Hồi 05: Trịnh Phương Lan gặp cứu

Đây nói về một người hiền sĩ quê quán tại Mỹ Tho, tên là Trần Trọng Nghĩa, làm thông ngôn dây thép, đổi lại ngồi nhà giấy Tri Tôn (tục kêu là Xà Tôn). Chàng mới 20 tuổi, cha mẹ mất sớm, chưa có vợ con, tánh tình trung hậu, cung thân ôn lương, diện mạo khôi ngô, học hành tót chúng. Nho học, Tây học đều thông, nghề võ học đánh quyền cũng giỏi. Tuổi tuy còn nhỏ mà tánh hay vui thú núi non, mỗi ngày chúa nhựt thường giao nhà cửa cho một đứa bồi tên là thằng Mốc giữ coi, rồi mang súng cưỡi ngựa vào núi một mình, trước săn bắn, sau dạo xem phong cảnh.

Ngày kia, đang mãn mê theo mồi săn, Trọng Nghĩa đi lần tới hòn núi Cô Tô, bỗng thấy dựa bên mé rừng có một cô gái Cao Miên cưỡi trâu chạy như dông, phía sau có hai con beo rất to đuổi theo làm dữ. Trọng Nghĩa liền lấy bì đạn bắn hươu nạp vô súng, đứng nép bên rừng, chờ cho con trâu của nàng ấy chạy khỏi rồi hai con beo vừa tới, vội vàng giương súng ra thảy luôn 2 phát “bùm … bùm ….”. Hai con beo nhào ngửa giãy tê tê, chết tươi tại đó. Trọng Nghĩa liền mang súng lên vai, giục ngựa chạy dông theo mà kêu nàng ấy lại.

Còn nàng nọ khi bị beo rượt thì hoảng kinh, bất cố tả hữu, đánh trâu chạy nhào, cho nên lúc nghe tiếng súng cũng không biết tiếng súng ở đâu, chừng nghe có tiếng người kêu, bèn gò trâu ngừng lại. Trọng Nghĩa thấy nàng ngừng lại thì mừng; song nghĩ vì mình mới đổi lại xứ ấy chưa được mấy ngày, chưa biết tiếng Cao Miên, không biết làm sao mà nói chuyện. Tuy là nghĩ vậy, song cũng hỏi liều, hiểu được hay không rồi sẽ liệu:

– Cô là con gái, nhà cửa ở đâu, một mình dám cưỡi trâu mà đi đâu cho beo nó rượt vậy? May là gặp tôi bắn nó chết mà cứu cô, nếu không thì cô chạy sao cho khỏi?

Người con gái đó nghe hỏi, liền ngó Trần Trọng Nghĩa, thấy mặc đồ Tây, thì biết là thầy thông, thầy ký chi đó, bèn trả lời rằng:

– Chủ tôi bắt tôi đi chăn trâu đã tám, chín năm nay, cũng gần chỗ đám rừng nầy mà tôi chưa hề bị beo rượt lần nào. Không biết làm sao bữa nay lại gặp hai con beo nầy dữ quá; may có thầy giết được nó mà cứu tôi, chớ không thì còn chi là tôi! Thiệt cái ơn tái tạo nầy, dầu đến chết, tôi cũng còn ghi vào dạ.

Trần Trọng Nghĩa nghe nói thì lấy làm lạ, nghĩ thầm trong lòng rằng: “Nàng nầy là con gái Cao Miên, sao mà nói tiếng Annam giỏi dữ vậy cà?” Lòng suy nghĩ, mà mắt thì ngó trân; thấy nàng ấy tuy là rách rưới lang thang, mà hình dung yểu điệu, gương mặt bị nắng táp xám mặc dầu, mà hai cái môi đỏ như bông sen mới nở, chơn mày vòng nguyệt, mình hạc xương mai, lại thêm, nết đi đứng ung dung, tiếng nói năng phong nhã; dẫu cho con gái nhà giàu cũng ít ai bì kịp.

Trần Trọng Nghĩa đứng nhắm tướng nàng một hồi rồi lại nói thầm rằng: “Người như vầy mà lại sanh nhằm nơi rừng rú, thiệt là uổng quá! Phải chi nàng là gái Annam thì ta sẽ cưới nàng để phòng khi sửa tráp nưng khăn, chớ nàng là gái Cao Miên dầu ta có muốn cưới, chắc cha mẹ nàng cũng không chịu gả. Ủa! mà ta nghĩ như vậy sao phải! Hễ đấng làm trai thấy nghĩa thì làm, mà có làm ơn nghĩa cho ai cũng chẳng nên trông trả, nay ta mới làm nghĩa với nàng rồi trở lại mà muốn nàng, thì ta lỗi quá!” Còn đang suy nghĩ tới lui, Trọng Nghĩa bỗng thấy nàng ấy mỉm cười mà hỏi rằng:

– Thầy làm chi mà nhìn sững tôi dữ vậy?

Trần Trọng Nghĩa nghe hỏi thì có ý hổ thầm, bèn đáp rằng:

– Thiệt tôi không nói giấu chi cô, tôi xem diện mạo cô nãy giờ, tôi tưởng cô là người Annam hoặc cô bị ai bắt mà đem bán, hay là cũng có duyên cớ chi đây, nên tôi nhìn cô là vậy đó.

Nàng ấy chưa kịp trả lời, xảy thấy một người Cao Miên cao lớn vạm vỡ, trạc chừng ngoài bốn mươi tuổi, nước da đen sậm, con mắt có khoen, từ trong mé rừng hăm hở xốc ra. Người ấy giận dữ, vừa đi vừa nói chi không biết, xốc lại xô nàng con gái và chỉ tới, hình như biểu nàng ấy phải đi về. Nàng ấy mặt mày thất thanh, riu ríu đuổi trâu ra về. Còn người kia thì đứng đó, lườm lườm ngó Trần Trọng Nghĩa, coi bộ muốn gây, rồi quày quả đi theo nàng ấy. Trần Trọng Nghĩa ngẩn ngơ, đứng ngó theo hoài. Chập lâu, nàng đi khuất cụm rừng, Trọng Nghĩa mới lên ngựa, ngùi ngùi trở về Xà Tôn.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!