Nhớ mà ra ngẩn, vào ngơ …
Người ta nguồi ngẫm nhớ nhau là tại vì đâu?
Cách đối đãi ân hậu, niềm ân ái mặn nồng, những cái làm cho nhau toại chí, vừa lòng, góp thành mối kỷ niệm bưng khuâng. Lại thêm chỗ cùng nhau thường đứng thường đi, luôn đến cây cỏ vô tình cũng dường như khêu gợi tâm sầu, hỏi khách tương tư chớ người yêu đâu vắng mà luống để ai ủ dột màu hoa?
Đêm nằm lộn lại lăn qua, lạnh lẽo trời đông, quạnh hiu canh vắng, phút chốc ngọn gió lòn bên mí tóc, bắt nhớ chừng đến bàn tay nét mặt của bạn chung tình.
Thời gian lặng lẽ êm đềm, cho đến tiếng lằn chắc lưỡi, giọng cóc nghiến răng, cũng làm cho rối giấc mơ màng, càng mong càng tưởng, càng nhớ càng thương, càng áo não cho cảnh nệm nghiêng gối chích.
Ban ngày thì thằng bé San cứ nhắc:
– Má, chừng nào ba về?
Con nhớ cha còn có thế hỏi thăm; vợ trông chồng biết cùng ai thỏ thẻ?
Cô nhớ chồng!
Nếu có người thợ vẽ nào họa được cái nét rầu của cô Dung cơn dựa cửa nhìn sững, lúc bên đèn ngó trơ, thì sẽ là một bức tranh tuyệt diệu.
Chớ phải ở nơi xa, xa tít kia, Đoàn Hữu Minh có cái thiên lý nhãn lực mà trông về.
Cô Ba không ham sự vinh hoa phú quí. Cô chỉ ước sao chồng giữ được cái tiết tháo quân tử là đủ cho cái hạnh phúc của cô. Nhưng ý chồng muốn bay nhảy, cô không lẽ lại giam cầm?
Phu quân, cách một năm sau khi thi đỗi tốt nghiệp – tức là phần thưởng xứng đáng cho người hữu chí – thì xin ra học ở Bắc Thành.
May ra đắc lộ rồi thì chàng nghiễm nhiên là “ông” Trường Tiền, cô lại là “bà” Trường Tiền; nhưng có nghĩ đâu rằng cái địa vị vẻ vang mới lại làm cho giảm bớt cái thú vị nồng nàn của âu tình xưa?
Nhưng, hai người đã từng nói: “Chúng ta đồng một tấm lòng.” Thầy muốn được đằng danh, là có ý tỏ cho đời biết rằng người yêu của thầy lựa bạn chẳng lầm; cho vợ hiểu rằng nhờ chữ tình nên thầy có đủ kiên nhẫn, nghị lực mà làm được mọi việc.
Nhớ mấy lời ấy, cô Dung cũng an tâm. Thế nhưng cùng nhau khăng khít như cặp oan ương; cách mặt, xa lời, dạ nào dạ chẳng ngậm ngùi, cho hay vẫn có tin nhau đi về, chia thương sớt nhớ.
May, nàng có thằng nhỏ San ngộ nghĩnh cho nên cũng nguôi được đôi chút nhớ thương. Nàng hay tưởng tượng ra lúc chồng về: chàng sẽ hân hoan, đứng nghiêng tai nghe con đọc rót những bài khuyến hiếu, những văn ngụ ngôn, thỉnh thoảng chàng chím miệng cười rồi hun con, hun vợ, lấy làm đẹp ý.
Cô dằng lòng chờ, tự bảo rằng kiên là cái đặc tánh của người hiền phụ. Gặp cảnh éo le, trắc trở, còn chẳng núng nao, phương chi mới nội một cái “chờ” mà đã lấy làm khổ tâm sao?
Có chước làm cho khuây, là lo việc dạy con. Cô thừa mấy khi xếp đặt trong nhà mà tập cho con biết ăn ở sạch sẽ, vén khéo, có thứ tự và tiết kiệm. Làm việc chi cô cũng có thằng bé theo hủ hĩ một bên; hoặc nó xem cách thế mà bắt chước, giúp giùm, tùy theo sức nó.
Cô không ham ép con sớm học chữ và học viết, chỉ ưa nói cho nó nghe chuyện hay tích lạ, rồi bảo nó thuật lại.
Lần lần đứa nhỏ biết khen cái hay, chê điều dở, thông minh dễ thương lắm.
Nhơn đó mà mẹ hiền rèn tánh nết con: biết phép tắc, biết làm cho mọi người yêu dấu. Con làm quấy điều chi, mẹ không rầy ó om sòm. Cô Dung chỉ lừa dịp thau65t chuyện ngỗ nghịch của trẻ nhỏ khác; thằng bé thông minh bèn hiểu mẹ phiền mình mà thú lỗi xin chừa. Có lần, lúc cô chờ lúc vắng người, mới kêu con mà giảng dạy; giọng nói khi oai nghiêm, khi dịu ngọt, khiến cho con nghe đã sợ mà thương, có cơn vì cảm động mà rơi nước mắt.
Điều cô lo đào luyện cho con hạng nhứt là sự công bình, vì rằng cô cho cái đức ấy là căn bổn của các tánh tốt khác.
Trước hết, cô tập cấm thằng nhỏ sợ vô lý, chẳng hề bao giờ cô dọa nó; kìa chú lạ; hoặc ông kẹ, hay ông ba bị chín quai! Chính mình cô lại khám phá cái tánh khiếp nhược của con. Thằng nhỏ cũng không hề biếng nhác, vì mẹ nó vẫn tỏ ra cái gương siêng năng.
Nó không sợ vô lý, không lười biếng, tức nhiên nó có sẵn tánh can đảm để ngày sau làm kẻ nam nhi hoàn toàn, có can đảm mà xa điều quấy, có can đảm làm phải, dầu khó khăn, hiểm nghèo, cũng không sờn lòng.
Nó không nóng nảy như những đứa con nít thường vì mẹ nó thuần hậu ông hòa. Nó lại sanh trong cái hoàn cảnh êm ái thì có bao giờ phải trái ý, phải giận hờn, đến nỗi khóc la.
Mẹ đã biết săn sóc cho con được hình vóc tráng kiện, tươi tốt, lại dồi mài cho con được cái óc thanh tịnh, tinh anh, thì lẽ nào trí nó chẳng sáng suốt? Cho nên hễ nghe mẹ dạy điều chi thì nó hiểu biết ngay; trước khi nói, biết suy nghĩ; trước khi làm, biết xem xét. Chẳng bao giờ vì sự bất cẩn mà nó làm hại cho nó, hao85c phiền lụy đến ai. Mẹ dạy công bình th ì nó hiểu rằng chẳng hề nên làm cho người khác phải buồn phải khổ. Nó không chê ai, không trách ai. Khi nào nó làm cho kẻ khác buồn thì nó phải xốn xang hơn người bị buồn kia, và mau mau kiếm thế sửa lỗi.
Một hôm thằng San hái hoa hường đặng cặm vào bình. Rủi bị con ong chích nó sưng mặt. mẹ vừa thoa thuốc vừa hỏi:
– Con phiền con ong ấy không?
Nó đáp:
– Con không phiền; vì nó tưởng rằng con bắt nó, hoặc con bẻ hoa đặng làm bầm dập như mấy trẻ kia, nên nó mới chích con. Côn trùng mà biết giữ mình nó, lại giữ mình giùm kẻ khác là đáng khen. Con chê con không dè dặt mà tránh con ong núp dưới hoa, không lanh lẹ má tránh cây kim của nó.
Cổ cười, hỏi tiếp:
– Giỏi, nhưng con không cố ý hại nó, mà nó báo cho con phải nhức nhối, con mới nghĩ sao?
– Con nghĩ nó cũng vô tội, phải không? Vì nó cũng không cố ý hah5i con. Nọc độc là của trời sanh cho nó, chớ không phải nó kiếm mà dùng. Nếu khi nãy, con cầm cây mà bẻ hoa, nó cũng đã chích các cây; lại nếu con có đội nón thì nó lại chích đại vào nón. Nó không biết suy nghĩ như mình, lại là một điều bào chữa cho nó vô tội; huống chi: “Như con ong mật là loài siêng năng”. Con có học bài thuộc lòng, con còn nhớ, con khen nó là loài hữu ích. Nó chích con, cong nghĩ công mà tha tội nó chớ!
Mẹ vỗ vai con mà khen:
– Tốt lắm! Được lắm. Vậy má mới không cười đứa nào làm mặt nhỏ mặt lớn với má!
Trong nhà thường có chuyện vui nhỏ nhỏ như vậy. Cô Dung thấy con sớm có trí rất lấy làm mừng.
Cô dạy con:
– Người ta biết ăn ở công bình là để khỏi phạm điều tội ác và để sửa những tội ác mình đã lỡ làm. Nhưng con đừng vội tưởng rằng hễ con biết phân biệt phải chăng đã gọi mình là lành trọn. Lũ kiến siêng năng kia đương tha mồi về nuôi gia quyến. Con vì ham bẻ trái mận, trái lê, con trèo lên cây, đạp nhầm mấy sanh mạng tan tành. Khi kia má sai con đi lấy cái khăn, rót chén nước; con vì lật đật mà bước trên mình con cóc nọ trầy hông. Đó, má thí dụ thế. Con nào có ý làm hại chúng nó đâu, phải không? Nhưng vậy con cũng đã làm ra sự bất bình rồi. Thế cho nên con hãy để ý rằng ở đời, khó giữ mình tận thiện, tận mỹ lắm thay! Một phút hơ hỏng là có thể gây ra lầm lỗi. Làm được một việc phải, đừng đem mà khoe khoang, những kẻ làm phải khoe khoang là chủ ý muốn kẻ khác khen trọng mình thôi, chớ không ắt đã có bụng tốt. Làm phải là bổn phận của mỗi người chớ có gì!
Cô hằng nghĩ: “Kìa trong xã hội, người ta không được tự toại, người ta làm phiền chi nhau, thù oán lẫn nhau, mưu hại lẫn nhau, há chẳng phải tại ít lòng công bình sao? Ai cũng muốn mình đặng tự do, mà thường là không biết trọng cái tự do của mình và của kẻ khác; như thế đó, nếu không phải ngu si, thì là giả đạo đức; hay rầy, hay chê đời, hay làm bộ khôn lanh sửa đời, mà kỳ thật toàn là đám hữu tội cũng đồng loại; chỉ biết cạnh tranh, tật đố, gièm xiểm, chớ có cao thượng chút gì. Hạng thế ấy hay nghiêm khắc khi xét người mà hay dung chế lúc xét mình; có khi vì muốn che đậy, trốn tránh tội lỗi mà đổ nhầu cho kẻ vô can, thật đê hèn, khiếp nhước không gì bằng!
Nhưng cũng ngộ đó chút, dầu ác, dầu ngu, ai cũng dành cái hay, cái phải; rốt rồi cũng ngỡ mình là phải thật. Công bình mấy ai biết? Mấy ai có sẵn cái bụng ăn ở công bình? Ai quân tử? Ai tiểu nhơn?
Muốn phân biệt vàng thau, hãy xem người ở chỗ thực tế, ở nơi công việc làm…”
Vì có con mắt tinh đời, nên cô Ba thấy rõ đâu cạn, đâu sâu, đâu cao, đâu thấp. So sánh thiên hạ rồi dòm lại cái thái độ của chồng, thì lòng riêng cô lại càng thêm kính mến.
Cô ước thầm: “Tôi mà tập con tôi được tánh tình như cha nó thì đủ cho tôi lấy làm có phước lắm rồi”.
Cô lại hằng lo cho mấy kẻ khốn cùng ở gần mình. Cô dạy con rằng cái thật vui ở đời, là giúp cho kẻ khác đỡ buồn đỡ thảm.
Khi bé San đầy sáu tuổi, cô Dung mới khởi dạy đọc, rồi dãy viết và tính toán, chớ chưa cho đến trường. Cô thầm nói: “Để mình làm thấy con mình xem sao”. Cô làm ra cái thời khóa biểu để cho con biết giờ học, giờ chơi. Mà thường những giờ chơi lại là giò học rất bổ ích.
Cô dẫn con đi dạo. Cô biết dùng vật liệu tự nhiên thấy ở trong vườn mà giảng bài cách trí; hoặc chỉ mặt trời mọc, vũng nước tràn, mà cắt nghĩa địa dư.
Nhờ vậy mà cái thì giờ đăng đẳng của khách vọng phu, cũng có lúc chạy mau đôi chút.
Còn nỗi nào mừng hơn là đôi bạn chung tình, Nam, Bắc cách xa, dập dồn thương nhớ, mà ngày nay đặng tay nắm, mặt nhìn?
Đoàn Hữu Minh về!
Công toại, danh thành, cảnh nhà lại vui vẻ, đằm thắm hơn xưa.
Coi tình đời cũng ngộ. Cũng thời một Đoàn Hữu Minh mà lúc làm anh “giáo” quèn kia, có mấy ai kính vì, mấy ai yêu đương, ngày nay mang được cái lốt “ông” thôi thì thiếu chi kẻ e dè bẩm, khóm róm chào!
Trách chi thường vì cái hư danh mà người ta quào, quấu, bấu, xé nhau!
Đoàn Hữu Minh không lấy sự người tôn trọng mình làm vinh diệu, mà lại cho là sự buồn cười.
Nghèo hèn ráng ở cho được trong sạch, ít ai biết mà kính vì; cao sang dầu có hôi tanh, cũng lắm người quí trọng. Đời là thế, có cần gì ai biết mình chi! Mình biết mình là vui vậy. Cái thói a dua, bợ đỡ, nó có từ thượng cổ và sẽ lưu truyền đến hậu lai. Lạ chi mà phải bận lòng.
Mấy ngày đầu khi mới về, khách tới mừng tân quan không dứt. Có người đến mời dự tiệc. Có người đem lễ vật cho. Nhưng chồng cô Dung vẫn kiếm thế từ đi cả.
Nhiều lời bàn bạc, nghe mới ngộ:
– Để tôi nói “ông Trường Tiền mình” xin nhà nước phóng cái lộ theo ranh miếng ruộng tôi chơi …
– Còn tôi, tôi mượn ổng xin dời cái cầu sắt lại trước nhà tôi đặng tôi lập tiệm hành xén..
Ít hôm sau; có cô Thường đến thăm. Chẳng phải vì thật bụng mừng mà đến chia vui; ý chị dâu muốn rõ coi lời nói rằng Đoàn Hữu Minh làm Trường Tiền, hư hay thiệt. Cô Dung hết lòng hậu đãi, nhưng không khỏi cho chị dâu, lúc ra khỏi nhà, buông tiếng chẳng lành:
– Bây giờ người ta làm bà rồi, coi bọ hí hất dữ chớ!
Đoạn thở dài:
– Ôi! Chồng người ta thì vậy, còn đờn ông của tôi sao mà chỉ biết ăn rồi lo dưỡng vóc thôi. Thấy mà ngán!
Nói thật ra, chồng của cô Thường là người lương thiện, mà những con người đê tiện như vợ y có biết gì câu “Hiền phụ kỉnh phu”.
Cách một tuần, Đoàn Hữu Minh cùng vợ con đi viếng cha mẹ ruột cùng anh Hai chị Hai, có đem cho mấy món đồ mua ở Hà Nội. Rồi cũng lần lượt đi đáp ơn cô bác đã chiếu cố.
Kế có giấy bổ chàng lãnh chức làm việc ở bổn tỉnh. Cô Ba lấy làm sự may, vì nhà gần châu thành, tiện bề cho chồng đi về sớm tối.
Gần được một năm, gia quyến cô phải dời ở tạm nơi phố gần chợ, vì nhà cũ có nhiều chỗ cần phải sửa, thay.
Hằng ngày, thừa mấy giờ rảnh, Đoàn Hữu Minh cỡi xe đạp đi xem sóc việc làm. Chiều về hai vợ chồng ngồi bàn tính cách sẽ sắp đặt gia đạo thế nào, mơ tưởng các công cuộc tương lai làm sao.
Thầy nói thầm như thế, rồi vặn đèn cho tỏ lên, mà nằm đối mặt vợ cho đến ngủ mòm.