Nội nhà không ai biết cái buồn của cô Dung, duy có con Lê dò thấu. Thường khi đêm cùng ngồi may vá, chủ nhỏ nó hay nói chuyện xưa tích cũ, hoặc chuyện kim thời để làm gương, và thừa dịp giảng luân lý cho nó nghe. Gần đây, cô Ba ít nói, ít cười, hoặc có cười cũng là cười gượng mà thôi. Lại thức khuya lắm. Con Lê ngủ trước, chừng thức sớm thì vẫn thấy cô Dung còn chong đèn ngồi làm bạn với mũi kim.
Khi kia, thừa lúc rảnh rang, vắng vẻ, con Lê hỏi:
– Đã mấy đêm rồi, chị thức tới sáng sao chị? Khi trước chị hay rầy em sao có thức khuya, vì theo phép vệ sanh đêm nào người ta cũng cần phải nghỉ trong tám giờ đồng hồ thì mới được mạnh giỏi. Chị không sợ bịnh sao?
Cô ba ngó con tớ trung hậu một cách yêu đương mà gượng cười:
– Lẽ nào chị quên điều chị dạy em. Nhưng chẳng biết tại sao chị không buồn ngủ. Chị cũng ráng dỗ giấc chớ, mà hễ nằm xuống thì bắt thao thức hoài; trông mau sáng đặng làm công việc cho khuây mà vẫn thấy đêm dài đăng đẳng!
– Khổ chưa! Thế thì chị có sự buồn rất nhiều; biết vậy làm sao em vui đó chị?
– Có buồn điều chi!
– Thôi đi! Em biết nghe và biết chia buồn với chị mà. Chị quên rằng chị mới nói câu “trông mau sáng đặng làm công chuyện cho khuây”. Chị hết thương em sao, bây giờ chị dấu em vậy? Em biết cái duyên cớ làm sao chị buồn; nghĩ đến em cũng buồn lắm chị à! Chị cho phép em nói những điều nghĩ đến mà phải buồn đó không? Với người ngoài, ai cạy răng em cũng chẳng hở môi; còn với chị, em muốn nói quá. Nói ra cho đỡ buồn. Chị sẵn lòng thương “người”, chịu cực với người, mà rồi vì người mà chị chẳng được an vui, có bất bình không?
– Đừng nói vậy em, ấy là số phần của chị. Em nghĩ kỷ coi, chị buồn là tại hay nghĩ mà buồn. Người cô cố làm cho chị buồn, có đáng trách đâu. Trách người mới là bất bình. Thôi em đừng nói ra mà lỗi.
– Chị nói vậy chớ theo ý ngu em nghĩ, cái buồn phải để cho mấy người quấy lãng lấy, cũng như sự hành phạt là phần để cho kẻ bất lương. Ở phải mà chịu buồn, cũng như có công mà mang tội; em không chịu đâu!
– Thoảng như trời khiến phải chịu, chừng ấy em nghĩ thế nào?
– Chừng ấy phải cam tâm. Nhưng đã biết rằng Trời khiến, thì chẳng hay hơn là đừng buồn sao? Chị thường nói với em những lời: những cái khổ không phải tự mình gây ra, tức là Trời làm để thử coi thật có chí khí làm người tử tế không .. Chị vẫn là người tử tế, buồn làm chi cho hao tổn tinh thần? Rủi đau ốm đã hại cho thân chị, lại còn hại cho cha mẹ buồn rầu, thì là có lỗi đó.
Cô Dung làm thinh. Không phải vì nghe lời của con Lê mà bắt nghĩ ngợi; cô mừng thầm vì thấy con nhà khờ khạo kia, nhờ mình giáo hóa cho, ngày nay đã biết phân lời hữu lý.
Nhưng cái buồn của cô là cái buồn tất nhiên.
Trước kia cô vẫn tưởng rằng cách đối đãi tử tế và thái độ ôn hòa của mình không thế nào sanh ra điều rối rấm trong cái tình chị dâu em chồng.
Cô tưởng rằng mình sẽ là người hữu ích cho cái hạnh phúc gia đình, tự nguyện lãnh cái chức trách làm cho trong nhà luôn luôn được hòa thuận; nếu chị dâu còn thô thiển thì cô sẽ hết sức khôn khéo xử trí để cho trở nên một tay nội trợ xứng đáng của nhà mình.
Cô biết thế cảm hóa chị dâu, nhưng không tỏ dấu gì thông thạo hơn; biết khiêm nhường, biết thừa dịp, thì lẽ nào chị dâu lại hổ thẹn, hoặc đố kỵ mà không sẵn lòng chịu học?
Cô có ý như thế chẳng phải tự phụ. Không đâu! Vì cô đã có nghiệm nhiều lần. Thuở còn cặp sách vào trường cô đã ra công khuyên dỗ vài ba bạn học bỏ được tánh biếng nhác đi. Con nít lối xóm nhiều đứa thô lỗ, hư hèn mà nhờ cô răn dạy nên thành ra có tánh tốt.
Khó dồi mài hết sức là cái óc hư tệ của con Lê mà cô còn rèn sửa được thay.
Lại cũng ngộ: cha mẹ cô dường như cũng bị cái ảnh hưởng của cô mà thành ra đã vừa đúng là bực lương thiện lại vừa biết ăn ở hạp theo thời thế.
Có vầy chăng? Nhiều khi người lương thiện bỏ qua việc phải, vì không dè; hoặc có khi tưởng là làm phải, nhưng cái phải không nhằm chỗ… Gà phèn hột thóc, đem cho hột vàng, chỉ là một sự ngu.
Có thế nói rằng cô Dung như cái hoa hường đạp đẽ, thơm tho, mọc ở chỗ nào thì chỗ ấy thành cái hoàn cảnh xinh đẹp, có cái không khí thanh cao, khiến cho người được hấp thọ, lấy làm khỏe khoắn.
Kẻ có tài xuất chúng thường hay ưa cái khó khăn, hiểm trở, để như vậy thì mới có chỗ mà trổ ná. Mấy chú thợ khéo không vui lòng sửa dậu ngã, rào xiêu, bằng chạm trổ tường cao, cột cả. Mấy tướng có tài thao lược không ham lãnh phần gác cửa, canh trường.
Cô Dung không phải là mong cho có chị dâu hư mà dạy bảo. Nhưng, nếu vợ của anh Hai cô có thô lỗ, vụng về, cô rất sẵn lòng dìu dắt. Mộng tưởng êm đềm thay!
Nhưng than ôi! Đó chẳng qua chỉ là một cái lầm, cái lầm lớn của kẻ hữu tâm.
Đừng tưởng rằng ở thế gian nầy bịnh gì cũng có thuốc trừ; sự từng trải đã chỉ cho mình hiểu rằng chẳng phải hễ phàm là cây thì có thể chạm trổ được.
Thuốc hay mà bịnh trễ thì làm sao?
Khí cụ tốt mà cây mục thì làm sao?
Thiệt là khó liệu cho phần cô Dung… Cảnh nhà không dư dả nhiều, thói cần kiệm đã quen. Nay có một cô dâu giàu, chẳng biết tiết kiệm đồng tiền với ngày giờ, bấy nhiêu đã đủ cho cảnh kém vui. Nói ra thì sợ mích lòng nên cô Dung vẫn cứ mỗi ngày đi mua ăn, lui cui về việc việc bếp núc.
Chị dâu làm món ăn gì cũng không được, lại cũng không có ý gì lo làm cho đến được.
Ít lâu mình sẽ xúi chồng ra ở riêng. Cơm nước sẽ có đày tớ lo cho. Có tiền không biết mua sự thảnh thơi, vào bếp chi cho khói thui, lửa táp. Công việc ấy để cho con nhà nghèo. Trời sanh mình làm con nhà giàu là để cho cái phần thoa phấn, điểm son, mặc đạp, ăn ngon, hưởng cái điều vui thú trên đời.
Cô dâu nghĩ như vậy, cho nên bao giờ còn ở cửa nhà họ Nguyễn thì cũng vẫn để ý là cảnh ăn gởi nằm nhờ; chỉ lo độc thiện kỳ thân, trừ ra cái tình thương chú chồng nhum dễ xỏ mũi kia, thì không biết cảm gì đến ân bậu của ai hết. Bao nhiêu dầu thật tình yêu đương, cô ta đều nghi là sự giả dối trải mày của kẻ ít tiền đối với người dư của.
Tâm địa như vậy, lại gặp nhà toàn người hiền hậu, nên cô thường sanh thói dể ngươi. Ngủ trưa chẳng chút ngại ngùng, làm bể không hề bứt rứt.
Có khi, không ai biểu, mà nàng dâu giận hờn điều chi chẳng rõ, bước đùi đụi ra gánh nước, bửa củi. Bữa sau thì là đau gân, mỏi cốt, nóng lạnh, nhức đầu, về nhà cha mẹ ruột ở chơi ít tháng.
Nhưng vậy, đó chẳng phải là chánh là điều làm ra sự thảm cho cô Dung.
Cô chẳng phải gái ưa ăn không ngồi rồi; cô sớm biết sự cao quí của sự lao động. Từ khi có sự buồn riêng thì cô lại kiếm nhiều công việc mà làm, ép cái trí mình không được rảnh rang mà nghĩ đến nông nỗi. Có ngày giờ dư cô dạy con Lê may. Có lấy tiền bán những sản vật của chính mình làm ra, mà mua vải, sắm áo quần cho trẻ cơ hàn trong xóm. Chị dâu biếng nhác thì nàng có nhiều dịp đền đáp ơn sanh thành dưỡng dục chớ gì.
Điều khổ tâm cho cô là sự thất giáo của cô Thường. Chị ta không hề biết lỗi mình. Lắm khi lại vì muốn khoe cái hay, cái phải của mình tự tặng, chị ta bình phẩm thiên hạ một cách rất bất công, vấn đề mà chị ta hay nhạo đi nhạo lại, nhứt là “cha mẹ chồng kia ở ác, chị em chồng nọ gắt gao”, cách nói ý, xỏ xiên, khiến cho cô Dung nghe lấy làm khó chịu.
Khổ nhứt là nàng dâu hay nghi bậy; lại thường đem việc nhà chồng từ cái bát mẻ, c1i chén sờn mà học với kẻ khác; thành ra từ ngày cô ba có chị, mới nảy ra những tiếng ruồi, lắn, có thế làm cho tổn hại cái danh giá tốt của nhà cổ; nào: hà tiện, gắt gao, tham lam, tật đố …
Thông gia cũng vì vậy mà lạt lẽo nhau.
Có một lần bà Nguyễn rầy con Lê vì một sự hư hao, mà bà tưởng do nó làm ra. Chẳng dè là tại cô Thường. Cô dâu đương ngồi nhai bánh liệng món ăn đi, to tiếng trả lời, đến nỗi làm cho mẹ chồng phải nghẹn ngào, trộm rơi nước mắt.
Con Lê bất bình lắm. Nếu chẳng phải phận làm tôi tớ thì nó đã giảng một bài về cách ở đời cho mụ chị nghe rồi. Song nó biết làm vậy thì trái ý cô nó, nên phải làm thinh.
Từ đó cô Dung lại càng buồn nhiều.
Có một hôm, con Lê thỏ thẻ như vầy:
– Nè chị! Trời không đành nào xui cho người như chị phải buồn, bởi chị biết noi ý Trời mà làm điều phước thiện. Một người dưng kia giàu có, vô nhà mình nó quên nó cũng là người dưng, con nhỏ dại! Họ đã là kẻ vô ích lại còn khi thị mình, là nghĩa gì? Mà mình không phải là bọn thờ tiền chớ?
Cô Dung đáp rằng:
– Em xúi chị ở bậy sao? Chị biết có một điều ở phải mà thôi. Vả lại chị thường dặn em, chớ trách người mà chỉ nên trách lấy mình. Chị hai không thương mình ấy là tại mình không khéo đối đãi cho vừa lòng. Còn thoảng như mình hết tình muốn sự hòa mà không được ấy là tại phần mình xấu phước. Trời kia còn không khỏi cơn gió bụi, thì cái hạnh phúc nào lại được hoàn toàn? Em lại còn phải hiểu điều nầy nữa, là cái gì cũng có hồi, hết no đến đói, hết dại đến khôn. Nếu có điều chẳng ngờ mà ghét thì rồi có khi cũng lại chẳng ngờ mà thương, lẽ xây vần khiến vậy. Em đừng nóng nảy mà hóa ra hỗn hào. Chị buồn là lo cho cha mẹ khổ tâm, lo cho anh Hai vô phước về sau; chớ cái tốt, cái xấu của người lầm lưỡng cho mình, chị đây không kể, miễn mình cứ giữ vẹn lòng lành.
Cô Dung đại độ, lượng hảo như thế đó, mà chị dâu vẫn chẳng cảm động chút nào. Hai cái tâm địa khác nhau thì có dây liên lạc nào buộc lại được; khéo giữ lắm thì là khỏi xung đột là may.
Cô Thường lại có tánh hay ghen lạ lùng. Chính mình chị ta hay trây trúa, lả lơi, không biết phải cử chỉ thế nào cho ra vẻ con nhà đoan trang nết hạnh, thấy trai thì dòm muốn rớt con mắt; nói với đàn ông thì toan hoát, miệng cười, ưỡng ẹo, nhúng trề, vỗ vai, vỗ vế. Thế mà hễ khi nào chồng rủi đi một đường với cô nào, hoặc có dịp phải nói chuyện với đàn bà nào thì nàng liền nghi ngờ, buông lời bất nhã. Mới hay người vợ xấu nhứt là người vợ ghen vô lý, không xét suy.
Lần đầu, anh chồng ngáo, vẫn cười; nhưng lâu rồi lắm cơn phải mặt ủ mày châu rất là khó chịu.
Anh ta tự hối. Lỡ một đời mình bạc phước, vì lỗi tại mình chẳng lừa lọc. Sau nếu có con trai, mình nên chờ nó đến tuổi hai mươi bốn, hai mươi lăm mới tính việc hôn nhơn mà trước hết phải lựa bạn đồng tâm đồng tánh. Tốt hơn nữa là gia thế có hơi kém hơn của mình. Như vậy mới khỏi điều hối hận.
Người có học thức hay bất bình về quyền của chồng, không chịu cái câu “chồng chúa, vợ tôi”, vì như vậy là tội nghiệp cho đàn bà. Vả lại vợ chồng mà cư xử với nhau như gia chủ với tôi đòi thì cái cảm tình nó ra làm sao?
Thật thế. Có nhiều cái gương vùi hoa dập liễu, nhiều cái cảnh khắt khe của mấy trang hiền phụ, khiến cho ai trông đến, nghĩ đến cũng phải lấy làm bất bình.
Mà than ôi! Hình như đàn bà nước ta sanh ra để chịu uốn, chịu sửa như những cây kiểng kia: để tự do đâm nhánh nảy chồi, thì không thế nào tốt được.
Mấy cái phương pháp nghiêm khắc – có khi gần như dã man – của mấy ông chồng hủ lậu lại thường có cái kết quả hay!
Thấy ít khi nào mình cười với nội nhơn. Lúc ngồi ăn lỡ có thiếu món gia vị hay đồ dùng, thì thầy ném đũa dằng mâm; mặn lạt một chút là la rầy inh ỏi. Vợ không dám ngồi ngang, đừng nói chi là dám giỡn mặt; thế mà vẫn hết lòng yêu kính ông chồng.
Ông hay theo bè bạn, cờ bạc, rượu chè. Vợ khuyên lơn thì ông gắt ó, quát mắng om sòm, rằng đờn bà muốn đòi làm chủ. Vợ buồn chăng? Ông bỏ đi sáng đêm! Cằn rằn nữa chăng? Không thèm về nhà đôi ba ngày, thét lắm thì đôi ba tuần, một tháng! Cái gia cảnh như thế làm cho người đàn bà lấy làm tủi phận rầu duyên; nhưng lần lần cũng gui vẻ chịu được; cũng hóa ra kẻ đồng tâm cũng cộng ưu cộng lạc với chồng vậy.
Nông nỗi như thế chẳng phải ít. Thiệt đáng thương hại cho đàn bà. Nhưng trông kết quả thì họ như dây các đằng; leo nhầm cây sao, cây sến, hay bò trên vách sập tường xiêu, quí hồ có nước uống, có đất ăn là sởn sơ được!
Đại để, đờn bà là thế đó.
Gặp chồng biết yêu, biết trọng thì dể dui, lâu ngày lại sanh thói hỗn hào, sỏ chưn lỗ mũi.
Trách gì cái phong tục nghiêm khắc chẳng vẫn còn!
Trách gì đờn ông họ cứ muốn cho đờn bà nhắm mắt giữ chữ “tùng” đời đời kiếp kiếp!
Theo cái trí hẹp hòi của nhiều người đàn bà, khi thương chồng thì muốn sao chồng như con cá trong chậu, con chim trong lồng; cá nào, chim nào, muốn tự do, thế là hết thương họ đó!
Phải biết xem mòi, nếu trước mình không khéo xử, tùy cái trình độ của đàn bà mà để cho cái hạn tự do thì rồi vì tự do mà đến phải xấu hổ, đến phải gan tím ruột bầm!
Cô Thường lại rủi mà được cái tự do nói đó; cho đến khi kia cô bỏ đói chồng vì đức lang quân bị anh em cầm ở chơi trễ. Thấy chồng về, cô ngoai ngoải bỏ vào trong mà lầm bầm:
– Mê “con đĩ” nào mà không về ăn cơm cho kịp bữa, ai thức mà hầu hạ được. Sao không biểu nó về theo, dọn cơm cho mà ăn?
Cô Dung biết tánh anh, rất thương hại cho anh; đi hâm đồ ăn, dọn bữa cho anh, lại kiếm cớ nói đỡ rằng bởi chị dâu có việc nên mình lo thế.
Thấy vậy cô Thường càng thêm ghét, nói thầm rằng, em chồng làm vậy là có ý xúi chồng mình không kể đến vợ nhà – lại tiếp:
– Quân ngu như vậy, để sau làm mọi cho người ta.
Nhưng sau nầy thị ấy lại nghi thế khác.
Hôm nọ chị dâu, em chồng đi chợ. Có thầy ký nào quen thói khả ố, thấy cô Dung bèn thả giọng trây trúa:
– Ê! Ê! Ma se!
Và tỏ ra cách ghẹo chọc.
Cái hạng thầy như vậy thiệt là chẳng ít trong thời buổi nầy. Nhứt là trong mấy chợ quê mùa, cái người làm tồi phong bại tục ấy càng nghinh ngang hơn nữa.
Cô ba lo lựa hàng không hay, có cô Thường ngó thấy mà thôi. Chỉ có bấy nhiêu đó mà chị đề quyết em chồng có ngoại tình. Lấy làm đắc chí, mà cười thầm:
– À, tưởng ai chính chuyên, té ra ngày nay mới rõ,.. Hèn chi nó chẳng nịnh hót anh nó; không vậy thằng chả méc còn gì!
Người phải, ai có lo chi sự nghi quấy, tiếng đồn oan của thế thường; nhưng khốn thay! Hai điều ấy lắm khi là món thuốc độc rất ghê gớm giết được linh hồn người biết liêm sĩ.