Chương 14: Am tự Phù Cừ

Từ mấy tháng nay, nẻo U Kính, nẻo thông giữa Thụ Đức hiên và Điệp Thúy lâu gai cỏ đã lấp hẳn lại. Không phải vì không được sửa sang mà nẻo thông này lấp đầy nhanh chóng như vậy. Hình như có tay người đem gai gốc lấp thêm vào cho tuyệt hẳn nẻo đường.

Đã có các loài chim tha rác đến làm tổ quanh mái Ích Thanh tạ.

Đã có các loài mạn thảo bò lan quanh bờ liên chiểu.

Đã có vài cành liễu ngã ngang qua mặt ao, đè hẳn lên lá sen trên mặt nước.

Cũng đã lâu rồi, các cửa nẻo ở Điệp Thúy lâu đóng im ỉm. Hoặc, nếu thấy bóng người vô ra, thì cũng hình như có việc cần lắm, như việc thuốc men, thấp thoáng một chút, rồi cửa nào cửa nấy đóng lại kín bưng.

Đồng thời, lạo thấy ở ngoài khoảng tây bắc Phương Thành, đang hưng công kiến trúc một ngôi am tự.

Qui mô kiến trúc cũng không lấy làm vĩ đại, hình như được Đô đốc Mạc hầu lưu ý trông nom. Hầu đã vẽ cho người xây cất nên một kiểu am tự u tĩnh. Không như khi kiến trúc Điệp Thúy lâu trước kia, một nơi mà trong nét thanh nhã thêm cỏ màu hoa mĩ Cảnh chùa này thì khác hẳn. Rõ là một cảnh sơn môn sâm nghiêm u ẩn. không có vàng son, không có sành sứ như ở lầu tạ cũ, mà ở đây, ngói đất, vách vôi, màu sắc âm thầm. Cột đá, thềm đá, nền đá, cổng đá.

Gần hết các điểm chánh đều bằng đá, loại đá sa thạch mịn mặt. Cột bằng những phiến đá nguyên không nối. Nền, thềm cũng đều bằng những phiến đá dài phẳng như bàn thạch. Lối kiến trúc bằng đá này hình như là để tránh cho khỏi sơn thếp, mà nhìn vào toàn một màu sắc thiên nhiên. Ngôi am tự tuy mới cất mà nhờ kiểu kiến trúc đã có vẻ nghiêm trang, y như là một chỗ đền chùa cổ kính.

Ngoài cổng, một tấm biển đá, đặt trên hai cây trụ cũng bằng đá chạm lộng lá sen. Mặt biển múc bốn chữ chân phương “Phù Cừ am tự” chỉ có bốn chữ này sơn đen. Ngoài ra, không có một nét tô vẽ nào khác.

Chung quanh chùa, trồng toàn một loại cây bối đa. Có thế cây nghiêm kính này mới phối hợp đúng ý với nét đá của ngôi chùa nọ. Còn thêm một công dụng phải có nữa là lá cây bối đa sẽ dùng để chép kinh. Chắc là người trồng cây đã nghĩ đến điều đó.

bên cạnh am tự, cũng có một cái ao, nhỏ hơn ao ở Điệp Thúy lâu. Trong ao, lại cũng đã thả cho mọc giống sen phù cừ, giống ở ao Bất Kiến Hoa đem sang. Sen trồng ỏ đây, hình như là để lấy cảnh mà thôi, chớ không có ý trồng để ngoạn thưởng cho nên không thấy có đình tạ quanh ao. Sen cũng để cho mọc tràn lan, không sửa sang chăm chút đến.

Phù Cừ, ái cơ của vị Tổng binh Đô đốc, Tông Đức hầu, sau khi thoát chết ngạt trong chậu úp, vì cơn ghen giận ác liệt của Nguyễn phu nhân, nàng cảm thấy hết bao nỗi chán chường.

Tự nhiên, nàng thấy tình yêu là khổ, mà tài hoa là lụy. Nàng xin với Mạc hầu cho nàng xuất gia, để tránh nỗi oan khiên cho thân nàng và cũng để đỡ phiền lụy cho Mạc hầu.

Đôi ba phen, nàng khẩn khoản van nài, đều gặp đôi ba phen Mạc hầu từ khước. Thấy Mạc hầu do dự dùng dằng không đành dứt, nàng quyết tâm tỏ ý đoạn tuyệt bằng hành động. Nàng cho đem gai gốc lấp hẳn nẻo thông U Kính và đóng hết các cửa nẻo Điệp Thúy lâu. Rồi từ đó, nàng quyết không tiếp Mạc hầu một lần nào nữa.

Có lần Mạc hầu sai đưa đến cho nàng một tờ giấy, không biết trong giấy là bài thơ hay khuyên giải điều gì, mà nàng không nhận. Nàng bảo con Tố Liên cầm ra trả lại người thị vệ và nhờ về bẩm lại với Linh Hầu rằng: Nàng bây giờ chỉ còn biết đọc kinh mà thôi. Mạc hầu có gởi kinh cho nàng thì ngàng nhận. Ngoài ra, các chữ nghĩa khác nàng quyết từ chối không đọc nữa.

Thấy Phù Cừ ý đã định, tâm đã quyết như vậy, Mạc hầu cũng không muốn cưỡng nữa. Vả lại, Hầu cũng nghĩ, muốn cho ân tình giữa Hầu và Phù Cừ kết thúc bằng một hành động cao thượng, cho nên Hầu cũng đành chiều ý. Hầu gia công kiến tạo nên một cảnh sơn môn tịch mịch cho Phù Cừ thỏa ý tu hành. Hầu đã cho người qua Trung Quốc mua các loại đá đạp, mua các bộ kinh quí, Hầu cho mua mấy pho tượng Phật làm bằng lụa thếp vàng, sản xuất ở Phúc CHâu. Tượng to mà cầm nhắc lên nhẹ không.

Cửa lầu Điệp Thúy đóng lại đã hơn nửa năm. Cũng trong thời gian đó, hoàn thành cảnh am tự Phù Cừ.

Hoàng Long chơn nhơn, được Hầu ủy cho lo liệu các việc tam qui ngũ giới cho Phù Cừ từ Điệp Thúy lâu dời về Phù Cừ am tự. Chơn nhơn thời thường nghe nghĩa kinh cho nàng. Một hôm, nàng giở quyển kinh Lăng Nghiêm mà nàng đang nghe nghĩa, thấy có một tờ giấy đề hai bài thơ. Nàng cầm lên xem.

Bài thứ nhất:

Chiêu Anh các thượng hữu sơn nhân

Hải nội thùy vi nhận đắc chân

Không sắc sắc không không thị sắc

Thuyền môn tự tin nhứt nhân dân

Bài thứ nhất ký là Bạch Vân hòa thượng.

Nàng xem đến bài thứ hai:

Văn hiến vi bang trúc tác thành

Dã tằng phi tích nhập Chiêu Anh

Ấn Trừng hữu ngộ như tương vấn

Không sắc kỳ tâm thi tửu danh

Bài thứ hai ký là Sĩ Lân thị đáp Bạch Vân hòa thượng.

Tự nhiên, nàng động tâm. Hồn thơ trong một phút, chợt trở lại với người sư nữ:

Nàng rút tờ giấy vàng đang chép kinh, viết hai bài thơ. Một bài thơ Hán và một bài thơ Nôm.

Bài thơ Hán:

Xuất xứ trần nê cảnh giới tiền

Ứng tương thanh bạch đốt viêm thiên

Xuân thu nùng đạm quần phương phố

Cao khiết hà như hạ chiểu liên.

Bài Nôm dịch bài thơ Hán:

Giữa đám bùn nhơ thoát vượt lên

Phô lòng trong trắng giữa thiên nhiên

Xuân thu đậm nhạt bao hồn tía

Đừng sánh thanh cao với đóa sen.

Nhưng mà rồi từ đó, lại cũng không thấy Bạch Vân hòa thượng – pháp danh của Hoàng Long chơn nhơn – đến nghe nghĩa kinh cho nàng nữa. Mọi người không hiểu duyên cớ vì sao.

Và có một buổi chiều, nàng sư nữ từ chùa dưới qua sân, lên điện Ngọc Hoàng dâng hương. Nàng chợt nhìn lên bên kia sườn núi xa, thấy có bóng người ngồi trên mình ngựa, kìm cương đứng lặng chăm chăm nhìn qua.

Trên nền trời hồng buổi hoàng hôn, bóng người, bóng ngựa trên đỉnh núi càng nổi rõ.

Nàng sư nữ chớp mắt nhìn kỹ lần nữa. Bỗng nàng cúi đầu, quay nhanh trở lại.

Rồi cũng từ đó, cửa điện Ngọc Hoàng đóng kín. Nàng sư nữ bỏ lệ mỗi buổi chiều qua sân lên điện dâng hương. Mà bóng người tướng quân nho nhã, ngồi trên mình ngựa đứng ở ngọn đồi xa nhìn qua am tự Phù Cừ cũng không thấy nữa.

Cách đó ít lâu, mọi người thấy ở chỗ hợp lưu dòng nước Lư Khê có cất một ngôi điếu đình. Trước d9ie1u đình, có biển đề bốn chữ “Minh bột di ngư”. Từ đó, trong làng văn mặc thấy có truyền tụng những bài thơ bài phú, đề là Lư Khê nhàn điếu dưới ký tên là Di Ngư Thị.

Thời nhân, mỗi khi qua chốn am tự, nghe tiếng mõ tiếng kinh đồng vọng, kể chuyện cho nhau, nhắc lại chuyện người sư nữ, không biết nên gọi danh hiệu nào cho ổn, thường gọi là bà di tu ở am tự. Lâu ngày, nói gọn lại là Bà Dì Tự. “Bà Dì” đây, ý họ muốn gọi là “Bà Thứ”.

Từ đó, quen gọi người sư nữ là Bà Dì Tự và gọi am Phù Cừ là am Bà Dì Tự.

Nhà chùa rất dễ dãi, cho dân gian tự do vào ao sen lấy nước ngọt. Lại thêm một tên gọi nữa là Ao bà Dì Tự.

Bọn con gái chiều chiều quảy thùng đến ao gánh nước, nhìn lên am, nương theo tiếng chuông ngân nga trong gió, cất tiếng hát chơi.

Ngó lên am tự Phù Cừ

Thương cho người ngọc giã từ lầu son

Về đây, nương náu thiền môn

Tay lần chuỗi hạt cho mòn ngày xanh

Duyên xưa chẳng bận chi tình

Bụi trần chỉ để vương cành hoa sen

Nước trong không lựa đánh phèn

Ao trong nước mát nỗi phiền sạch không.

Hỏi thì không biết ai đã đặt ra câu hát nọ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!