Hồi thứ 05

Tô Thường Hậu chịu hàm oan nơi ngục thất

Hồn Đào Anh đội trạng cáo giữa công đường.

Quan Phủ doãn trước đã muốn cho đặng lòng Hồ Quốc Thanh, sau nhờ người giúp đỡ, nên đã sẵn lòng tra khảo Tô Thường Hậu cho ra, để kết án tử hình, xử quyết Tô Thường Hậu. Tính vậy mà chưa kịp dẫn Tô Thường Hậu ra vấn tra, đã thấy có bạc và thơ Hồ Quốc Thanh gởi sang, căn dặn tra cho đến lẽ, thì quan Phủ ngụ ý biết Hồ đô đốc quyết chẳng dung tình, muốn cậy tay mình, lại còn thúc hối; bèn cười rồi dạy quân lính dẫn Tô Thường Hậu ra giữa công đường tra hỏi.

Tô Thường Hậu đến giờ này hãy còn tưởng mình vô tội luôn, nghĩ cho bất quá là một vụ vu oan để nhờ mình quan tra xét. Cho nên tuy bị giam cầm nơi ngục, từ ấy những giờ mà lòng chưa ngả lòng, dạ không lấy chi làm buồn dạ. Chàng ngỡ lấp sầu tình, gượng gạo tới lui đứng ngồi tỉnh táo, để mà chờ lịnh quan đòi hỏi.

Bởi vậy khi lính vào mở còng dẫn ra. Tô Thường Hậu mặt có sắc vui, nói cười rất tỉnh, xem dường như Tô Thường Hậu không nao núng chút nào. Ra tới giữa Phủ, là chốn thịt nát xương mòn, từ xưa những nay nhiều tay gan sắt mình đồng, ra tới đó còn phải kinh tâm táng đởm thay; huống chi Tô Thường Hậu là một người con nhà giàu, lại thêm tướng tá học trò chưa từng chịu đòn roi mũi vọt, lẽ đâu lại chẳng sợ run.

Biết vậy mà Tô Thường Hậu ra tới phủ, mặt không biến đổi sắc chàm, lòng cũng không hồi hộp, chàng cứ việc ngồi suy nghĩ một mình, mắt nhìn tứ cố; nhìn khắp hết rồi chàng lại ngó ngay vô giữa phủ đường mà xem; chàng thấy những đồ nghề của quân nha lại bất lương sắm để sẵn mà chờ tra khảo người cho đổ máu. Thấy vậy chàng lại mỉm cười và thầm nói:

“Ta phạm tội gì mà bắt ta còng trói đêm ngày, lại còn dẫn đem ra tra khảo? Còn như lũ gian ác, lấn thế ỷ quyền cậy phép nước aoi vua mà áp chế người lấy của; thật rõ ràng là lũ hút máu người, cớ sao luật đâu, phép đâu lại nỡ dung dưỡng, không bắt nó ra làm tội?”

Nói tới đây bỗng nghe có tiếng gọi gọi vào; lính bèn dẫn Tô Thường Hậu vô để ngồi giữa nhà chờ quan tra hỏi. Tô Thường Hậu mặt ngó lên, thấy giữa có một vì quan ngồi; hai bên có lính hầu, thêm giáo đóng hàng chầu, oai nghiêm tỏ rõ.

Tô Thường Hậu liếc xem tướng diện quan phủ, coi ra người thuần hậu hiền lương, thì có bụng mầng cho mình gặp đặng minh quan, minh giùm oan khúc. Nào hay chỗ tưởng của Tô Thường Hậu quá lầm. Mầng khấp khởi chưa qua, bỗng nghe có tiếng quan phủ gọi mình bảo phải khai cho thiệt.

– Tô Thường Hậu, ngươi thiệt tên họ là chi, quê quán ở đâu, cha mẹ làm nghề gì, người làm nghề gì trôi nổi tới tỉnh này hồi nào, vào chùa hồi nào khai cho minh bạch?

Hỏi bộ coi dữ tợn, tiếng tăm rang rảng, mắt trừng như cọp nọ nhìn mồi; Tô Thường Hậu nghĩ biết mình lầm rồi, khun thế vẫy vùng khỏi tội, Tô Thường Hậu mới bẩm:

– Bẩm quan lớn, tớ thiệt họ Tô Thường Hậu, quê quán ở Quế Châu, nhà cha mẹ sang giàu, của trăm muôn dư để, bởi cha mẹ tớ sớm mất đi rồi không ai kềm thúc, tớ mới đi xứ kia sang xứ nọ, dạo xem cho khắp giang hồ, trước là dạo cảnh xem người, sau lựa chỗ chọn người cưới làm nội trợ. Rủi tớ đi tới đây, tớ ngụ nơi khách phòng, một bữa tớ dạo xem phường phố, để đồ đạc ở phòng bị gian nhân đoạt hết chẳng còn; đồ đạc không còn; tiền bạc cũng không, lại thêm tứ cố vô thân, tớ không biết tính sao về xứ, đã vậy lại còn thêm chủ phòng không chịu chứa, biết chi đắp đổi cho qua túng thế, tớ không biết liệu sao, tớ phải cam phận xuất gia, vào chùa nhờ cơm Phật. Tớ mới vào ở đấy chưa đầy một tháng nay, Bẩm thượng quan, rõ ràng họa gởi tai bay, tớ vốn thật người ngay mắc nạn!

Quan phủ:

– Chưa, ta là hỏi đến đó đâu mà mi la oan. Oan làm sao mà mi gọi oan? Đã bắt đặng quả tang, còn chi nữa mà la oan than ức. Ta thật chẳng muốn nghe mi nói tới tiếng oan. Ta chỉ muốn chi mi thuật rõ sự này cho ta nghe.

Mi cạy hòm phá nắp hồi nào, cắp của trộm đồ với ai; có ai bày biểu cho mi chăng, hay là một mình mi sắp đặt? Mi cứ thiệt khai ngay cho ta nghe thì hay hơn là đợi quân lính phải nhọc công tra khảo. Dùi nọc với roi da kia mi có thấy chăng?

Nghe mấy lời nghiêm khắc của quan phủ, Tô Thường Hậu ngước mặt lên liếc ngó quan phủ mà thầm nói rằng: “Thuở nay chưa từng quen biết, mà cũng chưa từng gặp gỡ lần nào, cớ sao quan phủ lại tỏ lòng sâu hiểm với mình, làm in như tuồng mình đã có làm mích lòng Ngài, nên Ngài để dạ oán thầm, chờ cơn trả thù thâm cho đặng, nghĩ thật cũng khó mà dò đặng đáy lòng sâu độc của Ngài. Bằng chẳng vậy, có lý đâu khi mình mới bước vào, Ngài vừa thấy mặt, thì Ngài đã hầm hầm ống huyết ăn gan; vả lại việc chưa vấn tra chưa rõ ngay gian, Ngài buộc quyết, vì có gói đồ tang đã sẵn.”

Tức mình, Tô Thường Hậu mới bẩm:

– Bẩm qun lớn, tớ đâu có rõ việc cạy hò trộm báu ấy đâu hòng biết có ai bày biểu. Thật tớ mắc ngủ không hay biết đặng lẽ gì. Chừng sáng ra, quan phủ tới phòng, xét bắt đặng đồ tang, tớ ới hay nông nỗi. Chẳng rõ có ai oán tớ, quyết vu oan giá họa thế ni, thật rõ ràng họa gởi tai bay, xin quan lớn xét giùm cho tớ nhờ, chốn ly tiết lẽ đâu chẳng có người ngay mắc nạn.

Quan phủ nghe dứt liền đập bàn xô ghế, trợn mắt,  nghiến răng; ngó Tô Thường Hậu lườm lườm như cọp đói ngó mồi rồi lại đưa tay chỉ ngay mặt Tô Thường Hậu mà khoát mắng rằng:

– Cha chả! Mi làm ra có đỗi ni, tang chứng ràng ràng, mi còn dám chối rằng mi không biết?

Mắng rồi quan phủ xây mặt qua bên tả, kêu lính và nói một mình rằng: “Giấu ta ta sẽ liệu bề giấu cho!”. Tức thì có lính chạy vào, đứng khoanh tay chờ lịnh.

Quan phủ mới bảo:

– Quân bây đâu, căng dùi nọc nó ra mà tấn cho ta coi nó có chịu không cho biết!

Quan phủ chưa kịp dứt lời, bỗng nghe tiếng dạ rân, liền theo đó quân áp lại kéo cổ Tô Thường Hậu đè nằm dài mà căng dùi nọc. Tội nghiệp cho Tô Thường Hậu tứ ấu chí trưởng thành chưa từng chịu khổ hình, nay chẳng may vị một chữ tình mà phải kẻ vu oan, nguyệt minh nan chiếu, nên nỗi, quân vừa đóng nọc, tay chơn kêu rấm rắc, mới căng ra mình mẩy đã chết tê, thảm thay, đứt ruột rà đôi giọt lệ chảy dầm dề, ráng gân cốt nghĩ ghê quá đỗi. Roi đơm ngọn đôi bên quất xối, gan dạ nào chịu nổi không la, cả mình đều đổ máu xể da, đá cũng nát huống là xương thịt!

Tô Thường Hậu chịu không nổi ban đầu còn kêu khóc xin tha, lính quất riết một hồi chàng nằm thiêm thiếp coi ra đà chết giấc. Thấy vậy, quan phủ dạy mở Tô Thường Hậu đem ra đổ thuốc cho chàng tỉnh lại. Hầu lâu Tô Thường Hậu mới lấy hơi thở ra, giây phút lại cựa mình rên siết.

Cách chừng một giờ đồng hồ mới tỉnh, Tô Thường Hậu mở mắt ra thấy mình nằm ở giữa khám đường, dòm tứ phía không ai, lại đau đớn cựa mình đà không nổi, thì chàng lấy làm lạ lắm. Chừng dòm lại mình, thấy quần áo tả tơi vấy đầy những máu, chàng mới hay mình bị tấn tra rách thịt xể da; trời đất ôi khúc oan này ai có thấu chăng là, thân chưa biết còn phải ra sao nữa!

Còn đang than khóc một mình, bỗng đâu có quân vào dẫn ra, đem để vấn tra lại nữa. Bấy giờ Tô Thường Hậu sợ đà thất thanh, thấy mặt quan phủ đã hết hồn, ví chẳng khác chim nọ bị cung nghi bóng. Chàng chẳng hề dám liếc ngó tới mặt quan phủ như lúc ban sơ, chàng cứ ngồi ủ mặt châu mày, cúi mặt ngó ngay xuống đất. Chập lâu, nghe quan phủ kêu hỏi lại nữa:

– Tô Thường Hậu, mi còn chối cãi lẽ nào nữa thôi? Tang án sờ sờ, ta đã thương mà biểu mi chịu thiệt khai ngay đi cho rồi, cho khỏi nhọc lòng quân tra tấn; cớ sao mi không chịu thiệt, còn dấu diếm ngả nào, mi phải biết, mi nhẫng dầu có tài xa chạy cao bay, cũng khó nỗi giấu, vì một lẽ lưới thưa mà khó lọt. Thà mi chịu thiệt đi, ta liệu bề châm chước cho chẳng là hay hơn sao? Nếu mi không ăn năn, chối hoài, ta luống sợ cho mi, bị tra khảo mà nan tồn tính mạng đó mi.

Quan phủ nói rồi lại dỗ:

– Ta xem tướng diện mi chẳng phải là gian nhân, tướng của mi dầu không phải con nền phú hậu, bực tài danh, thì mi cũng là bực học sanh tốt nghiệp. Không lý mi làm sự tế vi ấy đâu. Đây chắc mi nghe lời ai biểu ai bày, không cũng có tay xúi giục. Mi hà chẳng tưởng mi khai thiệt cho ta bắt hết mà làm tội, để cứu giải mi khỏi tội sao?

Tô Thường Hậu liền bẩm:

– Quan lớn ôi! Oan tôi lắm quan lớn ôi! Chuyện nầy đây tớ thật không hay, đâu có kẻ mưu bày kế biểu. Quan lớn ô, họa ở đâu không hiểu, đem tới vu cho tớ chịu hàm oan, phận hèn nầy xin nhờ lượng minh oan, may thoát khỏi tai nàn cùng chẳng!

Thảm thay, Tô Thường Hậu kêu oan bao nhiêu; làm cho quan phủ nổi giận bấy nhiêu; mà hễ quan phủ giận thì dạy tấn tra thì Tô Thường Hậu rách thịt xể da, chịu không thấu một ngày chết dư ba bốn bận.

Quan phủ nghe Tô Thường Hậu từ chối nữa thì dững mày trợn mắt vỗ bàn vỗ ghế má quở van rằng:

– Tang chứng rõ ràng, mi còn kêu oan than ức mãi sao? Có họa là phần số mi đã hết rồi, phải thác giữa này về tay ta tra khảo, mới là khiến cho mi khăng khăng một lòng quyết hẳn; chớ có lý đâu đã bắt đặng đồ tang tại phòng mi, mi muốn đổ tội cho ai mà mi không gánh chịu. Hay là mi nói chúng tăng dứt néo bửa hòm mạng phụ, lấy đồ đem mà giá họa cho mi?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tớ không dám nghi chi chúng tăng vu oan giá họa cho tớ, song tớ quyết hẳn rằng, chẳng rõ có bởi đâu, có kẻ ghét vơ, mong hại tớ, làm ra cớ đổi thật tớ chẳng phải hạng người làm đến điều di xú bách niên. Vả lại, Hồ Lăng biết tớ chẳng phải là người xa lạ chi với Hồ phu nhơn ..

Quan phủ:

– Khoan, mi nói cái gì mà mi không xa lạ chi với Hồ phu nhơn, nói lại cho ta nghe thử?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tớ tuy chưa hề biết mặt Hồ đô đốc ra sao, chớ như Hồ phu nhơn, mấy phen đến chùa dưng hương tớ cũng đã mang ơn rất nặng, lý nào tớ nhẫn tâm làm sự tế vì như thế. Tớ tưởng cho Hồ Lăng, vì đã gần tớ nhiều ngày, biết rõ tới là người phải quấy. Nếu quan lớn muốn đòi Hồ Lăng mà hỏi thì tường.

Quan phủ:

– À há! Mi tưởng Hồ Lăng chưa có khai đây sao? Này, mi hãy lóng tai, ta đọc lời Hồ Lăng cho mi nghe.

“Trong đêm mồng sáu rạng mặt mồng bảy, lối bước đầu canh ba, tôi Hồ Lăng là người của Hồ đô đốc sai lên Bảo Anh tự ở mà coi chừng quan tài, tôi có nghe và thấy rõ trong giờ ấy Tô Thường Hậu đạo nhơn, ra chỗ quàn mạng phụ mà làm chi khua động, lúc trong chùa lặng trang như tờ. Tôi vừa bước ra coi, thì Tô Thường Hậu đã vào liêu mà ngủ. Tôi thấy hòm dứt néo cạy nắp, tôi thất kinh, chẳng quản bờ bụi chông gai, canh khuya đàng vắng tôi chạy tuốt về dinh phi báo cho lịnh trên tường tất”.

Đó, lời khai của Hồ Lăng như vậy đó, mi còn nài đòi hỏi Hồ Lăng nữa thôi? Mà mi có lúc canh khuya, ra chỗ để quan tài Hồ phu nhơn mà làm gì khua động chăng?

Nghe dứt lời khai của Hồ Lăng, nghe tới câu hỏi của quan phủ, Tô Thường Hậu đứng chết sững dường như người có xác không hồn, ví tợ kẻ còn mơ trong mộng. Chàng, giây phút tỉnh lại, nghĩ ra mới biết Hồ Lăng đa trá dòm hành; muộn rồi, ăn năn thì sự đã rồi, tại bởi mình quá tin nên mắc. Bấy giờ biết chối cãi lẽ nào cho qua. Mà cũng không lý mình chịu thiệt sự tình của mình với Hồ phu nhơn, chịu như vậy mình đã chẳng cứu nổi thân mình, mình lại làm nhục cho người mình thương, đã thác xuống cửu tuyền, còn không an nhắm mắt. Nghĩ vậy rồi Tô Thường Hậu bèn cúi lạy quan phủ mà bẩm rằng:

– Tớ chẳng hiểu sao mà Hồ Lăng, lấy nghĩa làm thù lấy ân làm oán mà khai vãi cho tớ như vậy; chớ thật tớ có ra chỗ quàn thây mạng phụ làm gì trong lúc thâm canh cho khua động. Có họa là Hồ Lăng thấy ai mà tưởng lầm là tớ sao chớ. Vả lại tớ cũng đã lớn khu, tớ dầu có bụng gian tham cắp của hồn ma đi nữa, tớ dại gì không đem mà giấu đâu, lại nhè trong phòng mình mà giấu. Một cớ ấy, tưởng cũng đủ mà khiêu dạ minh quang, quyết đoán ngay gian hai lẽ; phận tớ, không còn biết cãi lẽ nào!

Quan phủ nghe qua cũng iết lời cáo là lời hữu lý, song quờn tước của Hồ Quốc Thanh lớn hơn, bạc với thơ quân bưng đem qua cho kia, mạnh hơn, không lẽ vì một cớ nhỏ mọn ấy đủ giải nghi mà nhắm mắt bỏ qua cho mích lòng người trên trước. Cho nên quan phủ tỏ hình như “đói bụng điếc tai”, Tô Thường Hậu nói chi cũng trối thây, cớ việc ép biểu khai mình có.

Một tiếng trối của Tô Thường Hậu đủ làm cho quan phủ chuyển lôi đình chi nộ, phấn lịch chi oai, truyền cho quân cứ đánh khảo hoài, tội nghiệp cho Tô Thường Hậu, mình mẩy xể xài, mặt mày rách nát. Một ngày chết đi sống lại không biết mấy lần. Có khi bị đánh chết giấc cả đôi ba khắc đồng hồ, chừng vực hồn lại, tỉnh ra Tô Thường Hậu khóc và thầm than: “Hồ phu nhơn ôi! Có hay nông nỗi!”

Tô Thường Hậu khi nào tỉnh, nằm một mình nơi ngục thất, nghĩ đến khúc oan, thì lấy làm tức giận bồi hồi, xốn xang gan tấc. Chàng thầm xét sự tình của chàng với Hồ phu nhơn đã cùng nhau chung chạ đứng ngồi, ấp yêu chăn gối, tình nghĩa mặn nồng kể không xiết nổi; lại thêm đôi đàng còn để nguyện cùng nhau mái tóc không dời, lòng tơ chẳng đổi, quyết cùng nhau chung gối trọn đời; có dè đâu, bình địa ba đào, khiến nỗi cây cao vội ngã; làm cho đường ngỡi nhân đã lấp, còn chi mong đem tơ loan chấp chới kim lành; từ đây kẻ dương gian người âm kiển đã đành, còn chi đợi yến anh vầy hiệp.

Đã vậy lại còn phải mang lấu cái tai bay họa gởi, của ai đem giá họa vu oan cho chàng như vầy đây; chàng nghĩ không lý chàng đành tiếc chút thân khốn đốn nầy nữa chi mà làm nhục cho người đã thác xuống suối vàng không an nhắm mắt, nên nhiều khi chàng sợ sống thừa, mà phải chịu tấn chịu khảo, nát thịt tan xương, nên nhiều khi chàng muốn liều mạng quyên sinh cho rồi, sống chi cho khổ.

Chàng tính muốn va đầu vô tường mà thác cho rồi; nhưng bởi lính tráng canh giữ nghiêm nhặt quá, không để nới ra một phút nào làm sao cho đặng. Phần lại cổ mang gông, tay mang còng, chơn mang xiềng, day động đà không muốn nổi, làm sao mà tự vận cho đặng.

Có lúc chàng lại muốn vì tính đã hết kế mà không nên một kế nào, chàng lại muốn nhịn đói nhịn khát mà thác cho rồi, sống chi phải chịu khảo chịu kẹp, chịu đòn chịu bọng, một ngày đôi ba bận.

Bởi chàng còn mối nào đây, nên chàng tính đặng, phải để vậy mà chịu mình mẩy nức nở như trái dưa gang, thân hình như nộm nang, càng bữa lại càng rút rỉa. Quan phủ ban đầu còn mỗi ngày mỗi đem ra khảo, sau lại vài bữa tấn một lần, trông cho chàng chịu tội cho rồi, đặng có lên án tử cho vừa lòng Đô đốc.

Chẳng biết Tô Thường Hậu là mình đồng gan sắt chi mà khảo chừng nào thì khảo, chàng cứ việc trơ trơ như đá. Chàng cứ khóc kể kêu oan than tức vậy hoài. Kể đã dư một tháng trường, quan phủ tra hoài không ra mối. Ngài không biết liệu sao kết án hành hình. Túng thế, chàng phải để vậy mà khảo cầm chừng và hẹn lần, rồi xin thuyên nhậm.

Chẳng khỏi bao lâu, có quan phủ khác lại thề; Tô Thường Hậu nghe đồn có lòng mầng trông mong đặng một vị minh quan, tra ra giùm khúc oan, cứu lấy thân khốn đốn này ra khỏi nơi tử địa. Ngặt nổi Tô Thường Hậu trông mong bao nhiêu, Hồ Quốc Thanh cũng trông cậy bấy nhiêu; hễ có quan mới tới nhậm, thì Hồ Quốc Thanh cứ chơi miếng cũ hoài; là viết thơ phong bạc để vô khay sai quân bưng tới.

Bị vậy mà quan phủ mới nuốt ọt rồi cũng ngả theo phe với Hồ Quốc Thanh, cũng cứ tra tấn ép biểu Tô Thường Hậu phải mau chịu thiệt đi cho rồi, đặng ra làm án.

Tô Thường Hậu cũng cứ việc chối dài, một hai không tội. Quan phủ này tra khảo lại càng độc hơn, dữ tợn hơn. Muốn cho đặng lòng Hồ Quốc Thanh, ngài dạy lính nướng kềm cho đỏ mà kẹp vế non, chế dầu lửa vô chơn mà đốt. Tô Thường Hậu khóc la thôi dậy phủ, chết giấc một ngày không biết mấy lần.

Làm dữ vậy mà đi lại rồi tra cũng không ra, tính phải nhắm mắt bỏ qua như quan phủ trước. Rốt cuộc không làm chi nên việc rồi cũng lật đật xin đổi đi liền.

Cách ít bữa sau, nghe đồn có quan phủ Trang Tử Minh đáo nhậm. Nghe đồn ai nấy đều để ý tới xem. Thật đáng mặt một vị minh quan, diện mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm. Ngoài ra còn nghe, ngài có tánh cang trực phi thường. Ngài hay thương những đấng anh hùng những tay hào kiệt. Chẳng hề biết vị giàu hiếp nghèo, sợ mạnh hiếp yếu bao giờ!

Tô Thường Hậu lòng mầng khấp khởi, chắc rằng đặng một vị minh quan như Ngài, nỗi oan nầy sao cũng đặng minh; vì thuở nay đã có nghe danh Ngài chẳng kém tái Bao Công, việc xử đoán một mảy lông không qua lọt.

Tuy vậy mà biết vậy ai tỏ hết khúc oan của mình Ngài nghe! Tưởng cho Ngài dầu có lòng công bình chánh trực thế nào, soi sáng cách nào đi nữa thì bất quá như mặt trăn mặt trời vậy thôi; mà nhật nguyệt tuy minh phúc, hồn còn nan chiếu thay, huống chi Ngài cũng người phàm mắt thịt như ai; nếu ai không cậy đặng tay, đem khúc độc giải bày, để cho nó cứ theo khai báo và giấy tờ nội vụ mà vấn tra phân xử, thì cũng khó nỗi trông cậy Ngài là tay cứu vực người ngay, ở chốn ly tiết này mắc nạn.

Nghĩ đến điều, Tô Thường Hậu lại nhớ Hồ phu nhơn có hiện hồn về kêu mình bảo phải mau dời gót lánh mình, rõ ràng nàng thật anh linh, chết rồi còn hiển hiện nhưng bởi tại nơi mình nặng vì tình ngồi mà ngẩn ngơ, cứ để diên trì, mới ra nông nỗi. Phải mình tin theo lời xá kíp lánh thân, thì có đâu mắc vòng lao lý.

Ngồi nhớ lại mà xét nét vậy rồi chàng lấy làm ngậm ngùi, thương tưởng Hồ phu nhơn; mà hễ chàng thương Hồ phu nhơn bao nhiêu, tưởng Hồ phu nhơn bao nhiêu, thì chàng lại càng:

Ôm lòng đòi đọa xa gần,

Chẳng vò mà rối, chẳng vần mà đau.

Tô Thường Hậu nằm co duỗi nơi ngục hình, rên xiết một mình, khóc than khun xiết. Hết hồi khóc rồi chàng lại gắng gượng dậy ngồi, ngước mặt ngó ngay lên khoảng trống mà xem trời, trong lúc nhật xế tây đài, mây đỏ mây xanh cuộn bay lấp núi.

Ngồi ngó mênh mông một hồi rồi chàng thở ra, nhìn lại cái gông trên cổ, cái còng nơi tay, mình mẩy xể xải, áo quần rách rưới, thì chàng lấy làm khổ tâm sầu não biết bao. Đã vậy chàng lại còn sực nhớ đến mỗi ngày dẫn ra vấn tra hai buổi, chết giấc mấy lần, chàng lại càng đau đớn tấc lòng, đổ giọt máu theo nước mắt.

Chàng thầm vái Hồ phu nhơn, có khi chàng lại gọi đến hồn Đào Anh có linh xin chứng. Có phải số mạng chàng đã tận, khiến cho tới đến đây cuộc thế phủi rồi, nợ tình trả sạch thì xin hãy giúp cho chàng dìu dắt giùm hồn chàng di lộ xa chơi; còn như số mạng của chàng hãy còn dài; ân oán có ngày bồi đắp, thì xin hiện hồn về mách giùm cho án quan, rõ thấy cơ gian, minh oan cho đặng: kẻo để thân này, Hồ phu nhơn ôi, Đào Anh ôi …

– Dạ …

Than thở tới đây thình lình Tô Thường Hậu nghe tiếng chủ ngục kêu, bèn liền đáp dạ. Dạ rồi chàng lại nghe lời chủ ngục truyền rằng:

– Có lịnh quan lớn đòi, ngươi hãy ngồi dậy sửa sang theo vào hầu cho kíp!

Tô Thường Hậu liền vâng, gượng dậy bước ra, thu ba đổ giọt. Cái giờ khổ tâm cực xác, đau dạ xốn lòng đã đến trước mắt rồi!

Đây nói đến quan phủ Trang Tử Minh vẫn là người sanh trưởng ở Quế Châu, con nhà hàn vi, học hành nổi tiếng. Năm hai mươi hai ruổi ra thi ngài chiếm thủ khoa; nhưng bởi nhà nghèo không có tiền đi lễ, nên ngồi nhà trót năm mới đắc chỉ tri phủ Tứ Xuyên.

Ngài nhậm tỉnh này trót dư bảy năm, dân trong tỉnh, nam phụ lão ấu gì cũng yêu mến ngài, còn trộm cướp bốn phương phẳng lặng; cũng vì ngài là một vị quan đúng mực thanh liêm, lại có tánh công bình chánh trực. Chẳng hề ngài vị quyền thế hay là vị của hối mà hiếp kẻ có thế yếu đuối bao giờ.

Lúa đang ở an tại Tứ Xuyên, bỗng không có chỉ tuyên ngài qua Tô Châu bổ khuyết. Bá tánh thì thương tiếc Ngài mà khóc, còn ngài cho làm quan đâu cũng vậy nên ngài vui cười mà sửa trấp ra đi.

Qua tới Tô Châu, trước hết ngài lo ra mắt văn võ các quan trong tỉnh nhứt là các quan có quyền tước lớn hơn ngài.

Trước hết Trang Tử Minh đến ra mắt Hồ đô đốc, đặng Hồ đô đốc tiếp đãi một cách trọng hậu lắm. Trang Tử Minh thầm nghĩ mà khen Hồ đô đốc là một vị anh hùng, xử thế ít có tay bì kịp; ngĩ vì phận mình làm quan phủ doãn nếu muốn đem tước phẩm mà so sánh nhau, thì một cao một thấp, một lớn một nhỏ khác xa; mà nay mình đặng Hồ đô đốc tiếp đãi hậu tình như vầy, thật ân rất trọng; thuở nay chưa gặp đặng một vị tương quân nào mà ăn ở khiêm cung như ngài.

Bởi vậy đôi đàng thuở nay chưa từng gặp gỡ nhau, mới biết mặt nhau một lần mà coi ý Trang Tử Minh cũng dường thật tình yêu mến.

Cơn đàm đạo, Hồ đô đốc lại nói:

– Trong nước đặt ra có văn có võ để mà nương nhau, cậy nhau, giúp nhau mà trị an; nay may ngài vâng chỉ đáo nhậm tỉnh này ngài xem lại đó mà coi, sau trước không ai khác hơn là ngài với tôi; vậy xin ngài hãy lấy tình thân thiết mà đãi nhau, văn có ngài, võ có tôi, đừng lấy chỗ văn võ lưỡng ban mà nghi nhau, nên nỗi sanh tâm đố kỵ. Ngài hãy tỉ ngàu với tôi là anh em mà lấy tình thật đãi nhau thôi. Ở tỉnh này, ngài mới đến ngài chưa thấu đáo, nếu văn võ mà phân tâm, thì không thể trị dân cho đặng. Không tỉnh nào dân sự ngỗ ngang như dân tỉnh Tô Châu nầy.

Trang Tử Minh nghe qua liền đáp:

– Dân mà chẳng kể quan, dám ngỗ ngang khi thị, là tại quan không biết trị dân, tôi chẳng đáo nhậm tỉnh này mà rằng, chớ tôi mà nhậm tỉnh Tô Châu này, tôi nói thiệt, tôi thà treo ấn từ quan, hơn là để cho dân loạn phép. Xin ngàu hãy an tâm để đó mặc tôi lo liệu.

Hồ Quốc Thanh cười và tiếp:

– Thì mới đây có một vụ ăn trộm kẻ gian dứt néo cạy hòm của mạng phụ tôi để quàn tại chùa mà cắp lấy châu báu ngọc ngà của tôi để liệm. Đổ bể ra xét bắt đặng tang vật trong liêu của một gã đạo nhân thiếu niên xưng hiệu là Tô Thường Hậu. Tang chứng như vậy đó mà tôi giao nội cho hai đời quan phủ doãn rồi, mà cũng không ai kết án. Chẳng rõ nguyên cớ bởi sao. Nay có Ngài nhậm đây, tôi cũng xin nhờ Ngài, tra khảo giùm cho ra đặng lên án xử quyết đứa gian ấy cho rồi, trả thù giùm cho ở nhà tôi còn đang ngậm hờn nơi chín suối!

Trang Tử Minh ngồi ngẫm nghĩ giây phút rồi đáp cùng Hồ rằng:

– Việc nhà của ngài như việc nhà của tôi, xin ngài chớ lo để mặc tôi toan liệu. Tôi chẳng hề chịu để cho đứa gian làm chẳng kể luật quan phép nước.

Nói rồi, Trang Tử Minh cáo từ. Ra về và đi và nghĩ chuyện Hồ Quốc Thanh nói thì lấy làm lạ hết sức; nghĩ như tang án sờ sờ, cớ sao quan tiền nhậm lại dám bỏ qua không xét tra mà kết án. Nghĩ thật cũng lạ dường. Lại như Hồ Quốc Thanh là một vị đô đốc, có quyền thế lớn, giết năm mười mạng không sao, sá gì một đứa gian, mà Hồ đô đốc phải cậy đến oai quyền quan phủ.

Chuyện này ắt trong còn có điều gì khuất lấp chớ chẳng không. Chắc quả vậy nên các quan tiền nhậm, nhắm mắt bỏ qua thì sợ mích bụng Hồ đô đốc mà không dám bỏ qua, còn muốn kết án, thì làm sao mà kết án. Không lý bỏ phép công bình xử hiếp cho dân thán oán. Vậy thì thủng thẳng xét coi, không nên vội tin theo lời Hồ Quốc Thanh mà xử oan người vô tội.

Trang Tử Minh về tới dinh, mảng lo sắp đạt trong phủ chưa xong mà không tưởng tới.

Dọn dẹp vừa xong, đâu đó an bài, qua bữa sau, Trang Tử Minh chưa ra khách còn ở nhà tư, bỗng có quân báo rằng có người bên dinh Hồ Quốc Thanh đến gọi xin ra mắt. Trang Tử Minh, tuy là chưa phải ngày tiếp khách thì mặc dầu, nghe có người bên dinh Đô đốc gởi sang cũng vị tình mà cho vào, vì nghi có chuyện gì, Đô đốc mới sai người bước đến; bèn dạy cho vào.

Tên quân tâm phúc của Hồ Quốc Thanh vào, trên tay có bưng một quả; tới trước mặt quan phủ liền quỳ; hai tay dâng lên mà bẩm rằng:

– Đô đốc dạy dâng chút lễ mọn đến mầng tân quan, có gởi theo một phong thư, xin quan lớn xem qua thì biết.

Trang Tử Minh nghe dứt vói tay lấy phong thư, trí lại thầm nghĩ: “Đô đốc mà hậu tình với quan phủ doãn đến thế này đây, hẳn thật xưa nay ít có”.

Nghĩ thì nghĩ vậy chớ không dám cãi lẽ nào; chừng Trang Tử Minh xem tất phong thơ mới là tường chơn giả. Ấy là mửng cũ kế hèn của Hồ Quốc Thanh thường làm, để mua lòng các quan tiền nhậm. Nay tới Trang Tử Minh, Hồ Quốc Thanh cũng tưởng như nhau, nên cũng tặng bạc trao thơ, xúi biểu lên án tử, giết Tô Thường Hậu.

Xem thơ rồi Trang Tử Minh mỉm cười rồi dạy quân về bẩm lại cho Hồ đô đốc hay rằng:

– Ta cảm ân; xin Hồ đô đốc an lòng, để mặc ta toan liệu.

Quân cúi lạy tạ từ, trở gót lui ra, Trang Tử Minh ngồi vác mặt ngó theo và thầm nói:

– Nghĩ thật không ra, sự này cũng lạ! Hồ Quốc Thanh vả chăng là một vị Đô đốc trấn phủ tỉnh nầy, oai danh cả dậy, vị chi một đứa gian như Tô Thường Hậu cắp của trong hòm mà phải trông nom theo mãi. Nó có dại làm lỡ đến điều bắt đặng thì thôi để mặc lượng quan sửa phạt, cần gì phải chuốc dữ mua hờn đến đỗi phải đem bạc làm tin, khiến làm sự bất minh bất mục. Xét kỹ, Hồ đô đốc còn có quyền thế lớn hơn ta bội phần. Dầu có hẹp lượng chẳng dung kẻ dưới đi nữa Hồ đô đốc không quyền tận sát một tên gian nhân như Tô Thường Hậu vậy sao phải cậy đến ta xử quyết. Nghĩ thật cũng lạ dường.

Chập lâu, Trang Tử Minh lại tiếp:

– Nếu Đô đốc có quyền mà không giết, để tặng bạc mua lòng, giao nghĩa mượn tay, ắt trong còn có lẽ gì khuất lấp chưa minh ra đặng. Vậy bây giờ ta cũng nên bỏ qua, đợi bữa ta ra khách, ta dọ hỏi trong nha rồi đòi Tô Thường Hậu vấn tra minh bạch.

Thầm tính vậy rồi, Trang Tử Minh bỏ qua; đến bữa ra khách, quan phủ mới đòi nha lại hỏi qua, song chẳng có ai mà rõ thấu. Quan phủ liền qua quân xuống khám đòi Tô Thường Hậu và dẫn lên, Tô Thường Hậu bước vào, cúi đầu thi lễ; quan phủ ngó diện mạo Tô Thường Hậu giây phút rồi gật đầu mà nói thầm rằng: “Ai nói thằng này là thằng ăn trộm?”

Thầm nói vậy rồi, chập lâu dọn dẹp giấy tờ trên bàn để có nơi có chỗ rồi, quan phủ mới ngồi ngó ra, kêu Tô Thường Hậu, mà hỏi:

– Tô Thường Hậu, vụ của ngươi đây đã có tra hỏi hai đời quan tiền nhậm rồi, lẽ khi mi biết rõ mi bị cáo về tội gì chớ?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn tôi đã hiểu rõ tôi bị quan Đô đốc cáo về tội dứt néo cạy hòm Hồ phu nhơn mà cắp đồ châu báu, song oan khúc cho tôi biết bao; thân thể của tôi ngày nay ra đến thế nào mà tôi luống kêu trời cao không thấu. Không lý từ đây cho đến ngày thịt nát xương tan tôi không gặp đặng một vị quan minh oan cho tôi.

Quan phủ:

– Oan nỗi chi mà minh oan. Mi trộm của, có đồ tang bắt đặng rõ ràng còn oan chi nữa?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, bởi Đô đốc với quan phủ xét bắt đặng tang vật trong phòng của tôi nằm, nên oan tớ chịu bấy lâu không minh đặng. Kỳ trung, có kẻ hận tôi nỗi chi đem của cắp mà vu oan giá họa, khiến cho tôi thình lình mang họa gởi tai bay; chớ quan lớn xét lại đó mà coi, tôi dầu có trộm của nầy, tôi dại gì không giấu đâu, nhè để tại am mây mà giấu.

Quan phủ:

– Tại ấp quá mi không dời đi kịp chớ có lạ gì mi lấy đó làm cớ mà chữa mình rằng phải.

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, dầu vậy đi nữa, bị gấp tôi đem đi không kịp mà phải giấu tại phòng, thì ai biết đặng mà mách với quan phủ và Đô đốc đi ngay vào xét bắt; cho hay trong chùa Bảo Anh tăng chúng đông, ở đôi ba chục cái phòng chớ chẳng phải một mình tôi ở. Cớ sao không xét phòng nào cứ chăm chỉ đi ngay vào phòng tôi. Dường ấy há chẳng đáng tin rằng có kẻ phao phản cho tôi, rồi trở lại mách miệng lập công, mà minh oan giùm cho tôi lắm sao?

Quan phủ nghe lời hữu ý thì ngụ ý gật đầu ngồi giở lần khai báo ra xem và tiếp hỏi:

– Trong chùa thường ngày mi hay chơi bời chuyện vãng với ai, và có gây gỗ với ai mà sanh thù oán chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn đã rằng thí phát quy y, thì tôi có làm điều gì nên nỗi sanh thù sanh oán: duy có một mình Hồ Lăng là người mới lỡ bước vào chùa xin nhờ cơm Phật, thường bữa cùng tôi chia buồn chia vui; Hồ Lăng nói mình là người hầu hạ Hồ Quốc Thanh lỗi lầm bị đuổi. Sau rõ lại Hồ Lăng là người tâm phúc của Hồ đô đốc sai giả dạng vào chùa ở mà coi chừng quan tài mạng phụ.

Trang Tử Minh nghe Tô Thường Hậu nói sự Hồ Lăng dối việc lỡ chơn trái bước xin vào nương cửa Phật tháng ngày, không dè Hồ Lăng là người của Hồ Quốc Thanh, sai đến giả hình giữ gìn hòm mạng phụ, thì lấy làm lạ mà sanh nghi.

Bởi vậy ngài trơ mắt ngó bị cáo một cách rất nghiễm nhiên, tuy ngài không mở miệng thêm lời; chớ trong cái vẻ ngó sững nhìn trân ấy dường như hỏi: Mi nói chơi hay hói thiệt?

Chập lâu quan phủ mới tiếp:

– Tô Thường Hậu, mi nói vậy mà lúc quan tới xét bắt mi tại phòng, Hồ Lăng có mặt tại chùa hay đi đâu? Rồi từ ấy mi có biết Hồ Lăng còn ở trong am, hay là về dinh Hồ đô đốc?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tôi không rõ đặng Hồ Lăng còn ở hay về, vì từ khi tôi bị bắt đến giờ, tôi không đặng thấy mặt ai khác hơn gương mặt nét mày chúa ngục. Nhưng mà có một điều chứng rằng Hồ Lăng đã trở về dinh vì tring những tờ giấy khai báo về vụ tôi bị cáo đây, có lời khai của Hồ Lăng mới hiểu. Xin quan lớn xem lấy đấy thì tường.

Quan phủ lật lia lịa đống giấy tờ ấy mà kiếm tờ khai của Hồ Lăng; kiếm đặng rồi, ngài ngồi xem qua xem lại đôi ba lần, ngài mới gặc đầu, tỏ ý chịu cho Tô bẩm thật.

Chập lâu quan phủ mới nói:

– Tô Thường Hậu, vì có lời của mi nài xin ta minh oan, ta xem xét lại vụ của mi bị cáo đây có điều khuất lấp, ta chưa thấu nỗi. Vậy mi muốn đặng ta minh oan cho mi, ta khuyên mi một điều là bẩm thật ngọn nguồn cho ta nghe; nếu mi còn giấu một mảy gì, thì mi chớ trách rằng ta bất chánh. Theo ý ta tưởng trước khi mi cũng có quen với ai trong dinh Hồ đô đốc, không cũng có quen với vợ chồng Hồ đô đốc lắm chớ?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tôi không quen biết chi với vợ chồng Hồ đô đốc, lại tôi cũng chẳng quen biết với ai trong dinh tất cả.

Quan phủ:

– Ủa! Mi nói vậy, hiểu sao cho đặng? Nếu mi không quen thì có ai biết mi đâu hòng có sự giận hờn, phan phản cho mi mang họa? Hay là trong lúc Hồ Lăng vào nương dựa cửa thiền, mi có làm điều chi mích lòng Hồ Lăng chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không, từ Hồ Lăng vào nói chuyện mới bị Hồ đô đốc đuổi ra, vì một tội nhỏ nhoi không đáng, thì tôi có lòng thương xót mà chiếu cố Hồ Lăng lắm chớ. Thật thì nếu chẳng có tôi giúp lời, đại sư chẳng chịu cho Hồ Lăng nương vào. Dường ấy, tôi đối với Hồ Lăng có ân mà không có oán.

Quan phủ:

– Thật mi không hề quen biết tới lui với Hồ phu nhơn hay Hồ đô đốc sao?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không!

Quan phủ:

– Mi nói ta không biết ngõ nào mà hiểu khúc oan của mi cho đặng. Không quen không biết, không nghĩa không thù, không ân không oán; cớ sao lại có người vu oan giá họa cho mi? Còn Hồ Lăng từ khi vào chùa nói với mi những chuyện chi?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, Hồ Lăng thường nói với tôi rằng Hồ đô đốc là người xấu xa độc hiểm, không hay xét tất công tội; nếu chẳng nhờ Hồ phu nhơn rỗi cho, thì nó đã làm quỷ không đầu, chẳng lựa bị đuổi ra khỏi cửa.

Quan phủ:

– Ừ Hồ Lăng nói vậy mà không phải vậy, nay trở về dinh Hồ đô đốc như thường thì ta dám tưởng, mi có điều ân oán nặng nề với Hồ đô đốc lắm đó. Nếu mi từ chối rằng không quen không biết, thì Hồ Lăng cần chi phải đem chuyện Hồ đô đốc hiểm tâm mà nói với mi; mi phải biết trong sự giả dối của Hồ Lăng phải có lẽ gì, mà nói như mi vậy, ta không biết sao mà nghĩ nghị. Bộ mi bị tâm sự buộc ràng mà không tỏ hết nỗi mình uất ức, chớ có lý nào mi vô can, mà mắc phải hàm oan bao giờ.

Quan phủ nói rồi lại thầm nói: “Nếu quả mi vô can, không làm điều chi ân oán với Hồ đô đốc, thì có lý nào Hồ đô đốc, dầu mi thật là thằng ăn trộm đi nữa, theo mi mà chằng buộc nhục hình; thật là khó nghiệm dữ a! Tình ngay mà có lý gian cũng có!”

Thầm xét đến điều quan phủ liền xây lại mà nói với Tô Thường Hậu rằng:

– Thôi, ta rộng để cho mi ba ngày, trở về ngục mà xét lấy nỗi mình, rồi ta sẽ đòi lên hỏi lại. Ta có một lời này để vào lòng dạ mi: Là mi đã gặp minh quan theo lòng mi nguyện; nếu mi chẳng tin ta mà tỏ thật ngọn nguồn, thì ta nói thật, ta không thể xử phân minh bạch. Thể nào mi cũng phải tỏ thật mọi điều cho ta biết, thì ta mới minh oan cho. Theo lời mi khai, theo chỗ ta thấy, Hồ Lăng là đứa giả hình hại mi, song bị mi giấu nhẹm tâm sự của mi, nên ta còn phân vân bất nhứt.

Dứt lời quan phủ dạy quân dẫn Tô Thường Hậu xuống khám để giam chờ lịnh.

Tô Thường Hậu xuống ngục, chơn mang trăn, tay mang còng, cổ mang gông trở trăn đà bất tiện; song chẳng quản chi thân, mảng có để trí suy nghĩ việc mình, phải thú thật, hay không nên thú thật.

Chàng thầm xét: “Làm quan như quan phủ Trang Tử Minh thật cũng đáng một vị minh quan, xa nghe rộng thấy, xem nội mấy trang giấy gọi là khai báo, nghe mấy lời bẩm gọi là khẩu cung, đã thấy rõ có điều khuất lấp.

Ý ngài hiểu, nếu lấy tang cớ ấy làm chứng thì vụ trộm này không có chỗ oan; còn như tin cho rằng có khúc oan thì lời bẩm báo chưa phải là lời lẽ thật. Phải còn có chỗ gì. Bởi vậy ngài theo mà gạn hỏi ta trước có gây hờn với Hồ Quốc Thanh chăng; nên nỗi có Hồ Lăng giả dạng quy y, vào cửa Phật tu trì mà dọ thăm tin tức.

Tại ta muốn giấu nhẹm sự tình của ta đã riêng cùng Hồ phu nhơn, ta từ chối mãi một hai thuở nay không quen biết, cho nên trăng kia dầu tỏ, chậu úp khun soi. Ngài không rõ sự tình mới khó mà biện lý. Xét hoài không ra.

Ngài mới dạy dẫn ta trả xuống khám đường, rộng dễ cho ta ba ngày xét nét sự mình cho chính, rồi sẽ lên bẩm thật cùng ngài. Vậy thì ta nên thú thật tâm tình cùng ngài cầu ngài ra sức minh oan cứu giải, cho khỏi cửa khó tấm thân; hay là nên giấu nhẹm lỗi mình, thà cam thác mà che chở người ở chốn cửu tuyền khỏi nhục?”

Hỏi lấy mình như vậy rồi, chưa dễ tính sao, hai lẽ tới lui khó liệu, chàng nằm chắt lưỡi thở ra; chàng nghĩ đến, chàng lại động lòng thương nhớ Hồ phu nhơn là người chàng đã thề cùng sanh tử; chàng càng thương càng tiếc, càng nhớ càng khóc, giọt lệ tuôn, ruột lại quặn đau; chàng thầm hỏi:

Tình nhân hỡi tình nhân,

Bao thuở đặng gần, thăm hỏi cái nguồn ân biển ái.

Than khóc sự tình một hồi, chàng mới xét phận chàng rằng: “Thân này còn chi nữa mà mong. Bề gì cũng đã nát thịt tan xương, chết đi sống lại mấy lần, dầu quan phủ có minh oan mà cứu mình thoát thân, thì mình cũng trơ trọi giữa phong trần, sống chi vô ích. Chi bằng để vậy mà cam khổ tận, chở che tiếng nhục cho người yêu; dầu chẳng mai phách lạc hồn xiêu, ấy là thương nhau sanh tử phải liều, họa là cùng nhau cảnh tiêu điều có gặp!”

Thầm xét vậy rồi, chàng vùng khóc òa, quên rằng mình ở chốn ngục hình, có đủ quân canh lính gác. Chừng nhớ sực lại, chàng lật đật lau lụy, rồi gượng chống tay ngồi dậy ngó ra; bấy giờ chàng đã thấy có người đến tận mặt chàng, quăng đồ xuống đất mà bảo:

– Cơm đó! Ngồi dậy ăn đi cho no, rồi chết!

Tô Thường Hậu ngó người lính lệ bưng cơm rồi ngó lại thúng cơm mắt chan hòa thầm nghĩ: ‘Cho tới một tên lính lệ nó cũng thị mình như loại thất phu bảo mình ăn cho no lòng rồi có chết. Nó lại đoán quyết cho mình bề nào cũng phải chết; dường ấy mình còn tiếc gì mà phải khai tâm sự mình với quan cho nhục người mình thương; rồi mình thác xuống Diêm đài, cơn gặp gỡ nhau, làm sao mà ngó mặt nhau khun thẹn.

Vì biết mình phải chết về một lưỡi gươm vô tình của một vị quan bất minh tham vàng không kể mạng, đành đem mà đổi cho kẻ đen bạc tới mua, thì không những mình không thèm khai, để chịu hàm oan cho đành lòng kẻ thôi, mà mình cũng chẳng thèm ăn những cơm thô đồ thối, ngạt mũi bưng đầu này mà lấy sống làm gì; thà nhịn đói nhịn khát mà thác cho xong, lấy lòng cùng mảnh thiên hương, vì ta mà lụy đến.

Bấy giờ xác tuy còn nằm đó, chớ hồn ta đã dật dờ nơi dị lộ đợi ta; nếu ta mà húy tử tham sinh đem hết sự tình bẩm bạch, thì té lẽ ta phụ tình người đã thệ sống thác cùng ta đó sao?”

Nghĩ đến lẽ, chàng ngồi thở ra, đau đớn kể làm sao xiết. Ngày những lần đem Tô Thường Hậu luống những ruột héo gan bầm, nằm không an giấc; cứ thở ra thở vào, lắc đầu chắt lưỡi mà đếm canh; chàng nghe tiếng trống thành trở khắc chẳng khác nào muối xát lòng kim châm dạ, nó làm cho chàng ngoài cỗ nhứt thinh oán nhứt thinh, oán những kẻ cưu lòng sâu độc mưu hại thình lình, thêm hận nỗi mình chia tình chăn ối.

Đến lại trót đã ba ngày đêm rồi Tô Thường Hậu không ngủ không ăn, thân thể xỏ mòn, gượng đà không muốn nổi. Mặt nhăn má thỏn, mắt thụt, răng lòi, mình mẩy ốm o, da mặt xanh như tàu lá.

Người mà trước đã biết Tô Thường Hậu là một tay giàu có phong lưu, diện mạo đoan trang, hình dung nho nhã, xem ta một vị thiếu niên nam tử, chẳng kém gì Tống Ngọc với Trường Khanh, nay mà thấy chàng thân hình ra đến thế này, thì chắc không nhìn biết đặng. Chàng trở nên xấu xa lạ thường, tưởng cho một người trai thọ kệch xấu xa hơn hết ở đời này, xem cũng chẳng tệ như chàng, trở dậy không muốn nổi.

Sáng ngày thứ tư, Tô Thường Hậu thân hình càng mòn mỏi thêm, tay chơn đều rũ liệt. Tuy vậy mà Tô Thường Hậu cũng cứ nằm an như thường không hề rên siết, chỉ có nằm một chỗ mà thở ra thở vào, thấy ai vào cứ trơ mắt ngó. Cặp con mắt cũng đã sâu hoắm, xem dường nhãn đã thất thần. Nếu muốn đem Tô Thường Hậu trong lúc ban đêm, để đứng một bên góc đường, người lại kẻ qua, thấy mặt tưởng ma mà la hoảng.

Bởi vậy những lính giữ ngục cơn ra vào thường hay chăm chỉ ngó mặt Tô Thường Hậu mà lòng khiếp sợ. Có nhiều tên lính lệ có tánh nhát, từ đấy không dám lại gần, tưởng Tô Thường Hậu là một cái thây ma, còn quàn để đó.

Thình lình có lịnh quan phủ đòi Tô Thường Hậu, lính vào, đi có gặp chớ không dám đi một mình như lúc trước, vào kêu Tô Thường Hậu dậy, mà lòng tưởng Tô Thường Hậu mình mẩy đã cứng như một khúc cây, không còn thấm biết, nên vỗ mà kêu rất mạnh, vỗ nơi bàn tọa một cái bốp; đau đớn quá chừng, mà Tô Thường Hậu cũng phải cắn răng dễ dám tiếng chi cho mích bụng. Vỗ một cái bốp rồi lại hỏi, hỏi mà mắt láo liên dường khiếp sợ ngó chừng, hỏi vậy chớ sống chết thế nào, còn gượng nổi hay là đi không nổi?

Tôi nghiệp cho Tô Thường Hậu ba bốn ngày đêm không ngủ, tay chơn rủ liệt xương thịt xỏ mòn, còn gượng sao cho nổi mà đi, song dễ dám tiếng chi nói mình đi không muốn nổi. Dẫu còn một phút nữa tắt hơi, hồn quy dị lộ đi nữa, bây giờ đây cũng phải gượng dậy ráng đi, chớ hễ làm cực lòng người chút gì, thì roi mây quát bổ.

Vì vậy mà Tô Thường Hậu bị vỗ một cái đau quá, nhíu mặt nhăn mày rồi cũng gượng dậy ráng đi; dè đâu, bước ra khỏi chỗ nằm, chàng đà té nhũi. Lòng sắt đá đâu có chút lương tâm! Lính thấy vậy đã chẳng đỡ dậy lại cười gằn và nói:

– Bộ mày muốn bắt anh em ta cõng mày bữa nay sao chớ!

Hỏi rồi lấy cánh tay Tô Thường Hậu mà kéo xốc dậy và nói:

– Thôi em! Đừng có nhõng nhẽo lắm vậy em. Đứng dậy mà đi cho mau, kẻo cái gót chơn của qua thiệt nó vô tình không hay dung vị!

Tên lính khác lại nói:

– Lại có nói hơi đó cho nó dễ ngươi! Hãy cho nó hai thoi ba đạp tự nhiên nó mạnh!

Nói rồi xốc tới đạp vô lưng Tô Thường Hậu mà kéo xển dậy xem, chẳng khác nào đánh ngựa đánh trâu; Tô Thường Hậu nương lấy sức kéo mà chống gối đứng dậy và kêu trời, chú lính dộng cho hai ba thoi té nhũi:

– Mày rủa ai? Chuyện gì mà kêu trời? À thuở nay mày không nghe danh tao hay sao, mày nhè tao mà lấp lửng? Tao đánh thì thấy chết chớ không thèm thấy máu như chú kia đâu! Đồ chó chết! Từ mày vô đây đến giờ ai nhờ cậy mày đồng lớn đồng nhỏ gì mày nhõng nhẽo. Mày đứng dậy đi cho mau không?

Tội nghiệp cho Tô Thường Hậu bị đánh đá nhừ tử, sức còn đâu mà gượng nổi bước đường; nhưng mà nghe lính hăm đâm bụng sợ hết hồn, nên phải gượng dậy tay chơn run bây bẩy.

Bước ra khỏi ngục, lính mới còng tay dẫn tới cửa nha. Tô Thường Hậu yếu đuối quá, run rét quá, bước đi không đặng bao xa, đã thấy ngồi xuống đất rên la như chết. Người qua lại bên đàng ai thấy cũng thương; duy có tên lính dẫn Tô Thường Hậu thấy vầy không xót dạ động niềm mà giùm đỡ thì thôi, lại còn theo mà thúc hối mau đi, miệng thì hối tay cầm roi quất bổ.

Từ khám lên tới phủ, Tô Thường Hậu bị đánh không biết mấy hiệp, đánh cho đến đỗi áo quần rách nát, thịt da nổi khúc lằn; thật là quân không nhứt điểm lương tâm, chẳng biết thương đồng loại.

Vào nhà, Tô Thường Hậu ngồi dựa vách ngoài chờ lịnh. Giây phút có lịnh đòi; Tô Thường Hậu bước vào cúi đầu thi lễ; quan phủ cũng chăm chỉ ngó Tô Thường Hậu như mấy bữa truốc rồi hỏi:

– Tô Thường Hậu, mấy bữa rày mi đà xét cạn nỗi mình, bụng đành thú thiệt chưa hử? Ta nhắc lại cho mi biết một lần nữa: Nếu mi gọi mình mắc phải hàm oan mà mang tai họa, muốn cho ta minh oan cho, thì mi phải tỏ hết sự tình khúc sông nguồn ngọn cho ta thấu đáo mà xét xử phân cho; bằng chẳng, nghĩa là mi không chịu thú thiệt, thì mựa trách nguyệt minh nan chiếu.

Nghe hỏi, Tô Thường Hậu đứng trơ mắt ngó quan phủ, mắt ngó mà lòng có chhu1t ngại ngùng, nên ngó mà không hở môi, ngó mà suy nghĩ đôi đàng khó liệu. Quan phủ thấy vậy, hiểu ý, nên thúc hối Tô Thường Hậu:

– Sao? Chuyện ấy tại sao mà ra đến đỗi? Mi còn nói mi không quen biết gì tới nhà Hồ Quốc Thanh nữa thôi? Nầy, mi vẫn biết ta muốn lấy lẽ công mà vấn tra, không muốn dùng tới nhục hình mà tấn ngươi cho khổ; vậy ngươi phải bằng lòng mà thú thiệt đi? Trước kia mi quen biết gì với nhà Hồ Quốc Thanh không?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không, con chẳng hề quen biết gì với Hồ Quốc Thanh.

Quan phủ:

– Không! Ta hỏi mi có quen biết gì với nhà Hồ Quốc Thanh hay không?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, Hồ Quốc Thanh tôi vẫn không quen, chớ nhà Hồ Quốc Thanh tôi có một hai lần lui tới.

Quan phủ:

– Mi lui tới với ai? Mi có làm sự gì bất bình trong nhà Hồ Quốc Thanh chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm, tôi không quen biết với ai hòng tới mà thăm viếng, duy có lúc tôi còn buôn châu bán ngọc, tôi có lui tới một hai lần vậy thôi.

Quan phủ:

– Phải, có vậy thì họa may. Mà lúc mi lui tới buôn bán đó có mặt Hồ đô đốc thấy chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tôi có biết mặt Hồ đô đốc ra sao hòng biết có ở nhà hay là đi khỏi, song tôi nghe phong phanh Hồ phu nhơn trực tiếp phòng không, vì nói chồng đi chinh chiến.

Quan phủ:

– Hồi khi ngài ban sư, mi có trở lại dinh buôn bán lần nào nữa chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không.

Quan phủ:

– Khi ngươi vào buôn bán đó thì thường quen biết với ai nhiều hơn? Ai tiến dẫn ngươi vào tới Hồ phu nhơn mà hỏi bán?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tôi nhờ bọn thế nữ dẫn vào, nên tôi quen biết với một vài con đòi thôi chớ.

Quan phủ:

– Mi có tình riêng gì với bọn thế nữ không?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn không; lý nào tôi dám làm sự tế vi mà nỡ đi tư thông cùng thế nữ.

Quan phủ:

– Vậy chớ mi tư thông với ai?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm, tôi không có tình riêng gì với ai tất cả.

Quan phủ:

– Nếu vậy có ai oán hận chi mi mà vu oan giá họa hòng có khúc oan?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm vậy mà có kẻ cưu thù.

Quan phủ:

– Kẻ ấy là ai? Nói cho ta nghe thử?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm, tớ có biết ai mà chỉ! Nếu quan lớn không soi thấu, thì tôi tài nào thấu nổi.

Quan phủ:

– Nếu chuyện của mi mà mi không hiểu, hoặc mi hiểu biết mà không chịu thiệt, thì ta biết bắt lấy mối nào mà phăng ra mà mằn gỡ? Ta đã cạn lời cùng mi; muốn cho ta minh oan, thì mọi đàng tỉ thật; mà mi, chẳng hiểu tại sao, mi giấu mãi, ta có ý coi cách mi khai bẩm dường mi còn lắm nỗi ngại ngùng. Mi mà không lòng tin ta, thì khó nỗi cho ta minh oan cho đặng.

Tô Thường Hậu, trong cuộc mua bán châu báu ngọc ngà nơi dinh cho Hồ phu nhơn, có điều gì xảo trá chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không; những châu ngọc tôi bán cho Hồ phu nhơn đều là tốt cả.

Quan phủ:

– Từ mi ra vào buôn bán trong dinh, mi coi ý Hồ phu nhơn có tỏ tình gì yêu mến trọng hậu mi chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, Hồ phu nhơn tánh tình vui vẻ, mỗi khi tôi vào ra nơi dinh, tôi thường đặng Hồ phu nhơn đãi tôi là một tay thương nhân thôi chớ.

Quan phủ:

– Hồ phu nhơn, theo lời mi nói có tánh bui vẻ, có khi nào cười nói với mi trước mặt thế nữ không?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, việc cười nói lẽ nào không, nhứt là một người đờn bà xuân sắc nõn nà như mạng phụ lại hay cười nói lả lơi cùng kẻ dưới.

Quan phủ:

– Có khi nào Hồ phu nhơn cầm mi ở lại ăn cơm chăng?

Nghe hỏi tới câu này, mặt Tô Thường Hậu liền đổi sắc; nghĩ cho có ai mách miệng tình riêng của mình với Hồ phu nhơn hay sao mà ngài biết mà hỏi lần qua tới đó. Nghị vậy rồi Tô Thường Hậu sợ hết hồn, trong bụng phập phồng, bồi hồi tất dạ; song không lý dám bẩm thật nỗi mình, chuyện đã bấy lâu nay bưng kín. Mà cũng không lý dám vô lễ không trả lời.

Nghĩ rồi, Tô Thường Hậu liền đáp:

– Bẩm quan lớn, tôi có phải là người phẩm giá xứng đáng đồng tọa đồng âm với Hồ phu nhơn hay sai mà Hồ phu nhơn cầm mời.

Quan phủ:

– Cũng không khi nào mi vào dinh buôn bán lỡ tối, Hồ phu nhơn cầm mi ở lại an nghỉ trong dinh sao.

Tô Thường Hậu:

– Bẩm, không hề khi nào có! Nếu có, thì tôi cũng chen lộn theo quân lính mà nghỉ, chớ dễ dám thâm nhập dinh trong lắm sao!

Quan phủ:

– Theo lời mi khai cùng ta mấy lần, ta quyết hẳn cho bị cáo không oan chi cả. Rõ ràng mi là thằng ăn trộm bị bắt tang án hiển nhiên. Mi muốn giả ý kêu oan mà gạt quan, kỳ trung có khúc oan gì mà phiền phức. Quân đâu, coi dẫn Tô Thường Hậu xuống ngục giam cầm đợi lịnh ta.

Dứt lời, quân lính dạ rân, áp tới nắm Tô Thường Hậu mà kéo xển ra ngoài; Tô Thường Hậu còn muốn bẩm ráng một lời, mà mới hả miệng chưa ra lời, đã thấy mình lọt ra ngoài cửa. Lính đóng gông lại rồi dẫn tuốt xuống khám đường.

Quan phủ lúc bấy giờ, ngồi lại bàn viết, ngồi suy nghĩ việc Tô Thường Hậu chẳng phải là việc khó đến đỗi tra hỏi không ra; ngặt bởi, Tô Thường Hậu muốn phá ta, nên không chịu khai ra minh bạch. Ta giận muốn để vậy mà kết án cho nó biết khun một lần; nhưng bởi ta không nỡ để cho ai thán oán, nên ta cầm để mà gạn đục khơi trong cho tường khúc độc, mà chẳng biết sao nó dại quá cứ kiếm điều chạy chối mãi ru; ta nói thiệt, ta chẳng chịu thua trí của mi, chuyện này mà ta tra vấn khôn ra, ta nhứt nguyện từ quan treo ấn.

Mãi thầm toan trộm tính gần xa một hồi, Trang Tử Minh ngồi dựa ghế thiu thiu, lại thêm ngọn gió thổi hiu hiu, bèn tay chống trán, mình dựa bàn ngủ gục.

Thế thường cơn mện mỏi quá, ngồi chống tay lim dim ngủ gục, thì bất quá mơ màng giấc nhấp vậy thôi; nên hễ có một tiếng khua động một chút liền hay giựt mình thức tỉnh, chớ có đâu mê giấc cho đến  đỗi chiêm bao, như trong lúc canh thâu, trong chốn gối loa, nệm túy.

Thế mà Trang Tử Minh chiêm bao mới lạ cho chớ!

Đàng sá mỏi mê, cảnh lạ thêm buồn, Trang Tử Minh tay chống trán mình dựa bàn, suy tính việc quan, gió thổi mơ màng, bỗng không thấy một người đội trạng bạch, tới quỳ trước mặt nài mà kêu oan.

Ngài nghe kêu, vác mặt ngó ra, thì thấy rõ một nàng con gái trạc chừng hai chín, đầu bỏ tóc xả mình bận áo xanh, xem ra, tuy chưa phải là người quốc sắc thiên hương chớ cũng bực mặt hoa mày liễu.

Ngài lấy làm lạ, song quên mình ngủ gật, mới vói tay lấy tờ giấy và hỏi:

– Nàng là người ở đâu, tên họ là chi, oan khúc nỗi gì, tới đây đầu cáo?

Nàng con gái nghe hỏi liền đáp:

– Bẩm quan lớn, tiện thiếp vốn con nhà họ Đào tên Anh, theo hầu Hồ phu nhơn tại dinh từ thuở mới lên mười bảy; nay vì có điều oan khúc, quyết tới đây nhờ lượng minh quan.

Trang Tử Minh nghe nàng xưng là Đào Anh, lại nghe nàng nói nàng là thế nữ của Hồ phu nhơn thì lấy làm mầng rỡ hết sức; nghĩ vì chuyện trộm của trong hòm mạn phụ, Hồ đô đốc giao cho phủ đã hai đời quan mà tra án không ra, nay tới phiên ta, tra hỏi cũng đà hết sức; may đâu lại có con Đào Anh này tới đây đầu cáo có khi nhờ nó mà ta tra nổi án này chăng.

Nghĩ vậy rồi, ngài liền tiếp:

– Mi nói mi là Đào Anh, thế nữ của Hồ phu nhơn; nay đã chẳng may Hồ phu nhơn tạ trần, hồn về chốn cửu nguyên, xác còn quàn nơi am tự, chẳng hay mi có khúc oan gì đến đỗi buộc tới trước cửa công mà xin ta minh oan, mi hãy nói đi cho ta nghe thử?

Đào Anh:

– Bẩm quan lớn, tiện thiếp có khúc oan, cất để trong lòng không tiện; nhưng bởi bấy lâu chưa gặp đặng minh quan, nên tiện thiếp không ra đầu cáo. Nay trời khiến cho Ngài một vị minh quan, tới nhậm tỉnh này tiện thiếp trông cho quan lớn ra khách đặng tới đầu cáo, mà hổm nay quan lớn chưa ra khách. Nay nghe quan lớn thăng đường mầng lòng, lật đật đến kêu oan, chớ thật giờ nầy đây, thiếp không tiện lâu, e ra mắc tỗi. Vậy xin quan lớn hãy nghe, tiện thiếp bẩm khai vắn tắt đôi lời, đặng cô hồn về kẻo trễ.

Quan phủ:

– Khai đôi lời chi thì mi khai đi cho ta nghe thử.

Đào Anh:

– Bẩm quan lớn.

Phu nhân hữu nhiễm

Thanh tiêu đã lạc tửu hoàng trung

Xử nữ vô can,

Bạch họa hoành suy liên trì nội!

Đào Anh khai dứt vừa muốn cất mình ra đi, Trang Tử Minh không hiểu ý gì, kêu vực nàng lại mà nói:

– Khoan Đào Anh, khoan, mi khai vắn tắt thế ấy ta chưa hiểu đặng lẽ gì mà mi vội bỏ đi, thì ta làm sao mà tra ra, hầu có minh oan cho mi đặng? Mi hãy ráng ngồi trong giây phút mà khai lại cho ta rõ thấu.

Đào Anh:

– Bẩm quan lớn giời khắc rồi, tiện thiếp ở lâu chẳng tiện. Nếu quan lớn muốn rõ thấu chơn tóc kẽ răng khúc sông nguồn ngọn, quan lớn sẵn có Tô Thường Hậu một bên tay, quan lớn đòi hỏi lấy, Tô Thường Hậu không những biết tiện thiếp là ai thôi, Tô Thường Hậu còn biết cho đến Hồ phu nhơn vì sao mà chết!

Dứt lời Đào Anh biến đi; Trang Tử Minh giựt mình tỉnh giấc, ngồi ngẩn ngơ nửa tỉnh nửa mê, mồ hôi tuôn đổ giọt ướt đầm, giây lâu mới biết mình nằm chiêm bao. Trang Tử Minh bèn kêu quân quạt hầu, còn ngài thì và cầm khăn lau giọt mồ hôi và thầm nghĩ nghị chiêm bao mộng mị.

Trang Tử Minh nghĩ có khi tại mình mê mệt quá, lo lắng quá, giấc mơ màng tưởng thấy vậy chăng? Chắc vậy, nên người đời mới dễ cầu mộng mị mà khuyên đời đừng tin lẽ ấy. Vậy thì mình cũng chẳng nên tin tưởng đến điềm chiêm bao đó là gì. Nếu hẳn thật là chiêm bao, chẳng phải tại mình lo lắng mê mệt mà mơ tưởng, thì chẳng phải trong một giấc ngủ gục trong năm ba phút đồng hồ mà thấy.

Nghĩ đến lẽ rồi lại xét:

Thật cũng khó nỗi bỏ qua. Chớ phải mơ màng thấy về chuyện chi tầm thường, thì cũng nên cho là mộng mị mà bỏ qua; chi như thấy điều có quan trọng lớn, thấy vụ mình tra xét không ra mà trong dường có đến điều án mạng, thì há dám gọi mộng mị mà bỏ qua cho đành chăng?

Vả lại mình thấy đứa con gái đẹp đẽ, mình bận áo xanh vấy đầy những máu, xưng là con … à à phải, ta còn nhớ, nó xưng nó tên là Đào Anh tì nữ của mạng phụ Hồ phu nhơn, đội trạng bạch đến trước mặt ta mà đầu cáo, kêu nài xin ta mở lượng minh oan; ta chưa kịp hỏi, nó chưa kịp khai một lời gì, nó lại sợ trễ giờ ở lâu không tiện; nó lật đật ra đi. Hỏi nó thì nó nói lại hai câu chi chi đây …

Trang Tử Minh vùng đứng dậy đi tới đi lui, đi ra đi vào, dường như Ngài muốn định trí bình tâm, tìm nhớ hai câu Đào Anh khai bẩm. Ngài đi như vậy hồi lâu Ngài mới nhớ lại đặng câu đầu; Ngài mầng hết sức; song chẳng dám nói ra; Ngài cứ làm thinh, để ý chăm chỉ, chóng bước lại bàn viết lấy giấy viết biên liền sợ để lâu mà quên nữa. Ngài biên:

Phu nhân hữu nhiễm

Thanh tiêu đã lạc tửu hoàng trung

Biên rồi Ngài đứng coi đi coi lại và thầm nói:

Câu này có quan hệ lớn chẳng phải chơi! Hồ phu nhơn chết, nay tính lại cũng đã năm sáu tháng trường xa gần đều biết. Ai cũng tưởng Hồ phu nhơn mắc bệnh hiểm nghèo, đau một giây, chết một giờ, không kịp trối trăn chi cả, nào có nghi cho Hồ phu nhơn thác vì nỗi oan nào khác hơn; mà nay, nếu lời con Đào Anh mách bảo đây hẳn thật, thì Hồ phu nhơn vì nhiễm lấy tình riêng nào, nên nỗi, trong mái rượu phải tay ai giết bỏ. Nghĩ thật cũng lạ lắm phải chơi!

Thoảng lại con Đào Anh xưng là thế nữ của Hồ phu nhơn, mách bảo về phận Hồ phu nhơn thác oan trong hầm rượu; còn nó, nó thác cách nào mà mình mẩy vấy đầy những máu? Nó có nói về phận nó hay không? Có, nó có nói về phận nó làm sao mà chết, nên nó có tiếp câu thứ hai rằng:

Xử nữ vô can …

Rồi sao nữa đây …

Trang Tử Minh liền buông vít nơi bàn, kế xây lưng trở gót; để bước đi lên đi xuống, một hồi rồi, ra chắt lưỡi vào dậm chơn, định trí nhớ mà tìm hoài không đặng. Bấy giờ đồng hồ đỏ mười hai. Trang Tử Minh lấy làm bối rối tấc lòng xốn xang gan tấc. Kế có quân vào thỉnh ngài xơi cơm, Trang Tử Minh ừ rồi lầm lũi bước đi, miệng không hở tiếng; xem cái gương mặt nét mày biết thì nói ngài có vẻ âu sầu, chẳng biết nói ngài nghiêm khắc.

Quân lính thấy vậy đều sợ hết hồn, bổn phận ai nấy lo mà làm, không dám một tiếng gì hó hé. Trang Tử Minh ngồi để trí tư tưởng về sự Đào Anh mách bảo mãi, mà tìm nhớ cũng không ra, ngài tức mình ăn không ngon bữa.

Trong khi ăn hễ biết mấy lần ngài gắp đồ ăn để vào chén cơm, rồi ngài ngồi mà ngó trân ngó trối chẳng biết ngó ai, ngó như vậy hồi lâu, ngài sực nhớ lật đật bưng chén cơm lên và, và một miếng rồi để chén xuống, rồi cũng ngồi mà miệng ngậm cơm, mắt nhìn không thấy mắt. Ngài ăn cho đặng một miếng cơm thật rất lâu; cái sấp quân lính đứa coi dọn ăn, đứa cầm quạt hầu, thôi đã rụt chơn rã tay, song cũng giao đầu túng nhĩ!

Cho đến tượu cũng vậy, hầu rót đặng một tầng, cũng đã hết hơi hết sức, Ngài tư tưởng chi đâu mà một ly rượu, ngài bưng lên để xuống năm bảy lần chưa nhắm vô một miếng. Có nhiều khi ngài ngưng, cầm đó mà ngó sững một hồi, rồi ngài để xuống.

Thật là cực lòng quân lính biết bao! Những đứa có tánh nóng nảy, thấy vậy tưởng cho ngài làm cách điệu phong lưu, giận song cũng nói lầm thầm, dể dám hở môi to tiếng.

Xong bữa, Trang Tử Minh vào phòng nghỉ trưa, mảng cái tư tưởng cái án trệ này hoài, nên nỗi không an giấc nhấp. Nằm lăn qua lộn lại, thở ra thở vào mãi cho đến mãn giờ rồi dậy sửa sang ra khách. Ra tới thính đường ngài cũng ngồi đứng không an, bối rối tấc lòng, không làm chi đặng, Ngài giả ý dạo xem chỗ nầy chỗ kia khắp hết rồi trở vào nhà, ngài cũng cứ đi tới đi lui, để trí lo quanh tính quất, lo tính cho hết sức rồi đi lại cũng chẳng ra kế chi, ngài lặp đi lặp lại câu: xử nữ vô can, nói thầm thì một mình mà cũng chẳng nhớ đặng câu sau rốt.

Ngài lấy làm uất ức tức tối biết bao. Mãi đến xế chiều, ngài mới bỏ ra đi dạo khắp phố phường, rảo tới chốn đồng không mông quạnh. Tối lại ngài trở về tư dinh. Ngài dùng bữa xong, vào phòng ngơi nhỉ, ngài cũng chẳng quên tìm nhớ lời con Đào Anh nói với ngài. Ngài nằm lập lại mãi đến khuya, nhắm thế nhớ không ra, ngài mới van vái hồn con Đào Anh, có linh xin chứng.

Chẳng cần giải ý cũng biết, túng lý ngài van vái cho có chừng, cho nguôi hận vậy thôi, chớ ngài là một tay học thông, thạo hết cảnh tình nhân vật, lẽ đâu ngài lại chẳng rõ từ xưa ai vái van mà đặng điều gì; cớ ấy nên vái rồi, ngài nằm gác tay lên trán, miệng hút thuốc phì phà, chơn thì gác tréo ngoe, mắt nhìn theo vầng khói.

Khói cuộn cuộn lên mấy tầng, mắt ngài nhìn theo chiêm nghiệm, xem cũng dường ngài còn thấy hình Đào Anh, mình bận áo xanh, chen lòn theo trong khói vậy. Nhìn ngó cho đến khi khói tan mất hết rồi, ngài lại nằm thở ra; thở ra thở vào, lắc đầu, chắt lưỡi, hết sức rồi ngài lặp đi lặp lại câu: xử sử vô can, mà tìm nhớ thêm cho trọn.

Dè đâu bận sau này, đêm khuya canh vắng, trong phòng lặng lẽ như tờ. Ngài lập vừa dứt tiếng xử nữ vô can, bỗng nhiên trên trính nhà văng ra một cục lửa tròn bằng trái cam, đỏ lòm; rồi xẹt ngay xuống chỗ ngài nằm, dài và uốn khúc như con rắn lửa.

Sợ trúng nhằm mình ngài, ngài vụt trỗi dậy liền đặng có né tránh khỏi, hay đâu ngài vừa trỗi dậy thì lằn lửa đã biến tan; ngài lại nghe vẳng va83g bên tai có tiếng người, ngài nhìn quả là tiếng con Đào Anh đã nói với ngài trong lúc ban trưa, lập câu ngài mới nói: xử nữ vô cạn, rồi tiếp: “Bạch họa hoành suy liên trì nội”.

Nghe dứt ngài day mặt nhìn tứ cố mà không còn thấy chi nữa cả; duy ngó lại mình ngài thì thấy hình ngài lồm cồm trỗi dậy, mình còn nằm nửa ngồi đấy thôi. Nghe tiếp trọn câu chót, ngài biết đặng, lấy làm mầng rỡ biết bao; sợ để lâu mà quên đi, ngài mới lật đật để chơn xuống giường, chạy đi lấy giấy viết biên liền ra để nhớ. Biên trọn câu rồi ngài mới nghĩ: “Hiển hích chơn hiển hích, anh linh thị anh linh, thấy dường ni há dễ chẳng tin, còn chi nữa nghi mình mộng mị”.

Tóm lại chuyện Đào Anh hiện hình đầu cáo cho đến canh này mách bảo ta đây, thì ý con Đào Anh muốn nói: “Hồ phu nhơn ngoại tình, bị chồng giết thác trong mái rượu thì đã đành; chí như nó vô can, có làm tội chi đâu mà cũng bị giết bỏ thây cho bèo sen chôn lấp. Nói như vậy đây nghĩ cũng thật khó mà tra xét lắm chớ chẳng chơi.

Vì một là Hồ Quốc Thanh là nhà quan, hai là không chứng không tang, dễ dám lấy chuyện mơ màng làm cớ. Vả lại, theo như mình nghe thấy đây thì con Đào Anh cũng đã chết rồi, phải còn sao mà đi chứng. Thế thì mình phải liệu sao mà truy cho ra. Nghĩ không lẽ bỏ qua, ví dụ Tô Thường Hậu còn kia, thêm có Đào Anh đội trạng. Sánh lại thì hai vụ có liên can nhau. Nếu chẳng phải tại một gốc mà sanh, thì cũng bị một tay mà thác.

À, à nói tới Tô Thường Hậu mới nhớ khi con Đào Anh bức bỏ ra đi, ta kêu vực lại, thì nhớ nó có lời dặn ta: Nếu muốn rõ thiệt ngọn nguồn, thấu hết kẽ răng chơn tóc, thì cứ đòi Tô Thường Hậu tra vấn thì tường.

Vậy thì ta cũng nên ráng đợi sáng ngày mai quân dẫn Tô Thường Hậu lên cật vấn”.

Tô Thường Hậu, tuy lúc sau này chịu cho quan phủ Trang Tử Minh cật vấn khỏi bị tra tấn khảo kẹp như buổi đầu, tấn đến đỗi máu chảy ruột mềm, xẻ da nát thịt thì mặc dầu, mà những dấu roi dấu kềm, lằn ngang lằn dọc, chỗ bầm chỗ sưng hãy còn ràng ràng kia, càng thấm càng thêm đau mình, càng lở càng thêm rát thịt, nên chàng nằm năm canh luống những khóc thầm, trở trăn chẳng tiện; chàng cứ lăn qua rên, lăn lại cũng rên, rầm rĩ sáng đêm, riêng than từ khắc. Đã vậy còn thêm tính trọn mấy đêm không ngủ, cứ mơ màng thì nằm thấy chiêm bao, tưởng dầu cho sắt đá kia cũng phải kém hao, uống hồ chi, cũng xương thịt, cũng ruột gan như người, lẽ nào lại không mòn mỏi.

Cớ ấy nên điềm hồi hôm, trống chưa trở canh hai, chàng đã nằm sãi tay, mê say giấc điệp. Tính lại từ ngày chàng bị cầm ngục tới giờ, đếm đã sáu trăng, không có một đêm nào chàng ngon giấc cho bằng đêm nay, ngủ vùi mà không hay chi cả. Chàng ngủ thật quá mê; mê cho đến đỗi cái còng chàng mang, trên cổ chàng, nó lăn qua lộn lại theo với chàng mà chàng không biết.

Hễ chàng lăn qua, nó cũng lăn qua, chàng lộn lại nó cũng lộn lại với chàng, và mỗi khi nó lăn qua lộn lại với chàng như vậy, thì nó đập mình nó xuống ván lộp cộp lạc cạc, khua động om sòm khua động lớn cho đến đỗi vọng quân canh ngoài cửa ngục kia rất cách xa là bao nhiêu mà hãy còn nghe mà chạy vô thay; lầm tưởng cho những tội đày lưu, thừa canh vắng phá khám đường mà thoát thân khỏi ngục. Huống chi là chàng nằm đây, cái gông kề một bên tai đó; mà chàng mãi có giấc say, nên không biết không hay chi cả.

Chàng nằm ngáy pho pho mãi cho đến tan canh. Thình lình ai cũng nghe chàng nằm chiêm bao thấy chi đây mà cả tiếng kêu: “Mình ôi! Chậm đợi tôi đi với mình ôi!”

Kêu như vậy đôi ba lần, rồi vụt trỗi dậy ngồi, quay mặt nhìn tứ cố. nào có thấy ai đâu! Nào có thấy chi đâu!

Nếu chẳng phải cái gông săn, cái còng sắt, là bạn tri âm tri hỷ của chàng giao kết từ mấy tháng nay, với cái thếp đèn dầu mù u chong để leo lét một bên cây cột nhà từ năm nào đâu, mà nó đã cháy sém cày, khuyết cột vô gần phân nửa.

Tô Thường Hậu ngồi ngơ mắt ngó cái đĩa dầu hao mà lau giọt lụy tràn; giây phút chàng lại chép miệng than: “Chẳng biết phải thiệt nàng, hay là ta trong giấc mơ màng nằm thấy!”.

Nàng bảo ta mau tỉnh giấc gượng theo nàng tới nha, đặng mà nhờ lượng hải hà, xét tra minh bằng. Nàng lại dặn ta hãy khai thật sự tình đi, đừng giấu nữa chi, vô ích. Hễ ta mà chịu khai thật, thì nội trong ít ngày nữa đây ta sẽ đặng khỏi chốn ngục hình, lại đặng minh oan khúc. Thấy vậy hay vậy, chưa biết phải thật nàng hiện hồn về mách bảo ta vậy chăng? Như thật nàng bảo ta vậy, ta nghe lời nàng mà khai hết tâm sự của ta, thì không nói chi; chí như không phải nàng bảo ta, hẳn thật là điềm mộng mị, ta tin theo mà khai hết ra, thì uổng bấy công ta, ở chốn Diêm đài, không an nhắm mắt. Dường ấy, nàng lẽ nào không trách ta súy tử tham sanh, đem dạ phụ tình ân ái”.

Còn đang suy tính, giọt châu còn đượm chảy ướt bâu, bỗng đâu có hai tên lính lệ bước vào, dạy rằng:

– Có lịnh phủ đòi lập tức.

Dứt lời, một tên bước lại mở còng cho chàng, còn một nắm lấy cánh tay chàng mà xốc dậy:

– Hảy ráng đứng dậy mà đi cậu!

Nói rồi lại hỏi:

– Cậu biết tôi đây là ai chưa? Tôi là thằng bếp Thập đây, lẽ khi cậu cũng có nghe danh tôi chớ. Cậu phải biết từ tôi vô cơ lính lệ này tới giờ, tôi thường bắt tội cõng tôi, chớ thật tôi chưa hề cõng tội. Tôi phải nói cho cậu biết, kẻo cậu lầm tưởng tôi như mấy lão kia, cậu chơi miếng cũ, khó lòng cho cậu? Thôi, cậu hãy gượng dậy mà đi cho mau. Sáng chưa có chút gì lót lòng, theo lên phủ kiếm ‘ba tê’ đỡ dạ! Cậu thiệt có phước! Từ hôm cậu vô đây đên nay, cậu đã bị tấn mấy lần, mà may cho cậu, rủi cho tôi, chưa có lần nào cậu gặp phiên tôi cầm roi cầm nọc! Không chừng bữa nay, vái cô hồn, cho cậu gặp tay tôi căng dùi nọc cậu một lần cho biết!

Nghe nói mà hỡi ôi. Tô Thường Hậu lắc đầu rồi gượng bước theo quân phủ. Dọc đàng Tô Thường Hậu phần đau giảm sức, phần đói gầy mòn, đi một hồi hạn xuất triêm thân, mêt đuối, mỏi run, mặt đà đổi sắc. Tuy vậy mà đâu dám ngưng bước ngồi nghỉ cho mắc phải tay! Phải gắng gượng theo chơn, cho khỏi đường roi mũi vọt.

Tô Thường Hậu đi tới phủ, mới vừa bước vào, đã nghe trong có tiếng, rõ là tiếng của quan phủ Trang Tử Minh, nóng đợi, hỏi ra:

– Lính đã dẫn tội nhơn tới rồi chưa đó hả.

Nghe dứt, tức thì có một thầy cai đầu thì trọc lóc lại vấn khăn Bùng, mình mặc áo the, chơn mang giàu hàm ếch, lẹp quẹp chạy ra, xăng xái nói:

– Có Tô Thường Hậu ngồi đây cùng chăng!

Nghe  lính kêu Tô Thường Hậu mà nói, mới biết thầy hỏi đấy là thầy Đề lại:

– Tô Thường Hậu, thầy Đề hỏi mi kia sao mi ngồi yên đó?

Tô Thường Hậu vội vàng đứng dậy chắp tay xá; thầy Đề mới gục gặc đầu, đưa tay khoát bảo Tô Thường Hậu cứ việc ngồi và nói:

– Thằng này mi vào đây bao giờ mà chưa thấy ra mắt ta vậy hử?

Tô Thường Hậu chưa kịp trả lời, có tên lính lệ tên là Thập mới dẫn Tô lên đến đó, chíp cười mà đáp rằng:

– Bẩm thầy, nó có gì mà ra mắt ai! Ở dưới ngục anh em tôi phải nuôi nó từ điếu thuốc. Vậy mà nó chẳng nghĩ mà thương, có khi còn muốn phá chơi bắt anh em tôi cõng nó nữa chơ!

Thầy Đề:

– Vậy sao trong tờ bẩm nói nó là con nền phú hậu bậc tài danh lại lịch sự trai, chẳng kém Trường Khanh – Tống Ngọc?

Lính Thập:

– Bẩm thật, mà là nhà ở bên tỉnh Quế Châu kìa; chí như bên kiển Tô Châu nầy nó sang ở chơi lâu bị mấy ả cạo đầu trọc lóc!

Nghe nói bị mấy ả cạo đầu trọc lóc, thầy Đề háy tên lính Thập mà tỏ sắc bất bình, rồi xây lại Tô Thường Hậu mà nói:

– Vậy chừng ta có qua Quế Châu, mi gặp đừng giả ý quên ta mà ngó lơ, đa nghé!

Nói rồi lật đật trở vô; Tô Thường Hậu dạ dạ rồi thầm nói: “Lạ dữ a! Cái giống sâu mọt này không ai gầy giống dưỡng nuôi, mà cả nước đi tới tỉnh nào, phủ nào cũng không nhiều thì ít!”

Thầy Đề trơ vào liền theo đó có lịnh đòi dẫn Tô Thường Hậu vào hầu quan phủ. Vừa thấy mặt Tô Thường Hậu, Trang Tử Minh tỏ ý vui, cười chúm chím và nói:

– Tô Thường Hậu, hãy nghe theo ta mà tính một ngày nay cho xong, đặng ta có tha ngươi ra, đặng có trở về tỉnh mà thăm nhà viếng cảnh!

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tôi sẵng sàng nghe theo lịnh quan lớn mà cúi đầu vâng dạy, tôi đâu dám còn gượng cãi lẽ nào; quan lớn cũng biết, tôi mong nhờ lượng cả bao dung, lấy công lý minh oan cho tôi.

Trang Tử Minh:

– Lấy công lý mà minh oan là phận sự của ta, chẳng đợi tới mi nài nỉ; song mi phải biết, ta mà minh đặng chăng cũng ở nơi mi, nếu mi chẳng tưởng trăng tỏ khôn soi chậu úp, thì ta làm sao thấu hiểu mà minh oan cho mi đặng. Vậy thì bữa nay đây mi cứ thiệt sự mà khai ngay đi. Nếu mi nói rằng có kẻ vu oan, mi chẳng có lòng gian trộm cắp, thì tại làm sao Hồ đô đốc với Hồ Lăng lại chẳng khai cho ai, cứ mi mà khai vãi? Tại sao bắt của tang tại phòng mi, mà mi hay la oan than ức? Nhứt là mi nói khi mi vào dinh bán ngọc cho Hồ phu nhơn, mi quen với Hồ phu nhơn, mi biết đoàn thế nữ, mà mi không hề có tâm sự tế vi, không hề có chuyện vì tình tệ, mi trong sạch mà mang lấy tai bay họa gời, thì vụ mi bị cáo trộm cắp ngọc ngà châu báu trong hòm mạng phụ quàn để tại am đó, ai chịu cho mi mắc phải hàm oan mà phải kêu oan mãi thế?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, oan thật là oan! Lòng con con biết, dạ tôi tôi hay, lý dầu gian mà tình tôi thật là ngay, chẳng rõ oan khúc tại ai, khiến tôi chịu tai bay họa gởi.

Trang Tử Minh:

– Cớ sao mi gọi tình ngay lý gian, nói cho ta nghe thử?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tình ngay lý gian là tôi có vào dinh bán ngọc, mà tôi không làm sự tế vi; tôi trong lúc đêm hôm đó đến viếng quan tài, mà tôi thật chẳng đặt tay cắp của.

Trang Tử Minh:

– Đêm khuya mi đến chỗ quan tài mà làm chi? Mi nói đến viếng, vì sao mà mi viếng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, viếng là vì tôi có vào dinh bán ngọc, tôi có biết phu nhơn, thật là tay trong như giá trắng như ngần, lại có dạ khoan nhân đại độ. Trách trời nỡ khiến chi vắn số, chưa mấy mươi mà trâm gãy bình tan, tôi thương người vóc ngọc mình vàng, nên tôi chờ canh vắng để tiếng than gọi tiếc kẻ dung nhan mày liễu.

Trang Tử Minh:

– Mi mượn cớ đó mà che chở lỗi mình thật khó tin. Đời mấy ai vị quen biết qua đàng, dung nhan mày liễu mà than tiếc nếu chẳng có chút tình riêng gì, ân nặng gì. Mi nói khi mi vào dinh bán ngọc mi có quen với đoàn thế nữ, những đứa mi quen đó là đứa nào? Mi có quen biết với một con tì nữ chữ đặt tên là Đào Anh?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tớ ra vào buôn bán nơi dinh cũng thường, song với đoán thế nữ trong dinh, tớ thấy thì hay đấy, quen thì hay quen, chớ ít biết tên cho hết; trừ ra con Đào Anh là con tì nữ yêu dấu của Hồ phu nhơn, là con mà quan lớn mới hỏi đó thì tôi quen hơn nên mới biết tên biết họ.

Trang Tử Minh:

– À hà! Nói vậy mi quen với Đào Anh, mi biết con Đào Anh, mà mi có tình riêng gì với con Đào Anh không?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không! Không tình riêng gì tất cả.

Trang Tử Minh:

– Mi biết Đào Anh bây giờ ở đâu chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không; từ thôi vào ra buôn bán trong dinh, tôi không khi nào gặp mặt Đào Anh đặng nữa. Tuy vậy mà tôi tưởng nếu nó chưa thôi Hồ phu nhơn, thì nó còn ở tại dinh Hồ đô đốc chớ đâu.

Trang Tử Minh:

– Đào Anh không còn ở với Hồ phu nhơn, vì mi biết Hồ phu nhơn chết thây còn quàn đó. Đào Anh thôi ra rồi, mi biết rõ Đào Anh ở đâu, song mi không muốn chỉ. Mi muốn ta bảo lính lệ tấn mi không?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, Đào Anh dầu thôi ở, vì mạng phụ qua đời, thì Đào Anh về nhà cha mẹ chớ ở đâu, tôi làm sao rõ thấu.

Trang Tử Minh:

– Mi rõ thấu! Ngoài mi thì chớ còn ai biết hơn. Vả lại – mi hãy nghe – Đào Anh đã có nói với ta, tâm sự của nó một mình mi rõ thấu.

Tô Thường Hậu nghe qua nghĩ cho Trang Tử Minh kiếm chuyện phỉnh mình, chớ Đào Anh thác rồi. Đào Anh đâu còn mà nói. Nghĩ vậy rồi, chàng liền bẩm:

– Bẩm quan lớn, tôi nhớ ngày Hồ Lăng vào chùa Bảo Anh, Hồ Lăng có nói với tôi một khi rằng, Đào Anh đã chết.

Trang Tử Minh:

– Lời nói ấy chẳng ngoa. Mà Hồ Lăng có nói tại sao mà Đào Anh thác hay không.

Tô Thường Hậu:

– Bẩm Hồ Lăng có nói Đào Anh bị Hồ đô đốc nghi tình mà giết bỏ.

Trang Tử Minh:

– Nghi nỗi tình gì?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn tôi đâu có biết.

Trang Tử Minh:

– Mi biết lắm chớ. Đào Anh cũng có nói với ta rằng mi biết rõ.

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn. Đào Anh đã thác ra ma, tôi mới bẩm qua rồi đó.

Trang Tử Minh:

– Phải, Đào Anh đã ra ma, nhờ vậy nàng mới hiện hồn mách bảo cho ta rõ thấu kẽ chơn răng chơn tóc. Đào Anh thật anh linh. Ta nói cho mi biết, ta đã rõ hết ngọn ngành, khuyên mi chớ giấu tình, muốn bưng kín miệng bình sao đặng.

Tô Thường Hậu nghe nói tới đây mặt mày biến sắc, thầm nghĩ không lý con Đào Anh nó hiển hích đến thế, thác rồi mà hiện hồn về đội trạng kêu oan. Nghĩ đến lẽ, Tô Thường Hậu lại sực nhớ sự mình nằm chiêm bao thấy Hồ phu nhơn như buổi mình còn ở tại chùa, thấy hiện về bảo mình sự tình khai thiệt.

Lấy sự Hồ phu nhơn mách bảo mình đối với sự Đào Anh mách bảo quan phủ đây, có khi hai đều hẳn thiệt; chẳng phải quan phủ bày chuyện phỉnh mình.

Vả lại khi trong mộng, Hồ phu nhơn có nói với mình, hễ khai hết sự tình, tự nhiên, nhờ lượng quan mình thoát nạn. Vậy thì, mình cũng nên khai thật hay hơn, xét nét kỹ cang, Tô Thường Hậu ngước mặt lên ngó quan phủ, ngó dường như muốn nói với quan phủ rằng: Tôi có khai, xin nhờ lượng cả bao dung.

Quan phủ ngó thấy mặt, biết ý Tô Thường Hậu muốn khai thật sự tình mà lòng còn ngại, nên tiếp:

– Không sao đâu; mi cứ việc khai ngay, đừng ngại mà giấu quanh giấu quất. Ta đã nói, mi khai thật ta mới hiểu ý minh oan; nếu mi giấu nhẹm sự tình, lạ gì mi chẳng biết, phúc bồn ấy nguyệt minh nan chiếu. Hồ đô đốc nghi tình gì mà giết Đào Anh?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, nếu Đào Anh đã mách bảo quan lớn rõ ràng.

Trang Tử Minh:

– Ta muốn hỏi lại mi coi lời Đào Anh có quả! Mi hãy nói cho ta nghe coi Hồ đô đốc nghi tình gì mà giết thác Đào Anh.

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, ngoài cái tình riêng của Hồ phu nhơn thì còn biết nghi tình gì mà nói, Hồ đô đốc nghi cho con Đào Anh lúc ngài xuất sư dẹp giặc, ở nhà mưu kia kế nọ, nhỏ to òn ỷ dỗ giành, dỗ cho đến đỗi, Hồ phu nhơn say tình nhơ tiết mất trinh, để lộ dấu ngài về bắt đặng.

Trang Tử Minh:

– Bắt đặng! Mi chắc hẳn rằng Hồ đô đốc bắt đặng? Ta chẳng tin! Vì hễ bắt đặng Hồ Quốc Thanh là một vì đô đốc có quyền giết đặng mạng phụ lỗi lầm; có lý nào đã bắt đặng lại chẳng giết Hồ phu nhơn, để đi giết Đào Anh tội tình gì, dẫu rằng Đào Anh lấy tay trong, vì nó làm mai mối.

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, theo lời Hồ Lăng nói với tôi rằng Hồ đô đốc về thấy bãi nước miếng đờn ông nhổ bên đầu giường, nghi hỏi, Hồ phu nhơn chối dài, Hồ đô đốc mới thừa dịp chặn Đào Anh ngoài vườn mà hỏi. Đào Anh thật vô can. Song khi Đào Anh khai rõ sự tình kia kia nọ nọ rồi. Hồ đô đốc sợ để Đào Anh lậu sự mà ngài làm không thành kế chăng, nên ngài, tuy biết Đào Anh vô tội, cũng quyết chẳng tha, giết thác rồi bỏ thây dưới hồ phủ mặc bèo sen chôn lấp.

Trang Tử Minh:

– À há! Lời mi khai đó rõ thật như lời Đào Anh cho. Mà chẳng biết Đào Anh khai với Hồ đô đốc ai là người tình nhân của Hồ phu nhơn, nói luôn cho ta biết?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm tôi không rõ đặng.

Trang Tử Minh:

– Mi không rõ thì ai trong thế gian này rõ! Ngươi hãy ngó lấy sự mi la oan than tức về vụ trộm ngọc trong hòm kia rồi sẽ chối. Đó là chỗ rửa hận tình chung đó!

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, tôi thật …

Trang Tử Minh:

– Ấy ta đã hiểu rõ, mi đừng giấu đầu lòi đuôi. Còn Hồ phu nhơn làm sao mà chết mi có biết chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không!

Trang Tử Minh:

– Mi không biết mà ta đã biết. Ta nói cùng ngươi một lời chót này: Nếu mi không khấng khai ngay từ ngọn tới nguồn cho ta hiểu kẽ răng chơn tóc, thì ta kêu quân căng mi ra tấn liền, ta không dung vị nữa. Việc đã rõ ràng, sáng tợ ban ngày mi còn giấu nỗi gì mà không thú thật. Ta là minh quan, ta là người cứu mi, mi chưa chịu khai còn chờ ai nữa. Ta cho mi nghỉ năm phút đồng hồ rồi khai. Nếu mi không thú thật đầu làm sao đuôi lại làm sao, trộm tình với Hồ phu nhơn hồi nào, thì ta chẳng dung mi đặng nữa. Mi có phải là đứa trộm ngọc trong hòm chăng? Hay là trộm tình nơi dinh Hồ đô đốc? Trong hai điều mi phải chịu một thì ta mới minh oan cho. Mi phải nhớ Đào Anh vì nỗi oan, đã hiện hồn đến ta mà đầu cá, chẳng còn chi mà ta chưa thấu đáo cơ gian.

Tô Thường Hậu nghe qua nghĩ thầm, nếu cượng chối, ắt chẳng khỏi bị quân tra tấn. Vả lại nãy giờ mình cũng đã khai lọt vào vòng rồi đã mắc lưới vẫy vùng sao đặng. Lại thêm con Đào Anh oan hồn nó đã kêu nài. Vậy thì thà mình cam lỗi với Hồ phu nhơn, chịu thật trước sau, may đặng mình oan khúc.

Nghĩ thầm vậy rồi Tô Thường Hậu lầm thầm trong miệng dường như khấn vái tình nhân; vái rồi ngó quan phủ mà nhìn, dường muốn tỏ bày khúc độc, quan phủ hiểu ý liền nói:

– Sao, mi nhứt định khai thật tâm sự của mi chưa, hay là đợi phải có người tra khảo?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, xin để tôi khai ngay.

Trang Tử Minh:

– Á há! Vậy mới có thể minh oan cho chớ.

Nói vậy rồi lại kêu thầy Đề lại mà bảo:

– Đề lại đâu! Đem giấy mực lại đây, ngồi mà biên hết lời khai của Tô Thường Hậu. Biên đừng cho sơ sót tiếng nào. Còn Tô Thường Hậu mi có khai, cũng phải khai đủ đầu đuôi, đừng che đậy chỗ nào nữa hết.

Dứt lời quay bảo Tô Thường Hậu khai đi.

Tô Thường Hậu bèn khai:

– Bẩm quan lớn, tôi gốc ở Quế Châu tên Tô Thường Hậu, con nhà giàu có, cha mẹ mất sớm, để sự nghiệp trăm muôn; tuy tôi thuở bé nhờ cha mẹ tưng tiu rước thầy về dạy, nên tôi chẳng đặng ít nhiều bút nghiên, dầu rằng tôi chẳng phải tay khoa mục. Từ thừa hưởng sự nghiệp cha mẹ để lại, ước mơ ngồi nhà làm một mặt phú gia cùng một tay nghiệp chủ, tôi cũng đặng sung sướng trọn đời, của tiền chẳng thiếu. Nhưng hỡi, tôi chưa có người nội trợ tề gia, mà tôi lại có chí bốn phương, nên tôi thừa lúc thong dong, tha đi các tỉnh nhàn du, trước là xem cho biết đủ nhân vật cảnh tình, sau chọn cho đặng chốn gieo cầu, không cũng mặt trao tơ lụa ối. Nhứt định rồi tôi giao hết nhà cửa sự nghiệp ch lịnh cô giữ gìn, đặng tôi có lên yên giục vó. Tôi vừa sửa bước ra đi, lịnh cô của tới lại cản nói gặp hồi ly loạn, thay chúa đổi ngôi, trôm cướp bốn phương sanh linh đồ thán; nếu tôi ra đi du lịch một mình như vậy e lũ côn đồ dọ biết tôi là tay cự phú mà âm thầm hãm hại. Muốn đi, phải lấy một nghề gì làm cớ đặng mà giả thương khách qua đàng, thì mới an lòng lịnh cô tôi. Chẳng dám cãi lời cô, tôi mới gom góp châu ngọc trong nhà và quơ thêm của các nhà cự phú trong tỉnh cho nhiều đặng giả thương khách đi buôn châu ngọc. Đi tỉnh này sang tỉnh nọ, từ Bắc Kinh đi chí Nam Kinh, lúc tới Thiên tân tôi nghĩ tôi đã biết đủ nhân vật cảnh tình xa gần khắp hết rồi, lại thêm tôi đi cũng đã chầy tháng năm lâu ngày rồi, nên tôi tính muốn trở về bổn tỉnh.

Xảy đâu đêm chót tôi còn ở tại Thiên tân, tôi có xem một hội hoa đăng, tôi thấy tài tử giai nhân, nam thanh nữ tú, tôi lấy làm vui lòng đẹp mắt mà để tiếng ngợi khen không ngớt. Có người đứng gần nghe tôi khen, mỉm cười dường chê tôi là tay chưa thông thạo, rồi lại nói:

“Túc hạ thấy những nữ tú nam thanh đất Thiên tân này như vậy mà túc hạ khen rồi; ước đặng túc hạ để bước tới Tô Châu là một tỉnh kiểng xinh như vẽ người tươi như dồi, thì túc hạ mới biết tặng khen sao nữa. Đất Tô Châu, chẳng cần nói những gái nhà thế phiệt trâm anh dầy dầy sẵn đúc, đều là tay thiên kiều bá mị, vạn chưởng phong lưu, thanh thủy vi thần, ngọc vi cốt mà làm chi, nên nói những lũ ca nhi cùng là bọn lầu xanh đệ nhứt chi cũng đều là mặt phù dung chi sắc.

Bởi vậy những tay cự phú cùng là vuông tôn công tử ở đâu xa, lại chẳng tìm tới Tô Châu mà chơi; làm ra tỉnh Tô Châu trở nên một cái cảnh phiền ba, quan quân đô hội. Không có tửu lầu nào mà không lấy đêm làm ngay, đờn địch nhặt khoan, hát ca lảnh lót.

Nghe qua tôi chíp để lòng, về phòng nghỉ hỏi thăm, tôi quyết định tới chơi cho biết. Tới Tô Châu tôi cũng lấy nghề bán ngọc mà giới thiệu, ở chơi một hai bữa đầu tôi thấy thật là tiếng đồn chẳng sai; lần hồi ngày gió đêm trăng, say mê lắm lúc.

Ở trót hai tháng trường, tôi không biết tới một xóm nào làng nào trong tỉnh Tô Châu khác hơn là xóm phiền ba khách sạn tới tửu lầu, đêm ngày luống lui lui tới tới.

Vui tột sanh buồn, cứ đêm nào cũng hội yến đêm nào cũng đờn ca, liền quá cũng nhàm tai chán mắt.

Một bữa tôi nghe đồn chùa Bảo Anh tuần hạ ngươn có làm chay thí tế. Thiện nam tín nữ xa gần nô nức tới dưng hương. Nghe qua tôi chíp để lòng, chờ sáng tới xem cho biết. Sáng ngày rã cuộc hội yến, tôi không trở về khách phòng, tôi cứ việc kêu xe dung ruổi tới Bảo Anh am tự.

Tới nơi, xem hát thật là vui; không những bổn đạo tới quỳ hương khẩn nguyện khôi; cho đến hàng phu nhân trong lầu các cũng ngồi kiệu tới chùa cúng Phật. Trong hàng mạng phụ đi cúng đấy có Hồ phu nhơn là một người đờn bà còn non.

Tôi thấy mà không biết vợ ai, nên tôi phải lòng đứng nhìn ngó mà thầm tiếc hương trời sắc nước. Ước đặng gối chung đầu dầu có thác cũng vui. Vì tất lòng thầm mơ ước trộm ước ấy, tôi không biết tôi có đặng mãn nguyện cùng chăng, nên lúc Hồ phu nhơn còn đang quỳ lạy các bàn, tôi vào trước bàn thờ Quan công, tôi xin xâm cho biết kẻo luống công vô ích.

Tôi vái lạy xin đi xin lại hai lần cũng đặng một thẻ xâm hạ, tôi đem lãnh bài xâm coi, thì trong đây có câu như vầy:

Tiền thế kiết thành duyên

Kiêm triêu nhậm tiền khiên

Khẩu như bình thủ định

Mạt thổ tại nhân tiền

Xem qua tôi lấy làm mầng lòng, biết chắc làm gì tôi cũng đắc thành sở nguyện, nên tôi …

Trang Tử Minh:

– Khoan! Mi xin xâm có bốn câu như vậy, chẳng hay mi hiểu nghĩa ra làm sao mà mi chắc cái hy vọng của mi thành tựu; mi cắt nghĩa cho ta nghe rành thử coi?

 Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, trong bốn câu xâm dạy biểu rõ ràng, chữ đâu nghĩ đó; chớ có chi kín nhiệm cao xa mà phải tìm hiểu cho quá cao mà ra thấp. Thì câu đầu dạy rằng: Kiếp trước người đờn bà ấy với tôi đã có kết nên vợ chồng một lần rồi, nên mới có mối nợ tiền khiên dây dưa đến ngày nay, phải vay trả cho nhau mà gặp nhau lại nữa; song phải biết kín miệng như bình chẳng nên dễ ngươi, nhổ trước mặt người, nghĩa là thổ lộ sự tình trước mặt người, mà sanh hậu hoạn, chớ có gì.

Trang Tử Minh:

– Nếu mi hiểu vậy thì mi lầm rồi, câu thứ tư có phải nói như ý mi, bảo đừng nhổ hay là đừng thổ lộ sự tình trước mặt người đâu. Nếu quả thánh thần muốn dạy bảo ngươi bưng kín miệng bình, đừng cho thổ lộ thì câu xâm phải nói chữ gì, chớ có phải dùng chữ thổ là mữa ra, nhổ ra, phúng ra mà nói vậy đâu. Ta chắc mi hiểu sai lầm rồi. Mà thôi lầm chẳng lầm cũng chẳng sao, mi cứ việc tiếp theo cho trọn; nói đi khai đi cho ta nghe.

Tô Thường Hậu:

– Tin chắc theo lời xâm làm gì tôi cũng đặng thành như nguyện, nên tôi chực sẵn đợi Hồ phu nhơn lên kiệu ra về, tôi tuốt theo sau coi thử về dinh nào cho biết. Theo về tới dinh Hồ đô đốc, kiệu Hồ phu nhơn vào ngõ, bỏ xe của tôi bơ vơ ngoài đàng, ngơ ngẩn tợ như nhạn lạc bầy, chim lẻ bạn. Tôi đi qua đi lại ngó vô dinh đôi ba lần, thấy có vọng quân canh, chẳng dám đứng mà nhìn lâu, tôi mới lần bước tới tìm người hỏi thăm cho rõ.

Nào có hỏi đặng ai! Cũng có gặp đôi ba trẻ thiếu niên qua lại trên đàng, mà hỏi đến không biết dinh của ai mà nói. Buồn tình tôi mới lơ thơ bước lần tới nữa, họa may có gặp nhà nào ghé vào hỏi thăm nữa chăng; chớ hỏi chưa ra mối mà vội ôm cái khối tình câm này về phòng mà mơ bóng tưởng hình, bâng khuâng nhớ nét mày gương mặt, thì dể nào ngồi yên chỗ, đứng an nơi lắm sao.

May đâu, lúc nên  trời cũng chìu lòng, khiến cho tôi đi tới một cảnh nhà tranh, ở dựa một bên trên lộ. Tớ màng lòng quá, lật đật tuốt vào, thấy, một lão bà còn đang đứng tại sân, hết hồi bẻ lá gân xanh rút ruột tằm rồi, đứng mà chấp tơ nối chỉ.

Tôi liền ra mắt bà mà thi lễ, rồi hỏi thăm bà chẳng biết dinh của ai ngoài có vọng canh, trong có tôi đòi, hầu hạ một người đờn bà vừa trạc thanh xuân, má phấn môi son, mày tằm mắt phụng.

Lão bà cười và nói tôi phải là người ở đâu đến đây mới chẳng biết dinh ấy là dinh Hồ đô đốc, người đờn bà ấy là Hồ phu nhơn chồng mắc đi dẹp trường sa, vợ nhà quạnh quẽ đó.

Tôi cầu lão bà làm mai, tôi chịu nhiều vàng bạc, nhưng mà bà lão không khứng chịu, nói rằng quân lịnh nghiêm không thể ra vào; bà lại còn e làm đến điều phạm nghĩa cang danh, chẳng may đổ bể ra tới tai Hồ đô đốc, hay lúc ngài ban sư về dinh, ắt chẳng khỏi tay ngài, phải làm quỷ không đầu, danh ô nang thục.

Tôi năn nỉ với lão bà đem vàng dắt ngõ, tiến dẫn tôi vào đến dinh ra mắt phu nhân lão bà cũng không; lão bà lại nói quân lịnh cấm đờn ông dầu thân thích cũng không vào đặng. Rồi lại tôi xin cải trang vào dinh bán ngọc, lão bà mới chịu tiến dẫn cho. Mà trước khi dắt vào, tôi phải giả gái cho lão bà coi, coi như hệch lão bà mới chịu.

Trang Tử Minh:

– Khoan! Mi có biết lão bà tên họ là chi! Nhà ở đâu? Bấy giờ còn hay mất.

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn từ thâm dinh cấm rồi, từ ấy những nay tính lại đã gần ba năm, tôi không hề gặp mặt lão bà nữa. Thật tôi không rõ tên họ bà, mà tôi cũng chẳng biết nhà còn ở đó hay đã dời đi chỗ khác. Bà còn mất không tường.

Trang Tử Minh:

– Thế thì việc mi cải trang thâm nhập dinh cấm là mưu của mi sắp đặt trước phải chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, không những tôi vì lòng gái truất tư lương gương mặt thiên hương quốc sắc mà sắp đặt kế cải trang vào dinh cho đặng mà thôi, mà tôi những còn toan một kế mẫu dễ cầm chơn ở lại trong dinh đặng có kiến cơ nhi tác. Là tôi vào mấy lần đầu đem ròng những châu ngọc thấp giá cao cho Hồ phu nhơn lụa không đặng không khứng mua, tôi sẽ hứa sau đem châu ngọc tốt.

Tôi lựa sẵn mấy mươi hột châu rất báu xâu làm một sợi chiền. Xâu châu này cột gút một đầu thả lơi mối đầu cố ý để người cầm vô ý thì sút sổ để xòa hột châu xuống đất. Đã vậy qua bữa sau là bữa tôi quyết ở lại trong dinh ban đêm, tôi đợi tới xế qua, tôi mới vào dinh gởi xin ra mắt, lịnh phu nhơn cho vào trong nhà, vì trước đã quen tánh nết vừa lòng.

Tôi vào, phu nhơn thấy mặt mầng, nói cười vui vẻ hỏi chuyện này sang chuyện nọ, tôi mới dỡ châu sắp sẵn đem dâng; tôi nói xâu châu này là đáng mấy mươi ngàn, vì là châu lựa, hột nào như hột nấy, không tì không vết.

Hồ phu nhơn vói tay lấy, tớ mầng lòng, biết Hồ phu nhơn đã trúng kế rồi; phu nhân vừa cầm, tôi vừa buông, thì xâu hột châu đổ xòa xuống đất. Hồ phu nhơn vì vô ý, tỏ sắc không vui; còn tôi, thì tôi cứ việc vui cười như thường, tôi lại theo mà an ủi Hồ phu nhơn, để mặc tôi thủng thẳng lượm lần lại đủ. Rủi trời đã tối rồi, lượm không đủ số Hồ phu nhơn lòng ngay, mới cấm đoàn thế nữ ra vào, rồi cầm tôi ở lại trong dinh, ăn với Hồ phu nhơn rồi nghỉ, đợi bình minh kiếm nữa.

Khi dùng bữa đàm đạo, tôi kiếm những lời tư dâm, những điều sắc dục mà nói về phận tôi góa chồng thuở mới có chồng, tôi bày tỏ cái sơ yếu của đờn bà, sự nhiệm màu của phu nhân, làm thế nào mà giữ tiết. Tôi biết rõ gái mới về nhà chồng một đôi trăng vầng trăng kia vội rẽ thì lạ chi câu bảo noãn tư dâm dục, ví chẳng khác kẻ khát cầm gáo mà trông; nếu có ai mà nói đến chuyện vợ chồng, thì thế nào cũng khó dằn lòng cho đặng.

Tôi bày chuyện thương riêng mà nói cho trong lúc Hồ phu nhơn chén say ửng đỏ má đào; Hồ phu nhơn vì sự vắng vẻ loan phòng, mong có kẻ giải đặng lòng tha thiết, nên nghe Hồ phu nhơn liền tin như lời, muốn cho tôi chung phòng để bà thí nghiệm.

Vì tin thật tôi cũng là phụ nữ như hoa Hồ phu nhơn, tôi thừa lúc Hồ phu nhơn say giấc, tôi xuất kỳ bất ý, công ky vô bị, cho thỏa lòng tự niệm. Việc lỡ rồi biết sao! Lại thêm hạng phùng cam võ, vì chẳng khác kẻ đói lòng ăn trái khổ qua, nuốt vô thì đắng nhả ra thì uổng, nên lỡ rồi phu nhân cũng cam, thuận tình để trong lúc chích bóng cô phòng có kẻ giỡn đào chơi lý.

Bẩm quan lớn, sự đời gẫm có lạ chi. Rượu chẳng uống, uống thì say, hoa chẳng chơi, chơi thì mê, càng ngày xem phu nhân một tỉnh mười mê, cùng tôi đêm ngày lắm lúc. Trong dinh nào có ai hay biết chi đâu.

Trừ một mình con Đào Anh là con tớ ruột, là đứa đã chết còn hiện hồn đội trạng kêu oan, thì nội trong dinh từ lớn chí nhỏ, có ai biết tôi cải trang, hòng nghi cho tôi làm điều tình tệ.

Tôi ở trong phòng với Hồ phu nhơn trót đã hai năm, ngày thì lúc chén rượu, lúc cuộc cờ, đêm lại khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

Chẳng nói quan lớn cũng biết; tôi mà đặng Hồ phu nhơn như đặng ngọc, như đặng đào tiên rơi đến tay phàm, nên tôi mong sao cho hiệp nghĩa sắc cầm, quyết một cải cầm nên điệu. Còn như Hồ phu nhơn vì lỡ cuộc ngọc trắng cát lầm rồi phải chịu, nên để cho ép liễu nài hoa; chớ có lý đâu dám đem lòng phụ mặt tài ba, vùi gió bụi cho uổng cái mình ngà vóc ngọc.

Cớ ấy nên tôi biết rõ, Hồ phu nhơn có thương cho lắm bất quá là mê nhứt kiếp ngộ nhứt thời đó thôi; chớ hễ ngày nào Hồ đô đốc dẹp an cuồng khấu rồi trở về dinh, thì tôi với Hồ phu nhơn, phải một đứa một nơi rời rã!

Bẩm quan lớn, tôi đã nói tôi ăn ở chung chạ cùng Hồ phu nhơn trong phòng trót đã hai năm, không hề Hồ phu nhơn để cho tôi bước chơn ra khỏi cửa; trừ ra một đôi khi, đêm nào vì sự tù túng lâu ngày mà vui tột sanh buồn tôi ép uổng hết lời Hồ phu nhơn cực chẳng đã, thương tưởng lắm, mới là khấng chịu chờ đêm khuya canh vắng, cùng tôi đem nhau đi coi hát.

Vậy mà ba bốn tháng, hoặc nửa năm mới đặng xem diễn một lần. Tính lại trót hai năm tràng đi đặng có ba lần mà hết. Trong sáu tháng sau này chưa hề để bước đi đâu. Hồ phu nhơn có tính đà xem hội Huê đăng mà chưa kịp đi, bỗng nhiên, một buổi trưa kia, ăn rồi cùng nhau đang nằm trên giường trò chuyện, có tin thế nữ – ấy là con Đào Anh – vào báo có Hồ đô đốc ban sư, tiếng trống quân còn nghe vẳng vẳng.

Nghe báo, Hồ phu nhơn cùng tôi, nghẹn ngào miệng mở chẳng nên lời, trơ mắt nhìn nhau giọt dài giọt vắn; khác nào như sét đánh nửa lưng trời, nghĩ đôi lứa cùng nhau chông chạ đứng ngồi, gối chăn yêu ấp trót đã hai năm một phút không lìa, nay thình lình có tin Hồ đô đốc về làm rã tùy chia uyên, vì chẳng khác bình địa phong ba, thì lòng nào không động.

Bởi vậy Hồ phu nhơn cùng tớ, ôm nhau mà khóc òa, kể nỗi sự tình, từ đây chia cách. Hồ phu nhơn nghĩ con gấp lửa cháy mày sợ cho tôi diên trì mà Hồ đô đốc về tới dinh ngó thấy, Hồ phu nhơn mới hối tôi mau tạm bước ra ngoài, tìm chốn dung thân, chờ cơn tái ngộ.

Tôi nói gần đây tôi không quen biết với ai duy có Bảo Anh tự chẳng xa, tìm tới đó giả cuộc ẩn vương nương Phật. Tôi ra đi, cuộc như vầy đây, quan lớn cũng biết, đau lòng biết bao; nỗi đau đớn nó làm cho tớ, đưa chơn một bước hóa mười lui, Hồ phu nhơn nhìn theo, tôi quày đầy ngó lại thật là trơ mắt hai nhìn ra bốn giọt.

Tới chùa Bảo Anh tôi gởi xin ra mắt Hòa thượng mà xin nương náu. Từ đến Bảo Anh cho đến sau là ngày tôi bị xét bắt đấy, hẳn thật tôi có gặp mặt Hồ phu nhơn một lần; Hồ phu nhơn có tỏ cho tôi hay rằng Hồ đô đốc sanh nghi, vì bãi nước miếng của tôi nhổ khi cùng nhau lúa ban trưa chông giường trò chuyện.

Bấy giờ tôi mới biết lời xâm thật quá hay, tại tôi hiểu lầm có một câu chót, câu thánh thần dặn bảo: “Mạt thổ tại nhân tiền” mà sanh nông nỗi.

Trang Tử Minh:

– Tại mi hiểu cao ra thấp đó; chữ thổ là mửa là nổ mi hiểu bóng dáng làm gì mà tưởng cho nghĩa “nói”. Nói vậy vì một bãi nước miếng của mi mà lậu sự tình riêng nên gây nông nổi. Từ gặp Hồ phu nhơn đến sau, chuyện ra làm sao, khai luôn dứt?

Tô Thường Hậu:

– Hồ phu nhơn về rồi thôi, tôi chẳng còn trông mong chi khác hơn là đêm đắp thảm ngày đeo sầu, sớm ngóng trông, chiều mỏi đợi. Nào có chi đâu. Cách ít ngày, bỗng đâu Hồ Lăng đến xin tá túc. Tôi nghe rằng là người ở trong dinh Hồ đô đốc bị đuổi ra. Tôi mầng đặng có người nhỏ to chuyện vãng; nên tôi mới hết lòng tiến dẫn Hồ Lăng. Hồ Lăng nói với tôi Hồ đô đốc nghi tình Hồ phu nhơn, nên thừa cơn Hồ phu nhơn đi chùa gạn hỏi Đào Anh ép khai nguồn ngọn.

Đào Anh ngỡ khai thật thì đặng thứ tha, dè đâu Đào Anh khai thật đuôi đầu, Hồ đô đốc nhẫn tâm hạ thủ. Giết rồi bỏ thây dưới hồ sen. Nghe vậy tôi ngỡ cho Hồ Lăng thật tình, tôi mới lựa lời hỏi thăm tới Hồ phu nhơn dọ cho biết chuyện đổ bể ra rồi, có can chi tới tánh mạng Hồ phu nhơn cùng chăng?

Hồ Lăng lại nói Hồ đô đốc có dám nói chi động tới Hồ phu nhơn; tôi mầng cho Hồ phu nhơn; dè đâu, Hồ Lăng là người của Hồ đô đốc sai đi mật thám.

Sau rồi tôi mới rõ tình hình. Sự cạy hòm mạng phụ cắp của châu báu mà vu oan cho tôi đây, hẳn thật tay Hồ Lăng làm ra, gieo họa cho tôi gia phá nhân vong cho vừa lòng kẻ.

Tóm lại tôi có trộm tình không trộm ngọc, nhờ thượng quan dĩ đức minh oan, tôi chẳng may hồn xuống suối vàng, nguyền kết cỏ ngậm vành cho phỉ.

Trang Tử Minh:

– Có vậy ta mới đặng rõ ngọn nguồn khúc sông, đầu dây mối nhợ cho chớ. Thế thì sự vu oan gia họa, trộm báu trong hòm đây trước sau gì cũng có Hồ Lăng; vậy Đề lại đây mau vâng lịnh ta, tới dinh Hồ đô đốc bẩm cùng ngài, cho Hồ Lăng sang qua cho ta hỏi việc.

Trang Tử Minh dạy rồi quay lại hỏi Tô Thường Hậu:

– Ngươi nói sự Đào Anh bị tay Hồ đô đốc giết bỏ dưới hồ, ngươi biết đúng là có Hồ Lăng thuật chuyện cho mi nghe; còn như Hồ phu nhơn, mi có biết tại sao mà Hồ phu nhơn cũng chết đó chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, về phận Hồ phu nhơn thật tôi không tường; ngày đem quan tài tới chùa Bảo Anh để quàn thì tôi mới hay chớ bữa chết tôi không có biết.

Quan phủ:

– Ngày đem quan tài lên chùa Bảo Anh đó có mặt Hồ Lăng còn ở tại chùa không?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm ngày đó Hồ Lăng còn ở tại chùa.

Quan phủ:

– Nó không có tỏ chuyện gì cùng mi về phận Hồ phu nhơn hết sao?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không? Duy có khi tiếp quan tài vô chùa, chính mình Hồ Lăng kêu nói cho tôi biết: Rằng Hồ phu nhơn đã thác rồi.

Quan phủ:

– Nó không có nói tại sao lại thác hay sao?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm không.

Quan phủ:

– Còn theo ý mi nghĩ thì tại sao Hồ phu nhơn tạ thế? Trong đấy có lẽ gì chăng?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, Hồ phu nhơn …

Nói tới đây Tô Thường Hậu động lòng rơi lụy, ngậm ngùi nói chẳng ra lời, quan phủ thấy vậy, mới dỗ Tô Thường Hậu:

– Không sao đâu, dầu oan ức lẽ gì, cũng có ta minh đoán. Mi hãy nín khóc, thủng thỉnh nói cho ta nghe; Hồ phu nhơn chết vì nghiệp gì hay là ai giết Hồ phu nhơn, mi biết cứ việc khai ngay, đừng sợ chi ai mà giấu?

Tô Thường Hậu:

– Bẩm quan lớn, Hồ phu nhơn chết hồi nào, chết về nghiệp gì tôi thiệt không hay; nhưng mà một đêm kia, ví thương nhớ nhau, đôi mắt tôi không ngừng giọt lụy tôi mãi có trằn trọc canh chầy, không ngủ, chừng mê mệt quá, tôi vừa ngủ quên, bỗng thấy Hồ phu nhơn đầu bỏ tóc xả, mình mẩy ướt dầm tới đứng trước mặt tôi, khóc mà nói rằng: Nàng vì chút tình riêng, phải tay chồng ghen, giết nàng trong mái rượu.

Tôi nghe thì hay vậy chớ ý không nghĩ tới tôi chỉ thấy mầng gặp đặng người của tôi nhớ thương, nên tôi chờn vờn ngồi dậy vói nắm lấy tay nàng, mong kéo nàng lại gần mình, hun hít cho phỉ dạ: dè đâu tôi vừa vói tới, nàng đã lách mình, nàng dang ra mà nói rằng đã thác ra ma, nghĩa ấp yêu đã đành âm dương chia cách nhưng bởi nàng còn nghĩ tình xưa nghĩa cũ, nàng chẳng muốn để cho tôi vì nàng mà lụy đến thân; nên nàng hiện hồn về tỏ thiệt nguồn cơn, cho tôi lành mình, kẻo tai họa đã gần bên cửa.

Nói rồi nàng biến đi, tôi giựt mình tỉnh ngồi khóc nức nở một mình khóc vì thương tiếc chút tình, chẳng quản đến điều tai họa. Tôi còn nghĩ cho tại tôi mơ tưởng quá mà thấy vậy, chớ chẳng có tai họa gì xảy đến. Cho tới đêm tôi ra ôm quan tài mà khóc, chừng nghe tiếng khua động tôi lật đật bước tránh vô phòng, tưởng tránh đỡ giây phút rồi trở ra, không dè mê mệt quá tôi đặt lưng đà ngáy, tôi cũng thấy nàng hiện hồn bảo tôi phải lánh thân, tai họa đã tới gần, chớ nên chậm bước, bởi tôi không tin, tỉnh giấc còn ngồi nghĩ nghị quan quân đâu kéo tới rần rần, quan phủ với Hồ đô đốc kéo thẳng vào phòng tôi mà vấn tra, rồi xét đặng tang vật tại phòng, mới là bắt tôi dẫn về phòng giam ngục thất.

Tôi nào có biết chi đâu. Nếu lấy theo lẽ tôi nằm thấy Hồ phu nhơn hiện hồn về mách nảo, thì Hồ phu nhơn phải tay chồng giết tửu hoàn; tôi xin nhờ lượng cả minh oan, cho người chốn suối vàng, đặng an nhắm mắt.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!