Đây nói về Trịnh Thế Xương từ ngày mất con đến sau, ngày ngày buồn bực thương nhớ chẳng cùng, sau nhờ có anh em bày biểu mới tìm lên Sài Gòn mướn nhựt báo kêu rao; từ ấy đến nay trong lòng dàu dàu, hằng lóng nghe tin tức.
Ngày kia, ông đang ngồi, thấy một người lính đi thơ ngoài cửa bước vào trao một phong thơ và nói rằng:
– Thưa bác, có một cái thơ của bác đây.
Trịnh Thế Xương tiếp lấy và cám ơn. Tên lính đi rồi, Thế Xương liền mở ra coi cho biết là thơ ai gởi. Bức thơ ấy như vầy:
Châu Đốc, ngày 24 tháng chín Annam năm Ất …
Kính lời thưa cho bác rõ, cách chừng hai mươi ngày rày, tôi nhơn thấy trong tờ nhựt báo có nói về vụ con gái của bác đi đâu lạc mất, trong ấy có tả cái hình trạng của nàng vậy vậy… Mới hôm qua đây, tôi nhơn dạo chơi có gặp một người con gái trạc chừng 17, 18 tuổi, hình dung yểu điệu, da trắng môi son, tóc mây dài thậm thượt, đi câu cá rủi bị chìm xuồng, tôi liều mình lội xuống vớt nàng đem được vào bờ, áo quần ướt hết. Lối xóm có người làm ơn, đem áo cho nàng thay kẻo lạnh. Nhờ vậy nên tôi mới thấy được nơi vai trái của nàng có một cái bớt son, y như lời trong nhựt báo hôm nọ, song không biết có phải là lịnh ái chăng, vậy xin bác hãy qua đó mà nhìn, như may có phải là con bác, thì bác đem về kẻo bỏ linh đinh tất tưởi thân nàng tội nghiệp. Ấy là tôi muốn làm ơn cho bác được phụ tử trùng phùng mà mách miệng vậy thôi, còn ngoài việc ấy thì thiệt tôi chẳng vọng cầu điều chi khác hết.
Nay kính,
Lâm Trí Viễn
Học trò lớp nhứt trường Châu Đốc, đồn thủ.
Trịnh Thế Xương đọc thơ xong rồi nửa mừng nửa nghi, liền hối thúc bạn bè sắm sửa dọn ghe, nội ngày ấy tuốt qua Châu Đốc. Đến nơi chưa nhằm giờ tan học, nên ông phải ở dưới ghe mà chờ, trong lòng nóng như lửa đốt, cứ dòm chừng đồng hồ hoài. Lúc gần tới năm giờ, ông liền mặc áo bịt khăn rồi xách dù lên bờ tìm đến trước trường học. Thế Xương cứ đi qua đi lại, mắt lom ngó chừng trong trường, chờ cho học trò đi ra đặng đón hỏi thăm Lâm Trí Viễn. Ông còn đang lỏng nhỏng ngoài đường, vùng nghe tiếng trống trong trường: “Thùng thùng … thùng, thùng, thùng, thùng, thùng, thùng …”. Trịnh Thế Xương lòng mừng khấp khởi, liền bước tới đón ngay trước cửa trường, thấy trò nào đi ra cũng kêu mà hỏi. Cách chừng 9, 10 trò mới gặp Lâm Trí Viễn. Lâm Trí Viễn vòng tay thủ lễ rồi hỏi rằng:
– Chẳng hay ông bác ở đâu, hỏi thăm đến cháu có việc chi chăng?
– Trò em đây có phải là Lâm Trí Viễn chăng?
– Dạ, thưa phải, Lâm Trí Viễn là cháu đây.
– Hồi sớm mai nầy, tôi có tiếp được cái thơ của trò em, nên tôi lật đật qua đây …
– Ủa! nói vậy té ra bác đây là ông Trịnh Thế Xướng sao? Cơ khổ dữ! Vậy mà cháu không biết, xin bác miễn chấp.
– Hèn chi người ta nói con nhà học trò cũng phải, thiệt trò em chưa bao nhiêu tuổi mà ăn nói khôn ngoan lễ nghĩa tử tế quá. Tôi qua đây có ý kiếm trò em mà hỏi thăm, chẳng hay trò em gởi thơ nói vậy mà không biết có kết quả vậy hay chăng, và con nhỏ ấy nó ở đâu bây giờ, xin trò em làm ơn dắt tôi đi kiếm nó thử coi. Nếu như may mà thiệt là nó, cha con tôi được gặp nhau, thì cái ơn của trò em, tôi chẳng hề dám phụ …
Ông nói tới đó vùng khóc ròng. Lâm Trí Viễn bèn kiếm lời khuyên giải:
– Tôi thấy trong nhựt báo nói vậy, mà người con gái tôi gặp đây thì mười phần coi bộ phưởng phất bảy tám phần, vậy thì bác hãy chịu khó mà đi theo tôi; tôi cũng liều một chút công dư, dắt bác đến đó chỉ giùm mà làm nghĩa.
– Từ đây mà đi đến đó chẳng hay xa hay gần? Nếu xa, tôi xin mời trò em xuống ghe cho bạn nó chèo, có khi tiện hơn.
– Không xa bao nhiêu đâu bác! Chỗ nhà người ấy ở tại vàm kinh trên, đi vô một đỗi thì tới, đi bộ dễ hơn.
– Vậy thì trò em chịu khó với tôi một chút hé?
– Dạ thưa bác, không hề chi, bác cứ việc theo tôi.
Hai người đề huề dắt nhau ra đi, độ chừng 15 phút đồng hồ, Lâm Trí Viễn liền chỉ một cái nhà là hai căn ở dựa mé kinh, phía trước thì đất, phía sau thì sàn, mà nói rằng:
– Tới rồi đó bác, vậy xin bác đứng lại đây chờ tôi một chút, để tôi vô trước đặng coi có ai trong nhà hay không, rồi tôi sẽ dắt bác vô.
Miệng thì nói, chơn thì bước thẳng vô nhà, Trí Viễn thấy Phi Đáng đương ngồi may áo nơi cửa sau, bèn bước lại gần kề tai nói nhỏ mà dặn nàng phải đối đáp vậy vậy … Xong rồi, y bèn quay trở ra nói với Trịnh Thế Xương.
– May quá, nàng ấy đang ngồi may áo trong nhà, bác hãy theo tôi vào đó nhìn coi có phải con bác hay là không.
Trí Viễn vừa nói vừa dắt Thế Xương đi thẳng vào nhà. Đào Phi Đáng làm bộ không hay, không biết điều chi hết, bèn giả ý chào rồi hỏi thăm lơ láo rằng:
– Cơ khổ! Khi nãy tôi ở đàng sau ngó thấy thầy bước vô nhà rồi sao lại trở ra, tôi không ngỡ là thầy, bây giờ tôi mới nhớ lại, có khi thầy là người cứu tôi hôm trước đó phải không?
– Phải.
– Ủa! còn ông lão đây là ai, có phải là ông thân của thầy không?
– Không, ông lão đây là người quen biết với tôi, nhà ở bên Tân Châu, nghe cô ở đây nên cậy tôi dắt đến tìm cô mà hỏi thăm một chuyện.
– Vậy sao, trời ơi! Tôi không biết mà nói lầm, xin thầy miễn chấp.
– Không hề chi đâu cô, ông lão đây cũng đáng cha mẹ chú bác của tôi, dầu cô có nói lầm cũng chẳng tội lỗi chi, xin cô chớ ngại.
– Còn ông lão đây tôi chưa quen biết chi, chẳng hay có chuyện chi mà hỏi thăm tôi?
Trong lúc hai đàng nói chuyện với nhau thì ông Trịnh Thế Xương cứ nhìn sững Phi Đáng. Đến khi nghe nàng hỏi mình như vậy thì nghẹn ngào chưa biết nói làm sao. Hồi lâu rồi mới chíp miệng thở dài mà nói rằng:
– Tôi xin lỗi với cô, nguyên tôi có một đứa con gái cũng chừng lối tuổi như cô mà nó mất đã lâu, nay nghe đồn có cô ở đây, diện mạo mường tượng như con gái tôi, nên tôi có ý muốn đem cô về nuôi mà làm con, đặng phòng khi hôm sớm thấy cô cũng như thấy con tôi vậy, cho khuây lãng bớt sự nhớ thương, chẳng biết cô có khứng hay không, và xin cô nói cho tôi biết coi cô là con ai, cha mẹ tên chi, nhà cửa quê quán ở đâu, đến đây một mình mà ở đậu bạc với người ta như vầy?
Đào Phi Đáng nghe hỏi liền giả ý động lòng, khóc tấm tức tấm tưởi mà đáp rằng:
– Ông lão hỏi tôi, làm cho tôi nhớ lại mà tủi cái bổn phận của tôi, vì xứ sở tôi ở đâu thì tôi không biết, mà mẹ tôi mất hồi nào tôi cũng không hay. Tôi nhớ mại mại tôi còn có một người cha, mà tên chi cũng không rõ, đến nay cha tôi còn mất thế nào tôi cũng không biết, chứ phải tôi biết xứ sở tôi ở đâu và cha mẹ tôi tên gì thì tôi cũng tìm mà về, chớ có lý đâu tôi lại cam chịu nổi trôi bình bồng như vẩy. Bởi tôi còn nhỏ quá nên không biết chi hết, lúc ấy tôi mới được năm sáu tuổi chi đó, nhà tôi bị cháy, tôi thấy lửa, tôi sợ hoảng chạy bậy xuống mé sông, có một người ở đâu dưới ghe đậu gần lối đó, bước lên bồng phứt tôi xuống ghe rồi nhổ sào chèo tuốt, tôi la khóc om sòm, người ấy lấy bánh cho tôi ăn mà dỗ tôi và gạt rằng: “Em đừng khóc, để qua chèo đem em về cho tía má em. Tôi lúc ấy còn khờ dại quá, nghe nói đem về cho tía má tôi, thì mừng không khóc nữa. Chẳng dè họ chèo thẳng lên Nam Vang rồi chở luôn vô Ô-dông mà bán tôi cho một người đầu gà đít vịt (chỉ một người lai Cao Miên) mà người ấy lại thương tôi lắm, ban đầu tôi còn nhớ cha tôi mà khóc hoài, sau họ dỗ dành ngon ngọt tôi, cho tôi ăn mặc phủ phê, lần lần nguôi ngoai, nên tôi không khóc nữa. Tôi ở làm con nuôi người ấy được ba bốn năm, rủi sao cha mẹ nuôi tôi lại bị xuông dịch mà chết hết, làm cho tôi côi cút, một mình khách địa bơ vơ. Chẳng bao lâu tôi lại bị họ gạt, đem vô Khạo-Hồ mà bán tôi cho lái biển. Ôi! chừng ấy biết bao là sự gian hiểm, mựa đã mấy năm. Đến khi tôi trộng tuổi biết khôn, thường muốn tìm phương đào tẩu, song chưa có dịp mà đi. Mới khi hồi tháng ba rồi đây, nhơn lúc vợ chồng người ấy vô Biển Hồ, tôi mới thừa dịp đêm vắng canh khuya, cuốn gói quá giang ghe trốn đi xuống đây. Nhưng mà lúc tôi đi cũng không biết đi đâu, miễn là thoát khỏi tay độc ác thì đủ, chẳng dè tôi xuống tới đây, may gặp dì Tư bán cá là chủ nhà tôi đang ở bây giờ đây cũng là người tử tế, gặp tôi ôm gói đi lôi thôi ngoài chợ bèn kêu tôi lại mà hỏi thăm; tôi thiệt tình tỏ hết đầu đuôi. Dì thấy tôi còn nhỏ mà lưu lạc thì thương, nên rủ tôi về ở đây, náu nương với dì. Tôi thấy dì chồng con không có, huôi hút một mình, nên tôi mới an lòng mà ở đây, lần hồi họa may nhờ trời, mười hai bến nước, kiếm đôi bạn mà làm ăn, nhắm mắt đưa chơn tới đâu hay đó. Nay ông bác có dạ thương tôi thì cũng đội ơn, chớ bỏ dì mà đi, thiệt lòng tôi không nỡ.
Nguyên lúc Trịnh Thế Xương mất con cũng bởi sự rủi ro cháy chợ mà ra, vì lúc ấy cả chợ Tân Châu đều còn nhà lá; nên đương cơn lửa cháy rần rần, ai nấy cũng đều bấn lo chữa lửa với dọn đồ, khi lửa tàn rồi, trực nhớ lại con thì nó chạy đâu lạc mất. Nay Thế Xương nghe nàng thuật rõ đầu đuôi, rất phù hiệp tâm sự của mình, song còn muốn cho chắc ý, nên Thế Xương lại hỏi nữa rằng:
– Cô tên họ chi, năm nay cô mấy tuổi?
– Dạ, thưa tôi mới 18 tuổi, tên Lan, còn họ tôi, thì tôi không biết, vì lúc họ gạt mà chở tôi đi đó, tôi còn nhỏ quá.
Thế Xương nghe nói 18 tuổi lại tên Lan thì trúng tên trúng tuổi con gái mình, mừng quá đỗi mừng, chẳng còn nghi ngại chi nữa. Ông vùng đứng dậy bước tới nắm tay Phi Đáng mà nói lặp cặp rằng:
– Ủa! Con tên Lan thiệt sao? Đâu nà, con cho cha coi cái vai của con một chút thử coi.
Đào Phi Đáng giả ý sững sờ và làm tuồng mắc cỡ giựt tay đi. Lâm Trí Viễn cũng giả ý bước tới khuyên Phi Đáng rằng:
– Ông bác đây già cả, đáng đạo cha mẹ, bác muốn coi cái vai của cô thì cũng có duyên cớ chi đó, vậy xin cô cũng nên vị tình người tuổi tác mà cho bác coi một chút, có can chi mà cô phòng ngại.
Phi Đáng cũng còn giả ý dùng dằng năm ba phen rồi mới chịu trịch áo bày vai ra cho Trịnh Thế Xương coi. Trịnh Thế Xương vừa thấy được cái bớt son trên vai của nàng rồi; ôi thôi, thiệt tôi rất tiếc, không biết bút mực nào mà tả cho rõ hình trạng cái sự mừng của Trịnh Thế Xương lúc nọ cho khán quan hiểu được!
Lúc ấy Đào Phi Đáng cũng làm bộ sửng sốt, đứng ngó lơ láo, dường như không hiểu chi hết vậy. Còn ông Trịnh Thế Xương thì cứ vuốt ve và kêu con ơi con hỡi mà khóc ròng, chớ không nói năng chi được hết, chừng đó Phi Đáng mới làm bộ tức tưởi khóc theo. Duy có Lâm Trí Viễn tuy biết Trịnh Thế Xương đã mắc bẫy mình rồi, song thấy cảnh tượng như vầy, dầu cho thiết thạch tâm trường cũng phải động tình mà rưng rưng nước mắt.
Ba người còn đang bận bịu khóc than, kế ấy dì Tư bán cá ở chợ về, lơn xơn bưng rổ bước vào, liếc thấy Lâm Trí Viễn thì đã biết rồi, duy có Trịnh Thế Xương thì dì không hiểu là ai, song cũng giả ý hỏi:
– Vậy chớ hai ông nào lạ mặt, đến đây có việc chi mà coi có dạng bi ai vậy, Hai?
Đào Phi Đáng liền chỉ từng người mà nói rằng:
– Thưa dì, thầy nầy là người cứu tôi khỏi chết chìm hôm trước đó, còn ông nầy là cha ruột tôi đây.
– Vậy sao? Cơ khổ dữ chưa! Vậy mà tôi không biết, chớ ông anh nhà cửa ở đâu? Sao mà biết con Hai ở đây?
Trịnh Thế Xương chưa kịp trả lời, Lâm Trí Viển liền rước mà nói rằng:
– Ông bác đây là người giàu có lớn ở bên chợ Tân Châu.
Rồi đó Lâm Trí Viễn mới thuật hết đầu đuôi sự tích lại cho dì tư bán cá nghe. Dì Tư miệng nhai trầu tích toác, tay xỉa thuốc ba ngoai, nói:
– Trời đất ơi! Đây với đó có bao xa mà không biết! Phải tôi dè vậy thì tôi nhắn cho ông anh hay đã lâu rồi, chớ có đâu mà để cho tới ngày nay. Từ hồi tôi gặp con Hai nó đi lơ thơ ngoài chợ, tôi thấy vậy tôi thương, nên tôi đem nó về mà ở với tôi đây đã mấy tháng nay, dì cháu hẩm hút với nhau, thiệt tôi thấy tánh nết nó thiệt thà tôi thương nó quá. Lúc đêm hôm rảnh rang, tôi cũng hỏi thăm gốc gác cha mẹ nó thì nó không biết chi hết, vì lúc họ chở nó đi thì nó còn nhỏ quá.
Trịnh Thế Xương bèn thò tay vào túi lấy ra một trăm đồng bạc, trao cho dì Tư bán cá và nói:
– Con gái tôi nó đùm đậu ở đây trong mấy tháng nay, thiệt cũng nhờ cái lòng tốt của chị, mà bởi tôi đi thình lình nên không có đem bạc theo nhiều, vậy thì xin chị nhậm đỡ lấy một trăm đồng bạc nầy, gọi là của tôi đền đáp ơn dày của chị, xin chị vui lòng đặng tôi đem con gái tôi về, kẻo để tức tưởi cái thân nó tội nghiệp.
Nguyên dì Tư bán cá nầy là con nhà hàn vi tiện, từ lúc bé thơ cho đến bạc đầu, chưa hề thấy trong tay một lần nào cho được một số nguyên chừng vài chục bạc; buôn bán ngoài chợ mỗi ngày, bất quá kiếm lời một hai cắc bạc đủ ăn là may. Nay thình lình mà thấy số bạc trăm thì cái sự mừng nầy lại càng quá hơn cái mừng của Trịnh Thế Xương khi nãy.
Dì liền ngửa tay lãnh lấy 100 đồng bạc và nói:
– Con Hai về ở đây với tôi từ ấy nhẫn nay, chẳng phải tốn kém của tôi là bao nhiêu. Nay ông anh cho tôi cái số bạc nhiều quá, lẽ ra tôi chẳng dám lãnh, nhưng mà ông anh đã có lòng tốt, nếu tôi từ chối thì cũng ngặt, nên tôi phải vị tình ông anh, vuốt bụng cái xẹp mà lấy đỡ đó thôi. (Chín hấu còn mại hơi đa!)
Rồi dì lại kiếm lời giả lã đặng nuốt 100 đồng bạc ấy cho trơn cổ, bèn thả giọng đẩy đưa rằng:
– Thiệt tôi thương con Hai quá, hồi mới gặp nó, tôi coi bộ tướng nó, tôi biết nó chẳng phải là con nhà hèn hạ, chắc sao nó cũng chẳng chịu phần cực khổ lâu ngày; mà thiệt quả!
Dì Tư day lại nói với Đào Phi Đáng:
– Hai! Vậy thì bây giờ con hãy lấy quần áo đồ đạc của con, đặng theo anh về bển mà ở cho nhàn tấm thân, thiệt dì cũng mừng cho con đó!
(Từ đây Phi Đáng đã mạ nhận làm con của Trịnh Thế Xương rồi, không ai hay biết chi hết, lẽ thì kêu nàng là Trịnh Phương Lan mới phải, nhưng e khán quan hiểu lộn, nên tôi phải để tên Phi Đáng luôn cho phân biệt.)
Rồi đó, Trịnh Thế Xương liền hối con sắm sửa theo mình mà về, còn đồ đạc áo quần bao nhiêu thì để lại hết mà cho dì Tư bán cá. Phi Đáng bèn từ giã dì Tư, lại tỏ ý quyến luyến dường như chẳng nỡ lìa nhau. Dì Tư bán cá cũng kiếm lời khuyên giải:
– Bấy lâu tưởng là con không còn cha mẹ thì con ở với dì tới chừng nào cũng được, chớ như nay con đã có phước mà cha con gặp nhau rồi, thôi con đừng bịn rịn làm chi, hãy theo ông anh mà về bển. Đây đó chẳng bao xa, lâu lâu con có rảnh mà đi chợ thì qua thăm dì cũng được, không hề chi.
Dứt chuyện, Trịnh Thế Xương liền đưa tiền cho bạn hối chạy lên chợ mua đồ ăn rượu thịt đem xuống dọn ra một mâm ê hề mà đãi Lâm Trí Viễn. Trong lúc ăn uống, Trịnh Thế Xương bèn nói với Lâm Trí Viễn rằng:
– Cha con tôi mà được trùng phùng đây, thiệt nhờ ơn em trò rất nặng, đã cứu nó khỏi chết khi nó bị chìm xuồng, rồi lại còn điểm chỉ cho tôi tìm được nó. Lúc nọ tôi có rao trong nhựt báo, hễ ai biết con tôi mà chỉ cho tôi thì tôi đền ơn nghĩa 2 ngàn. Nay may mà cha con tôi được gặp nhau rồi, lời tôi hứa thì tôi phải giữ. Không dám nào, tôi xin mời trò em theo tôi về bển, đặng cho tôi đền ơn đáp nghĩa cho vuông tròn, chẳng hay trò em nghĩ sao?
– Dạ, thưa bác, bác nói vậy cũng phải, ấy là thọ ân mạc vong, chớ theo ý tôi thì việc làm ơn chút đỉnh đó là cái phận sự làm người; lẽ đâu tôi lại trông chi những việc đền ơn đáp nghĩa. Vả lại bác còn biết “Thọ ân mạc vong” thay, huống chi tôi lại chẳng hay “thi huệ vô niệm” hay sao! Xin bác chớ ngại (Cũng là một môn với dì Tư bán cá đa!)
– Trò em nói vậy sao phải, tôi đây nhứt sinh chẳng hề thất tín với ai, dầu việc nhỏ mọn tôi cũng không bỏ sót, huống chi cái việc nầy là một việc ơn rất trọng, lại thêm cái lời của tôi đã rao trong nhựt báo, lục châu thiên hạ đều hay, nếu tôi chẳng trả được cái ơn nầy thì trọn cả đời tôi cũng không yên lòng được.
Lâm Trí Viễn giả ý từ chối đôi ba phen rồi mới nói:
– Việc nầy thiệt khó cho tôi liệu quá! Nếu tôi muốn giữ cho trọn chữ liêm, thì té ra tôi làm hư chữ tín của bác, ở đời muôn việc thiệt khó mà giữ được vẹn toàn. Vả lại bác là người giàu có tai mắt với đời, còn tôi đây thì còn nhỏ, bất quá là một tên học trò hèn mọn, chớ chưa ai biết tên tuổi là chi; vậy thì tôi phải vì bác mà chịu mất chữ liêm, để cho bác được tròn chữ tín, chớ biết làm sao bây giờ!
– Thiệt trò em biết điều quá, vậy thì trẻ bạn đâu, coi sắm sửa tay chèo, đặng về cho sớm!
– Dạ, thưa bác, để cho tôi chạy lên nhà lấy thêm quần áo mà thay đổi và nói cho người nhà tôi hay, kẻo họ không biết tôi đi đâu.
– Ủa! Cơ khổ, tôi cũng quên lửng, vậy trò em có lên rồi trở xuống cho mau nhe, kẻo đi không kịp, qua kinh bị nước ròng, mắc cạn lối giồng muối đây, muỗi nó thui chết đa!
Lâm Trí Viễn lên bờ độ chừng 15 phút đồng hồ, rồi xách một gói quần áo chạy xuống. Trịnh Thế Xương thấy Lâm Trí Viễn xuống rồi, liền hối bạn nhổ sào chèo riết về Tân Châu. Khi tới nhà thì đã canh ba, họ dắt nhau lên nhà hối trẻ nấu trà giải khát. Trong nhà, tôi trai tớ gái nghe nói chủ mình đã tìm được con, đều rùng rùng thức dậy mừng rỡ, chuyện vãn rùm nhà. Xóm giềng hay được tin ấy cũng đua nhau chạy tới hỏi thăm và coi Phương Lan năm nay bao lớn. (Ấy là cái tình thường, dầu đời nào cũng vậy, tôi chẳng cần thuật hết những việc bà con lối xóm tới thăm chuyện vãn làm chi cho dông dài; tôi chỉ thuật rút cái tích nầy cho khán quan tường tất mà thôi.)
Khi khách khứa về hết rồi thì trống đã trở canh tư. Trịnh Thế Xương hối trẻ ở dọn dẹp một cái phòng riêng nơi trong nhà cho con mình nghỉ; lại dọn một chỗ cho Trí Viễn nghỉ ngơi nơi nhà trước. Đâu đó xong rồi, ông cũng vào phòng mà nghỉ.
Sáng ra bữa sau, khi trà nước xong, Trịnh Thế Xương lấy ra 2 ngàn đồng bạc và 2 cây lụa Tân Châu mà đền ơn cho Lâm Trí Viễn. Trí Viễn làm màu từ chối đôi ba phen rồi mới lãnh, y ở chơi vài ngày rồi Trịnh Thế Xương mới cho người dọn ghe đưa Lâm Trí Viễn trở về Châu Đốc.
Từ đó, Phi Đáng tự nhận mình là Phương Lan, làm con của một ông nhà giàu có trăm muôn, bề sung sướng không có bút mực nào mà tả cho rõ được.