Tình nặng, khóc giọt hồng thành họa
Oan hồn, nhờ lượng cả minh oan.
Hồ nghe vợ nói trúng ý mình muốn, nên không cản đảng. Cứ việc để cho vợ bưng nhạo ra đi xuống hầm, rồi Hồ nhẹ gót bước theo; Hồ phu nhơn nào biết.
Xuống tới hầm là chỗ Hồ Quốc Thanh chứa rượu để dành khao quân thưởng tướng; Hồ phu nhơn tay cầm nhạo, tay bưng đèn rọi coi, mái nào mái nấy cạn khô, còn rượu đâu mà múc.
May đâu, rọi đến một mái lớn trong góc, lại còn, song múc lấy cũng đã nhiều, rượu còn không đầy nửa mái. Muốn múc cho đặng. Hồ phu nhơn, vì phận mình hạc sương mai liễu bồ nhược chất, phải chờm lê miệng mái, de mình vào, thòng đầu xuống dưới xa, vói tay mà múc rượu.
Hay đâu Hồ phu nhơn thòng đầu vô vừa quá nửa mình, thì Hồ Quốc Thanh nối gót theo sau, rình đâu hồi nào thấy vậy chẳng thương, lại chờn vờn nhảy tới nắm lấy chơn Hồ phu nhơn mà lật lên, rồi cầm chặt đó mà thòng đầu Hồ phu nhơn xuống rượu.
Thình lình Hồ phu nhơn có biết đâu; lại còn thảm cho sức nhược chất vùng vẫy sao cho nổi! Lúc bị rượu chun vào mũi vào miệng, vào mắt vào tai, ngột quá, Hồ phu nhơn thở không đặng, cùng nó vùng vẫy một ít hơi chớ chẳng không; nhưng bởi, mái rượu thì hẹp mình lại bị nắm chặt hai chơn mà thòng đầu xuống, không để cho ngóc dậy, thì Hồ phu nhơn vẫy vùng sao nổi. Ngộp quá, tức quá, giây phút Hồ phu nhơn hộc máu ra cửu khiếu rồi vật mình mà chết!
Hồ Quốc Thanh đứng đợi hồi lâu thấy Hồ phu nhơn hết cựa quậy gì nữa, biết nàng đã tắt hơi, mới buôn thây nàng trồng chuối trong mái rượu đó mà đi lên, đặng có giả ý không biết, tri hô lên, thức đoàn thế nữ trong dinh, dậy nổi đèn đi kiếm. Đoàn thế nữ nghe vậy hết hồn, cùng nhau đèn đuốt sáng dinh, kiếm trong, kiếm ngoài, hết sức tìm trên tìm dưới mà tìm không thấy dạng.
Hồ Quốc Thanh mới nói:
– Bây chẳng xuống hầm rượu coi có bà bây xuống chiết rượu dưới không?
Thế nữ nghe lời, kéo nhau xuống hầm mới gặp đặng thây Hồ phu nhơn, trồng chuối trong mái rượu, phu nhơn còn cầm nhạo rượu trên tay. Tri hô lên, Hồ Quốc Thanh lật đật chạy xuống, đem thây vợ ra, rồi làm bộ thương tiếc, ôm lấy nhào lăn mà khóc kể.
Vỡ lỡ tiếng tăm, xa gần chạy tới; ai trông vào cũng tưởng cho tại phận rủi của Hồ phu nhơn, đi chiết rượt trợt té cặm đầu vô mái rượu mà vẫy vùng lên không nổi. Mấy ai dè lòng sâu độc của chồng; vì chút giận lẫy hờn giận, mà đoạn nghĩa tóc tơ, dứt tình cầm sắc, đành ra tay giết vợ thế này!
Vả lại, trong lúc Hồ Quốc Thanh nhảy tới nắm lấy chơn vợ mà dựng lên, cho thòng đầu xuống rượu, thì có ai mắt thấy chứng cho. Ngoài ngọn đèn leo lét của Hồ phu nhơn bưng theo còn để kìa, với mấy cái mái đựng rượu dưới hầm này, thì còn có ai khác hơn là Hồ Quốc Thanh lén theo sau rình rập; tưởng khi trời đất cũng khó mà rõ thấu nỗi niềm nầy!
Bấy giờ Hồ Quốc Thanh thấy thiên hạ tựu chật dinh, vợ mình nằm trơ đó thì có hơi ăn năn, song muộn rồi, biết sao; Hồ chỉ còn có khác hơn là lo liệm cốt hài Hồ phu nhơn, đợi ngày mai táng. Chẳng đợi giải ra cũng biết đám táng của một vị mạng phụ như Hồ phu nhơn thì trong tỉnh từ quan chí dân còn ai mà dám không chăm nom giùm giúp. Cho đến quan Tuần phủ sở tại cũng đến ở ngày đêm, giúp cho Hồ Quốc Thanh trong lúc đau lòng bận bịu chia uyên rẽ thúy.
Bởi vậy trong lúc tẩn liệm Hồ phu nhơn, Hồ Quốc Thanh có ý buộc quan Tuần phủ chứng kiến đem những châu báu ngọc ngà sắp để trước mặt giao cho quan Tuần phủ coi mà tẩn liệm. Vì vậy nên các quan văn võ đều thấy rõ khi liệm, có đem châu báu ngọc ngà theo cho mạng phụ.
Liệm xong, Hồ để tại dinh, trần thiết trang hoàng, bày lễ tế rất nghiêm, để mà tiếp những phúng điếu xa gần dưng đến. tế trọn mười lăm ngày như vậy rồi, Hồ mới bàn tính cùng quan Tuần phủ sở tại rằng lúc nầy là lụt lội, nước nổi trắng đồng, lại thêm năm nay là năm xung, khôn thể táng an hài cốt. Ninh quàng để hết năm xung, tới mùa khô hạn rồi sẽ tống táng. Bấy giờ đây muốn quàng để tại dinh thì bất tiện, nên hồ tính đưa linh cửu lên Bảo Anh tự mà quàng để thì phải hơn.
Nghe lời nói phải, ai còn dám cãi lẽ nào, quan Tuần phủ mới ra sức giúp Hồ, lo việc đưa linh cửu lên chùa Bảo Anh mà gởi.
Chuyện Hồ Quốc Thanh gởi cửu nơi chùa Bảo Anh hãy còn dài, xin dẹp lại, để sau sẽ tiếp.
Bấy giờ đây, nhắc lại Tô Thường Hậu từ phân tay chia cách Hồ phu nhơn mà ra khỏi dinh thảm thay, dư chơn một bước hóa mười lui, trơ mắt hai nhìn ra bốn giọt. Ra khỏi dinh Tô Thường Hậu, vì bị nhốt để trong phòng trót đã hai năm, nên nay ra đàng chơn bước gâp ghình mắt nhìn bợ ngợ, đứng ngó mông trông ngõ giây phút rồi dè nẻo Bảo Anh nhắm chừng lần tới.
Vả lại buổi chưa gặp Hồ phu nhơn còn vui chơi nơi tửu điếm, buổi sáng nọ lên xe đến chùa Bảo Anh thì, nhớ lại, đàng đi chẳng xa gì là bao; cho đến khi gặp Hồ phu nhơn rồi lên xe tuốt theo sau kiệu, thì nhắm đàng về lại vàng gần; cớ sao nay cũng là đi, đàng lại xa cha chả! Đi bước có hơi bôn mà chẳng biết cớ sao đi hoài không thấy tới.
Gởi thân dựa chốn am mây,
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong.
Đi tới chiều mặt trời đà che lặn. Tô Thường Hậu vừa đến Bảo Anh, thì trong tiếng mõ công phu vừa dứt. Tô Thường Hậu vào gõ cửa gởi xin ra mắt Huề thượng mà xin vào nương náu. Trụ trì nghe, liền ra mở cửa rước vào, rồi dắt tới trước sư trưởng để mặc người tiếp chuyện.
Huề thượng niệm Phật vừa xong, còn đang ngồi tại liêu bắt mặt ngó ra, bỗng a96u thấy từ đi vào, sau lưng lại có một vì thiếu niên nam tử. Huề thượng nhắm xem diện mạo giây phút, rồi gạn hỏi cho tường hương sở. Vị thiếu niên liền đáp:
– Bạch quá Huề thượng, tớ vẫn con nhà ở Quế Châu, buổi sanh thời, cha mẹ của tớ cũng là bực hào gia phú hộ. Tưởng đặng sốn đời với con dè đâu cha mẹ vội tách miền âm kiểng, bỏ tớ ở lại chốn dương trần này, trọi trọi một thân, cô bác xa gần không có. Tuổi còn thơ ấu, đâu tường nẻo tắt đàng quanh, dại nghe theo miệng thế dỗ giành, mặc sức dựa lầu xanh say tình đắm sắc; ngày đà lút óc lút đầu. Không thế mới dĩ đào vi thượng. Nay trôi nổi đến đây, nghèo đói quá không ai thương tưởng, nên phải tìm cửa thiền mà nhờ lượng từ bi;
Sớm khuya ra mái phên mây,
Ngọc đèn khêu nguyệt, tiếng chày nặng sương.
Nghe qua, Huề thượng ngồi làm thinh hồi lâu rồi mới ngần ngừ mà rằng:
– Cửa Phật chẳng hẹp gì với ai; vì của này là của thập phương, khách thập phương hưởng lấy; nhưng mà chốn này đã biết cho là cửa Phật, muối dưa trai giái tháng ngày, thì những ai vào đây, mong nhờ giọt nước nhành dương mà rưới tắt lửa lòng, thì phải phủi sạch bụi hồng lánh xa trần cấu. Ta xem tướng diện nhà ngươi, chưa chịu đặng nâu sồng ngày tháng kệ kinh chuông mõ sớm khuya, ta luống e cho nhà ngươi lâu ngày rồi ngả lòng, mà phải luống công vô ích lắm chăng? Nhà ngươi tên họ là chi, tuổi năm nay đặng mấy mươi?
Tô Thường Hậu:
– Bạch quá Huề thượng, tuổi trẻ chưa đầy ba chín, họ Tô Thường Hậu là tên, bởi ngán đời nên dạ mới đành, quyết dõi việc kệ kinh sớm tối. Liều một kiếp rửa đàng tội lỗi, nhờ kiếp sau may khỏi trầm luân, việc muối dưa cực khổ đã tầng, nào phải mới một lần mà ngán. Lời nhỏ nhẹ bẩm phân đã cạn, xin Pháp sư mở lượng từ bi, nguyện một lòng giữ việc tu trì, cuộc thế chẳng mong gì danh lợi.
Huề thượng vì Tô Thường Hậu năn nỉ đến điều, không lẽ chối từ cho đặng, bèn nhậm cho vào tu; song Huề thượng có lời dặn dò Tô Thường Hậu trước hết phải thí phát thọ phái qui y, sau là gìn lấy phận cho tròn giới cấm, Tô Thường Hậu vâng lời Huề thượng làm y cạo trọc đầu rồi ở yên nơi chùa Bảo Anh mà đợi.
Tô Thường Hậu ngày theo các đạo hữu mà làm công chuyện trong chùa, đêm thì khi tụng kinh rồi, liêu ai nấy vào mà ngủ. Tô Thường Hậu tuy cũng giữ phận làm như các đạo hữu trong chùa, chẳng hề để thiếu chút nào, song trong lòng chẳng yên, đêm đấp, ngày đeo sầu, thương nhớ Hồ phu nhơn quá sức. Có nhiều khi Tô Thường Hậu ngồi niệm kinh mà lòng luống ngẩn ngơ như người trong mộng.
Bâng khuâng đảnh Hiệp non Thần,
Còn nghi giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Tối lại, vào liêu, thảm cho phận Tô Thường Hậu, phần thì lạ cảnh, phần lại lạ nhà, cũng đủ cho một người ngộ cảnh thảm như Tô Thường Hậu trằn trọc canh gà, lăn qua lộn lại đếm từ giờ chờ từ khắc, ra vào thao thức sáng đêm; khối tình mang triệu triệu, thì lụy nào dễ ngăn, lòng nào cầm đậu.
Bởi vậy chàng cứ mơ bóng tưởng hình người quốc sắc mà khóc thầm sau đêm. Hết hồi khóc rồi chàng dậy ngồi khoanh tay, mắt nhìn lấy ngọn đèn chong canh khuya leo lét mà nghĩ nghị mà mình sự tình cách bức. Nhớ những lúc vào màng ra trướng, cùng những khi kề gối phụng dựa màn loan, bây giờ sao phân rẽ hai phang ví như kẻ, đồng một Tương giang, đầu vỉ bất năng tương kiến. Chưa xa cách chơn trời, góc biển, mà xem cũng dường diệu viễn không tìm; lúc lại nhớ những cuộc vui đầy tháng, cười trót đêm, xót đến nỗi niềm khun nguôi đoạn thảm.
Có khi chàng lại mơ bóng tưởng hình mà nhớ cho đến giọng nói tiếng cười, tướng đi nết đứng. Chàng ước mong sao dầu chẳng gần nhau như trước, thì cũng gặp mặt nhau cho phỉ tấm tình, ví chăng duyên nợ ba sinh, làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.
Hết hồi khoanh tay ngồi ngó, tư tưởng một mình rồi, mỏi mê, chàng lại nằm, mà hễ đặt lưng xuống chiếu, giấc nhấp chưa an, đà chiêm bao, thấy Hồ phu nhơn, như lúc chông chạ một nhà, gối chăn yêu ấp vậy.
Thấy Hồ phu nhơn dường đi đâu mới về, vào phòng tay khoát màng loan, tay choàng ngang cổ, ôm lấy chàng mà hun hít nựng nịu, tỏ tình dan díu biết bao; chàng thấy mặt nàng mầng rất đỗi mầng, mầng khấp khởi lòng chàng, nên nỗi đôi giọt lụy tràn bâu áo.
Chàng vừa muốn hở môi: Trách lòng hơ hẳn bấy lòng, lửa hương nhuốm để lạnh lùng quá lâu, mà chàng chưa kịp hở môi, phút đã giật mình tỉnh giấc. Mở mắt ra, nhìn tứ cố, thấy mình nằm trong am tự, mới hay lạ cảnh lạ nhà, đôi giọt chan òa, nỗi đau đớn biết sao mà kể xiết.
Chàng vụt chỗi dậy ngồi thở ra mà thầm than: “Mình ôi, biết làm sao gặp đặng mặt nàng một lần vầy nữa? Nếu đôi đứa ta còn trông thấy nhau, họa là nhờ giấc chiêm bao mà thấy!” Thầm than trộm trách vậy rồi chàng ngồi, khi dực gối, khi cúi đầu, khi vò chín khúc kgi châu đôi mày!
Còn đang dở tỉnh dở say, bỗng nghe có tiếng các đạo hữu trong chùa kêu nhau thức dậy. kẻ thì lo trà nước, người thì lo hoa quả hương đăng; không lẽ chàng còn dám nằm đấy mà ôm ấp sầu tình, nên chàng phải gượng gạo bước theo với kẻ.
Dè đâu ra vừa khỏi liêu chàng nghe động tiếng chuông vàng, thầy gõ mõ kệ kinh câu cũ. Giây phút, lại thấy các đạo hữu kéo ra trước bàn lạy Phật, chàng cũng phải theo quỳ lạy có chừng; lạy rồi, chàng vừa sấp lưng trở vào, phút nghe tiếng chào rào, chàng bèn vác mặt ngó ra, thấy quân lính ở đâu tới đó. Còn đang suy nghĩ, bỗng nghe đạo hữu lại vào bạch quá Huề thượng rằng;
– Có kiệu Hồ phu nhơn mới đến.
Nghe qua, chàng mầng biết bao; song cũng cất để lòng, dễ dám tiếng gì cho lậu. Muốn đặng gặp mặt Hồ phu nhơn, chàng gia ý coi sóc nhang đèn, lộn ra bàn Phật. Coi bàn này rồi, sang tới bàn kia, chàng cứ qua lại, lại qua nội mấy bàn ấy hoài, không chịu bước ra khỏi chỗ.
Khi Hồ phu nhơn vào đốt hương vái lạy, bỗng không ngó qua bàn bên kia thấy Tô Thường Hậu đứng trông, thấy vầy chưa ắt phải không, nên Hồ phu nhơn, tuy miệng vái lâm râm, mà đôi mắt liếc sợ lầm người cũ, cũng vì Tô Thường Hậu là người yêu cũ của bà, mới bữa hôm qua, mặt mày bảnh bao, áo quần chải chuốt, chớ nào phải đầu tròn, khăn vuông, nâu sồng như thế đâu.
Còn Tô Thường Hậu thấy mặt Hồ phu nhơn thì khoăn khoái tấc lòng, dạ mầng khấp khởi, ví chằng khác cá kia gặp nước, hạn nọ gặp rào, nên đứng xớ rớ đó mà liếc mắt đưa tình, trông cho Hồ phu nhơn nhìn mình mà ra dấu. Chẳng hiểu tại sao Hồ phu nhơn ngó thì liếc ngó, mà nhìn lại chẳng nhìn, rình ý xem như hình muốn lạ. Thấy tình như vậy, Tô Thường Hậu không biết liệu sao, túng phải đánh liệu, lần tới bàn chánh cho gần, nhìn cho tạng mặt.
Bấy giờ, Hồ phu nhơn thấy rõ mới hay là người tình của mình, thân hình ra như thế, thì lấy làm đau đớn khun cùng, động niềm mà khóc. Bởi vậy bà, miệng vái Phật mà dạ tưởng người đầu trọc, tay thì cầm hương mà đôi mắt liếc đạo nhơn, trách vì ai, chuốc dữ mua hờn, làm cho lỡ bực đờn như thế!
Nhìn biết đặng rồi, Hồ phu nhơn mới liếc mắt, ra dấu biểu Tô Thường Hậu ra chỗ vắng đợi mình; Hồ phu nhơn cúng Phật rồi bước ra, thì trời đà hừng sáng. Hồ phu nhơn đứng mắt nhìn tứ cố giây phút rồi nhắm chừng bước ra, giả ý dạo xem sau trước, nghĩ cho ma dắt lối quỷ đem đường cũng đáng nực cười thầm!
Hồ phu nhơn thuở nay đi cúng thì hay đi cúng, rồi về, chớ có để bước ra phía sau đâu hòng biết đâu là đâu; mà hay vì chút tình riêng hẹn hò gặp mặt, nên phải đổ đàng tìm nhau, lẽ ì cảnh lạ khó mà kiếm nhau lắm đó; nhưng mà chẳng hiểu sao Hồ phu nhơn đứng nhìn tứ hướng một hồi rồi để bước nhắm chừng, xăm xăm đè nẻo lần ra liền gặp, làm hình như trong cái tình sẵn có một cái năng lực tự nhiên kéo níu nhau, rút nhau, như đá nam châm rút sắt vậy; cho nên, hai người có tình với nhau, người đứng đầu này, kẻ đợi cuối kia, mà khi muốn gặp mặt nhau, tìm nhau rất dễ; mắt nhắm về hướng nào cạnh nào rồi để bước đi tìm thì gặp, làm in như đã biết sẵn chỗ hẹn với nhau rồi vậy.
Nếu chối rằng trong cái tình không có năng lực nào kéo níu nhau, thì trong sự gặp gỡ ấy phải có người đem đàng dắt lối!
Hồ phu nhơn lần theo dãy nhà bếp mà đi vừa khỏi, thì thấy phía sau vách có một cây da lớn, dưới gốc da lớn tàng cao bóng cả che phủ mịt mù, dưới gốc cây da ấy lại có người núp bóng chơ ai mà khi Hồ phu nhơn vừa thấy, thì đã nghe có tiếng người gọi Hồ phu nhơn lại đó.
Hồ phu nhơn, tuy chưa biết là ai, mà lòng đã nghi cho Tô Thường Hậu, nên nghe tiếng suỵt kêu như vậy mà không thẹn mà chối từ, cứ việc xăm xăm bước tới. Khi lại gần hai đàng giáp mặt nhau, nhìn nhau, biết nhau rồi liền ôm nhau mà khóc, nỗi cay đắng biết kể sao cho cùng!
Hai đàng chưa có ai nói đặng một lời, mà xem lại chơn trời đã rạng. Ấy là dấu thôi thoát Hồ phu nhơn phải mau trở ra đó.
Cùng nhau, khóc lóc một hồi, Hồ phu nhơn mới nói:
– Từ đây mình cứ việc ở yên đừng phiền hao tổn. Năm ba tháng, gặp cơ hội nào, tôi xin đi đặng, thì tôi đến mà thăm mình, bằng chẳng, mình cũng biết, tướng công tôi mà có ở dinh, thì chẳng dễ gì đi đặng. Lại thế, nếu tôi mà đi thường lắm, phải e tai vách mạch rừng; nếu rủi mà tướng công tôi nghe lọt vào tai, thì, mình cũng chẳng dễ phận tôi âu chẳng dễ. Mình biết oai quyền của một viên đại tướng trong lúc đời loạn ly này ra sao?
Tô Thường Hậu nghe qua liền ôm Hồ phu nhơn mà khóc òa kể hết sự tình; trăm nỗi đắng cay nồng mặn:
– Mình ôi, từ đôi ta trộm yêu thầm nhớ nhau, bể ái tràn trề, nguồn ân đầy đặn, thương nhau không một phút lìa nhau nay vì chồng mình về, thế ở không yên, cực chẳng đã phải đánh liều đưa chơn nhắm mắt; chớ mình cũng biết, phận tôi ở chốn này, sớm nhớ tối thương, ngày trông, đêm đợi, làm cho tôi, ruột không vò mà rối, gan chẳng dần lại đau, có chút nào an ổn. Vì thương nhớ mình, trông đợi mình, một giờ bằng một ngày, đắng cay chi xiết, đã vậy lại còn thêm một nỗi sớm khuya kinh kệ, dưa muối tháng ngày, khổ cho chút phận trường chay, mình nghĩ coi vì ai nên nỗi. Nếu mình không thế tới lui thăm viếng, để cho tôi mang nặng sầu tình, nói như mình vậy, thà là tôi thác xuống diêm đình, thà vậy cho đành, hơn là sống mà gối chăn chia cách.
Dứt lời, Tô Thường Hậu buông Hồ phu nhơn ra mà đi quyết liều mình xuống giếng. Hồ phu nhơn kéo Tô Thường Hậu lại, ôm khóc một hồi rồi mới kiếm lời khuyên giải. Hồ phu nhơn biểu Tô Thường Hậu phải dằn lòng chờ đợi ít lâu, mựa đừng thương vội, đôi ta gặp gỡ còn nhiều. Nói chưa dứt lời, Hồ phu nhơn bỗng không, rờ nhằm đầu Tô Thường Hậu thấy chàng đà thí phát qui y; Hồ phu nhơn lấy làm đau lòng, khóc thôi nức nỡ.
Khóc rồi lại hỏi:
– Mình ôi, cớ sao mình cạo cái đầu mình trọc lóc đi vậy mình? Khi còn chung chạ với nhau, tóc mình tuy không dài, chớ cũng không phải vắn; nay mình vì trắc trở mà phải xa cách nhau một ít lâu, cớ sao mình cạo trọc đầu mình đi như vầy, mình ôi, nỗi đau đớn kể làm sao xiết!
Tô Thường Hậu mới đáp:
– Biết sao! Nắng bề nào phải che theo bề nấy, chớ biết sao. Vả lại chùa là chốn tu hành, ai vào đó cũng phải phủi sạch hồng trần, đổi thay khác tục. Không lý tôi vào mà chẳng tùy ý Huề thượng còn muốn theo thế gian, thì ở sao cho yên. Không những tôi cạo đầu cho vừa theo ý Huề thượng mà thôi, tôi mà thí phát đi, tôi còn có một ý riêng, là làm cho không ai nhìn đặng; cũng bởi, mình biết rõ, chồng mình oai quyền lớn, nha trảo đông, nếu tôi để tóc vậy mà ở đây; rủi tới lui với nhau mà đổ bễ ra, chi cho khỏi chồng mình tìm kiếm tôi mà giết. lên đây, thấy tôi là người thế gian khác hơn các sãi, thì tôi biết liệu sao mà thoát thân cho khỏi. Cô ấy nên mình ôi, tôi mà còn muốn nương náu ở đây, chờ khi gặp gỡ, tôi há đi tiếc ba sợi tóc làm gì. Tôi tưởng cái tình dan díu nhau, thương yêu nhau; dầu phải lên thác xuống gành, vào sanh ra tử, cũng còn phải liều thay, huống chi thí phát quy y, có chi là cay đắng mà đeo phiền cho nặng; miễn là mình, mình ôi, khi nào có dịp lên dây đây mà viếng nhau, tôi xin mình phải dè lòng, coi cho kỹ cang, đừng thương vội mà lầm, vì trong chùa, chẳng phải một mình tôi đầu trọc! Nếu mình đến trong lúc canh khuya, rủi ra mình lầm lạc, thì thôi, mình ôi, chết tôi đi, mình ôi!
Cũng liều một giọt mưa đào,
Mà cho thiên hạ trông vào cho hay!
Nói tới đây chơn trời đã rạng, hai đàng người thì thấy các đạo chạy ra chạy vào, kẻ lại thấy đoàn thế nữ đứa lui đứa tới, thì sợ e có kẻ kiếm tìm mình mà thấy đi chăng: nên hai đàng phải rời tay nhau, nghĩ đau qua đỗi.
Vả lại tình cách bức nhau là một cái tình uất ức, thương nhau nhớ nhau không một phút không mơ, trông cho gặp mặt nhau mà kể chuyện tóc tơ, dan díu biết mấy giờ cho thỏa. Chớ có lý đâu trông đợi tợ nghê trông thoại, tồi gặp mặt nhau, chẳng chi cho thỏa tấm tình duy có khóc lóc với nhau rồi lại chia nhau, lòng nào không nao, dạ nào không núng.
Tô Thường Hậu đau lòng biết bao; ước có phép nào mà ngưng mặt trời đặng năm ba giờ, Tô Thường Hậu dầu phải chịu nhọc nhằn cách nào cũng vui thửa dạ. Huống chi lại đàng may mà gặp nhau đây, khóc chưa ngừng giọt lệ, thở than khun xiết sự tình mà đã thấy sáng ra rồi, giục Hồ phu nhơn trở gót, thì gan nào không héo, ruột nào chẳng teo.
Bởi vậy khi trở vào chùa, Hồ phu nhơn lên kiệu mà về, thì lại càng đau đớn cho Tô Thường Hậu, tâm như dao cắt.
Tô Thường Hậu lén theo đưa Hồ phu nhơn một hai dặm đàng rồi trở lại chùa, đắp thảm đeo sầu, mơ hình tưởng bóng. Chẳng biết bao giờ đặng gặp nhau một lần như vầy nữa. Chẳng tìm đâu cho thấy cố nhân, đây với đó cách nhau không đầy mấy dặm tràng, mà xa tợ quan san diệu viễn.
Tuy vậy mà Tô Thường Hậu cũng an lòng ở chùa chờ cô hội khác; nghĩ cho cuộc núp bóng chuyện trò của mình không ai hay, nào dè có người trong chùa ngó thấy. Bởi vậy khi Tô Thường Hậu trở lại chùa thì nghe trong các đạo to nhỏ chỉ trỏ cùng nhau rồi lại hăm bạch uá Huề thượng đuổi ra khỏi chùa, làm cho Tô sợ sệt phải theo mà năn nỉ.
Trưa lại, đang cơn thanh vắng, Tô đang ngồi chuốt đũa trước chùa, thình lình ngước mặt lên thấy một người lạ mặt ở đâu tìm tới. Vào đến trước mặt Tô, người ấy lại gởi ra mắt Huề thượng mà xin nương náu ít ngày, nhờ hột cơm dư nhà Phật, Tô Thường Hậu ngồi tay chuốt đũa mắt lại nhìn xem diện mạo người ấy giây phút rồi hỏi:
– Chẳng hay chú là người ở đâu, tỉnh nào huyện nào; nhân việc chi đến đây mà lỡ làng nên nỗi vào cửa Phật?
Người ấy đáp:
– Tôi chẳng phải đâu xa lạ, vốn cũng con nhà ở tỉnh này; tôi vốn thiệt là Hồ Lăng, bộ hạ của Hồ đô đốc. Tôi theo hầu đõ tay chơn Hồ đô đốc cũng đã lâu; cũng lắm lúc vào sanh ra tử, biết mấy khi đột pháo xông tên, nay an giặc rồi trở về, Hồ đô đốc chẳng biết xét tấc công đem lỗi nhẹ mà trừ công cả. Ngài chẳng thương đánh đuổi tôi ra dinh, lại cấm tôi ở Tô Châu, nếu tôi cãi. Ngài còn thấy mặt thì không dung tánh mạng. Bởi tôi không quen biết với ai cho lắm, lại dẫu có quen biết cho lắm đi nữa, cũng không ai dám chứa tôi; vì vậy nên tôi phải cam đánh liều tới cửa Phật xin tá túc ít ngày giải bớt sầu tình, rồi sẽ liệu đường lánh mặt. Người ở ăn thiệt là độc hiểm vô cùng. Nếu bữa hôm qua tôi không nhờ lịnh phu nhơn rỗi cho tôi, thì tôi đã làm quỷ không đầu, còn gì mà kể!
Dứt lời Hồ Lăng ngồi mà khóc òa; còn Tô Thường Hậu nghe nói người trong dinh Hồ phu nhơn bị đuổi ra, thì có nghe lòng mầng, mầng đặng có người cho mình dò hỏi sự tình, song Tô hãy còn phòng ý, bưng kín miệng bình, chưa chịu dĩ hơi cho Hồ biết. Tô chỉ quyết tính kế nào giúp cho Hồ Lăng vào đặng trong chùa cùng mình mới nghe. Thầm nghĩ vậy rồi, bèn đáp cùng Hồ Lăng cách nhơn đức rằng:
– Nghe chú nói cũng thương tình muốn giúp người lỡ chôn trái bước. Bậy như chú có muốn vào cửa thiền nương náu, chú hãy nghe lời tôi dặn bảo mới nên; kẻo mà lạ lùng chú không biết mà lỗi lầm, ắt Huề thượng không cho tá túc. Chú phải biết tánh Huề thượng không tôi đây, không ưa Hồ Quốc Thanh, nên chú có muốn nương dựa trong chùa, chú đừng có nói chú là tay chơn bộ hạ của Hồ Quốc Thanh, chú cứ việc nói là người viễn phương lỡ đường vào xin nhờ bữa vậy thôi. Chuyện Hồ Quốc Thanh chú cứ cất để trong lòng, cơn nào rảnh, anh em mình hội đàm cu2nh nhau, sẽ bày ra nói với nhau, ngoài tôi đây, chú chẳng nên nói với ai tất cả. Tôi đây cũng chẳng phải người không quen thuộc trong dinh Hồ Quốc Thanh; song từ khi tôi ra khỏi đó rồi, thì phát quy, bụi trần phủi sạch rồi, tôi không thèm nhớ nhi tới chuyện. Thật Hồ Quốc Thanh là người sâu độc vô cùng.
Nghe qua Hồ Lăng biết mình trúng nhằm người mình muốn tìm làm quen rồi, song chưa phải hồi hỏi tên họ người, nên dằn lòng bỏ qua, để cầu người tiến dẫn vào xin nương náu, Hồ Lăng mới nói:
– Tôi vả phận lạ lùng, đâu rõ khúc sông nguồn ngọn; tôi may vào đây gặp sư huynh thật lòng chiếu cố, tôi lấy làm có phước biết bao; sư huynh dạy sao tôi cứ vâng theo lời, miễn đặng sư huynh tiến dẫn.
Tô Thường Hậu:
– Việc ấy chú chớ lo. Vậy chú hãy theo tôi, vào đây yếu kiến.
Tô Thường Hậu dẫn Hồ Lăng vào ra mắt Huề thượng; Huề thượng hỏi thăm quê quán tên họ rồi cũng nói cửa Phật chẳng hẹp gì với người lỡ bước. Nói rồi Huề thượng dạy Tô Thường Hậu dắt Hồ Lăng ra, dạy lần phép tắc trong chùa, rồi sẽ dạy kệ kinh cho đủ. Tô Thường Hậu dắt Hồ Lăng ra.
Từ đây hai đàng mới biết tên họ nhau, lại có tình dan díu nhau; Tô Thường Hậu thì vì tình, đeo theo Hồ Lăng mà nói chuyện cho giải khuây; còn Hồ Lăng vì kế độc của chủ trao lại cần đeo đuổi theo Tô Thường Hậu mà dọ hỏi mọi đàng tâm sự. Tô Thường Hậu đâu rõ tấc lòng sâu độc của Hồ Lăng.
Hai đàng, tuy đàng nào cũng có tình riêng ý khác nhau, quyết để mà kẻ mò đáy kim người dò rún biển thì mặc dầu, mà khi chung chạ đứng ngồi vào ra một cửa với nhau rồi hai đàng lại chẳng để gì hội đàm với nhau cho mãn nguyện; lần tay tính đã sáu ngày rồi mà Hồ Lăng mảng có vâng lịnh ni cô, cùng mụ vãi vào rừng hái củi mãi đến nay, cho nên không gần đặng chàng Tô mà dọ thám, cho hay chàng Tô, đặng phần sung sướng hơn, ăn no rồi không làm chi cho nặng nề khác hơn là ra trước cửa chùa ngồi núp bóng cây chuốt đũa, như bữa Hồ Lăng mời vào, trông cậy gởi xin ra mắt.
Không gặp nhau cho đến ngày thứ bảy, Hồ Lăng mới rảnh tay, ăn rồi dọn dẹp xong, Hồ mới men ra cửa, tìm cho đặng Tô mà chuyện vãn. Gặp mặt nhau chi miết nỗi mầng. Nói quanh quẩn chuyện này sang chuyện nọ một hồi, bấy giờ Tô Thường Hậu mới ướm hỏi Hồ Lăng từ nguồn ngọc khúc sông, cho rõ thấu đầu dây mối nhợ, hỏi cho biết Hồ Lăng khi còn theo dưới trướng Hồ đô đốc làm tới chức gì; công nghiệp là bao, vì sao mà bị biếm?
Hỏi như thế, Hồ Lăng ước sức muốn đáp mấy lần lại không đặng; nhưng mà Hồ Lăng không chịu đáp liền; nghe hỏi trớ trêu như vậy Hồ giả ý dần dà như tuồng ngại ngùng mở chẳng đặng lời, sùng sượng nói không ra tiếng vậy. Giây lâu Hồ mới đáp:
– Tôi vẫn con nhà tầm thường học vấn, cha mẹ mất sớm có để lại của đôi muôn, bởi tôi ăn no rồi ở không, sanh sự chơi bời hao mòn tiền bạc. Không mấy năm, ruộng bay nhà nát, đất bán, vườn treo, tôi trở nên thân nghèo rồi mà cũng không biết nghề gì làm ăn, vì phận lỡ quê lỡ chợ. Sư huynh biết người sanh đời nay, văn không đầy lá mít, võ nhảy chẳng khỏi ngọn tranh, thì biết che mình vào đâu cho đặng! Thật bên văn không thể lập thân, song bên võ còn miễn cưỡng; bên võ còn chờ thuở đầu quân lập công may đặng. Dịp đâu, cuộc đời ly loạn, việc nước đổi dời, khiến cho những đấng anh hùng tạo thời thế cùng nhau hiệp lực đồng tâm, đạp đổ nhà Thanh, lập Dân quốc dựng cờ Tự do Bình đẳng. Lạ gì, nước mà sanh biến như thế, thì tám hướng anh hùng phóng dậy, bốn phương trộm cướp lẫy lừng, mặc tình định bá đồ vương, thong thả giết người cướp của. Nhơn dịp này các tỉnh đều có mộ quân, tôi mới ra đầu quân tại Tô Châu, theo Hồ Quốc Thanh dẹp giặc. Hồ đô đốc, thấy tôi nhặm lẹ có lòng thương, mới rút tôi vào để hầu dưới trướng. Chẳng cần nói cũng biết năm nay kể đà sáu năm, công tôi đột pháo xông tên, vào sanh ra tử kể sao cho xiết. Nhờ vậy Hồ đô đốc mới ghi công mà thưởng tôi, lên lần tới chức đội trưởng. Tưởng thân danh của tôi từ đây nên hư gì cũng ở chốn binh đao mà ra. Có dè đâu, dẹp an cuồng khấu rồi trở về, người ngựa chưa nghỉ an, họa dấy thình lình, làm cho tôi vì một chữ tình mà công nghiệp đổ dòng sông, thân danh đành trôi nổi.
Số là tôi có tư tình với một con thế nữ ở trong dinh, theo lịnh bà hầu hạ. Thật lòng thương yêu nhau quyết việc nối tóc đến già cùng nhau, dầu chẳng may gặp cơn bình địa ba đào, cũng chẳng phụ nhau cho đặng. Nhưng bởi lịnh nghiêm phép nhặt, nên bấy lâu dầu thương nhau, quyết vợ chồng cùng nhau cũng giấu để trong lòng, không hề dám hở môi lỡ tiếng; e lịnh trên hay mà chẳng dung tình cho chăng. Sợ thì sợ vậy, giấu vậy đó thôi, ai lấy thúng úp voi; bị miệng sấp tôi đòi mà trong dinh đều thấu đáo. Hồ đô đốc với phu nhơn rõ biết sự tình; song ông bà thương nên chẳng nói ra, nhắm mắt bỏ qua, để mặc tớ nhà yêu vụng.
Nay dẹp an giặc trở về, Hồ đô đốc nghe ai mà ghen gió ghen mây, nghi cho Hồ phu nhơn tội nọ lỗi kia, hòa gian với kẻ. Ngài lại nghi quyết cho con tình nhân của tôi là con Đào Anh ở nhà mai mối. Ghen vậy nghi vậy mà Ngài không hề dám rỉ hơi với Hồ phu nhơn, vũng vì – không phải Ngài mà không dám nói; nhưng bởi Ngài biết rõ Hồ phu nhơn không sợ Ngài, mỗi khi Ngài mở miệng ra làm oai, thì Hồ phu nhơn cướp mắng, nên Ngài giận lẫy, không thèm nói tới làm gì.
Ngài không dám dĩ hơi với Hồ phu nhơn, ngài lại chờ dịp Hồ phu nhơn mắc đi chùa. Ngài ở dinh một mình, Ngài nhân lấy cơ hội, dẫn Đào Anh ra vườn hoa mà vấn tra, tra hết sức không ra, ngài nổi giận sát tha xữ nữ. Giết rồi ngài ném thây nó xuống hồ sen, bỏ đó trở vào, kêu tôi mà gạn hỏi; nghi quyết tôi có tình cùng xữ nữ, lý nào tôi trong đục không tường. Ngài quyết tôi mà không khai ngay, ngài cũng giết tôi, may đâu, ngài còn đang vấn tra, Hồ phu nhơn về tới.
Ngài ngỡ ngàng, mong giấu đầu e nỗi lòi đuôi; Ngài mới lật đật e tôi mà đuổi ra khỏi dinh, dối cùng Hồ phu nhơn, vì tôi tư tình với con thế nữ. Hồ phu nhơn đâu thấu nỗi niềm!
Sau có người học lại mới hay, tôi đi ra rồi ngài còn muốn xách gươm đuổi theo, song nhờ có Hồ phu nhơn ngăn cản. bằng chẳng tôi đã làm quỷ không đầu. Sư huynh nghĩ coi ức là bao nhiêu; chuyện thật tôi không biết gì mà phải chịu tai bay họa gởi!”
Nghe Hồ Lăng nói dứt, Tô Thường Hậu mặt biến sắc chàm, ngồi xúi xuống chăm chỉ chuốt đũa dường như nghĩ nghị sự mình hồi lâu, rồi thở ra mà than rằng:
– Đào Anh chết oan dữ a!
Than rồi, xây mặt lại ngó Hồ Lăng mà hỏi rằng:
– Nói vậy, hiện bây giờ đây, thây con Đào Anh hãy còn nằm tại hồ sen, bèo mây chôn lấp, chớ Hồ đô đốc giết rồi không vỉ gì đến chút phận thác oan mà cấp táng cho khỏi lọa lồ thân thể sao? Thật người lòng độc dạ sâu ít ai bằng. Biết vậy mà trong lúc nhà nước khinh nguy, thay ngôi đổi chúa, làm cho cuộc đời ly loạn, thiên hạ đảo huyền, ai binh quyền lớn nha trảo đông thì hơn, lý luật sao cho kịp thế! Tưởn đang trong nội này, Hồ Quốc Thanh dầu cơn nộ bất cập lượng lỡ tay giết oan năm mười mạng đi nữa, cũng không ai làm gì nổi; chẳng lựa thứ giết một con Đào Anh là con thế nữ trong dinh, phẩm giá chi thân phận tôi đòi, có tội lỗi gì là bao mà sợ! Thế thì, Hồ Quốc Thanh đã rõ biết ai là tình nhân của mạng phụ rồi chớ!
Hồ Lăng:
– Làm sao mà rõ đặng! Chẳng những một mình Hồ đô đốc không rõ mà thôi, cả một dinh cũng không ai hiểu. Theo ý tôi tưởng ngoài Hồ phu nhơn thì chẳng còn ai biết đặng người tình nhân đó là ai.
Tô Thường Hậu:
– Vậy trước khi giết con Đào Anh, Hồ đô đốc không có cật vấ nó hay sao?
Hồ Lăng:
– Có chớ sao không! Song cật vấn nó thì nó nói có người giả gái vào ân ái với Hồ phu nhơn, chớ nó có biết người trai giả gái đó là ai, bởi nó nói đặng mà chỉ ngay ra không đặng, nên Hồ đô đốc giận mới nhẫn tâm hạ thủ chớ.
Tô Thường Hậu:
– Đã biết có người giả gái vào ân ái với phu nhơn, thì gẫm có khò gì tìm ra. Cứ Hồ phu nhơn mà hỏi tra, tự nhiên lòi ra mối, chớ há phải hỏi ai cho nhọc.
Hồ Lăng:
– Tưởng Hồ đô đốc cũng có hỏi lịnh phu nhơn, nhưng bởi lịnh phu nhơn không thú thật ngay, nên mới không tường nguồn ngọn chớ. Vả lại Hồ đô đốc tuy là một viên đại tướng, oai khí đằng đằng, đởm đương trăm trận, mà nhát không dám cự với lịnh phu nhơn. Cứ hễ đô đốc nói ra, lịnh phu nhơn chưởi đùa mắng vãi cho lấp rồi thôi, đô đốc tụt đầu, không còn dám tiếng gì hó hé. Thật nghĩ cũng lạ dường.
Bởi vậy đô đốc biết có người giả gái vào dinh bán ngọc tư tình cùng Hồ phu nhơn, mà tìm không ra; bấy lâu ôm ấp để lòng tức mình ám ách.
Tô Thường Hậu:
– Vậy chớ Hồ đô đốc không có sai người dọ thám, tình cho rõ mối mang ấy sao?
Hồ Lăng:
– Tôi không thấy sai ai; duy thấy nói rồi bỏ qua, khuya sớm cứ nguyệt hoa hoa nguyệt.
Hồ Lăng nói rồi lại hỏi:
– Còn sư huynh nói sư huynh là người quen thuộc trong dinh, chẳng hay sư huynh tới lui hồi nào mà tôi không biết? Bộ khi sư huynh mới quen biết với Hồ phu nhơn trong những lúc đi chùa sau này đây chớ?
Tô Thường Hậu nghe hỏi đến nỗi mình, cũng muốn nói ra cho hả hơi, kẻo bấy lâu uất ức trong lòng không biết cùng ai than thở; nghĩ vì Hồ Lăng tuy là người của Hồ Quốc Thanh bị đuổi ra khỏi dinh vì một cớ thật mình không biết, thì cũng đã kết oán trong lòng, kể ra ngoài miệng, chẳng còn giữ lòng trung hậu với Hồ Quốc Thanh nữa rồi; nên dầu mình có kể hết nỗi niềm, bày tỏ sự tình sau trước không lý Hồ Lăng đem đi thuật lại với ai; nghĩ vậy nên Tô Thường Hậu muốn nói cho hả tấc lòng, không dè Tô Thường Hậu vừa mới hở môi chàng lại nghĩ mà thẹn thuồng, nhớ lời hẹn với Hồ phu nhơn mà nín. Không lẽ làm thinh!
Chàng bèn kiếm chuyện nói qua, rằng mới quen buổi Hồ phu nhơn đi cúng chùa, nên có tới lui nơi dinh bà, trong lúc Hồ Quốc Thanh dẹp giặc.
Nói rồi lại hỏi:
– Nếu chuyện đổ bể tới tai Hồ đô đốc hay mà sanh nghi rồi, tưởng từ đây Hồ phu nhơn chẳng đặng thong thả ra vào như xưa vậy nữa. Thương hại cho con Đào Anh, vô tội mà giết chẳng toàn thây, nghĩ tới cũng đau lòng cho người chín suối.
Nói rồi Tô Thường Hậu giả lơ, bức bỏ đi làm chuyện khác; không muốn ngồi dai, cho Hồ Lăng gạn hỏi sự mình. Tuy vậy mà Hồ Lăng cũng đã soi thấu rồi, nhận quyết Tô Thường Hậu là tay cải trang dâm loạn.
Từ đây mỗi khi Tô Thường Hậu thấy mặt Hồ Lăng hay hỏi có chuyện gì mới lạ hay không, nói cho y biết.
Lại hỏi:
– Hổm rày có nghe trong dinh Đô đốc, còn có sự tai biến nào xảy ra nữa không?
Hồ Lăng tuy đáp rằng không mà nghe hỏi vậy lại càng nghi quyết; song cũng phòng ý như thành, cất để trong lòng không cho lộ mối.
Một ngày kia, Tô Thường Hậu ngồi một mình nghĩ lại sự tình cách bức chàng nghĩ:
– Mình chẳng phải là con nhà hàn vi không thế sai nhai đắp đổi, nên nỗi phiêu lưu đất khách bỏ xứ lìa quê, trôi nổi đến đây, vào mà nương dựa chùa này, phải chịu nâu sồng ngày tháng, nếu mình mà bỏ phế việc nhà, chẳng kề trăm muôn sự nghiệp mà đem thân vất vả như vầy đây cũng vì mang nặng chữ tình cùng Hồ phu nhơn, quyết đặng trúc mai vầy bạn.
Tưởng đặng chăn gối an vui, yến anh một cưa, không ngờ chồng nàng về làm cho vỡ lỡ ấp yêu, ra tình cách bức, buộc mình phải vào chùa Bảo Anh, giả việc tu trì, thí phát quy y ẩn tích mai danh đợi thuở. Cơn gặp gỡ nàng căn dặn ta, sao sao cũng dằn lòng ở đấy chờ nàng; nàng chẳng phụ ta, xin ta chớ ngả lòng phụ rẫy cuộc ái ân tình hãy còn dài.
Tin thật như lời, ta mới chẳng nệ chút thân khó nhọc; cứ ở đây mà đợi nàng không gặp đặng cơ hội nào may, gặp đặng mặt nàng mà hỏi việc tóc tơ bao nữa. Dè đâu nàng về đến dinh thì đã nghe lúc nàng giả đi cúng chùa Bảo Anh mà gặp gỡ ta, thì chuyện nhà nàng vỡ lỡ.
Tuy theo lời Hồ Lăng nói, Hồ Quốc Thanh vì đó mà giết oan Đào Anh, đuổi Hồ Lăng, chớ chẳng dám động chi tới nàng thì mặc dầu, ta há chẳng e từ đây nàng khó mà để bước ra ngoài cho ta thấy mặt.
Dầu nàng có đi đặng tới đây đi nữa, ta há chẳng tưởng Hồ Quốc Thanh nghi mà cho người tâm phúc theo rình sao? Nếu ta mà không dằn lấp lửng vườn dâu núp bóng Hồ Quốc Thanh rõ đặng, thì tánh mạng ta còn gì.
Thế thì, trong cuộc tình của Hồ phu nhơn với ta đây, ngày nay đã trở nên gập ghềnh, bước đường ra ngần ngại, còn chi trông thấy nhau đây. Mà nếu, xét cho khối tình còn mang nặng, nghĩa triệu triệu hoằng vai, ta chẳng còn mong gặp gỡ người yêu mà ta luống sớm trông tối đợi, mơ bóng tưởng hình, thì phận ta lại trở nên sao?
Ta có phủi sạch nợ tình, phản hồi cố địa đặng chăng? Hay là ta phải cam dạ sầu tình, tháng đợi ngày trông, mãi ru!
Tô Thường Hậu nghĩ thế nào sự cách bức gối chăn, chia uyên rẽ thúy như vầy đây, mình chịu cũng không nổi với cái tình thương nhớ buộc ràng, ái ân nồng mặn, thà cam một thác là xong.
Từ đây Tô Thường Hậu càng nghĩ càng thương, càng trông càng nhớ, thêm biết về chuyện đổ bể tới tai Hồ Quốc Thanh, rồi Hồ phu nhơn không thể nào đến chùa Bảo Anh cho đôi đàng gặp gỡ nhau nữa, thì Tô Thường Hậu lấy làm đau đớn tâm tình, xốn xang gan tấc không kể xiết. Ngày thì ngồi ngơ ngẩn như ngây, đêm luống ra vào không ngủ. Năm canh thức đủ, trằn trọc đêm tràng, biếng nói biếng cười, bỏ ăn bỏ uống.
Biết vậy mà Tô Thường Hậu bữa nào cũng giả ý ra trước cửa chùa ngồi mà làm công chuyện đặng có ngóng trông người ngọc đàng xa; nghĩ đến cũng thương: mỗi khi Tô Thường Hậu thấy bóng ai đi lên, cũng ngỡ cho là Hồ phu nhơn nên lòng vội mầng trong khoan khoái. Đến chừng người đi tới gần, coi ra không phải, thì lòng chàng chua xót xốn xang; chàng ngồi gục đầu mà khóc thầm, hết hồi khóc than một mình, rồi chàng cũng cứ nghĩ:
Chẳng may dải cấu đến đều,
Thà đem vàng đá mà liều với thân.
Quyết định vậy rồi, chàng lại ngó quanh quẩn một hồi rồi ngó lại trong mình mà thầm nói:
“ Mình vẫn cũng nền phú hậu, cha mẹ để của lại trăm muôn, nào phải là nhà hàn vi đến đỗi ra thân vất vả. Cớ sao mình thân hình ra đến thế này? Ấy cũng vì mình mang nặng chữ tình với Hồ phu nhơn, đeo dạ thầm yêu trộm giấu. Chẳng may chồng nàng về thình lình, sợ đổ bể ra chồng nàng hay, nên phải lánh mình lên đây ẩn tích mai danh mà chờ đợi; cũng bời nguồn ân không ngơ lấp, bể ái lại tràn trề, ta vì thươn nàng; quyết hiệp nghĩa gối chăn với nàng, chẳng nệ tơ loan chấp nối, cho nên ta ôm cầm không nỡ dứt dây; còn như nàng, trót lỡ cùng ta từ ấy, nàng cũng say trăng đắm gió, yêu nguyệt mến hoa dan díu nhau không nỡ rời, nên nàng ép biểu ta – vì cuộc lỡ vỡ biết sao? Phải ra mà náu nương, chờ thuở nàng ôm cầm quá biệt; nên ta vì nàng mà phải cam dỗ việc thí phát quy y, vào đây nương náu, kệ kinh qua buổi, phủi sạch hồng trần, ngày tháng nâu sồng, dưa muối sớm trưa chờ đợi.
Nay rủi ta, đàng ngỡi nhân vội lấp, còn chi mong gặp gỡ nhau đây; hết sớm đợi tối trông, ngày thương đêm nhớ, há chẳng toan một thác cho rồi; kiếp này đành chia cách tương giang, kiếp sau nguyện nhứt gia Hồ Việt”.
Xét đến lẽ, Tô Thường Hậu, lòng sầu mặt kéo, ruột thắt gan teo, chẳng còn biết sống là vui, quyết một thác cho rồi, cho khỏi hổ với kẻ ôm cầu thuở thước.
Chưa gì đã tới bữa ăn. Tô Thường Hậu mảng có đeo sầu đấp thảm mà no, lại thêm lòng phiền miệng chẳng muốn ăn, song muốn giấu nhẹm sự tình, không cho ai soi thấu nỗi mình, nên chàng phải gượng làm vui mà theo vào, ngồi lại chông bàn cùng các sãi. Thấy đồ ăn mà ngẩn ngơ! Sớm tương rau, tối cũng tương rau; trưa dưa muối, chiều cũng âu dưa muối!
Tô Thường Hậu ngồi giọt lệ chứa chan! Sợ các sãi thấy mà đon hỏi tâm sự mình chăng, nên chàng, muốn che lấy lụy hồng, tay cầm đũa, tay bưng chén đưa lên, cuối mặt xuống mà che đôi mắt.
Chàng làm bộ và nhiều đũa đặng có cầm chén để đó cho lâu mà che. Vậy mà đôi mắt cũng không ngưng, cứ đổ giọt chan cơm, ví tợ bình nghiêng nước đổ. Nỗi đau đớn biết kể sao cho cùng!
Chàng thầm nghĩ, từ thuở bé đến lớn, dầu khi ở nhà, cho tới khi để bước giao du tứ hải, thật mình chưa hề biết đến mùi dưa muối với tương rau. Đồ ăn này cũng chưa phải là đồ ăn của mình cho kẻ hầu hạ cùng là tôi tớ trong nhà mình ăn; mà nay, vì một gánh tình, triệu triệu hoằng vai nên nỗi mình phải cam ăn lấy sống.
Vậy mà những khi mình còn trông mong gặp gỡ người yêu, mũi bắt lấy mùi lại biết ngon, biết thàm, lua láo tợ cao lương mỹ vị. Nay chông tình tuy chưa mãn, mà đàng ngỡi nhân xem đã lấp rồi, chàng ngó thấy những món đồ ăn chàng ăn từ buổi mới vào nương dựa cửa thiền chàng lại thối chí, ngả lòng, thêm một cớ giục lòng chàng phủi rồi sự thế.
Thật thì chàng.
Đã không biết sống là vui,
Tấm thân nào biết thiệt rồi là thương!
Tô Thường Hậu lại còn nghĩ thà cam khuất mặt hơn đau lòng, thác trong hơn sống đục: “Nếu ta mà chẳng liệu bề quyên sinh, cứ ở đây ngồi khoanh tay mà ngậm thở nguồi than, trộm tiếc nợ tình chưa trả, thì cái nỗi uất ức vì lẽ xẻ nữa gối chăn, chia uyên rẽ thúy như vầy đây nó làm cho ta thân thể xỏ mòn, tương tư mang nặng, nhiều ngày rồi cũng không thể còn hồn.
Vả lại ta vẫn biết Hồ phu nhơn. Từ phen đá biết tuổi vàng, lòng hằng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ, Hồ phu nhơn cũng thiệt dạ thương ta chẳng kém nào lòng ta thương nàng vậy: cho nên ta chẳng tưởng nổi cách bức này ta đeo sầu đeo thảm riêng một mình ta, mà ta lại dám tưởng cho nàng ở đó cũng như ta ở đây, cũng trong dạ như bào, gan teo ruột thắt.
Không chừng nàng vì thương nhớ ta mà liệu bề quyên sanh trước ta, ta há chẳng phen người ôm cầu thuở xưa, mang mển khối tình xuống cửa nguyền ngồi đợi. Thế thì ta chăng chi mà chẳng dám liều thân cho rồi một kiếp.
Bây giờ ta phải liệu cách nào mà chết cho êm? Từ xưa đến nay, tầng nghe có ba cách chết: Một là tự ải với gươm hai là với dây, ba là thuốc độc; ta chọn lấy cách nào?
Thoảng lại từ xa xin vào cửa Phật náu nương, ơn thầy chưa trả, nghĩa bạn chưa đền, không lý ta chết trong phòng này di họa cho chùa hư hại. ta phải liệu mà chết cách nào cho quan làng không nói thốt chi đến ai trong chùa và cũng không nghi điều oan khúc.
Nếu ta dùng gươm mà đâm họng, dùng dây mà thắt cổ, dùng thuốc độc mà hủy mình, thì làm gì quan làng cũng nghi oan khúc nỗi nào, ức lòng nên nỗi; thì chi cho khỏi quan làng đòi tới đòi lui, cật vấn xét tra tội nghiệp, đã vậy ta chưa chắc Hồ phu nhơn cũng liều như ta, cho đôi lứa xuống diêm đài còn mong gặp gỡ.
Chỉ bằng ta chết như vầy thì hay hơn, đã khỏi thiệt hại cho chùa, mà ta lại đặng cùng Hồ phu nhơn khỏi đau dạ dày lìa sanh, giữ lời nguyện cũng không lìa tử. Vậy thì từ đây cấp gươm theo mình ta luôn luôn, để chớ cơn nào, Hồ phu nhơn giả ý dĩ cúng chùa mà viếng ta thừa lúc núp bóng vườn đào, tỏ tình thương nhớ, ta rút gươm ra ta phúp nàng một cái, phúp ta một cái cho rồi sống chi cách trở”.
Nhứt định vậy rồi, Tô Thường Hậu mỉm cười vùng đứng dậy đi ra đi vào, đi lui đi tới, xem dường cởi sạch sầu tình. Bỗng đâu, lúc day mặt trở ra, Tô Thường Hậu ngó thấy vọi xa xa có kiệu của ai mà tốp trước tốp sau, đề huề đi tới.
Chàng nghị quyết cho Hồ phu nhơn nhớ chàng, đổi việc đi cúng chùa cho vui cơn gặp gỡ. Mà bộ phen ni chồng nàng nghi mà đi theo cho nên mới có kiệu trước kiệu sau tốp nam tốp nữ. Thấy vầy nghĩ vậy chàng lại càng vui mầng hơn; vui mầng đến đỗi chàng quên hết những mưu chàng đã toan, kế chàng đã định; chàng quên cho tơi lưỡi gươm chàng giấu để trong mình.
Đến chừng hai kiệu tới cửa chùa, hai vợ chồng một vì thiếu niên nào đâu bước xuống, cùng nhau bước vào chàng mới trơ mắt đứng nhìn, lòng đà chưng hửng; nhưng mà chàng cũng không thối chí ngả lòng.
Chàng thấy người quốc sắc kẻ thiên tài chàng lại nhớ Hồ phu nhơn trong buổi còn chông chạ một nhà sánh vai laon phụng, thì có khác nào đôi lứa trông thấy đây.
Chàng lại thầm tính: “Hồ phu nhơn thật lòng thương tưởng ta cũng như ta thương tưởng Hồ phu nhơn, thì có lý nào ta trông đợi Hồ phu nhơn mà Hồ phu nhơn lại không hoài vọng ta. Vả lại cuộc gặp gỡ của đôi ta hãy còn dài; nếu ta vội trả sạch nợ trần, phủi rồi sự thế, thì chẳng là ta phụ tình Hồ phu nhơn lắm chăng?
Tuổi ta bây giờ chưa dầy hăm lăm; sự cách trở nhau có dài thì cho đi nội trong mười năm rồi đôi ta cũng hiệp. Từ hai hăm lăm tới già, đôi lứa trắng tóc xanh, tính lại cũng còn trên ba mươi năm, tưởng cũng đủ cho cuộc ái ân phỉ nguyện. Dường ấy ta nỡ nào vụng suy mà làm cho ta thất vọng vậy sao.
Không! Ta không dại gì mà hủy mình ta, cuộc ái ân ta hãy còn dài, chông tình ta chưa mãn. Hồ phu nhơn với ta còn có thuở hiệp nhau một nhà chông hưởng cuộc vinh hoa phú quý. Thế nào ta cũng phải trữ dạ đợi nàng, như lời nào đã căn dặn ta trong lúc phân tay, chớ vội mà ra phụ bạc.”
Tô Thường Hậu còn đang suy tính duyên phận về sau, cuộc gặp gỡ còn dài, nhiều năm ân ái, bỗng không nghe có tiếng quan quân xạo xự trước cửa chùa, hè huội cũng dường đang khiêng đồ nặng. Lại nghe có tiếng âm nhạc bên tai.
Tô Thường Hậu vừa muốn tách mình ra coi cho biết việc chi, xảy nghe có tiếng thầy Hai truyền lịnh đại sư rằng:
– Các sãi, các vãi, các đạo, chúng tăng trong chùa phải mau đổi áo nhựt bình, kéo ra cửa tụng kinh rước xác.
Quan tài còn để phía ngoài. Tô Thường Hậu chưa rõ là xác của ai, vừa muo51n hỏi, lại gặp Hồ Lăng, nói mới biết Hồ phu nhơn tạ thế. Hồ đô đốc đem quan tài mạng phụ lên chùa, quàng để chờ khi mai táng.
Tô Thường Hậu nghe qua cũng dường sấm nổ, chớp giăng, điếc tai quán mắt; chàng chết điếng trong lòng.
Bởi vậy chàng đứng mà ngẩn ngơ, miệng không mở lời, mắt tuông giọt lệ. Chàng lại còn sợ nỗi dằn lòng không đặng lộ dấu ai bi mà người soi thấu nỗi niềm chăng? Nên chàng cũng chẳng dám vâng lịnh đại sư, ra ngõ tụng kinh rước xác. Chàng giả đau mà xin vào trong liêu.
Vào liêu chàng nằm lăn qua lộn lại, một tỉnh mười mê, xót dạ đau lòng tức mình ám ách, nghĩ không ra cớ gì mà Hồ phu nhơn phủi sạch nợ tình, phụ lời nguyền ước. Lăn khóc một hồi rồi chàn gượng gạo dậy ngồi khoanh tay mà ngó ra, chàng cũng chẳng dám mở hoác cửa phòng, cứ đóng chặt lại rồi, dòm theo kẽ ván.
Nỗi đau đớn biết kể sao cho cùng! Chàng ngồi rình coi quan quân hộ đưa quan tài từ ngoài tới trong, cho đến khi quàn an bên điện rồi, chàng cũng chưa dám chường mặt ra, chàng cứ ẩn mặt ngồi trong nhà chịu lắm lúc gan teo ruột thắt. Nếu chẳng sợ tiết lậu sự tình mà phải lụy mình về tay Hồ đô đốc thì, khi mới nghe nói Hồ phu nhơn chết cho đến khi hộ quan tài vào trong để quàn, chàng đã vì cái tình chan chứa bấy lâu yêu vụng nhớ chừng Hồ phu nhơn, ngày đợi đêm trông, đeo sầu đắp thảm, chàng đã nhào lăn ra mà ôm lấy hòm, khóc than khun xiết. Tưởng cho chàng còn tỏ tình thương tiếc Hồ phu nhơn hơn người đã cùng Hồ phu nhơn kết nghĩa tóc tơ, nặng tình vàng đá kia nữa.
Nhưng bởi, chàng không danh không phận, không thế không quyền, dẫu rằng biển ái tràn trề nguồn ân đầy dẫy thì mặc lòng, chàng cũng còn phải sợ tội tình hòa dụ nhơn thê, nên chàng phải cam ôm lấy mối tình câm ẩn mặt khóc thầm than trộm. Nhắc cân lại mà coi, thì cái khối tình của chàng đối cùng Hồ phu nhơn nặng biết mấy cân.
Thoảng lại người mà mang mển gánh tình trên vai triệu triệu mà phải nép mình ẩn mặt mà ngó người yêu trong cơn vĩnh biệt, thì dầu sắt đá cũng đau lòng, chẳng lựa là người biết tiết nghĩa hoài ân, niệm tình xót nghĩa thì gan ruột nào chịu đặng. Bởi vậy trong giờ, chàng núp trong liêu ngồi dòm kẽ ván mà khóc, thì ai mới nghĩ sự khổ tâm của chàng là bao.
Thật là chàng:
Đau đòi đoạn, ngất đòi hồi,
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại than!
Tưởng cho chàng, chẳng cần kể ra cũng biết, trong một phút đồng hồ, mỗi tiếng lại qua “tích tắc” đó là một mũi kim, châm lòng chích ruột chàng, làm cho chàng tím phỏi bầm gan, đau đớn tợ dao phân phù phủ.
Thật chàng ngồi ngó sững nhìn trân, ngồi mà chết điếng trong bụng khác nào kẻ tội nhơn kia bị xử tử hình, giờ đà thúc tới, ngồi trong khám mà chịu đau từ phút, khổ từ giờ, đợi cho đến khi dẫn tới pháp tràng quỳ mà đợi giám quan hạ thủ. Nỗi đau đớn tấm lòng, xốn xang gan tấc của Tô Thường Hậu, trong những giờ khắc ấy có kém nào kẻ bị xử tử hình ấy đâu:
Đã không duyên trước chăng là,
Thì chi chút đỉnh gọi là duyên sau!
Thật, Tô Thường Hậu lấy làm khổ tâm khôn kể xiết. Quan quân, quàn để quan tài Hồ phu nhơn an chỗ an nơi rồi, rút về lần hết rồi, trong chùa xem đã vắng hoe mà Tô Thường Hậu cũng còn ngại bụng các sãi thấu tình nên chưa dám ra tới chỗ quàn mà đổ giọt lụy hồng than tình tiếc nghĩa.
Tô Thường Hậu phải ép trí nhớ, dằn lòng thương, hoặc ngồi trong liêu ngó ra, hoặc ở đàng sau trông tới, chờ đến lúc thâm canh, vắng đẩu vắng chuông vắng hình vắng bóng rồi chàng sẽ lén ra chốn điện tiền khóc người mạc bạc.
Lúc bấy giờ, trời vừa mới xế qua. Tô Thường Hậu nghĩ không lẽ mình ngồi trong liêu hoài mà giấu mặt cho đặng. Còn ra thì không dám ra, sợ nỗi các sãi thấy mặt biết lòng chẳng dễ. Bề nào cũng phải cho có mặt mới an; song chưa biết làm sao mà bôi cái giọt thảm này cho mất dấu. Nghĩ đến thật là khó cho cái phận chàng trăm bề.
Tô Thường Hậu ra rồi trở vô, tấn thôi lưỡng nan, tới lui không dễ. Rốt cuộc, chàng tính cũng không ra kế chi mà giấu nhẹm sự mình đừng để lậu cho ai biết, chàng phải toan nhắm mắt đánh liều!
Chàng bước khỏi phòng lầm lũi đi thẳng ra nhà sau, múc nước rửa mặt sạch sẽ rồi mới dám chường ra làm bộ vui chuyện nói cười như thường, cho vẻ thảm lấp mạch sầu không cho ai biết. Chàng tưởng là nhẹm sự tình, có dè đâu, ngó đâu ngó đó thì không sao, hễ chàng mà ngó vào chỗ để quan tài Hồ phu nhơn thì ruột thắt gan teo, trong dạ như bào, lụy tuông như xối.
Chàng gượng cầm hết sức, mà cũng không ngăn nỗi giọt sầu. Sợ các sãi dòm thấy rõ tình hình, chàng mới, cơn túng phải quyền, đưa tay dụi mắt và kiếm lời nói dối cho qua rằng:
– Bụi rớt vô trong con mắt, thật rất xốn xang khó chịu!
Các sãi vô ý, ngỡ thật như lời, nên không ai nói chi; duy có một mình Hồ Lăng rõ thấu tình hình, bèn sinh kế quỷ. Hồ Lăng lết lại gần bên Tô Thường Hậu mà nói rằng:
– Sư huynh ôi, Hồ phu nhơn là người ân của tôi; tôi mà còn sống đây cũng nhờ Hồ phu nhơn rộng lượng. Nay chẳng may Hồ phu nhơn tạ thế ly trần đi rồi, đem quan tài quàn để nơi đây, tôi biết mà giả lơ, ra mặt kẻ cong ân bội nghĩa. Tôi, từ hồi sớm mơi tới giờ, muốn ra mà khóc lạy bà, thương tiếc người hiền, gọi tấc lòng thành hoài ân tiếc nghĩa, chẳng biết có đặng cùng chăng?
Tô Thường Hậu nghe mấy lời Hồ Lăng như chọc dạ sầu, nhắc tình khiêu nghĩa, lấy làm đau đớn xốn xang quá sức. Bởi vậy khi nghe dứt chàng ngồi ngẩn ngơ dường dở tỉnh dở say; ngồi chăm chỉ ngó Hồ Lăng, có không nháy mắt. Giây phút, chàng ngụ ý, mới đáp:
– Không nên đâu! Ta đây há chẳng phải là người mang ân mạng phụ như ngươi vậy sao? Ta cũng muốn ra chốn điện tiền để than đáp nghĩa; mà ta luống e tình ngay mà lý gian, rủi có điều gì đổ bể ra, người ta nghi mình, thì khó nỗi kêu oan cho đặng. Chi bằng, có thương tiếc để lòng, một tiếng than thầm cũng đủ. Há phải đến trước quan tài khóc lạy mới gọi đền bồi sao?
Hồ Lăng nghe mấy lời Tô Thường Hậu khuyên dứt, hiểu thấu ý chàng, nên mỉm cười mà chẳng nói ra, chàng cất để trong lòng chờ khi rình ý. Nghĩ vậy nên, Hồ Lăng gật đầu tỏ dấu cám ân Tô Thường Hậu rồi bắt chuyện khóc giả đàm giây lát mới chia nhau.
Bấy giờ Tô Thường Hậu còn một mình xét tới xét lui, lo quanh tính quất, tính đi tính lại mãi không ra kế chi, duy thấy chàng lộn ra lộn vào, đi lên đi xuống, hình như người lãng trí loạn tâm. Chàng tính đợi cho tới tối, trong chùa đâu đó lẳng lặng như tờ, đặng chàng có lén ra chỗ quàn thây Hồ phu nhơn mà ôm lấy hòm khóc than người ngọc; mà thảm thay, từ xế đến huỳnh hun cách không mấy giờ đồng hồ không hiểu tại sao chờ đợi hoài mặt trời không chen lặn, cứ chiễn dẫn hẩn hờ tuồng như cái tội tình hòa gian thầm than trộm trách giấu nhẹm trong lòng chàng, mặt trời đã soi thấu rồi sao mà chờ xem cho tạng.
Chàng lấy làm tức tối, nhức nhối quá chừng! Nhưng mà chưa để biết sao! Dầu rủi dầu may thế nào chàng cũng phải cam, dễ dám hở môi cho lậu tiếng.
Tối lại vào liêu, Tô Thường Hậu nằm khóc thầm mà đợi cho trong chùa đâu đó ngủ an hết rồi, chàng mới sẽ lén trỗi dậy để chơn xuống giường, lần bước mà ra chánh điện.
Lúc bấy giờ trong chùa tối đen, ngửa tay đà chẳng thấy; trước sau còn có một hai ngọn đèn chong leo lét bên hòm Hồ phu nhơn; cảnh quạnh yêm điềm, xem ra gớm ghiếc.
Tô Thường Hậu vừa lần bước đến, thấy điện rộng rãi, bốn phía tối mò, giữa để một cái hòm rất lớn rất cao, nằm trên hai con ngựa, ngó ngay vô bàn Phật. Trên hòm, hai đầu cặm hai cây đèn sáp nhỏ, dưới hòm chong một cái thếp đèn dầu, nhờ ba ngọn đèn, tuy là cháy leo lét thì mặc dầu, cũng dọi đặng chông quanh, mới dòm thấy, một bên thì treo đại đồng chông, một bên thì treo đại cỗ.
Trống thì có cốt ông Thiện, chiêng thì có cốt ông Ác, trong bóng tối lờ mờ mà thấy hai cái cốt dữ tợn này cũng đủ mà rúng sợ trong lòng, gan nào không núng, đã vậy ngó vô trong lại còn trông thấy những cốt Phật, ông to ông nhỏ ông đứng ông ngồi, ông thấp, ông cao, ông trên ông dưới.
Ngoài ra, chẳng còn thấy chi, nghe chi khác hơn là trong chùa thì chuột bầy nối đuôi nhau mà chạy kêu chút chít, trên trinh thì thằn lằn chắt lưỡi, giao canh; ngoài sân trên những cây cao bóng ngả, cỗ thọ sơn hồ, lại nghe những tiếng chim hôm, gó này rủ rỉ góc kia rù rì, chim ụt kêu ụt ụt, chim cú kêu cú cú rất buồn, còn thêm một cái giống chim heo cắn lộn với nhau dõi tiếng kêu ét ét.
Tô Thường Hậu ra tới giữa cái cảnh lạnh lùng thầm tối nầy, nghe thấy đà mọc óc đầy mình; nghĩ cho chẳng khác cho mình lạc lối, trong lúc canh thâu, vào cảnh đồng không, nẳm giữa mả mồ vô chủ.
Người dầu gan dạ nào vào nhằm một cái cảnh như vầy há chẳng sợ mà tháo mình trở ra sao? Tật, Tô Thường Hậu thấy mà sợ nghe mà ghê, ngực đánh rầm rầm bồi hồi tấc dạ; chàng đã giựt mình ý muốn trở lui; nhưng bởi trong lòng chàng còn chất chứa một cái mối thương tâm, lâu ngày đã thành ra một cái khối tình rất lớn, làm cho chàng thương thương sợ sợ, mà sợ kia không lấp nổi nẻo thương; nên chàng làm gan lần bước tới quan tài, ôm lấy hòm Hồ phu nhơn mà khóc.
Tô Thường Hậu khóc nức nở một hồi rồi ngồi mà kể thầm than trộm cùng người nằm đấy rằng:
– Mình ôi! Từ ngày ngẫu nhiên gặp nhau tôi cũng tưởng cùng nhau căn dặn tấc lòng, trăm năm tạc một chữ đồng ghi xương; nên tôi chẳng nệ tấm thân khó nhọc, đem mình gởi chốn am mây ở mà chờ đợi mình, đặng có ngày sum hiệp; dè đâu, đêm nay đặng gần nhau, tôi ngồi đây, mình nằm đấy, cớ sao mình không một tiếng rằng chi cho phỉ tất nguyền; mình lại vội để bước diêm đài, tình chông chia gánh. Chẳng hay số mình vắn vỏi, khiến cho mình với tôi vô duyên nên phải chịu chia lìa; hay là mình vì tôi mà phải lụy mình, lầm tay kẻ nhẫn tâm sát hại. Mình ôi, cùng nhau đã nặng lời thề thốt, nay mà mình bỏ tôi ở lại chốn am mây này đây, mình ôi! Mình nỡ chẳng thương chẳng nhớ lời tôi đã nguyện cùng mình ngày xưa:
Dầu cho giải kiết đến điều,
Cũng đem vàng đá mà liều với thân!
Thế thì tôi há còn mong mỏi sống côi quạnh nơi cõi trần này nữa chi …
Tô Thường Hậu vừa khóc kể tới đây bỗng nghe có tiếng khua động bên chái. Tô Thường Hậu bèn vội vã đứng dậy chóng bước vào liêu, dường sợ có người rình nghe trong hóc tối.
Ấy là Hồ Lăng; từ nghe Tô Thường Hậu ngăn trở, mượn lời khuyến nhủ thấp cao. Hồ Lăng hiểu ý, bèn dằn lòng chờ tới canh khuya rình coi cho biết. Lúc đang rình thấy Tô Thường Hậu ôm lấy hòm khóc kể, Hồ Lăng cũng muốn để nghe cho cạn sự tình; nhưng bởi rủi đâu xảy tới thình lình, chuột làm cho chàng giựt mình, trở tay khua động.
Tô Thường Hậu vào liêu nằm than khóc một mình, khuya rồi mỏi mệt ngủ quên. Hồ Lăng bước ra trước, hết tới chỗ nằm, nghiêng tau nghe quả chàng đã giấc mê, Hồ Lăng mới sẽ lén cấp búa tới chặt néo cạy hòm, lấy châu báu ngọc ngà liệm để trong hòm, gói lại một gói đem lại phòng Tô Thường Hậu mà phao, rồi ra đi tuốt về dinh, báo công cùng chủ.
Hồ Quốc Thanh, tay sâu sắc nước đời, tấm lòng tàn nhẫn kia, từ sai Hồ Lăng thi hành kế quỷ cho đến khi vợ chồng canh thâu vầy tiệc thừa cơ giết vợ rửa hờn, giết rồi lại tri hô lên làm mặt ai bi, giả hình thống khóc, cầm khăn lau giọt lụy vô tình mà che miệng thế gian, rồi lại giả chước quàn thây, tẩn liệm đem lên chùa Bảo Anh mà gởi, Hồ Quốc Thanh về dinh cứ ra vào không ngủ, năm canh thức đủ, tọa ngọa bất an, luống cuống trông tin Hồ Lăng, đặng có dẫn quan tới bắt cừu nhân về nha tấn tra cho đã giận.
Hết ngày tới đêm, trông tới gần canh ba, mà chưa thấy Hồ Lăng về báo. Chàng lấy làm nóng nảy hết sức, một lo sợ cho Hồ Lăng mê ăn mê ống no say rồi không nhớ đến mà ngủ quên; hai là lo chàng cụng tính để lậu tình, cừu nhân đã lánh mình chốn khác. Sợ vậy nên lòng chàng bức rức bồi hồi khun ngồi khó đứng.
Đợi mãi không thấy, chàng nóng nảy đến đỗi kêu quân canh mà hỏi từ hồi; hết sức kêu hỏi rồi chàng lại mở cửa ra trước ngõ ngó chừng; ngó mong một hồi rồi vào, vào rồi lại ra, ra vào mãi dặn chừng quân canh cửa.
Qua tới nửa canh tư cũng chẳng thấy Hồ Lăng về. Hồ Quốc Thanh ra chắt lưỡi, vào dậm chơn, xốn xang tợ kim châm muối xát. Hồ Quốc Thanh dường đã ngả lòng. Nghe trống thành gần mãn canh tư, chàng đã hết kể. Chàng tính vào phòng nghỉ an, chờ sáng sẽ toan kế khác. May đâu, vừa mới trở gót chưa vào tới cửa phòng, xảy nghe có tiếng quân canh ở ngoài chạy vô báo rằng có đạo nhơn gởi xin ra mắt.
Hồ Quốc Thanh mầng cười, quày quả trở ra, miệng nói lầm thầm. Ấy là Hồ Lăngvề đấy. Hồ Lăng về tới dinh, đem hết sự tình bẩm bạch, Hồ Lăng lại tiếp:
– Bấy giờ đây, Tô Thường Hậu còn đang mê giấc trong liêu; nếu thượng quan đến đó chớ chầy; đặng đồ tại thử. Tôi vừa để gói châu bái dưới sàng rồi, tôi lật đật chạy về phi báo.
Hồ Quốc Thanh nheo miệng cười cách sâu độc không hối hận chút nào, chàng để tiếng ban khen Hồ Lăng, rồi vội vã tới dinh quan Phủ doãn. Lẽ cố nhiên, quan Phủ nào ngờ một người như Hồ Quốc Thanh, là một vị anh hùng, vào ra trăm trận, nhẫn tâm làm sự tế vì đến thế sao. Ngài cũng ngỡ cho là sự thật tình mà thôi chớ. Bởi vậy khi Hồ Quốc Thanh thâm canh tới Phủ, ngài tiếp vào trà nước giải lao rồi, Hồ Quốc Thanh nói ra, ngài liền tin mà lên kiệu tới chùa cùng Hồ Quốc Thanh tra xét.
Tội nghiệp cho Tô Thường Hậu bị rầu khóc mà mòn mỏi, nằm xuống đã mê, nào có biết chi đâu. Mê cho đến đỗi chàng nằm thấy Hồ phu nhơn hiện hồn, ở trong hòm ngồi dậy, cầm đèn đi thẳng vào liêu, vỗ về kêu chàng mà bảo rằng:
Tình nhân hỡi tình nhân,
Mau thức dậy dời chơn,
Họa bên mình đã đến,
Chớ nằm đấy lụy thân!
Tô Thường Hậu nghe kêu giựt mình mở mắt, thấy Hồ phu nhơn đầu đỏ tóc xả, mình mẩy ướt dầm tay cầm đèn đứng gần bên mình, thì lúc còn nửa tỉnh nửa say, lầm tưởng cho Hồ phu nhơn hãy còn, tìm đến thăm mình cho phỉ tình nguyện ước.
Chàng vụt dậy ngồi mầng rỡ biết bao; mầng đến đỗi chàng vói tay ôm nàng mà lụy chan đôi mắt. Không ngờ, chàng vói tay tới mình nàng thì nàng lại dan ra, mà nói:
Thiếp đã thác ra ma,
Mình có biết chăng là?
Xin phải mau xa lánh
Cho khỏi lụy vì ta!
Tô Thường Hậu nghe dứt, bèn vói tay kéo áo, miệng thì kêu Hồ phu nhơn, Hồ phu nhơn; thì Hồ phu nhơn đã biến mất. Tô Thường Hậu ngồi ngơ ngẩn như say. Nghĩ không ra mình vì mang nặng sự tình, thương thương nhớ nhớ mà mơ màng thấy, hay là Hồ phu nhơn đã thác ra ma hiện hồn mách bảo.
Nghĩ đến đây, Tô Thường Hậu lại thầm hỏi lấy mình: Như quả Hồ phu nhơn hiển hích vì tình mách bảo cho mình xá kiếp dời chơn, kẻo họa tới thình lình trở tay không kịp, chẳng hay họa ấy là họa gì mà Hồ phu nhơn nói bên mình đã đến? Chưa kịp xét ra, bỗng đâu, Tô Thường Hậu nghe có tiếng giày bước đến phòng mình, bèn vừa ngoảnh mặt ngó ra, thì đã thấy người xô cửa phòng bước vào, hỏi Tô Thường Hậu.
Chàng lật đật đứng dậy, chưa kịp đáp lời thì người bước vào trước hết nói:
– Ta là quan Phủ doãn tỉnh này, vì có đơn cáo ngươi trộm của báu nhà quan liệm trong hòm mạng phụ nên ta tới đây xét bắt.
Dứt lời, bèn hô quân bắt Tô Thường Hậu trói lại rồi lục soát nội phòng lấy ra một gói để dưới chỏng Tô Thường Hậu nằm đem ra mở xem, thì thấy quả châu báu ngọc ngà, nhà tầm thường đâu có. Dẫn người và của ra chỗ quàn Hồ phu nhơn mà coi, mới hay hòm kia bị phá, quan Phủ đưa tay chỉ hòm, mắt xây lại ngó Tô Thường Hậu mà hỏi:
– Ngươi có biết ai cạy phá hòm của mạng phụ mà trộm châu báu ngọc ngà đấy chăng? Ngươi thật là to gan, chẳng sợ phép quan luật nước.
Tô Thường Hậu thình lình bị bắt trói, thì ngẩn ngơ nào có biết; đến chừng quan Phủ chỉ hòm, chỉ ngọc mà hỏi, Tô Thường Hậu lại càng chết điếng trong lòng, mắt đổ giọt, miệng mở không ra tiếng.
Chàng chẳng biết một lời chi khác hơn là ngửa mặt kêu oan. Trong chùa từ đại sư tới chúng tăng thấy sự tác tệ như vầy, đều mắc cỡ mà giận tràn hung xúm mắng Tô Thường Hậu là quân côn đồ, dám dối việc tu hành mà làm những điều gian ác.
Tô Thường Hậu khôn chối cãi lẽ nào cho qua, cứ việc đứng gầm đầu mà chịu. Khám nghiệm xong, quan Phủ dạy dẫn Tô Thường Hậu đem về trước tống giam; còn quan Phủ thì lấy gói châu báu ấy để làm tang, rồi đi sau cùng Hồ Quốc Thanh, thỉnh thoảng bước đến chuyện vãng.
Hồ Quốc Thanh thừa lúc mới nói nhỏ cùng quan Phủ rằng:
– Chuyện trước mắt như vậy đó, tang chứng hiển nhiên; nếu không có quân về báo với tôi, thì tôi có biết đâu mà cầu ngài tra vấn. Vẫn biết, tôi là một vị quan Đô đốc nắm cả binh quyền lớn trong tay, tôi có đủ quyền mà xử một đứa gian chớ chẳng phải không, mà nhứt là gian của châu báu liệm để trong hòm mạng phụ; song tôi không muốn thiên hạ nói tôi ỷ quyền giết oan mà thán oan tôi; nên tôi xin trông cậy tay ngài tra minh bạch, cho kẻ vô tội khỏi mắc hàm oan. Còn như đủ cớ đủ tang, tội nọ đã đành, lỗi kia không thể chối, thì xin ngài cứ phép gia hình, rửa hận giùm cho ở nhà tôi, tội nghiệp thay, thác rồi nằm không an, còn phải bị côn đồ làm nhục. Ân ngài tôi chẳng hề quên.
Quan Phủ nghe lời Hồ Quốc Thanh cầu mình thì lấy làm thương tình, bèn đáp:
– Xin ngài an tâm để đó mặc tôi; tôi chẳng để cho lũ bất lương hỗn hào chẳng kiêng phép nước. Nhứt là nó dám làm nhục một vì mạng phụ, dầu muôn thác nó cũng phải cam.
Mảng trò chuyện lại qua, mà tới đàng tẻ không hay; quan Phủ kiếu Hồ Quốc Thanh mà tách đàng về dinh; Hồ Quốc Thanh còn vói theo căn dặn hết lòng làm thẳng.
Về tới dinh, Hồ Quốc Thanh vào liền thẳng lại tủ mở ra lấy hai cây bạc phong để trong quả rồi ngồi lại thảo một bức thơ, sai kẻ tâm phúc bưng qua dâng cho quan Phủ. Thật là người sâu độc phi thường. Xét như một vị đô đốc, có việc cậy đến quan Phủ doãn một lời nói cũng đủ quan Phủ vị tình mà làm thẳng tay; huống chi đô đốc dùng tới lễ mà cầu, thì phận quan lẽ cố nhiên lại càng phải sốt sắng hơn. Cho nên quả bạc ấy với bức thư nầy, có khác gì liều thuốc độc, một lưỡi gươm linh của Hồ Quốc Thanh gởi đến Phủ cậy tay quan Phủ giết giùm kẻ cô thế, cô thân mà rửa chút hận tình bấy lâu ôm ấp, nghĩ đến thật cũng quá đau!