Đêm ấy trời cũng gần khuya, quan khách đều về hết. Trịnh Thế Xương bèn mời Trần Trọng Nghĩa vào nhà trong, hối gia đinh nấu nước, lại dạy bỏ trà Diệc Thái mà đãi Trần Trọng Nghĩa. (Vì ổng biết Trần Trọng Nghĩa tánh ưa trà ngon).
Khi đương uống trà, Trịnh Thế Xương ngó Trần Trọng Nghĩa rồi mỉm cười mà nói rằng:
– Tôi có ý mời thầy qua đây chơi đặng tôi tỏ một điều tâm sự với thầy, may nhờ thầy chẳng bỏ bụng tôi mà qua tới đây, thiệt ơn rất trọng. Tôi chẳng nói giấu chi thầy, tôi đây tuổi đã tri thiên, sanh có một mình Trịnh Phương Lan là gái, mẹ nó mất sớm, tưởng có cha con hủ hỉ với nhau, chẳng dè gặp lúc rủi ro mà làm cho con tôi phải thất lạc hơn mười mấy năm trời, tôi cũng tưởng chẳng còn chi mà trông gặp được con tôi. May nhờ ơn trời phò hộ, lại gặp thầy là người nghĩa khí thâm trọng, hết lòng chẩn cứu, ra tay tế độ vớt người trầm luân, cho nên ngày nay cha con tôi mới được trùng phùng. Cái ơn trọng đức dày của thầy đây, tôi không biết lấy chi mà đền đáp cho vừa, vậy tôi xin lỗi với thầy, mà tỏ thiệt cùng thầy; thoảng như thầy chẳng chê nó là gái bỉ lận, thì tôi nguyện gả nó cho thầy, phòng sau nó sửa tráp bưng khăn cho thầy, mà đền ơn tái tạo. Chẳng hay thầy nghĩ thế nào?
Trần Trọng Nghĩa nghe nói, dường như trúng tim đen, song cũng tỏ ý khiêm nhượng, nghiêng mình chắp tay xá mà thưa rằng:
– Vả phận tôi côi cút, may nhờ phước ấm của tiên nhơn, nên mới hưởng được chút mùi học thức. Lẽ làm người, hễ thấy nghĩa thì phải làm, chớ tôi đâu dám kể ơn cùng lịnh ái! Huống chi tôi với cô Hai, trước đã có lời ước nguyện, lấy tình bằng hữu mà đãi nhau. Nay bác thương mà dạy vậy, thì tôi cũng đội ơn, song chưa biết ý cô Hai định liệu lẽ nào, tôi đâu dám quyết.
Trịnh Thế Xương hiểu ý, gật đầu rồi kêu Trịnh Phương Lan ra, nói rằng:
– Cha sanh có một mình con là gái, nay cha cũng đã già yếu rồi, nên phải lo định bề gia thất cho con, phòng sau cha có nhắm mắt đi rồi, thì con sẵn có đôi bạn mà giữ gìn cơ nghiệp. Nay sẵn có thầy thông đây là một người trung hậu quân tử, lại là ân nhơn của con, nếu cha gả được con cho thầy thông nầy thì một là tròn ơn tròn nghĩa cho con, hai là chẳng uổng cái công cha sanh con và cũng chẳng phụ tấm lòng cha ước nguyện. Ý con thế nào, con cứ nói thiệt cho cha nghe, mựa đừng nghi ngại.
Trịnh Phương Lan nghe nói thì xúc động tâm tình, rưng rưng nước mắt, quì xuống lạy cha:
– Thân con vô phước, bị rủi ro mà phải làm nô lệ mười mấy năm trời, tưởng kiếp nầy không thấy được mặt cha, dè đâu mà trời còn vãn hộ, khiến cho con gặp được thầy thông nầy là người háo nghĩa, đã mấy phen cứu con khỏi nạn mà chẳng hề sanh một mảy lòng tà, chớ chẳng phải như kẻ thường nhơn, thấy gái tơ lạc nạn, cô độc một mình mà hiếp bức việc trăng trăng gió gió, ấy là một người bình lễ quân tử đáng kính đáng khen. Nay con lạy cha, xin thứ tội cho con tỏ thiệt một đôi lời, bởi con thấy người hiền lương phương chánh, nên đã lâu rồi, con vẫn có lòng trộm dấu thầm yêu; song con có nguyện cùng trời rằng: nếu con không gặp được cha thì con thề quyết chung thân bất giá. Bởi đó cho nên từ ấy nhẫn nay, con chỉ lấy tình bằng hữu mà đãi thầy thông vậy thôi; không dè mà khi nên trời cũng chìu người, ngày nay cha con ta đã được đoàn viên, trời lại còn khiến lòng cha cũng thương thầy thông mà dạy con như vậy, thì một là con chẳng cãi lịnh cha, hai là lời ước nguyện của con đã được toại, ba là việc chung thân của con về sau ắt được chỗ cậy trông, bốn là con cũng được đền bồi ơn tái tạo!
Nói tới đó Phương Lan vùng giựt mình có ý thẹn thầm, nàng ngó chừng Trần Trọng Nghĩa rồi xẻn lẻn làm thinh, chẳng nói một lời chi nữa.
Trịnh Thế Xương mừng rỡ vô cùng, bèn nói:
– Thôi, con hãy đi nghỉ đi, để cha nói chuyện với thầy thông giây lát.
Phương Lan lui vào phòng rồi, Trịnh Thế Xương liền day lại nói với Trần Trọng Nghĩa:
– Thầy mắc làm việc quan, ít khi xin phép được, vậy sẵn mai nầy là ngày Thiên hỉ, tôi cho mời làng xóm đặng làm Lễ Sơ vấn cho rồi.
Trọng Nghĩa liền đứng dậy lạy Trịnh Thế Xương:
– Bác thương tôi mà tính vậy, chớ tôi qua đây thình lình, ngỡ là qua thăm bác mà thôi, nếu bác tính gấp như vầy thì lễ vật tôi sợ e sắm không kịp chăng.
Trịnh Thế Xương cười:
– Việc ấy thầy chớ lo, để tôi tính cho.
Nói rồi, ông liền hối gia đinh trải nệm giăng mùng nơi nhà trước cho Trần Trọng Nghĩa nghỉ ngơi.
Sáng ra bữa sau, Trịnh Thế Xương dậy dọn nhà cửa để trang hoàng, lại cho mời hết làng xóm, bà con thân thích, họ hàng tựu đến rất đông, rồi ra đứng giữa mà nói rằng:
– Con gái tôi là Trịnh Phương Lan, lúc nó mới 6 tuổi, rủi bị hỏa tai mà cha con cách biệt đã hơn mười mấy năm trời, lưu lạc xứ người làm thân nô lệ; may nhờ thầy thông dây thép là Trần Trọng Nghĩa, ba phen chẩn cứu, cho nên cha con tôi mới được trùng phùng, nay tôi chẳng biết lấy chi mà đền đáp cho vừa, nên tôi tính gả nó cho thầy, cho tròn ơn tròn nghĩa. Vả lại, thầy thông nầy là người trung hậu đáng khen, còn nhà tôi thì cơ nghiệp dư muôn; tôi thì tuổi tác càng ngày càng lớn, nếu có con như vậy mà được rể như vầy, dầu có thác tôi cũng vui lòng nhắm mắt. Huống chi mình là phận cha mẹ, câu “nam hôn nữ giá” phải sớm lo; vậy sẵn hôm nay đây là ngày Thiên hỉ, rất được ngày giá thú nghinh hôn, nên tôi mời các ông đến đây mà chứng Lễ Sơ vấn cho con tôi, xin các ông cạn chén cùng tôi mà mừng giùm cho đôi trẻ.
Trịnh Thế Xương vừa dứt lời, ai nấy đều vỗ tay khen rộ. Rồi chủ khách chuyện vãn vui vầy, chén tạc chén thù, đến xế qua mới mãn tiệc.
Trần Trọng Nghĩa ở chơi vài ngày, rồi từ giã cha vợ, trở về Châu Đốc.