Từ Thành Vũ đường đi ra, bây giờ đã hết giờ thân, Mạc Đô đốc khiến kiệu đưa Nguyễn phu nhân về Thôn Vân các trước, vì Hầu còn ghé lại Thụ Đức hiên.
Xem thấy Mạc hầu kém vui, phu nhân về Thôn Vân các truyền sửa các món thời trân để Hầu thưởng rượu.
Phu nhân đang ngong ngóng đợi, thì có đứa thị nữ đến báo rằng Lịnh đo đốc truyền phu nhân khỏi chờ bữa vãn thiện vì Đô đốc chỉ thấy khát, đòi mang sang Thụ Đức hiên Đô đốc ít nước nhân sâm diệp mà thôi.
Sau khi khiến phu nhân một mình về Thôn Vân các, Đô đốc Mạc hầu ghé lại Thụ Đức hiên định giở binh thư tra khảo lại mấy trận thế mà khi trưa, trong lúc hội nghị, Từ tướng quân hỏi mà Hầu giải thích không được tường.
Hầu bước vào thư hiên.
Trên án, trong chiếc lọ sứ Giang Tây, đã cắm sẵn năm sáu cành sen, hoa nào hoa nấy trắng muốt những cánh bạch ngọc. Một mùi hương ngát thoảng, khiến Hầu tự nhiên thấy khoan khoái nhẹ, như trút được một điều gì đang làm cho Hầu bực bội. Buột miệng, Hầu nói một mình: ”Lại đến mùa hoa Phù Cừ rồi đây.”
Nói xong câu nói, Mạc hầu mới chợt nhớ ra là đã lâu lắm, Hầu không sang Điệp Thúy lâu, và cũng đã lâu lắm Hầu không gặp ái cơ Phù CỪ lần nào.
Tự nhiên, nói mấy tiếng dặn qua bọn thị vệ, rồi Hầu bước vội ra đi. Vừa xuống bực thềm, thì Hầu vội vã quày trở lại. Hầu bước đến giá sách trên đầu sạp, vói rút ra một tập giấy, cuộn tròn lại như ống quyển, rồi thẳng ra hành lang, bước vào nẻo thông sang Điệp Thúy lâu.
Vừa bước vào ngõ, một vòng dây leo vướng níu chiếc trâm cài trên nếp khăn của Hầu. Hầu đứng ngừng lại, hơi bực, sửa lại nếp khăn. Hầu nhìn thấy lối đi, cành la um tùm hoang dại, tỏ rằng đã lâu lắm, không có tay người sửa sang đến. Cỏ mọc theo kẽ gạch, lan phủ gần hết lối đi, cành vươn dài, là phủ rợp che khuất hết ánh sáng. Trời chưa tối mà nhìn vào, như nhìn vào một lối tụy đạo.
Khó chịu, Hầu muốn quay trở ra, có ý như muốn gọi người lính hầu hoa viên, mắng về sự chểnh mảng việc sửa sang đường lối cây cảnh. Nhưng nghĩ sao không biết, hình như ngại đứng lại thì chậm mất. Hầu hơi cúi đầu, để tránh những cành lả ngọn, rồi bước vào vòm cây lá, đi thẳng.
Vừa hết chỗ lối đi, Hầu thấy một cái bảng treo lơ lửng giữa cổng. Bảng không có chữ đề, vì đây là mặt trái tấm bảng. Hầu phải đi quá hơn chút nữa, rồi đoái nhìn lại. Là một tấm biển con, bằng gỗ thông trắng, đề lên bằng mực xạ hai chữ ”u kính”.
Hầu đứng nhìn biển đề, gật gù suy nghĩ: Hèn chi mà nàng không cho sửa dọn lối đi, chỗ này trở thành thanh u kính, để nàng có dịp đề trên cho một cảnh trí. Hầu hơi mỉm cười. Nhưng rồi Hầu bỗng thấy lòng nao nao buồn. Hầu nghĩ lại, hay là nàng có ý trách ta thưa qua đây mà để cho ngõ rậm thâm u.
Không muốn đứng lâu hơn nữa, Hầu bước vội sang lại Điệp Thúy lâu. Vào hoa viên, thấy vắng bóng người, Hầu bước thẳng lên lầu.
Ái cơ Phù Cừ đang mải mê cúi xuống án đặt ngoài bao lơn, ngồi chép thơ. Khi nghe tiếng giày, ngẩng lên thì Mạc hầu đã bước đến bên án. Nàng vội vàng đứng lên chấp tay thi lễ:
– Tiện thiếp không biết có tướng công quang lâm, để ra tận ngõ đón tiếp. Xin được vạn xá. Bởi con Tố Liên bỏ chạy ra Ích Thanh tạ không được báo tin cho thiếp biết. Theo lệ thường ngày, giờ này thì thiếp và nó đã ra đó săn sóc cho đám hoa sen. Hoa đầu mùa, còn thưa, nhưng nhờ năm ngoái, có vớt bỏ bớt chỗ gốc rễ già, nên năm nay nhiều ngó nõn, cành vươn cao, lá trải xanh, cánh hoa nở đầy. Vì thế, mà con Tố Liên ham việc ướp trà lắm. Thiếp sai nó mang hoa sang Thụ Đức hiên dâng tướng công. Vừa trở về đây, nó đã thỉnh thiếp ra ao với nó. Thiếp ngồi viết gắng thêm ít trang chữ, mà không dè đã tối.
Mạc hầu hình như không để ý nghe Phù Cừ, vì Hầu đã đang cầm trên tay tập thơ mới chép của Phù Cừ vừa ngừng viết. Giở giở qua ít tờ, đọc mấy câu rồi xếp tập thơ lại, nhìn vào bìa tập, Hầu nói:
– Điệp Thúy lâu ngâm thảo, tên nghe cũng được. Nhưng sao tác giả không chọn một tên cho mới lạ hơn.
Phù Cừ ngập ngừng thưa:
– Thiếp cũng chưa biết nghĩ thế nào cho hay hơn, sẵn có tên thư lâu này của tướng công ban cho, thì thiếp lấy đặt tên cho tập thơ. Nếu tướng công chê, thì thiếp lại xin được tướng công mệnh danh cho. Nhưng mà rơm rác, chẳng bõ gì.
Bỗng có tiếng con Tố Liên từ dưới lầu nói vọng lên:
– Hoa đầu mùa như thấ này, trăng đầu hôm ở ngoài ao đẹp như thế này, mà ngồi om trên đó chép thơ. Trời, thơ với thẩn, cả ngày chưa chán hay sao!
Nói rồi nó cắm cổ chạy lên thang lầu. Qua khỏi cầu thang, nó mới nhìn thấy Mạc hầu đang nói chuyện với Phù Cừ. Nó hoảng hốt quỳ xuống.
Phù Cừ nạt nó:
– Nói không giữ mồm giữ miệng, phải tội chết. Xuống sửa sang ngoài kiều, ngoài tạ, để rồi còn thỉnh Lịnh công ra thưởng sen.
Con Tố Liên chạy tuốt xuống rồi, Mạc hầu tủm tỉm cười nói:
– Con hầu văn hoa đáo để, không lúc nào là không tìm dịp tán mĩ nữ chủ nhân của nó. Thiệt là chó nhà nho.
– Xin tướng công bỏ qua cho. Thiếp mắng nó mãi mà không chừa.
Mạc hầu và nàng ái cơ Phù Cừ bấy giờ đứng ở trên Điệp Thúy lâu nhìn ra, thì đã thấy các đèn lồng lơ lửng điểm sáng hai thành Hương Viễn kiều và bao quanh Ích Thanh tạ.
Những ánh đèn điểm lên nền trời, như góp vào chòm tinh tú lưa thưa, càng làm rõ thêm ánh trăng tròn vành vạnh nổi bên kia hồ.
Những chòm thúy liễu, những khóm lục trúc, trong bóng đèn bóng trăng ẩn ước, khiến cho cảnh trí kiều tạ lâm viên thần tiên diễm ảo.
Mạc hầu và Phù Cừ tự nhiên đều cùng nhau bước xuống lầu, lửng thửng ra Hương Viễn kiều.
Con Tố Liên đã chực sẵn ở đây, đón vào. Hai người đi thẳng vào Ích Thanh tạ, đứng tựa vào lan can, nhìn ra hoa chiểu. Trăng đã cao, tỏa lên cảnh vật một ánh sáng mát dịu. Mấy đóa sen dưới ánh trăng, phơi một màu trắng lạnh dưới sương đêm.
Mạc hầu nhìn đám hoa, thưởng thức nói:
– Đúng là ‘chước xuất lục’
Phù Cừ đáp lại như nàng đã từng nghĩ sẵn:
– Nhưng tiếc đây là hoa chiểu chớ không phải là sông Lạc. Mà ai đã dám sánh với phong tư diễm tuyệt, thần thái siêu phàm của nữ thần!
Hai người hội ý cùng cười.
Từ bên kia ao, đưa ào qua cơn gió làm cho những lá sen trải trên mặt nước lốc lên sắp sắp. Những cộng sen cao ngả nghiêng về một chiều. Có mấy cành ở gần ngả sát vào lan can chỗ Mạc hầu và Phù Cừ đang đứng. Hương sen tạt vào hơi thơm mát lạnh.
Hầu vói ra nắm lấy đóa hoa trong lòng bàn tay. Bỗng Phù Cừ cũng nghiêng mình ra khỏi lan can, vói theo tay Hầu, vừa nói:
– Xin nhẹ tay, kẻo cuống hoa hẫy. Tướng công chưa quen, để thiếp hái cho.
Nàng nghiêng mình hẳn ra ngoài xa để vói cho tay đến chỗ đoạn giữa cộng hoa, mất thăng bằng, khiến cho chưn nàng trợt khỏi chiếc hài. Hầu hoảng hốt buông đóa hoa, tay đỡ nàng ái cơ, nâng cho mình nàng đứng lên nói:
– Ái cơ sợ cành hoa gẫy mà không nghĩ đến suýt ngã xuống ao. Ta định xem nhị hoa về đêm ngát như thế nào mà ái cơ cứ ướp trà về đêm. Chớ có định hái hoa của ái cơ đâu mà ái cơ cuống lên thế.
Phù Cừ vẫn bình tĩnh cười, không đáp lại.
Mạc hầu nhìn Phù Cừ, nói vơ vẩn:
– Lá hoa là trăng hay là sương?
Phù Cừ tủm tỉm thưa:
– Tướng công làm thơ cổ phong.
– Nếu là thơ cổ phong thì ái cơ thử nghĩ tiếp xem. Đã là cổ phong thì miễn niêm luật,cứ bảy chữ ăn vần nhau là thành cú.
– Để thiếp thử đọc xem, chứ thiếp dám đâu liên ngâm với tướng công.
Suy nghĩ một chút, Phù Cừ đọc tiếp luôn hai câu:
Trong trăng, trong sương, trộn lẫn hương.
Hương trăng, hương sương hay hương hoa?
Mạc hầu nói:
– Ái cơ không trả lời câu hỏi, mà lại hỏi trả lại người hỏi? Vậy ta thử đáp xem có đúng ý ái cơ hay không.
Tất cả đều là hương tiên nga
Hoa đó, trăng đó, sương là đó.
Phù Cừ như sợ Hầu đọc thêm, bèn đọc chận lại:
Hoa nhờ sương tươi, nhờ trăng tỏ,
Mạc hầu truyền cho con Tố Liên trở lên Điệp Thúy lâu, mang bút mực xuống. Phù Cừ mài mực trải giấy đợi, nghĩ bụng, chắc là Hầu sẽ viết bài thơ nào Hầu mới làm xong. Không dè, Hầu xô tập giấy, cầm bút đứng dậy, viết lên mặt cột;
Sĩ Lân: Là hoa, là trăng, hay là sương?
Phù Cừ: Trong trăng, trong sương, trộn lẫn hương,
Hương trăng, hương sương, hay hương hoa?
Sĩ Lân: Tất cả đều là hương tiên nga,
Hoa đó, trăng đó, hương là đó.
Phù Cừ: Hoa nhờ sương tươi, nhờ trăng tỏ,
Hầu ngâm lại một bận, rồi để thêm dòng lạc khoản: Phương Thành, Sĩ Lân thị dữ Phù Cừ ái cơ liên ngâm ư Ích Thanh tạ.
Viết xong, Hầu quay lại chỗ tràng kỷ, ngả lưng vào thành ghế, còn thấy Phù Cừ đứng nhìn lên bài thơ đề ở cột, bàng hoàng. Hầu hỏi:
– Ái cơ nghĩ gì về bào liên ngâm này?
– Thiếp ngại vì tướng công đề câu lạc khoản rõ quá. Xin tướng công cho thiếp được phép chữa đi ít chữ.
Mạc hầu cười nói:
– Văn chương du hí, có quan trọng gì, nhưng mà tùy ái cơ.
Phù Cừ liền rút chiếc khăn lụa, xuống chỗ cầu thang ao, cúi xuống nhúng khăn thấm nước. Đem chiếc khăn ướt lên, nàng bôi rửa những chữ Sĩ Lân Phù Cừ ở đầu câu thơ. Rồi nang bôi rửa luôn mấy chữ “dữ ai cơ liên ngâm”. Cọ rửa thêm vài lượt cho thật sạch mực, đợi mặt cột khô ráo, cầm bút thấm mực, điền vào chỗ mấy chữ vừa mới tẩy.
” … thưởng … dạ khai’
Nàng chữa xong. Mạc hầu đứng gần lại nhìn thì thấy câu lạc khoản đã trở thành: “Phương Thành, Sĩ Lân thị thưởng phù cừ dạ khai ư Ích Thanh tạ”. Chữ dữ đổi thành chữ thưởng. Hai chữ liên ngâm đổi thành hai chữ dạ khai.
Mạc hầu ngạc nhiên hỏi:
– Sao mà ái cơ lại ngại có tên trong bài thơ là làm sao?
Phù Cừ buồn buồn thưa:
– Được tướng công riêng đoái đến, thiếp đã nơm nớp lo sợ. Tướng công nên nghĩ còn phương diện quan chiêm, còn tị hiềm dị nghị.
Mạc hầu chưa kịp trả lời thì con Tố Liên ở trên bờ bước vào, đặt lên án một cuộn giấy,vừa mừng vừa nói:
– Mấy lâu tìm khắp hết mà không thấy. Bữa nay, tự nhiên ai đem bỏ trên bàn, chỗ lịnh cơ chép thơ, con vừa lên lấy bó bạch lạp thì thấy đây. Hôm nọ con về ngoài nhà, lão gia hỏi con, rằng có thấy lịnh cơ mang cuốn Song Tinh Bất Dạ truyện vào trong này hay không mà lão gia tìm khắp không thấy. Con thưa rằng không biết, nhưng chắc là không có, vì sách vở của lịnh cơ bữa nào con cũng đều lau quét dọn dẹp, nếu có thì con đã trông thấy ngay. Con quả quyết với lão gia là lịnh cơ không có mang vào Điệp Thúy lâu. Chứng đó lão gia mới bắt con lục lọi khắp cả kệ tủ rương tráp, mà cũng không thấy đâu. Nghĩ chắc là đã mất, lão gia xuýt xoa tiếc mãi, con thấy mà sốt ruột. Trời, bữa nay ở đâu, nó lại lọt về nằm đây. Lão gia mà thấy sách hãy còn, thì mừng biết bao nhiêu. Mai này, thế nào lịnh cơ cũng cho con mang ra trả lão gia mới được.
Mạc hầu ngồi nghe con Tố Liên kể lể một thôi, tủm tỉm cười nói với Phù Cừ:
– Nhạc trượng đưa một nơi, mà đòi một nơi thì làm gì ai có mà trả.
Phù Cừ ngờ ngợ hỏi:
– Tướng công giữ tập truyện Song Tinh này từ bao giờ mà thiếp cũng không dè.
Mạc hầu nói:
– Ái cơ đã quên việc nhuận sắc tập thơ Hà Tiên thập cảnh ngâm khúc rồi sao? Nhạc trượng đưa cho xem từ khi ấy.
Phù Cừ vui vẻ nói:
– Thôi, thiếp đã nhớ ra rồi. Bây giờ thiếp mới hiểu vì sao mà trong ngâm khúc của tướng công có câu phảng phất những câu trong truyện Song Tinh. Tại vì, tướng công đọc thuộc lòng thơ Song Tinh rồi khi làm Hà Tiên ngâm khúc, tướng công nói lại câu mình thuộc nhập tâm mà không dè.
Mạc hầu nói:
– Ái cơ nghĩ vậy là không đúng. Chính mấy câu phảng phất những câu của truyện Song Tinh, là do nhạc trượng nhuận sắc đó. Ta vẫn không bằng lòng cho lắm, nhưng thấy nó hay hay, thôi không chữa nữa. Vả cũng có ít câu thôi. À, mà này, ái cơ có biết tác giả tập Song Tinh Bất Dạ truyện là ai không?
– Thiếp có nghe gia nghiêm nói đến luôn, mà kể lại cho chắc chắn cho rành mạch thì không kể được. Hình như tác giả là một ông trấn thủ tỉnh Quảng Bình, họ Nguyễn. Vì tập truyện này, và còn một tập nữa là Hoa Văn Cáo thị, gia nghiêm chép được khi còn ở phủ Triệu Phong ngoài quê nội, do một ông bạn ở Quảng Bình truyền cho. Gia nghiêm thường bảo rằng tập Hoa Văn Cáo thị là của người cha soạn, còn tập Song Tinh Bất Dạ là của người con soạn, đều là truyện Nôm hay cả. Nhưng danh hiệu hai cha con tác giả thì thiếp lơ đễnh không nhớ. Hôm nào, thiếp hỏi lại gia nghiêm cho tường.
– Ái cơ không nhớ, mà ta nhớ rõ lắm. Vì trước khi được biết tập văn chương, ta đã nghe danh tiếng cánh họ Nguyễn này lâu rồi. Chính Tiên quân có từng được diện kiến với Nguyễn Hữu Hào, tác giả truyện Song Tinh này. Tiên quân thuở sinh tiền, thường kể chuyện lại hồi mấy năm trên, từng gặp vị Đốc suất Nguyễn Hữu Hào vào chinh phục Chân Lạp. Cũng như cha là Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật và cũng như em là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Kính, cả nhà cha con anh em thao lược đều tài giỏi cả. Nhưng không nghe nói đến tài văn chương. Mãi khi, thấy truyện Song Tinh Bất Dạ mà nhạc trượng bảo là do tay Nguyễn Hữu Hào trứ tác, ta mới lấy làm lạ. Lạ vì sao lại có người nghề võ, nghề văn đều tinh cả.
Phù Cừ ngắt lời cười nói:
– Sao mà lạ. Có lạ chăng là lạ ở người khác mà không lạ ở mình. Tướng công không nhớ rằng tướng công cũng đã từng tự phụ: “khách phượng trì cũng gồm thao lược, chốn thi đàn bảy bước tranh phong” thì quan Đốc suất, Trấn thủ Quảng Bình tác giả truyện Song Tinh đã sánh bằng vị Tổng binh, Khâm sai Đại Đô đốc trấn Hà Tiên, minh chủ thi hội Chiêu Anh Các, tác giả Hà Tiên thập vịnh hay chưa?
Nghe đến đó, Mạc hầu cầm cuốn sách đập vào má Phù Cừ:
– Thôi, đừng tung nữa!
Giữa lúc đó, nghe có tiếng động ngoài Hương Viễn kiều, Phù Cừ ngó ra, thấy thấp thoáng có bóng người. Thì ra con Tố Liên bưng mâm đồ ăn vừa đến đầu cầu, nhác thấy Mạc hầu đang cười đùa, nó không dám bước vào, giả vờ chạm mâm vào lan can cầu, đánh tiếng cho Phù Cừ ngó ra; con Tố Liên bưng mâm đặt lên sạp, khép nép thưa:
– Xin lịnh cơ thỉnh lịnh công xơi cháo, cho nóng vì đêm đã khuya mà lịnh công chắc cũng đã đói.
Mặc hầu nhìn xuống thấy bốn bát cháo trắng, hơi lên nghi ngút đặt ở bốn góc chiếc mâm bạc. Giữa mâm, có một đĩa đựng bốn cái trứng vịt muối. Bên vành mâm, có con dao con cán ngà. Hầu tươi cười hỏi trống lổng, nửa như hỏi người đứng đó, nửa như tự hỏi mình:
– Sao mà nó biết ta đói.
Con Tố Liên liền khép nép thưa:
– Chập tối, cận tị vệ, hầu bên Thụ Đức hiên, có bưng sang giao cho con hiệp nước nhân sâm diệp, nói rằng lịnh công không dùng bữa vãn thiện, bảo dâng nước nhân sâm, lịnh công chưa kịp giải khát, thì qua đây, nên cận thị vệ đem sang. Nghe nói thế, con đoán là lịnh công vì tiết trời nóng, thời cơm không ngon, con lạm sửa bát cháo trắng, chắc là thích hợp hơn.
mạc hầu vừa nghe con Tố Liên kể lể, vừa vui tay lấy chiếc dao bổ quả trứng muối. Nhát dao chẻ đúng vào giữa lòng đỏ và lòng trắng. Hai mảnh trứng lật ngửa ra, hơi rung rinh như hai cái thuyền con trong nước. Mạc hầu chợt thấy, nảy ra một tứ ngộ nghĩnh. Hầu bảo con Tố Liên đưa giấy bút. Hầu nghuệch ngoạc viết một câu đưa cho Phù Cừ nói:
– Ái cơ đối được câu đối này thì giỏi.
Phù Cừ đón tờ giấy, đọc lên:
– Phá noãn tự thuyền mãn tải hoàng kim bạch ngọc. (Chẻ quả trứng vỡ ra như chiếc thuyền chở đầy hoàng kim – tròng đỏ, bạch ngọc – tròng trắng).
Phù Cừ cầm tờ giấy, trầm ngâm mãi, không tìm được tứ cho vế đối lại. Con Tố Liên giục:
– Thỉnh lịnh công xơi đi kẻo nguội hết. Xong bữa cháo rồi, sẽ nghĩ thơ.
Mạc hầu vừa suy nghĩ, vừa lấy muổng sang cháo cho đi hơi bớt. Phù Cừ đứng lên, ra chỗ góc tạ, vừa ra khỏi mái hiên, đầu nàng chạm phải chiếc đèn lồng tròn. Nàng đưa tay lên giữ cho chiếc đèn khỏi chao, ngửng lên thì mắt nàng lại thấy bên kia một chiếc đèn tròn nữa, treo lơ lửng ở giữa trời: Một vành trăng tròn vành vạnh treo bên kia mái lầu Điệp Thúy.
Phù Cừ hội ý, một tứ thơ đã đến cho nàng. Nàng trở vào viết liền câu đối dưới: Chế qua vi nguyệt, cao huyền tố phách đan tâm (Cắt quả dưa làm thành mặt nguyệt, treo cao phách trắng, lòng son.)
Nàn cung kính đưa vế đối cho Mạc hầu. Hầu đặt bát cháo xuống, cầm tờ giấy, cao hứng ngâm nga:
Phá noãn tự thuyền, mãn tải hoàng kim bạch ngọc
Chế qua vi nguyệt, cao huyền tố phách đan tâm
Lấy ngón tay búng búng chỗ chữ “qua”, Mạc hầu hỏi:
– Sao mà ái cơ không nói là “chế đăng” lại nói là “chế qua”.
Phù Cừ cười cười thưa:
– “Chế qua” mới đối với “phá noãn” món dưa mới đối với món trứng, trong bữa cháo. Nếu “đăng” thì đã khác rồi …
Phù Cừ chưa nói hết câu, Mạc hầu như chợt nhớ ra điều gì, cười đắc ý:
– Thôi, ta nhớ ra rồi, ái cơ muốn nhắc lại chiếc đèn dưa cảnh đăng tiết, đêm nguyên tiêu năm trước đó mà. Chàng thư sinh năm nọ quả là đa tình. Lật bật đã chín mười năm, chóng nhỉ.
Rồi, hầu đưa mắt nhìn nàng ái cơ, ngâm câu thơ cũ: Cỏ nhàn mừng tỏ mặt hoa đăng.
Đã khuya lắm, Mạc hầu đêm đó nghỉ lại Điệp Thúy lâu.