Nguyễn Nghi, khi đi thi, khai tịch về phủ Triệu Phong, nhưng thực thì, nguyên quán ở về Thanh Hóa, Nguyễn lớn lên trong cảnh phân tranh Nam Bắc, loạn lạc liên miên, mắt đã từng trông thấy bao nhiêu thảm cảnh cốt nhục tương tàn. Muốn lánh xa chỗ phân giới, nơi mà hai họ tranh hùng, đem can qua giải quyết xương máu sanh linh, Nguyễn đi lần vào Nam.
Thi đỗ rất sớm, năm mười tám tuổi, Nguyễn đã đỗ giám sinh khoa Chính đồ, khoa cuối cùng, khi Quốc chúa Tộ Quốc công Nguyễn Phúc Chu chưa cải cách việc thi năm Ất Hợi (1695).
Thi đỗ sớm thế mà Nguyễn cũng không xuất chinh. Nguyễn cáo bịnh, từ chức tri phủ mới bổ, rồi lại đi xa dần hơn vào Nam.
Kể ra thì tông tích của Nguyễn cũng không ai biết rõ lắm. Duy biết rằng Nguyễn Nghi khi đến trấn Hà Tiên, cách trước độ ba bốn năm câu chuyện này bắt đầu xảy ra, thì gia quyến chẳng có ai nhiều. Chỉ đem theo đứa con độ lên mười và một bà nhũ mẫu. Có lẽ vợ Nguyễn mất trong lúc chạy loạn năm Canh Tuất (1730). Năm đó, giặc Sá Tốt Ai Lao và giặc Chân Lạp liên quân, vào xâm chiếm cướp phá Gia Định.
Đợi đến khi tướng Định Viễn hầu, Trần Đại Định, đánh dẹp được giặc ở Phù Viên, thì xóm làng đã bị đốt phá, dân chúng đã bị cướp bóc tan hoang.
Việc Nguyễn tránh loạn đến Hà Tiên cũng không phải là một việc tình cờ. Hơn hai mươi năm rồi, Nguyễn đã từng nghe nói đến Hà Tiên rất nhiều. Muốn kể cho đúng, là phải kể từ mùa thu năm Mậu Tí (1708). Năm đó, Nguyễn còn ở gần Phú Xuân, nghe có bọn người lạ, tên là Trương Cầu và Lý Xá, đến cầu phong với Quốc chúa Tộ Quốc công. Đoàn sứ giả này sai đến, là do một tay giang hồ hảo hán, di thần nhà Minh, không chịu thần phục chế độ Mãn Thanh, mà bôn ba sang miền Nam Hải.
Tay đó là một kẻ thiếu niên hào kiệt đất Lôi Châu, đã từng hưởng ứng với đảng cha con họ Trịnh Thành Công, Trịnh Kinh, ra mặt phản đối Thanh triều, bằng thế lực đại qui mô, chiếm giữ Đài Loan làm căn cứ. Khi cánh họ Trịnh bị dẹp tan, Đài Loan thất thủ, bấy giờ dư đảng mới kéo nhau vượt biển sang Nam. Cầm đầu dư đảng này là một thiếu niên họ Mạc.
Tay giang hồ hảo hán họ Mạc đó đã từng phiêu lưu các miền Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, đã từng làm mưu thần cho Chân Lạp, đã từng đánh nhau với Xiêm La. Họ sang Nam khoảng trước sau bọn người Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch vào cửa Hàn năm Kỷ Mùi (1679).
Họ chiếm cứ đất Mang Khảm của Chân Lạp, tự lực kinh doanh khai khẩn, gây nên một cõi gian san tiểu quốc, tự nhiệm tung hoành ở biên thùy.
Và Nguyễn hãy còn nghe nữa. Nghe rằng, cách ba năm sau đoàn sứ giả đầu tiên đến cầu phong, tức là năm Tân Mão (1711), tay biên thần đó lại thân đến Phú Xuân tạ ơn Chúa Nguyễn, cống hiến cho Chúa kim ngọc trân bảo, tơ lụa, chiếu thảm ngoại dương vô số. Có chim anh vũ lông ngũ sắc, nói được tiếng người. Có cả con gà con chó kỳ dị.
Nghe nhiều người được mục kích kể lại rằng cuộc lễ phong tặng của nhà Chúa ban cho Mạc Cửu – vì người tên là Mạc Cửu – long trọng lắm. Chúa ban cho ấn thụ mão mảng, lại còn truyền cho nội thần tống tiễn ra tận quốc môn, cực kỳ vinh diệu. Có người nhìn được tận mặt, còn tán thêm: Vị tổng binh, mới ở biên đình về, có một tướng mạo khôi kiệt lạ thường,đi đứng đoan trang, lui tới kính thận; chẳng trách Chúa thượng yêu vì, trọng đãi là phải lắm.
Trong mấy năm gần đó, Nguyễn Nghi lại còn được nghe đồn đại nhiều về cõi đất mới khai thác, gồm những bảy phủ, dài suốt duyên hải miền Tây. Nghe nói, đó là một nơi giàu có đông đúc lắm. Dân cư trù mật, mậu dịch phồn thịnh. Thuyền bè các nước, Trung Quốc, Tây Dương, Nam Dương, Đồ Bà, Mã Lai, Nhật Bổn kéo đến buôn bán đổi chác tấp nập. Các món kim ngọc bảo vật, các tơ lụa vải vóc, các loại gà vịt chim muông ngoại dương chở đến để đổi lấy thổ sản: trân châu, hải sâm, đồi mồi, sáp ong, mật ong, hồ tiêu, huyền phách, trầm hương.
Lại còn nghe có các nhà tu hành Tây Dương đến cất tu viện truyền giáo, dạy học thứ chữ viết bằng cọng lông chim, chữ lí nhí kéo dài, viết hàng ngang từ trái sang mặt ly kỳ lắm.
Nguyễn đã nghe, và nghe rất nhiều. Cũng muốn đến đó một phen để cho biết thực hư. Nhất là để biết mặt một kẻ hồ hải ngang tàng.
Nguyễn lại còn đươc nghe ca tụng phong cảnh nhận vật Hà Tiên nhiều lắm.
Có một lần, Nguyễn lên chơi Đại Phố châu ở Đồng Nai, nghe người kể chuyện: con trai của vị Tổng binh Trần Thượng Xuyên, trấn thủ Trấn Biên, là Trần Đại Định, sang cưới con gái của vị Tổng binh Mạc Cửu trấn thủ Trấn Hà Tiên. Người đó thuộc về thân thích nhà họ Trần, dự đám rước dâu tận Hà Tiên, về kể chuyện lại.
Kể rằng: ở đó, có rất nhiều sơn nham thạch cốc, riêng chiếm một vùng yên cảnh thần tiên, sơn thủy hữu tình. Ai đến đó cũng muốn lưu liên mà quên về. Nguyễn nghe, trong lòng mê thích mà cũng chưa tin hẳn bằng lời.
Nhân cuộc tránh loạn miền đông, theo mọi người chạy về miền tây, Nguyễn nghĩ đến Hà Tiên, rồi tìm đến trấn lỵ Phương Thành. Thì quả đúng như lời người đồn đại, ca tụng không sai.