Cha con Trịnh Phương Lan từ giã bà Năm Thọ, hối bạn chèo thẳng về nhà.
Khi họ đến nhà, bao nhiêu tôi trai tớ gái thấy có Thị Quế về theo thì mừng rỡ chẳng cùng, bèn kêu mà nói chuyện lần với nhau rằng:
– Ông đã kiếm được cô Ba đem về kia cà!
Xóm giềng nghe đặng tin ấy, rủ nhau chạy đến hỏi thăm, chuyện vãn rum nhà, nói nói cười cười rất nên vui vẻ.
Nói về ông Trịnh Thế Xương là một người tánh tình thuần hậu, cử chỉ khoan hòa, cho nên tuy đã biết mình lầm mưu gian trá của Đào Phi Đáng thì mặc dầu, song cũng còn không nỡ hở môi mà gấp nói lời chi tới nàng.
Còn Đào Phi Đáng tuy chưa nghe Trịnh Thế Xương rỉ tới điều chi, song thấy ổng tìm được Thị Quế đem về thì trong lòng đà nghi lự. Lại thêm nghe Thị Phụng xì xầm to nhỏ với sắp đầy tớ trong nhà thì biết cái gian mưu của mình đà bại lộ. Ả bèn ở miết trong phòng, lẳng lặng làm thinh, tính thế thoát thân cho khuất mắt.
Đêm ấy vừa lúc canh ba, Đào Phi Đáng nghe chừng trong nhà ai nấy đều ngủ hết, bèn mở rương lấy hết áo quần, vòng vàng chuỗi hột gì đều túm lạo một gói, rồi lỏn ra ngõ sau mà dông mất.
Còn ông Trịnh Thế Xương, đêm ấy tuy đã vô mùng, song nỗi mừng phụ tử trùng phùng, cho nên nằm thổn thức còn chưa an giấc, lúc trống canh vừa điểm ba dùi, vùng nghe bên phòng Phi Đáng có tiếng mở rương, chập lâu lại nghe có tiếng động nơi cửa phía sau cọt kẹt. Ông ta phát nghi, liền ngồi dậy lén bước tới phòng Phi Đáng nom coi. Té ra vừa đến nơi thì thấy phòng không mở hoác, bóng người vắng hoe. Ông ta lại bước luôn ra cửa sau; thấy cửa mở, lại mau bước ra ngoài ngó thấy dạng nàng xách gói xung xăng đi thoát, chừng ấy Trịnh Thế Xương đã hiểu ý, bèn đứng ngó theo và mỉm cười một mình rồi trở vào đóng cửa lại mà nghỉ.
(Đọc tới đây, chắc sao khán quan cũng lấy làm lạ, vì Đào Phi Đáng đi trốn đây tất nhiên nàng cũng ăn cắp quần áo bạc tiền mà đem theo chớ lẽ nào không! Phải ông Trịnh Thế Xương không hay thì chẳng nói làm chi, chớ ổng đã hay rồi, sao ổng không bắt nàng, mà lột đồ lại; lại đứng mà cười rồi để cho nàng đi thong thả như vậy?
Thế thường thì vậy, chớ ông Trịnh Thế Xương vốn là người độ lượng khoan hồng, nay ổng tìm được con ruột của ổng rồi, dầu hao tốn bao nhiêu ổng cũng chẳng tiếc. Vả lại, tiền bạc của ổng thì ổng cất trong rương, chìa khóa ổng giữ mình không ai lấy được. Nếu Đào Phi Đáng có trốn đi mà lấy hết đồ trang sức đem theo thì bất quá lối năm bảy trăm, một ngàn, cũng chưa đến đỗi. Huống chi nàng biết thân mà lánh trước thì ổng lại khỏi phiền lòng cực dạ đuổi xua, nên hư cũng phú cho trời, ấy là bổn tánh người nhân hậu quân tử đó.)
Sáng ra bữa sau, Trịnh Thế Xương bèn dạy tôi tớ trong nhà sắm sửa cỗ bàn, rồi cho mời làng xóm tới, trước là làm tờ cớ về việc Đào Phi Đáng trốn, sau là làm lễ khánh hạ phụ tử trùng phùng cho luôn cuộc.
Lúc ấy, nào gà vịt, nào heo bò, đãi luôn ba ngày. Làng xóm bà con ai ai cũng vui lòng toại chí.
Trời vừa xế qua, quan khách còn đông, kế thấy gia đinh chạy về thưa rằng:
– Thưa ông, tôi đi mời ông Hương Chánh xóm trong, tôi thấy có một chiếc đò ở bên Châu Đốc đưa qua gần tới, ở dưới đò có một thầy thông giống in thầy thông mà tôi với ông có gặp giữa kinh hôm nọ, nên tôi lật đật chạy về cho ông hay trước.
Trịnh Thế Xương nghe nói rất mừng, bèn nói với khách rằng:
– May quá! Nếu vậy thì thầy thông dây thép bên tỉnh, là người có đại ân với con gái tôi, hôm nay ngày lễ nên thầy qua chơi, vì hôm trước thầy có hứa với tôi.
Nói rồi, ông liền kiếu khách, dắt theo vài đứa gia đinh tuốt xuống bến đò, đứng đó ngóng trông.
Đò vừa ghé bến, Trịnh Thế Xương nhìn quả là Trần Trọng Nghĩa, mừng rỡ vô cùng, liền hối gia đinh xuống vác va ly lên rồi mời luôn Trần Trọng Nghĩa lên nhà, trình diện cho mọi người đều biết. Lúc ấy Trịnh Phương Lan đang ở nơi nhà dưới, coi sóc chỉ biểu cho sắp tớ gái nấu ăn, nghe Thị Phụng chạy vào cho hay rằng có Trần Trọng Nghĩa qua, trong lòng cũng mừng thầm, bèn bước lên nhà trên, mừng rỡ hỏi chào, rồi nàng cũng trở xuống nhà dưới cứ lo việc bếp núc.