Dặn dò thằng Mốc xong thì đồng hồ đã gõ năm giờ, Trần Trọng Nghĩa liền hối Chăng Cà Mum lên xe, rồi bổn thân cầm cương nhắm Tịnh Biên trực chỉ.
Lúc đi đường, hai người ngồi chung một xe, chuyện vãn với nhau ân mặn tình nồng, tâm đầu ý hiệp, Trần Trọng Nghĩa bèn mở lời ướm thử nàng rằng:
– Cô ơi! Từ ngày đôi ta gặp nhau đến nay thì tôi tưởng cô là một người bạn hữu rất yêu dấu của tôi vậy. Nay cô đã thoát nạn rồi, tôi tính đem cô mà gởi gắm cho ông Trịnh Thế Xương đây, thoảng như người có lòng tốt, biết ái quả truất cô, mà đem cô về tới xứ Tân Châu rồi, thì từ đây tôi với cô phải xa cách mặt nhau. Vả lại, tôi là người làm việc nhà nước, thoảng như nay mai chi đây mà quan trên gởi giấy xuống đổi tôi đi tỉnh khác, hoặc ra Bắc, hoặc lên Ai Lao thì tôi với cô lại càng xa cách nhau hơn nữa. Phải chi mà tôi với cô được làm anh em bạn ở chung một nhà, hôm sớm có nhau thì dầu có thác, tôi cũng vui lòng, chẳng cần chi cưới vợ.
Trần Trọng Nghĩa vừa nói vừa lấy khăn mu-soa ra mà lau nước mắt. Chăng Cà Mum nghe lời nói như vậy, thấy tình trạng như vậy thì đã hiểu ý chàng rồi, nên cũng động tình rưng rưng nước mắt mà đáp lại:
– Thầy ơi! Từ ngày tôi gặp thầy đến nay, thấy việc cử chỉ của thầy thì tôi đã đem lòng trộm dấu thầm yêu, song xét thân tôi bèo bọt phận hèn nên chưa dám hở môi là cớ ấy. Đến nay nghe thầy phân rõ mấy lời thì tôi đã hiểu ý thầy nên tôi cũng tỏ thiệt với thầy, chớ đến nỗi nầy còn giấu diếm nhau mà làm chi nữa! Ngặt có một điều là cha con tôi xa cách đã lâu, chưa được gặp nhau, thì tôi đâu dám mơ ước tới điều vợ chồng. Vả lại thầy đây là người ơn trọng nghĩa dày sánh tày tái tạo, lại thêm tánh nết ôn hòa, nếu thầy có dạ thương tôi thì tôi lấy làm may mắn vô cùng, còn chờ nơi nào khác cho hơn thầy được nữa sao? Nhưng vì trước tôi đã có lời hoàn nguyện với trời, nếu tôi không gặp được cha tôi thì tôi thề quyết chung thân bất giá. Vậy xin thầy hãy an lòng, mà đãi tôi như bạn hữu vậy thôi; thoảng như ông Trịnh Thế Xương có lòng tốt mà đem tôi về ngoài, thì tôi sẽ hết lòng phụng sự mà đáp ơn người; thầy còn ở đây cũng vậy, tôi gởi thơ thăm viếng thầy luôn, nếu thầy có đổi đi đâu, xin cũng cho tôi hay, đặng tôi biết chỗ mà gởi thơ thăm viếng. Ví như tôi với thầy túc trái tiền duyên, thì một ngày kia trời khiến cho tôi tìm được cha tôi, chừng ấy tôi sẽ quyết theo thầy, sửa tráp nưng khăn mà đền ơn tái tạo.
Trần Trọng Nghĩa nghe lời nàng nói hữu tình, thì sự thương mến càng thêm khắng khít, bèn nói rằng:
– Cô ơi! Thanh sơn bất lão, lục thủy trường tồn, một lời nói ra, ngàn năm ghi tạc! Chớ như tôi đây, quyết với cô kết tóc trăm năm, chớ chẳng phải như bợm quến gió rủ trăng đâu mà phòng vội. Một lời hứa của cô thì tôi cũng đủ an lòng. Lời xưa có nói: Kiết nhơn thiên tướng, mà cô được hiếu nghĩa như vầy thì phụ tử ắt cũng trùng phùng có thuở. Miễn là cô giữ gìn lời hứa cho bền, thì tôi cũng an lòng chờ đợi.
Lúc ấy thiệt là đường vắn mà tình dài, hai người còn đang tình tự với nhau thì xe đã tới Tịnh Biên rồi. Trần Trọng Nghĩa liền đem xe ngựa lại nhà quen mà gởi, rồi dắt Chăng Cà Mum đi xuống mé sông tìm ghe ông Trịnh Thế Xương.