ, xấu, đều thay, sửa coi sạch sẽ trang hoàng. Cô lựa mấy món ăn ngon mà nấu cho chồng ăn, và hay hỏi:

– Đẹp miệng mình không?

Tối lại, dầu buồn ngủ thế mấy cô cũng ráng thức, hoặc xem sách, hoặc thêu thùa, chờ chồng vào phòng một lượt. Cô may nhiều cái mu soa kiểu đẹp; cái nào ở góc cũng có hình trái tim bao vòng hai chữ N Đ xỏ tréo. Cô kiếm đủ cách tỏ dấu ân cần với chồng.

Đoàn Hữu Minh không còn ra dáng bảnh lãng nữa, mà lại càng yêu vợ bội phần. Thầy hiểu ý vợ lắm nên hằng kiếm dịp tỏ lại rằng mình không hề lạt tình thương yêu. Thật, chàng vẫn nói thầm: “Mình tài đức chi mà được vỡ đến thế? Bổn phận mình là phải yêu kính lại hết bực. Nầy Đoàn Hữu Minh ơi! Nếu mi để cho người hết lòng hết dạ thương mi phải vì mi mà rầu thì mi là kẻ khốn nạn đê tiện lắm. Phải nhớ rằng ở thế gian nầy không có người đàn bà nào hơn vợ yêu dấu của mi.”

Mấy hôm sau thầy vẫn ưa ở nhà, không siêng đi coi sóc công việc làm tại vườn nữa. Thầy nói:

– Còn không mấy chút nữa là xong.

Vợ hỏi:

– Chừng nào về nhà mới?

Chẳng dè một câu hỏi ấy mà làm cho chàng một cái vấn đề khó giải.

À! Chừng nào về nhà mới? Thầy cũng tự nghĩ …

– Về lúc nầy cũng được, nhưng hay hơn hết là chờ hết mùa mưa; vì vách mới sơn còn hôi; bàn ghế mua chưa kịp đủ.

Rồi thầy cũng hỏi thầm lấy mình: “Về lúc nầy cũng được mà sao không về? Khốn nạn! Ta thuở nay không hề dụ dự, không hề khi nào … À! Mà vì sao ta phải kiếm lời lần lựa thế kia? Ai xui khiến? …

Thầy muốn thú thiệt với vợ và năn nĩ rằng: “Mình ôi! Có một người đàn bà lịch sự lắm, hết lòng thương tôi, nhưng tôi không thương lại được, bởi tôi nguyện trọn đời thương một vợ hiền rất quí hóa của tôi thôi. Tôi cũng có lúc động niệm thật, nhưng tôi tỉnh ngộ rồi: tôi thương ai là tôi bạc bẽo với mình, tôi là kẻ xấu xa nhứt trong xã hội. Tôi thề với mình rằng tôi không ở hai lòng.”

Nhưng thầy lại cười thầm: “Ngu! Rõ tôi là đứa ngu: đã có cái can đảm đánh đổ nỗi cái lòng hiếu sắc thì phải khoe làm chi cho rờm? Vả lại cũng chẳng hay ho gì. Còn điều nữa, là “người ta” thương mình mà không được thỏa vọng, ấy là khổ tâm rồi; mình đã không đoái hoài lại còn khoe ra, lấy làm điều tự đắc, há chẳng ác, chẳng hèn lắm ru.”

Vì ai mà “người” khổ tâm?

Thầy buồn! … Trong trí bỗng hiện ra cái nét âu sầu, “ai” khiến cho thầy phải nao nao, nghĩ vơ nghĩ vẩn ..

Cái người ở đâu mà khéo đa tình! Đa tình lại mặn mà, tưởng dùng hai câu thơ cũ mà khen cho, cũng không là quá đáng:

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,

Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.

Nhưng thầy vẫn là người chín chắn, thầy dặn lấy mình: “không nên đi vườn!” …

Thật, từ đó về sau thầy không đi vườn. Ngoài giờ làm việc thì xem sách, vẽ tranh hoặc hụp ảnh chơi; buổi nhàn hạ thì lấy sự vui vầy với vợ con làm thú vị.

Hạnh phúc nào hơn hạnh phúc gia đình!

… Ngày kia cô Thường đến thăm. Cô Dung niềm nở tiếp đãi ân cần. Ðoàn Hữu Minh hỏi chuyện qua loa rồi sang phòng sách.

Bỗng có người đi thơ cầm vào một cái dây thép, chàng mở ra xem thấy như vầy:

Ðến Sài Gòn nhà hàng Nam Việt. Tội nghiệp.

JOSIANE

Thầy lật đật xếp mảnh giấy xanh ấy lại, run rẩy, bồi hồi, nằm xuống ghế bố … Vì sao có hai tiếng tội nghiệp? thương hại dữ chưa!

Nhưng mà không!

Không thể nào đi! Mảnh giấy xanh nầy là lá bùa quỷ quái yêu ma xô giục người vào nẻo khổ! Mặt mũi như vầy… Lòng dạ thế sao?… Em Dung! Anh không đi đến người gái lẳng lơ kia đâu!

Mà… Mà sao lại không đi, nếu mình có lòng chơn chánh?!

Mình sẽ khuyên ai, sẽ dẫn dùm ai vào nẻo phải…

Tội nghịêp! Tội nghiệp thật!…Ôi! Mà thà đừng đi!…

Không biết đừng đi hay nên đi, chàng khoanh tay ngó xuống, lui, tới, trong phòng; rồi mang vớ, bận áo, rồi thắt nơ, rồi lại muốn cởi ném bỏ!..

Không đi!

Người tớ già bước vào.

– Bẩm, ông sửa soạn đi?

– À! Ði Sài Gòn.

Quái! Ai xúi thầy trả lời đi Sài Gòn? Thầy nằm xuống ghế để định tâm lại.

Người lão bộ sách giày đem vô:

– Bẩm, ông tôi đánh giày rồi.

Thầy mang giày!…

– Bẩm ông tôi đã kêu xe lại chực rước ông ngoài ngõ.

– Xe lại rồi sao? Thôi, chú bước ra để tôi sửa soạn.

Thầy không sửa soạn, chỉ nằm nghĩ…

– Bẩm ông xe chờ đã lâu!

Ðoàn Hữu Minh vội vàng đứng dậy thay y phục.

– Ði!…

Thầy chậm rãi – nói cho đúng là rụt rè – bước qua phòng khách mà cho vợ hay rằng mình đi Sài Gòn chơi, mai sẽ về. Lại căn dặn vợ ở nhà tối dẫn chị Hai xem hát.

Xe chạy…

Thầy trong mình lần lần nhẹ nhàng, lại có ý trông mau tới.

Khi đến phòng khách sạn, thầy gõ cửa, không chút ngại ngùng.

Cô ba Josiane coi vẫn tươi tắn như bữa gặp Ðoàn Hữu Minh ở vườn. Cô ngồi gần chàng mà hỏi, hình như vợ chồng thiệt.

– Nhớ không?

Thầy tái xanh nét mặt, đứng dậy, không biết sao lại trả lời ngùi ngẩm:

– Sao không nhớ!

Rồi dòm mỹ nhơn một cách yêu đương.

Cô:

 – Làm cài gì không dám ngồi gần tôi vậy?

Thầy:

– Muốn ngồi gần lắm chứ! Nhưng mà… Tôi xin cô vui lòng nghe tôi tỏ đôi lời. Tôi xin cô vui lòng, không phải tôi nói cho ngon ngọt đâu, là tôi sợ tỏ ý ra cô buồn lắm.

Cô:

– Nói gì nói; đừng ghét tôi thôi!

Thầy:

– Nếu ghét thì ai đến đây làm chi!

Cô:

– Làm sao lại thở dài!

Thầy:

– Tôi không thế nào gần cô được!

Cô:

– Sao vậy? Trời ôi!

Cô Josiane nằm ôm lấy đầu, nét hoa bỗng nhiên rầu héo một cách thương xót vô cùng.

Thầy xít lại dòm. Cô đeo lấy cánh tay mà kéo ghì riết vào ngực:

– Nỡ nào không thương tôi cho đành… mình?

Tiếng ”mình” nói nhỏ nhỏ.

Thầy đứng phắt dậy, kéo ghế ngồi gần mà an ủi:

– Ðừng gọi tôi bằng tiếng ấy cô ơi! Tôi khốn nạn lắm cô à! Tôi thương cô, nhưng không thế nào thương bằng nghĩa vợ chồng, vì tôi có vợ rồi, chắc cô đã rõ. Tôi biết nói ra thì buồn lắm; song le thương mà khổ, thương mà hại, thì thà là đừng thương. Cô ôi! Có lòng đoái tưởng xin kết nghĩa đệ huynh. Biết dùng lời chi mà tỏ nỗi xót xa nầy: người như cô, cây cỏ thấy cũng phải xiêu lòng, huống chi tôi là kẻ đa cảm. Bởi thương lắm nên ban sơ tôi không có cái can đảm mà tỏ rằng tôi đã có đôi. Nhưng vậy có trời chứng tri: tuy quá thương chớ sự tiết trinh của cô tôi vẫn vẹn toàn kính trọng. Ngày nay tôi đến đây đặng an ủi cô. Dầu cô oán ghét thế mấy, quí hồ cô đừng buồn rầu là đủ cho tôi khỏi xốn xang. Cô xét lại mà coi: ở thế gian nầy trang anh tuấn chẳng thiếu chi, huống nữa cô là đoá hoa khôi giá ngàn vàng, lo gì chẳng đặng gặp người xứng đáng. Xin cô đừng quá nặng lòng cho tôi khỏi bứt rứt lương tâm.

Cô Josiane ngó thầy, cái ngó vừa có nghĩa đau đớn tủi phiền, vừa như khinh như ngạo:

– Ðã trể rồi! Không cho tôi thương thì nói phứt một lời. Văn hoa mà chi! Chuốt ngót mà chi! Rồi về đi kẻo vợ trông, con đợi! Còn, ai có thất tình mà chết, trối kệ họ mà!

Cô nói rồi, cắn móng tay, ngó mặt vào trong, thỉnh thoảng lấy mui soa lau nước mắt.

Thầy nói:

– Tội nghiệp mà cô! Ðừng buồn mà!

Ðàng kia không trả lời; đàng nọ càng xót xa không thể mở miệng.

Im lìm!… Cái im lìm gớm ghê hơn lúc ở vườn ngày nọ.

Ðồng hồ ở đâu chậm rãi gõ ”bon…bon” như bi sầu oán trách. Thằn lằn chắt lưỡi, thở than.

Thầy bước lại ngồi kề, lau nước mắt không còn chảy nữa!

……..

Ở nhà cô Dung cùng chị dâu vui chuyện. Cô Trường Tiền đem món ngon, vật lạ ra đãi khách thân. Ðến bữa ăn dọn toàn mỹ vị. Cô Thường thật tình ăn, thật tình cười nói. Ðứa con bụng binh rĩnh, đầu chờ vờ, đòi bánh trái liền liền.

Ðờn bà ngu dốt ngồi lâu tất đem chuyện thiên hạ mà phanh phui chớ biết khoa học gì mà bàn, công hạnh gì mà luận. Thôi thì khen chê thím nầy khôn còn mẹ kia dại; hết gia đạo người, rồi tới gia đạo mình.

– Thiệt, cô gặp dượng Ba đây có phước hết sức. Cảnh nhà cô vui vẻ, còn gia thế tôi, ối thôi! Buồn biết bao nhiêu. Anh Hai của cô bây giờ sanh tật cằn nhằn tối ngày. Hồi nào sao, bây giờ hở ra mỗi chút là mỗi bắt lỗi. Ðàn ông nhỏ mọn, thật khó chịu. Tôi giận bỏ đi chơi cho ở nhà mặc sức nói hành.

Cô Dung làm thinh, lấy làm chua cay lắm. Cô trách thầm chị dâu bứt mây chẳng ngại động rừng, lại thương hại cho anh về nỗi nồi tròn, vung méo. Thật, đờn ông dầu tốt thế mấy cũng không sao tránh khỏi cái tiếng ác của đờn bà thất giáo. Ai là vợ khôn có bao giờ đi than phiền, trách móc chồng với người nào. Ðờn bà hiền là người nào biết tô điểm cho cái danh giá ông chồng; nhưng khổ thay! Ðó chỉ là thiểu số.

Phần nhiều phụ nữ, khi thương thì coi chồng như tượng vàng, vóc ngọc, đi đâu cũng khoe khoang – khoe khoang cho đến mình nghe mà mắc cỡ – lắm khi trong câu chuyện lại thêm nhưn, thêm nhị cho cái hương danh của chồng quá ư nồng nàn! Trái lại, khi có chút chi nghịch ý thì làm xấu cho chồng, điều mà nghịch ý, thường chỉ do sự nghi lầm tưởng bậy. Có khi sanh ra ác cảm nhau quá hơn kẻ nghịch thù.

Hạng chí ngu là vậy. Còn một hạng ngu pha chè nữa, là hạng có chút ít học thức, cái học thức vô lương tâm, tai hại cho linh hồn. Hạng nầy khi nào có điều chi trái nghịch mà chồng cấm ngăn, hoặc phong tục cấm ngăn, thì ong óng la lên: nào đờn ông áp chế, phong tục hủ lậu, nào cần có tự do cho đờn bà, cần cho họ bình quyền với chồng!…

Cái chức vụ của đờn bà là gì?

Giúp cho bạn chung thân của mình được yên vui đặng đởm đương những công việc lớn lao; có giỏi nữa là giúp cho chồng vững chí trong đường phải mà làm nên nghiệp cả. Có thể nói rằng người hiền phụ là thuốc tiên để chữa những đau khổ của đờn ông, là cái bùa tiên để biến hóa sự chán ngán làm sự hy vọng.

Chẳng quí lắm sao?

Nhưng, than ôi! Lại có thứ đờn bà như cô Thường!

Nào có biết cho rằng lời bất nhã trước kia là không hạp ý em chồng, cho nên chị dâu cứ cười cười nói nói.

– Thôi đi chị Hai! Ðừng phiền; thôi đi! Tôi không phải binh, nghe chị Hai; song tôi biết ý anh Hai không chịu bậy bạ, sợ chị nghi lầm chớ. Thường thường có lắm việc mình thấy tận mắt, nghe tận tai, mà còn không chắc đã là quả thật chưa; huống chi những chỗ nghi ngờ của chị không có bằng cớ gì hết.

Cô Thường lại lên giọng cao:

– Cô nói vậy chớ đợi có bằng cớ thì còn gì! Theo ý tôi “có tích mới dịch ra tuồng”. Thế gian chẳng ít thời nhiều, bỗng không ai có đặt điều cho ai. Anh Hai cô chẳng có con nầy con kia, làm sao dám nói? À, tôi nghe phong phanh dượng Ba cũng có mèo nữa mà!

Cô Dung cười:

– Ai ở đâu, chị?

– Người nào ở Sài Gòn, bảnh lắm. Mèo của dượng mà dễ lôi thôi như mấy con gà vườn kia đa. Cô không hay sao?

– Không!

– Ngày tới tối có đi đâu hay! Mỗi tháng dượng đưa tiền lương cho cô đủ không?

– Có đủ.

– Có ghen không?

– Ghen lắm chớ! Nhưng tôi không hề nghi quấy cho chồng tôi, còn rủi như tôi không khéo cách ăn ở cho chồng vừa lòng chồng có thương ai tự ý. Mà thôi, chiều rồi, chị Hai sắm sửa đi dạo với tôi?

– Ði thì đi! Nè, cô nói giỏi chớ cô gặp thử coi. Thương chồng thì thương, chớ hễ tôi gặp với con nào, tôi cắt cổ cũng đặng: Họ nói họ thấy dượng Ba với cô đó thường chuyện vãn với nhau tại vườn, Cô coi chừng kẻo dưởng mê rồi dưởng xin đổi đi chỗ khác dẫn người đó theo, bỏ cô ở lại đa! Mà, cô đừng học lại dưởng oán tôi nghe? Chị em tôi mới nói.

Cô Dung cười lạt, chỉ gặt đầu, rồi sai trẻ múc nước cho chị dâu rửa mặt đặng sửa soạn đi chơi.

Giả dạng làm vui, chớ cô Ba lấy làm buồn. Ban đầu, nghe lời mét thót quả quyết kia, cô hơi nghi chồng; nhưng tự bảo: “mình chơn chánh mà bị nghi ngờ có buồn chăng? Nghi như vậy có lỗi chăng, phu quân không phải như bọn tầm thường kia; nghi chàng cũng bằng làm khổ cho chàng vậy. Trái lại, nếu mình thanh bạch mà bị chàng nghi có thảm chăng? Không! Cô không nên nghi: Càng nhớ lời nhau lại càng không nên nghi nữa”. Nhưng cô không sao khỏi buồn của kẻ phải buộc lòng nghe lời thô tục phi lý.

Buồn rồi trông cho mau đến lúc chồng về, tựa hồ kẻ bị ngộp trong cảnh tối tăm, mong mỏi ánh sáng mặt trời. Bây giờ nàng lại thấy rằng chồng nàng rất cần thiết cho sự an ổn của nàng; đến cái linh hồn của nàng cũng nhờ cái đức ông chồng mà được bình tĩnh, cứng cáp. Bao giờ thấy chồng nằm gác tay lên trán, nàng lấy làm ái ngại mà tự hỏi có điều chi chàng chẳng vui. Cô biết, con nguời ai có tính đa cảm thì thể nào không khỏi phải buồn vì những điều trái ý thường xảy ra ở đời. Người hữu tâm là người hay chịu sầu, không than thở, không phiền hà vì có ai là kẻ tri âm hiểu cho thì xem bằng được uống huờn thuốc bổ lao, bao nhiêu chán ngán nhọc nhằn cũng có thể tiêu hết.

Khi nào thầy lộ vẻ chẳng vui thì có vợ chúm chím cười “mời anh uống nước”, hoặc anh “Ăn dùm dĩa bánh đỡ buồn”, thành thử ông Trường tiền ta dẫu buồn cũng không dám buồn lại phải kiếm lời phân cho an lòng vợ.

– Tôi không có buồn điều chi mà mình phải nhọc công chăm chỉ đến tôi. Ðộ nầy có nhiều việc lo nên phải suy nghĩ đó thôi.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!