Chương 09: Thiếu niên Trần hầu

Mùa xuân năm Giáp Tý (1744), trấn Hà Tiên huy động một cuộc thao diễn hải quân to lớn. Trận tuyến kéo dài, từ mũi Long Xuyên cho đến Hương Úc, giáp hải phận Xiêm La. Người chỉ huy cuộc thao diễn này là một thiếu niên công tử.

Thiếu niên, tuy chưa có chức tước gì, nhưng mà đều được trên dưới kính phục, bởi thiếu niên đã tỏ ra xuất sắc, thiện hải chiến. Đến như Từ Hữu Dũng, con rể của Mạc đô đốc, là một danh tướng đương thời mà cũng từng ngỏ lời khen ngợi.

Thiếu niên được mọi người mến phục, một phần nhờ tài thao lược của chàng, một phần cũng vì thấy chàng là người thân ái của Mạc đô đốc.

Thiếu niên vô ra dưới trước Mạc hầu đã hơn mười năm nay, thuở chàng hãy còn nhỏ tuổi. Là thân nhân của Mạc phủ, mà hình như không có chức tước gì, nghe mọi người chỉ gọi chàng là Công tử mà thôi. Có người biết rõ hơn thì gọi là Trần công tử, vì thiếu niên họ Trần tên Cơ.

Công tử Trần Cơ nguyên là con của cố Định Viễn hầu Trần Đại Định, là cháu nội của cố Tổng binh Đô đốc Trần Thượng Xuyên.

Có người biết rõ lai lịch, kể thêm rằng:

Trần Thượng Xuyên tên tự là Thắng Tài, từng làm Tổng binh trấn thủ ba châu: Cao Châu, Liêm Châu và Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Tây bên Tàu.

Thượng Xuyên cũng là một di thần của Minh triều, nhân không chịu hàng phục nhà Mãn Than mà bỏ nước, vượt biển sang Nam. Tâm sự và hành động của họ Trần cũng là tâm sự hành động của họ Mạc trong truyện này.

Năm Kỷ Mùi (1679), Thượng Xuyên cùng với một người nữa là Dương Ngạn Địch, Tổng binh trấn thủ đất Long Môn, kéo theo ba ngàn quân và năm mươi chiếc chiến thuyền vào cửa Đà Nẵng dâng thư xin làm tôi nước Nam.

Chúa Hiền, Nguyễn Phúc Tần, nhân muốn mở mang vùng đất mới miền Nam, cho họ Trần vào khai khẩn đất Đông Phố (Biên Hòa).

Họ Trần đã lập được nhiều công nghiệp ở miền Nam cho Chúa Nguyễn. Năm Ất Mùi (1715), khi Thượng Xuyên mất, thì con là Trần Đại Định lại thừa kế chức tước của cha, được tập phong là Tổng binh Định Viễn hầu, kiêm lãnh cả đạo binh Phiên Trấn và đạo binh Long Môn.

Năm Canh Tuất (1730), có giặc Sá Tốt, Ai Lao và Chân Lạp liên quân xâm phạm quấy nhiễu đất Gia Định, bị Định Viễn hầu đánh tan ở Phù Viên.

Sau khi dẹp được giặc Sá Tốt, thì bị chức Điều Khiển Trương Phúc Vinh cướp công, hãm hại. Đại Định bị bắt giam rồi bị chết oan ở ngục Quảng Nam, hồi giữa tháng chạp năm Nhâm Tý(1732) dưới thời chúa Đỉnh Quốc công Nguyễn Phúc Trú.

Phu nhân của Định Viễn hầu nguyên là con gái của cố Nghị Vũ Cửu Lộc Hầu, là em gái của Mạc đô đốc, Tông Đức hầu ở Trấn Hà Tiên.

Sau khi chồng bị chết oan, thì phu nhân đem con cái về nương tựa với cha và anh.

Thuở cố Nghị Vũ hầu còn sinh tiền, yêu chiều lũ cháu ngoại lắm. Vì thương con rể bị chết oan cũng có, mà vì nhớ lại tình thế nghị, nghĩa đồng tâm đối với người bạn cũ, đã kết thông gia trong cảnh ngộ ly hương khứ quốc.

Trong lũ cháu ngoại, có Nghị Vũ hầu thường chỉ vào một đứa bé bảo rằng: ”Thằng Cơ này trông đĩnh ngộ, tuấn tú, ngày sau sẽ kế nghiệp làm tướng cho cha ông.”

Thằng cháu Cơ lúc đó, sau này là chàng thiếu niên được Mạc hầu giao cho chỉ huy cuộc thao diễn hải chiến và được mọi người ken phục.

Tông Đức hầu, theo di ngôn của cha,vẫn đặc biệt trông nom săn sóc các cháu gọi Hầu bằng cậu.

Mạc hầu đã đặc biệt truyền thụ cho Trần công tử mọi theo lược binh thư, mà công tử cũng đã tỏ ra xứng đáng với ý thương mến, lòng kỳ vọng của cậu.

Lòng thiên ái của Hầu đối với cháu, đã khiến cho các công tử Tử Hoành, Tử Thượng,Tử Dung không khỏi có ít nhiều ganh tỵ.

Thấy biết ý các con, Hầu thường ban dạy:

– Các con chẳng nên thế. Con thì đã có phận rồi. Vả các con cũng nên biết cảnh ngộ của em và cô con, lòng đang có nỗi oán hận. Ta nên phải gây dựng cho em con, để chiêu tuyết cho người quá cố thác oan. Các con nên theo gương Hữu Dũng mà xử sự. Cha để ý thấy Dũng thường tán thành việc cha dạy bảo cho Cơ, mà tài trí của Dũng như sao, các con đã biết. Trấn ta cần phải biểu dương thanh thế để thiếp phục lân bang. Xiêm La và Chân Lạp thường dòm ngó đến ta luôn. Ý định của cha bày ra cuộc theo diễn này chính là vì điều đó. Cha còn đoán biết thêm một điều nữa là, kể từ năm Mậu Ngọ (1738), cố Đỉnh Quốc công thăng hà, đức Kim thượng kế vị, đã có ý muốn bỏ chánh sóc nhà Lê mà xưng vương hiệu, đổi chế độ, đặt triều nghi. Đã sáu năm nay, hãy còn do dự. Năm nay là năm Giáp Tý (1744) mở đầu một kỷ nguyên mới, thì thế nào việc đó cũng quyết. Càng quyết hơn nữa là đức Kim thượng không muốn mình là Chúa thứ tám, theo sấm truyền, là một điềm rất hệ. Kim thượng muốn mình là vì Vương thứ nhất của một triều đại mới ở Nam hà. Cha định khi đó, sẽ biện lễ tiến kinh chúc mừng và triều cống. Bây giờ, trước hãy gây dựng cho Trần công tử, để tỏ ra xứng đáng, cho có chiến tích rõ ràng. Nhân thể, cha sẽ dâng biểu xin cho công tử được tập tước của cố Định Viễn hầu.

Các công tử đều đã biết rõ ý cha, cho nên ai nấy đều hăng hái dự cuộc thao diễn, và ai nấy cũng đều vui vẻ bằng lòng chịu thính tùng hiệu lịnh, dưới quyền chỉ huy của Trần Cơ công tử. Chẳng những các công tử mà thôi, các tướng sĩ bộ hạ ai nấy cũng đều hăng hái. Không hăng hái sao được, khi chính Mạc đô đốc thân ra thị chiến cho Trần công tử tập trận.

Lễ xuất quân đã hết sức hùng dũng nghiêm trang. Các quan văn võ và phu nhân theo đưa. Đoàn thuyền ra khỏi cửa Kim Dự một đỗi xa, Đô đốc mới truyền lịnh cho phu nhân quày trở lại.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!