Phần 01: Gái ngoan

Đầu nhà nghi ngút khói, trên nhành lác đác sương, thỉnh thoảng, lại đưa qua luồng gió mát. Mấy đóa hường mới nở hồi rạng đông, tươi tốt dịu dàng, dường như chúm chím môi son, mà cười chào khách yêu hoa vậy. Ai nếm được cái hương vị ngạt ngào ấy cũng lấy làm thú vị như được nghe lời tao nhã của bạn tri âm.

Đầu nầy, chim rủ bạn, góc nọ gà túc con. Nhà nông sắm sửa ra đồng. Ngoài lộ đã thấy kẻ gánh, người bưng mau chơn đến chợ. Cái quang cảnh buổi sáng ở chốn thôn quê nhắm cũng có thú vui đặc biệt.

Cô Ba đã thức dậy nãy giờ. Nhẹ nhàng gọn ghẽ như con chim quyên, làm cái gì đã vừa mau lại kỷ. Rửa mặt xong, cô nấu cháo, pha trà, đoạn đi phát lúa cho gà vịt.

Cô mặc quần lãnh đen áo bà ba trắng. Mí tóc chưa gở xũ mành trên trán làm cho cái gương mặt nhơn từ trông lắm vẻ yêu. Xem cô đứng giữa đàn gà vịt bắt tưởng tượng ra một vị tiên nữ nào đương thi ân, tế độ cho đám chúng sanh.

Khi song đường cô thức, cô bổn thân pha nước rửa mặt, dọn cháo lót lòng, rót nước, têm trầu, dũ xếp mùng mền rồi mới sửa soạn đi chợ.

Tánh cô không thích se sua trang điểm, nhưng cô ăn mặc đơn sơ chừng nào coi lại càng thêm xinh, đánh kính đáng vì, khiến cho bạn đồng niên ai cũng phải thật tình yêu đương, không có chút gì ganh gổ.

Cô cắt việc cho con đòi:

– Nầy em. Ở nhà em rửa chén, quét nhà giùm chị, nghe em.

Con Lê vì ngủ trưa nên hơi mắc cỡ:

– Sao chị không kêu em thức sớm với? Em dậy, công chuyện đã làm hết rồi. Báo hại, em mắc cỡ gần chết!

Nói rồi ngáp mà cười. Cô Ba cũng cười:

– Có hề chi! Thấy hồi hôm em thức khuya nên sáng chị để em ngủ nán cho khỏe, ngủ không đã giấc, ngây ngật lắm em à! Như em ưa thức sớm để bữa khác chị kêu cho. Thôi chị đi. Trưa rồi.

Hai vợ chồng ông Nguyễn Công Phát có một trai và một gái là cô Ba, chánh tên là Nguyễn Thị Dung; thật tình rất hạp với tên; ông bà yêu cô lắm.

Bà ngồi cùng ông uống nước, thấy cô Dung ra khỏi ngõ, chì theo mà nói với chồng:

– Tôi thương con gái tôi vô cùng đó ông. Không cần gì giàu có hơn người, miễn đủ ăn mà được con hiếu thảo thì là cui lòng hả dạ. Mấy bữa rày con Ba tôi nó cực nhừ, ông có thấy không? Gần tới đám cưới thằng Hai, nên nó lo. Bữa nào cũng thức khuya, dậy sớm. Nó dành làm, không cho tôi dự việc gì hết. Nó nói nó chịu cực ít bữa rồi thì có chị Hai của nó về chia công việc với nó chớ gì! Nó lại nói lẽ: “má già rồi, nghỉ cho khỏe; má ăn ngon ngủ ngon tôi mừng thì đủ rồi; tôi không biết cực”. Năm nay tôi già lắm sao mình?

Ông vuốt râu cười:

– Già mà còn duyên!

– Ối thôi đi ông! Đến tuổi nầy mà còn diễu, không sợ trẻ nghe nó cười. À mà, ý ông tính sắp đặt đám cưới thằng Hai thể nào, nói cho tôi nghe thử? Tôi lo quá!

Hai ông bà bàn tính. Cô Ba đi chợ về, con Lê chạy ra mừng rồi cùng nhau lo việc bếp núc.

Tưởng trên đời hoa nào đẹp hạng nhứt, ngọc nào quí hạng nhứt, cũng không bằng “có duyên” nhứt là người đàn bà.

Có duyên nầy chẳng phải là mắt hay liếc, miệng hay cười. Cái duyên là cái hương vị ngạt ngào của tấm lòng vàng, của cái linh hồn cao thượng. Lời nói hữu duyên, như khúc đờn tiền, non nỉ thâm trầm, như giọt nước cam lồ có thể chữa được vít thương đau đớn. Cái duyên không phải là món bắt chước ở đâu; nó cốt ở lòng, cũng như mùi thơm tự nghiên của hoa cốt ở nhụy. bắt chước làm điều mình không thật muốn, hoặc mình không có tư cách làm, là sự giả dối, trông lắm buồn cười.

Cô ba thốt lời chi cũng chẩm rãi cẩn thận, thật thà mà có thanh tao, suôn sẻ mà có ý vị, khiến cho người cao sang hơn nghe cũng kính vì, mà kẻ thấp thỏi hơn càng cảm phục. Người như vậy dầu nuôi loài vật ngu si cũng có thể cảm hóa được.

Con Lê là con nhà đê tiện; thèo lẻo, láo xước, gian ngoa, hỗn hào. Giá nó gặp ai thì ngày nào cũng không khỏi bị rầy la đánh đập. Nhưng từ ngày vào giúp việc nhà cô Ba thì tánh nết nó khác hẳn; biết lễ nghĩa, siêng năng, có thể nói rằng nó thương chủ nhỏ nó hơn chị ruột; vì vậy nên nó hay làm chung, đi chung với cô Ba; vắng cô trong giây lát nó cũng buồn.

Lúc lặt rau, nó hỏi:

– Nè chị Ba! Nữa vợ anh Hai về đây, chị thương không?

– Thương chớ! Trời khiến vậy đa em. Hồi còn người dưng thì chẳng nói gì, chớ bây giờ hễ nói đến tiếng “chị Hai” thì lòng chị đã sanh mối cảm tình. Vì sao có sự cảm ấy, em có biết không? Thứ nhứt, vì chị Hai thương anh Hai và thương cả nhà mình, nên mới ưng về làm dâu; thứ nhì, là chị Hai sẽ là người đồng chia vui chia buồn với mình; nếu khéo cư xử với nhau thì như ruột thịt vậy.

– Nghe nói phía bên chị Hai giàu lắm, phải không?

– Giàu. Nhưng em phải hiểu rằng chẳng phải tại cái giàu đó mà anh Hai ham, mà mình thương. Điều nên chuộng là sự khôn khéo, biết kính cha mẹ, biết thờ chồng, biết hòa thuận với bà con và biết cả nữ công nữ hạnh. Cũng có nhiều khi vì bên chồng ở gắt gao, em chồng ác nghiệt mà thành ra người dâu không được trọn hiền. Chị khuyên em hãy noi theo chị mà yêu kính chị Hai, nhứt là lúc chị Hai mới về còn đương bợ ngợ, còn đương nhớ quê nhà, mình phải khéo cách đồi đãi cho người khỏi có điều chi tủi phận. Ủa! Nói chuyện thì nói lặt rau thì lặt, chớ buông đó mà nhìn sao bậu?

Con Lê cười; bưng rổ rau đứng dậy.

– Em lặt rồi chớ! Thấy cái miệng chị dễ thương quá nên em nhìn quên thôi. Thiệt em thấy mà muốn hun hết bực. Chị như vậy thì lo chi sau nầy chẳng được chị em phía bên chồng kính yêu.

– Ối! Đừng nói xàm! Có rửa rau xong thì gọt mướp, rồi chị nói nữa cho mà nghe.

Cô nói:

– … Cũng thật đó chút, nghe em; mình ở phải thì tự nhiên gặp phải. Nhưng trước hết mình phải rõ phận làm dâu, phải biết tùy gia phong của người mà ở cho vuông tròn như vậy cha mẹ mình khỏi buồn thẹn vì lời dị nghị, chê bai; sau nữa không uổng cái tình của chồng yêu đương; vậy mới khỏi bị khinh rẻ.

Nói đến đó cô ba nghe phía trong có tiếng:

– Chả! Cô dâu đó được quá há! Có khách tới kia kìa, nấu nước, têm trầu giùm cái!

Nàng biết mẹ đã nghe và nói bỡn mình nên mắc cỡ; vội vàng đứng dậy đi vô, bẻn lẻn cười mà ngó mẹ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!