Chương 02: Tông Đức Hầu

Đến Hà Tiên, Nguyễn Nghi nguyên là một kẻ giang hồ nhàn tản, nhưng vì phong cảnh và nhân vật ở đây đã khiến cho người lưu luyến.

Đã lâu lắm, từ khi vào Nam Trung, Nguyễn chưa từng được ngao du sơn thủy. Nguyễn thấy buồn buồn vì xa cách với thiên nhiên. Đến đây, Nguyễn hoát nhiên như hiện lại mộng tiền thân. Lòng cảm một nỗi vui quen thuộc. Nguyễn thấy như mình sống lại trong phong vị chốn cố hương mà đã từ lâu nhớ nhung vì cách biệt.

Nguyễn nhận ở đây phảng phất có cảnh Nga Sơn, Tống Sơn, những phong cảnh thần tiên đã cảm nhiễm Nguyễn, từ thuở còn thơ ấu.

Dao đài hàm vụ tinh thần mãn,

Tiên kiệu phù không đảo dữ vi.

Mỗi khi nhìn ra hồ sơn, hải đảo, vân vụ mông lung, Nguyễn ngâm câu thơ đó, lòng nghĩ lấy làm phải: hèn chi mà ai đã khéo đặt cho đất này tên Hà Tiên là đúng lắm.

Còn nhân vật mà Nguyễn Nghi từng nghe nói đến từ lâu, nhân vật từng được xưng là hải thượng anh hùng, giang hồ hảo hán, khi đến đây, Nguyễn mới được nhìn thấy mặt.

Vị thanh niên hào kiệt đất Lôi Châu đó, năm nay, đã già lắm rồi, nhưng là cái già mạnh đẹp của một nhà lão tướng. Vị lão tướng đó, lúc nhàn đàm, vuốt tóc mình, nói với kẻ bộ hạ, thường đọc câu thơ cũ: lão đương ích tráng, minh tri bạch thủ chi tâm, để ví mình mà lấy làm tự đắc.

Được kết nạp trong hàng nhân sĩ dưới trướng vị lão tướng họ Mạc đó, Nguyễn lấy làm bằng lòng và thỏa mãn được ước nguyện bình sinh.

Có một điều khiến Nguyễn sướng khoái nhất là hồi năm Giáp Dần (1734), hôm ngày mồng tám tháng năm, Nguyễn được dự vào lễ chúc thọ bát tuần tước Cửu Lộc hầu (Vị lão tướng, Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu, tước phong là Cử Lộc hầu).

Bài chúc thọ của Nguyễn được đặc biệt thưởng thức, được thêu vào bức đoạn đại hồng treo ở trung đường trong Mạc phủ.

Chẳng là Nguyễn đã dụng ý nói lên được đúng tâm sự một kẻ di thần, bất đắc dĩ phải bỏ nhà bỏ nước ra đi, trong thì giữ vẹn được nghĩa thân thể phát phu ở đạo cang thường, ngoài thì thỏa được chí khí con giao long vùng vẫy ở biển Nam minh. Đến nay, tuổi trời hưởng đã tám mươi, đáng lẽ không còn gì di hám nữa. Tuy nhiên, con giao long lão mạo đó, bao giờ cũng không quên được niềm gia bang cố quốc.

Bài chúc thọ của Nguyễn được một người thưởng thức hơn hết là Sĩ Lân, trưởng thế tử của Mạc tổng binh. Sĩ Lân tên là Mạc Tông, còn gọi là Mạc Tứ. Sĩ Lân, năm đó, tuổi độ ngoài hăm sáu hăm bảy, là một thiếu niên anh tuấn. Từ thuở nhược quán, đã từng theo cha tập luyện kiếm cung thao lược, trong quân dưới tướng, không một lúc rời.

Sĩ Lân đã nhiều phen tỏ ra lỗi lạc, trí dõng tài đức kiêm toàn, khiến cho Tổng binh Mạc Cửu rất yên lòng, mỗi khi nghĩ đến tuổi vãn niên; nay mai, chắc chắn sẽ có người đảm nhiệm được sự nghiệp, giữ gìn được cơ đồ để lại.

Tuy Mạc tổng binh không nói ra, cũng như mọi người không ai nói với ai, mà ai cũng đã mặc nhận là ngôi thế tử đã định rồi. Muốn gây dựng vây cánh trước cho con, Mạc tổng binh càng cho thế tử giao du rộng với các hiền tài, kết thân thêm với các hào kiệt trong thiên hạ.

Vì thế cho nên, ngoài những sở đắc do cha truyền thụ, thế tử còn được lãnh giáo thêm ở các sĩ phu phụ chấp, như Tô quốc lão, Từ quốc lão chẳng hạn.

Vốn là con nhà tướng, tự nhiên là phải nghiền ngẫm binh pháp lược thao, Sĩ Lân lại bác lãm cả thi thư kinh sử, lại ưa thích cả từ phú văn chương, tỏ ra có thiên tư biệt tài về văn học.

Sĩ Lân từng nói chuyện với các văn nhân nho sĩ rằng sẽ gây dựng cho trấn Hà Tiên một sự nghiệp văn học, cũng hiển trứ vinh quang như sự nghiệp võ công của cha đề tạo.

Nhân từ khi đặc biệt lưu ý đến Nguyễn Nghi, vì bài từ chúc thọ, thế tử lại có dịp được biết thêm Nguyễn là một nhà sành văn chương nôm. Nôm của Nguyễn thanh nhã bay bướm lắm, không thật thà quê phác như văn chương nôm miền Nam – Trung mà thế tử từng đọc và không lấy làm ưa.

Thấy được văn chương nôm của Nguyễn rồi, thế tử đâm thích làm thơ nôm. Tự nhiên thế tử thấy ngâm thơ nôm có một thú vị hay hay hơn thơ Hán.

Thế tử khi bắt đầu mê say giọng nôm đến thiên ý. Có một việc chứng tỏ được điều thiên vị đó. Là hồi tháng năm, năm Ất Mão (1735), vị cố Tổng binh trấn Hà Tiên, tước Cửu Lộc hầu từ trần. Bữa tế ngu, ngoài bài văn tế bằng Hán tự theo nghi thức tế lễ, thế tử bảo Nguyễn Nghi làm thêm bài văn nôm tế Mạc tiên công. Bài văn thảo xong, thế tử đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc, cảm xúc nước mắt giàn giụa.

Nhưng vì bị cả Mạc phủ phản đối, nhất là các vị Đường nho Hán sĩ rất bất bình cử chỉ đó, mà họ cho là cử chỉ vong bản của thế tử. Bấy giờ, thế tử mới tỉnh ngộ và phải đành để cho đọc bài văn tế chữ Hán mà thôi.

Tháng hai năm Bính Thìn (1736), Sĩ Lân dâng biểu cáo tang về Phú Xuân. Thế tử được chúa Nguyễn Đỉnh Quốc công cho kế tập chức Tổng binh Khâm sai Đại đô đốc, tước phong Tông Đức hầu, quản lĩnh đất Hà Tiên.

Từ ngày thừa kế sự nghiệp của cha để lại, Tông Đức hầu khai thác thêm cương lĩnh, mở mang thêm chợ búa, mậu dịch với các lân bang, khẩn hoang lập ấp, khiến cho nhân dân trù mật, nông cổ phồn vinh. Đồng thời với việc tu bổ vũ công, Hầu đặc biệt lưu tâm tu bổ văn nghiệp, như chí bình sinh hoài bão.

(Theo các sách thì Mạc Tứ, được đổi tên là Mạc Thiên Tích. Nhưng ở đây, chúng ta cứ gọi là Tông Đức hầu cho đúng với danh hiệu đương thời).

Cũng mùa xuân năm Bính Thìn đó, có một vị thâm nho túc học ở Việt Đông là Trần Trí Khải, tự là Hoài Thủy, đại diện cho sĩ phu Trung Quốc sang điếu tang cố Tổng binh Mạc Cửu. Nhân dịp, Tông Đức hầu lưu Trần ở lại, để tổ chức một hội tao đàn, tại trấn lỵ Phương Thành.

Tao đàn gọi tên là Chiêu Anh các gồm có ba mươi sáu vị, kể cả Tông Đức hầu nữa, là ba mươi bảy vị. Trong ba mươi sáu vị đó, được nổi tiếng có mười tám vị, đời thường xưng tụng là thập bát anh:

Tài hoa lâm lập trứ Phương Thành,

Nam Bắc hàm vân thập bát anh.

Kể phân thượng hạ như vậy, là tự dư luận dân gian mà thôi chứ thực sự thì các văn gia học giả, trong Chiêu Anh các, họ không thích lối phân biệt đó.

Tông Đức hầu là vị tao đàn nguyên soái và Trần Hoài Thủy là vị sáng lập tao đàn, đã định lệ không phân niên kỷ, không phân khoa mục, không phân Bắc quốc Nam bang. Trong khi văn chương thành cảo, đem ra điểm duyệt phẩm bình, bất đắc dĩ phải phân thứ đệ chơi mà thôi. Không lấy đó làm quan trọng, để cho văn chương, nhờ vậy mà có một phong thái khoáng đạt.

Chiêu Anh các kiến trúc phỏng theo thể thế một Văn Miếu đời Minh. Duy lầu Khuê Văn thì xây dựng thành đại qui mô, quảng khoát tráng lệ khác thường. Chính chỗ lầu đó là trung tâm điểm Chiêu Anh các, làm chỗ cho tao nhân mặc khách đàm võ luận văn, ngâm phong vịnh nguyệt. Trong nội điện là nơi thờ Khổng Phu Tử, Tứ Phối và Thất Thập Nhị Hiền. Hai bên tả vu, hữu vu, thì làm nhà giảng học.

Xây dựng Chiêu Anh các, Mạc hầu đã có chủ trương làm một nơi thành  ba công dụng.

Một là làm Văn Miếu, thờ thánh Khổng Phu Tử.

Hai là làm một hội tao đàn, nơi tụ hội chiêu tập các bậc hiền tài trong thiên hạ.

Ba là nhà nghĩa học, nơi thu nạp các tử đệ ưu tú, giúp đỡ cho những thiếu niên hiếu học có phương tiện theo đuổi học vấn, theo đuổi văn nghệ võ nghiệp. Là một cách đào tạo nhân tài.

Nguyễn Nghi, như hồi trên chúng ta đã thấy, được Tông Đức hầu đãi bằng biệt nhãn, thì tự nhiên, Nguyễn được dự một chiếu trong Chiêu Anh các. Rồi, Nguyễn là người trong số các vị học sĩ được chọn giảng sách ở nhà nghĩa học.

Vì học vấn uyên thâm, vì phẩm cách cao nhã cho nên Nguyễn chẳng những được môn sinh trọng vọng, đồng bối mến yêu, lại còn được Mạc hầu vị nể. Vì chỗ đãi ngộ đó của Mạc hầu mà thỉnh thoảng Nguyễn lại còn phải dự vào việc tham mưu từ lệnh cho vị Tổng binh Đô đốc trấn Hà Tiên nữa.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!