Sự tích ông thần không đầu

Ở làng Lý Nhơn (huyện Duyên Hải, Tp. Hồ Chí Minh) ngày nay vẫn còn một ngôi đình thờ một vị thần gọi là “Thần không đầu”. Thần Không Đầu lúc còn sống tên là Dương Văn Hạnh (Sáu Hạnh).

Xã Lý Nhơn xưa là một khu rừng hoang vu chưa có tên. Tục truyền có một người họ Lý tên Nhơn đến đây khai phá qui tụ dân cư. Đến lúc chết ông Nhơn vẫn không có con nên dân làng lấy tên ông đặt tên làng để tưởng nhớ “người khai thiên lập địa”.

Năm 1863, khi Trương D)ịnh rút quân từ đám lá tối trời về Lý Nhơn, ở đây đã có dân cư có chính quyền tự quản. Ông Trương Thế Đường làm xã trưởng, ông Dương Văn Hạnh là phó xã trưởng và ông Cả Hành là người đứng ra cáng đáng việc chung của xã. Ông Dương Văn Hạnh trở thành tay chân thân tín của Trương Định, chuyên lo việc hậu cầu trong thời gian nghĩa quân còn ở đây. Khi giặc Pháp tràn về, chúng bắt ba ông về tội có liên quan tới nghĩa quân. Về sau ông Cả Hành bị đày ra côn đảo, ông Trương Thế Đường bị mất tích, còn ông Dương Văn Hạnh giặc Pháp đưa về Sài Gòn một thời gian ngắn hứa phong quan tiến chức nếu ông đồng ý chỉ chỗ Trương Định. Ông quyết không chỉ. Ông bảo:

 – Ta thà chết chớ không để giặc bắt ông Định. “Sinh vi quân, tử vi thần”.

Thuyết phục mãi không được, giặc Pháp đưa ông về Lý Nhơn xử tử để thị uy. Chúng dùng thân the chẻ đôi kẹp vào cổ ông, rồi chém đứt đầu, quăng xác xuống sông. Dân làng tìm vớt xác ông đem về chôn tại khoảnh đất phía trong chỗ ông bị chém và sau đó xây mộ bằng đá. Ông Hạnh không có con nhưng đến nay vẫn có người trông coi mồ mả, hương đèn tử tế. Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Trương D)ịnh, giặc Pháp rút đi, dân tình xã Lý Nhơn không ổn định. Người già đi tìm thầy xem đất. Một thầy địa lý không hiểu vì mê tín hay vì cảm thương người vì nước quên thân đã bảo rằng:

 – Đất Lý Nhơn đã có chủ, nhưng hiện nay chưa ổn định vì người chủ mất đầu còn đi lang thang chưa có nơi yên nghỉ. Người làng cần xây đình để thờ ông Dương Văn Hạnh.

Nhân dân xã Lý Nhơn góp tiền xây đền thờ, nhưng phải giấu tên ông Sáu Hạnh mà gọi là “Ông thần không đầu”. Ngôi đền đặt ngay chỗ ông Sáu bị chém, ngày nay gọi là Bến Đình là do vậy. Lâu ngày đất lở, ngôi đình có nguy cơ lở theo nên phải dời đi nơi khác.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng Sđd.)

error: Content is protected !!