Thơ với đối, trướng với hoành

Tết đến, nhà nào cũng dán một vài câu đối vào cửa vào cột. Người có chữ có nghĩa thì viết câu đối, nói lên tâm tư, thái độ của mình đối với thời cuộc, thế thái nhân tình. Có người lại viết câu đối tán tụng mình.

Vào những năm cuối thế kỷ trước có câu chuyện về câu đối của Đỗ Hữu Phương còn truyền tụng mãi đến nay.

Phương người Chợ Lớn, xuất thân là một quan thượng thư. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, Phương trở thành tay sai đắc lực của phong trào Lang-sa, sau Phương làm đến chức Tổng đốc. Mặt khác, vào lúc ấy, Phương là một tay giàu khét tiếng, chỉ thua Huyện Sĩ: Nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Định. Phương có năm con trai được thực dân Pháp cho làm quan to và ba con gái đều lấy chồng quan lớn. Do vậy, Phương rất tự phụ về gia thế của mình.

Tết năm nọ, Phương dán trước cửa nhà mình một câu đối:

“Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ, đỗ trước cửa ngũ phúc tam đa”.

Và treo giải 10 nén bạc cho ai đối lại được. Hắn cho rằng đó là cách đề cao uy tín của mình. Đối với nhân dân, nhà họ Đỗ tuy quyền thế, giàu sang thiệt đó, nhưng bộ mặt thiệt của hắn thì ai cũng rõ.

Thời ấy đã có câu:

Việt gian có lũ thằng Tường,

Thằng Lộc, thằng Tấn, thằng Phương một bầy.

Thế nên, sau khi Phương dán câu đối xong, đã có người gởi câu đối để đáp lại Tổng đốc.

Cù lao Rồng có lũ thằng phung, phung một lũ cửu trùng bất nhã

Câu đối thiệt tuyệt, thiệt chỉnh. Tất nhiên người đối lại không vì mục đích được 10 nén bạc thưởng, mà muốn cảnh cáo kẻ làm giàu trên xương máu đồng bào.

Tục truyền, nhận được câu đối ấy, Phương đỏ mặt, sượng sùng. Tuy giận đầy hông, nhưng chẳng biết làm gì để trả thù được, đành nén bụng làm thinh. Công việc mà Phương phải làm ngay sau đó là hủy câu đối đã dán trước nhà mình và từ nay xin chừa đối với điếc.

***

Thuở ấy, lại có người tặng Tổng đốc Trần Bá Lộc một bài thơ cay đắng không kém:

Ấy là nước loạn biết tôi ngay,

Danh tiết ngàn thu rụng xứ Tây.

Danh nghĩa mấy phen oai súng nổ,

Cộng hòa ba sắc ngọn cờ bay.

Quê hương là chỗ sanh cha mẹ,

Xương thịt đừng cho thẹn cỏ cây.

Da trước phước nhiều nòi máu đỏ,

Cái thân đừng thẹn nước non này.

Khốn nạn thay! Một tôi ngay trong lúc nước loạn mà danh tiết chỉ được ghi trong sử sách Tây, Phú-lang-sa thì còn gì nhục hơn.

***

Nguyễn Văn T6am là một tên Việt gian khét tiếng tàn ác của “Nam Kỳ quốc” thời thực dân Pháp, tàn ác đến mức người đời gọi hắn là “Cọp Xám Cai Lậy”. Tâm lại là một tay ưa khoa chữ nghĩa. Đương thời hắn ta thường hay làm thơ với biệt hiệu là Trương Duy Chánh Đạo.

Vì hay sính làm thơ, nên khi làm Đốc phủ sứ cho chế độ thuộc địa của Thực dân Pháp, mỗi khi nhậm chức ở đâu Nguyễn Văn Tâm thường hay mời các nhà thơ ca, xướng họa trong vùng đến cùng ngâm nga xướng họa, vừa để tỏ ra mình cũng là bậc văn nhân, cũng có chữ nghĩa, chứ không phải dốt đặc cán mai, vừa để mua lòng sĩ phu trong nước.

Khi làm Bộ trưởng trong nội các bù nhìn của Bảo Đại, một hôm, đi kính lý Cần Thhơ, Tâm đem bài thơ “Tào Thào tự thuật” để khoe mình.

Đất nước cơ trời khiến rẽ ba,

Nghiêng cai nhuốm thử gánh sơn hà.

Cáo cầy chi xá Viên cùng Lữ,

Hào kiệt ai bằng Bị với ta,

Dũng dáng vào đinh đâm Đổng Trác,,

Nhân đành mở ai thả Quan ra.

Người đời chê Tháo là tôi nịnh,

Tôi nịnh như ông được mấy ma.

Tâm tự ví von mình với Tào Tháo và đọc xong bài thơ lấy làm đắc ý lắm. Một nhà thơ đương thời là Lăng Ba đã họa bài thơ ấy.

Mưu đồ vương nghiệp phải bôn ba,

Phạt bắc chinh đông chẳng ngại hà.

Tiên bội diệt an dạ chúng,

Hán hèn phế Hán toại lòng ta.

Thất điên Vị Thủy khen tài Mã,

Bát đảo Huê Dung phụ kế gia.

Thời loạn kể gì trung với nịnh,

Được vua thua giặc lạ chi mà!

Bài thơ họa lại đã đồng nhất Tâm với Phụng Thêm (Lữ Bố) một kẻ lừa thầy phản bạn, tàn dân hại nước cần phải diệt trừ cho an dạ chúng dân. Còn ngài “quốc trưởng” của cũng hèn hạ không kém – phải phế bỏ đi như Hán Hiến đế mới toại lòng.

Năm 1952, Tâm được thực dân Pháp và Bảo Đại phong làm chức Thủ tướng. Một hôm đi kinh lý tại địa phương nọ, Tâm được các nhân sĩ ở đây tặng một bức hoành (1) sơn son thiếp vàng viết bốn chữ Hán: Đại điểm quần thần” (Có nghĩa là “Một bầy tôi lớn nhất, ở điểm nhất, có thể hiểu là thủ tướng”).

Các nhân sĩ ra về, vốn là tay hay chữ, Tâm vừa ngồi hút thuốc vừa nghĩ ngợi, chợt hắn quăng thuốc xuống đất, miệng lẩm bẩm:

 – Láo thật, quân hỗn láo thật! Dám chơi xỏ ta!

Sự thể là ngài thủ tướng vừa hiểu ra “Đại điểm” là chấm to, nói lái ra là “Chó Tâm”. Còn quân thần có nghĩa là bầy tôi, nói lái ra là “Bồi Tây”. Thật là hết chỗ nói, lại kêu đích danh quan lớn ra mà chửi.

Khỏi phải nói ai cũng biết là dân chúng và các nhân sĩ tiến bộ phải khốn khổ như thế nào với cái chấm to này.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sđd)

(1) Hai chữ, ba chữ, bốn chữ lớn đề trên cổng hay treo ở phòng khách; viết ngang gọi là Hoành phi hay gọi tắt là Hoành, viết dọc gọi là Trướng.

error: Content is protected !!