Chương 10: Tiểu thư Mạc Mi Cô

Đã ba đêm rồi, trong Mạc phủ hình như có gì bất thường. Các ngọn bạch lạp, cùng với các ngọn đèn dầu Tây dương, sáng rực, trong chánh điện cũng như trong nội đường.

Các bà cơ thiếp đều tề tựu về cả nội tẩm. Các tì nữ, các a hoàn, bước những bước nhẹ nhàng như những cái bóng. Họ ít nói với nhau. Họ thầm lặng hỏi thăm nhay bằng những tia mắt chờ đợi.

Đã ba ngày đêm rồi, Hiếu Túc Nguyễn phu nhân chuyển bụng. Phu nhân trở dạ lần này cũng là lần thứ bảy, thứ tám rồi, nhưng mà có sự lạ lùng gì khiến cho cả nội phủ ngoại phủ, mọi người đều thấp thỏm lo âu. Càng lo âu hơn, là nhằm vào lúc Đô đốc đi duyệt binh vắng. Càng lo âu, càng ngóng đợi tin Đô đốc trở về. Mà trở về sao kịp. Đô đốc xuất quân vừa mới được năm hôm thôi.

Phu nhân chuyển bụng trong trạng thái bất thường. Vì phu nhân có mang đến hôm nay, tính tháng, thì mới hơn tám tháng. Phu nhân bỗng thấy phát đau đớn dữ dội, kêu rên lăn lộn. Bốn vị ổn bà vây chung quanh săn sóc nâng đỡ, cũng không làm cho cơn đau dịu được.

Vị lương y Tống tiên sinh phải túc trực ngày đêm trong y viện. Tiên sinh kê cứu hàng chồng sách sản khoa. Đơn này đơn khác kế tiếp thay đổi. Các bài thuốc sanh hóa mà các y thư kinh nghiệm đều cho như là thần dược linh đơn, hôm nay cũng thấy vô hiệu, mặc dầu được Tống tiên sinh và các lương y gia di giảm lại nhiều lần.

Chiếc đại hồng chung ở chùa Tiêu Tự, thường cỉ được thỉnh liên hồi vào hai ngày sóc vọng, là hồi chuông đặc biệt để tưởng niệm lão Thái bà bà, theo lệ từ hơn ba mươi năm nay, từ khi chùa mới cất. Thế mà, luôn trong ba đêm ngày rồi, khắp trấn lỵ đều nghe tiếng chuông đó ngân nga đồng vọng, hồi nọ sang hồi kia không dứt.

Cơn hốt hoảng kéo dài cho đến giờ ngọ ngày thứ ba thì phu nhân mới lâm bồn.

Để báo tin mừng, ba hồi trống đại cổ trên mặt thành vang vui thay cho tiếng chuông cầu nguyện.

Khắp dân chúng ngong ngóng đợi tin.

Mãi cho đến ba hôm sau, mọi người kinh hoảng xiết bao, khi nghe biết được tin. Rồi thì thấy đám táng của vị công nương sơ sinh đưa ra mé tây núi Bình San.

Mặc dầu là con của Lịnh Đô đốc, nhưng cũng là trẻ sơ sinh, mà lễ tống chung sao đã cực kỳ long trọng. Y như một tang lễ của người lớn. Lại còn có phần nghiêm mật khác thường, vì nhận thấy, trong bữa lễ táng, ai nấy đều lặng lẽ, ít nói. Trên mặt mọi người đều có lộ nét ưu phiền buồn bã.

 Đến khi ngôi mộ xây cất xong, dân gian lại càng thêm lắm lời bàn tán. Ngôi mộ kiến trúc kiên cố tráng lệ, y như mồ phần lăng tẩm của các quận chúa vương phi.

Việc cử hành tang lễ, kiến trúc phần mộ đều tự lịnh phu nhân cả. Phần mộ xây cất cấp tốc ngày đêm. Vừa hoàn thành thì Mạc Đô đốc đi duyệt binh vừa về đến. Hầu chỉ kịp truyền khắc trên mộ chí mấy chữ giản dị: ”Tiểu thư Mạc Mi Cô chi mộ”.

Mọi người lại đoán rằng, nếu Mạc hầu chưa về kịp, có lẽ phu nhân còn cho đề khắc vào mộ chi những câu có nghĩa trịnh trọng hơn nhiều, cho xứng với vẻ nguy nga của ngôi mộ.

Chuyện phu nhân sinh nở có một điều gì bí ẩn lạ lùng lắm. Hình như trong Mạc phủ cấm nhặt tiết lộ việc này. Mà càng cấm tiết lộ càng sinh lắm lời đồn đãi, phân vân, câu chuyện càng thất thiệt hoang đường.

Ít lâu sau, nhân lời nói hở của một ả thị nữ trong phủ, về thăm nhà, và nhân một tờ giấy tình cờ bắt được trong mình người thợ đá, chết vì bạo bịnh, thì câu chuyện được kể đại khái như thế này:

Nguyễn phu nhân chuyển bụng, đến đúng ngọ hôm thứ ba, thì lâm bồn. Phu nhân sinh con gái. Tuy sinh non tháng, cũng chẳng có gì khác lạ. Nhưng khi các ổn bà tắm rửa sạch sẽ đem đến cho phu nhân nhìn mặt, thì đứa bé tự nhiên như được thỏi phồng lên bằng đứa bé lên chín, lên mười. Tiểu thư đẹp đẽ khác thường. Da trắng, tóc dài, mày thanh mắt sáng, đẹp nghiêm trang y như dung nhan tiên nữ trong tranh.

Môi miệng tiểu thư nở cười mấp máy, bỗng nhiên, phát thành tiếng nói. Không phải tiếng ngâm nga, mà giọng hòa hoãn như tiếng gió đêm thanh:

Khả thủy sơn nhơn

Nước xanh dờn dờn

Núi xanh dờn dờn

Nhị thập viết đại

Ấp trồng cây trái

Quả ngọt hoa thơm

Tay vin tay hái

Hoa nhỏ tí ti

Quả nhỏ tí ti

Tám chín xuân thu

Hoa nào phong nhị

Phi vương phi bá

Xưng cô xưng quả

Trời có con trai

Một cội bảy lá

Bờ tre xanh xanh

Hái lá nấu canh

Canh ăn hết canh

Vị cay thanh thanh

Trời tây bóng ngả chênh chênh

Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng

Vàng trong lòng đá

Vàng chói sáng lòa

Vọng lên lầu các nguy nga

Ao sen nở trắng trước tòa khói hương

Mọi người đang chưa hết kinh ngạc, thì tiểu thư đã từ từ nhắm mắt, nằm yên, tắt thở. Thân hình cũng thu nhỏ lại như đứa bé sơ sinh, không có chút chi khác thường.

Mọi người len lút truyền cho nhau nghe câu chuyện quái dị đó, trong Mạc phủ, nghe như là câu thần chú câu sấm truyền có một ý nghĩa xa xôi huyền bí. Người kể, người nghe, đều âm thầm kiêng sợ mà cũng đều không ai hiểu rõ được nghĩa như thế nào.

Duy có một điều mà ai cũng nhận thấy được là từ khi phu nhân sanh Mạc Mi Cô, thì phu nhân trở nên người nghiêm khắc bất thường.

Trong phủ dưới trướng, kẻ hầu người hạ, đều bị phu nhân gắt gỏng. Hình như phu nhân có điều gì lo nghĩ suy tính u uất mà không giải được.

Tánh tình nghiêm khắc của phu nhân có nhiều khi đến như hiếu sát.

Một bận, vì đứa thị nữ làm trái ý phu nhân, liền bị phu nhân truyền bắt quì phơi nắng dưới sương giữa trời, ba ngày ba đêm cho đến đứa thị nữ ngã ra bất tỉnh.

Có một bận khác, phu nhân đứng trên Thôn Vân các, ngó xuống bắt gặp tên lính thị vệ nói chuyện với tên lính canh cổng, phu nhân truyền gọi đến hỏi nói với nhau những chuyện gì. Tên lính thị vệ ngập ngừng không dám thưa. Tức thì, phu nhân nổi cơn thịnh nộ truyền lôi tên lính ra đem cắt lưỡi.

May nhờ có người cho vợ con nó hay kịp kêu khóc với Mạc hầu. Hầu khuyên giải, phu nhân mới nguôi giận. Nhưng tên lính đó vẫn bị phu nhân truyền nọc ra đánh đủ một trăm trượng, cho đến máu văng thịt nứt.

Mọi người khép nép kinh sợ. Mọi người hiểu vậy, nhưng duyên cớ vì sao mà tánh tình phu nhân thay đổi thì không ai đoán ra được.

Có người bảo rằng, mỗi khi phu nhân nhớ đến bài sấm truyền do tiểu thư Mạc Mi Cô đọc, thì phu nhân phát nộ.

Có người khác lại bảo rằng phu nhân nổi cơn thịnh nộ vì phu nhân rất nghi ngờ và rất ghét giận ai bàn nói về bài sấm truyền đó.

Lại có người khác tỏ vẻ thuộc chuyện hơn bảo rằng phu nhân bực bội vì bài sấm truyền đó có một giọng khó khăn bí hiểm không ai giải thích được đúng ý phu nhân muốn biết. Câu nào khó khăn thì muốn tìm hiểu nghĩa cho được. Mà câu nào dễ dàng đã rõ nghĩa thì lại ghét. Như là phu nhân không thích nghe hai câu cuối cùng:

Vọng lên lầu các nguy nga

Ao sen nở trắng trước tòa khói hương

Hình như hai câu đó có liên lạc gì với cảnh ao sen trắng bên Điệp Thúy lâu.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!