Sự tích tảng đá Hầm Hinh

Sau nhà một ông thầy thuốc già cuối xóm – phía trên vò đá dựng – đến nay vẫn còn tảng đá chông chênh to và dài hơn chiếc giường ngủ một người, nằm giữa bãi đá trắng mốc, phẳng lỳ.

Hồi xưa, khi tảng đá từ trên chóp núi mới lăn xuống tới triền đá này, nó lớn hơn chiếc ghe chài chở lúa, có mặt phẳng và góc cạnh vuông vắn như tảng nước đá bây giờ. Và bây giờ, tảng đá ấy mòn lẳng, bụng ghếch lên một hòn đá nhỏ, nhìn xa tương tự chiếc cầu thăng bằng trong vườn chơi các em bé.

Doi núi nơi đây nhoài ra gần chi mép đồng, con lộ nhỏ sát chân núi đá. Bước qua bờ lộ là những lối mòn, những bãi cỏ xanh mù. Bầu trời trải ra phía trước mênh mông. Những đàn chim chiều giăng hàng bay thong thả. Lác đác những bóng cây đen sẫm như dáng người đứng đợi phía đồng xa. Và rặng Thất Sơn kéo dài một màu tím sẫm đến chân mây. Mùa nước lớn chân lộ dềnh dềnh bóng nước. Nước dâng tràn đồng bãi trông giống đại dương. Buổi chiều hết nắng vồ đá Hầm Hinh nhô lên khỏi ngọn cây rừng, bãi đá thênh thang mời mọc những ai muốn ngồi trên đá ngắm hoàng hôn tím đỏ, ngắm chân trời ùn lên những vầng mây xanh thẫm, chốc chốc biến đổi những hình thù quái dị.

Không mấy buổi chiều tạnh ráo bãi đá vắng người. Các cụ già trầm ngâm nhìn vào quá khứ, người trung niên tìm chút thư thái trong gió ngàn, trẻ nhỏ dõi theo từng đàn chim xanh xòe cánh giữa bao la, từng đàn cò trắng duỗi thẳng chân bay về núi, đáp xuống những vòm cây.

Người ta ngồi rải rác xung quanh tuyệt nhiên không ai dám để chân lên tảng đá Hầm Hinh. Người lớn ai ai cũng hiểu điều cấm kỵ ấy. Lũ trẻ thì coi nó như những tảng đá bình thường.

Hễ thấy đám trẻ kéo lên chạy loanh quanh bãi đá những người có tuổi thường dặn đi dặn lại mãi một câu: “Không đứa nào được leo lên tảng đá, nghe chưa!” Lời dặn nghiêm trang mang theo ít nhiều đe dọa. Đám trẻ có đứa nhát gan sợ chết, có đứa táo tợn như anh em nhà Bảy Dân chẳng coi lời dọa có nghĩa lý gì.

Một hôm chờ người lớn về xóm cả, hai người anh em con nhà Bảy Dân trèo lên đầu tảng đá không cao, đầu kia tự đà phát ra những tiếng hầm … hinh, hầm … hinh rất thanh và ấm, nghe tiếng âm âm như tiếng vang từ đáy núi, đám trẻ nhỏ đứng coi thích thú cái âm thanh vừa lạ lùng vừa quyến rũ thong thả nhịp nhàng, lan dần trong hẻm núi rất xa.

Đột nhiên cả xóm náo động, xôn xao. Những ông già, bà lão ra khỏi nhà, nháo nhác ngó lên núi trân trân. Nhiều người hớt hãi chãy lên triền đá.

 – Đứa nào? Đứa nào dám đánh động đất động đai. Muốn chết hả? Muốn giết cả xóm hả? Trời ơi! Chết cả xóm rồi!

Anh em nhà Bảy Dân sợ quá chạy biến lên rừng. Hai đứa khôn hồn chạy trước, nếu những người này tóm được, chắc chắn chúng nó no đòn.

Tối hôm ấy, nhà nhà thắp nhang đèn sáng ánh trước sân. Những cụ già lâm râm khấn vái, cầu xin thần linh tha cho dân xóm cái tội lỡ dại xúc phạm đến vật thiêng liêng. “Nhứt phá sơn lâm …”, tội đáng chết đối với con người là tội phá núi phá rừng. Núi rừng là của cải, kho tàng quý giá mà “Đấng thiêng liêng” vô hình đã tạo ra từ thuở chưa có loài người. Từ thuở sống trần truồng trong hang đá, ăn thịt sống thú rừng, lấy đá ném trái cây mỗi lúc muốn ăn, cho đến khi biết dựng mái lều, biết nhen ngọn lửa. “Đấng thiêng liêng” bao giờ cũng ưu đãi con người, muốn ăn trái, có cả rừng cây vàng chín mọng. Thích ăn thịt, thiên nhiên đã nuôi sẵn biết bao đàn thú, bầy chim. Sống trong hang đá oi nồng, thiên nhiên gọi gió đến từ biển ra, gọi nước xối tuôn từ bầu thời cao thẳm. Muốn làm đẹp, thiên nhiên sinh sôi cho con người biết bao ngọc vàng vất giấu trong đường gân thớ thịt, trong tim gan của núi.

Kẻ nào phá núi phá rừng ” Đấng thiêng liêng” không hề dung thứ mà phải trừng trị bằng hình phạt thảm khốc vô cùng.

“Nhứt phá sơn lâm”, tội lớn nhất trong mọi tội lỗi của con người đối với ai dám làm phiền, dám gây cho núi rừng phẫn nộ. Vậy mà một chàng trai tham lam, ngổ ngáo dám cãi lời cha mẹ, bất kể uy linh cao cả của núi rừng.

Ngày ngày hắn lặng lẽ vác dao, cầm búa leo núi luồn rừng. Gã đi đến đâu, cây cối gãy đổ tan hoang đến đó. Lưỡi dao to, bén ngót trong tay hắn không nề cây con cho đến cội già. gã phạt phăng phăng cây cối để mở lối đi, dọn sạch nhựng nơi hắn đục moi lòng đá. Gã tìm vàng, ngọc và kim cương.

Không biết kẻ nào đã xúi khôn cho hắn? Rằng trái núi này toàn là đá hoa cương. “Đấng thiêng liêng” đã luyện đất đá tầm thường bằng triệu triệu năm bao bọc cái kho tàng vàng ngọc để cho những kiếp người hàng triệu năm sau tìm thấy trang điểm huy hoàng lộng lẫy. Và “Đấng thiêng liêng” cũng đã tiên kiến được rằng trong bầy người – càng về sau – không ít kẻ tham lam, đê tiện. Ngài phán truyền cho những vị mang ngọc, vàng đi giấu, không để tất cả vào một nơi, mà đặt rải khắp trong lòng núi. Sau này, lấy được vật quý giá ấy ra không phải tay kẻ tầm thường, tham vọng mà phải có bàn tay khéo léo của người cần mẫn, chắt chiu và tâm hồn trong sáng.

Gã con trai ham muốn sang giàu, đam mê cuộc sống vương giả riêng mình, lao vào cuộc truy tìm vàng ngọc không biết mỏi. Hắn phá núi bạt rừng khắp chỗ như dại như điên, không sao dừng lại được. Ngày nào hắn cũng trèo núi, băng rừng, chặt cây, đục đá. Những cánh rừng thăm thẳm rộn ràng tiếng chim, thơm lừng mùi trái chín, chẳng mấy chốc ngổn ngang cành héo, lá khô và thân cây đầy rẫy vết sẹo, trông thảm hại như da mặt người mắc bịnh đậu mùa. Trái núi lồng lộng, uy nghiêm những chiều gió mát, những đêm trăng vằng vặc các vị tiên hạ xuống chót núi mùa hát, đánh cờ đã trở thành trái núi lở lói, tật nguyền, không còn chỗ nào lành lặn.

Cha mẹ hắn cản ngăn, hàng xóm người một câu khuyên nhủ hắn. Họ dẫn ra bao nhiêu chuyện, bao nhiêu gương người bị thần linh trừng phạt về tội phá núi, phá rừng gây đổ vỡ trong thiên nhiên. Hắn có đếm xỉa đến lời ai đâu. Lòng tham vô độ, cuồng vọng vô bờ – hắn sẽ thành một đại phú gia, giàu sang tột bực xứ này – khiến hắn cứ lao vào cuộc tàn phá rừng như con trâu điên phá làng xóm. Ngày nào núi rừng cũng dội vang tiếng úa đục chan chát, tiếng cây gãy đổ ào ào. Có hôm trời tối mịt hắn mới về tới nhà, người mệt mỏi đến rã rời.

Một buổi chiều, khi những tia nắng vàng như mật vừa tan, các vị tiên ông đang ngồi nhấp rượu, đánh cờ bên tảng đá vuông dài lấp lánh tinh thể vàng đó. Thỉnh thoảng cao hứng, tiên ông cầm gậy trầm hương gõ nhẹ vào phiến đá, một âm thanh kỳ ảo ngân lên như tiếng đàn vọng lên từ quá khứ xa xăm. Đột nhiên, tiếng búa đục vang vang làm cho các vị tiên ông ngạc nhiên, bực bội. Kẻ nào dám ngang nhiên quấy phá cảnh tĩnh mịch rừng núi về chiều? Ba nàng tiên hầu vâng lời phán bảo của tiên râu trắng dài tới bụng, hóa ra ba con bướm vàng, bướm trắng, bướm nâu bay xuống trần coi kẻ nào làm náo động rừng núi chiều hôm.

Một lát, ba nàng tiên bướm bay về, kể rõ đầu đuôi chuyện gã con trai nghênh ngang phá nú, không nghe lời phải, chẳng nề người già, bất tuân lời khuyên răn cha mẹ. Hắn còn ngỗ ngược thách thức các vị tiên ông.

Hắn nói:

 – Các vị quá cỗi rồi, già nua hơn cây dương già trên đỉnh núi. Còn làm gì được ngoài rượu với cờ.

Hắn còn tự huyễn hoặc, tự tôn mình là người của hôm nay, các vị là lớp người của quá khứ, lỗi thời.

Tiên ông giận lắm, cầm cây gậy trầm hương nhịp nhịp lên phiến đá.

 – Thằng ranh con quá lắm! Mới nứt mắt đã muốn đạp đổ tông đường. Chân đi chưa vững tay chưa nhấc nổi bàn cờ đã đòi vào dĩ vãng thẳm sâu để khai quật kho tàng bảo vật giấu kín triệu triệu năm dưới tảng đá rắn. Một mình nó muốn chiếm cả tài sản của mọi người …

Mắt tiên ông long lanh, khát khao trừng phạt:

 – Hỡi nữ chúa quyền lực mênh mông! Hỡi thần núi vô cùng rắn rỏi” Hãy lấy cây ngàn bủa vây chặt núi, lấy đá chặn kín mọi nẻo rừng, bắt cho được gã con trai ngang tàng, hỗn láo đem đến cho ta.

Tức thì núi rừng chuyển động, cây chạy vù vù, đá lăn lông lốc, cát bụi mù trời. Chim chóc bay tủa, tủ cánh xuống khắp nơi, thú rừng chạy loạn vào khe sâu, hang hóc. Gã con trai ngổ ngáo không còn chỗ chạy, run rẩy đứng trân trên bãi đá.

Từ đỉnh “sân tiên” vị tiên ông nghiêm trang phán hỏi.

 – Hỡi kẻ ngông cuồng kia! Yêu quái nào khiến ngươi giày xéo núi rừng, làm cho cây đá tả tơi, rách rưới! Ngươi có biết ngang nhiên phá núi, phá rừng là ngươi đã xúc phạm uy quyền thần núi, tội lỗi với chúa rừng, bất nhơn với mọi người đang sống với ngươi?

Đến phút chết kế bên, gã con trai ngông vẫn còn dối trá.

 – Xin ngài hiểu cho lòng dạ ngay thẳng của kẻ khốn nạn này. Xin ngài bớt cơn phẫn nộ! Tôi muốn tìm lấy kho tàng vàng ngọc đem chia cho tất cả mọi người …

Tiên ông hất ngược chòm râu, dằn giọng.

 – Cả đến ta, bậc thiên tiên, ngươi vẫn dám dối lừa. Ngươi chẳng sợ phạm tội với trời đất, không vâng lời cha mạ, chẳng nghe hàng xóm, sỗ sàng với tiên nữa, bất lễ với tiên ông. Ngươi tưởng trong tay cây búa với đầu óc điên rồ vì tham vọng ngươi có thể khảo núi nhả ra cho ngươi châu báu, ngọc vàng! Tính ích kỷ, lòng tham, bộ óc ngu đần chỉ đem lại đổ nát cho núi rừng, và tai họa cho người sống, cho cả bản thân ngươi. Tội lỗi lớn lao này ngươi phải chịu trừng phạt kiếp kiếp đời đời.

Dứt lời tiên ông giơ gậy trầm hương chỉ vào trán gã trai, tức khắc gã biến thành hòn đá nhỏ chơ vơ trên bãi đá. Tiên ông trở gậy hất nhẹ tảng đá bên chân, tức thì tảng đá vang lên một tiếng trong và thanh, nhảy tâng tâng qua từng vồ đá, qua khe, qua hẻm hóc. Mỗi lần va chạm đá phát ra từng tiếng hầm … hinh … hầm … hinh đều đặn.

Phiến đá lăn đột ngột dừng lại. Theo cái phất tay của vị tiên râu dài, phiến đá từ từ trườn lên hòn đá nhỏ như thân cây cổ thụ đè xuống chồi non. Hòn đá nhỏ quằn quại kêu la từng lúc dưới sức nặng ngàn cân. Mỗi cơn giãy giụa của hòn đá nhỏ tội lỗi, tảng đá thần khua lên những tiếng hầm … hinh ầm ầm rền khắp núi.

Có người nói, torng cơn thịnh nộ, tiên ông đã dứt phiến đá ấy từ chiếc đàn thần tung ra trừng phạt gã con trai tham lam và hỗn láo, bất kể cha mẹ, tự mình phá núi.

Cái đáng sợ là gã không chết hẳn mà hóa thành hòn đá nhỏ đời đời kiếp kiếp gánh chịu sức nặng khủng khiếp của phiến đá thần.

(Theo Mai Văn Tạo)

error: Content is protected !!