Sự tích sông Nhà Bè

(hay là truyện Thủ Huồng)

Ngày xưa ở Gia Định có một người tên là Võ Thủ Hoằng, dân chúng thường gọi là Thủ Huồng. Hắn xuất thân là thơ lại. Trong hai mươi năm luồn lọt trong các nha, các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng. Nhờ đó, hắn vơ vét biết bao nhiêu là tiền của. Vợ chết sớm, lại không có con cho nên tiền bạc của hắn không biết tiêu đâu cho hết. Ngoài số chôn cất hắn còn đem tiền tậu ruộng làm nhà và cho vay lãi. Ruộng hắn có bay thẳng cánh, mỗi mùa thu hoạch kể hàng ngàn giạ lúa.

Khi thấy cuộc sống quá thừa thãi, hắn bèn thôi việc về nhà, sống cuộc đời trưởng  giả.

Một hôm có người mách cho Thủ Huồng biết chợ Mãnh Ma ở Quảng Yên là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau vào nửa đêm ngày mùng Một tháng sáu hàng năm. Thủ Huồng là người rất yêu vợ. Tuy vợ đã chết ngoài mười năm, nhưng hắn không lúc nào quên. Hắn quyết đi tìm vợ, nên giao nhà cửa lại cho người bà con, rồi lên đường tìm ra Quảng yên.

Khi gặp vợ, Thủ Huồng không dám hỏi vì thấy vợ ăn mặc rất đài các. Sau cùng người đàn bà ấy cũng nhận ra được chồng. Thủ Huồng mừng quá, vội dắt vợ ra một chỗ kể cho vợ nghe cảnh sống của mình từ lúc âm dương cách biệt. Rồi hắn hỏi vợ:

 – Mình lâu nay làm gì?

 – Tôi làm vú nuôi trong cung vua. Cuộc đời tôi không có gì đáng phàn nàn. Tôi có một gian nhà riêng ở trong cung vua và cái ăn, cái mặc cũng được cáp đủ.

Thủ Huồng muốn theo vợ xuống âm phủ chơi. Vợ đồng ý.

Thủ Huồng và vợ cùng đi. Qua mấy dặm đường tối mịt chả mấy chốc đã đến cõi âm. Hắn rùng mình khi lọt qua bao nhiêu cổng trước lúc vào trong diêm đình. Ở mỗi cổng đều có một tên quỷ gác cổng, mặt mày gớm ghiếc, dữ tợn. Nhờ có vợ nên chỗ nào cũng lọt qua được. Đến một gian nhà thấp, vợ bảo chồng:

 – Đây là nhà bếp, đằng kia là ngà ngục, trước mặt là cung hoàng hậu, chỗ tôi túc trực hàng ngày. Qua khỏi chỗ đấy là cung vua. Cứ ẩn tạm trong buồng vắng này vì không thể lên buồng tôi trên kia được.

Chiều hôm đó, người vợ đi hầu hoàng hậu về, trao Thủ Huồng một tờ lịnh được phép đi xem mọi nơi trừ cung vua và hoàng hậu.

Hắn dạo quanh đây đó, rồi đến nhà ngục. Tiếng kêu khóc, tiếng thét la ở trong ngục vang dội làm cho hắn bồn chồn. Qua mấy nơi quỷ sứ mổ bụng, móc mắt, cắt tai, … hắn thấy quả nơi đây là nơi trả báo những tội lỗi của con người ở trần thế, đúng như lời đồn của người đời.

Sau cái bàn xẻo thịt là cả một kho gông. Trong đó có một cái gông đặc biệt: nó vừa to vừa dài làm bằng những thanh gỗ lớn. Thủ Huồng lân la hỏi người cai ngục:

 – Thứ gông này để làm gì?

 – Để chờ một thằng ác nghiệt ở trần gian xuống đây, bao nhiêu cái gông này đều có chủ cả. Cứ xem gông to hay nhỏ thì biết tội ác của nó.

Thủ Huồng lại hỏi:

– Thế cái gông to đó là của ai?

Cai ngục giở luôn cuốn sổ ra tra tên, và chỉ vào hàng chữ đọc: “Võ Thủ Hoằng, tục danh là Thủ Huồng, nguyên quán Đại Nam Quốc, Gia Định tỉnh, Phúc Chính huyện …”

Nghe nói đến tên mình, Thủ Huồng giật mình, mặt xám ngắt. Lát sau, hắn lấy được bình tĩnh. Hắn hỏi tiếp:

 – Hắn ở trần gian có tội gì?

Cai ngục nhìn vào trang sổ, và nói:

 – Khi làm thơ lại hắn bẻ mặt ra trái làm bao nhiêu việc oan nghiệt đến nỗi tội ác hắn chép kín cả mấy trang giấy đây. Ngài nghe tôi đọc này: Năm Ấy Sửu hắn sửa hai chữ “ngộ sát” thành “cố sát” làm cho hai mẹ con Thị Nhàn bị chết để cho người anh họ chiếm đoạt gia tài. Việc này Thủ Huồng được mười nén vàng, mười nén bạc và một trăm quan tiền. Cùng năm đó, hắn làm cho ông Ngô Loại ở thôn Bình Ca bị hai năm tội đồ chỉ vì trong nhà có cái áo vải vàng để đoạt không của ông ta mười hai mẫu ruộng. Năm …

Thủ Huồng sợ tái mặt, không ngờ nhứt nhứt mỗi việc từ nhỏ đến lớn của mình trên trần gian, dưới này đều rõ mồn một. Thủ Huồng ngắt lời, hỏi lảng sang chuyện khác:

 – Thế vợ hắn có đeo gông không hở ông?

 – Ồ! Ai làm người nấy chịu chứ! Vợ hắn nghe đâu là người tốt, đã xuống đây rồi?

Thủ Huồng lại hỏi gặng:

– Ví thử hắn muốn hối cải có được không?

Cai ngục đáp:

 – Đã vay thì phải trả! Nếu hắn muốn thì phải đem những thứ của cải đã cướp được bố thí cho hết đi.

Từ biệt cai ngục, tới những nơi tra khảo tội nhân khủng khiếp, Thủ Huồng không còn bụng dạ nào để đi xem nơi khác nữa. Vợ nghe chồng đòi về, lại đưa chồng ra khỏi diêm đình, và tiễn chồng đến khoảng đường tối tăm mịt mù. Lúc sắp chia tay, hắn bảo vợ.

 – Tôi về trang trải công nợ, có lẽ ba năm nữa tôi lại xuống. Mình nhớ lên chợ đón tôi nghe.

Về đến Gia Định, Thủ Huồng mạnh tay bố thí. Hắn tập họp người nghèo khổ trong vùng lại, phát cho họ tiền, lúa. Hắn đem ruộng đất của mình cúng cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm. Hắn mời hầu hết sư sãi các chùa quanh vùng tới nhà mình cúng cơm, tốn kém kể cả tiền vạn. Cứ như thế ba năm, Thủ Huồng tính ra đã phá tán được ba phần tư cơ nghiệp, nhớ lại lời hẹn, hắn lại khăn gói lên đường đến chợ Mãnh Ma. Ở đây, hắn lại chờ vợ đưa xuống cõi âm một lần nữa.

Lúc này, mục đích chánh của Thủ Huồng là đến chỗ cũ xem lại cái gông. Trở lại nhà ngục, Thủ Huồng thấy quang cảnh vẫn như cũ. Lão cai ngục vẫn là lão cai ngục ba năm về trước. Duy chỗ kho để gông thì có ít nhiều thay đổi. Bên cạnh những cái còn nguyên hình như xưa, lại có những cái trước nhỏ nay lại lớn lên. Đặc biệt cái gông dành cho chính mình thì bây giờ treo lại nhiều, tuy còn to hơn cái gông thường một tí. Thủ Huồng lân la hỏi cai ngục:

 – Cái gông to để nơi này trước kia tôi nhớ hình như to lắm thì phải!

 – Đúng đó, có lẽ gần đây trên dương thế, thằng cha ấy biết chuộc lỗi, nên nó đã nhỏ lại. Nếu hắn cố gắng nữa, thì rồi sẽ có phúc lớn.

Thủ Huồng trở về trần gian, và trở về Gia Định. Hắn lại tiếp tục bố thí. Lần này, hắn bán tất cả những gì còn sót lại, kể cả ngôi nhà để ở. Hắn đến Biên Hòa dựng một ngôi chùa lớn để cúng Phật. Rồi hắn xuôi sông Đồng Nai để làm một việc nghĩa cuối cùng. Hồi đó từ Đồng Nai về Gia Định phải đi đường sông. Ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, lúc đó còn hoang vu, chưa có ai đến ở. Do vậy ghe thuyền qua lại lỡ con nước phải dừng lại, nhưng ở đây không có quán xá, chợ búa nên rất bất tiện.

Thủ Huồng quyết định ở lại đây. Hắn kết một cái bè lớn, trên bè có dựng nhà, có đủ chỗ nghỉ, có sẵn nồi niêu, đồ dùng, gạo củi và mắm muối. Những thứ ấy hắn dùng để tiếp rước, người qua lại nhất là những người khốn khó lỡ đường, hắn cho họ trú ngụ tại bè của mình năm ba ngày, mà không nhận của ai mộc cắc bạc. Hắn làm công việc đó mãi cho đến ngày hắn chết.

Ngày nay ở Cù Lao Phố (tỉnh Đồng Nai) còn có một ngôi chùa tương truyền do Thủ Huồng lập, mang tên chùa Thủ Huồng. Con rạch chảy ngang qua đường Tân vạn vòng lên Quốc lộ 1 do chính Thủ Huồng vét, nên gọi là rạch Thủ Huồng; chiếc ầu đá gần sông Đồng Nai đi Tân An cũng được gọi là cầu Thủ Huồng vì cầu được chính ông ta bắc, và chỗ ngã ba sông Đổng Nai và sông Sái Gòn được gọi là sông Nhà Bè để ghi nhớ lòng tốt của Thủ Huồng đối với khách qua lại trên sông đó.

error: Content is protected !!