Chương 05: Tết Đoan Ngọ năm Đinh Tỵ

Hôm nay là Tết Đoan Ngọ năm Đinh Tỵ (1737). Vì là ngày tết cho nên không có buổi hầu việc công.

Nguyễn Nghi đang thơ thẩn ở Tập Xuân hiên, tỉa lá úa cho mấy giò lan vừa nảy nụ, thì có người lính thị vệ bước vào bẩm rằng có lịnh Mạc hầu triệu ông vào phủ.

Ông hơi lấy làm lạ, e có gì bất thường, muốn biết cho rõ hơn, hỏi lại người thị vệ, thì người đó thưa rằng:

– Con cũng không rõ có việc gì hơn. Chỉ thấy đêm qua, Lịnh Hầu dậy rất sớm, ra Thụ Đức hiên, từ hồi giờ sửu. Lịnh Hầu không sai bảo ai, mà tự tay soạn dọn giấy tờ chứa trong các tráp bỏ ra bừa bãi. Mãi đến rạng đông, Lịnh Hầu có vẻ không vừa ý về việc gì. Rồi thì truyền con chạy ra đây thỉnh Ngài.

Nghe người lính thị vệ nói xong. Nguyễn Nghi quay vào, quấn rối chiếc khăn lượt lên đầu, rồi chống gậy đi theo người lính ra cổng nhà.

Khoảng giữa giờ thìn, thì Nguyễn Nghi trở về. Khác với vẻ bình tĩnh vốn có, trên mặt ông, ôm nay hiện lên một nét tư lự. Dáng lom khom chống trên gậy trúc, bước những bước gấp gáp không theo thói quen, mỗi khi đi đâu về, bận gì thì bận, cũng ghé qua một chút, thăm xem mấy chậu hoa đã được tưới có thấm không. Ông đi thẳng vào trung đường. Mùi hương lá thạch xương bồ và lá ngải cứu làm cho ông hơi dừng bước. Ông đứng lại, ngoảnh nhìn hai bên khung cửa, chỗ miệng con dơi cẩn nổi ngậm đồng tiền, đã có hai bó lá thơm của tiết tháng năm, mà nhũ mẫu vừa giắt vào, trong khi ông vừa đi khỏi.

Chưa kịp ngồi lên sạp, tay vừa tháo nếp khăn lượt đưa cho con hầu gái, vừa bảo:

– Tố Liên, mày vào trình cô mày sang ngay ta dạy.

Rồi ông lại gạt đi:

– Mà thôi! Cô mày cũng sắp sang đây, không phải gọi, cho mày vào trong. Nhớ bảo nhũ mẫu, bữa cỗ trưa nay đừng bày biện, phiền lắm.

Con hầu bé vừa bước vào, thì một thư sinh, quần áo học trò, mềm mại, tay bưng khay chén trà, cung kính bước ra.

Đặt khai ấm chén trên án, chàng thư sinh lại đứng sát bên sạp, chỗ cha ngồi, dịu dàng thưa:

– Phong trà Vũ Di sơn kỳ chủng, mà ngoài bao thấy có chữ đề “Tử Thủy, Ngô Kính đường tiên sinh giao tặng”, cánh trà đen mà thô, trông không đẹp nhưng hương ngát lạ quá, hôm nay tết, mà phong trà cũ cũng vừa ết,con mở pha hầu cha, cha thưởng xem.

Ông già không để ý câu nói văn hoa dài dòng của con, liếc nhìn chàng thư sinh trắng trẻo, rồi cau mày.

– Phù Cừ, cha đã bảo, con gái đến tuổi cập kê rồi, mà cứ mặc nam trang mãi cho nó lôi thôi ra; lâu nay cha bảo mà con không tuân, nay thì thực khó nghĩ cho cha.

Phù Cừ, tức người con gái mặc nam trang, ơi có chút ngạc nhiên, nhưng đáp lại gẫy gọn như đã từng nói đi nói lại thuộc lòng.

– Con đâu dám cãi lời cha dạy, nhưng con nghe cha sắp từ quan, cho con về quê ngoại, nên con định cứ ăn mặc thế này ít lâu nữa cho tiện việc đi đường đi sá. Vả lại, con nghĩ: bây giờ, đột nhiên không mặc học trò nữa mà trang sức nữ lưu, con sẽ ngượng nghịu, mất hết tự nhiên, nó ra làm sao ấy; để khi về bên ngoại rồi, sẽ thay đổi, chừng đó, con sẽ được tập tành dáng điệu cử chỉ của các chị em nhà dì con, hàng ngày gần gũi, có lẽ dễ dàng cho con hơn. Cha xem ở đây, không có ai làm bạn gái với con hết, cha bắt con làm con gái, rồi chơi bời với ai, con buồn chết.

Bình thường, mỗi khi nghe thấy con gái có những lời nói và điệu bộ đó, Nguyễn Nghi đã sẵn một câu nói rất quen, để nói lại với con, nửa yêu nửa đùa.

– Nó giả trai, mà nó làm như con trai chính tông không bằng.

Hôm nay, thì ông không nói được câu nói vui vẻ đó. Đón chén trà trên tay con gái, nhắp giọng, chỉ chỗ góc sạp, bảo Phù CỪ ngồi, ông chậm rãi nói:

– Thực là khó nghĩ cho cha!

Ông lặp lại câu nói đó, khi đưa tay vuốt vuốt chòm râu bạc.

Phù Cừ, bấy giờ, mới nhận thấy cha mình có một vẻ loa âu khác thường. Nụ cười tươi trên môi nàng tự nhiên khép lại. Nàng lặng yên băn khoăn nhìn cha, không dám hỏi thêm.

Ông già, nhắp thêm một ngụm trà nữa, rồi thong thả đưa tay đẩy khay trà ra xa. Nước ở miệng chiếc hiệp, men son tàu, thay cho chén tống, sóng mấy giọt ra thư án. Theo thường, cử chỉ đó tức là xong buổi hầu trà, Phù Cừ chỉ việc mang âm chén vào trong.

Hôm nay, chưa dám vội đứng lên, nàng ngồi yên bên góc sạp đợi.

– Chưa chắc cha con ta sẽ được về đâu. Gây ra, tại hồi đầu năm, con vào làm thơ ngâm thơ đêm hội ở Chiêu Anh các, mà hôm nay làm cho cha khó nghĩ vô cùng.

Nín một chút, ông nói tiếp nửa như nói với mình, nửa như nói với con gái:

– Trả lời thế nào cho xong với Mạc hầu đây.

Phù Cừ nóng nảy muốn nghe cho hết câu chuyện. Nguyễn Nghi thì tỏ vẻ bối rối, mà cứ kề cà. Nàng muốn giục cha mà không dám, ngồi giương to mắt ngóng đợi. Ông vói tay, lôi chiếc tráp lại gần, mở nắp ra, lấy miếng trầu mà Phù Cừ têm sẵn để vào đó từ ban sáng. Bỏ miếng trầu vào miệng nhai, tay lại vói rút điếu thuốc sâu kèn giắt trong chiếc ống đồi mồi, Phù Cừ đưa đóm lửa châm vào điếu thuốc cho cha.

Hút xong một hơi thuốc, ông nói chầm chậm:

– Con nhớ chứ, Mạc hầu đã khen thưởng con, đêm hội thơ Nguyên Tiêu đó. Sáng nay, Hầu đòi cha vào, nhắc lại, hạy còn tấm tắc khen mãi. Hầu truyền cha hãy cho ‘gã thư sinh’ làm thơ đó vào hầu nghiên bút ở Thụ Đức hiên. Hầu lại còn ân cần bảo cha hãy cứ để con ở luôn trong Các, cho tĩnh mà chuyên lo học nghiệp. Trong Các, sẵn có nhiều sách vở, và sẵn có các vị sư phó, tha hồ mà đọc sách hỏi nghĩa. Hầu còn nhận xét rằng chàng con trai nhỏ nhắn ốm yếu đó, bất tất phải tập võ nghệ, hãy cho chuyên tâm về văn nghiệp mà thôi. Hầu truyền trong lúc đột ngột, cha chỉ vâng dạ mà chưa dám thưa rõ ý định thế nào. Chuyện quan hệ quá, còn phải bàn kỹ lại với con xem sao. Cha cứ nơm nớp sợ mang tội khinh mạo bề trên.

Phù Cừ chăm chú nghe cha nói, có vẻ ngẫm nghĩ, trong khi chuyên thêm chén trà mời cha. Một chút, nàng bình tĩnh thưa:

– Thưa cha, con xét, sở dĩ con phải cải nam trang là vì cảnh ngộ gia đình. Mẹ mất sớm, không có chị em gái, theo cha học đòi nghiên bút, thời thường giao du với các môn đệ của cha, muốn cho tiện việc, cha cho con mặc thư sinh, điều đó cũng là một việc tòng quyền, tưởng cũng không có chi là tội lỗi. CÒn như việc vào hầu thơ ở Chiêu Anh các, đêm hội Nguyên Tiêu, thì bất quá cũng như bao nhiêu các thư sinh, môn đệ khác của cha và của các bác, dẫn theo hôm đó, được dự nghe tiếng châu rơi ngọc rớt mà thôi, điều đó lại cũng không có gì là phạm thượng.

Nguyễn Nghi lườm con rồi xẳng giọng:

– Con hãy nhớ lại xem. Có phải đâu con chỉ có việc mài mực rửa nghiên, và chỉ có việc dự nghe như các thư sinh khác đâu. Con đã chế khắc đèn dưa. Con đã vịnh thơ qua đăng. Con đã ngâm thơ Nôm của Mạc hầu. Con đã khoe tài, ở một nơi tao đàn văn hội, cử tọa toàn là thi hào, thi bá. Con quên hết cả rồi!

– Thưa cha, con nhớ rõ lắm. Nhưng bình tĩnh mà xét, thì điều đó cũng không đến nỗi Lịnh Hầu bắt tội cha con ta. Huống chi hôm đó, Hầu đã chẳng khen thưởng con là gì. Mà sao ta cứ già đoán. Hầu chưa biết, và ta cũng chưa trình Hầu rõ. Vậy nhân dịp này, tưởng cha nên bàn với Trần, nhờ bác trình rõ gia tình, nhân tiện cha xin từ quan, sửa soạn cho kịp đến Trung thu này, trời bớt động, thì cha con ta về Gia Định được rồi.

Nguyễn Nghi thong thả đặt chén vào khay, rồi bảo:

– Thôi, con vào rồi cha sẽ liệu.

Mùi lá hương nhu, từ buồng sau xông lên ngào ngạt. Bà nhũ mẫu giục Phù Cừ vào gội đầu. Các bà tin rằng những nàng thiếu nữ yêu kiều, cần gội đầu bằng nước các lá thơm,hái trong dịp tết này, và phải gội đúng giữa ngọ ngày mồng năm tháng năm, để cho tóc thêm mượt và dài.

Bữa ngọ phạn dọn lên, nàng xới cơm cho cha, len lén nhìn nét cau trên trán ông già, mà bâng khuâng thương cảm.

“Nếu mình là con trai. Nếu được là con trai thì còn suy tính gì nữa, thì lịnh truyền của Mạc hầu hôm nay, là một hạnh ngộ vô cùng cho đời thư sinh. Nhưng mà tiếc quá. Mình là con gái đây mà. Nếu biết mình là gái thì Mạc hầu sẽ nghĩ thế nào …”

Nàng không dám nghĩ thêm và thờ thẫn nhìn cha; thấy cha lo lắng mà nàng cũng đâm lo lắng.

Ông ăn qua loa cho xong bữa, đứng lên:

– Chiều nay, cha sang bác Đặng và bác Trần, có lẽ còn sẽ ăn cơm chiều với hai bác ở bên ấy. Con và nhũ mẫu bất tất phải đợi cha.

Phù Cừ sai con Tố Liên mắc chiếc võng tơ ở biên ngoài, chỗ hai bụi trúc, để ông nằm nghỉ cho mát, nhưng ông ngăn lại. Rồi ông chống gậy ra đi, giữa bóng trời chói chang trên mặt nước Đông Hồ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!