Sau tiết Đoan Dương năm Định Tỵ (1737) đó, việc tiến nạp Phù Cừ, con gái Nguyễn Nghi, vào phủ làm vị thứ cơ cho Đô đốc Tông Đức hầu kể như là đã định.
Đáng lẽ, ngay sau khi được Nguyễn Nghi thuận ý, Mạc hầu cho cử hành lễ nghênh hôn rồi.
Mọi người đều đinh ninh rằng, trong mùa thu năm đó, thế nào, hôn kỳ cũng định, vì lễ đại tường của cố Khai trấn, Nghị Vũ công đã hoàn tất từ hôm hai mươi bảy tháng năm.
Nhưng mà, Tông Đức hầu bảo rằng, năm Đinh Tỵ vẫn chưa qua hết năm thứ ba của tang lễ, Hầu muốn rằng năm sau hãy chọn cát kỳ.
Đó cũng là một lẽ chánh đáng. Nhưng sự hoãn lại hôn kỳ, để chậm lại hơn nửa năm nữa, Mạc hầu đã có một dụng ý. Hầu định, nhân hoãn đãi thời gian, xây dựng cho xong một nơi biệt viện, đủ trang nhã, để làm nơi đón vị thứ cơ, cho xứng ý ”kim ốc tàng kiều” của Hầu thầm nghĩ.
Công việc kiến trúc tòa cung thất đó hoàn toàn theo ý xếp đặt vẽ vời của Hầu. Lắm khi, hầu đích thân ra trong nom để gác thêm một hàng lan can, hay để nắn chữa lại một nhịp cầu cho ý nhị.
Một tòa lầu nhỏ, tựa sát bên chân núi Bình Sơn, nép bóng dưới ngọn đồi cây lá xanh rờn càng tăng phần thanh u cho cảnh trí. Ngọn đồi đó còn là bức bình phong thiên nhiên ngăn bớt khí nóng bức buổi ngày xế tà.
Tòa lầu cất theo lối hạ đình thượng các, thượng thực hạ hư. Từng gác trên có bao lơn bọc khắp bốn mặt, thích nghi cho người khi cần tìm một tứ thơ, đi thơ thẩn nhìn xa ra chung quanh.
Bên hữu, nhìn xuống Kim Dự chon von như hòn giả sơn nằm trong bể cạn. bên tả là ngọn núi Ngũ Hổ liền với rừng cây dải lan lan cho đến Thạch động, như ngọn cột đá xanh dựng trơ vơ trong làn mây khói.
Hai ngọn Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu như hình hai con voi phục trước sân chầu.
Đứng giữa lầu nhìn thẳng ra, mặt nước Đông Hồ như mặt chiếc gương to để cho non núi trời mây long lanh soi bóng.
Tòa lâu đài này, Hầu đặt tên là Điệp Thúy lâu, tức là lấy hai tiếng điệp thúy trong cảnh Bình Sơn điệp thúy.
Ở Điệp Thúy lâu bước xuống, thẳng đến trước, là một ngọn cầu bắt chồm ra giữa ao, như nửa đoạn cầu vồng vắt ngang làn nước trong xanh. Ở chỗ đầu cầu, dựng liền một nhà thủy ta hình lục lăng. Mái cong như hình chiếc sen úp.
Mái thủy tạ lợp toàn bằng một thứ ngói men màu lục, khiến cho càng y như màu tán lá sen tròn xoe, quanh mép uốn cong, khi lá đương thời kỳ chưa trải bằng trên mặt nước.
Đoạn cầu đó, Hầu đặt tên là Hương Viễn kiều, nhà thủy tạ đó lại cũng được mệnh danh là Ích Thanh tạ, chữ lấy trong bài Ai tiên thuyết: ”Hương viễn nhi tích thanh” của Chu Liêm Khê.
Từ Điệp Thúy lâu, có một lối thông sang Thụ Đức hiên là chỗ thư hiên mà Mạc hầu thường đêm ra đó đọc sách. Suốt lối đi, có giàn hoa lá phủ rợp khiến cho người đi trên đó, có cảm giác như đi trong đình viện.
Những tên lầu, tên kiều, tên tạ đều do Mạc hầu tự tay viết nên, gởi sang Phúc Châu chạm khắc. Khi ba tấm hoành phi sơn son thép vàng đem về thì mọi công việc xây cất cũng vửa hoàn thành, kịp treo yết lên, điểm cho cảnh đình tạ lâu đài thêm phần trang nhã.
Mùa đông năm Định Tỵ, thì mọi kiến trúc nơi biệt cư đã hoàn thành.
Hầu đã định đêm thượng nguyên năm Mậu Ngọ (1738) thì củ hành lễ nghinh hôn. Hầu muốn đêm hoa chúc này nhắc lại đêm hoa đăng năm trước, nguyệt hạ tao phùng.
Lễ đón vị thứ cơ cho tước Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên cử hành đơn giản thôi.
Nhưng sính lễ rất quý, toàn là trân châu hổ phách ngọc bội kim cương làm thành món nữ trang tân chế cả. Xiêm y toàn là những thức gấm thất thể, đoạn đại hồng, do các tàu buôn Trung Hoa đưa về.
Các món dẫn cưới làm choáng lộn cảnh khuê trang của nàng dâu mới. Phù Cừ chưa quen mặc vào người bao nhiêu gấm vóc rực rỡ. Nàng cũng cỉ mới bỏ nam trang, tập mặc theo con gái được gần nửa năm nay. Nàng lại càng lúng túng, bỡ ngỡ khi phải mặc bộ lễ phục lộng lẫy. Ngắm vào gương, nàng tưởng nàng đang nhìn một bà hoàng nào. Nàng bẽn lẽn.
Nhưng rất lấy làm bằng lòng chiếc áo rộng, màu hoàng yến, thêu hoa sen trắng. Nàng cũng rất thích nhìn chiếc thoa tạc thành hình đóa hoa sen nở, mà nhụy hoa là viên toản thạch lóng lánh. Còn đôi hoa tai nữa. Đôi hoa tai bằng ngọc lựu, tạc hình đôi hoa sen bán khai.
Cầm đôi hoa tai lên nhìn, nàng mỉm cười. Nàng đưa hai ngón tay lên nắn nắn chỗ trái tai. Nàng nghĩ thầm: ”Ai đó đã quên là mình làm con trai, từ thưở nhỏ, trái tai không có lỗ, lấy gì mà đeo hoa”. Nàng vuivui đặt trả đôi ngọc vào chiếc hộp nhỏ bọc gấm xinh xinh. Tự nhiên một câu thơ bỗng đến trong ý nghĩ của nàng: hoàn quân minh châu … Nàng không dám nhớ hết câu. Nàng trách mình sao lại nhớ chi câu thơ gở đó, nó không đúng gì với chuyện mình cả.
Tấm áo thêu, chiếc thoa vàng, đôi hoa ngọc, món nào cũng đều nghĩ chế thành hình hoa sen, không ai hiểu được thủ nghĩa làm sao, Phù Cừ thì nàng biết rõ lắm. Nàng thầm cám ơn người đã săn sóc tỉ mỉ đến danh hiệu của nàng.
Vốn đã sẵn đẹp thiên nhiên, trang sức vào, Phù Cừ càng thêm bội phần kiều diễm. Chiếc mão cánh phượng dát đầy ngọc bích xòa xuống mang tai giữ lấy mái tóc mây cài lỏng, viền cho vầng trán thông minh thêm sáng sủa rạng rỡ.
Phù Cừ từ ngày vào ở Điệp Thúy lâu được sống thanh nhàn trong một khu biệt lập.
Mọi cảnh trí chung quanh sửa sang đều rất xứng ý nàng. Việc nàng thích hơn hết là mỗi ngày cùng con Tố Liên ra ngồi hóng mát câu cá ở Ích Thanh tạ. Nhân thể, trông nom săn sóc cho đám sen mới trồng.
Khi nàng mới nhập phủ, chỉ lưa thưa mấy lá tiền sen non trên mặt nước ao. Nhưng mà, trải qua một mùa xuân, đến cuối mùa hạ năm đó, thì lá sen đã trải gần khắp hết mặt ao. Và, đây đó, đã loáng thoáng nhô lên những giò bạch bút.
Phù Cừ là tên một giống hoa sen, là biệt danh của một loại tố liên.
Từ nhỏ, mỗi khi hỏi nghĩa hai tiếng đặt tên cho mình. Phù Cừ thường được nghe cha giảng đi giảng lại cho nghe nhiều lần như vậy, mà biết làm sao nhìn thấy được tận mắt giống hoa có một phẩm thanh cao đó.
Nay thì Mạc hầu đã vì nàng, nhờ các tàu buôn miền Tây vực, tìm được giống hoa Phù Cừ này, trồng ở ao, để tượng trưng biểu hiện tên nàng.
Thực khó mà tả cho đúng được màu thanh vẻ quý của loài sen bạch ngọc đó.
Nàng Phù Cừ, đã phải thức nhiều đêm, để mà hồi hộp đón giờ hoa hé cánh. Và nàng cũng đã phải thức nhiều đêm đứng nhìn mê mẩn say sưa màu trắng thanh khiết lạnh lùng của cánh hoa phơi mình dưới ánh trăng vằng vặc, giữa canh khuya thanh tĩnh.
Chiều chiều, nàng khiến con Tố Liên bơi chiếc thuyền con cùng nàng thả len lỏi trong tàn xanh, tìm bắt sâu cho lá, và vớt bỏ những cánh bèo nát, để giữ cho nước trong sạch.
Mạc hầu, một hôm, tình cờ bắt chợt cuộc tiêu khiển thanh nhã đó, đứng nhìn giai nhân len lỏi trên nước trong hoa, người đẹp cùng với hoa tươi khoe sắc. Hầu lặng lẽ quay về.
Chiều hôm sau, Phù Cừ thấy trong người nong nóng sai con Tố Liên ra bờ ao ngắt ít ngọn rau má liên tiền thảo đem về nấu cho nàng bát canh.
Khi con hầu trở về, kể lại cho nàng nghe rằng, ở bên kia bờ ao, đối diện với Ích Thanh tạ, cô thấy mới cắm chiếc thẻ đề bốn chữ Bất kiến hoa chiểu. Không biết là thẻ do ai cắm, và nghĩa chữ như thế nào.
Nghe kể chuyện, Phù Cừ vừa ăn bát canh suông, vừa suy nghĩ. Nàng thấy khoan khoái, bảo con Tố Liên lấy giấy bút. Nàng viết, ngay tại chỗ ngồi ăn, mấy câu, rồi sai con hầu mang sang Thụ Đức hiên, trình lên Mạc hầu.
Khi con Tố Liên trở về, kể rằng:
– Lịnh Hầu đọc xong tờ giấy, xem ý rất hân hoan, không ban trả lời, mà truyền con về thưa với cô là Hầu khen cô thuộc cổ thi dữ lắm.
Nói xong, con Tố Liên đòi Phù Cừ giảng giải câu chuyện cho nó nghe.
Vui vẻ, nàng kể:
– Chẳng là chiều hôm trước, trong lúc hai chị em mình bơi thuyền ra giữa ao săn sóc cho hoa, Lịnh Hầu có ra đứng đâu đó, nhìn thấy mà chị em mình không hay biết. Trở về, Hầu hội ý, viết vào tấm thẻ bốn chữ Bất kiến hoa chiểu cho đem cắm ở bờ ao. Bốn chữ đó là Lịnh Hầu đặt tên cho ao. À này cũng lạ. Lầu, kiều, tạ đều có tên cả, mà ao thì sao Lịnh Hầu không nghĩ đến. Quên hay là chưa kịp nghĩ ra. Bây giờ thì ao của mình đã được Lịnh Hầu mệnh danh cho rồi đó. ”Bất kiến hoa chiểu” ý nhị thực mà cũng cầu kỳ thực.
Con Tố Liên ngắt lời:
– Bất kiến hoa là không nhìn thấy hoa. Ao gì mà ao ”không nhìn thấy hoa”, trong lúc hoa đã nở đầy ao. Hay là Lịnh Hầu chê hoa hãy còn thưa thớt, ít lâu nữa thì, sẽ nở chật khắp cả mặt nước, để thử xem Lịnh Hầu có nhìn thấy, hay không nhìn thấy!
– Thì sao mà không nhìn thấy. Có nhìn thấy mà bảo là không nhìn thấy, cho nên chị vừa nói là chữ đặt tên ao rất ý nhị mà cũng rất cầu kỳ. Vì nghĩa cầu kỳ đó mà Lịnh Hầu cho lén cắm chiếc thẻ, không cho biết, để thử xem chị có đoán được ý người viết hay không.
– Mà cô đã đoán ra chưa?
– Thì tờ giấy nhỏ, ban nãy, em cầm lên trình Lịnh Hầu, chị đã đoán rồi trong đó.
– Em cũng có đọc trộm thấy,
Mãn chiểu phù dung phát
Hoa dung dữ thiếp dung
Hữu nhân đê thượng quá
Bất kiến hoa, chiểu trung
Mặt ao, sen nở khắp
Trong hoa, lẫn bóng người
Trên bờ ai đứng ngắm
Ao, chẳng thấy hoa tươi.
– Em đọc mà chẳng vỡ nghĩa ra sao?
– Thì đã rõ rồi đó. Câu thứ tư, bỏ tiếng trung thì còn lại bốn tiếng Bất kiến hoa chiểu. Nghĩa là Ao chẳng thấy hoa cũng là bốn tiếng lấy trong câu thơ dịch nôm mà bỏ bớt đi tiếng tươi.
– Đành rồi, nhưng mà ”chẳng thấy có hoa trong ao” là nghĩa làm sao?
– Đó là Lịnh Hầu lấy nghĩa trong bài cổ thi:
Phù dung hoa phát mãn giang hồng
Tận đạo phù dung thẳng thiếp dung
Tạc nhật thiếp tùng đê thượng khứ
Như hà nhân bất kiến phù dung
Bên sông, sen nở nhiều hoa
Người khen hoa đẹp nõn nà hơn em
Trên bờ em bước qua xem
Mọi người sao bỗng không thèm nhìn hoa.
Ý thơ bảo rằng khi người giai nhân ở trong đám hoa, thì không ai nhìn thấy có hoa nữa, mà chỉ thấy có người đẹp. Bởi nhan sắc lộng lẫy của giai nhân đã át hết màu sắc hoa tươi, để tán mĩ người gia nhân nõn nà, tươi thắm còn hơn mấy lần bông hoa tươi thắm.
– Nghĩa là Lịnh Hầu mỗi khi đứng nhìn ra ao, chỉ thấy có Lịnh Bà mà không thấy có bông hoa nào khác nữa!
Phù Cừ không trả lời, nguýt yêu con hầu gái:
– Văn hoa vừa thôi! Rồi còn sắp sửa ra ao, thăm hoa kẻo chậm.
– Cô bảo ra thăm ao nào?
Phù Cừ hơi gắt:
– Thì còn bao nhiêu ao nữa, mà mi hỏi chướng thế?
– Sao cô không bảo cho rõ là đi ra ao ”Bất kiến hoa chiểu” cho chính danh. Lịnh Hầu đã đặt tên rồi, mà không gọi cho quen, nói cách trống không đó, Lịnh Hầu mắng chết.
– Sao mà em biết Lịnh Hầu để ý xét nét chuyện tên gọi như vậy.
– Thì em đã bị mắng rồi, còn biết với không biết gì nữa. Hôm nọ, cô sai em qua mượn quyển Sở Từ, Lịnh Hầu hỏi em là cô đang ở đâu mà sai qua mượn sách. Em đáp rằng: ”Bà con đang ngồi ở trên lầu” Lịnh Hầu hỏi vặn: ”Bà mi ngồi ở lầu nào?” Cô xem, thì còn có bao nhiêu lầu nữa mà Lịnh Hầu hỏi lạ lùng như vậy. Em lúng túng, chưa biết thưa gửi làm sao, thì Lịnh Hầu ban dạy rằng: Mỗi cảnh trí ở đây đều có tên gọi của nó, phải nói cho rõ ràng là: ”Bà con đang ngồi tập chữ ở Điệp Thúy lâu” chớ sao được nói là ”ở trên lầu” trơn như vậy.
Phù Cừ vuive3 bắt chước giọng nói của con Tố Liên:
– Có thế thì, chị em ta bơi thuyền ra thăm mấy giò sen mới nở trong ao ”Bất kiến hoa” vậy.
Đã từ mấy tháng nay, Tông Đức hầu có thói quen, mỗi sáng tinh sương, ra Thụ Đức hiên thưởng thức tuần trà sớm, do ái cơ Phù Cừ đem dâng. Bởi có một lần, Hầu được nghe Nguyễn Nghi khoe tay khéo pha trà của con gái. Cho nên, sau khi Phù Cừ nhập phủ ít lâu, Hầu nhắc hỏi và đòi thưởng thức, thì quả có đúng như lời. Trà do tay Phù Cừ pha, có một khí vị thơm ngon vừa mực độ, khiến cho người uống vào là thấy khoan khoái dễ chịu.
Sáng hôm nay, cũng là ấm trà thường lệ của con Tố Liên dâng qua hiên Thụ Đức, Mạc hầu nhắp vào, xiết bao kinh ngạc. Vị trà hôm nay ngan ngát một mùi hương lạ, không đậm vị chan chát của mùi sen khô như mọi hôm.
Theo khói trà, bốc lên một vị hương thanh nhẹ, là mùi hương sen tươi, đượm trong hơi gió quen quen thoảng quanh bờ ao.
Hầu chưa kịp ban hỏi, thì con Tố Liên đã quì xuống trình:
– Bẩm, Bà con đã thức dậy từ đầu canh năm, khiến bơi thuyền ra hoa chiểu, hé những cánh sen chưa kịp mở, nhặt lại những bông trà mà bà con đã gởi vào đó, từ chiều hôm trước, khi hoa còn phong nhụy. Trà đã tẩm trong nhụy hoa tươi đượm ướt sương đêm. Trà vừa được nhặt ra khỏi lòng hoa là bà con thân tự pha ngay, sai con mang dâng Lịnh Hầu thưởng thức, cho nên Lịnh Hầu nghe thấy có mùi hoa tươi thoảng ngát trong khói trà đó.