Hồi 12: Tai nạn vừa qua

Lúc ấy Trịnh Thế Xương đương ngồi dưới ghe, ngó lên bờ thấy Trần Trọng Nghĩa đi với một thầy thông nào coi bộ dớn dác dường như kiếm ai, ông liền vội vã bước lên mừng rỡ hỏi rằng:

– Ủa! Thầy thông, hôm nay chúa nhựt, thầy rảnh mà đi chơi hay là kiếm ai mà coi bộ xung xăng lắm vậy? Còn thầy thông nầy ở đâu mà đi với thầy đây, xin thầy nói cho tôi biết mà làm quen kẻo ra tình vô lễ!

Trịnh Thế Xương vừa nói vừa nhìn sững Chăng Cà Mum rồi nghĩ thầm trong bụng rằng: “Lạ nầy, thầy thông nầy sao cái gương mặt lại giống nàng con gái cho ta mấy cái bông sen hôm nọ dữ cà!” Nghĩ vậy rồi ông nói rằng:

– Vậy thì tôi mời luôn hai thầy xuống ghe tôi mà uống nước.

Trần Trọng Nghĩa và Chăng Cà Mum liền theo Thế Xương xuống ghe. Trà nước xong rồi, Trần Trọng Nghĩa bèn đem việc Chăng Cà Mum mắc nạn mà thuật hết đầu đuôi một hồi, rồi tỏ ý muốn gởi gắm nàng. Chừng ấy, Trịnh Thế Xương mới rõ thầy thông ấy là nàng con gái cho sen, bèn mỉm cười mà nói:

– Thiệt nãy giờ tôi lấy làm lạ, không hiểu cớ sao mà thầy thông nầy lại giống người con gái tôi gặp hôm nọ tại bàu sen gần hòn núi Cô Tô. Có thầy nói hết duyên do thì tôi mới rõ, hèn chi hôm nọ, lúc tôi mới gặp nàng thì tôi đã có hồ nghi, tưởng không lẽ tại xứ ấy mà sanh được con gái phương phi yểu điệu như vầy, nay nghe thầy nói đây thì quả nhiên hổm rày tôi nghĩ không sai. Vả lại thầy còn biết cứu người lạc nạn, tôi lại chẳng thương kẻ cố cùng hay sao, huống chi tôi tuổi đã tri thiên mà con cái thì ít, nay may gặp được nàng, tôi muốn dùng làm nghĩa minh linh, chẳng hay nàng tính lẽ nào, xin nói cho tôi nghe thử.

Chăng Cà Mum nghe nói rất mừng, liền cúi đầu lạy Trịnh Thế Xương mà thưa rằng:

– Vả tôi là người lạc nạn, hèn hạ cô cùng, may nhờ người có dạ đoái thương thì ngàn năm tôi cũng tạc dạ ghi xương, quyết kết cỏ ngậm vành mà đền ơn tri ngộ.

Trịnh Thế Xương thấy Chăng Cà Mum ăn nói khôn ngoan thì lại càng đem lòng yêu thương hơn nữa, bèn kêu Đào Phi Đáng (Trịnh Phương Lan giả) ra mà ra mắt nàng cho chị em biết mặt.

Nguyên Đào Phi Đáng nãy giờ rình ở phía sau, đã nghe rõ đầu đuôi sự tích của Chăng Cà Mum, nên nghi ngại trong lòng, bèn tính thầm rằng: “Theo lời thầy thông dây thép thuật rõ cái lai lịch của nàng nầy đây, thì ta định chắc nó là Trịnh Phương Lan, nếu để ông già nầy nuôi nó trong nhà, thoảng như sai mà lậu việc ra thì thân ta ắt khốn, vậy thì ta phải kiếm lời mà ngăn trở ổng mới xong”. Còn đang suy tính một mình, vùng nghe tiếng cha kêu, ả liền bước ra làm bộ lơ là, dường như không hay không biết chi vậy! Trịnh Thế Xương bèn chỉ Chăng Cà Mum mà thuật hết đầu đuôi các việc. Đào Phi Đáng giả ý suy nghĩ một hồi lâu rồi nói:

– Cha có lòng nhơn hậu mà thương xót người bần biện cô cùng, thì con cũng vui lòng lắm chớ. Ngặt vì nàng nầy lai lịch bất minh, biết lời nàng nói vậy mà có thiệt hay chăng? Lời xưa có nói: “biết người biết mặt khó biết lòng”, như nàng là gái lộn chồng, hoặc là con trốn cha, hay là đầy tớ trốn chủ, mà cha nuôi chứa trong nhà, thoảng như ngày sau rủi có thế nào thì chi cho khỏi phải mang lấy tai bay họa gởi. Lời tục nói: “thương là hại”, xin cha hãy xét cho kỹ càng.

Trịnh Thế Xương nói:

– Lời con nói như vậy cũng phải, nhưng sánh theo kẻ thương nhơn cà; chớ như nàng nầy đây ngôn từ phong nhã, cử chỉ đoan trang, ấy rõ ràng là một gái hiền lương, chớ chẳng phải người xảo trá; huống chi cha sẵn lòng làm phước, mà lại gặp dịp, chẳng may hay sao? Thôi con hãy an lòng, chớ nghi ngại điều chi mà tội nghiệp cho người lưu lạc.

Lúc ấy có con đày tớ gái của Trịnh Thế Xương tên là Thị Phụng đang hầu trà nước một bên, nghe chủ nói như vậy thì cũng xen vào mà rằng:

– Thiệt ông tôi là người đại độ, lời nói rất nhơn từ, không hiểu làm sao mà tôi thấy diện mạo cô này, nãy giờ trong lòng tôi nó bắt thương da thương diết.

Trịnh Thế Xương nghe nói mỉm cười, bèn hỏi Thị Phụng:

– Nếu ông đem nàng nầy về mà nuôi làm con, thì con có vui lòng theo nàng mà phục thị hay chăng?

Thị Phụng vốn là con nhà vi tiện, có tánh hiền lương, song từ ngày vào phục thị Đào Phi Đáng đến nay thì đã bị đánh chửi, khổ khắc nhiều bề, chịu đà không nổi, nay Thị Phụng nghe chủ hỏi như vậy thì mừng rỡ chẳng cùng, bèn đáp rằng:

– Tôi xem cử chỉ của cô nầy đây thì tôi chắc là người hiền đức; nếu tôi được theo người, thì dầu cho đến thác, tôi cũng vui lòng hầu hạ.

Trịnh Thế Xương nghe nói cũng vui lòng, bèn day lại chuyện trò cùng Trần Trọng Nghĩa, còn Trọng Nghĩa thấy Trịnh Thế Xương có lòng nhơn hậu, lại thêm con đòi cũng có dạ hiền lương, thì mừng cho Chăng Cà Mum đã được chỗ nương thân, chẳng còn ngại ngùng chi nữa. Trà nước xong rồi, Trọng Nghĩa liền đứng dậy ân cần từ giã Trịnh Thế Xương và Chăng Cà Mum cũng theo đưa lên bờ, tỏ tình quyến luyến. Trịnh Thế Xương lại dặn dò Trọng Nghĩa khi có rảnh việc quan, xin hãy qua Tân Châu mà chơi một chuyến. Dứt lời rồi, ông liền từ biệt xuống ghe, Chăng Cà Mum thì nán lại mà tình tự đôi lời cho thỏa tình luyến ái. Hai người chuyện vãn hồi lâu, Trần Trọng Nghĩa đinh ninh trân trọng vài lời, rồi mới lau nước mắt dứt tình lên xe giục ngựa. Chăng Cà Mum giọt lụy chan hòa, cứ đứng ngó mong theo hoài cho đến khi xe đi khuất.

Trịnh Thế Xương thấy Chăng Cà Mum xuống ghe rồi, liền hối bạn nhổ sào trở về Châu Đốc.

Khi về đến Châu Đốc, ông bảo bạn đậu ghe lại đó, Trịnh Thế Xương hối bạn lên chợ mua đồ ăn, rồi một mình cũng xách dù đi lên chợ dạo chơi. Đi một hồi lâu, ông mới trở xuống ghe, ôm một gói đồ đã mua trên chợ, vân, nho, xuyến, lãnh đủ các thứ hàng Tàu (vì lúc ấy chưa có hàng Bắc). Trịnh Thế Xương kêu Chăng Cà Mum mà cho, biểu may áo quần mà mặc. Đào Phi Đáng thấy vậy lại càng bấy gan, song chẳng nói chi, cứ thầm tính trong lòng, toan mưu mà trừ khử.

Khi bạn bè mua chác xong rồi, Trịnh Thế Xương liền hối nhổ neo trở về Tân Châu.

Về nhà, Trịnh Thế Xương bèn dạy đứa ở dọn một phòng riêng cho Chăng Cà Mum nghỉ ngơi, cách cư xử đãi nàng như con ruột vậy. Từ đó, ông cứ lấy tình cha con mà xưng hô.

Trịnh Thế Xương lại nghĩ rằng nàng là con gái Annam, nếu lấy theo tên Cao Miên là Chăng Cà Mum mà kêu hoài, thì nghe ra bất nhã, bèn đổi tên nàng lại, cứ Thị Quế mà kêu.

(Bởi Trịnh Thế Xương thấy con ruột tên Lan, nay gặp được một đứa con nuôi, nên mới đặt lại là tên quế, ấy là người có ý lấy câu: “Lan Quế đằng phương”, đặng ước trông ngày sau nhiều con cháu đó.)

Cách ít ngày, quần áo may xong, Thị Quế (Chăng Cà Mum) thay đổi y phục rồi thì diện mạo chẳng kém chi con nhà trâm anh thế phiệt, nhưng mà nàng có tánh siêng năng, mỗi ngày thường săn sóc việc nhà, từ trong ra ngoài chẳng hề để sót sai một việc. Trịnh Thế Xương thấy vậy lại càng thương yêu, mừng rỡ chẳng cùng, duy có một điều là nàng chẳng biết nấu ăn, vì bấy lâu việc bếp núc có ai mà dạy dỗ! Trịnh Thế Xương bèn chọn những người nấu nướng và may vá giỏi, mướn về dạy Thị Quế cho lành nghề. Từ đó, Thị Quế ban ngày thì học ươm học dệt, lại học nấu ăn và làm các thứ bánh kia bánh nọ, còn ban đêm thì đọc sách, khi tập tành thêu biểu vá may, chẳng đầy ba tháng trời mà trong việc nữ công, nghề nào cũng khéo.

Bởi đó cho nên từ trong nhà cho tới xóm giềng, ai thấy tánh nết của nàng cũng đều thương mến. Duy có một mình Đào Phi Đáng thì ghét đắng ghét cay mà thôi. Trịnh Thế Xương biết ý con mình, nên cũng thường khuyên răn dạy dỗ.

Còn Thị Quế, tuy là nhờ Trịnh Thế Xương hậu đãi mà được no cơm ấm áo mặc dầu, song biết ý Phi Đáng không ưa, cho nên ngày đêm thường ái ngại. Nhưng cũng may nhờ có Thị Phụng hủ hỉ hôm mai nên nàng cũng được vài phần khuây lãng.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!