Khi cứu được Chăng Cà Mum rồi, Trần Trọng Nghĩa vừa tính muốn giao Thạch Quít cho làng, đặng giải hắn qua tòa mà buộc tội. Dè đâu trời cũng chiều người, bỗng thấy một chiếc ghe bầu chèo tới, trong ghe có tiếng kêu rằng:
– Ủa thầy thông! Ủa con!
Trần Trọng Nghĩa và Chăng Cà Mum giựt mình ngó lại, té ra là ông Trịnh Thế Xương. Nguyên ông Trịnh Thế Xương từ ngày Thị Quế (Chăng Cà Mum) đi rồi thì buồn bực nhớ thương nên tính qua Châu Đốc, trước thăm thầy thông dây thép là Trần Trọng Nghĩa cho giải khuây, sau là nói cho Trọng Nghĩa hay luôn thể. Ai dè việc cũng tấu xảo, nên đi đến đó mà gặp nhau, ấy cũng là lòng trời xui khiến! Trịnh Thế Xương liền hối bạn ngừng ghe lại đậu cập với chiếc ghe cui, rồi lật đật bước qua chào hỏi Trần Trọng Nghĩa. Ông day lại hỏi Chăng Cà Mum rằng:
– Con đi đâu mấy bữa rày mà làm cho cha thương nhớ buồn rầu, quên ăn, bỏ ngủ vậy con?
Nói bấy nhiêu đó rồi ông ròng khóc. Chăng Cà Mum cũng khóc chan hòa, chẳng nói được một lời chi hết.
Trần Trọng Nghĩa thấy vậy cũng động tình mà rưng rưng nước mắt, rồi mới thế cho Chăng Cà Mum mà thuật hết các việc cho Trịnh Thế Xương nghe. Trịnh Thế Xương nghe rõ đầu đuôi thì giận lắm, bèn hỏi Thạch Quít rằng:
– Đang giữa thanh thiên bạch nhựt, sao mi dám cả gan đến gạt mà chở con gái tao đi, để tao mời làng mà giải mi qua tòa cho mi ở tù cho đáng số!
Thạch Quít bèn nói:
– Tôi không gạt mà chở con ai hết thảy. Nguyên con nầy là con nuôi của cha tôi. Hồi trước, có người ở bên Tân Châu chở nó qua Xà Tôn mà bán cho cha tôi, hồi nó mới có sáu tuổi, nghe nói tên nó là con Lan, còn tên Chăng Cà Mum là tên của cha tôi đặt. Khi nó lớn rồi, cha tôi muốn cưới nó cho tôi, ai dè nó bỏ mà trốn đi đã mấy tháng rồi, nay tôi gặp được nên bắt nó về, chớ tôi có bắt con ai ở đâu mà ông nói vậy!
Trịnh Thế Xương nghe nói tên Lan thì sửng sốt, sẵn cái áo của Chăng Cà Mum vì bị vùng vẫy khi nãy mà rách một đường, Trịnh Thế Xương liền vạch ra mà coi, thì thấy rõ ràng cái bớt son đỏ lòm nơi vai bên trái. Trịnh Thế Xương lại càng sửng sốt hơn nữa, ông bèn hỏi Chăng Cà Mum lai lịch từ bé đến chừ. Chăng Cà Mum liền thuật hết từ lúc mới lên 6 tuổi là lúc lửa cháy chợ, bị chúng bắt chở mình đi bán cho đến ngày nay, đầu đuôi gốc ngọn thuật hết một hồi.
Trịnh Thế Xương nghe rõ trước sau, liền ôm con mà khóc. Trần Trọng Nghĩa cũng sững sờ, không biết trời đâu đất đâu mà vớ!
Trịnh Thế Xương bèn day lại nói với Trần Trọng Nhĩa:
– Nếu lấy theo lai lịch của tên nầy vừa nói đó, và điều con tôi nó thuật rõ lại nãy giờ đây; lại thêm dấu tích trong mình nó cũng đã rõ ràng, thì con nầy thiệt là con ruột của tôi. Tên nó là Trịnh Phương Lan chớ chẳng phải Thị Quế mà cũng không phải Chăng Cà Mum nào sốt! Nhưng có một điều nó làm cho tôi rất hồ nghi, không biết làm sao mà hiểu cho ra được, vì con Hai ở nhà hiện bây giờ đó, nó cũng xưng tên nó là Trịnh Phương Lan, bên vai trái của nó cũng có cái bớt son như con tôi đây vậy, bởi đó cho nên lúc nọ tôi mới nhìn nó là con. Song từ ngày tôi đem nó về nhà tới nay, thì tôi thấy các cử chỉ và việc cư xử của nó dường như chẳng phải của con nhà lương thiện, nên cũng hồ nghi. Đến nay tôi nhìn được con gái tôi đây, còn nó đó, thiệt tôi không hiểu làm sao mà …
Trịnh Thế Xương nói chưa dứt lời, bỗng nghe Thị Phụng cất tiếng:
– Tôi nghe nói nãy giờ đây thì cô nầy quả thiệt là cô Hai rồi, chớ như cô Hai ở nhà thì rõ ràng là cô Hai giả, chẳng còn nghi ngờ chi nữa hết!
Trịnh Thế Xương hỏi:
– Sao mà con dám chắc nó là con Hai giả?
Thị Phụng đáp:
– Số là mỗi bữa, cổ thường bắt tôi nấu nước thơm cho cổ tắm; lại bắt tôi kỳ mài cho cổ. Không hiểu làm sao mà tôi thấy cái bớt son của cổ càng ngày càng lu, cách mấy bữa rày nó đà bay mất hết, nên tôi chắc đó là cái bớt vẽ, chớ không phải là cái bớt tự nhiên; song tôi chưa kịp thưa cho ông hay. Nay sẵn dịp nầy, tôi phải nói cho ông liệu.
Trịnh Thế Xương nghe nói, gật đầu suy nghĩ một hồi rồi day lại Trần Trọng Nghĩa:
– Nếu vậy thì tôi đã lầm quân gian trá rồi. Vậy tôi xin mời thầy theo tôi thẳng về Tân Châu mà chơi một bữa, chí như tên Cao Miên nầy, tuy là nó có tội gạt người, song cha con nó cũng có công hoạn dưỡng con tôi mười mấy năm nay; huống chi nay nhờ trời mà cha con tôi đã được trùng phùng, thì cũng nên dung thứ nó một phen mà làm phước.
Trần Trọng Nghĩa nói:
– Nếu bác có lòng độ lượng khoan hồng, thì đó cũng là một điều ân đức để lại cho cháu con muôn thuở đó. Chỉ như việc bác mời cháu theo với bác, thì cháu khó mà vâng lời, vì công sự buộc ràng, không lẽ bỏ mà đi chơi cho được!
Chàng vừa nói vừa lấy đồng hồ ra coi thì đã một giờ rưỡi chiều rồi, liền vội vã đứng dậy từ tạ Trịnh Thế Xương và Trịnh Phương Lan (1) mà nói rằng:
– Vậy xin bác hãy đem cô hai về bển, vì đã gần tới giờ làm việc của tôi rồi nên tôi phải trở về Châu Đốc mới đặng. Còn chừng vài bữa nữa tới đây đã là ngày lễ, mấy thầy đã được nghỉ ba ngày, chừng đó tôi xin phép ông sếp của tôi, rồi tôi sẽ qua Tân Châu mà thăm bác.
Trịnh Thế Xương nói:
– Vậy thì xin hãy đừng quên, đến ngày ấy tôi trông thầy lắm đa!
Trần Trọng Nghĩa dạ dạ vâng lời, rồi từ giã hai cha con, thót lên ngựa chạy dông về Châu Đốc.
Trọng Nghĩa đi rồi thì Trịnh Thế Xương liền hối bạn mở trói cho Thạch Quít mà tha ngay, rồi chở con trở về Tân Châu. Đi tới làng Phú Hội Đại, Trịnh Phương Lan bèn nói với cha, xin ghé lại nhà cho bà Năm Thọ là bà già Thị Phụng hay, lại nói thằng Bưởi còn ở bên nhà thầy Trần Trọng Nghĩa, vài bữa nữa thầy qua Tân Châu, thầy sẽ đem nó về theo, trả lại cho bà.
(1) Từ đây quả thiệt là Trịnh Phương Lan rồi, chớ chẳng còn kêu Chăng Cà Mum hoặc Thị Quế nữa.