Hôm ấy nhằm ngày chúa nhựt.
Cô Dung thay mặt cho Đoàn Hữu Minh đi thăm cha mẹ chồng chưa về.
Thầy trao tiền dặn người tớ già mua vật thực và đồ cần dùng đặng về vườn chơi trọn ngày.
Cây cỏ xanh rì. Trời thanh, gió mát. Trên nhành chim hát, ve đờn. Ấy ai ở nơi đô hội phiền ba “nắng hạ thui mình, bụi hồng táp mặt”, sao không tìm nơi thanh khoảng như vầy mà nghỉ xác, dưỡng thần?
Trong nhà, thợ lo sơn cửa, Đoàn Hữu Minh điểm tâm rồi dạo bước ra đi chơi trong vườn.
Hai bên lề trồng cỏ chi, cỏ lan, lại có những cây ngâu, cây liễu, và nguyệt quới, bạch mai, mọc đối nhau, pha phẩy lá, phất phơ nhành; đọt non, lập lòe xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, lại điểm mấy hột sương khoe đẹp với vầng thái dương hé mọc.
Thầy tinh thần khoan khoái; khi ghé xem khóm đào trổ trái; khi ngừng nhắm hàng lựu đơm bông; dạo quanh dạo quẩn, lội dọc, lội ngang; đến chừng ra tận phía sau vườn tới mé sông, mới dừng chơn lại mà ngắm cảnh nước dợn, mây bay.
Thình lình nghe tiếng: “ý!”.
Thầy dòm qua, thấy một cô đương chớ chớ trên chiếc xuồng, kế té ùm xuống nước.
Thầy mau chân nhảy xuống vớt người bị rủi đem vô bờ; rồi lật đật vớt cần câu và mấy tấm ván bị nước chảy mạnh đưa đi xa. Chiếc xuồng có cắm sào nên còn tại nơi, song bị chìm phân nửa.
Lên bờ, chàng hỏi người lạ mặt:
– Cô giựt mình không? Cô làm sao mà đến nỗi rủi ro như vậy?
Cô ấy cúi đầu cười và đáp:
– Rất cám ơn thầy. May không tôi đã mạng trôi theo dòng nước. Tôi câu được con cá ngát; khi đem lên xuồng, nó sút lưỡi câu lại nhảy vào mình tôi. Tôi sợ nó đâm nên tôi né, nhưng xuồng nhỏ lắc qua, tôi gượng không lại, phải té xuống sông.
– Cô ở cách đây gần xa mà đi chơi không bảo ai theo với?
– Tôi ở nhà dì tôi, cái nhà ngói phía trên kia. Buồn, nên tôi thường đi câu giải trí. Tánh thích vắng vẻ nên tôi không cho trẻ nhỏ theo. Thưa, tôi đi câu ở bến nầy thường; không dè hôm nay có việc rủi như vầy, rủi mà may vì có thầy cứu vớt. Dạ, có khi thầy là chủ vườn nầy?
– Thưa phải. Té ra cô cũng người lối xóm mà tôi không đặng biết mặt.
– Thầy không biết cũng phải, vì tôi ở Saigon mới về vài tháng nay.
Hai người đứng nói chuyện mà nhắm lẫn nhau. Cô thì trắng đẹp như hoa chi tử buổi lác đác mưa xuân, gót đỏ môi son, răng trắng trong, tay mềm mại. Cái áo đen ướt dính sát vào mình làm cho rõ cái vóc dịu dàng, đầy đặn, nở nang. Chàng thì có ý thẹn thùa vì đi chơn, đầu trần, lại thêm áo mỏng quần thưa, ướt mèm, lấy làm khó chịu.
Làm thinh ngó nhau cũng ngượng, mà nói nữa không biết chuyện gì. Sau cùng, Đoàn Hữu Minh chỉ nói:
– Cô ướt mình có khi lạnh lắm. Nếu cô còn hoảng hốt không bơi đặng, tôi xin phép đưa giúp cô về.
Cô vẫn tự nhiên:
– Thưa không hề chi; tôi không lạnh. Nhưng tôi phải về thay áo, khi khác tôi đến thăm tạ ơn thầy luôn thể.
– Có ơn chi mà kể đó cô! Thôi để tôi đem xuồng giùm tận bến cho cô dễ xuống.
Cô kia coi bộ ái ngại không dám bằng lòng. Nhưng Đoàn Hữu Minh cứ lội xuống tát nước xuồng, lót ván tử tế rồi mời người bước xuống.
Nhưng mà co còn hưỡn đãi:
– Làm nhọc lòng thầy quá! Thôi thầy mau lên đi thầy, thì tôi mới an lòng. Ơn trọng quá tôi biết đền đáp sao cho xứng.
– Có chi đâu, cô cứ bước xuống, tôi kềm cho.
Rồi thì từ giã nhau về. Đoàn Hữu Minh đứng trên bờ ngó theo coi người bơi có vững không. Cô nọ bơi ít mái, còn ngoảnh đầu dòm lại, rồi mới chịu đi thẳng. Thầy ngó quanh rồi cười, hỏi lấy mình:
– Thấy người mà bắt nhớ vợ hiền hết sức! À mà không biết bữa nay đã về chưa?
Qua bữa chiều sau, Đoàn Hữu Minh đạp xe đến xem công việc thợ làm, còn sớm, thầy dạo vườn. Không biết vui chơn đi hay tại cái hấp lực gì u âm kéo chàng ra tới mé sông, chỗ kỳ ngộ hôm qua; vừa ngước mặt lên đã thấy thuyền tình đậu đó.
Thầy dừng chơn lại dường như bắt suy nghĩ, rồi sẻ lén quày trở về. Nhưng không kịp: mỹ nhân đàng kia đã cúi đầu chào. Thế là thầy phải đáp lễ.
– Chào cô! Cô cũng còn đi câu?
– Dạ!
Thầy tưởng cô kia muốn hỏi điều chi; nhưng ai cũng làm thinh, rồi thì cũng ngượng ngập:
– Thưa cô, tôi về.
– Dạ … Thầy về sao?
– Tôi về kẻo trễ!
Thầy đi xa rồi, biết rằng sau lưng có kẻ dòm theo. Chẳng sai. Người kia dòm theo, và trề môi cách hữu duyên mà nhái lại nho nhỏ:
– Tôi về kẻo trễ! Cái người làm sao!
Chàng nọ vừa đi vừa nghĩ vẩn nghĩ vơ, cũng nói thầm:
– Cái người làm sao!
Nhưng chàng liền trách lấy mình:
– Người làm sao cũng không thế nào hơn được vợ yêu dấu của mình mà!
Thật không người đàn bà nào hơn cô Dung của Đoàn Hữu Minh; cái tình nó là thế; nó có trăm ngàn cách làm cho người yêu là mặn mà hơn hết; phương chi một người vợ vừa có vẻ thanh tân yểu điệu, vừa được đức hạnh vẹn toàn, thì còn chi là quí bằng.
Mấy ngày sau Đoàn không đi vườn, hoặc có đi thì không ra phía sau.
Vợ chàng vẫn chưa về.
Thằng con trai biếng chơi, nên buộc mẹ phải ở nán lại nhà ông nội.
Chúa nhựt kế đó, thầy tính ở vườn trọn ngày nữa, thề rằng không đến mé sông, chỉ dùng bữa rảnh ấy mà nhắm xem chỗ nào trồng cây thêm, chỗ nào để kiểng, chỗ nào dưỡng hoa có vẻ ngoạn mục.
Thầy đương điểm tâm như mọi bữa bỗng có người nhà quê vào, nói:
– Bẩm ông. Ông dặn tôi săn sóc mấy cây xoài, nay nó đã trộng rồi, nên tôi đem cho ông trồng.
Mà xoài thì phải mọc sau ranh, thầy vốn ham trồng trặt, nên lật đật uống cạn tách cà phe rồi cùng người tớ già đem cây ra phía sau vườn.
Sớm mai trời mát mẻ. Quạt gió hiu hiu thổi. Đờn ve lải rải kêu. Đoàn vui lo việc trồng cây; phân lổ nầy, nhắm hàng kia, xem chừng thích ý lắm.
Thình lình thầy giựt mình …
Kìa, nơi bờ sông ai ngồi câu, có phải người hôm nọ?
Không ai lạ!
Người đứng dậy chào, nhưng nét mặt không tươi cười như mấy lần trước kia, mà lại lộ ra cái vẻ tủi phận buồn duyên, coi đáng tội nghiệp.
Bất đắc dĩ ông Trường Tiền thật thà ta phải kiếm lời:
– Mỗi ngày cô đều câu sao cô?
Chừng đó người mới gượng cười:
– Dạ, mỗi ngày. Nhưng chẳng biết sao cá nó cũng buồn, không có một con dính lưỡi.
Thầy cười:
– Cũng buồn?
Thầy không dám hỏi nữa, lại có ý ăn năn vì lỡ hỏi như vậy; sợ người ta biết mình hiểu ý.
Cô kia cũng làm thinh, chỉ ngó thầy một cách hữu tình.
Ngượng ngập vài câu vô vị rồi cũng giã nhau mà về.
Trưa lại, khi bữa cơm xong rồi, người tớ già đau bụng, Đoàn Hữu Minh đưa chìa khóa cho về phố lấy rượu măng mà uống, để mình ở lại vườn nghỉ ngơi.
Công việc gần xong, nên nhơn công về, chỉ có thợ già ở lại sơn cửa nhà bếp.
Trong một căn phòng gần bên cửa sổ ngó ra vườn, có lót một bộ ngựa, có nệm gối, mùng mền, để mấy khi Đoàn Hữu Minh về vườn chơi có chỗ nằm nghỉ. Dựa vách, gần bên đó, có vài cái ghế tô – nê kiểu đẹp; có cái kệ nhỏ, trên ấy để bình trà ngon và ít tờ báo nam, tây.
Thầy khép cửa phòng, mở hoát cửa sổ ra, với lấy một số nhựt trình rồi nằm xem. Một chập lâu, không đọc nữa, toan nghỉ một giấc thật ngon; ở châu thành không mấy khi được cái trưa êm thấm mát mẻ như vậy. Khách an nhàn thiu thiu ngủ, bỗng nghe ai gõ cửa phòng:
– Ai?
– Bẩm, tôi.
Chàng mở cửa ra, thấy chú thợ:
– Chú thợ đến tôi có việc gì?
– Bẩm, tôi mới đi ngang đây, thấy ông còn thức nên tôi mới dám kêu.
– Mà chú kêu chi chớ?
– Có cô nào lạ mặt đến muốn nói chuyện với ông.
Chàng suy nghĩ không định được là ai.
– Chú biết vợ tôi không?
– Ôi Trời! Sao không biết? Bẩm tôi có thấy bà hôm nào kia mà!
– Thôi chú cứ mời người vô.
Đoạn thầy lấy áo bà ba mặc vào, ngồi dòm tờ báo mà chờ khách.
Trừ ra, cái căn ấy có bàn ghế ít cái, còn đâu đó vẫn trống trơn, cho nên phải dùng tạm chỗ nầy làm phòng tiếp khách.
Chú thợ già bước vào có bưng một mâm trái cây, bánh và trà. Chú để đồ trên cái ghế rồi ngoảnh đầu dòm lại coi người theo sau đã đến chưa. Đoàn Hữu Minh cũng dòm ra, thì là vị mỹ nhân mà mình đã cứu hôm nọ!
Bữa nay cổ ăn mặc đẹp lắm: quấn khăn màu cánh chấu nó bao cái khuôn mặt tròn trịa trắng đỏ tươi cười; bận áo dài màu lá vang đã ôm lại eo; trên dung dung, tòn ten sợ dây chuyền có nhận hột xoàn lấp loáng. Quần lãnh đen nó khắc với bàn cẳng trắng gót son nõn nà, thêm duyên đôi giày nhung đỏ mảnh mai; tay quấn chuỗi tròn vo, xách cây dù thêu màu trứng gà rất khéo.
Khi ngồi xong, cô mới tỏ như vầy:
– Trước hết tôi xin lỗi ông vì hổm rày tôi không biết, nên xưng hô một cách thất lễ, và hôm nay tự do vào viếng nhằm lúc ông nghỉ. Phận rủi ro nhờ ơn cứu tử, thật cảm đức trọn đời. Xin ông vui lòng chớ từ nan chút đỉnh lễ vật của tôi mới gởi mua về. Đã hay rằng người quân tử thi ân không cầu báo, nhưng nếu thọ ân mà chẳng chút đền bồi, thì tôi không an dạ được. Thật bấy nhiêu đó không phải lấy gì làm xứng đáng song tôi ước ao rằng không lẽ ông chẳng hạ cố lòng thành.
Giọng nói cô trong trẻo hữu duyên, cái miệng vẫn mỉm cười xinh như đóa tường vi vừa nở.
Đoàn Hữu Minh khiêm nhường từ chối, nhưng rốt lại cũng phải nhận.
Xem ý khách không vội về, quan Trường Tiền phải kiếm điều nói qua loa cho đỡ bực:
– Thưa cô, cô có bà con ở đây chăng?
– Bẩm chỉ có người dì tôi mà thôi. Tôi sanh trưởng ở Saigon, ông thân tôi buôn bán tại đó.
Cô lại tiếp:
– Buồn vì cảnh lỡ dở, nên thà về vườn hưởng thú thanh nhàn, ngày nao hay ngày nấy. Thật, tuổi vừa hai mươi như tôi đây không nên chán ngán thế tình; nhưng phận mình gặp phải cảnh ngộ chẳng hay ho gì, càng ở đô hội phiền ba, trông người xót mình, càng lắm nỗi ngán cho phần số. Đứa em kế tôi, con Tư, nó chê thú vườn; chớ tôi ẩn thân vào cái hoàn cảnh yêm điềm nầy rất lấy làm thích. Chê rằng ở vườn là buồn bã thật là lầm. Có trải qua rồi mới biết nơi nước đục đất bùn có lắm cảnh nên thơ, đáng làm chỗ ân cho bực hiền nhơn quân tử.
Đến đó nàng liếc thấy Đoàn Hữu Minh cười và nói rằng:
– Thưa cô. Phải cô thứ ba chăng? Bởi em cô là thứ tư.
– Dạ phải. Bẩm ông, nhà nầy mới cất lại, có khi ông để gia quyến ở tạm nơi nào chớ?
– Tôi có mướn phố ở chợ.
Bỗng chú thợ già vào châm giùm bình nước, rồi nói:
– Bẩm ông, tôi đi chợ mua đồ, chừng bốn giờ tôi trở lại. Và tôi cũng có việc cần.
Chàng gặc đầu nghĩ thầm:
– Ai nấy đi hết, để một mình cô nầy với tôi sao kìa!
Đoạn tiếp chuyện:
– Thưa, khi cô có đi học chớ?
– Có. Tôi đi học đến năm thứ nhì ở nữ học đường, kế mẹ tôi mất, tôi phải càm phế học đã ba năm rồi.
Yêm liềm …
Bấy giờ chỉ nghe vài con chim líu lo bên hè như bạn đồng tâm thừa lúc nhàn mà luận bàn thế sự.
Mấy con ve càng to giọng hát; tưởng chừng lũ côn trùng nhỏ nhen ấy đối cảnh sanh tình mà hát, càng lâu, càng thiết tha, quên sự mệt mỏi.
Chòm tre thỉnh thoảng kò ke véo vắt, như cám đỗ, như rủ ren người hãy tạm nguôi cái trí nghĩ quẩn lo quanh.
Ai có cảm giác thì không tránh khỏi cái ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhứt là cái hoàn cảnh ấy nó hạp với cái tánh tình của mình.
Đoàn Hữu Minh vừa bị cái ảnh hưởng của hoàn cảnh, vừa bị cái sức quyến rũ của nhan sắc, khiến cho trái tim bỗng nhiên mà nhảy thình thịch, hơi sung sướng mà nhiều bực bội; nếu chẳng sợ vô lễ thì thầy đã để khách ngồi đó mà đi ra ngoài hóng mát cho tâm thần hết phải xôn xao.
Mà, mấy lúc vậy thì không gì khó khăn bằng phải ngồi yêm, bụng vẫn ngờ rằng có cặp mắt tinh ma của ai dòm thấu cái nội cảm của mình, và ngắm xem cái ngoại dung biến đổi của mình.
Thầy đứng dậy rót nước mời; tay run rẩy làm cho đổ tháo: rõ là một kẻ sợ gái thật! Khách dòm thấy thì có ý mừng thầm.
Thầy hết sức gắng gượng làm cách tự nhiên:
– Mời cô uống nước.
Khách không uống, ngồi liếc ra ngòai, ra dáng nghĩ ngợi, rồi dường như muốn đứng dậy kiếu từ.
Nhưng vẫn nán ngồi, lấy khăn mu soa nhiễu ra lau miệng, mùi thơm bay nực nồng, khiến cho chủ nhà hửi lấy như lỡ tỉnh lỡ say.
Rồi cô nói:
– Dạ, tôi xin cáo từ.
Đoạn tiếp nho nhỏ dường như bảo lấy mình:
– Ở lâu sợ con nhỏ nó vào kiếm, thấy vầy nó nghi .. (Kế to lên) Đã vậy, tôi sợ làm nhọc lòng ông lâu.
Ngó quanh không thấy đứa tớ nào, cô bổn thân lại sắp mâm đồ ăn lên kệ. Lễ vật chia ra những trái bom, xá lị, cam tàu, quít đường, bánh mì Jacob, trà Trung Quốc kỳ chưởng, món nào cũng quí, cũng ngon, ngon hơn nữa là khi nằm trong bàn tay trắng trẻo dịu mềm, in như bột nắn.
Đoàn Hữu Minh không dám dòm, lại sượng sùng, như muốn cầm khách mà không thể tỏ.
– Cô về sao? Tôi lấy làm hân hạnh mà được cô đến viếng. Thật .. nhọc lòng cô quá; tôi không an tâm.
Cô không đáp. Sắp xong mới nói:
– Bẩm ông tôi về.
– Dạ, cám ơn cô!
Cái nét thanh tân yểu điệu của khách đi lượn theo bóng cây, khiến cho người nom lén phải khen thầm, mà dường như thương, như tiếc, mới dòm lại chỗ ai ngồi khi nãy mà hình dung ra cái nét “oanh ăn nói, liễu đứng ngồi”. Thoạt nhiên Đoàn Hữu Minh lấy làm mừng: trên bàn gió thổi phất phơ, cái khăn lụa hường của người bỏ sót. Chàng cầm lên kê vào mũi, rồi sè ra nhắm nhía mà cười.
Đoạn chàng bước ra khép cửa lại, mau gót theo mỹ nhân:
– ! … Cô Ba! Cô bỏ quên cái khăn đây.
Lúc trao, hoặc bởi gió thổi, hoặc vì e lệ hay sao nên cái khăn thoát bay. Thầy vói chụp, nhè trúng tay của khách, nên mắc cỡ.
– Ý! ..
Song cô nọ chỉ mỉm cười, cái mỉm cười có thế in ngay vào trí não người ta không bôi xóa được.