Rạch Trâu Trắng đổ nước vào sông Tiền thuộc địa phận xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh.
Tương truyền, xưa kia có đôi vợ chồng nông dân, tên là Năm Hưng sống trong vùng, tính tình chất phác, gia cảnh nghèo khó, nhưng rất giàu lòng nhân từ bác ái, thường hay giúp người lỡ đường trái bước, kẻ tật nguyền. Lối xóm có ai tối lửa tắt đèn, bác hết lòng giúp đỡ. Với lòng nhân hậu và rộng rãi như vậy nên bác chiếm được cảm tình của hầu hết dân làng.
Một năm nọ, bác Năm Hưng cấy lúa ở phần đất ven sông Tiền, nhờ đất phù sa nên lúa tươi tốt, bác vui mừng, nói với vợ.
– Năm nay, trời cho trúng lúa, chắc đủ ăn quanh năm nhà mình khỏi phải làm mướn khó nhọc.
Một buổi sáng, bác ra thăm đồng thấy lúa bị trâu ăn mất một vạt dọc theo bờ sông, lại còn bị giẫm nát. Nhìn đám lúa xơ xác, lúa ngã rạp, bác Năm ngậm ngùi ứa nước mắt. Nhưng vốn tính trầm tĩnh và lòng nhân từ, tuy tiếc của nhưng không hề chửi đổng hay xiên xỏ. Bác tin rằng không ai nỡ phá hoại đám lúa của bác mà chỉ vì rủi ro, chắc là trâu của ai bị đứt dây đến ăn lúa mà chủ không hay. Nghĩ vậy bác yên trí trở về nhà.
Qua hôm sau, bác thấy lúa bị trâu ăn nhiều hơn. Lo lắng cho sự thiếu hụt của gia đình, bác ngửa mặt lên trời than thở. Bác nghĩ có ai cố tình phá hoại, chứ không lẽ cứ để trâu đứt dây mãi thế này? Bác để tâm theo dõi bắt cho được, coi trâu của ai.
Tối đến, bác ra ruộng ngồi chờ. Chờ mãi, sốt ruột mà không thấy bóng dáng con trâu nào cả. Bác định trở về, bỗng thấy một con trâu trắng xuất hiện từ mé sông ăn cỏ dọc theo bờ. Bác nghĩ bụng là trâu của đứt niệt, nên định nắm dây vàm đem về nhà cột, sáng trả lại chủ nó, kẻo người ta mất công tìm kiếm. Bác rón rén tới gần. Trâu giựt mình hoảng sợ chạy lồng xuống sông mất dạng. Bác cho rằng từ nay về sau trâu sợ không ăn lúa nữa. Nào ngờ, ít bữa sau, bác ra thăm ruộng, lại thấy lúa bị trâu ăn gần một công. Bác vừa tức mình vừa nghi ngờ con trâu ngày. Một lần nữa bác quyết bắt cho kỳ được con trâu lạ. Tối đến bác rình, thấy đúng là con trâu trắng hôm trước. Lần này, bác cẩn thận hơn, đi thiệt êm từ phía sau tới, định chạy thiệt mau để nắm dây vàm mũi. Nhưng con trâu này không xỏ mũi. Không biết làm sao để bắt nó nữa, bác làm liều dùng hai tay nắm chặt đuôi trâu và là lên.
– Bớ người ta bắt trâu hoang! Bắt trâu hoang, bớ ngươi ta!
Con trâu giựt mình nhảy đùng xuống nước, bác Năm Hưng không đủ sức giữ nó lại, còn bị kéo luôn xuống nước. Bác định buông tay ra, nhưng nó chạy nhanh quá, và lạ lùng thay, khi nó chạy tới đâu thì nước vẹt ra hai bên như đang chạy trên bãi cát. Thất vậy, bác nắm chặt đuôi trâu mà đi theo.
Bỗng trâu dừng lại, còn đương bàng hoàng ngơ ngác thì có bàn tay đặt nhẹ lên vai bác, ngoái lại thấy ông già tóc bạc phơ, đứng nhìn bác với cặp mắt hiền từ.
Bác Năm liền lễ phép hỏi.
– Thưa ông, có phải ông là chủ con trâu này không?
Ông già điềm tĩnh đáp.
– Phải, nhưng sao người nắm đuôi nó đến đây?
– Thưa ông, con trâu này ăn hại lúa của tôi nhiều quá, tôi định bắt cột lại rồi trả cho chủ, nhưng nó chạy xuống sông thành ra tôi cah5y theo đến đấy.
– Thế! Tội nghiệp không, nó ăn như vậy người định bắt thường bao nhiêu?
– Thưa ông, gia đình tôi nghèo, chỉ nhờ vào đám ruộng để sống, nay trâu của ông ăn quá nhiều, nhà ông dư dả xin ông cho ít lúa để ăn.
Ông già vui vẻ bảo.
– Tiền thì lão dư dả nhiều, nhưng ngặt nỗi nhà lão xa lắm, nên đem lúa bồi thường cho người thì lâu lắc, mà lại tốn công. Thôi, lão thường cho người bằng cách khác vậy.
– Dạ thưa ông, tôi đến đây là nhờ nắm đuôi con trâu, bây giờ không biết làm sao về được.
– Thôi được, để lão đưa người về.
Ông lão dẫn trâu đi trước, bác Năm Hưng theo sau, chỉ một lát là đến bờ sông. Ông già biểu bác Năm.
– Lão nói cho người biết, lão đây không phải là người trần gian, mà là người của thượng giới, thấy ngươi tu nhơn tích đức, ăn ở hiền lành, lại hết lòng thương người, nên mở lòng thương xuống giúp người trở thành giàu có để làm gương cho hậu thế. Vậy, khi đã có tiền của, người nên ăn ở như trước đây, cư xử tốt với xóm làng, phải ban ơn và làm chuyện lành, khuyên nhủ mọi người ăn ở hiền lành sẽ được trời phật phù hộ làm ăn phát đạt, kẻ nào gian ác sẽ bị trừng phạt. Đây lão cho ngươi sợi lông đuôi của con trâu trắng này, hằng ngày ngươi để nó trong mình, xuống sông tìm kiếm của quý đem bán và bắt tôm cá mà ăn … Hãy nhớ làm theo lời lão dặn, ngược lại thì sợi lông trâu sẽ bay mất. Nếu làm đúng theo lời lão dặn, khi nào người giàu có, lão sẽ lấy sợi lông trâu lại.
Nói xong, ông già bèn lên lưng trâu chạy xuống mất dạng. Bác Năm liền quỳ xuống tạ ơn trời phật, rồi đem sợi lông trâu trắng về nhà.
Về đến nhà, bác thuật lại chuyện cho cả xóm nghe không giấu giếm điều gì. Từ đó, hàng ngày bác xuống sông tìm các vật báu và tôm cá đem bán. Chẳng bao lâu bác Năm Hưng trở nên giàu có, con cái khôn ngoan lễ phép. Gia đình bác thường cưu mang giúp đỡ kẻ nghèo khổ, tật nguyền.
Do sự tích trên, nên rạch Phong Mỹ hiện nay còn có tên là rạch Trâu Trắng.