Hồi 06: Tơ hồng vương vấn

Vài lời từ người biên soạn

Tôi chưa tìm được Nguyên bản in kèm theo sách thuốc Nhị Thiên Đường năm 1920. Bản đánh máy trên trang này dựa theo Bản in của Nhà xuất bản Long An, phát hành 1989. Theo Lời giới thiệu từ Nhà xuất bản thì Bản in này giữ theo Nguyên bản 1920.

Truyện này được viết từ những năm chữ quốc ngữ còn sơ khai, cách dùng từ – hành văn không giống như hiện đại. Đây là cơ hội để chúng ta hiểu thêm về hành trình phát triển chữ quốc ngữ Việt Nam trong hơn trăm năm qua.


Hồi 06: Tơ hồng vương vấn

Trần Trọng Nghĩa về đến nhà thì trằn trọc cả đêm, ức có một điều là không kịp hỏi thăm nàng ấy cho ra duyên cớ. Ban ngày thì lo việc bổn phận, còn ban đêm thanh vắng một mình, Trọng Nghĩa lại nhớ tới dạng nàng, nằm không an giấc, cứ mơ tưởng nết đi đứng của nàng luôn; có lúc chàng lại nghĩ: “Chắc nàng là con gái Annam, mà cũng không hiểu vì sao mà nàng sa vào tay một kẻ hung bạo gớm ghê như vậy? Thôi, từ đây hễ mỗi ngày chúa nhựt, ta cứ giả đi săn bắn ra lối đó mà đón nàng. Nếu như may mà lại gặp được nàng, biết nàng là người mắc nạn thì ta sẽ thừa dịp cứu nàng mà làm nghĩa.” Nghĩ tới đó rồi, Trọng Nghĩa lấy làm đắc ý, bèn nhủ lòng thừa dịp sẽ ra tay.

Đây nhắc lại nàng con gái ấy tên là Chăng Cà Mum, đầy tớ của người Cao Miên kia tên là Thạch Ung, làm Mệ sóc cai quản nơi sóc ấy, tánh tình y hung bạo, sâu độc, cộc cằn, dân cả một sóc thảy đều kiêng sợ. Chăng Cà Mum bị đày đọa nhiều bề, ngày thì bắt đi chăn trâu, tối thì bắt xay lúa giã gạo, có lúc y lại bắt nàng đánh xe vào núi một mình mà lấy củi; có khi lại bắt đi với con của y, đánh xe chở gà vịt ra Xà Tôn mà đổi trầu cau; đã vậy mà y còn đánh đập, dày bừa, khổ sở nhiều bề, chịu đà chẳng nỗi. Thạch Ung lại có một đứa con trai tên là Thạch Quít, tuổi mới 20, hình dung cổ quái, con mắt vàng lờm, nước da như hỏa táo; mà anh ta lại sanh bụng tẹo, có ý muốn lấy Chăng Cà Mum làm vợ, song còn ngại lòng cha mẹ chưa dám nói ra, nên mỗi khi cha hắn la rầy khổ khắc Chăng Cà Mum thì hắn thường kiếm lời mà che chở; nhờ vậy nên cũng đỡ cho Chăng Cà Mum khỏi chịu đường roi vọt.

Còn Chăng Cà Mum từ ngày bị beo rượt, may nhờ người trai tơ cứu khỏi, chưa kịp nói tiếng chi mà tạ ơn người, kế bị lão Mệ sóc la rầy, nên sợ bỏ chạy về một nước.

Về nhà đêm ấy nàng thao thức một mình, suy tới nghĩ lui nằm không an giấc; bèn nghĩ rằng: “Không biết người trai ấy ở đâu, thuở nay chưa hề gặp mặt lần nào, nay lại tình cờ đi tới xứ nầy săn bắn mà cứu ta, hay là lòng trời còn phò hộ người ngay, nên khiến người đến cứu? Ta xem người ấy diện mạo khôi ngô, chắc là một đấng chánh nhân quân tử; hoặc là ngày sau ta sẽ nhờ người mà thoát khỏi con trai quỉ dạ xoa nầy chăng? Tiếc vì hồi trưa ta chưa kịp hỏi thăm cho biết người ở tại đâu. Từ đây, biết ta có gặp người nữa hay không?” Nghĩ đến đó nàng buồn dàu dàu, rồi lại tính thầm trong lòng rằng: “Vậy thì từ đây ta cứ đem trâu đi ăn nơi đám rừng ấy, hễ nghe tiếng súng săn bắn phía nào thì ta men lần tới đó, thoảng như may mà ta gặp được người, thì chừng ấy ta sẽ tỏ bày tâm sự với người, và xin người tế độ.” Lập tâm như vậy rồi, Chăng Cà Mum cứ ẩn nhẫn một mình mà chờ ngày tái hội.

Chẳng dè lúc ban trưa nàng bị beo rượt nên đã hoảng hốt tâm thần; đêm ấy đùng phát nóng lạnh mê man, rồi nằm luôn hai ba ngày, cơm cháo gì cũng không ngó tới. May nhờ Thạch Quít, lớp lo rước thầy tom, lớp lo kiếm thuốc nam trong rừng mà cho nàng uống. Tuy vậy chớ nàng nằm bịnh hơn trót tháng trời mới mạnh được.

Đây nói về Trần Trọng Nghĩa, mỗi ngày chúa nhựt, hễ sớm mai thức dậy, hoặc cơm cháo, hoặc bánh mì cà phê, lót lòng ba miếng rồi quảy một túi đồ ăn trưa đem theo, vác súng lên ngựa, tuốt đến mé rừng gần chưn núi Cô Tô là nơi kỳ ngộ hôm nọ; bề ngoài thì giả đi săn, chớ bề trong thì thiệt quyết đi tìm người cũ. (Thiệt lúc ấy dẫu cho chim đáp nơi đầu ngựa của anh ta, có khi anh ta cũng không hay mà bắn).

Ai ngờ đi ngày nào tối ngày nấy, chỉ có đi không về rồi; trọn bốn năm tuần mà không thấy tăm dạng nàng đâu hết! Trọng Nghĩa bứt rứt xốn xang, không hiểu làm sao mà nàng không đem trâu cho ăn nơi cụm rừng nầy nữa? Tuy vậy mà cũng chẳng ngả lòng, chúa nhựt nào chàng cũng vác súng ra đi, song hễ đi sao thì về vậy, chớ chẳng có bữa nào đem về được một con chim. (Có bắn biếc gì mà được chim!)

Viết một bình luận

error: Content is protected !!