Hồi 13: Gian nan chưa dứt

Đây nói qua việc cháu ông Trịnh Thế Xương là Triệu Bất Thanh, kêu Trịnh Thế Xương bằng cậu, cha mẹ mất sớm, Trịnh Thế Xương nuôi ở nhà, mới 22 tuổi mà tánh tình phóng đãng, cờ bạc rượu trà, lại thêm có bịnh phong tình, sớm mận tối đào, trưa chim chiều gió, vì vậy cho nên Trịnh Thế Xương ít hay tin cậy, hễ có đi đâu thì giao cho anh ta coi nhà có chừng vậy thôi, chớ tiền bạc thì ổng cất kín có nơi, chìa khóa đem theo bên mình, chẳng hề dám rời ra trong giây phút.

Bữa nọ Trịnh Thế Xương đi tắm, rủi bỏ quên chìa khóa trong phòng, Triệu Bất Thanh núm được, lén mở tủ lấy hết một ngàn đồng, lật đật khóa tủ, để chìa khóa lại không nhằm chỗ cũ, len lén bước ra, rủi gặp Thị Quế đi ngay cửa phòng ngó thấy, Thị Quế bèn đón lại mà hỏi rằng:

– Cha tôi đi tắm, chẳng hay anh vào đó làm chi?

Triệu Bất Thanh trong mình có tịch, mặt mày coi bộ dớn dác, song cũng gắng gượng kiếm lời mà nói trớ:

– Tôi vừa đi ngang qua đây, nghe trong phòng cậu có tiếng chi xao động, nên tôi vào đó mà coi, té ra tôi thấy con mèo rượt bắt chuột, chớ chẳng có chi lạ, nên tôi trở ra, kế gặp cô đây. Vả lại cậu tôi thấy tôi đi chơi bời, nên người cấm nhặt chẳng cho tôi vô phòng nầy, nay tuy là nghe động nên vào mà coi chừng thì mặc dầu, chớ hễ cậu tôi hay đặng thì cũng rầy tôi nặng lắm. Vậy xin cô kín miệng giùm tôi.

Thị Quế là người hiền lương nhơn hậu, lại tánh không hay sanh chuyện, thấy Bất Thanh năn nỉ như vậy nên cũng rằng, chẳng mét thót làm chi, Bất Thanh mừng rỡ giả ơn rồi bước đi mất. (Theo cờ bạc đa!).

Trịnh Thế Xương tắm gội vừa xong, vùng sực nhớ lại xâu chìa khóa bỏ quên, liền vội vã trở vào phòng mà kiếm. Chừng kiếm xâu chìa khóa rồi thì mừng, té ra hồi lâu nhớ lại chỗ mình kiếm được đây không phải chỗ bỏ quên hồi nãy. Trong lòng sanh nghi, ông liền mở tủ coi lại thì biết mất hết mười tấm giấy bạc một trăm đồng. Trịnh Thế Xương bèn trở ra kêu Đào Phi Đáng mà nói mất bạc và hỏi coi nãy giờ có thấy ai đi vào phòng hay không?

Nguyên Đào Phi Đáng từ ngày thấy Thị Quế (Chăng Cà Mum) về ở trong nhà tới nay thì đem lòng đố kị, lập tâm chờ dịp mà hại nàng. Nay sẵn cuộc rất may, bèn trả lời rằng:

– Tôi thấy con Ba vô đó hồi nãy, song không dè mà nó dám cả gan như vậy, nên tôi không hỏi nó làm chi, bây giờ cha hô mất bạc đây thì tôi chắc là nó lấy, chớ không ai vô đó bao giờ! Thiệt cha rỗi quá, những quân bá vơ bá vát ở đâu cũng đem bướng về nuôi, nay nó trả ơn cha đó, thấy không? Kẻo lúc nọ tôi cản cha mà cha cũng chẳng nghe, nay nó lấy được một ngàn đây thì mai mốt nó lấy hết nhà, có khi cha cũng không hay không biết, vậy mà cha còn cản còn thương nó nữa thôi!

Trịnh Thế Xương vẫn biết Thị Quế tánh tình trung hậu, song nghe Phi Đáng đề quyết thì ông cũng phát nghi, bèn nói:

– Thôi con hãy về phòng con đi, để cha kêu nó mà hỏi thử coi, rồi cha sẽ liệu.

Lúc ấy Thị Phụng đứng gần ngoài cửa rình nghe rõ hết đầu đuôi, trong lòng căm giận Phi Đáng vô vùng, song chẳng dám nói gì, để coi chủ mình liệu sao cho biết. Chập lâu, Trịnh Thế Xương bèn cho kêu Thị Quế vào mà hỏi rằng:

– Con làm chi lui cui dưới bếp vậy con?

Thị Quế nói:

– Dạ, con thấy cha hay ăn gỏi nhộng, nên con biểu con Phụng đi mua một mớ nhộng tươi của trên xóm nọ mới ươm đem về, con đương bằm đu đủ đặng trộn gỏi để cha uống rượu.

Trịnh Thế Xương thấy Thị Quế tánh tình hiếu thuận, mỗi ngày thường lo săn sóc từ miếng ăn miếng uống cho mình nên đã đem lòng thương yêu hơn con ruột, nay thấy Thị Quế như vậy thì lại càng thương yêu hơn nữa, chẳng nỡ hỏi nàng về sự mất bạc ấy. Ngặt vì số bạc thì nhiều, phần thì nghe Phi Đáng nói vậy, nên cũng phải hỏi lơ là, chớ kỳ trung, thiệt chẳng có một mảy nào mà nghi cho Thị Quế. Ông bèn hỏi khéo rằng:

– Nãy giờ con có vô phòng cha không?

– Dạ, thưa không.

– Vậy chớ con có thấy ai vô đó không?

– Thưa không.

– Nội nhà đây, tôi trai tớ gái cũng nhiều, vậy chớ con có thấy đứa nào vô đó thì con nói ngay, chớ có sợ chi mà giấu giếm.

– Thưa cha, thiệt con mắc lui cui trong bếp nãy giờ, không thấy chi hết thảy. Chẳng hay có việc chi hay sao mà cha hỏi con như vậy?

– Không, không có việc chi, cha bỏ quên cái ống điếu đâu mất, không biết đứa nào có vô đó mà lấy hay không, như con không thấy đứa nào vô đó thì thôi, chớ không có điều chi lạ.

Thị Quế đi xuống bếp, thì Thị Phụng chạy theo mà hỏi nhỏ rằng:

– Cô Ba, cô có biết ông hỏi cô hồi nãy đó là ý gì không?

Thị Quế nói:

– Không, nào chị có hay biết điều chi đâu em, vậy chớ việc chi mà em lại hỏi chị như vậy?

Thị Phụng liền ngó sững Thị Quế, hai hàng nước mắt rưng rưng mà rằng:

– Cô ơi, tôi thấy cô là người hiền đức, tôi thương mến cô vô cùng, nên tôi phải nói cho cô hay mà liệu trước, từ ngày cô về ở trong nhà nầy, thì cô Hai đã chẳng biết thương cô, mà lại còn đem lòng đố kị, hễ cổ thấy ông tôi thương cô bao nhiêu thì cổ lại càng ghét cô bấy nhiêu. Hồi trưa nầy ông tôi đi tắm, bỏ quên chìa khóa trong phòng, không biết quân gian nào lỏn vào đó, mở tủ ăn cắp hết một ngàn đồng, khi ông tôi tắm trở vô mới hay mất bạc, bèn kêu cô Hai mà hỏi, thì cổ đề quyết rằng cổ thấy cô vô phòng hồi nãy, chắc là cô lấy bạc ấy chớ không ai, nên ông mới kêu cô mà hỏi là ý đó. Tôi vẫn biết ý ông tôi thiệt chẳng có lòng nào nghi cho cô, vì tôi ở đây lâu nên tôi cũng biết tánh cô Hai, thiệt là người sâu sắc, độc ác vô cùng, nếu chuyện nầy mà cổ hại chẳng đặng cô, thì khi khác cổ cũng hại thầm cho được mới nghe!

Thị Quế nghe nói rụng rời, liền rưng rưng nước mắt:

– Em ôi! Em có lòng thương chị mà nói như vậy thì chị mới hay, chớ xưa rày chị cũng biết ý chị Hai, song không dè mà lòng dạ chỉ độc ngầm cho đến thế! Nếu như quả vậy thì chị ở đây sao được yên, chi bằng chị lánh thân thì xong hơn, ngặt vì chị tứ cố vô thân, biết đâu mà nương dựa!

Nói tới đó, Thị Quế vùng ôm Thị Phụng mà khóc ròng, Thị Phụng bèn kiếm lời khuyên giải:

– Nầy cô, vậy chớ cô quên rồi sao? Hôm nào đây, tôi có nghe nói cô được thơ của thầy thông Nghĩa gởi thăm cô và nói cho cô hay rằng thầy đã đổi ra Châu Đốc rồi, vậy thì cô hãy lén vô trốn đỡ trong nhà mẹ tôi tại làng Phú Hội Đại đây, cũng ở theo lòng kinh Vĩnh An nầy, rồi viết thơ cho thầy thông Nghĩa hay, hoặc may thầy có quen biết chỗ nào mà gởi gắm cô rồi sau sẽ liệu. Sẵn ngày mai nầy, ông có sai tôi đi về trỏng cậy mẹ tôi mua giùm cho ông một cặp ngỗng để nuôi, vậy tôi dùng dịp ấy mà nói cho mẹ tôi hay trước.

Thị Quế nghe nói mới nhớ lại Trần Trọng Nghĩa, trong lòng mừng thầm, bèn nói với Thị Phụng:

– Nói vậy thì hay vậy, em chớ khá hở môi, để chị tính lại coi, một vài ngày sẽ liệu, song ngày mai em có về trỏng thì em cũng nên cho dì hay trước đi.

Đêm ấy, Thị Quế trằn trọc một mình nằm không an giấc, bèn nhớ lại lúc gặp Triệu Bất Thanh vào phòng thì định quyết bạc ấy ắt Triệu Bất Thanh lấy chớ không ai, ngặt vì mình đã hứa lỡ với người rằng không mét thót, nếu như nay mình nói ra thì té ra mình thất tín với người. Đã vậy mà Hai Lan lại có lòng ganh ghét, như phen nầy mà nó không hại được mình thì phen khác nó cũng ghe ngày mà ám hại chớ chẳng không! Chi bằng mình lánh thân trước, thì hay hơn là nói ra đã chẳng ích chi cho mình, mà lại còn mang câu thất tín. Nghĩ như vậy rồi Thị Quế nhứt định quyết đi, liền lấy bút mực ra viết sẵn một bức thơ giấu dưới đầu nằm, rồi mới tắt đèn mà ngủ.

Qua đêm sau, vừa bước đầu canh hai, trong nhà đều ngủ hết, Thị Quế bèn kêu Thị Phụng dậy rồi khóc mà nói rằng:

 – Em ơi, từ ngày cha chị đem chị về đây, thiệt người đã hết lòng hậu dưỡng, lẽ thì chị ở đây cung phụng trọn đời mà đền ơn dưỡng dục, ngặt vì chị Hai đem lòng sâu độc, thế chị ở không yên, nên cực chẳng đã, chị phải lánh thân cho vừa lòng chỉ, ngặt cha chị tuổi tác đã già, trong cơn ương yếu sở cậy có em, xin em ráng hết lòng với chị mà săn sóc thuốc men, chớ như chị Hai, tuy là con ruột mặc dầu, sẵn của tiền thì chỉ ăn mặc cho phủ phê, chớ đến khi cha chị có ương yếu thế nào thì ắt chỉ cũng phú liều cho tôi tớ. Nay chị đã quyết dạ ra đi, vậy thì bao nhiêu quần áo của cha chị may sắm cho chị thuở nay đây thì chị để lại hết. Chị cứ mặc đồ của thầy thông cho chị lúc nọ đặng giả dạng con trai mà đi đường cho dễ, và cũng có ý làm cho cha chị biết cái lòng ngay thật của chị khứ lai minh bạch vậy thôi, đến khi chị ở đâu được yên nơi yên chỗ rồi, chị sẽ gởi thơ về cho em hay, song em cũng ráng mà kín miệng giùm cho chị.

Vừa nói, Thị Quế vừa nắm tay Thị Phụng mà khóc ròng. Thị Phụng thấy vậy cũng động lòng, cùng khóc tấm tức tấm tưởi mà nói:

– Từ ngày cô về ở đây đến nay, hôm sớm tôi cũng nhờ cô dạy dỗ, nếu mai mà cô đi rồi thì cô để thương để nhớ lại cho tôi. Sẵn ông có mua cho tôi một cái quần lãnh và một cái áo xuyến nu để dành bận Tết, nay cô đi mà trần trụi như vầy, thì của ấy tôi để làm chi!

Nói rồi, Thị Phụng liền chạy về phòng mình lấy quần áo ấy đem qua mà rằng:

– Vậy thì cô lấy đồ quần áo của tôi đây đặng đem theo mà thay đổi.

Thị Quế từ chối năm ba phen mà không được, lại thấy Thị Phụng có dạ chí thành, nên phải ngửa tay mà thọ ơn Thị Phụng, rồi chỉ cái thơ cho Thị Phụng:

– Này em, cái thơ này của chị để lại từ tạ cha chị đây, để chị đi khỏi nhà rồi, sáng mai em sẽ giả đò giở cái gối chị lên mà lượm được cái thơ, rồi em phải đưa tới tay cha chị, chớ đừng có đưa cho ai.

Thị Quế nói rồi liền đứng dậy lén ra ngả sau, Thị Phụng mở cửa đưa ra, lại trao cho Thị Quế một cái rổ may nhỏ mà nói rằng:

– Này là cái rổ may của mẹ tôi sắm cho tôi chơi hồi thuở nhỏ, cô hãy đem theo, khi vô khỏi ranh làng Long Phú nầy rồi, tại đó có một cái đình, ấy là đình của làng Phú Hội Đại. Hễ bỏ cái đình chừng ba cái nhà, đếm tới cái nhà thứ tư, trước cửa có một cây gáo vàng, dưới bến sông có cái cầu vỉ bằng tre, ấy là nhà của mẹ tôi là bà Năm Thọ đó. Cô vô đó rồi đưa cái rổ may nầy và thuật chuyện của tôi với cô tính đây, thì mẹ tôi ắt tin mà giấu đỡ cô trong nhà một vài ngày, đặng chờ tin thầy thông dây thép.

Dặn dò xong rồi, hai đàng mới từ giã nhau, kẻ ở người đi, thiệt là bi hình thảm trạng!

Thị Quế đi rồi, Thị Phụng bèn trở vào đóng cửa lại, tắt đèn mà ngủ. Trong nhà không ai hay biết chi hết.

Còn Thị Quế ra khỏi nhà thì cứ theo đường kinh mà đi thẳng, gần hết nửa canh tư mới tới nhà Thị Phụng. Nàng nhìn chắc chắn trước cửa có cây gáo vàng rồi mới bước vào kêu cửa. Trong nhà có một người đờn bà trạc lối ngoài năm mươi tuổi bước ra mở cửa rồi hỏi rằng:

– Người ở đâu lạ mặt, đến kêu cửa tôi đang lúc nửa đêm, chẳng hay có việc chi chăng?

Thị Quế nói:

– Chẳng hay nhà này có phải nhà bà Năm Thọ, mẹ của Thị Phụng đây chăng?

– Phải. Ủa! Mà thầy ở đâu lạ, vốn tôi thuở nay chưa biết, sao thầy biết nhà tôi mà hỏi thăm?

Thị Quế liền đưa cái rổ may của Thị Phụng ra và tỏ thiệt hết đầu đuôi các việc. Bà năm Thọ nói:

– Cơ khổ dữ chưa, nói vậy cô đây là cô Ba phải không? Hồi sớm mai này con Phụng nó có về đây mà nói với tôi, song mắc cô mặc đồ đờn ông, nên tôi không biết. Nãy giờ tôi nhắm nhía cô hoài, tưởng là thầy thông nào mới lại!

Bà vừa nói vừa đi trải chiếu rồi nhúm lửa ung muỗi cho Thị Quế nghỉ.

Đây nhắc lại chuyện ông Trịnh Thế Xương, sáng bữa ấy đã ngoài bảy giờ mà không thấy Thị Quế đem trà vào như mọi bữa. ông bèn kêu Thị Phụng mà nói rằng:

– Cô Ba con nó ngủ hay sao, mà chưa thấy nó đem trà cho ông uống?

Thị Phụng giả ý vào phòng mà kêu, rồi hơ hãi chạy ra nói:

– Cô Ba đi đâu không biết mà quần áo cô gói lại một gói để đó y nguyên, lại có phong thơ gì để tại trên đầu nằm cô đây!

Trịnh Thế Xương nghe nói sanh nghi, liền với lấy phong thơ giở ra xem thử coi thơ viết gì cho biết.

Bức thơ ấy như vầy:

Con kính lạy cha trăm lạy, xin dung lỗi cho con, từ ngày con mang ơn cha tri ngộ, đem con về nhà hoạn dưỡng đến nay, ơn trọng đức dày, sánh tày non biển; đã biết rằng không sanh mà có dưỡng, sanh dưỡng ấy đạo đồng, lẽ thì con phải kết cỏ ngậm vành mà báo đáp cho vừa, ngặt con thấy lòng dạ chị Hai, đã chẳng biết thương lại đem lòng tật đố, con xét phận con thế ở chẳng yên, nên phải tìm phương mà lánh trước. Chí như một ngàn đồng bạc của cha bị mất đó, xin cha hãy suy xét lại cho con nhờ. Vả phận con cô độc, bà con chẳng có, cô bác cũng không, mặc ấm ăn no thì đà quá phận, còn lấy tiền bạc nữa làm chi!

Vậy mà chị Hai chẳng có dạ nghĩ suy, lại vu lấy tiếng nhơ cho con chịu? Trên có trời, dưới có đất, xin chứng chiếu lòng con, còn số bạc của cha bị mất hôm qua, xin cha hãy dòm kỹ lại trong nhà, người nào lấy chắc ngày sau cha cũng rõ. Bao nhiêu đồ y phục của cha sắm cho con, con đã gói phong để lại y nguyên, một manh áo con cũng không dám lấy. 

Vậy từ đây con đi lánh xa, nếu kiếp nầy dầu con không được báo đáp ơn thâm thì kiếp khác con cũng nguyện làm thân trâu ngựa mà đền bồi nghĩa trọng”

Trịnh Thị Quế

Liễm chấm bá bái kính thơ.

Trịnh Thế Xương đọc thơ rồi thì khóc ròng, liền hối tôi tớ trong nhà phân nhau đi kiếm cùng xứ khắp nơi, kiếm trọn một ngày mà không thấy tin tức chi hết.

Rồi đó, Trịnh Thế Xương bèn bảo Thị Phụng đem hết quần áo của Thị Quế ra hong phơi cho tử tế, lại xếp hết để vào một rương đem vào phòng mình mà cất.

Từ đó về sau, hễ mỗi khi ông nhớ tới nàng thì ông lại đem y phục của nàng ra mà nhìn, nhìn rồi lại khóc. Nội cả nhà cho tới xóm giềng, ai nấy cũng đều nhớ thương Thị Quế. Duy chỉ có một mình Đào Phi Đáng thì hớn hở vui mừng, lấy làm đắc ý.

Đã vậy mà từ ngày được ông Trịnh Thế Xương nhìn lầm đem về làm con đến sau, no cơm ấm áo sung sướng muôn phần, bao nhiêu nghĩa cũ tình xưa thảy đều quên ráo, có nhiều khi hoặc dì tư bán cá, hoặc là Lâm Trí Viễn qua đó thăm nàng, thì nàng cứ núp ẩn trong phòng, không thèm ra mắt, làm cho hai người ấy ân oán ngậm hờn, quyết chờ dịp báo nàng chơi cho bõ ghét.

Mà thường con người ta ở đời, hễ ăn no rồi thì sanh tệ; lúc nghèo hèn thì bồ luốc bồ lem, khi sung sướng lại làm kiêu hãnh.

Vì vậy cho nên bữa bữa, Đào Phi Đáng thường bảo Thị Phụng nấu nước thơm rồi bắt tắm gội kỳ mảy cho mình. Chẳng dè cái bớt son mướn vẽ đã gần ba năm, bị tắm nước và kỳ mài chà xét thường quá, cho nên càng ngày nó càng phai càng lợt. Thị ta tính muốn đi Sài Gòn mướn thầy vẽ lại, song chưa có dịp mà đi. Thoảng mãn lần lựa tháng ngày mà cái bớt son đã gần bay mất. Tuy vậy mà Đào Phi Đáng cũng không lo, nghĩ vì không lẽ ai đi xét trong mình mà phòng lo gấp.

Chẳng dè kẻ có tình hay rình người vô ý. Thị Phụng mỗi khi tắm rửa kỳ mài cho Phi Đáng thì thường hay coi chừng cái bớt, thấy sao càng bữa càng lu, rồi lần lần bay mất. Trong lòng phát nghi, song Thị Phụng chưa dám nói ra, còn ôm ấp trong lòng chờ dịp sẽ nói cho ông chủ nhà mình biết.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!