Mặt trời đã xế qua, ba người bèn dắt nhau trở về Xà Tôn. Mà cũng lạ thay cho cái tình cốt nhục chẳng động đến mà đau! Trịnh Thế Xương về nhà đêm ấy nằm không an giấc, trong lòng bứt rứt, cứ thương nhớ nàng con gái đã cho mình ba cái bông sen hoài.
Sáng ra bữa sau, trà nước xong rồi, hai cha con bèn từ giã Trần Trọng Nghĩa rồi trở lại Tịnh Biên.
Đây nói về Thạch Quít, nay thấy Chăng Cà Mum đã khôn lớn rồi, bèn nói thiệt với cha mẹ xin ép nàng làm vợ. Cha nó là Thạch Ung thấy ý con như vậy nên cũng muốn tính phứt cho rồi; liền kêu Chăng Cà Mum vào mà nói cho nàng hay việc ấy. Chăng Cà Mum nghe nói dường như sấm nổ bên tai, sảng sốt tâm thần, hồi lâu mới tỉnh lại, rồi từ chối hoài, khăng khăng một lòng quyết không ưng Thạch Quít. Thạch Ung dỗ hết sức không được, liền rút roi ra hòng toan làm dữ. Chăng Cà Mum liệu thế không xong, bèn giả chước thuận tùng, rồi sẽ lo phương đào tẩu.
Cha con Thạch Quít mừng lòng, bèn lo dọn dẹp cửa nhà, mời hết nội sóc tới dọn tiệc đãi đằng, chờ qua tới bữa sau sẽ cho hiệp cẩn.
Đêm ấy, Chăng Cà Mum không ngủ, cứ thao thức hoài chờ qua đến canh tư, cả nhà Thạch Ung đều ngủ hết. Nàng liền ra bắt một con bò, nhảy phóc lên lưng nó đánh chạy như giông, thẳng ra Xà Tôn.
Đến nơi thì trời hãy còn khuya, nàng bèn thả bò đi bộ, tìm lần tới nhà dây thép, gõ cửa mà kêu Trần Trọng Nghĩa.
Lúc ấy Trần Trọng Nhĩa đang ngủ mơ màng, giựt mình thức dậy nghe tiếng Chăng Cà Mum thì nửa mừng nửa sợ (mừng ấy là mừng vì gặp mặt người quen, còn sợ là sợ lúc canh vắng đêm khuya, không biết duyên cớ làm sao mà Chăng Cà Mum lại bôn đào tới đó). Chàng liền mở cửa ra rước Chăng Cà Mum vào rồi hỏi rằng:
– Cô có việc chi khẩn bức lắm sao, cho nên đêm hôm khuya khoắt lặn lội tới đây, lại thêm khí sắc kinh hoàng, dường như sợ sệt chi lung lắm vậy?
Chăng Cà Mum đáp:
– Thầy ôi! Bấy lâu tôi nhờ thầy ân cần dạy dỗ, nên tôi cũng có ý nín nẩm cho qua ngày, đặng chờ khi thầy có dịp mà cứu tôi. Không dè ngày nay lão Thạch Ung lại ép tôi cho con lão! Nếu tôi không ưng thì ắt cha con nó giết tôi, bằng mà ưng thì ưng sao cho được, thà là chết phứt cho rồi! Vì vậy cho nên đêm hôm rồi tôi chẳng quản cọp hùm, phải liều sanh tử mà trốn ra đây, may còn gặp được mặt thầy, ấy là ơn trời còn ủng hộ đó. Nay việc đã đến nỗi này rồi, thì cái thân bèo bọt của tôi đây dầu sống thác cũng nơi tay thầy, xin thầy thương xót.
Nói tới đó, nàng vùng khóc ròng. Trần Trọng Nghĩa lấy làm bối rối, chưa biết tính làm sao, song sợ nàng khóc mà việc lậu ra, nên phải gắng gượng mà khuyên rằng:
– Cô chớ khóc lóc làm chi, sợ hai bên người ta nghe mà lậu việc, vậy cô hãy an lòng nằm đó nghỉ ngơi, kẻo đêm hôm lộ đồ mệt nhọc. Tôi sẽ liệu thế mà cứu cô, xin cô chớ ngại.
Trần Trọng Nghĩa liền bước xuống nhà dưới kêu thằng Mốc thức dậy, hối nấu cà phê rồi trở lên bàn viết ngồi đó, một mình suy tới nghĩ lui, hồi lâu mới nhớ lại ông Trịnh Thế Xương thì mừng rỡ vô cùng, bèn bước qua nói với Chăng Cà Mum rằng:
– Nầy cô, thiệt may quá, sẵn có ông Trịnh Thế Xương là người giàu có, ở bên Tân Châu qua đây mà đi du lịch, người mới làm quen với tôi mà coi ý người thật đúng một vị hiền nhơn quân tử, tánh tình trung hậu, cử chỉ khoan hòa, nay ghe người còn đậu tại Tịnh Biên, sáng mai này lại may mà nhằm ngày chúa nhựt; vậy thì tôi tính đem cô ra đó mà gởi gắm cho người, hễ người nghe nói cô là người mắc nạn thì ắt đem lòng thương xót mà cứu cô. Nếu cô được về ở với người thì tôi mới an dạ.
Chăng Cà Mum nghe nói thì biết là người mà mình đã gặp tại bàu sen, trong lòng cũng mừng thầm, còn đương bàn tính với nhau, kế thấy thằng Mốc bưng cà phê lên, Trần Trọng Nghĩa liền hối thằng Mốc đi lo bắt ngựa thắng xe, còn mình thì lấy ra 2 cái tách khuấy sữa bò, chế cà phê, xắt bánh mì ra rồi mời Chăng Cà Mum lót lòng với mình ba miếng. Khi ăn xong rồi, Trần Trọng Nghĩa lấy áo quần đờn ông của mình mà trao cho Chăng Cà Mum, biểu nàng phải cải dạng đổi hình mà đi đường cho đừng ai biết được.
Khi Chăng Cà Mum thay đồ đờn ông rồi thì hẳn nhiên như một thầy thông còn tơ, diện mạo rất tuấn nhã. Trần Trọng Nghĩa nhắm nhía một hồi rồi mỉm cười mà nói rằng:
– Thiệt tôi coi tướng cô giống như một thầy thông nào đó vậy, chắc không ai biết được sự tình của chúng ta đâu. Vậy hễ ai quen, gặp cô đi với tôi mà hỏi, thì tôi sẽ nói cô là em tôi, học trường Mỹ Tho mới thi đậu mà ra, nay đến thăm tôi. Dường ấy, ắt thần cũng chẳng hay mà quỉ cũng không biết được!
Chăng Cà Mum nghe nói cũng cười chúm chím, nói rằng:
– Thiệt đã mười hai năm trời rồi, tôi mới được mặc đồ y phục của quê hương ta, vậy còn y phục Cao Miên của tôi đây, phải làm sao bây giờ?
Trần Trọng Nghĩa nói:
– Việc ấy khó chi, hãy xé tan xé nát mà bỏ xuống sông cho rồi, còn để làm chi!
Vừa dứt lời, thì thằng Mốc thắng xe đã xong, Trần Trọng Nghĩa bèn dặn dò thằng Mốc rằng:
– Thầy có việc gấp phải đi ra Tịnh Biên, vậy bậu ở lại coi nhà cho tử tế, nếu có ai hỏi thầy thì bậu cứ nói thầy đi săn bắn như mọi khi, chớ đừng có nói lậu việc chi mà không nên đa.
Nguyên tên Mốc nầy là một đứa đầy tớ rất trung tín với chủ và lại siêng năng, cho nên Trần Trọng Nghĩa tin cậy lắm, hễ có đi đâu cũng phú thác việc nhà cho nó, chẳng hề sợ thất điều chi, vì vậy mà thầy trò đãi nhau như tâm phúc.